Irak bên bờ nội chiến
Tuần trước, trong vài ngày, phong trào Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông EIIL đã liên tiếp chiếm được nhiều thành phố lớn tại Irak như Mosoul, Tikrit. Irak bị đe dọa lâm vào nội chiến giữa hai cộng đồng người Hồi giáo theo hệ phái Chi-it và Su-nit. EIIL được nhiều thành phần thuộc chế độ cũ của Saddam Hussein ủng hộ.
Trả lời phỏng vấn đài RFI, ông Karim Emile Bitar, chuyên gia về Trung Cận Đông thuộc Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế IRIS của Pháp phân tích về những mầm mống tạo sức mạnh cho phong trào Hồi giáo cực đoan EIIL.
Kính chào ông Karim Emile Bitar, trước hết ông đánh giá thế nào về khả năng thủ đô Bagdad rơi vào tay quân nổi dậy thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông (EIIL)?
«Đó là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Mới chỉ cách nay vài ba tuần không ai nghĩ là thủ đô Bagdad có thể bị đe dọa. Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả vô cùng tai hại từ những sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến lược Những hậu quả đó sẽ tác động lâu dài, không chỉ đối với Irak, mà còn cả với các quốc gia khác trong vùng.
Bởi lẽ các nước láng giềng sát cạnh Irak đang trở thành những cửa ngõ để cho các thành phần Hồi giáo cực đoan tung hoành. Một giai đoạn mới đang được mở ra và tôi nghĩ là quốc tế phải trả giá đắt cho những sai lầm liên tiếp về mặt chiến lược kể từ năm 2003, tức là kể từ khi Hoa Kỳ đưa quân vào Irak. Rất khó để có thể sửa chữa hay khắc phục hậu quả của những sai lầm đó».
Chính quyền Irak của thủ tướng Maliki thông báo một kế hoạch để bảo vệ Bagdad. Phải chăng là ngoài Bagdad ra, lực lượng an ninh, quân đội Irak không làm chủ tình hình ở bất kỳ một nơi nào khác?
«Đúng là như vậy, cả chính phủ lẫn quân đội đều chứng minh rằng họ bất tài một cách đáng ngạc nhiên trong những ngày qua. Mọi người đều biết Thủ tướng Irak, Nouri Al Maliki là một người độc đoán, chính đường lối cứng nhắc đó của ông gieo mầm cho tinh thần bài cộng đồng người Hồi giáo theo hệ phái Chi-ít của một phần còn lại trong xã hội Irak theo hệ phái Su-nít.
Dù vậy các nhà phân tích vẫn tưởng rằng ông Maliki điều khiển được bên quân đội. Nhưng diễn tiến tình hình trong tuần qua cho thấy chính các lực lượng an ninh, quân sự của ông Maliki đang trong tình trạng rệu rã chưa từng thấy. Điều đó cũng có nghĩa là ông Maliki phải trông chờ vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ và nhất là của chính quyền Iran. Hậu quả trực tiếp là Teheran sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong khu vực vào thời điểm mà chính quyền Iran đang chạy nước rút để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân với cộng đồng quốc tế».
Lãnh đạo Hồi giáo thuộc hệ phái Chi-ít ở Irak, giáo chủ Ali Al Sistani cách nay hai ngày kêu gọi người dân cầm súng chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan theo hệ phái Su-nít. Irak có nguy cơ lâm vào nội chiến hay không?
«Lời kêu gọi đó lại càng gây lo ngại khi biết rằng, giáo chủ Sistani đã rất kín tiếng hồi những năm 2003 khi Hoa Kỳ bắt đầu đưa quân sang Irak. Giờ đây những bức xúc của người dân Irak, giữa hai cộng đồng tôn giáo đã lên tới đỉnh điểm, và có nguy cơ đẩy Irak vào bạo loạn. Trong những năm gần đây, quốc tế, cũng như chính quyền Bagdad hoàn toàn thất bại trong việc hòa giải giữa người Hồi giáo theo hệ phái Su-nít với hệ phái Chi-ít.
Bagdad đã không mời đại diện của cộng đồng người Su-nít tham gia thành phần chính phủ, một số các nhân vật lãnh đạo thuộc nhánh Su-nít đã bị truy bức … Ngày nay, các nhà cầm quyền tại Bagdad phải trả giá đắt cho những hành vi đó. Hậu quả từ những sai lầm nói trên không chỉ dừng lại ở Irak mà còn tràn sang Syria. Khi biết rằng tổ chức Nhà nước tại Irak và Trung Đông, EIIL, chủ trương giành lấy chính quyền không chỉ ở Irak, mà cả Iran, lẫn Syria. EIIL đang có tham vọng thành lập một trục Su-nít để đối đầu với trục Chi-ít tại Cận Đông».
Phong trào EIIL là gì và quốc tế có những thông tin cụ thể nào tổ chức Hồi giáo cực đoan thuộc hệ phái Su-nít này?
«Khó có thể biết rõ một cách chính xác. Có rất nhiều thành phần trong hàng ngũ phiến quân tham gia phong trào EIIL là người nước ngoài đến Irak hoạt động. EIIL là một hỗn hợp, phần lớn không theo đuổi một mục đích lý tưởng, mà chỉ đơn thuần là những tên đầu trộm đuôi cướp. Thế rồi cũng có những người từ trước tới nay không công khai đứng trong hàng ngũ của EIIL nhưng rồi họ cầm súng để tiến bước về thủ đô Bagdad.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến một thành phần lớn trong xã hội Irak, họ từ chối để đất nước lâm vào xung đột tôn giáo. Số này không muốn trông thấy cảnh một trong hai cộng đồng cùng là người Hồi giáo bị loại trừ. Một phần lớn người dân Irak vẫn muốn hai nhánh Su-nit và Chi-ít cùng chung sống hòa bình. Chính từ chỗ Thủ tướng Maliki, thuộc hệ phái Chi-ít, đánh giá sai tình hình và muốn gạt các cộng đồng khác trên lãnh thổ Irak ra khỏi quyền lực, cho nên bạo động mới bùng lên như hiện nay. Chỉ có cách là vượt lên trên sự chia rẽ đó, Irak mới có thể thoát khỏi bế tắc».
Vai trò của cộng đồng người Kurdistan ? Vào lúc quân đội Irak bất lực trong việc bảo vệ một số thành phố như Kirkouk trước đe dọa của phong trào Hồi giáo cực đoan EIIL thì các lực lượng an ninh của vùng Kurdistan đã chứng tỏ họ có đủ khả năng để làm công việc này…
«EIIL đã tấn công cộng đồng Kurdistan với lý do đơn giản, là chỉ còn có cộng đồng này đủ sức kháng cự lại với các phong trào Hồi giáo cực đoan chủ trương thánh chiến. Đừng quên rằng, lính Kurdistan được trang bị vũ khí rất đầy đủ và được Mỹ đào tạo rất tốt. Họ rất có kỷ luật. Đó là một đội ngũ với khoảng 250.000 quân, hoàn toàn có thể can thiệp bất cứ lúc nào.
Trong khi đó thì quân đội Irak vừa bất lực, vừa bất tài, vô dụng. Tôi nghĩ là Kurdistan sẽ lợi dụng thời cơ này để mặc cả với chính quyền Bagdad một số chuyện. Có nhiều khả năng là Kurdistan sẽ đòi quyền tự trị rộng rãi hơn. Hiện tại 49 % các khoản đầu tư nước ngoài vào Irak đều tập trung ở vùng Kurdistan. Theo tôi nếu Kurdistan khéo léo một chút, thì họ sẽ chính là bên thắng cuộc trong bối cảnh hỗn loạn nhiễu nhương ở Irak hiện tại».
Xin cảm ơn chuyên gia về Trung Cận Đông tuộc viện quan hệ chiến lược quốc tế IRIS.