Tin khắp nơi – 26/07/2019
Mỹ-Trung chuẩn bị kịch bản xung đột võ trang
tại Đài Loan
Trung Quốc sẽ không do dự thống nhất Đài Loan bằng vũ lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trên đây là phản ứng của Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, hôm 24/07, hai ngày sau khi Washington xác nhận bán cho Đài Loan 2,2 tỷ đô la vũ khí tối tân chống chiến thuật tứ diện giáp công. Thời điểm dự kiến: năm 2020 ?
Theo Asia Times, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đe dọa đổ bộ, nhưng lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Ngô Khiêm được đưa ra trong bối cảnh nhạy cảm đối với Hoa Lục : phong trào phản kháng tại Hồng Kông chống âm mưu bóp nghẹt tự do tại đặc khu hành chánh bị Bắc Kinh xem là một mối đe dọa lớn đối với kinh tế và chính trị Hoa lục. Đồng thời, Trung Quốc vẫn phải canh chừng phản ứng domino của dân Tây Tạng và Tân Cương. Trong chiều hướng này, báo chí Trung Quốc ngày 10/07 phụ họa cáo buộc Hoa Kỳ ngầm ủng hộ phong trào biểu tình.
Tình hình Hồng Kông bất ổn, căng thẳng với Mỹ tại biển Đông, chiến tranh thương mại, tất cả những sự kiện này làm cho chế độ Trung Quốc bất an và lần đầu tiên từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ Mỹ-Trung xấu hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Đài Loan mới là điểm nóng có thể dẫn tới cuộc xung đột vũ trang, vì hầu như trong 24 triệu dân, không một ai muốn thống nhất với Hoa lục dưới chế độ độc tài.
Vì sao 2020 ?
Trong bối cảnh Trung Quốc từng bước nuốt lời cam kết « một quốc gia hai chế độ » tại Hồng Kông, thì tại Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn cảnh báo : Năm 2020, năm bầu cử tổng thống, sẽ là năm đầy rủi ro.
Năm 2018, sách trắng quốc phòng của Đài Loan đã dự kiến kịch bản tứ diện giáp công của Trung Quốc mà cơ quan tuyên truyền của quân đội Hoa Lục nhiều lần khoe khoang sức mạnh.
Khác với thời Barack Obama với chính sách hoà hoãn với Bắc Kinh, do dự bán vũ khí mới cho Đài Loan, nước Mỹ của Donald Trump tỏ ra dứt khoát hơn, quan hệ Mỹ-Đài Loan cũng nồng ấm hơn, cho dù về mặt chính thức, Washington chỉ công nhận Bắc Kinh. Bất chấp những tuyên bố giận dữ của Hoa Lục, Washington vẫn cho phép tổng thống Thái Anh Văn quá cảnh trên đường công du châu Mỹ Latinh hồi đầu tháng 7.
Theo Asia Times, Trung Quốc không đủ tư cách cản trở Washington ủng hộ và bán vũ khí của Đài Bắc tự vệ, bởi vì Mỹ-Đài có cùng quá khứ chiến đấu chung, cùng là nhà nước thượng tôn pháp luật và cùng chia sẻ giá trị dân chủ. Washington cũng không thể bỏ rơi đồng minh, vì hai bên gắn kết qua đạo luật bảo vệ Đài Loan « yểm trợ và cung cấp vũ khí tự vệ » mà hành pháp và lập pháp Mỹ phải tôn trọng.
Những loại vũ khí tổng trị giá 2,2 tỷ đôla mà Đài Loan sắp nhận được thuộc loại khắc kỵ với chiến thuật tấn công ba mặt hải lục không quân của Trung Quốc : tên lửa chống hạm, chống máy bay, có tầm bắn đến lục địa, tên lửa chống tên lửa Patriot loại mới vừa phòng thủ, vừa tấn công, rađa, trực thăng chống tàu ngầm, đại pháo, tàu thả mìn,chiến hạm, chiếc đấu cơ F-16 nâng cấp. Đó là chưa kể 100 chiến xa hạng nặng và hỏa tiễn phòng không cầm tay Stingers, từng làm cho Hồng Quân Liên Xô thảm bại tại Afghanistan vào cuối thập niên 1970 và 1980.
Trong thời gian qua, Đài Loan đã nhận được những công nghệ quân sự cao cấp khác, như hệ thống chỉ huy chiến tranh điện tử, ngư lôi, rốc-két không đối địa để quần thảo với những giải phóng quân đặt chân được lên hải đảo.
Mặt trận thứ tư, sử dụng gián điệp kích động dân chúng Đài Loan nổi dậy, chắc khó thành công, vì thiếu yếu tố nhân hoà.
Pháo đài khó nuốt
Ông Rupert Hammmond-Chambers, chủ tịch Hiệp hội thương gia Mỹ-Đài Loan, một trong các cơ quan vận động hành lang, cho rằng « các loại vũ khí này giúp cho quân đội Đài Loan lợi hại hơn và sẽ làm cho chiến lược đổ bộ của Trung Quốc khó thực hiện hơn. Chắc chắn Bắc Kinh phải suy nghĩ nhiều lần trước khi phiêu lưu quân sự mà hậu quả sẽ là « thất trận và mất mặt ».
Theo kết luận của Asia Times, bất kể quan hệ Mỹ-Trung biến chuyển như thế nào, Đài Loan luôn luôn là trung tâm điểm. Trong ngắn hạn, ngày nào Thái Anh Văn và Donald Trump còn ngồi ở ghế tổng thống và dân Hồng Kông còn biểu tình, tương lai Đài Loan vẫn là đầu mối rủi ro chiến tranh trong xung khắc Mỹ-Trung.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190726-my-trung-chuan-bi-kich-ban-xung-dot-vo-trang-tai-dai-loan
Mỹ kêu gọi Triều Tiên chớ khiêu khích thêm
Hoa Kỳ ngày 25/7 thúc giục Triều Tiên chớ có thêm hành động khiêukhích sau khi Bình Nhưỡng bắn thử hai phi đạn đạn đạo tầm ngắn. Mỹnói họ hy vọng tái tục các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảoTriều Tiên.
“Chúng tôi muốn giao tiếp ngoại giao với Triều Tiên,” phát ngôn nhânBộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói. “Chúng tôi kêu gọi chớ có khiêukhích thêm nữa.”
Về tin Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho hủy bỏ chuyến đi tớiBangkok tuần tới để dự một hội thảo an ninh khu vực mà có đồn đoán làông Ho có thể gặp người đồng cấp phía Mỹ, bà Ortagus từ chối bìnhluận.
Bà Ortagus nhấn mạnh các chế tài của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ đượcgiữ nguyên cho tới khi nào đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa.
https://www.voatiengviet.com/a/my-keu-goi-trieu-tien-cho-khieu-khich-them-/5015700.html
Biểu tình Hong Kong:
Mỹ hy vọng Trung Quốc tự chế
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 25/7 tuyên bố ông hy vọng các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong sẽ tiếp tục ôn hòa và Trung Quốc sẽ tự chế.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, đáp câu hỏi liệu ông có quan ngại về khả năng quân đội Trung Quốc can thiệp chuyện Hong Kong hay không, ông Pompeo nói “Chúng tôi cần Trung Quốc hành động đúng. Chúng tôi hy vọng họ sẽ làm như thế. Chúng tôi hy vọng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục ôn hòa. Đó là điều quan trọng.”
Một diễn tiến khác liên quan, cảnh sát Hong Kong cùng ngày 25/7 bênh vực quyết định cấm một cuộc tuần hành ở quận Yuen Long vào cuối tuần này.
Ban tổ chức dự định tổ chức cuộc tuần hành để phản đối tình trạng bạo động do băng đảng cầm đầu nhắm vào người biểu tình chống chính phủ và hành khách tại một trạm xe điện hôm 21/7.
Tuần hành, biểu tình, hay các sự kiện chính trị khác ở Hong Kong cần phải được thư gọi là không phản đối từ cảnh sát trước khi xúc tiến. Cảnh sát Hong Kong hôm 25/7 không cấp thư này, viện dẫn quan ngại về an toàn.
Vụ hành hung người biểu tình hôm 21/7 khiến cảnh sát Hong Kong bị chỉ trích nặng nề. Dân tố cảnh sát đến hiện trường quá muộn và không bắt ngay thủ phạm. Trong vụ này có 45 người bị thương.
https://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-o-hong-kong-my-hy-vong-trung-quoc-tu-che-/5015694.html
Hoa Kỳ bị chỉ trích mạnh mẽ vì tiếp tục việc xử tử
Động thái tiếp tục việc hành quyết của chính phủ liên bang Hoa Kỳ sau 16 năm gián đoạn thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhóm nhân quyền và lãnh đạo đảng Dân chủ.
Một số ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ kêu gọi bãi bỏ án tử hình.
Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho biết năm tù nhân sẽ bị xử tử.
Họ đã bị kết những tội giết người, hãm hiếp trẻ em hoặc người già, ông nói.
Các vụ hành quyết đã được lên kế lịch cho tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020.
“Dưới sự quản lý của cả hai đảng, Bộ Tư pháp đã tìm tiếp tục việc hành quyết với những tội phạm tồi tệ nhất”, ông Barr nói trong một tuyên bố.
“Bộ Tư pháp duy trì sự thống trị của pháp luật – và chúng tôi nợ các nạn nhân và gia đình họ việc áp dụng bản án do hệ thống tư pháp của chúng ta đặt ra.”
Thông báo của ông Barr bỏ một lệnh cấm không chính thức về án tử hình liên bang – trái ngược với các vụ hành quyết do các tiểu bang quyết định – kể từ sau vụ hành quyết năm 2003 của Louis Jones Jr, một cựu chiến binh vùng Vịnh, 53 tuổi, đã giết chết người lính 19 tuổi Tracie Joy McBride.
Dư luận phản ứng ra sao?
Robert Dunham từ Trung tâm Thông tin Hình phạt Tử hình cho biết quyết định này không gây ngạc nhiên.
“Tổng thống Trump là người ủng hộ trung thành việc xử tử và đã đề xuất một số cách sử dụng cực đoan của án này, bao gồm cho những người bán ma túy và cho tất cả các vụ giết người liên quan đến các sĩ quan cảnh sát địa phương và tiểu bang”, ông nói.
“Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông ta tìm cách thực hiện các vụ hành quyết. Tôi nghĩ điều ngạc nhiên lớn nhất là tại sao điều này không xảy ra sớm hơn. “
Trong khi đó, Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) nói rằng việc các vụ hành quyết đã được lên kế hoạch rất gần nhau đưa ra “những câu hỏi nghiêm trọng về sự công bằng cho mỗi trường hợp”.
“Chúng tôi cần thời gian để xem xét trừng trường hợp và hoàn toàn không có lý do gì để kết hợp các trường hợp theo cách này và cấp tốc mang họ ra hành quyết”, Cassy Stubbs, thuộc ACLU nói.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kamala Harris mô tả án tử hình là “vô đạo đức và khiếm khuyết sâu sắc”, trong khi Bernie Sanders nói rằng ông sẽ bãi bỏ việc hành quyết nếu đắc cử.
Một ứng cử viên tổng thống khác của đảng Dân chủ, Pete Buttigieg, cho biết “chủng tộc và địa lý” là những yếu tố quyết định ai bị kết án tử hình.
Chính phủ Hoa Kỳ đang định xử tử ai?
Năm người sẽ bị xử tử là Daniel Lewis Lee, một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, bị kết án ở Arkansas vì giết một gia đình ba người; Lezmond Mitchell, một người Mỹ bản địa bị kết án tại Arizona vì giết một bà và cháu gái; Wesley Ira Purkey, hãm hiếp và giết một cô gái tuổi teen; Alfred Bourgeois, quấy rối tình dục và giết chết con gái nhỏ của mình; và Dustin Lee Honken, bắn chết năm người.
Ông Barr sẽ cho phép chính quyền nhà tù sử dụng một loại thuốc Pentobarbital duy nhất thay cho thủ tục dùng ba loại thuốc trước đây trong các vụ hành quyết liên bang. Pentobarbital là một thuốc an thần mạnh làm cho cơ thể, bao gồm cả hệ thống thần kinh chậm lại, đến mức người uống thuốc bị tử vong.
Năm vụ hành quyết dự kiến sẽ diễn ra tại Tòa án Nhà tù Hoa Kỳ tại Terre Haute, Indiana, và các vụ hành quyết khác sẽ diễn ra sau đó, bộ tư pháp nói.
Khi nào tòa án liên bang kết án tử hình?
Theo hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, tội phạm có thể được xét xử tại các tòa án liên bang – ở cấp quốc gia – hoặc tòa án tiểu bang, ở cấp địa phương. Một số tội phạm áp dụng trên toàn quốc, chẳng hạn như làm tiền giả hoặc trộm cắp thư từ, được tự động xét xử ở cấp liên bang, trong khi các tội khác được xét xử tại các tòa án liên bang dựa trên mức độ nghiêm trọng của tội.
Án tử hình đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở cấp tiểu bang và liên bang bởi một quyết định của Tòa án Tối cao năm 1972, hủy bỏ tất cả các đạo luật tử hình hiện có. Một quyết định của Tòa án Tối cao năm 1976 đã khôi phục hình phạt tử hình đối với một số tiểu bang và vào năm 1988, chính phủ đã thông qua luật cho án tử hình trở lại ở cấp liên bang.
Theo dữ liệu do Trung tâm Thông tin Hình phạt Tử hình thu thập, 78 người đã bị án tử hình trong các vụ án liên bang từ năm 1988 đến 2018 nhưng chỉ có ba người bị xử tử. Có 62 tù nhân hiện đang bị án tử hình liên bang.
Trong đó có Dylann Roof đã giết chết chín người trong một nhà thờ Charleston năm 2015 và Dzhokhar Tsarnaev, người bị kết án trong vụ đánh bom Boston Marathon năm 2013.
Mỹ: Án tù chung thân vì giết nữ sinh Trung Quốc
Chín án tử hình trong một phiên tòa
TQ: Kẻ giết người hàng loạt bị án tử hình
Phân tích của Anthony Zurcher
Phóng viên Bắc Mỹ
Trong hơn một thập niên rưỡi, án tử hình liên bang phần lớn nằm trong tình trạng xét lại.
Mặc dù không có lệnh cấm chính thức về mặt thủ tục, nhưng ở một số tiểu bang nơi sự phản đối các vụ hành quyết đang gia tăng, một kết hợp của quán tính hành chính, các quy trình kháng cáo kéo dài, và những trở ngại thực tế và số lượng tử tù liên bang tương đối ít khiến việc hành quyết gần như là ngưng lại.
Chính quyền Trump hiện muốn thay đổi điều đó, ngay cả khi sự thiếu hụt các loại thuốc tiêm được sử dụng để giết người vẫn là một trở ngại đáng kể.
Tổng thống đã bày tỏ thái độ gay gắt đối với những tội phạm bị kết án trong quá khứ, cho rằng họ được đối xử quá nhẹ nhàng và có quá nhiều cơ hội để kháng cáo bản án.
Trong khi đa số người Mỹ nói họ vẫn ủng hộ án tử hình trong một số trường hợp nhất định, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng Mỹ đang chống lại hình phạt tử hình, nhất là với các cáo buộc là những án tử hình thường bị áp đặt một cách bất công.
Điều đó cho thấy trong khi thông báo của chính quyền Trump sẽ thu hút một số lời chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà hoạt động, nhưng có lẽ sẽ không gây ra làn sóng chính trị quan trọng.
Án tử hình ở Mỹ
· Án tử hình hợp pháp tại 30 tiểu bang của Hoa Kỳ.
· Tính từ năm 1976, tiểu bang Texas có nhiều vụ hành quyết nhất (560), tiếp theo là Virginia (113) và Oklahoma (112).
· Hiện có 2.738 tử tù ở Mỹ
· California có nhiều tử tù nhất, 737, nhưng mới chỉ có 13 vụ hành quyết kể từ năm 1976
· Số án tử hình hàng năm đã giảm 85% từ năm 1998 đến 2018 – từ 295 xuống 43
Theo tin của Trung tâm Thông tin án Tử hình. Death Penalty Information Center
Nguồn: Death Penalty Information Center
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49123414
Chính phủ Hoa Kỳ sẽ trả nông dân 16 tỷ Mỹ kim
cho tổn thất chiến tranh thương mại
Tin từ WASHINGTON/CHICAGO – Vào hôm thứ Năm (25/7), các viên chức cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ trả cho nông dân Hoa Kỳ bị thiệt hại trong cuộc chiến thương mại với Trung Cộng từ 15 đến 150 mỹ kim/mẫu đất, trong gói viện trợ trị giá 16 tỷ mỹ kim, với nông dân ở miền Nam có thể sẽ nhận được tỷ lệ cao hơn hơn so với miền Trung Tây.
Đợt hỗ trợ này sẽ bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 8, và được đưa ra sau gói viện trợ 12 tỷ mỹ kim của Tổng thống Trump hồi năm ngoái nhằm mục đích bù đắp cho tình trạng tuột giá nông sản và giảm doanh thu.
Nông dân Hoa Kỳ, một nhóm cử tri quan trọng của tổng thống Trump, là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại kéo dài một năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các lô hàng đậu nành, mặt hàng trang trại xuất cảng có giá trị nhất của Hoa Kỳ cho Trung Cộng, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua vào năm 2018.
Đảng Dân Chủ đã chỉ trích hành động này, tuyên bố rằng nông dân cần thương mại công bằng chứ không phải cứu trợ kinh tế, và tiền cứu trợ đến từ tiền thuế của người dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Sonny Perdue đã lập luận rằng nông dân Hoa Kỳ bị thiệt hại một cách không tương xứng bởi cuộc tranh chấp thương mại, và vòng viện trợ mới này là hoàn toàn hợp lý.
Trong gói viện trợ mới, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết họ sẽ trả tiền cho nông dân theo vị trí địa lý thay vì theo vụ mùa – một sự thay đổi so với năm ngoái. (Mộc Miên)
Thẩm phán ở California chặn quy định mới về tị nạn
Một thẩm phán ở San Francisco ngày 24/7 chặn không cho chính quyền Trump thực thi quy định mới về tị nạn.
Thẩm phán liên bang Jon Tigar ban hành lệnh chặn sơ khởi đối với quy định buộc những di dân vượt biên giới Mexico-Mỹ để xin tị nạn Hoa Kỳ phải nộp đơn xin tị nạn ở những nước họ đi qua trên đường tới Mỹ.
Trước đó trong cùng ngày 24/7, thẩm phán liên bang Timothy Kelly ở Washington DC đã quyết định không chặn quy định mới này trong vụ kiện của các nhóm bảo vệ di dân.
Sau phán quyết của tòa án ở San Francisco, quy định mới của chính quyền Trump loan báo hôm 15/7 giờ đây bị đình chỉ trong thời gian chờ đợi các tiến trình tố tụng khác.
Chính quyền Trump đang tìm cách cắt giảm con số ngày càng tăng các di dân từ Trung Mỹ đổ về biên giới Hoa Kỳ xin tị nạn.
Những người phản đối quy định mới nói rằng Mỹ không thể buộc di dân trước tiên phải xin tị nạn ở những nước khác trừ phi Washington có thỏa thuận ‘đệ tam quốc gia an toàn’ với các nước đó.
Cả Mexico và Guatemala đều kháng cự các nỗ lực của chính quyền Trump hầu đạt được một thỏa thuận như thế.
https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-o-california-chan-quy-dinh-moi-ve-ti-nan-/5015688.html
Cuộc điều trần của CTV Mueller-
Những điểm nhấn quan trọng
Cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ và Ủy ban Tình báo Hạ viện trong hai cuộc điều trần liên tiếp hôm 24/7. Đây là lần đầu tiên ông Mueller bị chất vấn công khai về cuộc điều tra kéo dài 22 tháng của ông vào nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Báo Wall St. Journal (WSJ) tường thuật rằng ông Mueller đôi khi do dự như không nắm vững các chi tiết trong báo cáo của ông, và những câu trả lời ‘nhát gừng’, đi kèm với trục trặc trong hệ thống âm thanh, nhất là trong cuộc điều trần đầu tiên, buộc ông Mueller yêu cầu nhắc lại câu hỏi nhiều lần, không mấy gây ấn tượng. Nhưng cuộc điều trần có một số điểm nhấn quan trọng, mà ông Mueller đã nêu bật.
Mối đe dọa từ Nga vẫn tiếp diễn
Cựu công tố viên đặc biệt Mueller cảnh báo Moscow có thể lại xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kế tiếp vào năm 2020.
Báo Financial Times ghi nhận ông Mueller mạnh mẽ phản bác phát biểu của Tổng thống Trump, khen ngợi Wikileaks trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 giữa lúc trang mạng này phát tán các email bị lấy cắp của Đảng Dân chủ.
Ông Mueller, cựu Giám Đốc FBI, nói:
“Nói (hành vi của TT Trump) ‘có vấn đề’ là giảm nhẹ quá đáng tính nghiêm trọng của nó… về mặt tăng sức hoặc tôn lên một hoạt động phải được coi là bất hợp pháp.”
Tuy phúc trình của ông Mueller kết luận là không thu thập đủ chứng cớ để có thể buộc tội Tổng thống Trump thông đồng với chính quyền Nga, nhưng phúc trình này phơi bày chi tiết những liên lạc giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Moscow, giữa lúc Nga tích cực can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler, ông Mueller nhắc lại rằng phúc trình của ông “không minh oan cho Tổng thống Trump về những hành động mà ông bị cáo buộc đã thực hiện”, và một lần nữa cảnh báo Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.
“Trong suốt sự nghiệp của tôi, tôi đã chứng kiến một số thách thức đối với nền dân chủ của chúng ta, nhưng nỗ lực của chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất.”
Ông khuyến cáo “nhiều quốc gia khác cũng đang phát triển khả năng để có thể thực hiện điều mà người Nga đã thực hiện.” :
“Họ đang làm điều đó giữa lúc chúng ta đang ngồi ở đây, họ dự kiến sẽ thực hiện ý đồ trong chiến dịch bầu cử kế tiếp.”
Báo cáo của ông Mueller công bố cách đây vài tháng kết luận rằng Nga đã can thiệp một cách có hệ thống vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 vì tin rằng Tổng thống Trump đắc cử sẽ có lợi cho nước Nga.
Những điểm nhấn khác
Trả lời ông Nadler rằng liệu chính sách của Bộ Tư pháp Mỹ theo đó một Tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố, có cho phép truy tố ông Trump về tội cản trở công lý, khi ông rời khỏi nhiệm sở hay không?
Ông Mueller trả lời: “Chính xác.”
Dân biểu Ted Lieu, thành viên Đảng Dân chủ từ California, hỏi có phải chính sách của Bộ Tư pháp Mỹ là lý do ông không truy tố Tổng thống Trump? Thoạt tiên ông Mueller trả lời: “Đúng vậy”, nhưng trước khi bước vào cuộc điều trần với Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ vào buổi chiều, ông đính chính lại, rằng “chúng tôi không đưa ra kết luận liệu Tổng thống có phạm tội hình sự hay không”.
Tổng thống Trump vẫn miêu tả cuộc điều tra của công tố viên Mueller là một cuộc “săn lùng phù thủy” bới lông tìm vết, không có cơ sở, do những đối thủ chính trị của ông phát động, ông Mueller thẳng thừng gạt bỏ lập luận đó và nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc điều tra và tính cách nguy hại của vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Về câu hỏi “tại sao ông không tống trát yêu cầu Tổng thống Trump trả lời chất vấn?
Mueller trả lời: “Chúng tôi quyết định không sử dụng quyền ra trát hầu tòa để buộc Tổng thống ra thẩm vấn vì vào lúc cuối, chúng tôi phải đẩy nhanh để kết thúc điều tra.”
Được hỏi liệu có công bằng không, nếu nói rằng những câu trả lời của Tổng thống Trump bằng văn bản “không những không đầy đủ vì ông Trump không trả lời nhiều câu hỏi” mà còn vì “ông Trump không luôn luôn nói thật”, ông Mueller trả lời: “Nói chung thì đúng.”
Tuy vậy, theo WSJ, những thành viên Đảng Dân chủ đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc điều trần này sẽ làm tăng sự ủng hộ đối với giải pháp luận tội Tổng thống Trump sẽ cảm thấy thất vọng, bởi vì cuộc điều trần không cung cấp “thêm đạn dược” để giúp phe Dân chủ tăng mức độ ủng hộ cho tiến trình luận tội Tổng thống Trump, và mặt khác gây thất vọng cho phe Cộng hoà mong cuộc điều trần sẽ làm tăng mối hoài nghi về độ tin cậy của cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt và các cộng sự của ông.
https://www.voatiengviet.com/a/dieu-tran-cua-ctv-mueller-nhung-diem-nhan-quan-trong/5015508.html
Brexit : Châu Âu từ chối đề nghị của Boris Johnson
Trong cuộc điện đàm với tân thủ tướng Anh Boris Johnson, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hôm qua, 25/07/19, đã bác bỏ các đề nghị của lãnh đạo chính phủ Anh, khẳng định các quan chức Liên Hiệp Châu Âu không có ý định đàm phán lại về Brexit.
Theo AFP, đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Boris Johnson lên làm thủ tướng Anh. Theo phát ngôn viên của ông Juncker, Liên Hiệp Châu Âu sẽ chỉ xem xét thỏa thuận với bà Theresa May về Brexit. Bản thỏa thuận này được sự chấp thuận của 27 nước châu Âu và cựu thủ tướng Anh, nhưng ba lần bị các nghị sĩ Quốc Hội Anh bác bỏ.
Ông Juncker cũng nói thêm Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng sửa đổi bản tuyên bố chính trị đi kèm với bản thỏa thuận, nhưng chỉ khi nào những sửa đổi đó phù hợp với chủ trương của Hội Đồng Châu Âu.
Hôm qua, phát biểu trước các nghị sỹ Anh, tân thủ tướng Boris Johnson nói rằng ông đã thúc giục Liên Hiệp Châu Âu “cân nhắc lại” quan điểm khi đàm phán thỏa thuận về Brexit với người tiền nhiệm Theresa May. Nếu không thể đạt được một thỏa thuận mới, ông sẵn sàng đưa nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu đúng hạn 31/10/2019.
Theo một quan chức tại điện Elysée, tổng thống Emmanuel Macron tối hôm qua, 25/07/19, đã gửi lời mời tân thủ tướng Anh tới thăm Pháp trong vài tuần tới. Tuy vậy, một số quan chức Pháp tỏ ra lo ngại trước thái độ chống châu Âu của ông Johnson.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190726-brexit-chau-au-tu-choi-de-nghi-cua-boris-johnson
Đại sứ Mỹ tại Anh: Tân Thủ tướng Johnson
và Tổng thống Trump sẽ ‘ăn ý’
Quan hệ giữa Anh quốc và Hoa Kỳ sẽ trở nên “đặc sắc”, khi ông Boris Johnson làm tân Thủ tướng Anh, theo đại sứ Mỹ tại London.
Ông Woody Johnson nói với BBC rằng hai người có nhiều điểm chung trong phong cách lãnh đạo và mong muốn “giải quyết hiệu quả các công việc”.
Đại sứ Mỹ hạ tầm quan trọng về những lời chỉ trích trước đây của ông Boris Johnson về ông Trump khi ông là thị trưởng London, khi đó, ông Boris Johnson gọi ông Trump là “ngu dốt đến kinh ngạc”.
Học giả Bill Hayton bình luận về Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson
FB Live: Boris Johnson đắc cử lãnh đạo đảng Bảo Thủ và bình luận
Chúng ta sẽ có những va chạm trên đường đi, đương nhiên là thế, nhưng chúng ta là hai quốc gia vĩ đạiĐại sứ Mỹ Woody Johnson
Theresa May – Người tù trong dinh thủ tướng?
Đại sứ Mỹ nói rằng một Brexit không có thỏa thuận sẽ không ảnh hưởng đến khả năng của Anh trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh việc ông Johnson lên nắm quyền, nói rằng tân Thủ tướng Anh sẽ làm một “công việc tuyệt vời” và thậm chí cho rằng ông Johnson là “Trump của nước Anh”.
Là người ủng hộ Brexit, ông Trump đã chỉ trích các cuộc đàm phán của cựu Thủ tướng Theresa May với EU.
Đã có những căng thẳng về vấn đề biến đổi khí hậu và quan điểm của tổng thống Mỹ về chủng tộc và nhập cư, bên cạnh đó, mới đây xuất hiện vụ rò rỉ điện tín ngoại giao của Anh, dẫn đến việc ông Kim Darroch, đại sứ của Anh tại Washington phải từ chức.
‘Hai quốc gia vĩ đại’
Đại sứ Mỹ Woody Johnson nói với chương tình Radio 4 Today của BBC rằng công việc của ông là tập trung vào “những điều chúng tôi đồng ý”.
Lãnh đạo các nước nói chuyện với nhau thế nào?
Trump chê ‘Brexit mềm’ và khen Boris Johnson
Brexit: EU sẽ có ‘mùa thu nóng’ vì Thủ tướng Anh?
“Chúng ta sẽ có những va chạm trên đường đi, đương nhiên là thế, nhưng chúng ta là hai quốc gia vĩ đại,” ông nói.
“Nếu chúng ta có kỳ vọng lạc quan giữa hai nước, chúng tôi sẽ đưa tất cả người dân ở đất nước này – lên độc lập và tất cả những điều bạn đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.”
“Tôi nghĩ đó là những gì tổng thống muốn và những gì thủ tướng mới của các bạn cũng muốn,” nhà ngoại giao Mỹ nói thêm.
Ông Trump từng bình luận về London, cho rằng nhiều vùng ở thủ đô nước Anh là những nơi ‘không thể đi lại được’ với ngụ ý yếu kém an ninh.
Tổng thống sẽ cố gắng đẩy quả bóng về phía trước – Anh quốc là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi về an ninh và thịnh vượng. Ông ấy biết điều đóĐại sứ Mỹ Woody Johnson
Hồi năm 2015, ông Boris Johnson, khi đó là Thị trưởng London, đã bình luận về phát biểu này của ông Trump và nói phát ngôn này cho thấy “sự ngu dốt khá kinh ngạc” và làm cho ông Trump không phù hợp để trở thành tổng thống.
Nhưng Đại sứ Woody Johnson cho rằng ông Trump không nên bị làm phiền bởi các lời bình luận.
“Mối quan hệ mới giữa tân thủ tướng của các bạn và tổng thống của chúng tôi… sẽ rất đặc sắc”, ông nói.
“Sự lãnh đạo của họ có nhiều điểm chung. Cả hai đều có phong cách riêng nhưng tương đồng – một tầm nhìn rõ ràng về những gì họ muốn đạt được.”
Ông nói rằng Vương quốc Anh sẽ ở “chiến tuyến” cho một thỏa thuận thương mại một khi Brexit xảy ra và “không bắt buộc” nước Anh phải rời khỏi EU với một thỏa thuận để đạt được tiến bộ.
“Tổng thống sẽ cố gắng đẩy quả bóng về phía trước – Anh quốc là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi về an ninh và thịnh vượng. Ông ấy biết điều đó,” nhà ngoại giao Mỹ nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49131045
Anh điều Hải quân hộ tống tàu dầu
qua eo biển Ormuz
Bộ Quốc Phòng Anh hôm qua, 25/07/2019, thông báo là đã ra lệnh Hải quân Anh hộ tống các tàu dầu mang cờ Anh đi qua eo biển Ormuz, nơi mà Iran đã chận giữ một tàu dầu vào tuần qua.
Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng cho biết là Hải Quân có trách nhiệm hộ tống các tàu mang cờ Anh, nếu nhận được thông báo rõ ràng về hành trình của tàu qua eo biển Ormuz.
Vào hôm thứ Hai, 22/07, ông Jeremy Hunt, khi còn đương nhiệm ngoại trưởng, cho biết là chiến hạm Anh thứ hai đã được phái đến vùng Vịnh. Chiếc HMS Duncan sẽ đến nơi vào đầu tuần tới, ngày 29/07.
Ông Hunt nhấn mạnh là những tàu mang cờ Anh đi qua eo biển Ormuz phải thông báo thời điểm đi qua, để « được bảo vệ một cách tốt nhất ». Ông cũng giải thích là Hải Quân Anh không thể hộ tống tất cả tàu dầu đi qua vùng này hoặc loại trừ tất cả mọi nguy cơ hải tặc.
Bộ trưởng Quân Lực pháp bà Florence Parly trả lời báo giới Pháp hôm qua, 25/07, cho biết Paris, Luân Đôn và Berlin dự kiến «phối hợp » phương tiện và chia sẻ thông tin ở vùng Vịnh để tăng cường an ninh trên biển, nhưng sẽ không triển khai thêm lực lượng quân sự. Mục tiêu trước mắt, theo bà Parly, là giảm căng thẳng trong khu vực, tuy vẫn bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẵng sàng đến Iran
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua cho biết ông sẵn sàng đến Teheran nếu cần và cũng sẵn sàng lên truyền hình Iran để « có cơ hội phát biểu trực tiếp » với nhân dân Iran.
Trả lời Blomberg TV, ông Pompeo đã so sánh : Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif đến New York, đi xe hơi tại thành phố đẹp đẽ của nước Mỹ. Ông Zarif còn nói chuyện với báo chí, nói chuyện với dân chúng Mỹ, tuyên truyền cho Iran trên truyền thông Mỹ, cho nên ông muốn có cơ hội đến Iran, không phải để tuyên truyền mà để nói sự thật với dân chúng Iran.
Hoa Kỳ tố cáo Iran về loạt sự cố « phá hoại » tàu ở vùng eo biển Ormuz. Ông Pompeo cho là Hoa Kỳ đã gây sức ép để thuyết phục Iran rằng chính sách của Teheran không mang lại kết quả gì, và người dân Iran sẽ có cuộc sống bình thường, nếu Iran cư xử như một quốc gia bình thường.
Ông Pompeo quy trách nhiệm cho lãnh đạo tinh thần tối cao Iran, Ali Khameinei, người nắm quyền thực sự ở Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190726-hai-quan-anh-se-ho-tong-tau-dau-cua-anh-qua-eo-bien-ormuz
« Phòng thủ tích cực »
trong chiến lược quân sự không gian Pháp
Ngày 25/07/2019, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly, trong diễn văn tại căn cứ quân sự ở Lyon, đã thông báo những nét chính trong chiến lược quân sự mới của Pháp trong lĩnh vực phòng thủ không gian. Paris sẽ tập trung đầu tư vào các phương tiện « phòng thủ tích cực » để bảo vệ các vệ tinh của mình.
Triển khai các loại vũ khí mới trên quỹ đạo Trái đất, một Bộ Tư Lệnh thống nhất, giám sát các vệ tinh, đó là những nét chính của chương trình phòng thủ và giám sát không gian. Bộ trưởng Quân Lực Pháp nhấn mạnh, trước các xung đột tiềm ẩn trong không gian do cạnh tranh giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc, chương trình của Pháp không vi phạm các hiệp ước quốc tế cũng như không tạo thành « một cuộc chạy đua vũ trang », nhưng Pháp chỉ tổ chức « phòng vệ tích cực » cho các vệ tinh của mình.
Từ năm 1967 đã có một Hiệp ước Quốc tế nhằm quản lý các hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và khai thác không gian ngoài tầng khí quyền, trong đó có cả Mặt trăng. Tuy nhiên, theo bộ trưởng Florence Parly, « Hiệp ước đó không loại trừ quyền tự vệ chính đáng, không cấm quân sự hóa » không gian.
Với các cường quốc, phía trên tầng khí quyền đang ngày trở thành một « trận địa không gian » mới cho những hoạt động bí mật.
« Chiến tranh giữa các vì sao » trở lại ?
Năm 1983, tổng thống Mỹ thời bấy giờ Ronald Reagan đã phát động chương trình có tên gọi Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (IDS). Mục tiêu là để đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Liên Xô có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ, đề phòng Thế chiến thứ 3 xảy ra. Nhưng cuối cùng Mỹ đã phải từ bỏ chương trình tốn kém này trước khi chiến tranh lạnh kết thúc.
35 năm sau, tổng thống Mỹ, Donald Trump khơi dậy lại cuộc chạy đua vũ trang trong không gian với việc thành lập binh chủng US Space với mục tiêu không để người Nga chiếm ưu thế.
Từ khi công nghệ phát triển mạnh mẽ khoảng vài ba thập niên trở lại đây, cùng với việc các cường quốc đổ xô lên không gian, một đe dọa mới cũng xuất hiện, nhất là khi các hoạt động quân sự có thể được tiến hành từ trên cao cách xa trái đất hàng nghìn km.
Các hệ thống quốc phòng dưới mặt đất ngày càng lệ thuộc vào hệ thống thông tin hiện đại không thể thiếu vệ tinh trên quỹ đạo.
Trả lời RFI, chuyên gia Xavier Pasco, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, phân tích : « Quân đội ngày càng dựa vào không gian nhiều hơn để tiến hành các chiến dịch quân sự. Trong cái nhìn của các nhà quân sự, các phương tiện không gian đang trở nên sống còn. Giới quân sự đã nhận ra được điều này từ cách đây 15 năm, nhưng Pháp thì mới nhận ra trong các chiến dịch quân sự gần đây… Pháp ý thức được điều này hơi muộn».
Phòng thủ tích cực nhằm bảo vệ hệ thống vệ tinh
Bà Florence Parly khẳng định, phòng thủ tích cực không phải là tấn công, mà là khi có « các hành động thù địch, thì Pháp phải có khả năng đáp trả tương xứng phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ».
Bộ trưởng Pháp phác họa đường hướng chương trình phòng vệ tích cực : « Xác định, phân biệt đặc thù các hành động chơi xấu hay thù nghịch trong môi trường vệ tinh của chúng ta, tiếp tục phát triển các phương tiện hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự, bảo vệ các phương tiện trong không gian của chúng ta và răn đe đối thủ… »
Năm 2017, một vệ tinh quân sự Pháp-Ý Athena-Fidus đã bị một vệ tinh do thám Nga đánh cắp thông tin. Sau đó, thiết bị của Nga đã có những hành động tương tự đối với 8 vệ tinh của nhiều nước khác. Pháp phải tăng cường khả năng giám sát các vệ tinh của mình, theo nhật báo Le Monde.
Thách thức hiện nay là xác định các hành động gây hấn « dưới ngưỡng » xung đột. Về câu hỏi trong tương lai lực lượng không gian Pháp sẽ phản ứng thế nào với những hành động thù nghịch như vậy, bà Florence Parly quả quyết, trong tương lai, các phương tiện “phòng thủ không gian của Pháp sẽ phải được trang bị các vũ khí laser cực mạnh để gây nhiễu đối thủ hoặc thậm chí phá hủy các tấm pin mặt trời của những vệ tinh ở gần”.
Paris cho biết đối tượng được « bảo vệ tích cực » như vậy có thể là những vệ tinh thương mại vì lợi ích an ninh quốc gia và cả những vệ tinh hợp tác với các đồng minh, đặc biệt là hệ thống định vị toàn cầu của châu Âu Galileo.
Luật về chương trình quân sự 2019-2025 đã thông qua 3,6 tỷ euro dành cho phòng thủ không gian. Để có thêm phương tiện hoàn thiện hệ thống bảo vệ các vệ tinh, bộ trưởng Quân Lực Pháp thông báo bổ sung thêm ngân sách 700 triệu euro từ nay đến 2025. Một ngân khoản vẫn bị các chuyên gia cho là còn quá khiếm tốn. Paris kêu gọi mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như Đức và Ý. Nhưng trước sự cạnh tranh của Mỹ hay Trung Quốc, các nhà công nghiệp nhận thấy đầu tư của châu Âu vẫn còn chưa đủ.
Hiện tại trên quỹ đạo trái đất có khoảng trên 2500 vệ tinh hoạt động, chủ yếu là của Nga và Mỹ. Không lâu nữa con số này sẽ lên tới 8000. Ưu tiên của Pháp là giám sát hoạt động vệ tinh. Bộ Quân Lực Pháp cho biết sẽ tập trung nghiên cứu các loại « vệ tinh nano tuần tra », có khả năng tự vệ, ngăn chặn sự phá hoại của các vệ tinh khác. Quân đội Pháp sẽ có riêng vệ tinh chụp ảnh và những tính năng dịch vụ quan sát trái đất.
Pháp đã quyết định triển khai mẫu vệ tinh GOET Tracker do tập đoàn Arian Group chế tạo cho quỹ đạo cao. Vệ tinh radar Grave sẽ được trang bị thêm các phương tiện quan sát cho quỹ đạo thấp. Ngoài ra Pháp dự kiến trang bị cho quân đội loại radar tầm xa để báo động chống tên lửa sớm.
Thay đổi hệ thống pháp lý cho phù hợp
Để điều hành toàn bộ chương trình và hệ thống phòng thủ không gian như vậy, một Bộ Tư Lệnh Không Gian sẽ được thành lập tháng 9 tới đây. Trước mắt bộ phận này nằm trong Không Quân, nhưng trong tương lai Pháp sẽ có binh chủng Không Quân và Không Gian.
Trên phương diện pháp lý, Bộ Quân Lực dự tính phải sửa đổi hệ thống luật 2008 về các hoạt động không gian. Theo luật cũ, các hoạt động trong không gian của Pháp đặt dưới quyền quyết định của cơ
quan dân sự, cụ thể là Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Không gian (CNES). Luật sửa đổi sẽ theo hướng sao cho quân đội có quyền quyết định một phần các hoạt động không gian, nhằm tăng cường khả năng hành động mau lẹ, yếu tố cực kỳ quan trọng trong quân sự.
Ngân sách đầu tư hàng năm của Paris cho lĩnh vực không gian cả quân sự lẫn dân sự là 2 tỷ euro, trong khi Hoa Kỳ mỗi năm chi 50 tỷ đô la, Trung Quốc 10 tỷ và Nga 4 tỷ, theo số liệu chính thức của chính phủ Pháp. Điều này cho thấy trong lĩnh vực không gian, Pháp tụt hậu khá xa, đồng thời lý giả tại sao Paris phải khẩn trương cho cuộc đua quân sự không gian.
http://vi.rfi.fr/phap/20190726-phong-thu-tich-cuc-ve-tinh-trong-chien-luoc-quan-su-khong-gian-phap
Nga tiếp tục bàn giao hỏa tiễn cho Trung Cộng,
bất chấp đe dọa trừng phạt của Hoa Kỳ
Tin Moscow, Nga – Chính phủ Nga đang tiếp tục bàn giao hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 cho Trung Cộng, bấp chấp việc thỏa thuận mua bán vũ khí giữa 2 nước đang bị Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt.
Hãng truyền thông Tass của Nga vào thứ Tư, 24 tháng 7, đưa tin rằng Moscow đã bắt đầu đợt giao hàng thứ 2 cho Trung Cộng, vận chuyển các phần của hệ thống hỏa tiễn S-400 bằng đường biển. Hãng Tass dẫn một nguồn tin ẩn danh trong chính phủ Nga cho biết, tàu hàng chở các thiết bị đầu tiên của đợt giao hàng thứ 2 đã khởi hành từ cảng Ust-Luga trên bờ biển Baltic. Việc giao hàng khởi sự sớm hơn vài tháng so với quy định trong hợp đồng. Ba tàu hàng sẽ được điều động để hoàn thành việc vận chuyển thiết bị trong một thời gian ngắn.
Trung Cộng vào năm 2014 đã đặt mua 2 hệ thống hỏa tiễn S-400 với giá 3 tỷ Mỹ kim, trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của hệ thống hỏa tiễn đất đối không hiện đại nhất của Nga. Quân đội Trung Cộng nhận hệ thống S-400 đầu tiên vào năm 2018 và đã bắn thử thành công. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm ngoái, đơn vị quản lý vũ khí của quân đội Trung Cộng và giám đốc Li Shangfu của cơ quan này đã bị Hoa Kỳ trừng phạt, vì mua hỏa tiễn S-400 và các chiến đấu cơ Su-35 của Nga.
Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết, lệnh trừng phạt được ban hành là do Trung Cộng giao thương với hãng Rosoboronexport, hãng xuất cảng vũ khí của Nga vốn đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen. Ấn Độ hiện cũng muốn mua hỏa tiễn S-400 của Nga và đang cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ miễn trừng phạt cho nước này. (Ngô Bảo)
Nga muốn cấm Hội đồng Đại Tây Dương
Nga ngày 25/7 cho biết sắp sửa cấm Hội đồng Đại Tây Dương, một tổchức nghiên cứu trước đây được vận hành bởi đại sứ Mỹ tại Moscow.
Viện Công tố Nga tố cáo các hoạt động của tổ chức này là một mối đedọa đối với các nền tảng trật tự hiến pháp và an ninh của Liên bang Nga.
Diễn tiến này theo sau các biện pháp Nga tiến hành nhắm vào các tổchức phi chính phủ khác kể từ khi quan hệ giữa Nga với phương Tây bịtuột dốc do cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 và các lệnh chế tài sauđó.
Viện Công tố cho biết đã trao quyết định cho Bộ Tư pháp Nga.
Đại sứ Mỹ Jon Huntsman làm chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương từ năm2014 đến 2017.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-muon-cam-hoi-dong-dai-tay-duong-/5015692.html
Ukraina chận giữ một tầu dầu của Nga
Ukraina hôm qua, 25/07/2019, đã chận giữ một tàu dầu Nga tại một cảng ở vùng cửa sông Danube. Lý do mà chính quyền Kiev đưa ra là chiếc tàu này đã được sử dụng trong sự cố Nga bắt tàu của Ukraina vào tháng 11 năm ngoái ngoài khơi Crimée. Nga đã phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo Ukraina về hậu quả vịệc chặn giữ này.
Thông tín viên RFI tại Nga, Daniel Vallot cho biết thêm chi tiết :
Thủy thủ đoàn của tàu dầu có thể nhanh chóng trở về Nga, không phải chờ đợi gì. Lãnh đạo Nga và Ukraina đã thông báo như trên. Còn tàu dầu thì vẫn ở lại cảng Ukraina, nơi bị lực lượng an ninh Ukraina chặn giữ.
Kiev khẳng định là là chiếc tàu nói trên đã được sử dụng trong vụ va chạm trên biển tháng 11 /2018. Tàu dầu dường như đã đổi tên, đã nằm dưới cầu Crimée, chặn đường ra biển Azov. Sự cố tháng 11 vẫn đè nặng lên quan hệ Nga-Ukraina. Matxcơva từ chối trả tự do 24 thủy thủ Ukraina bị bắt giữ từ tháng 11.
Thủy thủ Nga đã được Ukraina trả tự do, chuyện giữ tàu dầu sẽ không gây căng thẳng như sự cố năm ngoái ở eo biển Kertch. Nhưng điều này có thể gây trở ngại cho các cuộc đàm phán đang diễn ra về khả năng trao đổi tù nhân giữa hai nước.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190726-ukraina-chan-giu-mot-tau-dau-cua-nga
Chủ tịch Bắc Hàn: vụ thử hỏa tiễn
là cảnh cáo “những kẻ hiếu chiến” của Nam Hàn
Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Sáu (26/7), Bắc Hàn cho biết vụ phóng hỏa tiễn mới nhất của họ là một lời khuyến cáo để “những kẻ hiếu chiến” của Nam Hàn ngừng nhập cảng vũ khí và thực hiện các cuộc tập trận quân sự chung, một thông điệp cũng nhắm vào Hoa Kỳ.
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã đích thân theo dõi cuộc bắn thử hai hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn vào hôm thứ Năm (25/7). Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên kể từ khi ông Kim gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng trước, và đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán giải trừ nguyên tử.
Các vụ thử nghiệm hỏa tiễn này đã đặt ra những nghi ngờ về việc nối lại các cuộc đàm phán giải trừ nguyên tử, vốn đã bị đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Kim và tổng thống Donald Trump tại Hà Nội hồi tháng Hai sụp đổ.
Một viên chức của Bộ Quốc phòng Seoul cho biết các hỏa tiễn này được cho là một loại hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn mới, một đánh giá được Bộ Tư lệnh Lực lượng phối hợp Hoa Kỳ-Nam Hàn (CFC) lặp lại vào hôm thứ Sáu (26/7). Khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, một viên chức quốc phòng cho biết một đánh giá chung với Hoa Kỳ cho thấy rằng cả hai hỏa tiễn này đều đã bay khoảng 600 km (373 dặm), xa hơn các vụ thử hỏa tiễn tương tự trước đó. Viên chức này cũng cho biết các hỏa tiễn này có những đặc điểm tương tự như hỏa tiễn SS-26 Iskander của Nga và những hỏa tiễn mà Bắc Hàn đã thử nghiệm hồi tháng 5 – một loại hỏa tiễn tương đối nhỏ và nhanh mà các chuyên gia cho là dễ dàng hơn trong việc che giấu, phóng và điều khiển khi đang bay. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chu-tich-bac-han-vu-thu-hoa-tien-la-canh-cao-nhung-ke-hieu-chien-cua-nam-han/
KCNA: Kim Jong Un thanh sát võ khí chiến thuật mới
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 25/7 đích thân đi thanh sát để nghe trình bày về một loại võ khí chiến thuật mới hầu cảnh cáo Hàn Quốc về việc Seoul tiếp tục thủ đắc võ khí công nghệ cao và theo đuổi các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, truyền thông nhà nước Triều Tiên loan tin.
Giới chức Hàn Quốc hôm 25/7 cho hay Triều Tiên bắn thử hai phi đạn đạn đạo tầm ngắn. Đây là đợt thử phi đạn đầu tiên kể từ khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí vực dậy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa hồi tháng trước.
“Chúng ta buộc phải tiếp tục phát triển các hệ thống võ khí siêu mạnh để loại trừ các mối đe dọa khả dĩ và trực tiếp từ miền Nam đối với an ninh quốc gia chúng ta,” ông Kim được thông tấn xã trung ương của nhà nước Triều Tiên dẫn lời.
Một quan chức quốc phòng của Hàn Quốc ngày 25/7 loan báo Seoul đang dõi sát hành tung của Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bắn hai phi đạn xuống biển cùng ngày.
Quân đội Hàn Quốc cho hay hai phi đạn của Triều Tiên phóng đi từ một địa điểm gần thành phố Wonsan ở miền Đông.
Người biểu tình vì ‘Hồng Kông tự do’
kéo đến sân bay
Hơn 1.000 người biểu tình tập trung tại sân bay Hồng Kông hôm thứ Sáu 26/7. Họ kêu gọi phải có dân chủ và một số người hô vang “Hồng Kông tự do”. Thành phố này hiện nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc.
Nhà chức trách sân bay Hồng Kông cho biết các hoạt động của sân bay sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng khuyến cáo hành khách nên đến sớm do có nguy cơ một số việc có thể bị gián đoạn.
Các cuộc biểu tình nổ ra gần như hàng ngày ở thuộc địa cũ của Anh được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Dự kiến sẽ có thêm các cuộc biểu tình vào thứ Bảy 27/7.
Hồng Kông quay trở lại với Trung Quốc theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, đảm bảo rằng vùng lãnh thổ này có các quyền tự do trong ít nhất 50 năm, kể cả tự do biểu tình mà Trung Hoa đại lục không được hưởng.
Xuất phát từ cuộc phản đối đầy phẫn nộ về dự luật dẫn độ, hiện đang bị đình hoãn, giờ đây các cuộc biểu tình đưa ra yêu cầu phải có dân chủ nhiều hơn cũng như đòi nhà lãnh đạo Hồng Kông, bà Carrie Lam, từ chức.
Một số người biểu tình, đội mũ bảo hiểm và ngồi trên sàn của sảnh đến, giơ cao các biểu ngữ kêu gọi chính quyền rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ, cùng lúc, những tiếng hô “Hồng Kông tự do” vang vọng khắp tòa nhà.
Đám đông mỗi lúc một tăng lên, đứng ngồi kín gần một nửa sảnh đến.
“Thế giới đã theo dõi chúng tôi trong vài tuần qua”, Jeremy Tam nói. Ông là một cựu phi công và nhà lập pháp, đã góp phần tổ chức cuộc biểu tình cùng với các nhân viên khác trong ngành hàng không.
“Chúng tôi đơn thuần tin rằng sân bay là cách trực tiếp nhất để mọi du khách được giải đáp về những gì đang xảy ra ở Hồng Kông”, ông nói.
Một quầy “thông tin du lịch” tạm thời được người biểu tình dựng lên, với hình ảnh và chú thích chi tiết về các cáo buộc là cảnh sát hành xử tàn bạo, và về vụ tấn công tại ga tàu Yuen Long xảy ra hôm 21/7.
Khoảng 15.000 người, bao gồm du khách, phi công, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác, đã ký một bản kiến nghị kêu gọi chính quyền truy tố những kẻ tấn công.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-keu-den-san-bay/5016576.html
Hồng Kông :
Cảnh sát cấm biểu tình phản đối băng đảng
Cảnh sát Hồng Kông lại gây thêm bất bình vào hôm qua, 25/07/2019, khi cấm biểu tình chống các băng đảng xã hội đen đã đánh đập người biểu tình ôn hòa cuối tuần qua.
Người dân Hồng Kông vẫn chưa nguôi giận từ sau cuộc biểu tình 21/07, khi những kẻ côn đồ mặc áo trắng dùng gậy đánh đập người biểu tình phản đối luật dẫn độ tại một ga tàu điện ngầm, khiến ít nhất 45 người bị thương phải nhập viện.
Cảnh sát Hồng Kông đã phản ứng rất thụ động, không sớm ngăn cản hành vi bạo lực này nên đã bị tố cáo là dung túng và làm ngơ cho nhóm côn đồ này.
Người biểu tình dự kiến xuống đường phản đối hành động trên vào thứ Bảy này tại quận Nguyên Lãng, nơi xẩy ra các vụ đánh đập.
Tuy nhiên, cảnh sát đã ra thông cáo cấm cuộc biểu tình, với lý do sợ người biểu tình sẽ tấn công vào người dân tại chỗ. Cảnh sát viết rõ là « có lý do để tin là người tham gia cuộc tuần hành sẽ có va chạm với cư dân tại chỗ, gây thiệt hại cho cả người tuần hành, người dân tại chỗ và những người khác ».
Những người kêu gọi và tổ chức cuộc tuần hành thứ Bảy này tuyên bố là sẽ vẫn tổ chức cho dù phải đụng độ với cảnh sát. Mã Chung, người đã xin giấy phép của cảnh sát, tuyên bố dứt khoát không lùi bước.
Xử trắng án 2 cảnh sát đánh người biểu tình năm 2014
Hai cảnh sát đánh người biểu tình trong phong trào Dù Vàng 2014, vốn bị video quay lại, đã được tòa phúc thẩm Hồng Kông xử trắng án vào hôm nay, 26/07.
Tổng cộng 7 cảnh sát đã bị bắt giữ vì đánh người biểu tình và bị kết án 2 năm tù giam. Họ chỉ ở tù vài tháng và được tại ngoại chờ kết quả kháng cáo.
Ngoài hai người được trắng án, trong phiên xử phúc thẩm hôm nay, 5 người còn lại được giảm án : 2 người bị 18 tháng, 1 người 16 tháng, 2 người còn 15 tháng.
Bản án được đưa ra trong lúc dân chúng Hồng Kông rất túc giận cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su đối phó với người biểu tình.
Ngay từ sáng nay, đã có hàng trăm người biểu tình ở phi trường Hồng Kông, trong đó có cả tiếp viên hàng không tham gia, nhằm « giáo dục » các hành khách về phong trào biểu tình phản đối chính quyền Hồng Kông, thông qua các khẩu hiệu, tờ rơi quảng cáo…. Người biểu tình đặc biệt nhắm tới khách đến từ Hoa Lục, vì tin tức về những gì xẩy ra ở Hồng Kông bị bịt kín, hoặc bị bôi xấu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190726-hong-kong-canh-sat-cam-bieu-tinh-phan-doi-bang-dang
Đại diện Trung-Mỹ sẽ gặp nhau tại Thượng Hải:
Quyết định bất ngờ
liên quan đến hội nghị bí ẩn nhất TQ?
Kỳ nghỉ hè quan trọng thường niên tại Bắc Đới Hà của giới lãnh đạo Trung Quốc đang cận kề. Thời điểm song song với cuộc hội đàm thương mại trực tiếp mới giữa hai nước Trung-Mỹ.
Sau kết quả của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản, các đại diện thương mại Trung-Mỹ sẽ tổ chức vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên. Nhà Trắng xác nhận rằng, vòng đàm phán mới sẽ bắt đầu tại Thượng Hải vào ngày 30/7.
Thời gian và địa điểm vòng đàm phán mới được xác nhận
Trong thông báo được công bố vào ngày 24/7, Nhà Trắng cho biết, dựa theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tới Thượng Hải, Trung Quốc để tiếp tục đàm phán với mục tiêu cải thiện mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Cuộc hội đàm sẽ bắt đầu vào ngày 30/7.
Thông báo nhấn mạnh, các chủ đề thảo luận sẽ bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi các thỏa thuận.
Đồng thời, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào ngày 24/7, Bộ trưởng Mnuchin cũng tiết lộ, ông và đại diện Lighthizer sẽ rời Mỹ vào ngày 29/7 và ở lại Thượng Hải trong hai ngày 30 và 31/7. Được biết, lý do Trung Quốc mời các quan chức Mỹ đến Thượng Hải là bởi Tuyên bố Thượng Hải là một thỏa thuận quan trọng giữa hai nước và có ý nghĩa biểu tượng lớn.
Ông Mnuchin khẳng định, vẫn còn nhiều vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc cần được giải quyết. Cuộc hội đàm lần này sẽ nối tiếp cuộc đàm phán lần trước ở Washington. Trước đó, Bộ trưởng Mỹ từng tuyến bố, hai nước dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2019.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng thông báo tại cuộc họp báo vào ngày 25/7 rằng, các đại diện thương mại hai nước sẽ gặp nhau tại Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 30/7 và tổ chức vòng đàm phán thứ mười hai trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Liên quan đến sự thay đổi địa điểm đàm phán ở Thượng Hải, ông Cao Phong cho rằng, việc thay đổi địa điểm của các cuộc đàm phán là “vô cùng bình thường” và Thượng Hải có điều kiện tốt để tiến hành tham vấn.
Tại sao là Thượng Hải?
Trước khi Nhà Trắng công bố thời gian và địa điểm của cuộc đàm phán mới nhất, Bloomberg ngày 23/7 đã dẫn lời một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ tiết lộ, Trung Quốc đã yêu cầu địa điểm tổ chức tại Thượng Hải thay vì Bắc Kinh.
Tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hong Kong) ngày 24/7 cho biết, giới phân tích nhận định, Trung Quốc chọn Thượng Hải làm địa điểm mới cho cuộc đàm phán thương mại nhằm nhấn mạnh các yếu tố thương mại của đàm phán, chứ không phải chính trị, phát đi tín hiệu rằng “thương mại là thương mại, chính trị là chính trị”.
Giới phân tích cũng cho rằng, bằng cách chọn trung tâm tài chính toàn cầu Thượng Hải thay vì trung tâm chính trị Trung Quốc Bắc Kinh, Trung Nam Hải đang cố gắng hạ thấp ý nghĩa chính trị của các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ và chuyển sang nhấn mạnh các yếu tố thương mại.
Các chuyên gia tin rằng quyết định tổ chức vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ mới ở Thượng Hải có thể là một dấu hiệu mới cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh lại chiến lược của mình khi chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài.
Ông Thẩm Kiến Quang, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Tập đoàn Công nghệ Tài chính Trung Quốc Jingdong Digital Technology, nói rằng Trung Quốc đã thay đổi địa điểm đàm phán và đưa ra tín hiệu rằng “thương mại nên là thương mại và chính trị nên là chính trị”.
Ông này khẳng định, sự lựa chọn Thượng Hải của Trung Quốc có nghĩa là cố gắng tập trung vào các cuộc đàm phán về các vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như việc Mỹ nới lỏng các hạn chế bán hàng đối với gã viễn thông khổng lồ Huawei và thu mua nông sản của Trung Quốc, thay vì các vấn đề chính trị khó giải quyết hơn.
Ngoài ra, một số chuyên gia đánh giá, Thượng Hải từng đóng một vai trò đặc biệt trong quan hệ Trung-Mỹ. Ông Hồ Vĩ Tuấn, chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc tại Macquarie Capital, cho biết, Thông báo Thượng Hải quan trọng đã được ký kết tại Thượng Hải vào năm 1972.
Đồng thời, trong bài viết xuất bản ngày 25/7, tờ Nikkei cho rằng, cựu Phó đại diện thương mại Mỹ – bà Wendy Cutler cho rằng, việc tổ chức một cuộc đối thoại thương mại cấp cao như vậy ở một địa điểm không phải thủ đô là không hợp thông lệ. “Có nhiều lý do để làm điều này, bao gồm cho phép hai bên giới hạn quy mô đại biểu tham dự”.
Ông David Dollar, một chuyên gia về các vấn đề của Trung Quốc tại Viện Brookings, nói rằng cuộc họp bí ẩn nhất Trung Quốc Bắc Đới Hà hàng năm cũng có thể là một nguyên nhân.
Ồng này dự đoán, do tham dự cuộc họp Bắc Đới Hà nên nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có thể không gặp phái đoàn Mỹ và quyết định chuyển cuộc đàm phán thương mại đến Thượng Hải nhằm giảm bớt một số vấn đề rắc rối về ngoại giao. “Hai bên đều đã đưa ra tín hiệu rằng, hội nghị lần này sẽ không có đột phá lớn nên việc tổ chức ở đâu cũng không quá quan trọng”.
Vì sao TQ ‘bỏ’ Bắc Kinh,
chọn Thượng Hải là nơi đàm phán với Mỹ?
Thượng Hải là nơi Mỹ-Trung thống nhất ra thông cáo chung khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1972.
Trung Quốc chọn Thượng Hải vì muốn đổi gió cho các vòng đàm phán mới. (Ảnh: Bloomberg)
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 24/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xác nhận ông và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ bay tới Thượng Hải vào thứ Hai tuần tới.
Vòng đàm phán kéo dài trong 2 ngày cuối cùng của tháng 7 là lần đầu tiên quan chức cấp cao 2 bên gặp nhau để thảo luận về giải pháp cho thương chiến Mỹ-Trung sau sự cố đỗ vỡ hồi tháng 5.
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham, nội dung của vòng đàm phán mới sẽ xoay quanh các vấn đề sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ , hàng rào phi thuế quan , nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại.
Lý giải về nguyên nhân chọn Thượng Hải làm địa điểm đàm phán, Bộ trưởng Mnuchin cho biết đây là quyết định mang tính biểu tượng bởi Thượng Hải là nơi Mỹ-Trung thống nhất ra thông cáo chung khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1972.
Giới quan sát cho rằng, thay vì trung tâm chính trị Bắc Kinh, việc Trung Quốc chuyển sang Thượng Hải cho thấy nền kinh tế thứ 2 thế giới đang cố nhấn mạnh vào yếu tố thương mại, giảm nhẹ nhân tố chính trị.
Chuyên gia Liao Qun tới từ Ngân hàng Quốc tế China Citic thì cho rằng Bắc Kinh đang muốn “đổi gió”, mang lại hơi thở mới cho quá trình đàm phán đang giậm chận tại chỗ khi 2 nước vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung cho các bất đồng.
“Thượng Hải là cánh cửa cải cách và mở cửa của Trung Quốc cũng như trung tâm kinh tế của đất nước. Đây có thể là một thay đổi tích cực”, ông Liao cho hay.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington với Bắc Kinh đổ bể hồi tháng 5/2019 sau khi Mỹ cáo buộc phía Trung Quốc từ bỏ một số điều khoản đã nhất trí trước đó. Tổng thống Trump tăng thuế đối với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu, đe dọa sẽ bổ sung thuế lên thêm 325 tỷ USD hàng hóa nữa – gần như toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Cuối tháng 6, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán và hoãn áp thuế bổ sung. Tuy nhiên, không có thời hạn đình chiến cụ thể nào được thiết lập, các mức thuế hiện hành được áp đặt trước đó vẫn được áp dụng. Cả hai bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong việc đi đến chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài từ giữa năm ngoái.
TQ chỉ trích Mỹ ‘gây suy yếu sự ổn định thế giới’
Trung Quốc cáo buộc Mỹ gây suy giảm ổn định thế giới bằng các chính sách đơn phương và quyền lực chính trị của mình.
Theo kênh AP News , Mỹ là quốc gia đầu tiên được đề cập trong phần mở đầu của Sách trắng về “những yếu tố gây bất ổn đáng lưu ý” và “các thay đổi sâu sắc” trong môi trường an ninh quốc tế.
Cụ thể, tài liệu trên cho rằng “Washington đã kích động sự cạnh tranh giữa các nước lớn thông qua việc gia tăng ngân sách quốc phòng, từ đó làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu”.
Đồng thời, Bắc Kinh vẫn khẳng định chỉ “thực hiện chủ quyền quốc gia khi xây dựng căn cứ và triển khai các hành vi quân sự cần thiết trên các thực thể tại biển Đông, cũng như khi tiến hành tuần tra các vùng biển gần đảo Điếu Ngư ”, mặc dù luật pháp quốc tế chỉ ra rằng những hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông thời gian qua là hoàn toàn phạm pháp.
Về phía Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với tờ Philstar Global hôm 23-7, Đô đốc Cảnh sát biển Mỹ Karl Shultz cho rằng việc tăng cường số lượng chiến dịch hoạt động biển Đông là để chứng tỏ “sự minh bạch trong hoạt động” của Washington tại đây.
Ông cũng khẳng định các động thái quân sự gần đây của Cảnh sát biển và Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế, qua đó mong muốn các đồng minh trong khu vực “phải lên tiếng, tạo thành một sự phản đối mang tính quốc tế để chống loại các hành vi hung hăng không phù hợp với một trật tự dựa trên luật pháp”.
Không chỉ Mỹ, cộng đồng quốc tế gồm giới chuyên gia, chính trị gia liên tục lên án hành vi của Trung Quốc khi nước này quân sự hóa, gây hấn, quấy rối hoạt động khai thác năng lượng hợp pháp của Việt Nam và một số nước khác tại biển Đông.
http://biendong.net/bi-n-nong/29550-tq-chi-trich-my-gay-suy-yeu-su-on-dinh-the-gioi.html
Hành động của TQ ở bãi Tư Chính
là không thể biện minh
Các hoạt động khảo sát địa chất của Trung Quốc rõ ràng vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở bãi Tư Chính.
Hội thảo Biển Đông lần thứ 9 diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ, ngày 24/07. Hội thảo do Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức thu hút sự tham gia của nhiều học giả và các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu của các viện nghiên cứu lớn của Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Na Uy, Australia, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam.
Các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính bao gồm hiện trạng tại Biển Đông, lịch sử các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và cách thức quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, các hoạt động khảo sát địa chất của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở bãi Tư Chính.
Ông Bill Hayton, Chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh cho rằng: “Đây rõ ràng là một sự vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNLOS), tôi không thấy có điều gì có thể biện minh cho các hoạt động hiện nay của Trung Quốc. Việt Nam có mọi quyền để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình. Theo công ước luật biển và phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực 3 năm trước đây thì khu vực biển đó thuộc về Việt Nam”.
Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Nauy cùng chia sẻ quan điểm trên: “Tôi cho rằng đây là một hành vi đáng chê trách từ phía Trung Quốc. Theo UNCLOS, Trung Quốc
không có quyền được khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác.
Trung Quốc đang tìm cách thực hiện “đường lưỡi bò” nhằm phục vụ phát triển bất chấp luật pháp quốc tế. Lần này Trung Quốc không khoan dầu mà tiến hành khảo sát diện rộng ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng đồng thời ngăn cản các nước khác tiến hành khảo sát trong khu vực thềm lục địa của các nước này. Trung Quốc đang khảo sát ở những khu vực mà nước này không có chủ quyền và ngăn cản Việt Nam tiến hành khảo sát tại những nơi Việt Nam có chủ quyền”.
Theo các nhà nghiên cứu và học giả, vấn đề Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và do đó cần có những giải pháp cụ thể với sự tham gia của các bên và cộng đồng quốc tế.
Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á Gregory Poling chia sẻ: “Vấn đề Biển Đông cần được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự ngoại giao. Trong năm 2015 và 2016, chủ đề này luôn được đề cập tại các sự kiện quốc tế và thậm chí đã được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị G7.
Nếu vấn đề này liên tục được đề cập, điều này sẽ khiến Trung Quốc giống như một quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước khác sẽ không muốn hợp tác với Trung Quốc và điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu lâu dài của nước này. Trung Quốc muốn là nước lãnh đạo toàn cầu thì phải hành xử sao cho tương xứng.
Một biện pháp khác đó là chúng ta có thể cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc. Ví dụ, nếu một công ty Trung Quốc tham gia khảo sát trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì công ty này đáng bị trừng phạt. Hay nếu một tầu cá Trung Quốc có hoạt động bạo lực thì công ty sở hữu chiếc tầu đó cũng nên bị trừng phạt.”
Trong khi đó Giáo sư Stein Tonnesson cho rằng, đối thoại sẽ là một giải pháp hiệu quả: “Tôi cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần phải rõ ràng về việc bảo vệ quyền của mình theo UNCLOS và cộng đồng quốc tế cần khuyến khích các quốc gia này. Trong khi đó, các nước này cũng cần tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, đặc biệt là lãnh đạo nước này nhằm đi tới những giải pháp thực chất để Trung Quốc nhận ra một số lợi ích của mình trong UNCLOS”.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Mỹ Mike Gallagher trên Twitter ngày 25/07 cho rằng các hoạt động gây hấn gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông là không chấp nhận được. Ông Gallagher cũng kêu gọi quốc hội Mỹ thông qua một dự luật do ông và Hạ nghị sỹ Jimmy Panetta soạn thảo nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt việc Trung Quốc quân sự hóa và tôn tạo ở khu vực.
Dự luật do hai Hạ nghị sỹ Mỹ giới thiệu cuối tháng 06/2019 với tên gọi Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm trừng phạt các cá nhân và thực thể trợ giúp các hoạt động trái phép của Trung Quốc ở hai khu vực biển này nhằm bảo vệ an ninh khu vực và thương mại quốc tế.
http://biendong.net/bi-n-nong/29532-hanh-dong-cua-tq-o-bai-tu-chinh-la-khong-the-bien-minh.html
Cái giá quá đắt TQ phải trả
khi lao vào thương chiến với Mỹ
Cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc mất gần 2 triệu việc làm tính riêng khu vực công nghiệp, theo số liệu của Ngân hàng đầu tư Trung Quốc (CICC).
Khu vực công nghiệp Trung Quốc mất 5 triệu việc làm trong năm 2018 trong đó gần 2 triệu (chiếm 40%) liên quan đến thương chiến Mỹ Trung. Số lao động mất việc làm trong lĩnh vực công nghiệp chiếm 3,4% tổng số việc làm trong lĩnh vực này và 0,7% tống số việc làm quốc gia.
Các số liệu này vẽ ra một bức tranh ít lạc quan hơn về thị trường lao động của Trung Quốc so với thuật ngữ “thị trường việc làm ổn định” mà chính phủ Trung Quốc vẫn đang tuyên bố.
25 thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc cuối tháng này sẽ tham gia cuộc họp hàng quý để thảo luận các vấn đề về kinh tế và đề xuất chính sách mới thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Bắc Kinh từng nhiều lần nhấn mạnh tăng trưởng việc làm là ưu tiêu hàng đầu của chính phủ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ bước sang năm thứ 2.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế dự đoán phải tới cuối năm nay, Bộ Chính trị Trung Quốc mới ban hành các gói kích thích tài chính và tiền tệ nếu tốc độ tăng trưởng giảm xuống dưới mức kỷ lục 6,2% trong quý II năm 2019.
Trung Quốc chưa công bố dữ liệu chính thức về tổn thất kinh tế và việc làm do chiến tranh thương mại, nhưng ước tính tranh chấp với Mỹ sẽ làm giảm 0,5% tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố theo các khảo sát hiện nay ở mức 5,1% trong tháng 6, cao hơn 0.3% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, con số này không bao gồm hàng triệu lao động nhập cư, những người được đánh giá là bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến thuế quan của Mỹ.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này tạo ra 7,4 triệu việc làm mới ở thành phố trong nửa đầu năm 2019, tương đương khoảng 2/3 mục tiêu hàng năm của chính phủ là 11 triệu việc làm.
Nghiên cứu của CICC chỉ ra rằng trong 8 tiểu ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức thuế quan Mỹ áp đặt, ít nhất 1,5 triệu công nhân bị mất việc. Lĩnh vực máy tính và thiết bị viễn thông bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 4.9% trong bối cảnh Mỹ tăng cường giám sát đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả các công ty viễn thông khổng lồ như ZTE và Huawei.
Một số công ty đa quốc gia cũng đóng cửa một phần hoặc tất cả các nhà máy của họ ở Trung Quốc vì chi phí hoạt động gia tăng và ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ. Sony Mobile đóng cửa nhà máy ở Bắc Kinh vào tháng 3, trong khi nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc Samsung dự kiến sẽ đóng cửa nhà máy ở Huệ Châu trước tháng 9.
Việc làm trong ngành phụ trợ cao su và nhựa giảm 3,8%, điện và máy móc giảm 2,8% và kim loại giảm 2,6%.
Trước thực trạng này, CICC kêu gọi chính phủ ban hành các điều chỉnh mạnh mẽ hơn và cải cách cơ cầu để tạo ra sự ổn định việc làm.
Việc làm là 1 trong 6 lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc khẳng định sẽ là ưu tiên duy trì ổn định. Vào tháng 5, ngay sau khi Washington tuyên bố tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh thành lập một nhóm điều phối liên ngành đặc biệt để giám sát tác động của việc cắt giảm việc làm.
Trung Quốc:
Hoa Vi trình làng điện thoại 5 G đầu tiên
Vào lúc Pháp vừa thông qua luật gọi là « chống Hoa Vi » với mục tiêu bảo đảm an toàn cho việc triển khai hệ thống 5G ở Pháp, tập đoàn điện thoại Trung Quốc hôm qua, 25/07/209, đã tung ra thị trường loại điện thoại 5G đầu tiên. Điện thoại này được nói đến hàng tháng nay, nhưng do căng thẳng với Mỹ, sản phẩm được mong đợi này ra mắt chậm hơn dự kiến.
Thông tín viên RFI tại Trung Quốc, Angélique Forget cho biết chi tiết :
Đây là một ngày trọng đại đối với Hoa Vi. Tập đoàn đã giới thiệu chiếc Mate 20 X 5G trong cuộc họp báo ở Thẩm Quyến, miền Nam Trung Quốc, nơi đặt trụ sở chính của thương hiệu. Chính tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã thông báo tin trên.
Cách đây 2 tuần, tờ báo này cũng đã viết: « Việc cho ra mắt điện thoại mới này cho thấy Hoa Vi đi tiên phong trong việc thương mại hóa hệ thống 5G, mặc dù bị Hoa Kỳ không ngừng tấn công ».
Trên các mạng xã hội, cư dân mạng đã tỏ ra nôn nóng. Một người đã viết : « Không thể tin được. Tôi rất vui mừng ». Có thể mua được điện thoại này ngay ngày 26/07 ở Anh Quốc, nhưng điện thoại chỉ được bày bán ở tất cả các của hiệu Hoa Vi ở Trung Quốc kể từ tháng 8. Những người ở các thành phố lớn – Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến … có thể thử hệ thống 5G trên điện thoại của họ.
Nhưng Hoa Vi không dừng lại ở đây và dự kiến cho ra mắt điện thoại 5G thứ hai chậm lắm là vào cuối tháng 8 này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190726-trung-quoc-hoa-vi-cho-ra-mat-dien-thoai-5-g-dau-tien
Bộ Quốc phòng Campuchia
chứng minh không cho Trung Quốc thuê căn cứ
Cố gắng bác bỏ một bản tin nói Campuchia có thỏa thuận bí mật trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận một căn cứ hải quân, Bộ Quốc phòng Campuchia đưa các phóng viên đến xem cầu cảng và các tòa nhà của căn cứ Ream ở miền nam Campuchia hôm thứ Sáu 26/7.
“Các bạn nhà báo, hãy căng mắt mũi ra. Hôm nay chúng tôi cho các bạn xem mọi thứ”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Chhum Socheat nói. “Chúng tôi không thể giấu bất cứ điều gì … vì có các vệ tinh mà”.
Wall Street Journal đưa tin hôm 21/7 rằng Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận bí mật với Campuchia trong năm nay cho phép họ bố trí lực lượng tại Ream. Bản tin dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ và đồng minh.
Campuchia phủ nhận về bất kỳ thỏa thuận nào như vậy và nói rằng việc cho lực lượng nước ngoài trú đóng là trái hiến pháp Campuchia.
Tại căn cứ Ream, 6 tàu tuần tra của hải quân Campuchia sơn màu xám neo đậu tại cầu cảng. Các thủy thủ mặc quân phục đứng nghiêm khi xe buýt báo chí đi qua. Phóng viên không được phép xuống xe.
Bộ quốc phòng Campuchia chỉ ra rằng không có dấu hiệu gì về sự hiện diện của Trung Quốc, cũng như không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào.
Các phóng viên cũng được đưa đến một tòa nhà nơi có một tấm biển viết: “Tòa nhà này do nhân dân Hoa Kỳ tặng, một biểu hiện về tình hữu nghị và hợp tác”. Bên trong là các xuồng cao tốc trang bị súng do Mỹ viện trợ.
Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại với Campuchia về kế hoạch liên quan đến Ream sau khi lời đề nghị của Mỹ chi trả cho việc cải tạo cơ sở này đã bị chính phủ Campuchia từ chối vào tháng 6.
“Điều này khiến chúng tôi phân vân liệu có phải kế hoạch của giới lãnh đạo Campuchia về căn cứ hải quân Ream cũng bao gồm khả năng cho khí tài và quân nhân nước ngoài được trú đóng hay không”, phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Campuchia Emily Zeeberg nói trong một tuyên bố.
Ông Chhum Socheat cho biết tòa nhà được đề cập đến sẽ được bàn giao cho hải quân Campuchia chứ không phải cho phía Trung Quốc.
Thủ tướng Thái Lan yêu cầu
Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước chống hạn
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu các nước Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước vào sông Mekong để giúp chống khô hạn ở Thái Lan, tin từ Bangkok Post hôm 24/7 cho biết.
Theo Bangkok Post, nước tưới cho đất nông nghiệp ở Thái Lan hiện nay chỉ đủ 40%, do đó Bộ Ngoại giao và Văn phòng tài nguyên quốc gia Thái Lan đang tiếp tục đàm phán, hợp tác với các nước để có kể hoạch xả nước từ các hồ chứa của họ xuống khu vực hạ nguồn sông Mekong.
Giám đốc Sở Lúa Gạo của Thái Lan ông Prasong Prapaitrakul cũng cho biết lượng mưa khan hiếm có thể đe dọa đến ngành sản xuất gạo của Thái và ước có khoảng 16.000km2 ruộng lúa ở 20 tỉnh phía Bắc, Đông Bắc và miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu lúa gạo Thái Lan cảnh báo nếu đến đầu tháng 8/2019 tình trạng khô hạn tiếp tục diễn ra, thiếu nước tưới cho nông nghiệp sẽ làm giảm sản xuất và tăng giá gạo trong nửa cuối năm nay.
Trước đó, hôm 22/7, tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan công bố báo cáo cho biết 8 đập thủy điện được xây dựng ở Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ m3 nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu.
Các nhà hoạt động môi trường ở Thái cho biết mực nước sông Mekong ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đang xuống thấp kỷ lục vì lượng mưa năm nay giảm, đập Cảnh Hồng của Trung Quốc xả ít nước, đập Xayaburi của Lào đang chạy thử nghiệm.
Đập Myitsone và thế tiến thoái lưỡng nan
của Aung San Suu Kyi
Năm 2011, việc xây dựng một đập lớn ở tiểu bang Kachin đang hồi phục của Myanmar bị dừng lại sau các cuộc biểu tình lớn. Trung Quốc hiện đang vận động mạnh cho việc tiếp tục xây con đập này.
Theo điều tra của phóng viên Soe Soe Htoon, BBC Miến Điện, người dân địa phương vẫn không tin rằng họ sẽ được hưởng lợi ích từ đập này.
“Tôi luôn khóc mỗi khi nói về con đập”, bà Jar Lie tâm sự.
Tám năm trước, bà Jar Lie bị buộc phải từ bỏ vùng đất nông nghiệp lớn 40 hecta của gia đình và chuyển đến một ngôi làng tái định cư trong Aung Myin Tha, cách đó khoảng chín km.
Mảnh đất của bà lúc đó dự trù sẽ bị tràn ngập nước từ một hồ chứa rộng lớn được tạo ra bởi đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ đôla, tại nguồn của giòng sông Irrawaddy.
‘Vành đai, Con đường’: Thêm ủng hộ, chưa hết nghi ngờ
‘Vành đai và Con đường lấy tài nguyên của nước đối tác’
VN tham gia ‘Vành đai, Con đường’ như thế nào?
Ngôi làng mới bà đang ở có một chợ, một bệnh viện, những con đường tráng nhựa và một ngôi trường, tất cả được cung cấp bởi công ty xây dựng con đập, Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước Bắc Kinh (SPIC).
Nhưng Jar Lie nói rằng vì không có đất canh tác, cuộc sống ở đây rất khó khăn.
“Trước đây chúng tôi có thể ăn những thức ăn tự mình trồng trọt, và không cần phải mua bất cứ thứ gì. Ở đây không có đất, chúng tôi không thể làm gì được; chúng tôi không biết cách kiếm tiền. Ở đây sức khỏe tôi rất kém.”
Con đập lẽ ra đã được hoàn thành trong năm nay – nhưng cho đến nay công việc mới chỉ bắt đầu và dự án đã bộc lộ những căng thẳng sôi sục về sự cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và đất nước mà Bắc Kinh thường gọi là anh em.
Myitsone dự trù sẽ là đập lớn nhất trong số bảy đập mà SPIC đang hứa hẹn sẽ xây trong khu vực, để cung cấp cho một Myanmar đang phát triển nhanh chóng nguồn điện rất cần thiết.
Theo một số ước tính, dự án đập Myitsone sẽ tạo ra nhiều năng lượng hơn toàn bộ quốc gia Myanmar đang có hiện nay.
Hợp đồng đầy đủ mà chính phủ quân sự cũ ký với SPIC chưa bao giờ được công bố. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với BBC Miến Điện hồi tháng Năm, cựu Thứ trưởng của Công ty Điện lực Nhà nước Myanmar, U Maw Thar Htwe, xác nhận phần khiêu khích nhất của thỏa thuận – rằng 90% điện do con đập tạo ra sẽ được đưa qua biên giới cho Trung Quốc.
Theo ông U Maw Thar Htwe, chính phủ Myanmar sẽ nhận được 10% cổ phần của con đập nhưng sẽ chỉ thu được lợi nhuận đầu tư hai thập niên sau khi đập bắt đầu hoạt động.
‘Con đập sẽ giết chết dòng sông’
Ngay từ đầu đã có những câu hỏi là đập Myitsone thực sự sẽ phục vụ cho quyền lợi của ai.
Dòng sông Irrawaddy thường được mô tả là huyết mạch của Myanmar và khu vực Myitsone được cho là quê hương của người Kachin, tên của giống người mà tiểu bang đã theo đó được đặt tên.
Kể từ năm 1962, phiến quân Kachin đã chiến đấu với quân đội Miến Điện để dành lấy việc kiểm soát khu vực giàu tài nguyên.
Đây là một trong những cuộc nội chiến kéo dài nhất thế giới và các nhà lãnh đạo độc lập của Kachin xem con đập là mối đe dọa trực tiếp đối với người dân và sinh kế của họ.
Con đập, dự trù sẽ là một trong những con đập lớn nhất trong khu vực, sẽ khiến hàng nghìn người nữa phải di tản – và các nhà nghiên cứu môi trường cảnh báo rằng nó sẽ làm ngập một khu vực có diện tích lớn bằng Singapore.
Tiến sĩ Myint Zaw nói: “Chúng tôi sẽ mất khu vực đầu nguồn quan trọng này cho dòng sông Irrawaddy và làm ngập một số khu rừng cuối cùng còn lại của chúng tôi – khu rừng rậm rạp chứa đa dạng sinh học phong phú”.
“Con đập nhiều phần chắc là sẽ giết chết dòng sông”, ông cảnh báo.
“Nó sẽ có tác động xuôi dòng rất lớn, thay đổi thủy triều của dòng sông và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu ngư dân.”
Năm 2011 các cuộc biểu tình lan rộng chống việc xây đập đã nổ ra khắp nơi. Bên ngoài Myanmar, các nhà hoạt động từ cả hai nhóm bảo vệ môi trường và nhân quyền đã dồn nỗ lực ủng hộ chiến dịch biểu tình, và trong một nhượng bộ hiếm hoi với người dân, chính quyền trung ương Myanmar đã tạm dừng dự án.
Không có công trình nào lớn xảy ra quanh đập kể từ đó.
Một ủy ban chính phủ nghiên cứu về số phận của dự án xây đập được thành lập vào năm 2016 và đã đệ trình báo cáo cuối cùng lên văn phòng của tổng thống vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng chính phủ chưa bao giờ công bố những báo cáo này, và hiện đang có rất nhiều lời đồn đoán.
Bây giờ, tám năm sau khi việc xây đập bị đình hoãn, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực thuyết phục người dân địa phương và các quan chức hỗ trợ dự án này.
Cựu đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, Hong Liang, đến thăm khu vực này vào tháng 12 năm ngoái và sau đó tuyên bố rằng người Kachin không phản đối việc tiếp tục xây con đập.
Trong một tuyên bố, ông đổ lỗi cho người ngoài đã gây ra phong trào chống lại việc xây đập, điều mà các nhà lãnh đạo Kachin gặp ông sau đó mạnh mẽ phủ nhận.
Sau đó vào tháng 6, một nhóm chuyên gia Trung Quốc cố gắng tìm cách trấn an các nhà lập pháp tại quốc hội Kachin về tác động môi trường của con đập.
Trong một tuyên bố bằng văn bản với BBC News Miến Điện, SPIC cho biết mục đích của con đập là để “cung cấp nguồn điện sạch, hiệu quả và bền vững cho sự phát triển của Myanmar”.
Trong một gợi ý rằng họ tin dự án sẽ không bị hoãn nữa, công ty cho biết họ tin “một quyết định công bằng và khách quan” sẽ được đưa ra.
“Dự án thủy điện Myitsone đã được chính phủ Myanmar và Trung Quốc kiểm tra và phê duyệt nghiêm ngặt”, văn bản này tuyên bố.
‘Chúng ta cần giữ lời hứa’
Khi còn là một nhà đối lập, Aung San Suu Kyi đã lên tiếng chống lại con đập. Nhưng kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo thực tế của Myanmar sau cuộc bầu cử lịch sử năm 2015, bà đã thay đổi quan điểm.
Bà Suu Kyi nói rằng các thỏa thuận được thực hiện dưới thời chính phủ quân sự cũ nên được tôn trọng.
Phát biểu tại một diễn đàn công khai đầu năm nay, bà Aung San Suu Kyi đưa ra một bình luận hiếm hoi về con đập, nói rằng: “Vì phẩm giá của đất nước chúng ta và để đất nước chúng ta được thế giới tin tưởng, chúng ta sẽ cần phải giữ lời hứa.”
“Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì mình muốn cho các dự án lớn đã bắt đầu trong quá khứ bởi vì giờ đây chúng ta đang nắm quyền. Nếu chúng ta làm điều đó, đất nước của chúng ta sẽ được xem là không đáng tin cậy. Nếu thế giới không muốn làm việc với chúng ta, thì điều đó sẽ có tác động lớn đến đất nước. “
Những lo ngại là dự án sẽ hồi sinh đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mới.
Vào cuối tháng 4, khi Aung San Suu Kyi đang ở Bắc Kinh tham dự một hội nghị thượng đỉnh về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, thì ở Myanmar hàng ngàn người xuống đường để yêu cầu dự án xây đập phải bị hủy bỏ.
Nhưng giới phân tích cho rằng bà Aung San suu Kyi phải đối mặt với một vấn đề nan giải.
Bà cần phải thiết lập được sự thịnh vượng và hòa bình nếu bà muốn thuyết phục được người dân Miến Điện về lợi ích của nền dân chủ, và việc có được nguồn điện đáng tin cậy sẽ là một phần trong việc đó. Nhưng Aung San suu Kyi cũng cần phải thuyết phục dân chúng rằng bà không bán Myanmar cho nước ngoài.
Và Myanmar cần Trung Quốc.
Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng với tư cách là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn, và nước này cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm dân tộc vũ trang dọc biên giới với Myanmar.
“Việc xây đập gặp phải sự phản đối rất rộng rãi, nhưng vai trò của Trung Quốc tại Myanmar rất rộng lớn và quan trọng, vì vậy họ cần xem xét tất cả các yếu tố này”, nhà phân tích Khun Htoi, người nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc-Myanmar nói.
“Họ [Trung Quốc] là nước bào chữa cho Myanmar trước cộng đồng quốc tế và họ là nhà đầu tư lớn nhất ở nước này. Nếu không có sự đầu tư của Trung Quốc, không chắc Myanmar có thể tồn tại hay không. “
Và nếu chính phủ Myanmar hủy bỏ hoàn toàn dự án, họ có thể phải hoàn trả 800 triệu đôla mà nhà phát triển nhà nước Trung Quốc nói rằng họ đã đầu tư.
Trong một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của truyền thông xã hội ở Myanmar, một chiến dịch gây quỹ cộng đồng đã được thiết lập bởi một nhóm các nhà hoạt động và nghệ sĩ nổi tiếng yêu cầu mọi người quyên góp 1 đôla mỗi người để hoàn trả lại tiền cho Trung Quốc để dẹp bỏ việc xây đập.
“Tôi muốn lấy lại Myitsone, bằng mọi cách. Myitsone chỉ được bán trên giấy mà không cho người dân chúng tôi bất kỳ thông báo hay được quyền có ý kiến gì. Vì vậy, vì quyền lợi của các thế hệ tương lai, chúng tôi muốn đền tiền cho Trung Quốc”, Juu, nhà văn đứng sau chiến dịch nói.
Mặc dù có một số người ủng hộ cao cấp, chiến dịch quyên tiền vẫn chưa được phổ biến lắm, với các nhà hoạt động khác chỉ trích phong trào này là một cử chỉ biểu tượng không thực tế.
‘Hãy để dòng sông tự do uốn mình’
Đối với người dân địa phương Kachin, đây là vấn đề quan trọng hơn chỉ kinh tế.
Bên bờ sông, ca sĩ trong vùng Lu Ra đứng dưới nước, chạy ngón chân qua những hòn sỏi.
Xung quanh cô, khách du lịch Myanmar đã trả một số tiền nhỏ để thuê trang phục truyền thống Kachin địa phương từ các quầy hàng trên sông, xúm nhau chụp ảnh. Các nhà sư Phật giáo đã đến đây để tắm và chụp ảnh khu vực đẹp như tranh vẽ này.
“Hãy nhìn vào nơi tuyệt đẹp này, dòng sông, những khu rừng và những ngọn núi”, Lu nói, nhìn qua những đỉnh núi được bao quanh trong những đám mây trắng.
“Nếu dự án đập này được xây dựng, chúng ta sẽ không thấy cảnh quan này nữa. Chúng tôi đang nói xin quý vị đừng xây đập, hãy để dòng sông Irrawaddy tự do chảy mãi mãi. Chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ nó. “
Yêu cầu đến thăm vị trí con đập của chúng tôi đã bị từ chối, vì vậy chúng tôi đi bằng thuyền với Jar Lie qua vùng đất từng là của bà.
Ở giữa dòng sông, chúng tôi đi qua những cây cột khổng lồ của cây cầu dang dở, là một phần của dự án đập, một lời nhắc nhở mang tính biểu tượng cho người dân địa phương về số phận treo lơ lửng trong tương lai của họ.
Khi động cơ của thuyền bắt đầu không hoạt động, chúng tôi trôi dạt vào bờ – nhưng một nhân viên bảo vệ của công ty chạy tới và yêu cầu chúng tôi rời khỏi khu vực.
Qua những giọt nước mắt, Jar Lie chỉ vào nơi bà từng sống khi chiếc thuyền từ từ trôi.
“Đây là những vùng đất của tôi nhưng tôi không được công ty cho phép bước chân lên chúng, hoặc thậm chí được hái hoa hay nhổ cỏ,” bà nói.
“Tôi sẽ không quay lại và nhìn khu vực này nữa. Thật đau đớn khi nhìn thấy đất của mình nhưng không đặc chân lên đó.”
—
Hình ảnh do Phyo Hein Kyaw chụp