Tin khắp nơi – 02/08/2019
Trump đánh thêm thuế vì Trung Quốc câu giờ?
Sự bất mãn với tiến độ chậm chạp và thái độ ‘chờ thời’ của Trung Quốc trong đàm phán là lý do chính khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên toàn bộ số hàng hóa còn lại chưa bị đánh thuế của Trung Quốc bất chấp thỏa thuận đình chiến mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đạt được hồi cuối tháng Sáu, các phân tích gia cho biết.
Thái độ trì hoãn này của Trung Quốc, trái ngược với sự nôn nóng muốn có thỏa thuận của ông Trump, khác hẳn với thời điểm cuối năm ngoái khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp với ông Trump tại Argentina với mong muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại.
Chờ tới sau bầu cử?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 đã bất ngờ tuyên bố ông sẽ áp thuế đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tức là trên thực tế đánh thuế toàn bộ mọi sản phẩm mà người Mỹ mua từ Trung Quốc.
Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer kết thúc hai ngày đàm phán tại Thượng Hải nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện. Cả hai bên mô tả các cuộc đàm phán là mang tính xây dựng và cho biết vòng tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng Chín.
Ông Trump đã nói rằng Trung Quốc có thể sẽ không đồng ý ký một thỏa thuận thương mại với Mỹ cho đến sau cuộc bầu cử năm 2020, một phần vì Bắc Kinh muốn chờ xem liệu ông có tái đắc cử hay không.
Tiến độ đàm phán chậm chạp giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này một phần là do Bắc Kinh áp dụng chiến thuật mới khi họ ngày càng cho rằng chờ đợi có thể đem đến có lợi hơn, tờ Wall Street Journal nhận định.
Khi tới Thượng Hải, phái đoàn Mỹ, do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, hy vọng phía Trung Quốc sẽ cam kết mua một số lượng xác định hàng nông sản Mỹ, những người theo dõi cuộc đàm phán nói với Wall Street Journal.
Bắc Kinh, trong khi tỏ ra sẵn sàng đàm phán, cho rằng họ có thể có được những nhượng bộ tốt hơn bằng cách không vội vàng nhượng bộ, theo nhận định các chuyên gia Trung Quốc và những người được thông báo về vòng đàm phán.
Trung Quốc sẽ phục hồi?
Mặc dù cuộc tranh chấp thương mại kéo dài cả năm với thuế quan trừng phạt áp lên hàng trăm tỷ đô la hàng hóa đã làm trầm trọng thêm sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, nhiều nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tin rằng nền kinh tế đang chạm đáy và sẽ phục hồi trở lại, các chuyên gia này cho biết. Trong khi đó, họ nói thêm, tranh chấp kéo dài có khả năng sẽ là vấn đề nhức đầu đối với ông Trump, vì thuế quan này bóp nghẹt người nông dân và người tiêu dùng Mỹ trong thời gian sắp diễn ra bầu cử tổng thống
“Trung Quốc có thể bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi,” ông Mai Tân Dục, nhà nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc được Wall Street Journal dẫn lời cho biết, “Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi,” ông nói, trong khi kinh tế Mỹ có thể sẽ chậm lại. “Tác động của chiến tranh thương mại giai đoạn đầu ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc nhưng giai đoạn sau sẽ ảnh hưởng nền kinh tế Mỹ.”
Tổng thống Trump hôm 30/7 nói rằng kinh tế của Trung Quốc đang rất tệ và lưu ý Bắc Kinh có thể đang trì hoãn các cuộc đàm phán cho đến cuộc bầu cử vào năm tới để xem ông có thua hay không. “Tuy nhiên, vấn đề của việc chờ đợi là nếu tôi thắng, thỏa thuận mà họ nhận được sẽ khó khăn hơn nhiều so với những gì chúng ta đang đàm phán bây giờ,” ông viết trên Twitter.
Nhà Trắng hôm 31/7 cho biết rằng Trung Quốc đã xác nhận cam kết mua số lượng lớn nông sản Mỹ nhưng không nêu chi tiết. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết phía hai bên đang thảo luận nhu cầu Hoa Kỳ ‘tạo ra những điều kiện thuận lợi’ cho việc mua hàng như vậy.
Bắc Kinh có khả năng trì hoãn việc mua thêm hàng nông sản Mỹ trong khi chờ đợi sự nhượng bộ từ phía Mỹ, cũng theo tờ báo tài chính của Mỹ này.
Điều then chốt trong số các nhượng bộ mà Bắc Kinh mong chờ là nới lỏng lệnh cấm tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei tiếp cận công nghệ của Mỹ. Ông Trump trước đây đã nói rằng các công ty Mỹ sẽ được phép tiếp tục bán hàng cho Huawei như một phần trong thỏa thuận của ông với ông Tập.
Kể từ khi các cuộc đàm phán thất bại vào tháng 5, các quan chức Trung Quốc đã nói rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại cuối cùng nào với Mỹ cũng phải hợp lý về lượng hàng hóa mà Trung Quốc có thể mua và phải dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Sự kiên nhẫn nhiều hơn của Trung Quốc lần này trái ngược với thái độ của Bắc Kinh vào cuối năm ngoái, khi sự suy thoái nhanh chóng trong nền kinh tế khiến ông Tập và các quan chức hàng đầu của ông lo lắng và đẩy họ mau chóng đến bàn đàm phán.
Trong những tháng gần đây, các kinh tế gia và các phân tích gia, theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc, đã đi khắp các tỉnh và xem xét dữ liệu để đánh giá liệu nền kinh tế trong nước có thể chịu được tác động kéo dài của thuế quan Mỹ hay không. Một vấn đề đang được xem xét là tác động tiềm năng của việc các công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Các quan chức nói công khai rằng họ có đủ các công cụ chính sách để giữ cho tăng trưởng ổn định và đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm nay. Tại một cuộc họp quan trọng về chính sách kinh tế hôm 30/8, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản nói rằng các nhà chức trách sẽ tăng cường các biện pháp để giải quyết những thách thức mới trong nền kinh tế.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng kêu gọi các tổ chức tài chính cung cấp gói tín dụng dài hạn cho các nhà sản xuất để giúp ổn định đầu tư. Một thước đo hoạt động trong khu vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng trong tháng 7, mặc dù nó vẫn nằm trong khu vực đi xuống trong phần lớn của năm.
Một số nhà kinh tế tin rằng tình trạng suy thoái của Trung Quốc sẽ xấu đi trong những tháng tới, vì nhu cầu trong nước, đặc biệt là từ các công ty tư nhân, vẫn còn yếu. Những người khác hy vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường chi tiêu và thực hiện các biện pháp khác để hỗ trợ tăng trưởng và việc làm trước lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bất chấp sự tăng trưởng trong tháng 7, nhà kinh tế Larry Hu tại Tập đoàn Macquarie cho biết kinh tế Trung Quốc vẫn đang ở giữa một chu kỳ suy thoái. “Điều tồi tệ nhất chưa xảy ra,” ông nói với Wall Street Journal.
Việc làm là ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo, với các nhà máy sa thải công nhân để đối phó với kinh tế suy giảm trong nước, nhu cầu toàn cầu giảm và tác động thuế quan. Theo ước tính của công ty chứng khoán China International Capital Corp, khoảng 5 triệu công nhân Trung Quốc đã mất việc làm từ tháng 7 năm trước. Con số đó có trước khi Mỹ tăng thuế 10 lên 25% đối với 200 đô la tỷ trong hàng hóa Trung Quốc.
Tác động đến Mỹ
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố áp thêm thuế, Chủ tịch Ủy ban Doanh nghiệp nhỏ của Hạ viện Nydia M. Velázquez thuộc Đảng Dân chủ đã lên án động thái này.
“Cuộc chiến thương mại đang diễn ra đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, buộc nhiều người phải trả một khoản thuế không cần thiết đè trên lưng họ do chính quyền này áp đặt,” bà Velázquez nói trong một thông cáo.
“Ngay bây giờ, vì không thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Tổng thống Trump muốn gia hạn thuế quan đối với gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Một Hành động như vậy làm tăng đáng kể sự bất định trên Phố Wall, đồng thời gây thêm tổn thương cho các doanh nghiệp nhỏ và nông dân Mỹ,” thông cáo viết.
Một số nhà kinh tế và các nhân vật chính trị Hoa Kỳ đã nói rằng cuộc chiến thương mại của Trump đang trở thành một lực cản nghiêm trọng hơn đối với tăng trưởng, theo Washington Post. Đầu tư kinh doanh trong quý hai đã giảm 0,6%, mức tồi tệ nhất trong hơn ba năm và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome H. Powell được Washington Post dẫn lời nói hôm 31/7 rằng sự bất định về chính sách thương mại là nhân tố góp phần làm tăng trưởng toàn cầu yếu đi.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông Gary Cohn, cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói rằng ‘mọi người đều thua trong một cuộc chiến thương mại’. Sự không chắc chắn về thuế quan ngăn các doanh nghiệp đầu tư, trong khi thuế nhập khẩu làm tăng chi phí nhập khẩu các sản phẩm trọng yếu từ Trung Quốc và vô hiệu hóa các lợi ích có được từ gói cắt giảm thuế của ông Trump.
“Khi anh xây dựng thiết bị nhà máy, anh mua thép, anh mua nhôm, anh mua các sản phẩm nhập khẩu và sau đó chúng tôi áp thuế, vì vậy ưu đãi thuế một tay chúng tôi trao cho bạn chúng tôi lại lấy đi bằng tay kia,” ông Cohn nói.
Với thuế quan được áp đặt bởi cả hai bên ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở cả hai nước, sẽ có lúc nào đó hai bên sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, các nhà điều hành doanh nghiệp cho biết. “Hai nước không có lợi ích khi để cho quan hệ đối đầu này kéo dài quá lâu,” ông Eric Zheng, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải, nhận định với Washington Post.
‘Ảnh hưởng người Mỹ không nhiều’
Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California nhận định rằng ‘Bắc Kinh muốn gây thêm khó khăn cho ông Trump để ông ấy thất cử vào năm tới’.
Khi được hỏi tại sao lúc này Bắc Kinh lại không muốn sớm có thỏa thuận trong khi chiến tranh thương mại gây tổn thương nền kinh tế của họ, ông Nghĩa nhận định rằng có khả năng ông Tập ‘đang chịu sức ép từ trong nội bộ’ tại hội nghị Bắc Đới Hà, cuộc họp không chính thức của các lãnh đạo tại chức và kỳ cựu của Trung Quốc hiện đang diễn ra ở một khu nghỉ mát bên bờ biển tỉnh Hà Bắc.
“Nếu ông Tập tỏ vẻ dịu giọng (trước Mỹ) thì ông ấy sẽ bị mất mặt trước các thành phần thủ cựu, cực đoan trong Đảng,” ông nói.
Ông cho rằng Trung Quốc phải tìm cách chịu đựng trong giai đoạn chiến tranh thương mại kéo dài. “Họ phải tìm cách làm sao sinh hoạt kinh tế của họ không lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ,” ông nói.
Ông nói thêm rằng do đặc thù về hệ thống kinh tế-chính trị nên phía Trung Quốc có bị thiệt hại như thế nào thì bên ngoài không biết trong khi ở Mỹ các doanh nghiệp đều ngay lập tức biết được họ sẽ thiệt hại bao nhiêu với mức thuế 10% này, do đó thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống ngay lập tức.
Về tác động đối với người tiêu dùng Mỹ khi đợt đánh thuế 10% này đánh vào tất cả những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của người Mỹ như Iphone, đồ chơi, thiết bị gia dụng… ông Nghĩa cho rằng ‘có ảnh hưởng nhưng không nhiều’.
Ông giải thích rằng mặc dù hàng Trung Quốc sẽ mắc hơn nhưng các nhà nhập khẩu của Mỹ ‘sẽ san sẻ thiệt hại’ bằng cách chịu ít lời hơn để trang trải cho phần thuế quan, do đó chỉ để cho người tiêu dùng Mỹ gánh chịu phần nhỏ. Mặc dù lợi nhuận của họ sẽ giảm nhưng mục đích của họ là giữ cho thị phần không bị ảnh hưởng quá nước.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ có thể tìm hàng hóa thay thế tương tự từ các quốc gia khác không bị đánh thuế, ông cho biết.
Về kinh tế Mỹ, ông cho rằng nhìn chung không ‘bị tác động đến tăng trưởng nhiều’ do ‘có động lực riêng từ gói cắt giảm thuế năm 2017 vốn bơm thêm tiền cho người tiêu thụ’.
“Giới tiêu thụ Mỹ đến nay vẫn tin tưởng, vẫn tiêu xài nhiều hơn,” ông cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-cau-gio-trump-danh-thue/5026221.html
Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa hạt nhân với Nga
Mỹ hôm thứ Sáu 2/8 chính thức rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga sau khi xác định rằng Moscow vi phạm hiệp ước, điều mà Kremlin đã nhiều lần phủ nhận.
Cùng ngày, Nga cho biết họ đề nghị Mỹ tuyên bố và thi hành lệnh cấm tạm thời đối với việc triển khai tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu.
Hiệp ước INF cấm các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km. Việc hủy hiệp ước đồng nghĩa là cả Washington và Moscow đều được tự do phát triển và triển khai các tên lửa như vậy.
“Hoa Kỳ sẽ không còn là một bên tham gia một hiệp ước mà Nga cố tình vi phạm”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố về việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước.
“Việc Nga không tuân thủ hiệp ước gây nguy hiểm cho lợi ích tối cao của Hoa Kỳ khi Nga phát triển và triển khai trên thực địa hệ thống tên lửa vi phạm hiệp ước, thể hiện mối đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi”, ông Pompeo nói.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, đề nghị giấu tên, cho biết Nga đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa hành trình trên khắp nước Nga, là loại vi phạm hiệp ước, kể cả ở miền tây nước Nga, có khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng của châu Âu.
Nga phủ nhận cáo buộc đó, nói rằng tầm bắn của loại tên lửa đó nằm ngoài quy định của hiệp ước.
“Chúng tôi đã đề xuất với Hoa Kỳ và các nước NATO khác rằng họ cân nhắc khả năng tuyên bố một lệnh cấm tạm thời tương tự để áp dụng đối với việc triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung như của chúng tôi, giống như tuyên bố của ông Vladimir Putin”, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov phát biểu và được hãng thông tấn TASS trích dẫn lại.
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga không muốn có một cuộc chạy đua vũ trang và ông đã hứa rằng ông sẽ không triển khai tên lửa của Nga trừ khi Hoa Kỳ làm như vậy trước.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 2/8 bác bỏ đề nghị của Nga về lệnh cấm tạm thời, nói rằng đó không phải là “một lời đề nghị đáng tin cậy”, vì Moscow đã triển khai tên lửa bất hợp pháp rồi, ông nói.
“Không có tên lửa mới của Hoa Kỳ, không có tên lửa mới của NATO ở châu Âu, nhưng ngày càng có nhiều tên lửa mới của Nga”, ông nói.
Một số chuyên gia tin rằng việc hiệp ước bị hủy bỏ có thể làm suy yếu các thỏa thuận khác về kiểm soát vũ khí và đẩy nhanh sự suy yểu của hệ thống toàn cầu được thiết kế để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân.
NATO cho hay họ đã đồng ý về một gói các biện pháp phòng thủ để ngăn chặn Nga. Sự đáp trả này sẽ có chừng mực và chỉ bao gồm vũ khí thông thường, NATO cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/my-rut-khoi-hiep-uoc-ten-lua-hat-nhan-voi-nga/5026459.html
Hiệp ước INF tan vỡ,
Mỹ rảnh tay đối phó Trung Quốc
Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) Mỹ – Nga tan vỡ hôm nay, 02/08/2019. Lý do Washington chính thức đưa ra là Matxcơva đã không phá hủy các vũ khí vi phạm Hiệp ước. Nga lên án Mỹ là thủ phạm gây đổ vỡ. Tuy nhiên, trên thực tế, cả Mỹ và Nga đều không muốn ở lại với Hiệp ước trong tình trạng như hiện nay. Việc rút khỏi INF cho phép Washington triển khai các vũ khí vốn bị INF cấm tại vùng Đông Á, để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc, cũng như gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh tham gia vào một thỏa thuận tên lửa tầm trung mới.
Việc Hiệp ước INF hết hiệu lực đã được hai bên chờ đợi từ nhiều năm nay. Từ năm 2014, Washington đã lên án Nga triển khai các tên lửa 9M729, có tầm bắn 1.500 km, vi phạm INF, không cho phép triển khai các tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km trên bộ, điều mà Matxcơva kiên quyết phủ nhận. Tháng 10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ rút khỏi INF, nếu Nga không tuân thủ Hiệp ước. Chính quyền Nga kể từ đó đã không làm gì để giữ Washington ở lại với INF.
Trên thực tế, Hiệp ước INF cũng bị nhiều giới chức cao cấp Nga lên án là bất công, có lợi cho Washington. Trả lời AFP, chuyên gia độc lập người Nga Pavel Felgenhauer cho biết : « Ngay từ năm 2007, khi Matxcơva rút khỏi Hiệp ước FCE (về vũ khí quy ước tại châu Âu), quân đội Nga và điện Kremlin đã cho rằng INF không phải là một hiệp ước tốt cho Nga ». Tại Matxcơva, vấn đề hủy bỏ Hiệp ước INF với Mỹ lại trở lại mỗi khi có thông tin về việc triển khai một hệ thống hỏa tiễn chống tên lửa mới tại các quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Âu hoặc châu Á. Đối với Hoa Kỳ, đây chỉ là hệ thống vũ khí phòng vệ, nhưng Nga lo ngại các cơ sở hạt nhân của nước này là đối tượng tấn công.
Việc Nga và Hoa Kỳ rút khỏi INF gây nhiều lo ngại về một nguy cơ chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ. Trên thực tế, hai bên dường như đều tỏ ra kiềm chế. Washington thông báo sẽ không triển khai thêm vũ khí hạt nhân tầm trung tại châu Âu.
Về phần mình, Matxcơva đề xuất thảo luận về một số khu vực mà Mỹ – Nga đồng thuận không triển khai hỏa tiễn tầm trung, sau quyết định rút khỏi INF của Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga cũng nhiều lần khẳng định việc phát triển các tên lửa tầm trung mới, nếu có, sẽ không dẫn đến việc tăng chi phí quốc phòng. Chính quyền Nga đối mặt với một thực tế khắc nghiệt là kinh tế Nga tiếp tục chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2014, sau khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraine,
khiến phương Tây áp đặt nhiều trừng phạt kinh tế. Ngân sách quân sự của Nga chỉ bằng một phần mười so với Mỹ.
Trung Quốc : Hệ thống tên lửa tầm trung hùng hậu
Việc Washington rút khỏi INF được giới quân sự Mỹ đón nhận hồ hởi. Phát biểu trước Thượng Viện, ngay trước ngày rút chính thức, tân lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ, ông Mark Esper, nhấn mạnh đến mối đe dọa Trung Quốc tại châu Á, bởi một phần lớn hệ thống hỏa tiễn của nước này thuộc loại tên lửa tầm trung.
Theo nhiều nhà quan sát, cho đến nay, do không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế, Bắc Kinh đã phát triển được một hệ thống hỏa tiễn tầm trung hùng hậu tại Hoa lục, được đánh giá là « tân tiến nhất thế giới », trái ngược hoàn toàn với tình trạng yếu kém của binh chủng tên lửa Trung Quốc vào thời điểm Mỹ – Xô ký thỏa thuận INF năm 1987.
Hàng trăm tên lửa Trung Quốc được bố trí tại miền đông nam nước này, có thể dễ dàng tấn công Đài Loan, hòn đảo dân chủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn, cũng như đặt Nhật Bản và Ấn Độ trong tầm ngắm. Tên lửa Trung Quốc cũng có thể tấn công các đảo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Thomas Mahnken, Trung tâm nghiên cứu chiến lược đại học Johns Hopkins (trong một bài phân tích trên mạng War on the Rocks), đây là thời điểm cho phép đảo ngược lại cán cân lực lượng. Trước Thượng Viện Mỹ, tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng tương lai của quân đội Mỹ cũng ủng hộ quan điểm cần triển khai tên lửa tầm trung tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Theo nhật báo Mỹ New York Times, ngay trong những tháng tới, Hoa Kỳ sẽ trắc nghiệm phiên bản hỏa tiễn tầm trung Tomahawk trên bộ, loạt tên lửa hành trình trên bộ đầu tiên sẽ được triển khai trong vòng 18 tháng tới. Hiện tại, Washington đang tìm kiếm địa điểm đặt hỏa tiễn tầm trung mới. Hàn Quốc được nhắc đến như là một địa điểm hàng đầu có thể tiếp nhận tên lửa Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190802-hiep-uoc-ten-lua-inf-voi-nga-tan-vo-my-ranh-tay-doi-pho-trung-quoc
Giới chức Mỹ: Tập trận Mỹ-Hàn không thay đổi
Hoa Kỳ không có kế hoạch thay đổi một cuộc tập trận với Hàn quốc, một giới chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 31/7 nói, dù có một loạt các vụ phóng phi đạn của Triều Tiên nhằm áp lực để Seoul và Washington ngưng các cuộc tập trận chung.
Quân đội Hoa Kỳ và Hàn quốc dự trù tổ chức cuộc tập trận chung có tên là Dong Maeng vào tháng 8 năm nay. Cuộc tập trận này được biết là một phiên bản nhỏ hơn của cuộc tập trận hàng năm có tên là cuộc tập trận Bảo vệ Tự do Ulchi với sự tham dự của hàng ngàn binh sĩ Mỹ.
Triều Tiên bắn hai phi đạn đạn đạo tầm ngắn hôm 31/7 sau khi đã thử nghiệm hai phi đạn tương tự vào tuần trước làm giảm bớt hy vọng của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Hàn quốc trong việc tái tục cáccuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
“Không có việc điều chỉnh hay thay đổi trong những kế hoạch mà chúng tôi biết hay đang dự trù,” viên chức ngoại giao Mỹ này nói với điều kiện ẩn danh.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu binh sĩ Mỹ tham dự cuộc tập trận trong năm nay, nhưng viên chức này nói cuộc tập trận như thế trong quá khứ sẽ gồm một phần lớn các vụ diễn tập bằng máy vi tính.
“Việc chính yếu bạn muốn thử nghiệm, tập luyện, thực hành là lập quyết định trong một môi trường lập quyết định phối hợp bởi vì chúng ta có một cơ cấu chỉ huy phối hợp,” giới chức này nói.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau vào ngày 30/6 năm nay, nhưng kể từ đó Bình Nhưỡng đã cáo buộc Washington phá vỡ lời hứa bằng cách lên kế hoạch cho các cuộc tập trận và cảnh báo là những cuộc tập trận này sẽ làm chệnh hướng các cuộc đàm phán.
Thông tấn xã nhà nước Triều Tiên KCNA liên tục kêu gọi Hoa Kỳ và Hàn quốc chấm dứt những cuộc tập trận thù nghịch, nhưng không đề cập đến những vụ phóng phi đạn.
Trước đây Hàn quốc đã nói là những cuộc tập trận vẫn tiến hành, bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này phá vỡ một thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim.
Giới chức Mỹ nói: “Chúng ta phải làm hai việc. Chúng ta phải dành cho các nhà ngoại giao môi trường xây dựng để thảo luận khi tái tục các cuộc họp…và chúng ta phải sẵn sàng.”
Bộ trưởng Quốc phòng vừa mới được bổ nhiệm Mark Esper sẽ đến thăm chính thức Seoul lần đầu tiên, mà Ngũ Giác Đài hôm 30/7 nói đã được dự trù là một phần trong chuyến đi thăm châu Á vào tháng 8 năm nay của ông Esper.
Hoa Kỳ lo ngại căng thẳng Nhật-Hàn
trở nên tệ hại hơn
Hoa Kỳ lo ngại là những căng thẳng thương mại và ngoại giao giữa Hàn quốc và Nhật Bản có thể xấu hơn và đang thúc đẩy hai bên cứu xét một “thỏa thuận không hành động” để có thêm thời gian thảo luận, một giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết hôm 1/8.
Những bình luận này được đưa ra một ngày trước khi Nhật Bản có thể tiến hành thực hiện lời đe dọa cắt những thỏa thuận thương mại ưu đãi về công nghệ với Hàn quốc. Các quan hệ giữa hai nước đồng minh của Mỹ xuống ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa các mối quan hệ vào năm 1965.
Hoa Kỳ chưa được yêu cầu làm trung gian hòa giải các tranh chấp, nhưng Ngoại trưởng Mike Pompeo đang gặp Bộ trưởng ngoại giao mỗi nước tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok tuần này. Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump cũng vừa có mặt tại Tokyo và Seoul.
Hoa Kỳ quan ngại là Seoul muốn thi hành những bước có thể phá hoại lòng tin giữa hai nước và khuyến khích tình cảm chống Nhật, giới chức này nói với các phóng viên với điều kiện ẩn danh.
Một số hành động của Seoul “dường như nhắm vào hay ngay cả được tính toán để có hiệu quả chính trị gia tăng tình cảm chống Nhật tại Hàn quốc. Đó là điều chúng tôi đang quan tâm,” viên chức nói.
Tình hình có thể tệ hại hơn nếu những tài sản của các công ty Nhật Bản ở Hàn quốc đang bị phong tỏa được cho thanh toán để giải quyết một phán quyết của Tòa án trả tiền bồi thường cho những người Hàn quốc bị cưỡng bách làm việc cho các nhà máy trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 cho đến năm 1945, giới chức Mỹ nói.
Nhật Bản nói là vấn đề bồi thường vì các hành động trong thời kỳ chiến tranh của Nhật Bản đã được giải quyết theo hiệp ước 1965 và muốn Hàn quốc đưa việc này ra trọng tài quốc tế để giải quyết vụ tranh chấp.
Washington cũng lo ngại là Nhật Bản sẽ thực hiện lời đe dọa loại Hàn quốc ra khỏi danh sách trắng được hưởng những hạn chế tối thiểu trong việc buôn bán những chất liệu công nghệ cao, viên chức nói.
“Việc suy giảm trong quan hệ thương mại giữa Hàn quốc và Nhật Bản có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế hai nước và các vấn đề khác nữa nếu việc này dẫn đến chuyện ăn miếng trả miếng,” viên chức này nói.
Việc tranh chấp cũng sẽ làm tổn hại đến sự hợp tác cần thiết từ Hàn quốc và Nhật Bản để đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa-một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump, viên chức nói.
“Tôi có thể nói với quý vị là việc này có thể gây khó khăn hơn trong việc đàm phán để đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên vì Nhật Bản và Hàn quốc đều đóng một vai trò thiết yếu trong bất cứ thỏa thuận nào với Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên,”giới chức này nói.
Hoa Kỳ chuẩn bị rút hàng ngàn binh sĩ
khỏi Afghanistan theo thỏa thuận với Taliban
Khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Fox News vào hôm thứ Năm (1/8), các viên chức Hoa Kỳ cho biết Ngũ Giác Đài đang chuẩn bị rút hàng ngàn binh sĩ khỏi Afghanistan như một phần của thỏa thuận hòa bình được đề nghị với Taliban.
Chính quyền tổng thống Trump đã thực hiện tám vòng đàm phán với Taliban, là nhóm đã kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001. Cuộc đàm phán được dẫn đầu bởi đặc phái viên Zalmay Khalilzad, cựu đại sứ Hoa Kỳ gốc Afghanistan ở Kabul. Ông Khalilzad đã gợi ý rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình trong vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến sẽ được tổ chức tại Qatar
vào cuối tuần này. Thỏa thuận này sẽ yêu cầu Taliban môi giới một thỏa thuận hòa bình trực tiếp với chính phủ Afghanistan, và đưa ra bảo đảm rằng nước này sẽ không bị sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công khủng bố quốc tế.
Tuy nhiên, một số viên chức hiện đang lo ngại về cách thức để bắt nhóm này chịu trách nhiệm. Tờ Washington Post có đưa tin rằng nếu được hoàn tất, thỏa thuận này sẽ cắt giảm số lượng binh sĩ trong nước từ 14,000 xuống còn từ 8,000 đến 9,000.
Trong một cuộc phỏng vấn với ông Tucker Carlson của Fox News vào tháng trước, tổng thống Trump cho biết rằng Hoa Kỳ đã cắt giảm số lượng binh sĩ xuống còn 9,000 từ con số 14,000 hiện tại. Trong cuộc phỏng này, tổng thống Trump cũng đã bày tỏ sự thất vọng với chi phí tái xây dựng Afghanistan kể từ cuộc xâm lược năm 2001 của NATO sau vụ tấn công 11/9.
Trong tình hình hết sức bất ổn hiện nay, với hàng loạt các vụ tấn công đánh bom tự sát, việc tuyên bố rút quân của Hoa Kỳ trước khi đàm phán được xem là thất bại về mặt quân sự, và tạo bất lợi cho chính quyền Afghanistan thân Phương Tây. (Mộc Miên)
Hải quân xác nhận phi công đã thiệt mạng
trong vụ tai nạn phi cơ tại Death Valley
Tin từ California – Vào hôm thứ Năm (1 tháng 8), Hải quân Hoa Kỳ xác nhận phi công lái chiếc Super Hornet F / A-18E bị rơi tại Công viên quốc gia Death Valley hôm thứ Tư đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Theo chính sách của Bộ Quốc phòng, danh tánh của phi công sẽ được giữ kín trong vòng 24 giờ để họ thông báo cho gia đình. Theo phát ngôn viên Patrick Taylor đại diện công viên quốc gia, vụ tai nạn xảy ra tại một địa điểm được những người đam mê hàng không mệnh danh là Star Wars Canyon. Ông Taylor cũng nói với CNN rằng bảy du khách đã bị thương nhẹ do vụ rớt phi cơ.
Theo nguyên tắc chung, phi cơ phản lực quân sự không được phép bay qua các công viên quốc gia, nhưng khu vực này của Death Valley là ngoại lệ, kể từ khi trở thành công viên quốc gia 25 năm trước. Ông Taylor cho biết khu vực này là nơi du khách đến xem các phi cơ huấn luyện quân sự.
Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân, đã đưa ra một tuyên bố về vụ tai nạn vào cuối ngày thứ Tư trên Twitter. Theo đó, ông yêu cầu tất cả mọi người cùng nhau giúp đỡ gia đình, và bạn bè của phi công thiệt mạng ở California, và cầu nguyện cho những người bị thương.
Theo KTLA, chiếc phi cơ F / A-18 đã được giao cho lực lượng “Vigilantes” của Strike Fighter Squadron (VFA) 151 có trụ sở đặt tại Trạm Không quân Hải quân Lemoore ở Central Valley. (Mộc Miên)
Pháp cấm tiêu hủy hàng tồn kho
để chống lãng phí
Hồi đầu năm 2016, Quốc Hội Pháp thông qua luật chống lãng phí thực phẩm, không cho phép các cửa hàng thực phẩm vứt bỏ hàng không bán được, buộc họ phải liên hệ với các hiệp hội từ thiện để thanh lý thực phẩm trước khi hàng hết hạn sử dụng. Nay chính quyền Pháp lại tiếp tục cuộc chiến chống lãng phí, tạo điều kiện phát triển nền kinh tế xã hội và đoàn kết.
Ngày 04/06/2019, thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo sẽ đệ trình lên Quốc Hội vào tháng 07 dự luật cấm tiêu hủy hàng hóa tồn kho nếu đó là những mặt hàng không phải là thực phẩm, từ hàng điện tử gia dụng, sản phẩm vệ sinh nhà cửa, cho đến mỹ phẩm, quần áo …Theo dự luật, nếu không bán hết hàng, các doanh nghiệp hoặc phải cho, tặng sản phẩm cho các hiệp hội để giúp đỡ những người khó khăn, hoặc phải tháo dời sản phẩm để tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe gọi việc các doanh nghiệp tiêu hủy, vứt bỏ các sản phẩm tồn kho cho dù chúng vẫn còn mới nguyên là « sự lãng phí quá đáng ». Nếu được thông qua, dự luật sẽ có hiệu lực muộn nhất là vào cuối năm 2021, hoặc năm 2023 đối với một số mặt hàng đặc biệt, và như vậy,
Pháp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách chống lãng phí này. Thủ tướng Pháp phát biểu : « Ý định của chúng tôi không phải là bắt buộc hay áp đặt cho các doanh nghiệp, mà là làm thế nào để nền kinh tế bước vào một giai đoạn mới ».
800 triệu euro hàng tồn kho bị tiêu hủy hàng năm
Chính quyền Pháp ước tính giá trị hàng tồn kho bị tiêu hủy hàng năm lên đến 800 triệu euro, trong đó có 180 triệu euro hàng mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh, 49 triệu euro hàng dệt may và giày dép, 10 triệu euro hàng điện tử gia dụng. Còn theo một báo cáo hồi năm 2014, Hiệp hội cho tặng hiện vật – Agence du don en nature – ADN đánh giá là 630 triệu euro hàng hóa không bán được đã bị tiêu hủy. Hàng còn mới nhưng bị tồn kho mà các doanh nghiệp đem cho, tặng chỉ đạt tổng cộng 140 triệu euro.
Ngày 14/01/2019, chương trình « Capital » của kênh truyền hình M6 đã tiết lộ kết quả một cuộc điều tra theo đótập đoàn Amazontại Pháp đã tiêu hủy hàng triệu sản phẩm còn mới nguyên. Phóng viên Guillaume Cahour đã bí mật quay được các vụ tiêu hủy rất nhiều mặt hàng như bỉm, máy pha cà phê, ti vi, đồ chơi … tại các kho hàng của Amazon. Theo Le Monde, CGT ước tính, trong năm 2018, Amazon đã tiêu hủy 3,2 triệu sản phẩm. Còn bà Alma Dufour, phát ngôn viên của Hiệp hội bảo vệ môi trường, sinh thái Những người bạn của Trái đất – Les Amis de la Terre, dự báo tổng số hàng hóa mới nguyên mà tập đoàn Amazon tiêu hủy tại Pháp trong năm 2019 có thể sẽ lên tới 6 triệu sản phẩm.
Sau khi kênh M6 phát phóng sự điều tra, một thanh niên 27 tuổi tên là Alexandre Briolais đã quyết định tung lên mạng internet đơn kiến nghị « Hãy ngưng tiêu hủy ồ ạt hàng tồn kho », thu thập chữ ký của người ủng hộ nhằm gây áp lực buộc tập đoàn ngưng hành động lãng phí nói trên. Kết quả thật đáng bất ngờ, chỉ trong vòng 1 tháng, Alexandre Briolais đã thu được tới 116.000 chữ ký và kiến nghị đã được gửi đến quốc vụ khanh đặc trách chuyển đổi năng lượng của Pháp, Brune Poirson, lãnh đạo tập đoàn Amazon, Jeff Bezos, và Nghị Viện Châu Âu. Về phía chính phủ Pháp, ngay sau khi phóng sự về Amazon được phát, quốc vụ khanh đặc trách chuyển đổi năng lượng Brune Poirson tuyên bố chính quyền Pháp sẽ sớm cho thông qua dự luật cấm tiêu hủy hàng tồn kho.
Giảm lãng phí, tăng chia sẻ
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là trên thực tế, từ nhiều năm nay, tại Pháp, nhiều tổ chức, hiệp hội đã được các siêu thị, cửa hàng tặng hàng tồn kho, chẳng hạn Hiệp hội cho tặng hiện vật ADN. Được thành lập vào năm 2009, đến năm 2018, ADN tạo dựng được mạng lưới gồm 130 doanh nghiệp đối tác, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như L’Oréal, P&G, Seb, Leroy Merlin, Petit Bateau, Bioderma và nhiều hãng chuyên hàng dệt may như Celio, H&M, Camaieu … Chỉ riêng trong năm 2018, hãng thời trang may mặc dành cho nam giới Celio đã tặng lại cho Hiệp hội cho tặng hiện vật ADN 70.000 chiếc quần áo và phụ kiện.
Thách thức hiện nay của ADN là thuyết phục được thêm nhiều nhất có thể các doanh nghiệp cho tặng hàng tồn kho, để chung tay làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Phương châm của Hiệp hội cho tặng hiện vật ADN là « giảm lãng phí, tăng chia sẻ ». Đối tác của ADN còn có 800 hiệp hội trợ giúp người nghèo. Theo số liệu đăng tải trên trang web của ADN, năm 2018 Hiệp hội cho tặng hiện vật đã phân phối lại được cho các hiệp hội từ thiện 3 triệu sản phẩm, tương đương 1.000 tấn hàng.
Còn tổ chức Emmaüs là hội do tu sĩ Pierre sáng lập năm 1954 để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Về thực chất, không như nhiều người nhầm tưởng, Emmaüs không phải là một tổ chức từ thiện chuyên quyên góp và tặng tiền, thức ăn, vật dụng cho người trong cảnh thiếu thốn mà mục tiêu chính của hiệp hội là đã giúp đỡ những người nghèo khó bằng cách tạo công ăn việc làm cho họ, để họ có thu nhập và chỗ đứng trong xã hội. Emmaüs cũng được phép nhận hiện vật từ các doanh nghiệp, nhưng sau đó họ chỉ được quyền bán các sản phẩm này trong hệ thống cửa hàng giá rẻ của Emmaüs rồi sử dụng số tiền thu được để góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội chính của tổ chức.
Rào cản đối với các doanh nghiệp
Bà Vélérie Fayard, phó chủ tịch tổ chức Emmaüs, cho biết, mặc dù trong những năm qua lượng hàng hóa tồn kho doanh nghiệp cho tặng các hiệp hội để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đã tăng đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, bà Valérie Fayard giải thích :
« Có rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là các doanh nghiệp không muốn sản phẩm của họ được lưu thông theo kiểu như ở « chợ đen » với giá bán thấp hơn hẳn, chẳng hạn như tại các cửa hàng của Emmaüs. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng cao cấp không muốn sản phẩm còn mới nguyên, vốn được bán với giá rất cao trong chuỗi cửa hàng của họ nay lại được bán trong cửa hàng của Emmaüs.
Trong những trường hợp này, doanh nghiệp nghĩ rằng nếu họ cho, tặng một sản phẩm còn mới nguyên cho một hiệp hội và hiệp hội này bán sản phẩm để thu tiền phục vụ cho dự án xã hội của hiệp hội và giúp đỡ những người không có điều kiện, thì điều đó sẽ làm giảm giá trị sản phẩm của hãng và họ không muốn như vậy.
Đây là trở ngại đầu tiên. Trở ngại này liên quan đến hình ảnh của doanh nghiệp. Điều cần thiết là trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp kinh doanh hàng cao cấp, bắt đầu hiểu ra rằng, việc cho tặng sản phẩm để Emmaüs bày bán trong chuỗi cửa hàng của chúng tôi có thể có tác dụng tích cực tới hình ảnh của doanh nghiệp. Công chúng sẽ thấy là việc doanh nghiệp cho tặng hiện vật cho Emmaüs là đóng góp tích cực cho xã hội và về mặt lý tưởng xã hội ».
Vì lo ngại là việc cho tặng hàng hóa cho các hiệp hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu, nên một số doanh nghiệp chọn tiêu hủy hàng tồn kho, một số khác, dù có cho tặng hiện vật cho các hiệp hội, nhưng vẫn ra điều kiện là tổ chức Emmaüs không được tiết lộ tên của doanh nghiệp. Khi RFI Việt ngữ hỏi tên một số doanh nghiệp đối tác của Emmaüs, phó giám đốc tổ chức này trả lời:
« Về điều này, rất tiếc là tôi không thể nói cho chị biết được. Mặc dù không phải là tất cả, nhưng thường thì các doanh nghiệp không muốn chúng tôi nói về điều này. Chẳng hạn chúng tôi có một đối tác lớn là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ nội thất tặng cho chúng tôi tất cả hàng tồn kho của họ, một lượng hàng rất lớn, nhưng họ không muốn điều này được công bố, chỉ vì một lý do rất đơn giản: nếu mọi người biết được là thường xuyên có nhãn hàng nào hay sản phẩm nào của hãng được bày bán trong các cửa hàng của Emmaüs, thì khách hàng sẽ tìm đến Emmaüs trước khi đến cửa hàng chính hãng.
Không phải là tất cả mọi doanh nghiệp đều thế, nhưng một số hãng yêu cầu là chúng tôi không công bố tên đối tác, và đây là một điều khoản trong hợp đồng mà chúng tôi ký với họ. Vì thế, tôi không thể nói cho chị biết được».
Thuế VAT cũng là một rào cản khách quan khác đối với các doanh nghiệp. Phó giám đốc tổ chức Emmaüs giải thích cụ thể :
« Rào cản thứ hai là về thuế khóa. Điều này hơi thiên về chuyên môn, nhưng thực tế đúng là như vậy, tức là khi một doanh nghiệp cho, tặng hàng cho một hiệp hội, thì doanh nghiệp phải đóng thuế giá trị gia tăng, trong khi họ không bán sản phẩm này. Chính vấn đề thuế này kìm hãm doanh nghiệp cho tặng hiện vật. Chúng tôi đang thảo luận với bộ Môi Trường và các cơ quan thuế nhằm gỡ bỏ thuế VAT nói trên, để các doanh nghiệp khi cho tặng hàng hóa cho các hiệp hội hoạt động vì lợi ích xã hội thì sẽ được miễn thuế VAT. Đây là một vấn đề về chuyên môn nhưng thực sự là một rào cản cho các doanh nghiệp ».
Hy vọng với dự luật mới, lượng hàng mới tồn kho bị các doanh nghiệp tiêu hủy tại Pháp trong tương lai sẽ giảm nhanh chóng, còn các hiệp hội từ thiện sẽ nhận thêm được nhiều hiện vật để giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn, tránh lãng phí cho xã hội.
http://vi.rfi.fr/phap/20190719-phap-chong-lang-phi-doanh-nghiep-bi-cam-tieu-huy-san-pham-ton-kho
Đông Nam Á phải cắt giảm
các nhà máy than từ năm 2020: UN
Nói với các nhà báo tại hội nghị qua điện đàm, Ông Luis Alfonso de Alba, phái viên đặc biệt của Tổng thư ký Liên hiệp quốc về Hội nghị khí hậu sắp tới, cũng kêu gọi các quốc gia trong khối nên dừng phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch.
Ông nói, đây là những vấn đề liên quan cụ thể đến khu vực nơi mà lượng khí thải độc hại thải vào không khí tiếp tục gia tăng.
Đông Nam Á là khu vực với số lượng nhà máy nhiệt than lớn thứ 3 trong khối, sau Trung Quốc và Ấn Độ, Bà Rachel Kyte, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký UN và CEO của tổ chức năng lượng độc lập vì năng lượng phát triển bền vững cho biết thêm.
Các đại diện của UN trao đổi với báo giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu 2019 dự kiến sẽ diễn ra tại New York vào ngày 23/9/2019.
Hội nghị sẽ mang các quốc gia lại với nhau từ 200 quốc gia và các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức tư nhân và quốc tế khác nhau.
Hội nghị sẽ được chủ trì bởi Tổng thư ký UN – Antonio Guterres, mang ý nghĩa khuyến khích các quốc gia hành động vì khí hậu để cùng tiến đến các cam kết khí hậu được thực hiện theo Thỏa thuận chung Paris với mục đích hạn chế sự ấm lên toàn cầu để đạt được mức dưới 2 độ C.
Khí thải từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch thành năng lượng góp phần trong việc khiến trái đất ấm lên. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dữ liệu từ Tổ chức Khí tượng học thế giới và trung tâm khí hậu chỉ ra rằng tháng 7 năm nay được coi là tháng nóng nhất trong lịch sử.
Nhật Bản loại Nam Hàn
ra khỏi danh sách đối tác đáng tin cậy
Nhật Bản sẽ loại bỏ Nam Hàn khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, làm sâu sắc thêm một rạn nứt lớn giữa hai nước.
Nam Hàn quyết liệt phản đối động thái này, trong khi Nhật Bản cho rằng làm thế là do lo ngại về an ninh quốc gia.
Quyết định bỏ Nam Hàn ra khỏi cái gọi là “danh sách trắng” đặt ra những hạn chế giao dịch mới đối với nước này.
Căng thẳng mới giữa Nam Hàn và Nhật
Pompeo hy vọng giúp hàn gắn quan hệ Nhật-Nam Hàn
Abe ‘không chắc’ gặp Tổng thống Nam Hàn vào tháng 9
Seoul trước đó đã cảnh báo Nhật Bản rằng hành động này sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia châu Á.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi Nhật Bản áp đặt các quy định chặt chẽ hơn về xuất khẩu nguyên liệu chính cho các nhà sản xuất công nghệ của Nam Hàn.
Những hạn chế này với các sản phẩm cần thiết để tạo bảng hiển thị và chip bộ nhớ, đã khiến Seoul lo lắng về ảnh hưởng lên nền kinh tế đang chậm lại.
Nó cũng làm ngành công nghiệp điện tử xôn xao về các mối đe dọa tiềm tàng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhật Bản cho biết biện pháp loại Nam Hàn khỏi danh sách các đối tác đáng tin cậy dựa trên mối quan tâm an ninh quốc gia, với lý do kiểm soát xuất khẩu không đủ chặt chẽ của Nam Hàn, theo Reuters.
Quyết định đưa Seoul ra khỏi ‘danh sách trắng’ dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này.
Căng thẳng thương mại giữa Tokyo và Seoul được khơi mào vì một tranh chấp ngoại giao về việc bồi thường cho lao động thời chiến.
Năm ngoái, phán quyết của tòa án Nam Hàn yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người Nam Hàn bị bắt buộc làm lao động thời chiến một gây căng thẳng kéo dài.
Việc loại bỏ các công ty Nam Hàn ra khỏi danh sách đối tác đáng tin cậy áp dụng cho ba loại vật liệu công nghệ cao:fluorinated polyimide, chất phát quang, và hydrogen fluoride.
Đây là những ngành công nghiệp chủ chốt của Nam Hàn.
Đại gia công nghệ Samsung Electronics và SK Hynix của Nam Hàn đã xuất khẩu khoảng 60% linh kiện bộ nhớ toàn cầu năm ngoái, theo IHS Markit.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49202312
Triều Tiên gia tăng áp lực
với các vụ phóng tên lửa mới đây
Triều Tiên hôm thứ Sáu 2/8 lại phóng tên lửa, lần thứ ba trong vòng 8 ngày. Đây là một loạt các vụ phóng mà các nhà phân tích cho rằng được thiết kế để cải thiện khả năng quân sự và gây áp lực cho Mỹ và Hàn Quốc vào lúc hai nước này tìm cách tái khởi động các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Các quan chức Hoa Kỳ đã nói giảm nhẹ về các vụ phóng. Tiến trình ngoại giao có thể có một số khó khăn nhưng các cuộc đối thoại với Triều Tiên “đang diễn ra, thậm chí là ngay cả lúc này”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu tại Bangkok, nơi ông đang dự một hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Khi Tổng thống Trump được hỏi tại Nhà Trắng trước khi ông bắt đầu chuyến đi vận động bầu cử tới Ohio là nếu ông có nghĩ rằng chủ tịch của Triều Tiên đang thử thách ông hay không, ông Trump nói rằng các vụ phóng “không vi phạm các lời hứa của nhà lãnh đạo Triều Tiên”.
Ông Trump cũng nói rằng các tên lửa được phóng là loại tầm ngắn. “Chúng tôi đã hoàn toàn không có thỏa thuận về điều đó. Tôi thấy không có vấn đề gì”, ông phát biểu.
Các bộ trưởng ngoại giao tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á gồm 18 quốc gia, do ASEAN tổ chức, bày tỏ lo ngại rằng các vụ thử tên lửa ở Triều Tiên gây ra tác động tiêu cực đối với các nỗ lực hòa bình, một quan chức Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết.
Sau cuộc gặp, đại diện của Anh, Pháp và Đức kêu gọi Triều Tiên tiến hành đàm phán có ý nghĩa với Mỹ, và nói thêm rằng các lệnh trừng phạt quốc tế cần phải được thực thi đầy đủ cho đến khi Bình Nhưỡng dỡ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Ông Pompeo cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn được áp dụng đầy đủ. Ông Pompeo cũng cho biết ông thất vọng về việc người đồng cấp Triều Tiên đã hủy chuyến đi dự hội nghị ASEAN.
Andrei Lankov, giám đốc Nhóm Nguy cơ Triều Tiên, là một nhóm chuyên gia cố vấn, nói rằng các vụ thử tên lửa mới nhất không có nghĩa là Bình Nhưỡng không còn hứng thú về đàm phán với Mỹ.
“Ngược lại, việc họ chọn tên lửa tầm ngắn là một dấu hiệu cho thấy, hiện tại, Bình Nhưỡng vẫn nghiêm túc trong việc tìm cách đạt thỏa thuận với Mỹ”, ông viết trong một phóng sự gửi đến cho NK News, một trang web theo dõi tình hình Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-gia-tang-ap-luc-voi-viec-phong-ten-lua/5026346.html
Đến lượt hàng ngàn công chức Hồng Kông
cũng xuống đường
Hàng ngàn công chức Hồng Kông tập hợp tối thứ Sáu 2/8 để ủng hộ những người biểu tình và kêu gọi nhà chức trách khôi phục niềm tin của người dân dành cho chính quyền vào lúc các cuộc biểu tình leo thang, làm rung chuyển trung tâm tài chính châu Á.
Cuộc mít tinh này là lần đầu tiên nhân viên chính quyền ủng hộ và quảng bá cho một cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Các công chức tụ tập ôn hòa với những người biểu tình ở trung tâm của khu kinh doanh, nhiều người đeo mặt nạ đen để giấu đi danh tính.
“Tôi nghĩ rằng chính quyền nên hồi đáp các yêu cầu, thay vì đẩy cảnh sát ra tiền tuyến làm lá chắn”, Kathy Yip, một nhân viên chính quyền 26 tuổi, nói.
Một làn sóng biểu tình được lên kế hoạch sẽ diễn ra khắp Hồng Kông vào cuối tuần này, cùng với một cuộc đình công hàng loạt vào thứ Hai 5/8 ở nhiều ngành như giao thông, trường học và ở các tập đoàn có thể khiến thành phố bị tê liệt.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh đã được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, đặt ra một trong những thách thức dân túy nghiêm trọng nhất đối với giới cai trị trong Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh.
Các cuộc biểu tình ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ, hiện đang bị hoãn lại, đã trở thành phong trào đòi quyền dân chủ lớn hơn cũng như đòi nhà lãnh đạo Hồng Kông là Carrie Lam từ chức.
Chính quyền thành phố nói hôm 1/8 rằng 180.000 công chức phải trung lập về chính trị.
Anson Chan, cựu Chánh vụ Ty trưởng, nói rằng cuộc mít tinh có tính tự phát và các công chức được hưởng quyền hội họp, và không thể nói là điều đó làm giảm tính trung lập chính trị.
Cheng, 39 tuổi, mang mặt nạ đen lớn, nói với phóng viên: “Tôi hy vọng sẽ làm công chức nhiều năm nữa. Nhưng chúng tôi phải hành động ngay bây giờ”.
https://www.voatiengviet.com/a/den-luot-hang-ngan-cong-chuc-hong-kong-cung-xuong-duong/5026531.html
Đáp trả Mỹ và Đài Loan, TQ chính thức triển khai
chiến đấu cơ tiêm kích tàng hình J-20
Tờ South China Morning Post (SCMP, 27/7) cho biết, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ tiêm kích tàng hình J-20 đến Chiến khu Đông bộ nhằm gửi thông điệp cảnh cáo đến Đài Loan và các hoạt đông quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản trong khu vực.
Theo đó, Không quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đăng tải 1 tấm ảnh lên tài khoản mạng xã hội của họ trong tuần này, cho thấy chiếc J-20 chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của nước này, với đuôi máy bay có số hiệu 62001 xuất hiện ở Chiến khu Đông bộ.
Việc Trung Quốc công bố thông tin triển khai J-20 tới Chiến khu Đông bộ trong bối cảnh Mỹ nhiều lần điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Đài Bắc. Ngoài ra, Mỹ gần đây đã triển khai F-35 bay qua các khu vực chiến lược như Biển Đông để đối trọng lại việc triển khai J-20 của Trung Quốc. Ngoài ra, thông tin trên còn được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng, trong đó nhấn mạnh nguy cơ về an ninh quốc gia từ cái mà Bắc Kinh miêu tả là “các lực lượng ly khai”. Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc cho biết nước này đang đối mặt những thách thức từ lực lượng ủng hộ độc lập tại Đài Loan, tuy nhiên tuyên bố sẽ đánh bại lực lượng này.
SCMP dẫn lời Collin Koh, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định việc triển khai những chiếc J-20 đến chiến khu này có hai mục đích: Một là nhắm đến Đài Loan, hòn đảo Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ, có khả năng dùng vũ lực để sáp nhập nếu cần thiết. Hai là thách thức các hoạt động của Mỹ ở eo biển Đài Loan bên cạnh việc tạo ra mối đe doạ cho không quân Đài Loan tuần tra ở eo biển này ở phía bên kia đường trung tuyến của eo biển.
Cùng quan điểm, chuyên gia quân sự tại Macau – ông Antony Wong Dong, khẳng định ngoài Đài Loan, chiến đấu cơ tàng hình J-20 còn có thể được sử dụng để đối phó với các hoạt động quân sự của Nhật Bản và Mỹ. Dù vậy, ông Wong nói thêm rằng quân đội Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu xem chiến đấu cơ này nên được sử dụng như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, ông Antony Wong Dong cho rằng Trung Quốc sẽ còn mất vài năm để hoàn thiện J-20.
Trong khi đó, Chỉ huy không lực Mỹ tại Thái Bình Dương, tướng Charles Brown, cho biết việc Bắc Kinh đưa J-20 ra tiền tuyến giúp quân đội Trung Quốc “có năng lực tác chiến cao” tạo ra “mối đe dọa lớn hơn” đối với các lực lượng Mỹ tại khu vực. Để đối phó với sự phát triển của không quân Trung Quốc, tướng Brown cho biết Mỹ đang gấp rút nâng cấp máy bay chiến đấu F-35, đồng thời tiếp tục các chuyến bay tuần tra chiến lược tại các khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông.
Chiến khu Đông bộ là đơn vị cấp Bộ Tư lệnh tác chiến Vùng (tương đương cấp Bộ) trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc có nhiệm vụ triển khai chỉ huy tác chiến liên hợp phía Đông của Trung Quốc. Phạm vi quản lý của Chiến khu Đông bộ gồm Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến. Bộ Tư lệnh đặt tại Nam Kinh. Chiến khu Đông bộ có nhiệm vụ triển khai chỉ huy tác chiến liên hợp phía Đông của Trung Quốc. Chiến khu Đông bộ chỉ chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến chứ không phải vừa quản lý xây dựng vừa chỉ huy tác chiến như các Đại Quân khu cũ trước đây. Được biết Chiến khu Đông bộ gồm Bộ Tham mưu liên hợp, Bộ Công tác Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật,Đơn vị chỉ huy tác chiến, Lục quân Chiến khu Đông bộ, Tập đoàn quân 71, Tập đoàn quân 72, Tập đoàn quân 73, Hải quân Chiến khu Đông bộ, Không quân Chiến khu Đông bộ…
Không quân Trung Quốc hiện có 2.500 máy bay, bao gồm 1.700 tiêm kích, máy bay ném bom chiến thuật, và máy bay tấn công đa nhiệm, là lực lượng không quân lớn thứ 3 trên thế giới. Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, có thiết kế tương đối giống máy bay tàng hình MiG 1.44 của Nga. J-20 được thiết kế đặc biệt dành cho các nhiệm vụ đánh vào khả năng triển khai sức mạnh của không quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương cũng như thực hiện hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chỉ huy trên không, tình báo giám sát, thậm chí là mang theo tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu sân bay Mỹ. J-20 được Trung Quốc công khai lần đầu tiên vào tháng 11/2016 tại triển lãm hàng không Chu Hải. Tại triển lãm, J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, có khả năng đọ sức ngang ngửa cùng các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế vẫn nghi ngờ về khả năng thực sự của dòng máy bay này. Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ chế tạo động cơ và phải biên chế dòng J-20 trước thời hạn bằng cách trang bị cho nó động cơ do Nga sản xuất để “chữa
cháy”, khiến năng lực tác chiến của J-20 bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến tính tàng hình và khả năng cơ động của nó.
Về thông số kỹ thuật, J-20 dài 20m, sải cách 13m, chiều cao 4,4m; trọng lượng rỗng 19 tấn, trọng lượng có tải 32 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 36 tấn; hệ thống radar kết hợp với các cảm biến hiện đại, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, giúp J-20 có thể theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu một lúc. Vận tốc tối đa của J-20 đạt mach 2+, tầm bay khoảng 2.000km, trần bay đạt 18km. J-20 đươc trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại của Trung Quốc, trong đó có thể là pháp 23mm Type 23 2 nòng, tên lửa PL-15, PL-12, PL-10, bom AVIC LT-2 và FT-2.
Bắc Đới Hà năm nay
và vấn đề sinh tử của Tập Cận Bình
Cái gọi là Hội nghị Bắc Đới Hà của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn ra thường niên vào cuối tháng Bảy đầu tháng Tám, năm nay đối với Tập Cận Bình không còn là vấn đề quan trọng, bởi vì lâu nay Tập không cho phái Giang một cơ hội nhỏ nhoi nào. Vì thế mà Bắc Đới Hà năm nay chỉ mang tính hình thức, mục đích như để tập huấn và thông báo tình hình mà thôi.
Bắc Đới Hà năm nay Tập Cận Bình gặp phải những thách thức gì: rõ ràng có ba vấn đề nổi bật hiện nay để truy cứu trách nhiệm, đó là cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, Hồng Kông biểu tình, kinh tế suy thoái. Cho nên có phân tích cho rằng, mọi động thái của Tập Cận Bình tại Bắc Đới Hà năm nay sẽ tập trung vào thoái thác trách nhiệm trước ba vấn đề nan giải này.
Trước hết là cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Thực trạng bất bình đẳng thương mại này hình thành là xuất phát từ trò ma quái của phe Giang Trạch Dân sau khi đưa Trung Quốc gia nhập WTO, trách nhiệm của Tập Cận Bình chỉ là chưa thể điều chỉnh lại được mà thôi. Đáng lẽ những thỏa thuận giữa Trump – Tập là cơ hội điều chỉnh, nhưng đã bị phái Giang phá hỏng. Việc phá hỏng này là do các ủy viên Ban Thường vụ phe Giang như Hàn Chính, Vương Hộ Ninh cùng nhóm đặc vụ cùng phe gây ra bằng nhiều mánh khóe như chụp mũ, tung tin giả… khiến giao ước ban đầu mà Tập Cận Bình và Lưu Hạc đàm phán với Mỹ bị đổ vỡ.
Còn về tình hình Hồng Kông, trong nhóm 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị thì ông Hàn Chính là nhân vật phụ trách địa bàn này. Trên thực tế, từ nguồn gốc dự luật dẫn độ cùng cách xử lý tình hình Hồng Kông đều gắn chặt với chỉ đạo của Hàn Chính và thao túng của Văn phòng Liên lạc ĐCSTQ tại Hồng Kông, tất cả đều thống nhất với mong muốn làm nhiễu loạn tình hình Hồng Kông của cựu lãnh đạo Tăng Khánh Hồng. Hàn Chính chống lại “ba không” của Tập Cận Bình gồm không để đổ máu, không nổ súng, không cho quân đồn trú can thiệp; biện pháp ôn hòa của Tập Cận Bình nhìn chung hợp ý của Trump.
Thứ ba là suy thoái kinh tế bắt đầu từ năm 2011 là hệ quả của thể chế ĐCSTQ dưới thao túng của Giang Trạch Dân, còn cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ chỉ là đòn bồi thêm. Mức tăng trưởng 10% của Trung Quốc từ năm 2010 giảm dần theo từng năm, đến năm 2016 còn 6,7%. Năm 2018 sau cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ giảm còn 6,4%, năm 2019 còn thấp hơn, dù sao tác động của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ làm sụt giảm kinh tế Trung Quốc chưa đến 1%.
Vì vậy, dù Tập Cận Bình không cho phái Giang cơ hội gây rối tại Bắc Đới Hà, nhưng nếu phái Giang muốn mượn cớ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, tình hình biểu tình Hồng Kông và suy thoái kinh tế để phế bỏ họ Tập là điều rất khó khăn, vì bản thân Tập Cận Bình không chịu trách nhiệm chính trong ba vấn đề này.
Có quan điểm cho rằng, vấn đề cơ bản nhất và nghiêm trọng nhất mà Tập Cận Bình đối diện là tính bất hợp pháp của ĐCSTQ trong cầm quyền, cho nên quyền lực này có thể mất bất cứ lúc nào. Đây mới đúng là vấn đề cốt lõi gây thách thức nhất với Tập Cận Bình trước Bắc Đới Hà năm nay.
Vấn đề này có thể phân tích qua hai phương diện:
Thứ nhất, trong quan hệ giữa nhân dân và chính phủ thì chính quyền ĐCSTQ không có tính hợp pháp. Hôm 17/7 khi gặp gỡ những nhân sĩ tôn giáo tín ngưỡng bị bức hại đến từ 17 nước khác nhau, Trump đã chia sẻ về quan hệ giữa nhân dân và chính phủ: quyền lợi của nhân dân đến từ Thần chứ không phải từ chính phủ. Thực tế, cả quyền lực và tính hợp pháp của chính phủ đều do Thần trao cho loài người, mọi người có quyền lợi dùng phiếu bầu lập ra chính phủ. ĐCSTQ đã tước đoạt quyền lợi bầu cử và tín ngưỡng của nhân dân, cho nên chính phủ của ĐCSTQ là bất hợp pháp. Nhưng ĐCSTQ luôn dùng lý do phát triển kinh tế để biện hộ cho tính hợp pháp của chính phủ, truyền thống pháp trị tại Hồng Kông
do người Anh để lại đã bị làm cho biến dạng thành bất hợp pháp (không có bầu cử dân chủ đích thực), trắng trợn dùng tính phi pháp của ĐCSTQ áp đặt lên cộng đồng người Hoa, người Hồng Kông, trước toàn thế giới. Đây là vấn đề căn bản mà Tập Cận Bình với tư cách người đứng đầu ĐCSTQ tất phải đối diện tại Bắc Đới Hà.
Thứ hai, ĐCSTQ là một thế lực tội phạm vô cùng tàn ác, không chỉ đã bức hại chết đến 80 triệu người dân ngay trong thời hòa bình mà thủ đoạn bức hại cũng không còn tính người, ví như cưỡng bức lấy nội tạng trên quy mô lớn đối với học viên Pháp Luân Công để hủy diệt nhóm tín ngưỡng này, loại tội ác chống lại loài người bằng cả cỗ máy nhà nước này khiến ĐCSTQ không còn tư cách tối thiểu để cầm quyền và kế tục lịch sử.
Điều này khiến Tập Cận Bình đứng trước lựa chọn sinh tử quyết định vận mệnh: nếu thuận theo ý dân và từ bỏ chủ nghĩa cộng sản mà Trump phát động, giải thể đảng Cộng sản, bắt Giang Trạch Dân xử tội, chấm dứt bức hại, chuyển quyền lực dựa trên bầu cử theo ý dân, vậy thì cả cuộc chiến thương mại và vấn đề Hồng Kông cũng được hóa giải; trái lại cứ cố giữ ĐCSTQ thì tất yếu sẽ suy bại theo nó.
Nếu Tập Cận Bình suy nghĩ thấu đáo và cương quyết hành động thì không khó giải quyết những vấn đề nan giải hiện nay. Ở một ý nghĩa nào đó, việc giải quyết những vấn đề như cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, tình hình biểu tình Hồng Kông, và suy thoái kinh tế lại không nằm ở tự thân những vấn đề này, mà vấn đề là phải từ bỏ chế độ độc tài ĐCSTQ thì tất yếu sẽ thay đổi được Trung Quốc. Đây không phải vấn đề quan niệm lý thuyết, mà là vấn đề thực tế vô cùng quan trọng và cấp bách.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29690-bac-doi-ha-nam-nay-va-van-de-sinh-tu-cua-tap-can-binh.html
TQ cảnh báo sẽ trả đũa
sau khi TT Trump dọa tăng thuế
Trung Quốc hôm thứ Sáu 2/8 nói họ sẽ không chấp nhận bị tống tiền, và cảnh báo sẽ trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ đô la từ tháng tới, leo thang mạnh mẽ cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Nếu Mỹ nhất định thông qua các mức thuế đó, Trung Quốc sẽ phải áp dụng các biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ các lợi ích căn bản và cốt lõi của đất nước”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.
“Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hình thức ‘áp lực tối đa’ nào, hay những lời đe dọa hoặc tống tiền. Về các vấn đề chủ chốt có tính nguyên tắc, chúng tôi sẽ không lùi dù chỉ 1 centimet”, bà Hoa nói, và bổ sung rằng Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ sẽ “từ bỏ ảo tưởng” và quay trở lại đàm phán dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng với nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa rằng nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không làm việc nhanh hơn để đạt được thỏa thuận thương mại, ông có thể tăng thuế hơn nữa – thậm chí vượt quá mức thuế 25% mà ông đã áp đặt đối với 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, hiện đang có mặt ở Bangkok, chỉ trích Trung Quốc về hàng chục năm chơi xấu trong lĩnh vực thương mại, và cho biết là ông Trump quyết tâm sửa chữa điều này.
Tin tức về thuế và các tranh cãi thương mại làm chao đảo các thị trường tài chính. Hôm 2/8, chứng khoán châu Á và châu Âu bị mất điểm, còn các tài sản để trú ẩn như đồng yên, vàng và trái phiếu chính phủ đã tăng vọt khi các nhà đầu tư vội vã tìm cách bảo toàn tiền của họ.
Nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài của Trung Quốc hôm 2/8 sụt giá xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm rưỡi trở lại đây và gần đạt mức thấp kỷ lục.
Giới tài chính nói rằng đồng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài có thể sẽ tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục và ngưỡng tâm lý chính, là 7 nhân dân tệ ăn 1 đô la, nếu tranh chấp thương mại trầm trọng hơn nữa.
Đồng nhân dân tệ mới đây giảm 0,2% còn 6,9693 ăn 1 đô la, sau khi đã giảm xuống 6,98, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
Các hiệp hội bán lẻ ở Hoa Kỳ dự báo giá tiêu dùng sẽ tăng đột biến, làm sụt giá cổ phiếu của các ngành hàng tiêu dùng hôm 1/8 ở thị trường chứng khoán Phố Wall.
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody nói rằng các mức thuế quan mới sẽ tạo gánh nặng lên nền kinh tế toàn cầu tại thời điểm tăng trưởng đang chậm lại ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng euro.
Các chuyên gia cho rằng các mức thuế đó cũng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ một lần nữa phải giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ khỏi các rủi ro liên quan đến chính sách thương mại.
Các nhà phân tích nhận định rằng các biện pháp trả đũa có thể có của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bao gồm đánh thuế, cấm xuất khẩu đất hiếm, và phạt các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Cho đến nay, Bắc Kinh đã kiềm chế trong việc áp thuế đối với dầu thô và máy bay cỡ lớn của Hoa Kỳ, sau khi áp dụng thuế quan trả đũa bổ sung lên tới 25% đối với khoảng 110 tỷ đô la hàng hóa của Hoa Kỳ kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra năm ngoái.
“Chúng tôi tin rằng chiến lược của Trung Quốc khi chiến tranh thương mại leo thang sẽ là giảm tốc độ đàm phán và trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng. Điều này có thể kéo dài quá trình trả đũa cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới”, nhà kinh tế Iris Pang thuộc hãng ING viết trong một bài phân tích.
(Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/tq-canh-bao-tra-dua-sau-khi-tt-trump-doa-tang-thue/5026278.html
Cựu ngoại trưởng Philippines:
Đã đến lúc đưa vấn đề biển Đông ra LHQ
để buộc TQ tuân thủ phán quyết của tòa
Theo cựu ngoại trưởng Albert Del Rosario, Philippines nên cân nhắc nêu vấn đề căng thẳng ở biển Đông ra Đại hội đồng Liên hợp quốc.
“Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta cân nhắc việc tới Đại hội đồng Liên hợp quốc để có thể đạt đủ số phiếu cần thiết, nhằm thuyết phục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của trọng tài,” ông Del Rosario nói bên lề sự kiện của Hiệp hội luật sư Philippines (PAS) ở thành phố Makati.
Tháng 12 năm ngoái, cựu ngoại trưởng Philippines cũng nêu ý tưởng đệ trình một nghị quyết lên Đại hội đồng nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague tháng 7/2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền “Đường chín đoạn” mà Trung Quốc áp đặt đối với hơn 80% diện tích vùng nước quốc tế ở biển Đông.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố không công nhận phán quyết và tiếp tục tăng cường hoạt động cải tạo, quân sự hóa phi pháp trên biển Đông.
Giới chức an ninh Philippines những ngày vừa qua đã nêu báo cáo về việc ít nhất 4 chiến hạm hải quân Trung Quốc di chuyển qua vùng nước eo biển Sibutu gần tỉnh Tawi-tawi của nước này mà không thông báo cho Manila, trong khi 113 tàu thuyền của Trung Quốc được xác định hoạt động dày đặc vây quanh đảo Thị Tứ – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Philippines chiếm đóng trái phép – hôm 24/7.
Ngoại trưởng Philippines Theodore Locsin Jr. ngày 31/7 thông báo Bộ ngoại giao nước này đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh liên quan đến vấn đề kể trên. Động thái này được ông Del Rosario hoan nghênh.
“Tôi cho rằng ngoại trưởng Locsin đang nỗ lực hết sức mình trong những vấn đề mà chúng ta nhằm vào Trung Quốc,” ông nói.
Hồi tháng 3, ông del Rosario cùng cựu tổng thanh tra Conchita Carpio Morales đã đệ đơn lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) để tố cáo chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức Trung Quốc khác. Hai cựu quan chức Philippines nói rằng hoạt động xây cất đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh trên biển Đông và đánh bắt hải sản đã làm hủy hoại môi trường nghiêm trọng, đồng thời làm suy yếu an ninh thực phẩm, năng lượng của các nước ven biển.
Thái Lan: 4 vụ nổ liên tiếp ở Bangkok sáng 2/8,
2 người bị thương
Hai người đã bị thương sau khi có bốn vụ nổ liên tiếp tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, nơi đang diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 kéo dài từ 29/7 đến 3/8.
Theo đài ThaiPBS, 8h10 sáng, đã có một vụ nổ ở bãi đậu xe tòa nhà Mahanakorn, tòa nhà cao nhất Bangkok, gần trạm BTS Chong Nonsi.
8h30, lại có một vụ nổ khác ở một cửa hàng hoa phía dưới chân cầu nối trạm BTS Chong Nonsi và tòa nhà Mahanakorn.
Được biết hai người đã bị thương.
Tuyên bố chung ASEAN nhắc đến ‘sự cố nghiêm trọng’ ở Biển Đông
Buổi họp giữa Ngoại trưởng VN và TQ theo báo chí hai nước
Phó phát ngôn viên của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP), cho biết một trong hai người bị thương đã được gửi đến Bệnh viện Chulalongkorn. Một người khác chỉ bị thương nhẹ và có thể về nhà.
Đội xử lý chất nổ (EOD) đã đến hiện trường vào khoảng 9h30 và đã tìm thấy dấu vết của chất nổ trong các mảnh vụn.
Một vụ nổ thứ ba đã được báo cáo tại Trung tâm Chính phủ Chaengwattana sáng 2/8 và một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở khu vực Pratunam của Bangkok.
Cảnh sát cũng đã xác nhận một vụ nổ khác gần tòa nhà King Power trên đường Rama 9.
Ngoài ra, một gói kiện lạ đã được phát hiện ở Trụ sở Cảnh sát hôm thứ Năm, nhưng cảnh sát sẽ không xác nhận liệu năm vụ việc trên liên quan đến nhau.
Cảnh sát yêu cầu người dân cảnh giác, nhưng đừng hoảng sợ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49202822
Ấn Độ khẳng định tiếp tục khai thác dầu khí
ngoài khơi Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar được Business Today hôm 1/8 trích lời cho biết các hoạt động khai thác dầu khí của Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam vẫn tiếp tục và không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động của tàu Trung Quốc.
Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7, Trung Quốc đã gửi hàng chục tàu Hải cảnh, dân binh và tàu Hải Dương 8 đến khu vực gần Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí ở lô 06.1 trong liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft của Nga.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc và Hải Dương 8 xuất hiện ở khu vực phía tây bắc Bãi Tư Chính, gần đảo Trường Sa Lớn, nơi có một loạt các lô dầu khí khác của Việt Nam bao gồm lô 127 và 128 là những lô mà công ty ONGC của Ấn Độ đã ký hợp đồng khai thác.
Nói về những căng thẳng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Dehli có những lợi ích chính đáng và hợp pháp đối với hòa bình, ổn định và việc tiếp cận với các tuyến đường biển lớn trong khu vực.
Theo OutlookIndia, ông Raveesh Kumar cũng nhấn mạnh rằng Ấn Độ có lập trường nhất quán và rõ ràng về Biển Đông. Đây là vùng nước có tầm quan trọng về kinh thương mại và kinh tế đối với Ấn Độ, chiếm gần 55% giao thương của Ấn Độ.
Ông Raveesh Kumar khẳng định Ấn Độ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải, và tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế.
Trước đó, truyền thông Ấn Độ cho biết Việt Nam cũng đã đề cập vấn đề căng thẳng ở Biển Đông cho phía Ấn Độ biết. Các nguồn ngoại giao giấu tên cho biết Việt Nam thông báo tình hình cho New Dehli vì Ấn Độ là quốc gia có tầm quan trọng trong khu vực.
Lo sợ có sóng thần sau động đất tại Indonesia
Giới chức Indonesia thúc giục người dân sống gần bờ biển hãy chuyển tới nơi cao hơn, sau khi xảy ra một trận động đất mạnh ở ngoài khơi đảo Java.
Các quan chức nói trận động đất mà Mỹ theo dõi và đo được là mạnh 6.9 độ Richter có khả năng sẽ tạo ra một trận sóng thần.
California có thể có thêm các trận động đất mới
Indonesia: sắp ngừng tìm kiếm nạn nhân sóng thần
Động đất Indonesia: 14 người chết ở đảo Lombok
Trận động đất được ghi nhận xảy ra ở vị trí sâu 52,8 km vào lúc 19:03 giờ địa phương (12:03 GMT).
Tại nhiều thành phố, người ta có thể cảm nhận được các cơn dư chấn, kể cả tại thủ đô Jakarta. Hiện chưa có báo cáo về mức độ thiệt hại về người và của.
“Bộ đèn chùm trong căn hộ của tôi rung lắc, tôi chạy ra từ tầng 19,” một nhân chứng có tên là Elisa, 50 tuổi, nói với hãng tin AFP.
“Những người khác cũng chạy. Cảm thấy rung lắc rất mạnh, và tôi rất sợ hãi.”
Indonesia có lịch sử thường xuyên xảy ra động đất và sóng thần. Hồi tháng Chín năm ngoái, hơn 2.000 người đã thiệt mạng tại đảo Sulawesi do thiên tai.
Trận sóng thần Ấn Độ Dương hồi 2004 đã giết chết 170 ngàn người trên đảo Sumatra của Indonesia sau khi có trận động đất mạnh 9.1 độ Richter.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49193899
Học giả Indonesia: TQ phớt lờ luật pháp quốc tế
Học giả Indonesia nhận định hành động của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây cho thấy nước này phớt lờ luật pháp quốc tế, ảnh hưởng sự ổn định vùng biển này.
Những ngày qua, việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào khu vực biển Đông, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các học giả trong khu vực và quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông Gilang Hambara, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Viện chiến lược và quốc tế (CSIS) Indonesia nhận định:
“Là một nước có chủ quyền, Việt Nam có đầy đủ quyền để lên án sự xâm phạm chủ quyền từ Trung Quốc. Trung Quốc đã vào khu đặc quyền kinh tế Việt Nam, đây là một hành động sai trái.”
Theo ông Gilang, những hành động đơn phương của Trung Quốc thời gian gần đây như đánh chìm tàu cá Philipines hay đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy, Trung Quốc đã phớt lờ luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng cho sự ổn định trên Biển Đông.
“Những năm gần đây, Trung Quốc đã vi phạm nhiều điều khoản trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biến năm 1982 (UNCLOS 1982). Philippines đã kiện Trung Quốc và Toà trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết, bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc. Song, sau đó Trung Quốc đã hoàn toàn không tuân thủ phán quyết của PCA, tiếp tục các hành động trái phép như xây đảo nhân tạo, phá huỷ môi trường và tuyên bố về đường chín đoạn. Có thể nói, Trung Quốc đều không tuân thủ một cách đầy đủ các quy định của UNCLOS hay PCA”.
Ông Gilang cũng cho rằng, việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) là rất cần thiết bởi Biển Đông là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao thương. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia ASEAN, trong đó có Indonesia cần có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải trên Biển Đông.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29674-hoc-gia-indonesia-tq-phot-lo-luat-phap-quoc-te.html
Malaysia cảnh báo
TQ đang thực hiện ý đồ chia rẽ ASEAN
Trong khi Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (24/7) đã cảnh báo Biển Đông không nên trở thành nhân tố gây chia rẽ trong ASEAN mà phải là yếu tố kết nối đoàn kết trong khối.
Cảnh báo từ phía Malaysia
Theo ông Saifuddin Abdullah, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 đưa ra các quy định khá lỏng lẻo về các hành vi trong vùng biển tranh chấp. Nó không ngăn được Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực và leo thang căng thẳng. Việc
Trung Quốc gửi các tàu bảo vệ bờ biển lớn chẳng khác nào tàu chiến tới các vùng lãnh thổ giàu năng lượng và khiến các quốc gia láng giềng phải nóng mắt; đồng thời nhấn mạnh vấn đề Biển Đông không nên trở thành nhân tố gây chia rẽ trong ASEAN mà phải là thành tố kết nối sợi dây đoàn kết giữa các quốc gia trong khối. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nhận định, nếu ASEAN vẫn giữ chắc vị thế trung tâm, sẽ không có chuyện 1 hay 2 quốc gia thành viên đơn lẻ đàm phán song phương với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Kịch bản sẽ chỉ có thể là cả 10 quốc gia thành viên cùng đàm phán với Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Saifuddin Abdullah nhắc lại tuyên bố hồi tháng 5 của Thủ tướng Mahathir Mohamad rằng Kuala Lumpur ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó. Ngoại trưởng Malaysia khẳng định tuyên bố này cùng thái độ cứng rắn của ông Mohamad gửi đi tín hiệu rằng chính phủ mới của Malaysia sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Giới chuyên gia, học giả cũng đưa ra cảnh báo tương tự
Với việc điều tàu thăm dò, tàu chấp pháp và tàu chiến xâm phạm thô bạo Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong những ngày qua cho thấy, Trung Quốc đang coi thường luật pháp quốc tế và không có thiện chí thúc đẩy các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có việc đàm phán về COC với ASEAN.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca cho biết, Trung Quốc đã thực hiện thăm dò tài nguyên tại khu vực Bãi Tư Chính và khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này đang làm xấu hình ảnh của Trung Quốc và làm mất lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực đối với Trung Quốc. Đặc biệt, hiện nay ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán COC. Hành động này của Trung Quốc đã gây khó khăn rất lớn, nếu không muốn nói là cản trở quá trình đàm phán và Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đàm phán COC thất bại. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều nếu cứ tiếp tục các hành động sai trái như thế. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, nếu COC là một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý và tuân thủ luật pháp quốc tế thì đó sẽ là một công cụ rất tốt để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên biển Đông. Tuy vậy, việc đàm phán để đạt được COC như thế là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho tất cả các nước, đòi hỏi các nước ASEAN phải thật sự quyết tâm. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hoàng Việt thuộc Ban Nghiên cứu luật Biển và Hải đảo (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận định rằng những hành động của Trung Quốc đi ngược lại với những gì chính phủ nước này cam kết, cũng như các văn bản đã ký kết với ASEAN, bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn thảo COC.
Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin nhận định, ngay từ khi ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh
http://biendong.net/bien-dong/29702-malaysia-canh-bao-tq-dang-thuc-hien-y-do-chia-re-asean.html
Lý do Australia điều tra hàng loạt trường đại học
có quan hệ “nguy hại” với các Viện Khổng Tử của TQ
Chính phủ Australia hôm 25/7 đã quyết định điều tra về dấu hiệu một số trường đại học ở nước này bị Trung Quốc can thiệp và tài trợ để thành lập 13 Viện Khổng Tử trên khắp Australia. Australia hiện có số lượng học viện và lớp học Khổng Tử cao thứ ba trên thế giới, đứng sau Mỹ và Anh với 14 học viện và 67 lớp học trên cả nước.
Những hệ lụy khôn lường từ những Viện Khổng Tử tại Australia
Theo tờ báo“Sydney Morning Herald”, 13 trường đại học địa phương của Australia đã tự ký hợp đồng với Viện Khổng Tử ở Trung Quốc. Một số trường đã đồng ý để Viện Khổng Tử thẩm định, đánh giá chất lượng giảng dạy để đổi lại mỗi trường được nhận từ Trung Quốc từ 69.000 đến 103.500 AUD tiền tài trợ và tài nguyên giảng dạy. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia tuyên bố sẽ điều tra xem liệu việc này có vi phạm luật pháp bởi sự can thiệp từ nước ngoài hay không. Theo tiết lộ trong 11 bản hợp đồng mà họ có được thì có 4 hợp đồng đó cho phép Viện Khổng Tử có quyền quyết định cuối cùng đối với việc giảng dạy và còn yêu cầu các hoạt động giảng dạy phải tôn trọng phong tục văn hóa để đổi lấy tiền tài trợ, 3.000 cuốn sách Trung Quốc và các tài nguyên giảng dạy khác. Các trường đại học ký hợp đồng trên là University of Queensland (UQ), La Trobe University (LTU), Griffith University (GU) và Charles Darwin University (CDU). Tổng công tố viên Australia Christian Porter
cho biết chính phủ đang nghiên cứu liệu thỏa thuận giữa 13 trường đại học ở Australia và Học viện Khổng Tử của Trung Quốc có vi phạm luật can thiệp nước ngoài mới hay không. Ông nói: “Tôi đã yêu cầu cơ quan của tôi kiểm tra cụ thể tất cả các bản hợp đồng giữa Viện Khổng Tử và các trường đại học để đảm bảo rằng nó có kế hoạch tuân thủ về tính minh bạch ảnh hưởng của nước ngoài”. Chính phủ Australia yêu cầu các trường này phải đăng ký việc lập Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường để đảm bảo rằng ảnh hưởng của các tổ chức nước ngoài được theo dõi theo đạo luật mới để ngăn chặn họ ảnh hưởng đến chính trị và quản lý của Australia.
Ông Christian Porter cho biết, cơ quan của ông “mấy tháng gần đây đã tiến hành điều tra một số trường đại học để xác định xem có nên đăng ký một số thỏa thuận cụ thể nhất định hay không” và gặp gỡ với đại diện của Viện Khổng Tử. Về vấn đề báo chí đưa tin, người phát ngôn của Đại học Queensland nói, thỏa thuận của họ với Viện Khổng Tử đã hết hạn vào tháng 4 năm nay và đang thảo luận sửa đổi một số nội dung của thỏa thuận, với cam kết rõ ràng rằng Đại học Queensland sẽ kiểm soát tất cả các nội dung, tiêu chuẩn, tuyển sinh, thi cử, sắp xếp nhân sự và tự do học thuật có liên quan với Viện Khổng Tử và việc viện này cung cấp khóa trình và các hạng mục liên quan.
Các trường đại học Australia bị điều tra tìm cách phủ nhận các mối liên hệ với Viện Khổng Tử
Đại học La Trobe trả lời rằng Viện Khổng Tử không tham gia bất kỳ chương trình cấp bằng nào và sẽ không ảnh hưởng đến sự độc lập trong học thuật. Đại học Darwin trả lời rằng họ hài lòng với Viện Khổng Tử và nhấn mạnh rằng nó không liên quan gì đến bất kỳ chương trình cấp bằng nào. Người phát ngôn của Đại học Griffith nói rằng Viện Khổng Tử không tham gia trao bằng cấp, mà chỉ tập trung vào việc cung cấp các khóa học văn hóa và ngôn ngữ cho cộng đồng địa phương dưới sự hướng dẫn của các học giả có tiếng. Hợp đồng này không khác gì với các hợp đồng khác và sẽ được xem xét việc ký tiếp khi hết hạn. Đáng chú ý, Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne và Đại học Adelaide đã từ chối cung cấp các hợp đồng ký với Viện Khổng tử. Người phát ngôn của Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne nói, họ cho rằng thỏa thuận với bên thứ ba là bí mật; còn người phát ngôn của Đại học Adelaide thì nói văn bản hợp đồng là một tài liệu pháp lý.
Hiện tại, phía Australia vẫn đang tiến hành các cuộc điều tra có liên quan. Kể từ năm 2018, Văn phòng Hán Biện trực thuộc Ban Mặt trận thống nhất trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan chủ quản các Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới đã khiến Chính phủ Australia chú ý. Đại học Queensland nơi xảy ra vụ xung đột giữa các sinh viên Đại Lục và Hồng Kông là một trong những trường đại học Australia có mở Học viện Khổng Tử. Nhiều chuyên gia về vấn đề Trung Quốc đã chỉ ra rằng Viện Khổng Tử được Trung Quốc tài trợ và chỉ đạo trên danh nghĩa dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, nhưng thực tế là truyền bá, tư tưởng và chủ trương của Trung Quốc về nhiều lĩnh vực. Giáo viên Hán ngữ được Học viện Khổng Tử tuyển dụng là những người “có chất lượng chính trị tốt” được Trung Quốc lựa chọn cẩn thận và tuân thủ “kỷ luật tổ chức” theo yêu cầu của họ. Giáo sư John Fitzgerald, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Swinburne (SUT), nói rằng “có một phẩm chất chính trị tốt có nghĩa là chấp nhận quan điểm của Trung Quốc, không có quan điểm riêng của cá nhân”. Một số chính phủ tiểu bang ở Australia đã bắt đầu xem xét quan hệ đối tác với Học viện Khổng Tử để đảm bảo rằng không có sự can thiệp không phù hợp nào của nước ngoài. Trước đó, một nghị sĩ Australia đã đề xuất nghị án yêu cầu điều tra các Học viện Khổng Tử.
Không chỉ Australia, trước đây đã có nhiều nước tẩy chay Viện Khổng Tử của TQ
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia phương Tây xem xét đến sự tồn tại của các Viện Khổng Tử.Đáng chú ý là, theo dữ liệu của “Hán Biện” (Hanban – Văn phòng quốc gia về truyền bá Hán ngữ của chính phủ Trung Quốc), tính đến tháng 6/2019, tại 155 quốc gia trên toàn thế giới đã có tổng số 539 Học viện Khổng Tử và 1,129 Lớp học Khổng Tử đã được thành lập. Tại Australia có 14 Học viện Khổng Tử và 67 Lớp học Khổng Tử, số lượng nhiều thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Vương quốc Anh. Sự tồn tại của các Học viện Khổng Tử cùng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia cảnh giác và lo ngại về sự tồn tại của các cơ sở mang tên Khổng Tử này trên đất nước họ. Ngay từ năm 2013, Đại học McMaster của Canada tuyên bố đóng cửa Học viện Khổng Tử trong trường này. Cùng năm đó, Đại học Lyon Số 2 và Số 3 của Pháp đã đóng cửa Học viện Khổng Tử, cho rằng Viện Khổng Tử là một công cụ truyền bá tư tưởng của Trung Quốc, dẫn đến tự do học thuật phương Tây bị phá hoại. Sau đó, ngày 25/9/2014, Đại học Chicago (Mỹ) tuyên bố đình chỉ hợp tác với Viện Khổng Tử; ngày 1 tháng 10 cùng năm, đến lượt Đại học bang Pennsylvania cũng tuyên bố đình chỉ 5 năm hợp tác với Viện Khổng Tử vào cuối năm đó. Năm 2018, Đại học Bắc Florida của Mỹ tuyên bố đóng cửa Học viện Khổng Tử được mở năm 2014, với lý do Viện Khổng Tử không phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu giúp đỡ của nhà trường. Ngày 13/8/2018, Tổng thống Mỹ Donald
Trump đã ký “Đạo luật ủy quyền Quốc phòng năm 2019” tại căn cứ Drumburg ở New York cho phép chi 716 tỷ USD cho quốc phòng. Đạo luật này quy định rõ: “Nghiêm cấm việc đào tạo ngôn ngữ thông qua Học viện Khổng Tử”. Hiện ở Mỹ có hơn 100 Viện Khổng Tử, chiếm một phần năm tổng số Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, gần 20 viện đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đạo luật này.