Tin Biển Đông – 28/07/2019
Cách TQ chiếm bãi cạn Scarborough
trên Biển Đông
Từ một xung đột trên biển năm 2012, Trung Quốc khiến căng thẳng leo thang rồi triển khai tàu hải giám phong tỏa Scarborough, đẩy Philippines khỏi khu vực.
Ngày 15/6/2012, 10 tuần đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines khép lại bằng việc Manila rút tàu khỏi vùng biển quanh bãi cạn Scarborough, một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi trên Biển Đông, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km. Scarborough lâu nay vẫn là tâm điểm tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc và Đài Loan.
Bất chấp sự phản đối từ giới lãnh đạo châu Á, Bắc Kinh đã đẩy Manila khỏi Scarborough để chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này, nơi Philippines tuyên bố chủ quyền kể từ sau khi giành được độc lập năm 1946.
Khủng hoảng nổ ra khi máy bay tuần tra của hải quân Philippines ngày 8/4/2012 phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough. Đúng như nghi ngờ, Manila phát hiện chúng chở bất hợp pháp sò tai tượng, san hô và cá mập, những sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, vi phạm luật của Philippines.
Manila cử tàu khu trục nhỏ BRP Gregorio del Pilar tiếp cận và bắt các ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, máy bay trinh sát Philippines lại không thấy các tàu hải giám Trung Quốc cũng hiện diện trong khu vực. Mặc dù Philippines vẫn thường xuyên sử dụng tàu hải quân cho các hành động can thiệp bởi số lượng tàu bảo vệ bờ biển của họ còn hạn chế, Trung Quốc vẫn tuyên bố rằng Philippines đã sử dụng một tàu quân sự cho các hoạt động thực thi pháp luật.
Cáo buộc Manila quân sự hóa tranh chấp, Bắc Kinh điều tàu hải giám ngăn chặn Philippines bắt ngư dân. Kể từ đây, hai bên bị cuốn vào một cuộc tranh chấp chủ quyền quyết liệt ở bãi cạn Scarborough.
Yêu cầu Philippines lập tức rút lui, Trung Quốc nhanh chóng khiến căng thẳng leo thang bằng cách dàn đội hình tàu lấn át số lượng tàu của Philippines đang tới để giải cứu chiến hạm BRP Gregorio del Pilar. Sau đó, tàu hải giám Trung Quốc, được cho là đã phối hợp với các ngư dân, thực hiện động thái gây bất ngờ là dựng một hàng rào dây thừng quanh bãi cạn Scarborough, khiến các ngư dân Philippines bị nhốt bên trong.
Trong lúc này, các tàu của hải quân Trung Quốc vẫn hiện diện ở phía xa, gửi thông điệp tới Manila: Đừng gây rắc rối.
Ngoài phong tỏa trên biển, Bắc Kinh còn gây áp lực về kinh tế với Manila bằng việc yêu cầu kiểm tra từng nải chuối nhập khẩu từ Philippines khiến chúng bị ùn ứ tại cảng Trung Quốc, bị thối, phải vứt bỏ. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ.
Số du khách Trung Quốc đến Philippines cũng sụt giảm sau khi một trong ba hãng hàng không chính của Trung Quốc cắt các chuyến bay hàng ngày đến Manila từ hai chuyến xuống còn một. Nhiều chuyến du lịch đến Philippines cũng bị hủy.
Căng thẳng ngày càng gia tăng, các kênh ngoại giao truyền thống không thực sự đem lại hiệu quả. Philippines lúc bấy giờ chưa bổ nhiệm người thay thế vị trí đại sứ tại Trung Quốc đang còn trống còn đại sứ Trung Quốc tại Philippines thì bị coi là hoạt động không hiệu quả và “lạc điệu” với Bắc Kinh. Những nỗ lực nhằm thiết lập các kênh liên lạc hậu trường đáng tin cậy giữa Manila và Bắc Kinh cũng thất bại.
Như một phương án mặc định, khi chính phủ Philippines và Trung Quốc không thể nói chuyện với nhau, họ tìm tới Mỹ như một “trọng tài”. Cả hai bắt đầu có các cuộc đàm phán riêng với giới chức Mỹ, những người sau đó phải chuyển tiếp thông điệp qua lại giữa đôi bên.
Dù không muốn coi Mỹ là trung gian hòa giải, Bắc Kinh vẫn kêu gọi Washington gây sức ép buộc Manila phải thoái lui, mô tả giới lãnh đạo Philippines là cảm tính và khó đoán. Trái lại, các trao đổi ngoại giao giữa Mỹ và Philippines lại chia sẻ quan điểm chung về tầm quan trọng của việc phải giữ thái độ cảnh giác và thận trọng.
Manila hy vọng có thể trở về như trước đây nhưng vẫn tìm hiểu các điều kiện để Washington có thể can thiệp quân sự theo Hiệp ước Phòng thủ Chung (MDT) mà hai bên đã ký kết từ năm 1951. Tháng 6/2012, tổng thống Philippines Benigno Aquino III có chuyến thăm Washington nhằm gửi tín hiệu về sự thống nhất trong liên minh Mỹ – Philippines song Mỹ vẫn giữ sự “mơ hồ chiến lược” về ý nghĩa của hiệp ước khi một cuộc xung đột bùng nổ ở Biển Đông.
Sau nhiều tuần nhóm họp, thảo luận và đàm phán, với vai trò trung gian, các quan chức Mỹ giữa tháng 6/2012 đã giúp xây dựng một thỏa thuận mà theo đó hai bên sẽ cùng rút lui khỏi khu vực tranh chấp.
Kiệt sức, bị lấn át về số lượng và thiếu các giải pháp thay thế khả thi, Manila rút các tàu còn lại của mình với lý do tránh bão. Song Trung Quốc lại không tuân thủ hạn chót mà thỏa thuận đề ra, vẫn duy trì các tàu hải giám tại khu vực và dần dần giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough.
Không lâu sau khi Philippines rút lui, các quan chức và chuyên gia Trung Quốc đã bàn về cái gọi là “Mô hình Scarborough” nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực và sáp nhập các lãnh thổ tranh chấp.
Từ đó đến nay, Bắc Kinh luôn tìm cách hạn chế các phương tiện tiếp cận khu vực, đặc biệt là tàu cá Philippines. Philippines không ít lần tố cáo tàu Trung Quốc cố tình đâm va vào các tàu của ngư dân nước này tiếp cận bãi cạn. Bên cạnh đó, Manila vẫn tiến hành các cuộc tuần tra ở Scarborough dù Bắc Kinh phản đối.
Trung Quốc luôn khẳng định không xây dựng tại Scarborough nhưng giới chuyên gia đặt nhiều nghi vấn bởi Bắc Kinh từng nhiều lần đưa ra những thông báo sai sự thật về hoạt động bồi đắp, cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Greg Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng với vị trí gần Philippines và cả Đài Loan, việc thiết lập hiện diện ở Scarborough giúp tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo và nhận thức hàng hải của Trung Quốc.
Theo Bryan Clark, chuyên gia tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, trụ sở ở Washington, Mỹ, vì bãi cạn Scarborough khá gần với đảo Luzon, nếu Trung Quốc triển khai tới đây tên lửa phòng không và tên lửa đất đối đất, chúng hoàn toàn có khả năng vươn tới Philippines. “Đây sẽ là đòn tấn công trực diện, đẩy lùi mọi nỗ lực của Philippines nhằm chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough”, Clark nói.
Ngoài ra, việc hiện diện quân sự ở Scarborough còn giúp Trung Quốc có thêm đòn bẩy lợi thế trên khắp Biển Đông. “Người Trung Quốc thực sự muốn phát triển bãi cạn Scarborough và đặt radar ở đây rồi từng bước thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ). Nó sẽ cho phép họ phần nào hoàn thành lập luận rằng Trung Quốc đã kiểm soát và giám sát Biển Đông”, Clark nói.
http://biendong.net/bi-n-nong/29545-cach-tq-chiem-bai-can-scarborough-tren-bien-dong.html
Giàn khoan Hakuryu-5 kéo dài lịch hoạt động
giữa bối cảnh bị tàu TQ quấy rối
Giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam sẽ tiếp tục hoạt động khoan thêm 1 tháng rưỡi so với dự kiến (30-7-2019), đến hết ngày 15-9-2019.
Trong thông báo mới nhất về hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực lô 06.1 bể Nam Côn Sơn ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam có trụ sở ở Vũng Tàu cho hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cập nhật lịch hoạt động khoan tại đây kéo dài đến hết ngày 15-9-2019.
Thời gian kéo dài thêm 1 tháng rưỡi so với dự kiến. Trước đó, trong thông báo vào ngày 17-5, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành khoan thăm dò tại lô 06.1, bể Nam Côn Sơn từ ngày 15-5 đến 30-7-2019.
Thông báo cập nhật cũng nêu rõ tàu thuyền hoạt động qua lại ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam cần lưu ý đi cách xa giàn khoan Hakuryu-5 để đảm bảo an toàn hàng hải.
Các diễn biến quanh giàn khoan Hakuryu-5 là tâm điểm chú ý khác, bên cạnh vụ nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc ngang nhiên có những hành vi xâm phạm và quấy rối các hoạt động kinh tế của Việt Nam tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gần với khu vực bãi Tư Chính – Vũng Mây kéo dài từ ngày 3-7 đến nay.
Trung Quốc đã đưa tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng Haijing 35111 vào khiêu khích xung quanh giàn khoan Hakuryu-5 ở lô 06.01 thuộc dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.
Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ mới đây cũng thông tin tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc đã được triển khai để cản trở hoạt động khai thác dầu khí ở lô 06.1, ở phía tây bắc bãi Tư Chính từ giữa tháng 6.
Đây là minh chứng trực tiếp cho thấy Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên quấy rối và cản trở các hoạt động khai thác dầu của các bên trong Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. Hành động này gây ảnh hưởng xấu đến nguồn cung dầu và an ninh năng lượng trong khu vực.
Trong khi đó, liên quan tới các hoạt động xâm phạm của tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, phó giáo sư Ryan Martinson đến từ Học viện Hải chiến Mỹ cho biết tính tới ngày 23-7, tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc tiếp tục tiến hành khảo sát địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tuần duyên Mỹ theo dõi hoạt động
của TQ ở Biển Đông
Lực lượng tuần duyên Mỹ xác nhận họ đang theo dõi các hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Tờ Phil Star ngày 25/7 dẫn lời một đô đốc Mỹ cho rằng, sự hiện diện của lực lượng tuần duyên nước này tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông được coi là hình mẫu về “quản trị biển”.
Đô đốc Karl Shultz, chỉ huy Lực lượng tuần duyên Mỹ lưu ý rằng các hoạt động của họ trong khu vực đã được tăng cường theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cụ thể, Lực lượng tuần duyên Mỹ đã triển khai hai tàu tuần duyên USCGC Bertholf và USCGC Stratton đến khu vực này từ tháng 1 đến giữa tháng 6/2019 vừa qua.
“Chúng tôi cho rằng những gì chúng tôi đang làm là hành động phù hợp”, ông Schultz nói trong một cuộc họp ngắn đồng thời khẳng định sự hiện diện của tàu Mỹ ở Biển Đông nhằm tìm cách củng cố nguyên tắc duy trì vùng biển mở và tự do.
“Tôi nghĩ sự minh bạch của chúng tôi là không ai có thể sánh bằng”, ông Schultz nói và ám chỉ đến những động thái mà phía Mỹ cho là cưỡng ép, bắt nạt gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo ông Schultz, có một thực tế là số lượng tàu của Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông đang tăng lên, đi kèm với đó là các hành động không phù hợp, bất chấp luật lệ của Lực lượng tuần duyên cũng như Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
“Tôi nghĩ cần phải có tiếng nói của lực lượng tuần duyên, tiếng nói của Hải quân Mỹ, các đối tác đồng minh, đối tác khu vực, các nước láng giềng; cần phải có một sự thúc đẩy quốc tế để nói cho họ (Trung Quốc-ND) biết rằng chúng tôi lên án các hành vi khiêu khích hung hăng, không phù hợp với trật tự, không dựa trên các quy tắc”, Đô đốc Schultz nhấn mạnh.
Lực lượng tuần duyên Mỹ trước đó xác nhận rằng họ đang theo dõi các hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi nhận thức được rõ ràng và đã theo dõi lực lượng dân quân biển Trung Quốc và một số hoạt động khác”, Phó Đô đốc Linda Fagan, chỉ huy Khu vực Thái Bình Dương của Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết.
http://biendong.net/bi-n-nong/29533-tuan-duyen-my-theo-doi-hoat-dong-cua-tq-o-bien-dong.html
An ninh Biển Đông chớ mất cảnh giác!
Không chỉ là vùng biển chiến lược, Biển Đông còn là trung tâm hàng hải quan trọng của thế giới, do đó việc đảm bảo hòa bình, an ninh tại đây là lợi ích và trách nhiệm chung.
Những ngày qua dư luận quốc tế đổ dồn sự chú ý vào Biển Đông khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên vi phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng tới quyền lợi biển của Việt Nam, gây phức tạp tình hình, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và an ninh trên Biển Đông.
Lợi ích và trách nhiệm chung
Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng không chỉ Việt Nam và các nước trong khu vực, mà đã đến lúc các nước ngoài khu vực và cộng đồng quốc tế phải thật sự quan tâm đến an ninh tại Biển Đông. Theo Giáo sư Carlyle A.Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), tất cả các nước lớn và các nước có giao thương qua khu vực đều có lợi ích trực tiếp trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như việc phải ngăn chặn để không quốc gia nào thực hiện sự bá quyền tại tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. “Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ Việt Nam và các nước lớn cần thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, ông nói với Thanh Niên.
Giáo sư James Kraska (Trung tâm luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ) thì nhấn mạnh với Thanh Niên: “Theo tôi, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng Liên minh Châu Âu (EU), cần làm nhiều hơn để ủng hộ Việt Nam củng cố các quyền lợi biển của mình. Các nước bên ngoài khu vực đang ngại chọc giận Trung Quốc. Tuy nhiên, họ càng kéo dài việc ngầm chấp thuận những hành động này, Trung Quốc sẽ càng táo bạo hơn. Không quá bất ngờ khi EU không tập trung vào vấn đề Biển Đông nhưng sự phớt lờ của cộng đồng quốc tế sẽ là sai lầm vì điều này sẽ khuyến khích Trung Quốc tiếp tục vươn dài cánh tay và có thể đẩy các nước ngoài khu vực ra rìa”.
Cũng bình luận về vấn đề này, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) khẳng định Biển Đông là vùng biển hàm chứa quyền lợi kinh tế toàn cầu, nên cần được đảm bảo hòa bình và ổn định, vốn gắn chặt với cả các nước ven vùng biển lẫn các quốc gia có hàng hóa vận chuyển qua đây. Ông nhấn mạnh Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) chính là cơ sở pháp lý để các nước hợp tác với nhau vì mục tiêu chung.
Phải chung tay
Về các giải pháp đảm bảo an ninh ở Biển Đông, Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ) cho rằng Việt Nam cùng các nước bên ngoài có chung lợi ích và quan điểm như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Canada và các nước coi trọng luật pháp quốc tế khác nên cùng tạo thành một mặt trận quốc tế đấu tranh chống yêu sách phi lý và hành động hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. “Nếu không hình thành được mặt trận quốc tế như vậy thì không thể răn đe Trung Quốc”, ông Vuving nói với Thanh Niên.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng các nước cần đẩy mạnh hợp tác trên thực địa, giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh trong EEZ của mình. Theo ông Vuving: “Các nước có thể gửi tàu cảnh sát biển tới hỗ trợ VN tuần tra trên EEZ của Việt Nam (tàu cắm cờ Việt Nam, có đại diện Việt Nam trên tàu, tương tự chương trình “ship rider” mà các nước đang hỗ trợ một số đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương tuần tra bảo vệ vùng EEZ rộng lớn của họ). Chính Trung Quốc cũng từng tham gia chương trình “ship rider” như vậy với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga ở khu vực Bắc Thái Bình Dương”.
Về phần mình, tiến sĩ Collin lưu ý các nước bên ngoài khu vực có thể hỗ trợ các nước ven Biển Đông nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, đào tạo hay thậm chí là thông tin tình báo. Những hoạt động này cũng giúp cho các nước trong khu vực ngày càng tiến đến năng lực quốc tế để duy trì an ninh Biển Đông. Ngoài ra, các chuyên gia trong nước và quốc tế khi trao đổi với Thanh Niên đều cho rằng việc tăng cường huấn luyện thường xuyên cho các lực lượng chấp pháp trên biển là một giải pháp cần thiết.
Đáng lo ngại
Trung Quốc sẽ tiếp tục cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các nước ven bờ để thực thi yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò” trên thực tế, đồng thời khống chế không gian biển, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của nước khác thông qua các hoạt động như đơn phương thăm dò dầu khí, diễn tập quân sự, bắn tên lửa, gây hấn với tàu cá và tàu chấp pháp của các nước ven bờ. Nếu không có động thái mạnh để thực sự răn đe, Trung Quốc sẽ có ngày đưa thiết bị vào khai thác ngay trong thềm lục địa của các nước ven bờ. Trước mắt, Trung Quốc có thể sẽ gây sức ép để ASEAN thông qua COC, trong đó không cho phép các nước ven bờ hợp tác với các nước bên ngoài cùng khai thác tài nguyên hay diễn tập quân sự.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29536-an-ninh-bien-dong-cho-mat-canh-giac.html