Tin Việt Nam – 01/08/2019
“Chống tham nhũng
thực chất để thanh trừng lẫn nhau!”
Diễm Thi, RFA
Ngày 4/7/1991, nhà báo Trần Quang Thành bị tạt acid khiến khuôn mặt bị dị dạng, mất cả môi và mũi, một mắt bị mù, mắt còn lại chỉ nhìn được 1/10 và thân thể bị hủy hoại 81%, sau khi ông có các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam.
Đến hôm nay công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam vẫn chưa đến hồi kết và có lẽ sẽ khó có hồi kết, mặc dù nhiều người nhận định, đây là giai đoạn Việt Nam chống tham nhũng quyết liệt nhất…
RFA có cuộc phỏng vấn nhà báo Trần Quang Thành sau 28 năm ông gặp tai nạn nghề nghiệp để nghe ông phân tích, nhận định về tình hình chống tham nhũng hiện nay!
Diễm Thi: Thưa nhà báo Trần Quang Thành, vừa qua trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự, ông có tin Việt Nam đã và đang quyết liệt chống tham nhũng hơn bao giờ hết?
Ông Trần Quang Thành: Chào cô Diễm Thi và thính giả RFA. Theo tôi thì công cuộc chống tham nhũng hiện nay như một trò hề vì không phải đánh trực tiếp vào những người đương nhiệm mà toàn là hồi tố như Lê Thanh Hải hiện nay. Chẳng lẽ nhiệm kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn trong sạch, không có một người nào phải đứng trước vành móng ngựa về chống tham nhũng cả hay sao?
Vì vậy tôi nghĩ họ ra luật chống tham nhũng để thanh trừng lẫn nhau mà thôi chứ không phải vì dân vì nước gì hết.
Diễm Thi: Thưa ông, vậy theo ông, khẩu hiệu của ông Trọng “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” được ông hiểu như thế nào thông qua những gì ông Trọng làm mà nhiều người hay nói là công cuộc “đốt lò” của ông ấy đã đang và sẽ thành công?
Ông Trần Quang Thành: Ông Trọng chỉ cho vào lò những đối tượng ông muốn triệt hạ, chứ những đối tượng mà ông nâng niu thì không. Cho nên việc kiên quyết chống tham nhũng của ông thực chất là triệt những kẻ có thể cản trở ông về quyền lực. Ông Trọng bảo “không có vùng cấm”, ai chả nói thế nhưng hành động thì mới quan trọng, nó chứng minh cho lời nói.
Diễm Thi: Nhưng những vụ tiêu cực tiếp tục bị phanh phui “không ngoại lệ”khi 7 thứ trưởng và nguyên thứ trưởng dính kỷ luật trong vòng nửa năm qua, ông có nghĩ đó là sự “mạnh tay” thật của chiến dịch chống tham nhũng hay là “chiêu trò” an dân trước thềm đại hội XIII?
Ông Trần Quang Thành: Tất cả mọi hành động xử lý kỷ luật vừa qua đều là thanh trừng lẫn nhau, răn đe cho nhau, nhưng dù sao chúng ta cũng thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước cộng sản rằng, nếu một người có quyền cầm bút ký là có thể tham nhũng, từ xã cho đến Trung ương. Quan trọng là người thế lực mạnh sẽ lấn át người thế lực yếu.
Hồi kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đâu có làm được mà phải khóc và gọi là đồng chí X. Bây giờ ông Trọng tìm những phe cánh cũ của Nguyễn Tấn Dũng xử lý.
Nếu vì dân vì nước thì ông Trọng phải lôi những tập đoàn lớn đang bị tố cáo như Sun Group, Vin Group, tập đoàn của Trịnh Văn Quyết ra xử…
Ở Việt Nam, chống tham nhũng là thứ vũ khí để họ trị nhau.
Gọi là mị dân thì cũng đúng nhưng dân họ không tin đâu. Dân họ không nói ra thôi chứ họ không tin các ông có thể chống tham nhũng. Thế lực của Tất Thành Cang còn rất mạnh nên 70 ủy viên trung ương không thể bỏ phiếu kỷ luật ông này.
Nếu muốn chống tham nhũng vì dân vì nước thì ông Trọng phải kỷ luật hết những ai tham nhũng, những ai cướp của dân. Nhưng ông Trọng lại bảo nếu xử lý hết cán bộ thì lấy cán bộ đâu mà làm.
Nội bộ đảng cộng sản có thể mâu thuẫn với nhau kịch liệt, ví dụ hai phe Dũng – Trọng. Nhưng đến một lúc nào đó, vì quyền lợi của đảng và quyền lợi của họ với nhau thì họ cũng sẽ “ngã giá” với nhau để giữ lại thế cân bằng chứ không bao giờ triệt hạ nhau đến cùng.
Diễm Thi: Theo như ông nói, nếu chính quyền Việt Nam kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy của Đảng, nhà nước những cán bộ “hư hỏng”, triệt hạ phe cánh nhưng liệu có loại bỏ được “chân rết” của họ khi nó đã bám rễ và vươn vòi quá sâu? Ông có thể phân tích thêm về vấn đề này?
Ông Trần Quang Thành: Muốn chống tham nhũng thành công phải dựa vào dân, nghe dân chứ đừng theo ý đảng thì họ sẽ triệt được tất cả những kẻ tham nhũng, còn nếu cứ như bây giờ là phe nọ giết phe kia thì diệt được chân rết này sẽ tòi ra chân rết khác. Hiện nay họ chỉ chống tham nhũng trên bề mặt. Ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng cũng đâu chịu kê khai tài sản!
Tóm lại, còn ĐCS thì không bao giờ chống tham nhũng được vì họ vừa đá bóng vừa thổi còi đúng như câu “luật là ta, ta là luật”.
Diễm Thi: Ông nhận định như thế nào về tình hình này trước đại hội XIII? “Lò” của ông Trọng sẽ tiếp tục nóng? Những vấn đề nào ông nghĩ sẽ được đưa ra bàn luận kỹ trước, trong và sau đại hội?
Ông Trần Quang Thành: Lò vẫn sẽ nóng để diệt những người không ăn ý với ông Trọng. Trước đại hội đảng thì họ sẽ đưa những vấn đề về trong sạch đảng để lấy lòng dân nhưng thực tế họ không bao giờ làm được những điều họ nêu ra. Từ xưa đến nay vẫn thế, không có gì mới cả.
Đại hội sắp tới tôi nghĩ họ cũng làm sao để củng cố nội bộ của họ để bám rễ và tiếp tục thống trị. Tổ chức đại hội đảng chỉ tốn tiền của dân. Buồn cười ở chỗ trong một nước có hai hệ thống chính quyền là đảng và Nhà nước, mà cuối cùng chỉ là đảng thống trị.
Một đất nước muốn công bằng, dân chủ, văn minh thì không thể nào để độc đảng lãnh đạo như hiện nay mà cần một sự thay đổi lớn trong đất nước.
Phải nói rõ rằng những nội dung nào được bàn hay danh sách nhân sự tại đại hội đảng kỳ tới do một nơi quyết định, đó là Bắc Kinh.
Ngày xưa thì Liên Xô sẽ đưa danh sách người lãnh đạo chủ yếu. Bây giờ Trung Quốc sẽ làm việc này.
Diễm Thi: Theo quan sát của ông thì có gì khác biệt trong việc chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam từ hơn 10 năm qua?
Ông Trần Quang Thành: Ngày càng bộc lộ rõ việc chống tham nhũng chỉ là chiêu bài để ĐCS thâu tóm quyền lực. Ngày xưa thì họ còn lừa được dân. Ngày xưa tôi cũng bị lừa khi nghe họ chống tham nhũng, tôi đã làm rất nhiều vấn đề để chống tham nhũng.
Khi chống tham nhũng thì cả Ban nội chính trung ương là bộ máy cắt rễ. Nếu một người nào đó trong Bộ chính trị đang có thế lực mà bị tố cáo thì ban này sẽ làm nhiệm vụ là “cắt rễ” để rễ cái không bị nguy hiểm.
Còn nếu ai đó không được ưng ý trong Bộ chính trị thì ban này sẽ vẽ ra một hồ sơ rất xấu để triệt hạ.
Bộ công an hiện nay là một bộ máy siêu quyền lực. Chống tham nhũng ở đấy mà tham nhũng cũng ở đấy cho nên nó đẻ ra rất nhiều chuyện. Các vụ chống tham nhũng và tham nhũng vừa rồi đều dính đến công an. Họ thanh trừng lẫn nhau thôi.
Trong bộ máy công an tham nhũng rất nhiều. Hầu như những người có chức có quyền trong Bộ công an đều có những quyền lợi liên quan đến những cơ quan khác. Tôi đã từng chứng kiến những vụ việc mà người trong Bộ công an bao che cho thuộc hạ như thế nào, và tôi từng là nạn nhân của ngành công an. Vì thế tôi hoàn toàn không tin – Tôi cũng là nạn nhân của sự bao che.
Diễm Thi: Cảm ơn nhà báo Trần Quang Thành đã dành thời gian cho RFA – Kính chúc nhà báo thật nhiều sức khỏe!
12 tỉnh phía Bắc không phát hiện tham nhũng vặt
trong 6 tháng đầu năm
Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Theo tin, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 14 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc trong Cụm thi đua số 1 Ban Nội chính Trung ương ổn định và giữ vững; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến tích cực.
Về phòng chống tham nhũng vặt, ban nội chính tỉnh ủy các tỉnh đã xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai thực hiện. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện, đề nghị xử lý 2 vụ án, 2 hành vi tham nhũng vặt và 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm.
Tại hội nghị, phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng kết quả công tác phòng chống tham nhũng vặt còn rất khiêm tốn khi chỉ có 2 tỉnh Lào Cai và Thái Nguyên phát hiện hành vi tham nhũng vặt. Các tỉnh khác báo cáo không phát hiện tham nhũng vặt.
Trong khi đó, truyền thông trong nước có trích dẫn phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng rằng: “Tham nhũng lớn đã nghiêm trị rất nhiều nhưng tham nhũng vặt dân rất kêu ca. Tiền không phải quá nhiều nhưng gây phiền lòng người dân”.
Mật vụ An Giang tấn công tư gia
gia đình Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Túy
Tin từ Long Xuyên, ngày 30/7/2019: Mật vụ đã đập phá nhà riêng tại phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyêncủa ông Phong Xuân, trị sự viên đặc trách thông tin liên lạc của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý tỉnh An Giang.
Nguyên nhân là ông Xuân luôn cổ suý tự do tôn giáo, treo tấm băng rôn chào mừng những ngày lễ lớn của Phậtgiáo Hoà Hảo, và treo đạo kỳ trước cửa. Chính quyền coi ông là cái gai và đã nhiều lần sách nhiễu ông.
Vụ tấn công xảy ra vào lúc 19h ngày 30/7: một nhóm 10 mật vụ trong trang phục dân sự đến nhà ông bằng xe gắn máy. Chúng xông vào nhà và dùng gậy đập bể tất cả đồ đạc trong nhà gồm loa, vi tính, và 2 chiếc xe gắn máy xong bỏ đi. Ông Xuân, một người hành nghề xe ôm, không bị đánh vì lúc đó ông đang tắm phía sau nhà.
Ông có đến công an phường trình báo sự việc và yêu cầu trích xuất camera an ninh tại địa phương để tìm kiếm thủ phạm. Nhưng công an nói việc đó là của công an và nói ông Xuân về nhà khi có kết quả sẽ thông báo cho ông Xuân biết.
Vụ đập phá này là một trong nhiều vụ đàn áp, sách nhiễu tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý, nhất là dịp kỷ niệm ngày mất của Đức Huỳnh Phú Sổ, người bị cộng sản thủ tiêu. Sáu người trong gia đình ông Bùi Văn Trung bị bắt giữ và kết án tù từ 2 đến 7 năm vì thực hành tự do tôn giáo.
Chế độ cộng sản Việt Nam muốn kiểm soát mọi tôn giáo, nên lập ra những nhánh tôn giáo quốc doanh song song với các tôn giáo hiện có, rồi bắt người dân chuyển sang nhánh mới, nếu không sẽ bị đàn áp, sách nhiễu.
Việt Nam đang giam giữ gần 240 tù nhân lương tâm, 101 trong số này bị cầm tù vì tự do tôn giáo, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/mat-vu-an-giang-tan-cong-tu-gia-gia-dinh-phat-giao-hoa-hao-thuan-tuy/
Hòa Bình kỷ luật 2 lãnh đạo
liên quan đến kỳ thi THPT 2018
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu và Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bùi Trọng Đắc vừa bị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hôm 31/7 bỏ phiếu đồng ý kỷ luật do những sai phạm liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Thông tấn xã Việt Nam loan tin này hôm 1/8.
Ông Bùi Văn Cửu phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo sau phiên bỏ phiếu.
Bùi Văn Cửu là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017-2018.
Theo truyền thông trong nước, ông Bùi Văn Cửu là người đứng đầu Ban Chỉ đạo thi nhưng đã thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ một số khâu trong quá trình tổ chức kỳ thi, quá trình thực hiện quy chế thi và đặc biệt là khâu chấm thi.
Trong hai năm 2017 – 2018, đã có 65 thí sinh ở Hòa Bình được nâng điểm thi tốt nghiệp THPT. Đã có 7 cán bộ chấm thi của tỉnh này bị khởi tố, bắt giam để xử lý hình sự vì có liên quan.
Bên cạnh đó, ông Bùi Trọng Đắc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi; Chủ tịch Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2017-2018 tỉnh Hòa Bình được xác định phải chịu trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm của cấp dưới.
Tin nói đa số thành viên Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã bỏ phiếu đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Trọng Đắc bằng hình thức cách chức Tỉnh ủy viên hoặc cách chức các chức vụ trong Đảng. Tuy nhiên, báo trong nước không nói rõ ông Đắc có bị thi hành cách chức hay không.
Trước đó hôm 28/7, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình ra thông báo kết luận đề nghị thi hành kỷ luật đảng đối với đồng chí Bùi Trọng Đắc bằng hình thức cảnh cáo.
Việt Nam dẫn độ 380 “con bạc”
trao trả cho Trung Quốc xử lý
Cơ quan chức năng Việt Nam vừa bàn giao gần 400 “con bạc” người Trung Quốc cho lực lượng công an nước này xử lý.
Truyền thông trong nước hôm 1/8 loan tin cho biết như vừa nêu.
Lực lượng chức năng Việt Nam gồm biên phòng, hải quan, công an đã tăng cường quân số, triển khai nhiệm vụ trao trả gần 400 người Trung Quốc vận hành trung tâm cờ bạc ở Hải Phòng về cho nước này tại Km số 0, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn theo Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Trung Quốc.
Gần 400 công dân Trung Quốc bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ vì có hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua mạng bất hợp pháp tại Việt Nam với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Công an Trung Quốc xác định những kẻ cầm đầu trong băng nhóm tội phạm này hiện đang lẩn trốn ở nước ngoài, trong đó có thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Do đó Bộ Công an cho hay, vụ án này sẽ thuộc thẩm quyền điều tra mở rộng và xử lý của cơ quan Trung Quốc.
Trước đó, ngày 27/7 Bộ Công an Việt Nam đã tiến hành kiểm tra khu độ thị Our City tại thành phố Hải Phòng và phát hiện nhiều máy móc và thiết bị được cho hoạt động đánh bạc qua mạng, thu giữ 2000 điện thoại, hơn 500 máy tính xách tay, rất nhiều tiền mặt và thẻ ATM.
Truyền thông trong nước trích thông tin từ Công an Hải Phòng cho hay 12 công ty Trung Quốc đã thuê các tòa nhà trong khu đô thị Our City làm địa điểm đặt máy chủ điều hành đường dây đánh bạc xuyên quốc gia này. Họ đã hoạt động được khoảng 6 tháng và đã thực hiện giao dịch thành công thông qua cá cược trực tuyến, trị giá khoảng 435 triệu đô.
Theo Bộ Công an, đây là một tổ chức tội phạm với phương thức hoạt động mới và tinh vi, được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức dưới ‘vỏ bọc’ của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là vụ án liên quan đến số lượng người nước ngoài lớn nhất, số lượng cờ bạc và cá cược trực tuyến lớn nhất từng được phát hiện tại Việt Nam.
Việt Nam trở thành điểm cư ngụ
của tội phạm Trung Cộng
Tin Vietnam.- Báo Tuổi Trẻ ngày 31 tháng 7 năm 2019 loan tin, tội phạm người Trung Cộng đang có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều đối tượng là tội phạm truy nã của Trung Cộng đã chọn Việt Nam làm nơi cư ngụ để lẩn tránh.
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Viên, giám đốc công an Đà Nẵng cho biết, trong năm 2018, và 6 tháng đầu năm 2019, công an đã xử phạt khoảng 500 trường hợp tội phạm ngoại quốc, trong đó chủ yếu là tội phạm người Trung Cộng với nhiều nhiều diễn biến phức tạp. Gần đây nhất là trong tháng 7, công an Đà Nẵng phát hiện 10 người Trung Cộng thuê khách sạn để dụ dỗ, lôi kéo người Trung Cộng tham gia các trò chơi có thưởng trên mạng. Công an thành phố này cũng đã xử lý 35 người Trung cộng sử dụng visa du lịch đến Đà Nẵng để tổ chức đánh bạc qua Internet. Trong số này có 20 người là đối tượng hình sự, nhiều đối tượng là tội phạm truy nã của Trung Cộng.
Còn tại Nha Trang, theo thống kê thì vào năm 2018, thành phố này có đến 1,6 triệu người Trung Quốc đến thông qua hình thức du lịch. Trong số này, có không ít đối tượng là tội phạm nguy hiểm. Vào tháng 4 năm 2019, công an Nha Trang đã bắt 70 người Trung Cộng dùng công nghệ cao để lừa đảo; vào ngày 5 tháng 7 vừa qua, một nhóm người Trung Cộng đã dùng dao ngang nhiên chém một người Trung Cộng tử vong tại quán karaoke ở Nha Trang.
Sự việc lớn nhất là vừa qua tại Hải Phòng, Công an Cộng sản đã ập vào bắt gần 400 người Trung Cộng tại khu đô thị Our City đang có hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng.
Dư luận xã hội cho rằng chiến lược khuyến khích người Trung Cộng- trong đó có nhiều tội phạm- vào Việt Nam bằng cách miễn visa, cho phép xe hơi Trung Cộng sang một số tỉnh của Việt Nam… của chính phủ CSVN là nguyên nhân làm xã hội Việt Nam ngày càng bất ổn.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/viet-nam-tro-thanh-diem-cu-ngu-cua-toi-pham-trung-cong/
Tập “thể thao khiêu dâm” ở Việt Nam
sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng
Tin Vietnam.- Báo Vnexpress ngày 1 tháng 8 năm 2019 loan tin, từ ngày 1 tháng 8, Nghị định 46/2019/NĐ-CP của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có hiệu lực.
Trong Nghị định này có điều 7 gây xôn xao dư luận với nội dung, các hành vi sử dụng bài tập, môn thể thao, các phương pháp tập luyện, thi đấu mà bị nhà cầm quyền xem là có tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực thì sẽ bị khép vào “hành vi trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”. Những hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch CSVN cho biết, đơn vị thanh tra các ông đã phát hiện một số môn thể thao mới có mặt tại Việt Nam trái với thuần phong mỹ tục, không hợp với văn hóa Việt Nam. Thí dụ như yoga khỏa thân, hoặc một số bài tập dưỡng sinh mang tên Suối nguồn tươi trẻ với một số động tác gợi dục.
Theo ông Phúc, quy định này không phải mới được “sáng chế” ra, mà nó được xây dựng từ các quy định đã có trước đây. Nhưng ông Phúc đã thừa nhận quy định trên không phải dễ dàng áp dụng để xử phạt.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tap-the-thao-khieu-dam-o-viet-nam-se-bi-phat-den-10-trieu-dong/
Việt Nam chuẩn bị sơ tán dân, cấm biển,
ứng phó với bão Wipha
Một loạt các tỉnh phía Bắc Việt Nam bắt đầu cấm biển, chuẩn bị sơ tán dân, trong khi quân đội huy động hơn 300.000 quân để đối phó với bão số 3 (Wipha) dự kiến bổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định vào chiều 2/8/2019. Truyền thông trong nước đưa tin sáng 1/8.
Các tỉnh đã cấm biển bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định.
Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 377.000 chiến sĩ, dân quân tự vệ, hơn 2.300 phương tiện các loại, đặc biệt phương tiện đặc chủng có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, bão, địa hình bị chia cắt và lên phương án phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương để ứng phó bão cũng như có phương án sơ tán dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 38 điểm theo quy định của Chính phủ; đồng thời phối hợp với các địa phương thông báo tàu thuyền vào nơi tránh trú bão.
VTCNews dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp vào sáng ngày 1/8/2019 rằng: “Cần cấm biển vào trưa hôm nay, cấm các hoạt động du lịch vào cuối tuần đặc biệt khách trên đảo thì phải bảo vệ an toàn, điều đáng lo ngại là hiện nay có hiện tượng du lịch trải nghiệm bão đặc biệt là khách nước ngoài. Trên bờ, bão sẽ đổ bộ vào trưa 2/8 lúc triều cường nên khả năng gây ngập úng đô thị là rất lớn…”
Cùng với đó, Quảng Ninh đã cho dừng tàu tham quan vịnh Hạ Long từ 10h trưa ngày 1/8.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 1/8 đến 4/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to dẫn đến nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng và các đô thị tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó đặc biệt là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An.
Việt Nam “bỏ quên” hay không muốn
phê chuẩn công đoàn độc lập?
Việt Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại sự kiện này cho rằng Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do và các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện
Trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, diễn ra vào sáng 28 tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa công nhân, người lao động với Đảng và Nhà nước; đồng thời Công đoàn luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn cho rằng Công đoàn Việt Nam cần phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện các cam kết quốc tế trong bối cảnh Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của ILO.
Điểm vô lý là những nghiệp đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một cơ cấu chính trị trực thuộc về Đảng, mà chúng ta cũng thấy nó là một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Nhưng theo sự công nhận của thế giới thì những nghiệp đoàn phải là một cơ cấu hoàn toàn phi chính trị, không làm theo chỉ thị của Đảng, Nhà nước và mục tiêu tối hậu là phải tranh đấu cho phúc lợi của những người lao động. Cho nên vai trò của nghiệp đoàn không phải vai trò chính trị như ông Phúc kêu gọi
-Đại diện Liên đoàn Lao động Việt Tự do
Với nội dung gồm 5 điểm được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm yêu cầu Công đoàn Việt Nam thực hiện trong tình hình Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế, giới quan sát cho rằng điều cần lưu tâm là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có bất cứ đề cập nào đến vấn đề công đoàn độc lập theo như các quy định trong công ước của ILO cũng như hai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPCPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA).
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/01/2019 và Hiệp định EVFTA cùng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Châu Âu vừa được ký kết vào ngày 30 tháng 6 vừa qua. Cả hai hiệp định này được Việt Nam gọi là hiệp định thương mại thế hệ mới, vì bên cạnh yếu tố truyền thống là thương mại thì còn ràng buộc về yếu tố lao động và môi trường, được dẫn chiếu theo 8 Công ước quốc tế của ILO. Việt Nam đã ký kết thông qua 6 trong số 8 Công ước quốc tế đó. Hiện, Việt Nam còn được yêu cầu tham gia và phê chuẩn đầy đủ thêm 2 Công ước quốc tế 105 và 87.
Theo ghi nhận của Thạc sĩ Hoàng Việt qua các lần tham dự những hội thảo lớn được Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức liên quan vấn đề công đoàn thì, mặc dù Việt Nam đang dưới sức ép bởi hai Hiệp định CPTPP và EVFTA là phải thành lập và chính thức hoạt động công đoàn độc lập nhưng các bộ, ngành vẫn còn sự e dè. Riêng về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa nêu trên, Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định:
“Thế còn với phát biểu của ông Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho thấy bản thân họ cũng mong muốn và tôi cũng nhận thấy sự trình bày của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội là đơn vị soạn thảo ra Bộ luật Lao động mới, trong đó có quy định công đoàn độc lập thì họ cũng là những người muốn tiếp thu những điều mới và họ là những người muốn công nhận để tuân thủ những quy định Công ước quốc tế của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế). Thế nhưng mà họ cũng gặp rất nhiều lực cản.”
Lực cản nào?
Ông Chu Văn Cương, Đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, một tổ chức công đoàn độc lập lên tiếng với RFA rằng trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù được tuyên bố là Công đoàn đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ và toàn diện trong bối cảnh mới thế nhưng bài phát biểu đó có nhiều điểm vô lý và thiếu sót. Ông Chu Văn Cương phân tích:
“Điểm vô lý là những nghiệp đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một cơ cấu chính trị trực thuộc về Đảng, mà chúng ta cũng thấy nó là một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Nhưng theo sự công nhận của thế giới thì những nghiệp đoàn phải là một cơ cấu hoàn toàn phi chính trị, không làm theo chỉ thị của Đảng, Nhà nước và mục tiêu tối hậu là phải tranh đấu cho phúc lợi của những người lao động. Cho nên vai trò của nghiệp đoàn không phải vai trò chính trị như ông Phúc kêu gọi. Còn điểm thiếu sót là ông Phúc không hề đá động tới điều rất quan trọng là khi Việt Nam tham gia vào các hiệp ước thương mại như CPTPP và EVFTA là Việt Nam phải tuân thủ theo các Công ước quốc tế 87, 98 và 105. Và trong 3 công ước này thì Công ước 87 là quan trọng nhất vì nó cho phép các nghiệp đoàn độc lập được ghi danh hoạt động chính thức trong nước mà hầu như ông Phúc cố tình bỏ quên điều quan trọng này.”
Mặc dù trên thực tế, Công ước 87 cho phép người lao động thành lập và tham gia các công đoàn độc lập chỉ mới dự định sẽ được phê chuẩn vào năm 2023 và Công ước 105 về việc xóa bỏ lao động cưỡng bức chưa được Việt Nam nhắc tới nhưng ông Chu Văn Cương cũng xác nhận với RFA rằng Liên đoàn Lao động Việt tự do, vào tháng 11 năm 2018, đã nộp đơn đến các cơ quan của Chính phủ Hà Nội theo luật định để xin phép được thành lập và hoạt động chính thức tại Việt Nam; tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ hồi đáp nào từ phía các cơ quan chức năng có liên quan.
Thạc sĩ Hoàng Việt lý giải mặc dù Chính phủ Việt Nam đang cố gắng để thực hiện những cam kết theo tinh thần của các hiệp định thương mại thế hệ mới đã ký kết, nhưng mối lo ngại lớn nhất của Chính quyền Việt Nam là về công đoàn độc lập. Thạc sĩ Hoàng Việt nhắc lại trong một bài phát biểu của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trọng từng cho rằng công đoàn độc lập có thể sẽ là khởi đầu của xã hội dân sự và đó sẽ là công cụ cho phương Tây tạo ra các cuộc cách mạng nhung, cách mạng màu…Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh thêm:
“Chính quyền Việt Nam đang lo ngại sẽ hình thành làn sóng xã hội dân sự và sẽ can thiệp vào chính trị. Chính vì vậy, cho nên Việt Nam chọn cách mở cửa nhưng sẽ mở từ từ, tức là sẽ hé hé xem lúc đầu công đoàn hoạt động như thế nào và nếu công đoàn độc lập hoàn toàn không liên quan tới chính trị và không thách thức đến vai trò lãnh đạo và nắm quyền lực chính trị như bây giờ của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) thì họ sẽ có thể chấp nhận. Còn nếu có những tổ chức công đoàn độc lập thách thức tới quyền lực của Đảng CSVN cũng như của Nhà nước và của Chính phủ Việt Nam thì họ sẽ lo ngại và sẽ tìm cách khóa nó lại.”
Điều trở ngại nhất là lý thuyết thì cho rằng tổ chức Công đoàn của Nhà nước và công đoàn độc lập đều bình đẳng về địa vị. Tuy nhiên không thể bình đẳng được. Vì sao? Vì ngay trong Hiến pháp Việt Nam quy định là Công đoàn của Nhà nước là một tổ chức chính trị-xã hội, có nghĩa là có yếu tố chính trị trong đó. Thế nhưng, trong Dự thảo liên quan tới công đoàn độc lập thì yêu cầu không được dính dáng đến chính trị. Như thế đã cho thấy một điều không có sự bình đẳng. Vì vậy cho nên việc công
đoàn thật sự độc lập và phát triển theo kiểu của phương Tây thì phải mất ít nhất khỏang độ vài chục năm ở Việt Nam mới có thể được như vậy, mà cũng chưa chắc được như vậy ngay
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Đài RFA ghi nhận Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (được hiểu là công đoàn) chỉ được hoạt động hợp pháp khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động.
Trong một lần trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề quy định thành lập công đoàn theo Dự thảo Luật Lao động, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn đặc biệt lưu ý về quy định “cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký” là quy định chung chung vì đã không nêu rõ cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào; do đó khi thực hiện sẽ tạo ra bức tường thành về thủ tục hành chính khi người lao động thành lập hồ sơ và đăng ký cho tổ chức của người lao động hoạt động.
Thạc sĩ Hoàng Việt còn cho rằng không có sự bình đẳng giữa Công đoàn của Nhà nước và các công đoàn độc lập tại Việt Nam:
“Xin thưa điều trở ngại nhất là lý thuyết thì cho rằng tổ chức Công đoàn của Nhà nước và công đoàn độc lập đều bình đẳng về địa vị. Tuy nhiên không thể bình đẳng được. Vì sao? Vì ngay trong Hiến pháp Việt Nam quy định là Công đoàn của Nhà nước là một tổ chức chính trị-xã hội, có nghĩa là có yếu tố chính trị trong đó. Thế nhưng, trong Dự thảo liên quan tới công đoàn độc lập thì yêu cầu không được dính dáng đến chính trị. Như thế đã cho thấy một điều không có sự bình đẳng. Vì vậy cho nên việc công đoàn thật sự độc lập và phát triển theo kiểu của phương Tây thì phải mất ít nhất khỏang độ vài chục năm ở Việt Nam mới có thể được như vậy, mà cũng chưa chắc được như vậy ngay.”
Còn Đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, ông Chu Văn Cương tiên liệu Việt Nam sẽ cho thành lập các tổ chức công đoàn quốc doanh dưới danh nghĩa là công đoàn độc lập và những tổ chức công đoàn này có nhiệm vụ theo dõi, trù dập, bắt bớ những công đoàn thật sự độc lập và gán ghép những tổ chức công đoàn độc lập hoạt động nhằm mục tiêu chính trị.
Trong thực tế, một số người lao động và giới công nhân mà Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng họ vẫn trông chờ Nhà nước Việt Nam có sự thay đổi đúng theo nguyện vọng chính đáng của họ là được tham gia vào những tổ chức công đoàn mà họ tin cậy và lựa chọn nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Như vậy, chí ít ra sẽ không còn tình trạng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đứng về phía chủ doanh nghiệp, thậm chí còn lên tiếng đe dọa những ai tổ chức đình công tập thể cũng như sẽ không còn bất cứ nhà hoạt động công đoàn nào như Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng… phải chịu án tù bởi vì kêu gọi Việt Nam cho phép công đoàn độc lập hoạt động hợp pháp.
Chính quyền chỉ trích mạng xã hội
‘đưa thông tin xấu về Thủ Thiêm’
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM hôm 31/7 lên án các trang mạng xã hội và một số nhà báo của Trung ương vì đã đưa thông tin xấu về vấn đề Thủ Thiêm, hoạch hỏi và gợi ý một số vấn đề nhạy cảm, gây phiền phức cho địa phương.
Phát biểu của ông Lê Văn Minh, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, được đưa ra tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước về hoạt động thông tin cơ sở 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
“Hiện nay, hằng ngày, hằng giờ, một số trang mạng xã hội đưa thông tin không chính thống và xấu về vấn đề Thủ Thiêm”, báo Thanh Niên dẫn lời ông Lê Văn Minh nói tại hội nghị.
Chính vì vậy, theo ông, các đơn vị “không nên né tránh hoặc đối đầu với báo chí. Thay vào đó, hãy gặp gỡ báo chí với tinh thần thiện chí cầu thị để trao đổi, cung cấp thông tin chính thống kịp thời”, trích báo Tuổi Trẻ.
Ngoài ra, ông Lê Văn Minh còn nêu lên tình trạng một số phóng viên báo chí thuộc các hội của Trung ương không có thẻ nhà báo mà chỉ có giấy giới thiệu của cơ quan đã “hoạch hỏi và gợi ý một số vấn đề nhạy cảm, gây phiền phức cho địa phương”, vẫn theo Thanh Niên.
Trước đó, ngày 26/7, thông tin về việc lãnh đạo UBND TPHCM “vận động” Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm giao đất để chính quyền làm đường ven sông đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khiến cho nhiều ý kiến trong công luận tỏ ra bất bình vì thái độ “tiền hậu bất nhất” và “nuốt lời hứa” của chính quyền. Hồi đầu năm nay, Bí thư Thành ủy tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo thành phố trong dịp đi thăm, chúc Tết Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã hứa sẽ giữ lại hai cơ sở tôn giáo này.
Nói với VOA về động thái “vận động” của chính quyền, bà Trương Thị Yến, một trong số những người dân bị cưỡng chế giải tỏa nhà liên quan đến dự án Thủ Thiêm, nói bà không còn tin vào bất cứ lời hứa hay thông tin chính thức nào từ chính quyền sau khi đã bị bội tín hết lần này đến lần khác.
“Tôi tin Facebook. Tôi không tin nhà báo nữa. Tất cả nhà báo từ chính quyền đều nói sai hết. Những bình luận (từ) người dân chân thật cái gì cũng thật tình. Cái gì sai nói sai, trái nói trái…”, bà Yến nói với VOA.
Người phụ nữ đã có “thâm niên” đi khiếu kiện hơn 20 năm nói bà nghi ngờ chính quyền lại lấy đất của hai cơ sở tôn giáo trên để “phân lô bán nền, chứ không có đường ven sông nào hết!”, như đã từng làm với Chùa Liên Trì trước đây.
Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được xem là hai di sản văn hóa của khu vực vì là những công trình kiến trúc tôn giáo đầu tiên ở Thủ Thiêm, được xây dựng từ những năm 1840 và 1859.
Tuy nhiên, bất chấp ý kiến từ các nhà chuyên môn và phản đối ôn hòa từ các tu sĩ và người dân, chính quyền thành phố nhiều lần tìm cách ép buộc các tu sĩ phải di dời và bàn giao cơ sở tôn giáo của họ cho nhà nước.
Sau khi phá dỡ một trong ba khu nhà của Trường tiểu học Thủ Thiêm, vốn thuộc sở hữu của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trước đây, chính quyền TPHCM hồi tháng 5 năm ngoái ra quyết định đấu giá 9 lô “đất vàng”, trong đó bao gồm cả Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Quyết định này mới đây lại được chính quyền nhắc đến, sau một thời gian tạm lắng xuống vì những phản đối, khiếu nại mạnh mẽ từ người dân và công luận, dẫn đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải “vào cuộc” để làm rõ những sai phạm của thành phố trong việc thu hồi và giao đất liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thông tin trên báo chí vào ngày 26/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm lập bản đồ hiện trang vị trí 15 lô đất trong khu vực này để đưa ra đấu giá.
Lý do là để giúp cho ngân sách không bị thất thoát và thu hút nhà đầu tư, sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ nói rằng chính quyền thành phố đã có nhiều sai phạm và yêu cầu phải thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định.
Riêng với khu đất thuộc khuôn viên Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chính quyền sẽ “vận động” đại diện hai công trình tôn giáo này để họ bàn giao đất cho thành phố thi công tuyến đường ven sông Sài Gòn.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bắt đầu được triển khai quy hoạch từ năm 1996, đã đẩy hàng trăm gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” suốt hơn 20 năm qua, sau khi chính quyền cưỡng chế giải tỏa nhà cửa của họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam công khai
lên án Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 31/7 đã lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 1/8.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam công khai lên án Trung Quốc về những căng thẳng giữa hai nước ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc điều tàu vào vùng biển Việt Nam từ hồi giữa tháng 6.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp với hành động đơn phương quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 cùng các tàu Hải cảnh Trung Quốc và dân binh đã xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Ông Phạm Bình Minh gọi đây là những hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, vi phạm tuyên bố chung về ứng xử tại Biển Đông (DOC), đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán một bộ quy tắc về ứng xử (COC).
Cũng trong ngày 31/7, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố chung, nêu quan ngại về tình hình Biển Đông với những sự việc nghiêm trọng. Tuy nhiên tuyên bố chung của ASEAN đã tránh nhắc đến tên Trung Quốc.
Phát biểu tai hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại Bangkok vào cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng tình hình Biển Đông vẫn tiến triển. Ông Vương Nghị cũng nhận định dù có lúc sẽ có những bất hòa nhưng nhìn chung ASEAN và Trung Quốc vẫn có đồng thuận cao.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đồng thời cảnh báo các cường quốc bên ngoài đừng gây mất lòng tin và khuấy động những tranh chấp ở vùng Biển Đông, ý muốn nói đến Hoa Kỳ.
Những tín hiệu bất thường và nguy hiểm
Nguyễn Việt Trung
Chúng ta đã/đang chứng kiến cuộc khẩu chiến giữa phát ngôn viên từ hai Bộ Ngoại giao Việt – Trung, mà thực chất là chủ trương từ những cấp cao hơn (Bộ Chính trị của mỗi đảng) dùng tàu cảnh sát biển ghìm nhau mấy tuần qua ngoài Bãi Tư Chính. Cuộc truy đuổi giữa tàu TQ với tàu VN trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của VN trên một Biển Đông mà “mối tình hữu nghị sáng như rạng đông…” ấy dường như bắt đầu có mùi máu.
Vì ngửi thấy mùi tanh của máu nên đảng và nhà nước bắt đầu tính đến chuyện phải đẩy “dân đen” vào cuộc. Tuy nhiên, cuộc huy động toàn dân lần này đang vấp phải sự chống đối của một số tầng lớp tinh hoa. Nhưng… bất luận ý đồ thật – giả của đảng và nhà nước đến đâu, nếu lúc này mà từ bỏ ý thức và hành động phản kháng, thì vô hình trung, người dân Việt đang truyền đi những tín hiệu khá bất thường và nguy hiểm.
Bất thường và nguy hiểm thứ nhất: Từ bỏ quyền xuống đường là chúng ta từ bỏ quyền lựa chọn và đòi hỏi chính đáng của mình trước đại hoạ của đất nước. Vụ Bãi Tư Chính là hành động xâm lăng trắng trợn của lũ giặc Tầu và chuyện Trung Quốc muốn “nuốt chửng” Việt Nam thì vốn “xưa như trái đất”. Có lẽ không người dân Việt nào lại không có ý thức cảnh giác. Kẻ muốn che dấu, chính xác hơn là kẻ không muốn để cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế biết được âm mưu thực sự của Tầu – bi đát thay – lại chính là đảng và nhà nước VN.
Nay đảng và nhà nước đã buộc phải lùi một bước, minh bạch hoá một phần cuộc “quấy nhiễu” của Trung Quốc và bắt đầu “chạy” màn hai của vở kịch chống Trung Quốc, bằng lời hiệu triệu “ảo”. Ai cũng dễ nhận ra, kiểu giục giã “huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc”[1] (!) chỉ là một động thái “cuội”. Bởi vì từ lâu, đảng và nhà nước đã/đang thực hiện nhiều kế sách, từ tinh vi đến thô bạo, kể cả dùi cui và nhà tù để “vô hiệu hoá” ý chí chống Trung Quốc của người dân.
Thì đấy, chính Tổng Chủ Nguyễn Phú Trọng trong giờ phút “dầu sôi lửa bỏng” đã tỏ ra run sợ làn sóng biểu tình (như hồi 2014), nên đã ám chỉ người dân “đừng để bị kích động” bằng cảnh cáo “tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động… lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”[2]. Đúng là “miệng kẻ sang” chỉ có thể so với “đồ nhà khó”! Chỉ trong vài ngày mà đảng đã tung ra những lời kêu gọi trái ngược nhau!
Cho nên quyết không thể lùi bước! “Tương kế tựu kế”, nhân dịp này phải gọi sự vật đúng tên, vì báo chí “lề phải” vẫn chưa dám lên án đích danh Trung Quốc xâm lược! Đây còn là dịp chúng ta phải đòi nhà cầm quyền phải thả hết tất cả “tù nhân lương tâm” nói chung, đặc biệt là những anh chị em vì các hoạt động tố cáo chính sách thoả hiệp với Trung Quốc mà tới nay vẫn còn bị đầy đoạ trong các nhà tù khắc nghiệt của chính quyền.
Bất thường và nguy hiểm thứ hai: Nếu chúng ta “quay lưng lại” để cho hai chính quyền – Việt Nam và Trung Quốc – tự giải quyết với nhau các vấn đề từ biển đảo đến đất liền, thì lập tức chúng ta bị rơi ngay vào bẫy của giặc Tầu. Đừng quan tâm đến câu chuyện đất đai và biển đảo mà tiền nhân để lại cho chúng ta, vì đã có đảng và nhà nước lo! Trung Quốc chỉ mong có vậy! Thủ tiêu đấu tranh vào lúc này là không khác gì tự trói tay chúng ta, mặc cho hai tập đoàn cướp nước và bán nước múa gậy vườn hoang để mị dân trên hoang tàn của tổ quốc.
Để thoả mãn lòng tự ái, “quay lưng lại” cuộc đấu tranh hiện nay là chúng ta sẽ trao phẩm giá cuối cùng của những người bị trị cho những kẻ cai trị – đó là ý chí phản biện và những hành động phản kháng. Điều nguy hiểm hơn, “quay lưng lại” là chúng ta không tạo ra được “những giá đỡ” cho chính các lực lượng tiến bộ, các đảng viên “phản tỉnh” trong lòng chế độ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm qua, càng gần đến ngày Mật ước Thành Đô có hiệu lực pháp lý thì bộ máy đàn áp của đảng/nhà nước VN càng thẳng tay đối với những người yêu nước. Cho đến nay, hàng trăm những người con đất Việt đang bị đày ải trong các nhà tù cộng sản, giữa những điều kiện mà nhà tù và nền tư pháp của chủ nghĩa thực dân trước đây cũng phải “chào thua”. Tất cả, chỉ vì họ muốn đấu tranh chống lại mọi mưu đồ xâm lược VN của giặc Tầu và mọi chính sách toa rập của những Trần Ích Tắc thời nay.
Hãy chuyển nghịch lý sau đây đến mọi nẻo trên hành tinh này: Ở VN giờ đây, yêu nước trở nên có tội, nếu yêu nước mà không yêu đảng, yêu nước mà không yêu chủ nghĩa xã hội, một mô hình quái thai đã bị lịch sử loại bỏ từ hàng chục năm nay! Bất cứ ai yêu nước, muốn gìn giữ non sông gấm vóc, đấu tranh chống lại bất công, phản đối cuộc xâm lăng toàn diện của Trung Quốc thì đều bị quy chụp vào tội phản động và lật đổ, dầu đó là những người mẹ đơn thân trong tay không tấc sắt. Có nơi nào như nơi này không?
Bất thường và nguy hiểm thứ ba: Nếu chúng ta bài xích biểu tình và các hình thức tập hợp lực lượng yêu nước khác (theo cách của chúng ta), thì dân tộc Việt Nam sẽ xuất hiện trước thế giới như là “những kẻ thất bại toàn tập”. Từ ngày ĐCSTQ ép ĐCSVN chấp nhận Mật ước Thành Đô, tầng lớp tinh hoa yêu nước VN, đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ trai gái, miền xuôi miền ngược, đã kiên cường xông lên tuyến đầu cuộc đấu tranh chống lại sự câu kết và toa rập của hai bộ máy đàn áp hiểm độc duy nhất còn sót lại từ thời cộng sản Xô viết.
Thế giới Âu Mỹ không mù loà, họ không bao giờ “đặt tất cả trứng vào một rổ”. Nhìn vào VN ngày này, cộng đồng quốc tế bao giờ cũng phân biệt giữa hai chủ thể: ĐCSVN và người dân Việt Nam. Một đảng được vận hành theo kiểu mafia như ĐCSVN, trong con mắt thế giới, không thể là tổ chức chính trị có thể “cầm cương” tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc Việt. Đó là một đảng hỏng (ông Hồ Chí Minh đã từng cách báo tình trạng này trước đây khá lâu) và quốc tế cũng rất biết điều đó. Thế giới nhìn vào những đại biểu ưu tú của dân Việt như là một alternative – một nguồn dự trữ lực lượng thay thế trong tương lai!
Nay nếu chúng ta “kéo cờ trắng” rút lui tức là chúng ta tước đoạt mất niềm tin của thế giới dành cho “những đại biểu cho tương lai”. Trong công cuộc quốc tế vận hiện nay ở Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác, thế giới đang hướng đến những đại biểu cho tiến trình dân chủ hoá ở VN. Nhưng tiến trình dân chủ hoá ấy lại phải gắn với quá trình xây dựng hệ thống đối tác chiến lược, với nội hàm thiết thực, cụ thể. Vì vậy, không bao giờ chúng ta được xuất hiện trước thế giới như là “những kẻ thất bại toàn tập”!
[1] https://infonet.vn/huy-dong-toan-dan-bao-ve-chu-quyen-va-pham-gia-dan-toc-post307196.info
[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tang-cuong-suc-de-khang-truoc-chong-pha-xuyen-tac-cua-the-luc-thu-dich-551945.html
*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/abnormal-and-dangerous-signs-07312019135244.html