Tin khắp nơi – 09/03/2019
Chủ nghĩa xã hội bước vào dòng chính chính trị Hoa Kỳ
Vẫn còn 20 tháng nữa mới tới bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã tìm được khẩu hiệu cho cuộc chiến đấu của ông. Ông lên án chủ nghĩa xã hội và tô vẽ nó như là tư tưởng sai lầm của các đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ.
Khi có mặt tại Hội thảo Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hồi đầu tháng, ông Trump đã cáo buộc Đảng Dân chủ là ‘muốn thay thế quyền cá nhân bằng sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền’.
“Chủ nghĩa xã hội không phải là về môi trường, không phải là về công lý, không phải là về đạo đức,” ông Trump nói. “Chủ nghĩa xã hội chỉ là duy nhất một thứ, nó được gọi là quyền lực cho tầng lớp nắm quyền’.
Thông điệp này cũng được phó Tổng thống Mike Pence lặp lại, cũng tại CPAC.
“Dưới vỏ bọc là Chăm sóc Y tế toàn dân và Chính sách Xanh (Green New Deal), phe Dân chủ đang đi theo những lý thuyết kinh tế kiệt quệ vốn đã làm nhiều nước nghèo đi và bóp nghẹt tự do của hàng triệu người trong thế kỷ vừa qua,” ông Pence nói. “Chế độ đó là chủ nghĩa xã hội’.
Trong những thập niên gần đây, các chính sách xã hội chủ nghĩa gần như là điều cấm kỵ trong chính trị Mỹ, nhưng trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Bernie Sanders đã làm thay đổi ý kiến công chúng với việc nhận lấy cái mác này và ủng hộ những đề xuất như chăm sóc y tế phổ quát và giáo dục đại học miễn phí.
Sự ứng cử của ông đã giúp định hình lại về nội hàm của chủ nghĩa xã hội đối với nhiều người dân Mỹ và đưa nó vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ mặc dù nó vẫn bị Đảng Cộng hòa lên án.
Chủ nghĩa xã hội có thể bao hàm phạm vi các chính sách rất rộng. Tuy nhiên ở Mỹ, một số chính trị gia có tên tuổi đang cổ súy cho khái niệm này để đề cập đến những nỗ lực tăng thuế lên những người giàu nhất ở Mỹ để giải quyết sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn, tài trợ cho chăm sóc y tế phổ cập và tạo ra thêm nhiều việc làm trả lương đủ cho người lao động có thể nuôi gia đình.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Mỹ đều ủng hộ các chính sách này, ngay cả khi ‘chủ nghĩa xã hội’ với tư cách là một khái niệm chính trị vẫn tiếp tục được chỉ thiểu số các cử tri Mỹ ủng hộ.
Với tuyên bố tình trạng khẩn cấp để xây bức tường biên giới – một lời hứa tranh cử mang dấu ấn cá nhân – đang gặp phải chống đối quyết liệt cũng như hàng loạt các cuộc điều tra của Quốc hội nhằm vào chính quyền, gia đình và đế chế kinh doanh của ông, ông Trump và các đồng minh Cộng hòa của ông đang tìm đến chủ nghĩa xã hội để công kích và mô tả các ứng viên tiềm năng bên Đảng Dân chủ là ‘cực tả’, trong đó ông Bernie Sanders là mục tiêu chính.
Sanders, một thượng nghị sỹ độc lập, mô tả bản thân là theo đường lối ‘chủ nghĩa xã hội dân chủ’ và đã được xem là một ứng viên hàng đầu trong đông đảo các ứng viên ra tranh cử sơ bộ của Đảng Dân chủ. Ông cổ súy chăm sóc y tế phổ quát, giáo dục đại học miễn phí và tăng tiền lương tối thiểu lên ít nhất 15 đô la/ giờ – hơn gấp đôi mức hiện nay.
Ông Whit Ayres, chiến lược gia của Đảng Cộng hòa và là chủ tịch tổ chức nghiên cứu dư luận North Star, tin rằng chiến lược tốt nhất của Đảng Dân chủ là đề cử ai đó có thể đoàn kết những cử tri Mỹ chống Trump. Nếu Đảng Dân chủ đề cử một ứng viên được xem là chấp nhận những tư tưởng xã hội chủ nghĩa như ông Bernie Sanders, thì đó sẽ là ‘kịch bản tốt nhất để ông Trump tái đắc cử,’ ông Ayres nói.
Ông Ayres và các phân tích gia khác chỉ ra rằng khắc họa các ứng viên Dân chủ là ‘theo chủ nghĩa xã hội’ là một chiến lược tốt để thu hút lá phiếu các cử tri gốc Mỹ Latin.
“Đó đích thị là cách mở rộng mặt trận của Đảng Cộng hòa,” ông Ayres nói. “Đó rõ ràng là một nỗ lực không chỉ là củng cố khối ủng hộ mà còn mở rộng trận địa của Đảng Cộng hòa.”
Trong một bài diễn văn trước chủ yếu là di dân Cuba và Venezuela ở Miami hồi tháng trước, ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ cho lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido, người mà Hoa Kỳ công nhận là lãnh đạo lâm thời của đất nước này trong khi cảnh báo về ‘những nguy cơ của chủ nghĩa xã hội’, rằng nó đem đến nghèo đói, sư thù hận và chia rẽ.
Ông Daniel Runde, giám đốc Dự án Thịnh vượng và Phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng chiến lược của ông Trump hợp lý về chính trị để thu hút cử tri ở những bang chủ chốt mà ông cần để đắc cử một lần nữa.
“Đặc biệt ở một bang như Florida nơi có đông đảo cử tri gốc Venezuela và Cuba,” ông Runde nói. “Họ hiểu chính xác như thế nào là chủ nghĩa xã hội, và họ ghét nó.”
Phe Cộng hòa cũng đã lên án Chính sách Xanh, một nghị quyết không ràng buộc do nữ dân biểu mới toanh Alexandria Ocasio-Cortez đến từ New York và Thượng nghị sỹ Ed Markey của bang Massachusetts đưa ra hồi tháng trước.
Cái tên ‘Green New Deal’ là để gợi nhắc đến ‘New Deal’, tức ‘Chính sách mới’, của cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Đó là một loạt các dự án và chương trình để khôi phục lại sự thịnh vượng trong đợt Đại suy thoái vào những năm 1930.
Những người cổ súy cho chính sách này hy vọng rằng nó sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế và loại bỏ phát thải carbon trong vòng một thập niên. Nó cũng chứa những đề xuất chăm sóc y tế phổ quát, giáo dục đại học miễn phí, thu nhập đủ sống và hưởng lương trong các kỳ nghỉ phép gia đình.
Những người chỉ trích thì cho rằng nó sẽ làm phá sản nền kinh tế.
Trong bài phát biểu tại CPAC, ông Trump đã lên án ‘Chính sách Xanh’ là ‘cơn ác mộng chủ nghĩa xã hội’ và mỉa mai những đề xuất sử dụng năng lượng gió như là một nguồn năng lượng sạch.
“Hôm nay gió có thổi không?” ông nói. “Tôi muốn xem ti vi.”
Theo một cuộc khảo sát dư luận do Viện Gallup tiến hành hồi năm 2018, cho dù đa số cử tri Cộng hòa vẫn có thái độ tích cực với chủ nghĩa tư bản hơn là chủ nghĩa xã hội, 57% cử tri Dân chủ có cái nhìn tích cực đối với chủ nghĩa xã hội.
Các chuyên gia cho rằng quan điểm của người Mỹ về chủ nghĩa xã hội đã khác trước, nhất là những người trẻ vốn trưởng thành trong giai đoạn suy thoái hồi năm 2008. Nhiều người cảm thấy bất mãn với nền kinh tế vốn đem đến ít cơ hội hơn so với thế hệ cha mẹ của họ. Trong khi đó, những người Mỹ giàu nhất lại càng giàu thêm.
“Chúng tôi có sự quan tâm và số lượng thành viên ngày càng tăng kể từ khi ông Trump đắc cử,” ông Gregory Pason, bí thư toàn quốc của Đảng Xã hội Mỹ, cho biết. “Cảm giác của chúng tôi là mọi người đang tìm kiếm một lựa chọn thay thế cho các chính sách của ông Trump và họ hiểu rằng Đảng Dân chủ không thực sự là một lựa chọn thay thế.”
Một số chính trị gia chủ nghĩa xã hội dân chủ, chẳng hạn như dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, muốn gần như là tăng gấp đôi mức thuế lên giới siêu giàu để lấy tiền chi trả cho chăm sóc y tế phổ quát, giáo dục đại học miễn phí và một chương trình việc làm tập trung vào chuyển nền kinh tế Mỹ ra khỏi năng lượng hóa thạch.
Ông Pason nhấn mạnh rằng chủ nghĩa xã hội không phải là về các chính sách thuế mà là về ‘cho người lao động quyền sở hữu và các công nhân và cộng đồng họ quyền kiểm soát cuộc đời họ’.
Ông Daniel Runde nói rằng mặc dù đối với các thế hệ trước, khái niệm chủ nghĩa xã hội được hiểu là ‘một điều hết sức kinh khủng’, nhưng đối với nhiều người trẻ ủng hộ chủ nghĩa xã hội ngày nay, khái niệm này đại diện cho những ý tưởng cấp tiến và chế độ phúc lợi mở rộng.
“Anh có thể tranh luận về quy mô chính phủ, quy mô của hệ thống an sinh xã hội và quy mô các quy định,” Runde nói. “Nhưng khi có những người công khai tuyên bố thẳng thừng rằng họ theo chủ nghĩa xã hội thì có nguy cơ họ đã quên di sản của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.”
Đối với Tổng thống Trump, nhắc nhở các cử tri về di sản đó nhiều khả năng là một nội dung nổi bật trong chiến dịch tái tranh cử của ông.
Ngũ Giác Đài đưa ra kế hoạch sử dụng quỹ lương
để xây dựng bức tường biên giới
Washington, DC – Vào thứ Năm (7 tháng 3), đài KTLA5 dẫn lời dân biểu Dân Chủ Dick Durbin cho biết Ngũ Giác Đài đang chuẩn bị kế hoạch sử dụng 1 tỷ Mỹ kim còn lại từ quỹ tiền lương của binh sĩ và quỹ lương hưu để xây dựng bức tường biên giới cho Tổng thống Donald Trump.
Ông Durbin giải thích các quỹ nói trên có thể được sử dụng vì số người tình nguyện vào quân đội đang giảm và chương trình nghỉ hưu sớm của quân đội đang không được sử dụng hiệu quả. Theo ông Durbin, quân đội Hoa Kỳ đã không đạt được mục tiêu tuyển mộ trong năm nay, thiếu khoảng 6,500 binh sĩ cần thiết, mặc dù đã đổ thêm 200 triệu Mỹ kim tiền thưởng và phê duyệt những tha bổng cho các hành vi xấu hoặc sức khỏe kém của người tình nguyện ghi danh. Quốc hội cũng đã sử dụng các khoản tiền thưởng để khuyến khích các binh sĩ nghỉ hưu sớm, nhưng việc ghi danh vào chương trình này không diễn ra tốt đẹp như mong đợi. Quyết định này được đưa ra sau khi các viên chức của Ngũ Giác Đài đang tìm cách giảm thiểu số lượng tiền được chuyển từ các dự án xây dựng quân sự khác để xây dựng bức tường.
Theo KTLA, Ngũ Giác Đài đang chuẩn bị kế hoạch chuyển tiền từ nhiều nguồn khác nhau vào một quỹ dành riêng cho việc ngăn chặn buôn bán ma túy, sau đó, số tiền này dự kiến sẽ được dùng để xây dựng hàng rào biên giới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ngu-giac-dai-dua-ra-ke-hoach-su-dung-quy-luong-de-xay-dung-buc-tuong-bien-gioi/
Thượng nghị sĩ Dân Chủ kêu gọi Tổng thống Trump
ủng hộ dự luật bảo vệ di dân Venezuela
Washington, D.C. – Theo tin từ đài CBS News, các thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân Chủ, bao gồm cả các ứng cử viên tổng thống năm 2020, đang kêu gọi Tổng thống Trump ủng hộ dự luật lưỡng đảng để phê duyệt Tình trạng bảo vệ tạm thời (TPS) cho một số người Venezuela đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Trong một lá thư gửi cho Tổng thống Trump vào chiều thứ Năm (7 tháng 3), một nhóm gồm 24 thượng nghị sĩ cho biết việc cấp TPS cho người Venezuela có thể ngay lập tức giảm bớt khó khăn cho họ, đồng thời thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ chuyển đổi dân chủ an toàn ở Venezuela, qua đó các cá nhân có thể sớm trở về nhà. Nếu được ban hành, dự luật trên sẽ cho phép người Venezuela đang sinh sống ở Hoa Kỳ nhận được hưởng sự bảo vệ TPS và cấp giấy phép lao động.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump từng tìm cách chấm dứt các chương trình TPS cho người di dân từ một số quốc gia châu Mỹ La-tinh và Phi châu, một số nhà lập pháp đang hy vọng Tòa Bạch Ốc sẽ ủng hộ đề nghị lưỡng đảng cho người Venezuela vì lập trường cứng rắn của họ đối với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro.
Cùng với việc là quốc gia đầu tiên công nhận chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó là tổng thống lâm thời của Venezuela, Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ nhân đạo 20 triệu Mỹ kim cho người dân nước này. Chính quyền Tổng Thống Trump cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các viên chức chính phủ Venezuela và công ty dầu khí quốc doanh của họ.
Tuy nhiên, đài CBS cho biết, không rõ liệu Tổng thống có hỗ trợ cấp TPS cho người Venezuela hay không, vì Tổng thống từng kiên quyết kết thúc chương trình này cho các quốc gia khác. Việc mở rộng TPS cho một nhóm người di dân mới có thể gây phẫn nộ cho những người có lập trường cứng rắn về di dân trong đảng Cộng Hòa của Tổng thống. (Mộc Miên)
Hàng rào biên giới trở thành điểm đến lý tưởng
của người di dân
El Paso, Texas – Theo tin từ Reuters, trong buổi sáng giá lạnh tại thành phố El Paso, tiểu bang Texas, 60 người di dân từ Guatemala đã tự tìm đến nhân viên tuần tra biên giới và xin tỵ nạn; tuy nhiên, các nhân viên Hoa Kỳ đang phải giải quyết các nhóm người di dân khác đứng dọc theo hàng rào.
Theo Reuters, hàng rào thép cao 18 foot được dựng lên nhằm mục đích ngăn chặn nạn di dân trái phép. Tuy nhiên, vị trí của hàng rào đặt bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ đã trở thành điểm đến của nhóm buôn lậu chuyên dẫn người tầm trú tiếp cận biên giới.
Theo viên chức giám sát tuần tra biên giới Joe Romero, các nhóm buôn lậu đã thay đổi điểm đến từ khu vực Antelope Wells của New Mexico, đến El Paso. Khi những người di dân không có giấy tờ vào lãnh thổ Hoa Kỳ, lực lượng tuần tra có trách nhiệm bắt giữ họ, vì xâm nhập bất hợp pháp. Nhưng những người di dân có thể nói rằng họ sợ trở về nước, điều đó cho phép họ ở lại Hoa Kỳ, cho đến khi tòa án xem xét đơn xin tỵ nạn của họ – một quá trình có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm.
Theo Reuters, các nhóm buôn lậu đã khai thác một nhược điểm của bức tường biên giới do Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Ngoài ra, các nhóm di dân tìm đến El Paso cho thấy sự thay đổi trong mô hình di dân. Trong năm 2015, phần lớn những người vượt biên trái phép là những người đàn ông trưởng thành từ Mexico bí mật tìm việc ở Hoa Kỳ. Hiện nay, lực lượng tuần tra cho biết khoảng 85% người di dân đến khu vực El Paso là các gia đình và trẻ em Trung Mỹ muốn xin tỵ nạn.
Các nhân viên tuần tra biên giới cho biết hàng rào ở El Paso đã thành công trong việc ngăn chặn người di dân phân tán vào thành phố. Tuy nhiên, họ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đáp ứng số lượng người di dân tăng cao. Ông Romero cho biết cơ quan này không thể cung cấp đủ chỗ trú ẩn, cũng như vận chuyển người di dân. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hang-rao-bien-gioi-tro-thanh-diem-den-ly-tuong-cua-nguoi-di-dan/
Cựu nhân viên tình báo quân đội bị phạt tù
vì từ chối trả lời trước đại bồi thẩm đoàn
Alexandria, Virginia – Cựu nhân viên tình báo quân đội Chelsea Manning đã bị bắt giam vào thứ Sáu (8 tháng 3) sau khi từ chối trả lời các câu hỏi của đại bồi thẩm đoàn tại Virginia, vốn đang tìm hiểu vụ tiết lộ tài liệu mật cho WikiLeaks.
Thẩm phán Claude Hilton cho biết Manning sẽ bị giam trong nhà tù liên bang cho tới khi chịu trả lời thẩm vấn, hoặc cho tới khi đại bồi thẩm đoàn kết thúc công việc. Trước đó trong ngày, Manning đã nói với các phóng viên rằng, cô đã chuẩn bị tinh thần để vào tù, do cô không tin vào cách làm việc của đại bồi thẩm đoàn.
Trước đó vào thứ Tư, Manning cũng từng trình diện trước đại bồi thẩm đoàn này tại tòa án ở Virginia, nhưng không chịu trả lời bất kỳ câu hỏi nào, và viện dẫn các quyền thuộc Tu chính án thứ 1, thứ 4, và thứ 6 của cô ta.
Hiện chưa rõ vì sao các công tố viên liên bang muốn Manning phải trả lời thẩm vấn, nhưng các đại diện của cô cho biết các câu hỏi có liên quan đến việc cô tiết lộ hồ sơ mật của quân đội vào năm 2010 thông qua trang web WikiLeaks.
Thông cáo của các đại diện của Manning cho biết, các câu hỏi của đại bồi thẩm đoàn hiện nay đều từng được Manning trả lời tại tòa án binh năm 2013. Manning bị kết án 35 năm tù tại tòa quân sự vào năm 2013 vì tội gián điệp và tội tiết lộ hơn 700,000 hồ sơ, video, điện thư ngoại giao, và thông tin chiến trường, cho WikiLeaks. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama đã ân xá cho Manning trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông vào năm 2017. (Ngô Bảo)
Mỹ buộc tội hình sự quan chức Venezuela vì vi phạm chế tài
Chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu loan báo các cáo buộc hình sự đối với một quan chức hàng đầu của chính phủ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, vì vi phạm các chế tài áp đặt hai năm trước, khi quan chức này bị tố cáo buôn ma túy.
Tareck Zaidan El Aissami Maddah, Bộ trưởng Công nghiệp Venezuela, bị cáo buộc trốn tránh các chế tài vào tháng 2 năm 2017 bằng việc thuê các công ty Mỹ cung cấp dịch vụ máy bay riêng, kể cả chuyến đi ngày 23 tháng 2 trở về Venezuela từ Nga.
Doanh nhân người Venezuela Samark Jose Lopez Bello, một cộng sự của ông El Aissami nằm trong diện chịu chế tài của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cũng bị buộc tội hình sự, cũng như một số bị cáo khác.
Ông El Aissami và ông Lopez Bello, cả hai đều 44 tuổi, mỗi người bị cáo buộc năm tội danh né tránh các chế tài và vi phạm Đạo luật Định danh Trùm ma túy Nước ngoài, nhắm vào những người bị cho là đe dọa lợi ích chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.
Mỗi tội danh có thời hạn tù tối đa là 30 năm.
Các chế tài nhắm vào ông El Aissami là các chế tài đầu tiên của chính quyền Trump đối với một quan chức hàng đầu trong chính phủ của ông Maduro, vì bị cáo buộc rửa tiền và buôn ma túy.
Ông El Aissami bị cáo buộc giúp sắp xếp đưa các chuyến hàng ma túy ra khỏi Venezuela đưa tới một số nước, bao gồm Mỹ và Mexico, thông qua quyền kiểm soát của ông đối với một căn cứ không quân và cảng vận tải của Venezuela.
Trump : Một thỏa thuận tốt với Trung Quốc,
hoặc không ký gì hết
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 08/03/2019 đe dọa ngưng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, nếu các điểm bất đồng lớn nhất giữa hai nước không được giải quyết.
Theo AFP, sau khi tỏ ra lạc quan trong những tuần qua về khả năng Mỹ – Trung sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại, chủ nhân Nhà Trắng hôm qua bất ngờ lên giọng cứng rắn, tuyên bố : « Tôi tin tưởng (…), nhưng nếu đó không phải một thỏa thuận tốt, thì tôi sẽ không ký ». Nguyên thủ Mỹ còn lưu ý là cho dù đạt được thỏa thuận hay không, thì từ góc độ này hay góc độ khác, đó đều là điều tốt cho Hoa Kỳ.
Cũng trong ngày 08/03, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, Larry Kudlow, cũng nhấn mạnh Washington rất lạc quan, nhưng các điều kiện Hoa Kỳ đưa ra phải được thỏa mãn. Ông Kudlow còn nhắc tới chuyện tổng thống Donald Trump đã đột ngột rút ngắn thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội hồi cuối tháng 02/2019 chỉ vì không đạt thỏa thuận. Chính quyền Mỹ cho biết là sẽ không tính đến việc cử thêm một nhóm làm việc sang Trung Quốc để « mặt đối mặt » trực tiếp đàm phán với Bắc Kinh.
Trong khi đó, hôm nay 09/03, thứ trưởng bộ Thương Mại Trung Quốc, Vương Thụ Văn, bên lề khóa họp thường niên của Quốc Hội, tuyên bố trước báo giới là Bắc Kinh vẫn hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ, và hai bên đang thảo luận « ngày và đêm » để tiến tới một thỏa thuận phù hợp với lợi ích của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190309-tt-trump-ky-thoa-thuan-tot-trung-quoc-hoac-khong
Venezuela chìm trong tăm tối và đình trệ do mất điện
Các trường học, công sở tại Venezuela phải đóng cửa do tình trạng mất điện tiếp tục kéo sang ngày thứ hai.
Việc cắt điện bắt đầu từ chiều thứ Năm, do các vấn đề ở một nhà máy thủy điện lớn.
Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro đổ lỗi cho phe đối lập, cáo buộc họ phá hoại.
Cuộc chạy trốn âm thầm từ Venezuela tới Hungary
Maduro thề đánh bại ‘thiểu số điên rồ’ của Guaidó
Điện bị cắt giữa lúc căng thẳng đang gia tăng quanh các nỗ lực của phe đối lập, vốn được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và một số nước Mỹ-Latin, nhằm lật đổ quyền lực của ông Maduro.
Hệ thống giao thông công cộng Caracas bị cắt điện vào đúng giờ cao điểm hôm thứ Năm, sau đó điện bị cắt tiếp sang các lĩnh vực khác.
Việc thiếu điện khiến các chuyến bay phải chuyển hướng khỏi sân bay chính tại Caracas, nơi hàng ngàn nhân viên đã buộc phải đi bộ về nhà.
Vấn đề phát sinh từ nhà máy điện ở đập Guri, và đã ảnh hưởng tới mạng lưới điện thoại và tàu điện ngầm tại Caracas.
Truyền hình nhà nước hôm thứ Sáu nói điện đã được khôi phục tại một số nơi ở thủ đô.
Tuy nhiên, truyền thông địa phương nói 15 trong tổng số 23 bang trên cả nước đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện, cũng như Caracas.
Venezuela dựa vào hệ thống cơ sở hạ tầng thủy điện to lớn thay vì nguồn trữ lượng dầu khí để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong nước. Nhưng hàng thập niên thiếu đầu tư đã khiến các đập lớn bị hư hại, và tình trạng mất điện lẻ tẻ xảy ra khá thường xuyên.
Ông Maduro cáo buộc lãnh đạo đối lập và tổng thổng lâm thời tự phong Juan Guaidó là đang tìm cách đảo chính với sự giúp đỡ của “bọn đế quốc Mỹ”.
Ông Guaidó viết trên Twitter rằng việc mất điện là vấn đề gây “hỗn loạn, lo lắng và tức giận”, và là “bằng chứng cho thấy sự kém hiệu quả của kẻ cướp ngôi”, và nói thêm rằng “ánh sáng sẽ trở lại” một khi ông Maduro bị truất quyền.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng lên tiếng, quy trách nhiệm cho “sự kém cỏi của chế độ Maduro”.
“Không lương thực. Không thuốc men. Nay thì không có điện. Tiếp theo sẽ là không có Maduro,” ông viết trên Twitter.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47501878
Venezuela : Maduro và Guaido đều kêu gọi xuống đường
Cả hai lãnh đạo đối địch tại Venezuela, tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và tổng thống tự phong Juan Guaido, đều kêu gọi những người ủng hộ xuống đường ngày 09/03/2019, trong khi nước này đang rơi vào hỗn loạn do gặp sự cố mất điện chưa từng có.
Trên mạng Twitter, ông Juan Guaido, hiện đã được khoảng 50 quốc gia công nhận là tổng thống Venezuela, kêu gọi toàn thể người dân Venezuela rầm rộ xuống đường hôm nay để chống một chế độ « thối nát và bất lực đã đẩy nước chúng ta vào trong bóng tối ».
Vài ngày trước đó, tổng thống Maduro cũng kêu gọi những người ủng hộ ông tuần hành để chống « chủ nghĩa đế quốc ». Chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro hôm 08/03 thông báo sẽ cung cấp cho Liên Hiệp Quốc « các bằng chứng » cho thấy Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về đợt mất điện trên diện rộng làm đất nước Venezuela rơi vào cảnh hỗn loạn. Ngay từ thứ năm, bản thân ông Maduro đã tố cáo Washington : « Cuộc chiến về điện mà đế quốc Mỹ cầm đầu chống nhân dân ta rồi cũng sẽ thất bại. »
Venezuela tê liệt vì mất điện thập niên hay thập kỷ
Từ tối hôm thứ Năm 07/03, Venezuela bị mất điện trên diện rộng. Hai mươi hai trong tổng số 23 bang bị cúp điện. Từ một thập kỷ nay, mất điện xảy ra thường xuyên tại Venezuela, nhưng mất điện kéo dài gần như trên cả nước như lần này là chuyện hiếm thấy. Trong khi chờ có điện trở lại, nhiều người dân thích tụ tập ở các quảng trường hơn là ngồi ở nhà.
Từ Caracas, thông tín viên Benjamin Delille tường trình :
« Bây giờ là khoảng giữa trưa, tại một quảng trường phía đông thủ đô Caracas. Thành phố đã mất điện suốt 18 tiếng đồng hồ. Theo cô Cadare, một người dân sống trong một khu phố bình dân, toàn bộ thủ đô bị tê liệt. Cô nói : « Hôm nay, mọi cửa hàng đều đóng cửa. Vé tàu xe khan hiếm vì tất cả mọi thứ đều được thực hiện qua hệ thống điện tử. Nhiều người không thể tới chỗ làm, giao thông bị gián đoạn, nhất là mạng lưới tầu điện ngầm ở Caracas ».
Bà Elizabeth, một phụ nữ đã về hưu, cho biết không chỉ ở bên ngoài, mà ngay cả ở nhà, người dân Venezuela cũng không thể làm gì, vì mọi thứ đều không hoạt động. Bà than thở : « Do mất điện nên chúng tôi cũng không còn nước. Chúng tôi phải vứt hết thực phẩm vì chúng tôi không thể bảo quản được. Mọi người rất tức giận, họ vốn đã không có tiền để mua thức ăn, giờ lại còn phải vứt bỏ tất cả ».
Để giải thích cho tình trạng cúp điện, chính phủ nói là một trong những nhà máy điện chính của Venezuela bị ngầm phá hoại. Nhưng điều đó không thuyết phục được bà Elizabeth. Bà nói : « Tôi tin vào các kỹ sư điện, những người từng dự báo là việc hệ thống không được bảo trì sẽ gây ra mất điện kiểu này ».
Trên phố, có nhiều lời chửi rủa tổng thống Nicolas Maduro và chính quyền. Điều đó khiến bà Karen, 50 tuổi, có thêm động lực tham gia biểu tình cùng phe đối lập hôm nay: « Điều đó thúc đẩy tôi ra khỏi nhà để đi đấu tranh, và làm tất cả mọi việc để thoát khỏi cơn ác mộng này ».
Cho dù có phải là một vụ phá hoại ngầm hay không, thì đợt cúp điện này cũng phản ánh tình trạng hạ tầng cơ sở tồi tệ tại Venezuela và cho thấy sẽ chẳng có gì tốt đẹp diễn ra trong những tuần tới đây. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190309-venezuela-maduro-guaido-keu-goi-xuong-duong
LHQ: Nhân quyền Triều Tiên vẫn tệ hại
Mặc dù tích cực theo đuổi ngoại giao về chương trình hạt nhân của mình, Triều Tiên vẫn tiếp tục bóp nghẹt các quyền tự do cơ bản, duy trì các trại tù chính trị và giám sát chặt chẽ công dân của mình, một nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu.
“Với những diễn biến tích cực trong năm 2018 vừa qua, điều đáng tiếc hơn cả là tình hình nhân quyền nghiêm trọng trên thực địa ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn không thay đổi,” Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Triều Tiên, nói trong báo cáo mới nhất của mình.
Triều Tiên đã đình chỉ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn từ năm 2017 và tổ chức một số hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc trong năm qua, xuất đầu lộ diện sau nhiều thập niên bị cô lập.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức cuộc hội đàm thứ nhì vào tuần trước, nhưng các cuộc đàm phán của họ tại Việt Nam đổ vỡ mà không đạt được thỏa thuận nào. Ông Trump nói vào ngày thứ Sáu rằng ông sẽ thất vọng nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí và nhắc lại niềm tin của ông vào mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim.
Ông Ojea Quintana nói ông hy vọng việc hội nghị thượng đỉnh đột ngột kết thúc không gây tổn hại môi trường hòa bình cho cuộc đối thoại mà tất cả các bên đã nỗ lực đạt được trong suốt năm 2018.
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết ông “tiếp tục nhận được báo cáo về sự tồn tại của các trại tù chính trị nơi mà người dân bị gửi tới không thông qua xét xử. Tra tấn và ngược đãi được báo cáo là vẫn còn phổ biến và có hệ thống trong các cơ sở giam giữ.”
Việc giám sát và theo dõi chặt mọi công dân, và các hạn chế nghiêm ngặt khác như quyền tự do đi lại vẫn giữ nguyên, ông Ojea Quintana nói. Ông nói thêm hệ thống hình phạt của Triều Tiên không thông qua thủ tục tố tụng và không đảm bảo xét xử công bằng.
Ông nói rằng ông đã liên lạc với Trung Quốc vào năm ngoái về 18 người Triều Tiên rời khỏi nước trước đó và bị câu lưu ở Trung Quốc, giữa những lo ngại họ sẽ bị buộc phải trở về quê hương nơi những người đào tị khác được cho là đã chịu tra tấn và bạo lực tình dục.
Tuy nhiên, ông Ojea Quintana cũng kêu gọi nới lỏng các chế tài áp đặt lên Triều Tiên vì các hoạt động hạt nhân của họ, nói rằng các chế tài đã dẫn đến “những sự chậm trễ và gián đoạn đáng kể” trong nỗ lực đưa viện trợ nhân đạo tới. Khoảng 10,3 triệu người hoặc 41 phần trăm dân số thiếu thực phẩm, ông nói.
Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt vào năm 2014, các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc nói rằng 80.000 đến 120.000 người được cho là đang bị giam giữ trong các trại ở Triều Tiên. Báo cáo ghi nhận tình trạng tra tấn và những vi phạm khác, nói rằng chúng có thể cấu thành tội ác chống nhân loại.
Ông Ojea Quintana nói những hạn chế và nỗi sợ hãi chính quyền và sự giám sát đã ăn sâu vào xã hội Triều Tiên đến nỗi một trong những người đào tị mà ông gặp ở Seoul trong một chuyến thăm gần đây kết luận: “Cả nước là một nhà tù.”
Han Tae Song, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nói với Hội đồng Nhân quyền hôm thứ Năm rằng đất nước của ông cam kết đối thoại và hợp tác thực sự để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
“Chúng tôi cũng bác bỏ mọi cáo buộc vô căn cứ của một số phái đoàn vì họ có động cơ chính trị trong việc theo đuổi các mục đích thầm kín hơn là nhân quyền,” ông Han nói.
https://www.voatiengviet.com/a/lien-hiep-quoc-nhan-quyen-trieu-tien-van-te-hai/4821127.html
LHQ: Hàng trăm ngàn dân Venezuela
xin tị nạn trong năm 2018
Ngày càng có nhiều người Venezuela xin tịn nạn ở nước ngoài, với gần 250.000 người nộp đơn vào năm 2018, gấp đôi so với năm trước, cơ quan người tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu.
Tổng cộng, 414.570 đơn xin tị nạn đã được các công dân Venezuela ở nước ngoài nộp từ năm 2014, theo thống kê của UNHCR. Gần 60 phần trăm, hay 248.669 đơn, được nộp trong năm 2018, theo sau con số 110.825 đơn trong năm 2017.
“Do tình hình ở Venezuela, số lượng đơn xin tị nạn của công dân Venezuela trên toàn thế giới đã tăng theo cấp số nhân,” UNHCR nói trong một phát biểu thông báo những con số thống kê quốc gia.
Nền kinh tế Venezuela đã điêu đứng do quản lí sai trái và, kể từ năm 2014, do giá dầu sụt giảm. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước này.
Lạm phát đang tăng với tốc độ hơn 2 triệu phần trăm một năm, ở một quốc gia nơi mà mức lương tối thiểu là khoảng 6 đôla một tháng.
Hôm 8/3, Venezuela đóng cửa trường học và đình chỉ ngày làm việc vì sự cố cúp điện nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua, làm tê liệt hầu hết nước này sang ngày thứ nhì và khiến người dân phẫn nộ.
UNHCR nói rằng những người chạy lánh xung đột hoặc đàn áp được quyền bảo vệ theo luật pháp quốc tế.
Hai phần ba đơn xin tị nạn của người Venezuela được đăng kí ở Mỹ Latin, số còn lại ở Bắc Mỹ và một số nước Châu Âu.
Năm quốc gia hàng đầu nhận đơn xin tị nạn từ 2014-2018 là: Peru (167.238), Brazil (83.893), Mỹ (72.722), Tây Ban Nha (29.603) và Ecuador (13,535).
Tổng số người Venezuela rời bỏ đất nước ước tính hiện hơn 3,4 triệu, tăng từ con số 3,3 triệu hồi tháng 12, UNHCR cho biết.
Bộ Nội vụ Anh bị chỉ trích vì để con trai của Begum chết
Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đang đối mặt với những lời chỉ trích sau khi con trai của Shamima Begum chết trong một trại tị nạn ở Syria.
Begum rời London để tham gia nhóm Nhà nước Hồi giáo ở tuổi 15, khi đang là nữ sinh. Ông Javid đã hủy bỏ quyền công dân Anh khi vị thành niên này yêu cầu được quay lại Anh.
Một người bạn của gia đình cho biết Anh đã thất bại trong việc bảo vệ đứa trẻ trong khi đảng Lao động đối lập nói rằng cái chết của bé trai là kết quả của một quyết định ” vô nhân đạo”.Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đang đối mặt với những lời chỉ trích sau khi con trai của Shamima Begum chết trong một trại tị nạn ở Syria.
Shamima Begum: Cuộc sống của cặp đôi IS ở Syria
Anh Quốc và vụ tước quốc tịch ‘cô dâu IS’
Nga ‘sẵn sàng’ đàm phán với Mỹ về Venezuela
Begum rời London để tham gia nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở tuổi 15, khi đang là nữ sinh. Ông Javid đã hủy bỏ quyền công dân Anh khi người mẹ trẻ này yêu cầu được quay lại Anh.
Một người bạn của gia đình cho biết Anh đã thất bại trong việc bảo vệ đứa trẻ trong khi đảng Lao động đối lập nói rằng cái chết của bé trai là kết quả của một quyết định “vô nhân đạo”.
Một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói cái chết của bất kỳ trẻ em nào đều là “bi thảm”.
Người phát ngôn nói rằng chính phủ đã luôn khuyên không nên tới Syria và sẽ “tiếp tục làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn người dân bị chủ nghĩa khủng bố lôi kéo và đi đến các khu vực xung đột nguy hiểm”.
Begum, người đã rời nước Anh vào năm 2015 cùng với hai người bạn học đều là nữ, được một nhà báo từ Times tìm thấy trong một trại tị nạn Syria vào giữa tháng 2/2019.
Cô nói rằng đã sống với chồng, một chiến binh gốc Hà Lan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, trong thành trì cuối cùng của IS và trước đó đã mất hai đứa con, do các điều kiện khắc nghiệt.
Mang thai chín tháng, Begum nói với tờ báo Anh rằng cô không hối hận khi gia nhập IS, nhưng cô cảm thấy đế chế nhà nước Hồi giáo đã chấm dứt.
Nói chuyện ngay sau khi sinh con trai, Jarrah, Begum nói với BBC rằng cô mong ước con mình là người Anh và được nuôi dưỡng ở Anh.
Jarrah chết vì viêm phổi vào thứ Năm, 07/3, theo một giấy chứng nhận y tế, khi chưa đầy ba tuần tuổi.
Nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ và là cựu Bộ trưởng Tư pháp Phillip Lee kêu gọi chính phủ “suy nghĩ” về “trách nhiệm đạo đức” của mình đối với thảm kịch này.
Ông nói rằng mặc dù “quan điểm gớm ghiếc” của Begum, quyết định hủy bỏ quyền công dân của cô này – và do đó từ chối cơ hội trở về Anh của cô ta – dường như “được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân túy chứ không phải theo bất kỳ nguyên tắc nào mà tôi có thể nhận ra”.
‘Điều kiện kinh khủng’
Các điều kiện trong trại là “khá kinh khủng”, với thiếu hụt thức ăn, chăn và lều, phóng viên Quentin Sommerville của BBC cho biết.
Trong ba tháng, hơn 100 người đã chết trên đường hoặc ngay sau khi đến trại, với hai phần ba số người chết dưới năm tuổi.
David Miliband, cựu Ngoại trưởng và Chủ tịch Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, cho biết trại phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp khi 12.000 người “bị tổn thương cũng như suy dinh dưỡng sâu sắc” chạy trốn khỏi sự cai trị của IS.
Việc làm cho một người trở nên vô quốc tịch là trái pháp luật, và bây giờ một đứa trẻ vô tội đã chết do một phụ nữ Anh bị tước quyền công dân. Điều này là vô nhân đạoDiane Abbott, Đảng Lao động
Dal Babu, cựu giám đốc cảnh sát Metropolitan và là bạn của gia đình bà Begum, nói với BBC Newsnight: “Chúng ta đã thất bại, với tư cách là một quốc gia, để bảo vệ đứa trẻ.”
Sau khi Begum bị tước quyền công dân, gia đình cô đã viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ Anh để cho biết rằng họ dự định thách thức quyết định này và yêu cầu hỗ trợ để đưa bé trai đến Anh.
Renu Begum, chị em gái của Begum, cho biết trong bức thư Jarrah là “một đứa trẻ vô tội thực sự” trong tình huống này.
Khi đứa con của Begum được sinh ra trước khi cô bị Bộ Nội vụ tước quyền công dân Anh, đứa bé vẫn sẽ được coi là người Anh.
“Đây là một cái chết hoàn toàn có thể tránh được cho một công dân Anh,” ông Babu nói.
“Không có nỗ lực nào của Bộ Nội vụ để giúp đỡ. Tôi nghĩ thật là sốc khi Bộ trưởng Nội vụ đã xử lý tình huống này như vậy.”
Người nắm vị trí tương ứng Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ đối lập của đảng Lao động Diane Abbott cũng chỉ trích hành động của Bộ Nội vụ Anh.
Bà đưa thông điệp trên Twitter: “Việc làm cho một người trở nên vô quốc tịch là trái pháp luật, và bây giờ một đứa trẻ vô tội đã chết do một phụ nữ Anh bị tước quyền công dân. Điều này là vô nhân đạo.”
‘Điều đáng buồn’
Phát biểu với BBC hôm thứ Sáu, trước khi được xác nhận rằng bé trai đã chết, Bộ trưởng Nội vụ Anh Javid nói: “Đáng buồn là có rất nhiều trẻ em, rõ ràng là hoàn toàn vô tội, đã được sinh ra ở vùng chiến sự này.
Tôi không có gì ngoài sự thông cảm cho những đứa trẻ đã bị kéo vào chuyện này. Đây là một lời nhắc nhở về lý do tại sao nó là như vậy, rất nguy hiểm cho bất cứ ai ở trong khu vực chiến tranh nàyBộ trưởng Nội vụ Sajid Javid
“Tôi không có gì ngoài sự thông cảm cho những đứa trẻ đã bị kéo vào chuyện này.
“Đây là một lời nhắc nhở về lý do tại sao nó là như vậy, rất nguy hiểm cho bất cứ ai ở trong khu vực chiến tranh này.”
Phóng viên phụ trách các vấn đề gia đình của BBC, Daniel Sandford, nói rằng chính phủ có thể đưa đứa bé ra khỏi Syria, mặc dù điều đó có thể là “khó khăn về mặt chính trị”.
“Quan điểm của chính phủ rằng không thể tới và đưa mọi người ra khỏi các trại này vì điều đó quá nguy hiểm vốn được lặp đi lặp lại là không hoàn toàn chính xác, bởi vì các nhà báo có thể đến các trại này tương đối an toàn.
“Làm việc với Lưỡi liềm đỏ ở đó chẳng hạn, hoàn toàn có thể tới và đưa mọi người ra khỏi các trại tị nạn – nếu có một ý chí chính trị.”
Kirsty McNeill, người phụ trách lĩnh vực chính sách, vận động và các chiến dịch tại tổ chức từ thiện Save the Children (Cứu trợ Trẻ em), cho biết “tất cả trẻ em có liên quan đến IS đều là nạn nhân của cuộc xung đột và phải được đối xử như là nạn nhân”.
“Có thể tránh được cái chết của bé trai này và những người khác. Anh và các quốc gia có có công dân đang ở vùng đông bắc Syria phải chịu trách nhiệm cho các công dân có nguồn gốc đó”, bà nói thêm.
Thảm kịch thuộc về ai?
Nhưng giáo sư Anthony Glees, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh tại Đại học Buckingham, nói:
“Trách nhiệm cho thảm kịch này thuộc về cái gọi là Nhà nước Hồi giáo”.
Ông nói Shamima Begum cũng chịu trách nhiệm “vì đã đưa ra lựa chọn rời khỏi sự an toàn của Vương quốc Anh và trở thành cô dâu của Jihadi”.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC sau khi Jarrah ra đời, Begum nói rằng cô không hối hận khi tới Syria – mặc dù cô nói thêm rằng không đồng ý với mọi thứ mà nhóm IS đã làm.
Begum nói thêm rằng cô chưa bao giờ tìm cách trở thành một “cô gái tuyên truyền” của IS.
“Tôi chỉ muốn sự tha thứ thực sự, từ nước Anh,” Begum nói với phóng viên Trung Đông của BBC Quentin Sommerville vào tháng 2/2019.
“Mọi thứ tôi đã trải qua, tôi không ngờ mình sẽ trải qua điều đó.
“Mất con theo cách thức tôi đã mất chúng, tôi cũng không muốn mất đứa bé này và nơi đây, trại này, thực sự không phải là nơi để nuôi trẻ em.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47507932
Việc làm: Pháp vô địch về “quyền bình đẳng” nam nữ
Pháp nằm trong 6 nước đứng đầu thế giới về quyền bình đẳng nam nữ trong việc làm ; vụ «LOL» bạo hành phụ nữ trẻ trên mạng xã hội làm rung chuyển truyền thông Pháp ; Trung Quốc họp Quốc Hội, nữ giới thưa thớt trên thượng đỉnh ; Vatican mở kho lưu trữ bí mật nhiệm kỳ giáo hoàng Piô XII, với hy vọng « soi rọi » nhiều nghi án ; cố ca sĩ Michael Jackson đối mặt cáo buộc ấu dâm. Trên đây là chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Theo một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, công bố hôm 27/02/2019, trên quy mô toàn cầu, phụ nữ mới chỉ được hưởng ba phần tư các quyền so với nam giới, trong lĩnh vực việc làm, hay thành lập doanh nghiệp, cũng như có cơ hội đưa ra các quyết định về kinh tế phù hợp nhất cho bản thân và gia đình. Quyền chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Kristalina Georgieva cho biết hiện vẫn còn 2,7 tỉ phụ nữ hàng ngày đang phải đối mặt với các trở ngại về pháp lý, khiến họ bị thiệt thòi hơn nam giới.
“Giai đoạn nền tảng”
Phá dỡ các rào cản ngăn phụ nữ vươn lên và thúc đẩy các cải cách tư pháp hướng đến bình đẳng giới về mọi mặt, là một « nỗ lực dài hơi », đòi hỏi quyết tâm chính trị, các phối hợp giữa chính quyền, xã hội dân sự cùng các định chế quốc tế. Việc bình đẳng về mặt các quyền được ghi nhận trong luật pháp không tự động dẫn đến bình đẳng trên thực tế, nhưng đây là một « giai đoạn nền tảng quan trọng », theo quyền chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới.
Báo cáo – tổng kết 10 năm về các nỗ lực trong lĩnh vực này tại 187 quốc gia, mang tên « Phụ nữ, Doanh Nghiệp và Quyền 2019 : Một thập niên cải cách » – đã ghi điểm tối đa 100 cho sáu nước (Bỉ, Đan Mạch, Latvia, Luxembourg, Pháp và Thụỵ Điển). Cách đây 10 năm, không có quốc gia nào đạt được số điểm tối đa này. Điểm 100 có nghĩa là, xét về các điều kiện pháp lý, người phụ nữ có cùng cơ hội thành công trong nghề nghiệp như nam giới.
Ngân Hàng Thế Giới chấm điểm dựa trên tám tiêu chuẩn : quyền tự do đi lại, cư trú ; quyền có được các điều kiện lao động như nam giới, bao gồm cả vấn đề bạo hành tình dục, quyền về lương bổng, hôn nhân, con cái ; quyền lập và vận hành doanh nghiệp ; về tài sản, thừa kế và cả về hưu trí.
Ngân Hàng Thế Giới ghi nhận tổng cộng 274 cải cách pháp luật tại 131 quốc gia, trong đó có việc có thêm gần 2 tỉ phụ nữ được bảo vệ trước nạn sách nhiễu và bạo hành tình dục tại nơi làm việc, do cải cách luật tại 35 nước.
Khu vực Châu Âu và Trung Á, với điểm số trung bình 84,70, đứng hàng đầu, không kể nhóm các quốc gia phát triển của OCDE. Khu vực Mỹ – Latinh và vùng Vịnh Caribê xếp thứ hai với 79,09 điểm. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đứng thứ ba, với 70,73 điểm. Bắc Phi và Trung Đông được ghi nhận là khu vực chậm tiến nhất, với điểm trung bình 47, 37.
Việt Nam ở hạng 74, với 81,88 điểm. Thứ hạng của một số quốc gia khác : Đài Loan (37), Lào (47), Hàn Quốc (57), Mỹ (65), Philippines (75), Nhật (83), Trung Quốc (100), Cam Bốt và Thái Lan (103).
Trong một phát biểu năm 2018, quyền chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới lưu ý là bình đẳng không chỉ là chuyện công bằng, mà còn mang lại một nguồn lực kinh tế quan trọng. Theo bà, nếu được bình đẳng hoàn toàn với nam giới trong việc làm, phụ nữ sẽ đóng góp thêm 160.000 tỉ đô la cho nền kinh tế thế giới.
Vụ bạo hành làm rung chuyển truyền thông Pháp
Gần một năm rưỡi sau vụ bạo hành tình dục Weinstein tại Hoa Kỳ, làm dấy lên phong trào #Metoo, đến lượt nước Pháp với một vụ bạo hành tinh thần phụ nữ trẻ trên mạng xã hội Facebook, bị phát giác, đang làm rung chuyển giới truyền thông. Theo Le Monde, bên bị cáo buộc là nhiều thành viên của một nhóm khép kín mang tên « Liên Đoàn LOL », gồm khoảng 30 người trong nghề truyền thông.
Sau tiết lộ đầu tiên được đăng tải trên Libération, ngày 08/02, rất nhiều nhân chứng đã lên tiếng, đa số là phụ nữ trẻ. Nhiều nạn nhân mô tả là họ bị tấn công « gần như hàng ngày », với những lời lẽ thô bạo, tục tĩu, khiêu khích, khiêu dâm, gây thương tổn. Những kẻ tấn công nhắm vào mọi biểu hiện của « đối tượng », từ ngoại hình, đến các thông điệp đưa lên mạng của họ…. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là các nhà hoạt động nữ quyền. Các bạo hành kéo dài trong nhiều năm từ đầu những năm 2010, nhưng rất ít ai tố cáo. Vào thời điểm đó, bạo hành trên mạng chưa lọt vào tầm ngắm của tư pháp.
Các hành động bạo hành trên mạng thật muôn hình, muôn vẻ. Đơn cử một số ví dụ. Nữ phóng viên Iris Gaudin, mở tài khoản Twitter từ năm 2010, cho biết 9 năm sau, cô vẫn cảm thấy như một « ác mộng », khi hàng ngày phải nhận hàng « đàn » Tweet vô danh gọi cô là « con điếm », hay bới móc những phần nhạy cảm trong ngoại hình. Blogger nữ quyền Daria Marx thì bị đánh cắp điện thoại đưa lên Leboncoin.fr (một trang bán hàng bình dân ở Pháp) cùng hình ảnh khiêu dâm ghép với gương mặt cô.
“Thói gia trưởng” bị chỉ trích, thấy như mình bị tấn công
Nhóm LOL là ai ? Các thành viên của nhóm « Liên Đoàn LOL » thường tự giới thiệu như một câu lạc bộ của các nhân vật xuất chúng. Một nhà quan sát cho biết đây là địa điểm tập hợp được nhiều các nhân vật xuất sắc nhất của mạng Twitter vào thời điểm đó. Người sáng lập nhóm Vincent Glad, ngay từ năm 2009 đã cho biết trong nhóm hình thành một đẳng cấp. Ai được 500 follower, tức người theo, thì kể như sẽ được có mặt trong thành phần « quý tộc » của nhóm.
Nhóm « Liên Đoàn LOL » trên thực tế là những người thuộc thế hệ đi đầu trong việc sử dụng các mạng xã hội tại Pháp. Theo giáo sư toán Thomas Massias, cũng từng là nạn nhân của nhóm này, thì đa số những kẻ bạo hành « rất có học vấn, thông minh ». Đối với họ, đàn ông nào mà ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền thì không còn đáng mặt nam nhi, chỉ là loại núp váy vợ.
Chỉ một, hai ngày sau khi vụ việc được phát giác, một số thành viên của nhóm đã công khai xin lỗi. Vincent Glad, người chủ xướng Liên Đoàn LOL (sinh năm 1985), thừa nhận đã không ý thức được là những hành động « chuyện giễu cợt bình thường » như vậy lại có thể trở thành « địa ngục » với người khác.
Theo cựu phóng viên Libération, vào thời kỳ đó, cái đích chế giễu dễ dàng là những người tranh đấu cho nữ quyền. Vincent Glad hồi tưởng : Khi nghe những lời lẽ lên án « gia trưởng », « văn hóa cưỡng hiếp », « thái độ trịch thượng, hạ cố của đàn ông » (mansplaining)…, anh có cảm giác như chính mình bị tấn công.
Theo Reuters, hôm 4/3 nhật báo Libération cho biết sa thải hai nhà báo tham gia nhóm « Liên Đoàn LOL ». Một tổng biên tập và một phó tổng biên tập tạp chí văn hóa có tiếng Inrocks cũng bị thôi việc. Một số nhà quan sát cho rằng bốn nhà báo nói trên và hiện tượng nhóm Liên Đoàn LOL chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong làng báo.
« Nước đầu tiên » phạt tiền tội kỳ thị giới tính trên đường phố
Cùng với các cải cách bình đẳng giới về kinh tế, chống bạo hành trên các không gian công cộng và trên mạng cũng là ưu tiên của chính phủ Pháp.
Hôm 6/3, sơ kết nửa năm thực thi luật chống bạo hành giới, bộ trưởng phụ trách về Bình đẳng giới Marlène Schiappa cho biết đã có hơn 300 người phải nộp tiền phạt, vì tội nhục mạ mang tính kỳ thị giới trên đường phố. Án phạt là 90 euro, nếu trả ngay, và có thể lên đến 3.000 euro, nếu tái phạm. Theo bộ trưởng Marlène Schiappa, Pháp là « quốc gia đầu tiên trên thế giới » phạt tiền đối với tội nhục mạ mang tính kỳ thị giới trên đường phố.
Trung Quốc : Nữ giới thưa thớt ở thượng đỉnh
Vẫn trong lĩnh vực bình đẳng giới, thông tín viên Stéphane Lagarde đưa chúng ta đến Bắc Kinh, nơi đang diễn ra cuộc họp Quốc Hội thường niên Trung Quốc. Nhà báo RFI ghi nhận thực trạng bất bình đẳng giới hiện rõ trong sinh hoạt chính trị cấp cao tại Trung Quốc.
« Quan tâm đến phụ nữ là chuyện đặc biệt. Ngay lập tức truyền thông chính thức tại Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội. Tại Đại lễ đường Nhân dân nơi diễn ra phiên họp toàn thể của Quốc Hội Trung Quốc, tờ Nhân Dân Nhật Báo ra thứ Sáu này cho biết : ‘‘chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chào và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nữ đại biểu Quốc Hội, nữ đại biểu Chính Hiệp và các nữ nhân viên của Quốc Hội và Chính Hiệp, cũng như đến phụ nữ thuộc tất cả các nhóm sắc tộc, ở khắp mọi nơi’’.
Việc phụ nữ được đặc biệt quan tâm trong dịp này tương phản với số lượng nam giới trong trang phục com-lê, cà vạt tại Quốc Hội và Chính Hiệp Trung Quốc, tương phản với sự vắng mặt của nữ giới trên thượng đỉnh quyền lực của chế độ cộng sản. Hiến pháp Trung Quốc bảo đảm cho phụ nữ ‘‘quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống’’. Đã có nhiều tiến bộ đạt được về tuổi thọ và việc học hành của phụ nữ, với sự phát triển của đất nước. Và đối với lĩnh vực thương mại điện tử (tăng trưởng 29% hồi năm ngoái), phụ nữ thường được coi là ‘‘những bà hoàng’’, người quyết định chính trong việc mua hàng qua điện thoại di động.
Tuy nhiên, tại nơi làm việc, phụ nữ Trung Quốc vẫn tiếp tục kiếm được ít hơn 1/5 lương so với nam giới, và phải dành nhiều thời gian cho việc gia đình hơn chồng. Cũng có nhiều bất bình đẳng nam nữ trong công việc. Theo số liệu của một văn phòng tuyển dụng trên mạng, được tờ South China Morning Post ở Hồng Kông trích dẫn, thì trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc, chỉ có chưa đầy 20% là phụ nữ ».
Ông hoàng nhạc pop quá cố đối mặt cáo buộc ấu dâm
Trang trại nổi tiếng Neverland của ông hoàng nhạc pop Michael Jackson trước đây vừa được đưa ra bán với giá 31 triệu đô la, ít hơn một phần ba so với cái giá đưa ra bốn năm trước, nhưng vẫn khó tìm được người mua. Lý do là một bộ phim tài liệu dài 4 giờ, được công chiếu tại Mỹ, trong đó Michael Jackson bị cáo buộc ấu dâm.
Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ California :
« 2.700 hecta, 22 tòa nhà, một sân khấu, một sàn nhảy và một quá khứ trĩu nặng tiếp tục khiến khu Neverland rớt giá. Trong những năm 1980, Michael Jackson đã bỏ 19 triệu đô la để mua khu đất nông nghiệp rộng mênh mông nằm tại huyện Santa Barbara, tiểu bang California. Ông hoàng nhạc pop đã biến nơi đây thành một công viên giải trí tư nhân, lấy cảm hứng từ Thế giới diệu kỳ của Peter Pan. Michael Jackson đã mời các sao, và kể cả nhiều em nhỏ tới đây.
Một năm trước khi chết, nợ nần đầm đìa, ông hoàng nhạc pop phải bán Neverland cho một quỹ đầu tư. Công ty này đã đầu tư hàng triệu đô la để biến công viên giải trí thành đồng cỏ nơi nuôi súc vật, với hy vọng thu lời, cho dù địa điểm này mang tiếng xấu.
Nhiều lần khu Neverland bị cảnh sát khám xét. Từ đó người ta bắt đầu đưa ra các cáo buộc về tội ấu dâm chống lại Michael Jackson. Năm 2015, sau khi được làm mới lại, khu Neverland đã gột bỏ hoàn toàn mọi dấu vết liên quan đến Michael Jackson, và được rao giá 100 triệu đô la, nhưng không tìm được người mua.
Bốn năm sau đó, người chủ một lần nữa lại đưa trang trại Neverland ra thị trường, với giá hạ đáng kể, xuống còn 31 triệu đô la. Thế nhưng, nỗ lực bán đất được tiến hành đúng vào lúc một bê bối mới nổi lên.
Chủ nhật này, kênh truyền hình HBO dự kiến tung ra một bộ phim tài liệu mang tựa đề ‘‘Leaving Neverland’’ mà thân nhân của Michael Jackson đã cố can thiệp để cấm công bố, nhưng vô ích. Trong bộ phim này, hai người trạc 30 tuổi kể lại họ là nạn nhân lạm dụng tình dục của Michael Jackson như thế nào, khi được ca sĩ mời đến chơi Neverland, vào lúc họ mới 7 và 10 tuổi ».
Quan hệ Vatican với Hitler : Mở kho tài liệu mật
Hôm 04/03, giáo hoàng Phanxicô thông báo năm 2020 các sử gia có thể làm việc tại các kho lưu trữ bí mật thời giáo hoàng Piô XII (1939-1958). Cho đến nay, quan hệ của vị giáo hoàng này với chế độ Đức Quốc Xã vẫn là điều gây tranh cãi.
Thông tín viên Eric Sénanque tường trình từ Roma :
« Đây là một diễn biến mà nhiều nhà sử học đã trông đợi : Họ sẽ có cơ hội đào bới trong các kho lưu trữ bí mật của nhiệm kỳ giáo hoàng Piô XII, kể từ ngày 2 tháng 3 năm 2020. Như vậy là còn một năm chờ đợi, trong thời gian các chuyên viên lưu trữ hoàn tất công việc của mình. Giai đoạn liên quan là từ năm 1939 đến năm 1958, tức toàn bộ nhiệm kỳ của giáo hoàng Eugenio Pacelli.
Quyết định giải mật mang tính lịch sử nói trên là kết quả của một tiến trình dài. Năm 2006, giáo hoàng Benedicto XVI đã khởi sự việc kiểm kê các kho lưu trữ nhằm đưa ra cho công chúng sử dụng. Hai giáo hoàng Phaolồ 6 và Gioan Phaolồ II thậm chí còn đôi lúc cho phép một số nhà nghiên cứu tra cứu tài liệu trong kho lưu trữ này.
Giáo hoàng Piô XII mang tiếng xấu là đã im lặng trong thời gian người Do Thái bị truy hại trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai, nhưng ông cũng là người đã che giấu hàng nghìn trẻ em Do Thái trong các tu viện ở Ý, cho đến tận Cung giáo hoàng Castel Gandolfo.
Giáo hoàng Phanxicô giải thích : ‘‘Giáo hội không sợ lịch sử’’. Ông cho biết rất « thanh thản và tin tưởng », đồng thời hiểu rõ là một nghiên cứu ‘‘nghiêm túc và khách quan’’ sẽ có thể đánh giá được lịch sử thời giáo hoàng Piô XII ‘‘một cách đúng đắn’’. Nhiệm kỳ của giáo hoàng Piô XII kết thúc bốn năm trước khi Công đồng Vatican II khai mạc. Piô XII cũng là giáo hoàng được trích dẫn nhiều nhất tại Công đồng này ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190309-viec-lam-phap-vo-dich-binh-dang-nam-nu
Algeri : Hàng triệu người biểu tình
phản đối tổng thống tranh cử nhiệm kỳ 5
Tại Algeri, hôm qua, 08/03/2019, là ngày thứ Sáu của tuần thứ ba liên tiếp người dân thủ đô Alger và nhiều thành phố lớn trong cả nước tuần hành đòi tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ bỏ việc tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ năm.
Cuộc biểu tình ở thủ đô Alger đặc biệt thu hút đông người tham gia nhiều hơn so với hai tuần qua. Nhiều quảng trường và các phố chính ở khu trung tâm đông kín người trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Mặc dù chính quyền không thông báo số người tham gia tuần hành, nhưng theo ước tính trên các mạng xã hội, có hàng triệu người tham gia.
Các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, nhưng tại nhiều nơi, cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông, ngăn cản người tuần hành hướng về phủ tổng thống. Truyền hình nhà nước cho biết có 195 người biểu tình bị câu lưu.
Theo AFP, tại các thành phố lớn khác như Oran, Constantine, Annaba, Béjaia, Kabylie, quy mô các cuộc tuần hành được mô tả là « rất ấn tượng », thậm chí là « chưa từng có ». Phong trào biểu tình phản đối tổng thống 82 tuổi Abdelaziz Bouteflika, già yếu, bệnh tật, ra tái tranh cử, đã bước sang tuần thứ ba, với quy mô chưa từng có kể từ năm 1991.
Trong khi đó, tại Genève, Thụy Sĩ, nhà đối lập với ông Bouteflika, doanh nhân Rachid Nekkaz, bị cảnh sát câu lưu hôm qua vì đã cố đột nhập trái phép vào bệnh viện đại học Genève, nơi tổng thống Algeri đang nằm trị bệnh. Nhà đối lập Rachid Nekkaz, 47 tuổi, phát biểu với AFP là « 40 triệu người dân Algeri muốn biết tổng thống đang ở đâu ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190309-algeri-bieu-tinh-phan-doi-tong-thong-nhiem-ky-5
Ảnh vệ tinh : Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa
Hãng tin Bloomberg, ngày 09/03/2019, cho biết Bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc một tên lửa phóng vệ tinh, theo các hình ảnh vệ tinh mà đài phát thanh công NPR của Mỹ được cung cấp.
Các ảnh vệ tinh này được công ty Digital Globe chụp vào ngày 22/02, tức là trước khi diễn ra thượng đỉnh Hà Nội, tại bãi phóng Sanumdong, gần thủ đô Bình Nhưỡng, nơi mà Bắc Triều Tiên đã lắp ráp các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa phóng vệ tinh.
Trả lời đài NPR, ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Dự án Phi hạt nhân hóa Đông Á, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho rằng các ảnh vệ tinh nói trên cho thấy dường như Bắc Triều Tiên đang trong tiến trình lắp ráp một tên lửa. Tuy nhiên, theo ông Lewis, không thể nào biết được là Bình Nhưỡng đang chuẩn bị bắn một tên lửa quân sự hay một tên lửa phóng vệ tinh.
Dựa trên các ảnh vệ tinh mới, các chuyên gia Mỹ ngày 07/03 cũng nhận thấy là bãi phóng tên lửa Sohae của Bắc Triều Tiên đã nhanh chóng được xây lại, mặc dù việc tháo dỡ bãi phóng này là một trong những cam kết của chủ tịch Kim Jong Un với tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau nhiều ngày im lặng, ngày 08/03/2019, hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA lên tiếng cho rằng chính Hoa Kỳ đã khiến thượng đỉnh Donald Trump –Kim Jong Un diễn ra cuối tháng 2/2019 ở Hà Nội không đạt được một thỏa thuận nào.
Dù vậy, tổng thống Trump hôm qua bảo đảm là quan hệ giữa ông với lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng vẫn « rất tốt ». Theo nhận định của hãng tin AFP, cho dù thượng đỉnh Hà Nội thất bại, tổng thống Mỹ vẫn bám vào chiến lược của ông, đó là « được ăn cả, ngã về không ». Vấn đề là, theo chuyên gia Jenny Town, trang mạng 38 North, chiến lược này luôn gặp thất bại do việc cả hai lãnh đạo đều thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.
Về phần Joseph Yun, nguyên là đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, ông nhận định rằng rất khó mà chứng minh là chính quyền Trump không còn thái độ thù địch với Bắc Triều Tiên. Điều này khiến tình hình rơi vào bế tắc và chính vì vậy mà phía Bình Nhưỡng muốn tiến từng bước để tạo sự tin cậy.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190309-anh-ve-tinh-bac-trieu-tien-phong-ten-lua
Bắc Hàn, Nam Hàn gặp rào cản ngôn ngữ?
Sau hàng chục năm bị chia cắt, ngôn ngữ của hai miền đã phát triển theo hai hướng rất khác nhau – tạo ra một rào cản ngôn ngữ bất đắc dĩ cho nhiều người đào tẩu Bắc Hàn.
Những người này đã phải mạo hiểm tính mạng vượt qua biên giới Trung Quốc-Triều Tiên, di chuyển hàng ngàn cây số để đến bên bờ bên kia của bán đảo Triều Tiên, nhưng khi cập bến, họ lại không thể hiểu được ngôn ngữ của chính những người đồng bào của mình.
Tất cả đều là những khái niệm xa lạ đối với họ, những người vốn đã quen sống trong sự kiểm soát của chính quyền Bình Nhưỡng.
Giải mã hội nghị Trump-Kim ‘không ký gì’ ở Hà Nội
Nghi vấn quanh vụ tàu dầu Việt Tín 01 tới Bắc Hàn
Trump: ‘VN thịnh vượng hiếm có trên Trái Đất’
Xã hội khép kín của Bắc Triều Tiên có nghĩa là ngôn ngữ của họ đã thay đổi rất ít kể từ khi bán đảo bị chia cắt từ sau Thế Chiến thứ II,.
Trong khi đó, phía Nam đã phát triển nhanh chóng do tiếp xúc với các nền văn hóa và công nghệ bên ngoài.
Nhiều người Bắc Hàn đang đối mặt với sự phân biệt đối xử và những khó khăn do rào cản ngôn ngữ.
Vì vậy nhiều ứng dụng dịch thuật nhằm thu hẹp khoảng cách đang được phát triển.
Ngôn ngữ Bắc, Nam Hàn khác biệt như thế nào?
Những người Bắc Hàn đầu tiên đã luôn cảm thấy là kẻ xa lạ vì chính chất giọng đậm chất miền Bắc của họ.
Giờ họ còn phải học lại những khái niệm, những cách gọi tên mới cho những đồ vật hàng ngày.
Người Nam Hàn đã tạo ra một ngôn ngữ là Konglish, tức tiếng Hàn nhưng mượn từ tiếng Anh của người Mỹ.
Như từ nước trái cây (juice) là “juseu”, điện thoại cầm tay (Hand phone) “handeuphone”.
Trong khi đó với những khái niệm mới như bánh doughtnut và dầu gội, thì người miền Bắc lại đặt tên theo đúng nghĩa đen của nó, là “garakji bbang” (bánh hình nhẫn), “meorimulbinu” (nước rửa tóc).
Người miền Bắc cũng có một số từ mượn từ đồng minh Nga, như từ máy kéo (трактор) “Tteuraktoreu”.
Bắc Hàn: 11 triệu người cần cứu trợ nhân đạo
Bắc Hàn khôi phục điểm phóng tên lửa
Trump lo ngại bãi phóng tên lửa của Bắc Hàn
Từ nói về bạn bè trong tiếng Bắc Hàn là từ “dongmu” (đồng chí) như phong cách Liên Xô, trong khi Nam Hàn hoàn toàn không dùng từ này.
Điều này cũng dẫn đến sự khác biệt trong xác nhận danh tính dân tộc của người dân hai miền. Trong khi người miền Nam tự nhận là người Hàn Quốc (Hanguk), người miền Bắc tự gọi mình là người Triều Tiên (Choson) liên quan đến vương triều Joseon cũ.
Rào cản ngôn ngữ này cũng gây không ít khó khăn khi sát nhập các nữ vận động viên khúc côn cầu trên băng của hai miền thành một đội để tham gia Thế vận hội mùa đông năm ngoái.
Trong khi những vận động viên miền Nam gọi thủ môn là “gol-kipeo” (goal keeper), thì người miền Bắc lại gọi là là “mun-jigi” (người giữ cửa).
Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra từ điển riêng để giúp dịch thuật ngữ khúc côn cầu sang một phiên bản tiếng Hàn mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được.
Khó khăn của khoảng cách ngôn ngữ
Trước khi đến được Nam Hàn, những người đào tẩu Triều Tiên biết được rất ít thông tin về người hàng xóm miền Nam, ngoại trừ những lời lăng mạ nhắm đến các lãnh đạo Nam Hàn.
Truyền thông Bắc Triều Tiên có một bề dày lịch sử để xây dựng lên một khối từ vựng để mô tả các đối thủ chính trị.
Dù đã được tiếp xúc một chút về văn hóa Nam Hàn qua các chợ đen ở miền Bắc, giao tiếp ngôn ngữ vẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự đồng hóa.
Kết nối ngôn ngữ
Những nỗ lực để giải quyết vấn đề này đã tiến hành ngay kể từ khi những người đào tẩu bắt đầu cuộc sống mới tại Hanawon, trung tâm đào tạo bắt buộc của Hàn Quốc dành cho những người Bắc Hàn đào tẩu.
Khóa đào tạo ba tháng của Hanawon tập trung vào việc cung cấp cho họ kiến thức và công cụ để xây dựng một cuộc sống mới ở miền Nam.
Để giúp những người miền Bắc thích nghi, Bộ Thống nhất Seoul thường xuyên cập nhật danh sách các từ phổ biến dễ gây nhầm lẫn nhất.
Một số nhóm phi chính phủ, chẳng hạn như nhóm Dạy người tị nạn Bắc Triều Tiên (TNKR),dạy những người mới đến tiếng Anh, vốn đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại tại Hàn Quốc.
Ứng dụng và tài liệu giáo dục cũng xuất hiện. Như Univoca, một ứng dụng dịch các thuật ngữ hàng ngày của Hàn Quốc sang những từ quen thuộc hơn với người Bắc Triều Tiên.
Nó cho phép người dùng xây dựng một danh sách từ vựng, tìm kiếm các từ và thậm chí dịch chúng bằng cách quét bằng máy ảnh.
Gyeoremal Keunsajeon là một dự án liên Triều bắt đầu vào năm 2005 nhằm tạo ra một đại từ điển tổng hợp ngôn ngữ hai miền.
Mặc dù có những trở ngại, như việc dự án này bị đình trệ trong thời gian căng thẳng chính trị, phía miền Nam đã “hoàn thành khoảng 80%” và phải mất thêm 5 năm nữa. Miền Bắc sẽ cần phải xác nhận tiến độ của họ, ông nói thêm.
Nguồn gốc cổ xưa của ngôn ngữ Hàn Quốc
Tiếng Hàn là một trong những ngôn ngữ lâu đời nhất trên thế giới, nhưng hình thức hiện tại của nó đã được giới thiệu vào Thế kỷ 15 khi Vua Sejong Đại đế giới thiệu Hunminjeongeum một hệ thống ngữ âm đơn giản để thay thế Hanja có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chữ viết hiện tại được gọi là Hangul ở Hàn Quốc và Chosongul ở Bắc Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo đầu tiên của Bắc Triều Tiên Kim Il-sung đã cố gắng “thanh lọc” để loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi ngôn ngữ sẽ tự phát triển hơn nữa để thể hiện khái niệm tư tưởng của “juche” (tự lực).
Rào cản ngôn ngữ xuyên biên giới sẽ cần phải được giải quyết nếu nguyện vọng về một bán đảo Triều Tiên thống nhất được thực hiện.
Bài viết bởi Shreyas Reddy, Tae-jun Kang and Alistair Coleman.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-47465806
Kim Yo Jong, người phụ nữ quyền lực nhất Triều Tiên
Trong hơn một năm trở lại đây, giữa lúc chế độ bị cô lập của Triều Tiên hé mở cánh cửa để bắt đầu giao lưu với thế giới bên ngoài, và lãnh tụ độc tài Kim Jong Un tìm cách nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, thì bên lề các hoạt động ngoại giao bắt đầu khởi sắc của nước này, người ta thấy nổi bật bóng dáng một phụ nữ, người mà giới truyền thông quốc tế miêu tả là “người phụ nữ quyền lực nhất Triều Tiên.
Người phụ nữ đó là Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un, người thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế bên lề hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, kể cả hội nghị thượng đỉnh ở Hà nội mới đây. Nhiều bản tin còn gọi là “Ivanka Triều Tiên”, so sánh Kim Yo Jong với ái nữ của Tổng thống Mỹ, Ivanka Trump.
Cô Kim Yo Jong được tin là trên dưới 30 tuổi. Với dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài chải gọn, cô luôn luôn ăn mặc lịch sự nhưng giàn dị, không son phấn lòe loẹt, thái độ khiêm tốn, nhanh nhẹn và hiệu quả trong công việc, bảo đảm mọi việc đều suôn sẻ mỗi lần tháp tùng anh của cô, lãnh tụ Kim Jong Un, trong các sự kiện quốc tế.
Kim Yo Jong tại thượng đỉnh Hà nội
Là cánh tay phải của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, cô Kim Yo Jong đã theo anh sang Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Hà nội.
Trước đó tại hội nghị lịch sử Trump-Kim đầu tiên, người ta cũng thấy Kim Yo Jong đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động ngoại giao, và tại Hà nội cũng thế.
Người ta biết cô là đảng viên cốt cán của đảng đương quyền ở Triều Tiên, ủy viên Bộ Chính trị, và là người được giao trọng trách quản lý các sự kiện công cộng, bao gồm lịch trình và các vấn đề hậu cần.
Hình ảnh quen thuộc của cô Kim Yo Jong trong con mắt thế giới, nhanh nhẹn, năng động, kiểm tra tất cả mọi việc, có mặt ở khắp mọi nơi, bất cứ lúc nào, nơi nào anh cô cần đến, khiến người ta suy đoán Kim Yo Jong là một trong các quan chức Triều Tiên được lãnh tụ Kim Jong Un tín cẩn nhất.
Nhưng đối với thế giới bên ngoài, người phụ nữ này vẫn là một ẩn số.
Kim Yo Jong là ai?
Như anh cô và những thành viên khác trong “đệ nhất gia đình” Triều Tiên, ít có chi tiết được phổ biến về cuộc đời Kim Yo Jong và cuộc sống của cô trước khi cô nổi lên trong vai trò quan chức cấp cao trong chính quyền Bình Nhưỡng.
Trang mạng Business Insider và nhiều hãng tin đoán cô Kim Yo Jong vào khoảng từ 29 tới 31 tuổi, Reuters ghi năm sinh của cô là 1989. Cô là con út của cố lãnh tụ Kim Jong Il và một trong những người vợ không chính thức của ông, bà Ko Yong Hui, từng là một vũ công.
Thưở bé, Kim Yo Jong được gửi sang Thụy sĩ du học cùng trường với anh trai, Kim Jong Un, nhưng sau khi hoàn tất lớp tương đương với lớp 6 của Mỹ, cô được đưa về nước năm 2000.
Mới hơn 12 tuổi, vào năm 2002, cha cô tỏ ra rất tự hào khi khoe với người nước ngoài rằng con gái út của ông thích chính trị, và có ý định sau này sẽ làm việc với chính phủ.
Người ta không biết gì về Kim Yo Jong trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2007, nhưng từ đó trở đi, cô thỉnh thoảng xuất hiện trong hậu trường tại một số sự kiện, thoạt đầu tháp tùng cha, ông Kim Jong Il, và sau này tháp tùng anh trai, Kim Jong Un.
Reuters ghi nhận lần đầu tiên Kim Yo Jong chính thức xuất hiện là tại lễ tang của cha, vào năm 2011.
Trang mạng chuyên theo dõi các nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết cô Kim Yo Jong đã đóng vai trò nhất định, giúp Kim Jong Un củng cố vị thế quyền lực, trong cuộc tranh giành quyền lực với các anh lớn trong gia đình.
Năm 2017, Kim Yo Jong nổi lên khi được lãnh tụ Kim Jong Un tiến cử vào chức vụ đứng đầu Bộ tuyên truyền của chính quyền Triều Tiên.
Tâm điểm chú ý của thế giới tại các hội nghị thượng đỉnh
Thế giới tò mò về cô em gái út của Kim Jong Un khi cô nhanh chóng thăng quan tiến chức để trở thành người phụ nữ quyền lực nhất Triều Tiên, luôn luôn túc trực bên Kim Jong Un trong các sự kiện quan trọng.
Nhưng có lẽ lần đầu hình ảnh cô Kim Yo Jong đến với thế giới là vào năm 2018, khi cô được cử sang Hàn Quốc dự Thế Vận Mùa Đông 2018, trở thành thành viên đẩu tiên trong gia đình họ Kim tới thăm Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Trong chuyến đi lịch sử này, hình ảnh cô Kim Yo Jong và Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in bắt tay nhau, với nụ cười thật tươi trên môi, đã gây ấn tượng tốt, dấu hiệu lạc quan hiếm thấy giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.
Tuy là thành viên có thế lực trong gia đình đã ngự trị trên chính trường Triều Tiên qua 3 đời liên tiếp, trong các chuyến công du ra nước ngoài, người ta thấy cô Kim Yo Jong không mệt mỏi chạy tới chạy lui, chăm chút cho hình ảnh của người anh, không màng những công việc lặt vặt nhất, như đưa hồ sơ, cung cấp bút viết cho ông Kim ký vào các văn kiện, đưa nước uống, đưa tay đỡ lấy bó hoa… Truyền thông còn bắt gặp cô Kim Yo Jong cầm cái gạt tàn bằng pha lê khi ông Kim Jong Un hút thuốc tại một trạm dừng chân ở Nam Ninh, Trung Quốc, trong cuộc hành trình bằng xe lửa đi từ Bình Nhưỡng tới ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam, để tới dự hội nghị thượng đỉnh tại Hà nội.
Cánh tay phải của Kim Jong Un
Theo trang mạng chuyên theo dõi các nhân vật lãnh đạo Triều Tiên, North Korea Leadership Watch, cô Kim Yo Jong được tiến cử vào Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất trong hệ thống chính trị Triều Tiên, với tư cách ủy viên dự khuyết vào năm 2017.
Hãng tin AP nhận xét, Kim Yo Jong có vẻ được tự do hơn so với các quan chức hàng đầu Triều Tiên khác, đôi khi cô xuất hiện một mình tại các sự kiện chính thức ở trong nước, đại diện cho chính quyền, chứ không luôn luôn phải đi sau lưng anh trai.
Theo một think-tank Hàn Quốc gồm các học giả xuất thân là người đào tị từ Triều Tiên thì cô Kim Yo Jong đã được trao trách nhiệm lớn hơn, quan trọng hơn trong một nỗ lực nhằm duy trì chế độ gia đình trị của họ Kim. Vẫn theo nguồn tin này thì cô Kim Yo Jong đã từng tạm thời lên nắm quyền khi Kim Jong Un lâm bệnh vào năm 2014.
Nguồn tin cho rằng mặc dù Kim Yo Jong không có tên trên danh sách những nhân vật trực tiếp lên kế vị Kim Jong Un, nhưng các học giả tin rằng cô con gái út dòng họ Kim có thể nắm quyền nhiếp chính nếu lãnh tụ Kim Jong Un có mệnh hệ gì, trong thời gian chờ con cái của Kim Jong Un đủ lớn để lên kế nhiệm cha.
https://www.voatiengviet.com/a/kim-yo-jong-phu-nu-quyen-luc-nhat-trieu-tien/4820679.html
Trả đũa vụ Huawei: Vì sao TQ nhắm nông nghiệp Canada
Bắc Kinh đã thu hồi giấy phép xuất khẩu hạt cải dầu của của công ty Richardson (Canada) sang thị trường Trung Quốc mà không cần lý do.
Tuyên bố chấm dứt nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp này của Bắc Kinh chính thức có hiệu lệnh từ ngày 1/3. Ngày 5/3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ngăn chặn công ty Richardson International Ltd của Canada.
Ngoại trưởng Freeland nêu rõ: “Tình hình của công ty Richardson khiến tôi quan ngại sâu sắc. Chúng tôi tin rằng không có cơ sở khoa học hay pháp lý nào cho quyết định trên.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Marie-Claude Bibeau cho biết Chính phủ Canada đang theo dõi sát tình hình và sẽ làm việc với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể.
Hoạt động xuất khẩu hạt cải dầu của Richardson sang Trung Quốc nếu bị ngừng trệ trong thời gian dài không chỉ đẩy doanh nghiệp này vào tình thế khó khăn, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế Canada.
Đến nay, Cơ quan Hải quan Trung Quốc vẫn chưa đưa ra câu trả lời về việc này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây là hành động mang tính trả đũa của Bắc Kinh trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai chính quyền đang ngày càng xấu đi liên quan đến vụ việc của Huawei.
Canada hồi tháng 12/2018 đã bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn công nghệ Huawei theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Washington cáo buộc bà Mạnh tham gia các hoạt động lách luật trừng phạt và hỗ trợ cho chính quyền Iran.
Hôm 1/3, Canada xúc tiến quá trình dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để tiến hành các hoạt động điều tra, xét xử. Điều này làm chính quyền Trung Quốc nổi giận. Đây cũng là thời điểm Trung Quốc ra sắc lệnh chấm dứt nhập khẩu hạt cải dầu của Canada.
Đây cũng là động thái đầu tiên mà Trung Quốc trả đũa nhằm vào các hoạt động kinh tế giữa hai quốc gia. Trước đó, Bắc Kinh chỉ tiến hành bắt giữ các công dân của Canada du lịch hoặc làm việc tại Trung Quốc.
Đáng chú ý, việc chấm dứt nhập khẩu hạt cải dầu là đòn trừng phạt trực diện và nguy hiểm đối với nền kinh tế của Canada, trong đó, Richardson là một trong những công ty cung cấp hạt cải dầu hàng đầu thế giới.
Những loại hạt có dầu, hoa quả và ngũ cốc chiếm gần 17% kim ngạch xuất khẩu của Canada sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, thị trường đông dân nhất thế giới tiêu thụ của Canada 2,5 tỷ CAD (1,88 tỷ USD) hạt cải dầu.
Động thái này của Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế của Canada tổn thương, tác động trực tiếp đến uy
tín của Thủ tướng Justin Trudeau. Kể từ thời điểm Ottawa hỗ trợ Washington trong các vấn đề của Huawei, Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo sẽ trả đũa mạnh tay.
Làn sóng phản đối chính sách của Thủ tướng Trudeau liên quan đến cách hành xử với Huawei trong nội bộ Quốc hội Canada cũng ngày càng gia tăng. Bản thân dư luận Canada cũng hình thành những làn sóng phản đối vấn đề này, họ cho rằng Ottawa đã không hợp lý trong cách tiếp cận vấn đề với Trung Quốc.
Nếu kinh tế Canada bị tác động nghiêm trọng, làn sóng chống đối với ông Trudeau sẽ ngày càng phức tạp.
Đây cũng là cách mà Trung Quốc đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Khi Washington áp thuế hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Bắc Kinh ngược lại đã chặn mọi hợp đồng nhập khẩu nông sản của Mỹ.
Điều này đã tác động lớn đến uy tín chính trị của ông Donald Trump, ngay lập tức các nghị sĩ đối lập đã lên tiếng công kích, ngành nông nghiệp của Mỹ sụt giảm nặng nề và Nhà Trắng phải đưa ra gói cứu trợ lên tới 12 tỷ USD.
Bà Mạnh Vãn Châu đã trở thành con tin của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, chỉ có điều, Ottawa đã bị cuốn vào cuộc chiến này. Hiện tại, Ottawa chỉ đang xúc tiến các kế hoạch dẫn độ mà vẫn chưa có phán quyết cuối cùng từ Bộ trưởng Bộ tư pháp.
Nhiều ý kiến cho rằng việc gia tăng sức ép vào ngành nông nghiệp của Canada sẽ tạo ra tác động lớn lên Ottawa, rất có thể trong thời gian tới, nếu mâu thuẫn của người dân gia tăng lên chính quyền của ông Trudeau, Canada sẽ thay đổi quan điểm trong việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
TQ trả đũa vụ Huawei, ngừng nhập cải dầu Canada?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định có cơ sở chắc chắn cho việc tước giấy phép nhập khẩu cải dầu từ một tập đoàn Canada, nhưng bác bỏ đó là hành động trả đũa vụ giám đốc tài chính Huawei bị Canada bắt giữ.
Càng đến gần ngày giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị xét xử ở Canada, các hành động và những phản ứng của Trung Quốc lẫn Canada càng trở thành những chuyện đáng lưu tâm.
Bà Mạnh, người bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ, có thể sẽ sớm biết ngày mình bị dẫn độ sang Washington hay không trong phiên tòa dự kiến diễn ra ngày 6-3.
Nhưng trước phiên tòa, một loạt động thái từ Trung Quốc đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích thật sự đằng sau đó.
Chẳng hạn, hai công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giữ sau khi có tin bà Mạnh xộ khám ở Canada, đã bị buộc tội “đánh cắp bí mật nhà nước” Trung Quốc hôm 4-3.
Trong vụ việc mới nhất, nhà chức trách Bắc Kinh đã hủy giấy phép nhập khẩu cải dầu của Tập đoàn Richardson International – nhà xuất khẩu hạt có dầu hàng đầu thế giới của Canada.
Lý do được đưa ra là các mẫu cải dầu của tập đoàn này tại Trung Quốc đã bị phát hiện có “bọ gây hại” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định ngày 6-3, theo báo South China Morning Post.
Hôm 1-3, Cục Hải quan Trung Quốc lặng lẽ thông báo trên trang web rằng cơ quan này đã hủy giấy phép nhập khẩu cải dầu của Tập đoàn Richardson. Việc hủy giấy phép của tập đoàn này theo sau nhiều thông báo khác của chính quyền Trung Quốc nói có vật gây hại hoặc vi khuẩn.
“Quyết định của chính quyền Trung Quốc dựa trên những cơ sở vững chắc. Cũng như các quốc gia khác, chúng tôi có quyền bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân” – ông Lục Khảng nhấn mạnh.
Tuyên bố được xem là sự đáp trả phát ngôn cùng ngày 6-3 của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland.
“Tôi cực kỳ quan ngại về những gì đã xảy ra với Tập đoàn Richardson. Chúng tôi không tin rằng có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho những quyết định như vậy. Chúng tôi đang tích cực làm việc với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề này” – bà Freeland nhấn mạnh.
Một số học giả Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc tước giấy phép của Tập đoàn Canada không liên quan đến những căng thẳng trong ngoại giao giữa hai nước.
“Cá nhân tôi nghĩ nó liên quan đến chất lượng sản phẩm nhiều hơn. Trong lúc chưa rõ sự tình thế nào, chúng ta không nên liên kết các vụ việc với nhau” – nhà nghiên cứu He Weiwen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa nói với tờ báo của Hong Kong.
90% lượng cải dầu được tiêu thụ ở Trung Quốc là nhập từ Canada, phần lớn được sử dụng để làm dầu nấu ăn, thức ăn cho cá…
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26704-tq-tra-dua-vu-huawei-ngung-nhap-cai-dau-canada.html
Những thách thức TQ phải giải quyết trong kỳ họp quốc hội
Quốc hội Trung Quốc sẽ phải thảo luận nhiều vấn đề khó khăn về tăng trưởng kinh tế, chiến tranh thương mại và sáng kiến Vành đai, Con đường.
Kỳ họp quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc hôm qua thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi nó diễn ra vào năm Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập nước, nhưng cũng là thời điểm Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy. Nền kinh tế nước này chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập kỷ với sức ép ngày càng gay gắt từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, trong khi sáng kiến Vành đai và Con đường vấp phải nhiều hoài nghi từ dư luận thế giới, theo bình luận viên Sophia Yan của Telegraph.
Báo cáo công tác chính phủ được Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc tại lễ khai mạc kỳ họp quốc hội ngày 5/3 cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chính trong năm qua, như GDP vượt 90.000 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,6% so với năm trước, tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức 5%, các công cuộc cải cách chính quyền trung ương và địa phương diễn ra thuận lợi…
Nhưng điều không được nhắc tới trong báo cáo là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc ở nước ngoài trong sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang vấp phải những rào cản lớn. Hàng loạt quốc gia đối tác bắt đầu xem xét lại hoặc hủy bỏ những thỏa thuận vay nợ nhiều tỷ USD của Trung Quốc để thực hiện các dự án này, do lo ngại về nguy cơ tài chính.
Sau khi chứng kiến việc Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong vòng 99 năm vì không thể trả khoản vay từ Bắc Kinh, các nước ban đầu chào đón sáng kiến Vành đai và Con đường bắt đầu thận trọng. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đình chỉ các dự án 20 tỷ USD của Trung Quốc, Pakistan giảm số tiền vay Trung Quốc để xây dựng dự án đường sắt trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) từ 8,2 tỷ USD xuống 6,2 tỷ USD. Trong khi đó, chính quyền thân Bắc Kinh ở Maldives thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Vành đai và Con đường như công cụ được Bắc Kinh sử dụng để nâng cao lợi ích chiến lược và quân sự. Một số quan chức và nghị sĩ Mỹ công khai mô tả nó như “bẫy nợ” để Trung Quốc giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng nhạy cảm và làm suy yếu quyền tự chủ của các nước đối tác.
Ở châu Âu và châu Mỹ, Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng chỉ trích chưa từng thấy từ chính phủ các nước liên quan đến hoạt động gián điệp mạng, được thể hiện rõ qua làn sóng kêu gọi “tẩy chay” sản phẩm của Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Canada đã hưởng ứng đề nghị của Mỹ, bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, trong khi nhiều đồng minh của Washington thẳng thừng tuyên bố “cấm cửa” Huawei tham gia xây dựng mạng 5G ở nước mình do lo ngại về an ninh quốc gia.
“Người Trung Quốc đang rất quan tâm tới điều này, không phải với cảm giác tích cực rằng chuyến xe Trung Quốc đã cán đích, mà với nỗi lo thường trực như ‘liệu mọi thứ có ổn không'”, Benjamin Cavender, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc (CMR), nhận định. “Họ giờ đây đang bước vào chế độ kiểm soát thiệt hại”.
Theo chuyên gia này, 3.000 đại biểu quốc hội Trung Quốc trong kỳ họp sẽ phải tìm cách trấn an người dân bằng một thông điệp thích hợp. Họ sẽ thảo luận các chính sách về kinh tế, chính trị của chính phủ và bỏ phiếu phê chuẩn các dự thảo luật.
Một trong những dự thảo luật rất được quan tâm tại kỳ họp quốc hội lần này là luật đầu tư nước ngoài, trong đó nghiêm cấm hành vi ép buộc chuyển giao công nghệ hay sự “can thiệp” của chính phủ vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Đây được coi là một trong những lý do chính khiến Mỹ phát động cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ được coi là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc, nhất là khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ nâng mức thuế áp với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25%. Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đến nay vẫn chưa đạt được kết quả rõ ràng, trong khi chính quyền Trump vẫn quyết tâm duy trì sức ép để buộc Trung Quốc nhượng bộ trong lĩnh vực thương mại.
Đây được coi là lý do Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc chỉ ở mức 6-6,5%, thấp hơn mức 6,6% được đưa ra trong kỳ họp quốc hội năm ngoái. Theo Kerry Brown, giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học King ở London, đây có thể là một phần trong nỗ lực “kiểm soát kỳ vọng” của các lãnh đạo Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xử lý cuộc chiến thương mại.
Carl Weinberg, nhà kinh tế học quốc tế hàng đầu tại tổ chức nghiên cứu High Frequency Economics, cho rằng rất có thể một số quan chức Trung Quốc có quan điểm cứng rắn sẽ không muốn nước này phải “nhượng bộ một tấc” trước các đòi hỏi thương mại của Mỹ, đặc biệt là yêu cầu Trung Quốc từ bỏ chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.
Đây là chính sách nổi bật trong chương trình Made in China 2025, được thiết kế để kích cầu nội địa nhưng lại bị Mỹ chỉ trích là kế hoạch thay thế hàng nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước. Ngoài chương trình này, Trung Quốc còn thực hiện một loạt cải cách kinh tế khác, nhưng các doanh nghiệp nước này cho rằng những biện pháp đó không hiệu quả và quá tập trung cho khu vực quốc doanh.
Trong báo cáo công tác chính phủ đọc trước quốc hội hôm qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường không nhắc đến sáng kiến “Made in China 2025”. Đây là lần đầu tiên sáng kiến này bị loại khỏi một báo cáo quan trọng như vậy kể từ năm 2015. Năm ngoái, ông Lý nhắc đến chương trình này hai lần trong báo cáo của mình, theo Nikkei.
Rumi Aoyama, giáo sư Đại học Waseda ở Tokyo, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc phần nào nhượng bộ trước sự chỉ trích của Mỹ với chương trình này. “Dù chiến lược ngoại giao của Trung Quốc không thay đổi, họ dường như đang thử một hướng đi mới”, ông nói. “Họ giảm bớt vai trò của chính phủ để xoa dịu các lo ngại của Mỹ và châu Âu”.
Aoyama cũng nhận định rằng việc gạt sáng kiến này khỏi báo cáo của ông Lý phần nào cho thấy sự không hài lòng của dư luận trong nước với chính sách đối ngoại của ông Tập, đặc biệt là trong thời kỳ căng thẳng chiến tranh thương mại với Mỹ.
Quốc hội Trung Quốc cũng dự kiến thảo luận kế hoạch triển khai mạng di động 5G với sự hỗ trợ đắc lực của Huawei, tập đoàn đang vướng vào những tranh cãi về an ninh mạng trên khắp thế giới. Các chuyên gia cho rằng cách thức lãnh đạo Trung Quốc thảo luận về vấn đề này sẽ cho thấy Bắc Kinh tự tin đến mức nào trong việc đối phó với những lo ngại của các chính phủ nước ngoài về nguy cơ gián điệp và tấn công mạng.
“Nhiều quốc gia tỏ ra lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có quan hệ mật thiết với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu nước này”, Cavender nói. “Họ thực sự e sợ rằng các tập đoàn đó sẽ cung cấp thông tin cho chính phủ. Dù cáo buộc này có thật hay không, nó vẫn sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài”.
Dù vậy, các chuyên gia đều tin rằng thông qua kỳ họp quốc hội lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tập hợp sự ủng hộ của các đại biểu đối với chính sách của mình. “Chính trị luôn có lúc này lúc khác, nhưng các động thái của ông Tập trước đây cho thấy vào những thời khắc khó khăn nhất, Trung Quốc sẽ luôn tập trung vào vai trò lãnh đạo của ông”, giáo sư Brown nói.
TQ nói làm việc ‘ngày đêm’ với Mỹ
để đạt thỏa thuận thương mại
Trung Quốc và Mỹ vẫn đang làm việc ngày đêm để đạt một thỏa thuận thương mại phù hợp với lợi ích của cả hai bên và hi vọng của thế giới, bao gồm xóa bỏ thuế quan trả đũa qua lại, một quan chức cao cấp của Trung Quốc nói vào ngày thứ Bảy.
Phó Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn nói ông rất lạc quan về các cuộc đàm phán với Washington, nhưng nói thêm bất kì cơ chế thương mại nào đạt được phải bình đẳng và công bằng.
Chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vướng vào một cuộc chiến thuế quan kéo dài nhiều tháng trong khi Washington làm áp lực để Bắc Kinh giải quyết những lo ngại lâu nay về các tập tục và chính sách của Trung Quốc về chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường và quyền sở hữu tài sản trí tuệ.
Những tiến bộ trong các cuộc đàm phán đã khiến Nhà Trắng trì hoãn tăng thuế vô thời hạn đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỉ đôla của Trung Quốc mà lẽ ra theo lịch có hiệu lực vào ngày 2 tháng 3.
Ông Vương, phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hàng năm của Trung Quốc, nói việc áp thuế quan lên nhau không tốt cho công nhân, nông dân, nhà xuất khẩu và nhà sản xuất.
“Nó làm tổn thương niềm tin của các nhà đầu tư và trì hoãn các quyết định đầu tư của các công ty,” ông Vương, người tham gia sâu trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, nói.
“Bây giờ, các đội ngũ kinh tế và thương mại của hai bên đang ra sức liên lạc và đàm phán để đạt được thỏa thuận phù hợp với các nguyên tắc và đường hướng mà hai nguyên thủ quốc gia đã quyết định,” ông nói thêm.
“Đó là loại bỏ tất cả thuế quan áp đặt lên nhau, để quan hệ thương mại song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể trở lại bình thường.”
Các đội ngũ làm việc của hai nước đang “ngày đêm” liên lạc với nhau, ông Vương nói. Các quan chức cao cấp đã ngược xuôi giữa Bắc Kinh và Washington để tiến hành các cuộc đàm phán thương mại.
Ông Vương cũng cung cấp những chi tiết hiếm hoi về các cuộc đàm phán, cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc ăn hamburger và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer ăn cà tím và thịt gà, một món ăn Trung Quốc phổ biến.
Không rõ các nhà đàm phán cao cấp từ cả hai bên sẽ gặp nhau tiếp vào thời điểm nào và ở nơi nào.
Các quan chức chính quyền Mỹ không đưa ra bất kì kế hoạch mới nào để gửi một đội ngũ đến Trung Quốc đàm phán thương mại trực diện mặc dù còn nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận, cố vấn thương mại Nhà Trắng Clete Willems nói hôm thứ Sáu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước nói ông có thể kí một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nếu các hai nước có thể vượt qua những khác biệt tồn đọng, và sẽ kí kết tại điền trang Mar-a-Lago của ông ở Florida.
Đảng cộng sản Trung Quốc
kêu gọi cán bộ trung thành tuyệt đối
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy mạnh lời kêu gọi trung thành chính trị trong một năm có nhiều ngày kỷ niệm nhạy cảm và cảnh báo về ‘những tư tưởng lệch lạc’ trong lúc các cán bộ phải khẩn trương thề trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình và tư tưởng của ông.
Năm 2019 này được đánh dấu bằng một số cột mốc nhạy cảm: 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 30 năm vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, 60 năm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma trốn khỏi Tây Tạng đi lưu vong.
Được sinh ra từ hỗn loạn và cách mạng, Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền vào năm 1949 sau hàng chục năm nội chiến khiến hàng triệu người chết và luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ về ‘loạn’ – tức là họ xem trọng sự ổn định cao hơn hết thảy.
“Năm nay là kỷ niệm 70 năm ngày sáng lập nước Trung Hoa mới,” ông Tập phát biểu trước các đại biểu Quốc hội Khu tự trị Nội Mông hôm 5/3, hôm khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội. “Duy trì phát triển kinh tế lành mạnh, bền vững và ổn định xã hội là một nhiệm vụ cực kỳ gian khổ.”
Ông Tập đã siết chặt sự kiểm soát của Đảng lên gần như tất cả mọi mặt của chính quyền và đời sống kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối năm 2012.
Năm ngoái, cũng tại kỳ họp Quốc hội, Hiến pháp Trung Quốc đã được chỉnh sửa để dỡ bỏ hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước và cho phép ông Tập tại vị trong suốt phần đời còn lại nếu ông muốn mặc dù vẫn chưa rõ liệu điều đó có xảy ra không và ông Tập không hề công khai đề cập chuyện này.
Vào cuối năm nay nhiều khả năng Đảng Cộng sản sẽ tổ chức một hội nghị trung ương để bàn về ‘xây dựng Đảng’, các nhà ngoại giao và các nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho hay. ‘Xây dựng Đảng’ là một khái niệm nói đến tăng cường sự kiểm soát của Đảng và đảm bảo rằng những nghị quyết và chỉ thị của Đảng được tuân thủ từng ly từng tí.
Hồi cuối tháng 1, một lần nữa trong quy định của mình về ‘củng cố xây dựng Đảng về mặt chính trị’, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh lòng trung thành và cảnh báo các Đảng viên rằng họ không thể nào có lòng trung thành giả tạo hay ‘chưa đủ mức đỏ’ trong một văn bản dài do truyền thông Nhà nước đưa.
“Phải cảnh giác cao độ với tất cả các suy nghĩ lệch lạc, suy nghĩ mơ hồ và những hiện tượng xấu trong lĩnh vực tư tưởng,” Đảng cảnh báo. “Các đồng chí hãy mở to mắt, phải sớm nhìn thấy sự việc và phải hành động nhanh chóng.”
Hôm 1/3, trong bài diễn văn tại Trường Đảng Trung ương, nơi đào tạo các cán bộ có tiềm năng, ông Tập đã nhắc đến từ ‘trung thành’ ít nhất bảy lần, theo những tường thuật chính thức trên truyền thông Nhà nước.
Ông Tập lưu ý rằng việc một cán bộ có trung thành với Đảng hay không chính là thước đo quan trọng họ có lý tưởng và niềm tin hay không. “Lòng trung thành luôn luôn đứng đầu,” ông nói.
Ông Duncan Innes-Ker, giám đốc khu vực châu Á của Đơn vị Tình báo Kinh tế, cho biết Bắc Kinh đang lo ngại về sự phản kháng ở cấp cơ sở trong việc thực thi các chỉ thị của Đảng, về nền kinh tế đang chậm lại và về những đòi hỏi cải cách chính trị khi người dân Trung Quốc đang ngày càng giàu hơn.
“Mong muốn kiểm soát không phải là điều đặc trưng của một giai đoạn nào cụ thể,” ông nói. “Đó là một trụ cột căn bản của các chính phủ chuyên chế do họ lúc nào cũng bị ám ảnh về việc bị lật đổ.”
Ông Tập phủ bóng bao trùm lên kỳ họp năm nay của Quốc hội – một cơ quan chủ yếu mang tính chất bù nhìn vốn có tên gọi chính là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Cơ quan này lúc nào cũng chỉ có những đại biểu được lựa chọn dựa trên lòng trung thành tuyệt đối của họ đối với Đảng.
Các Bộ trưởng trao đổi với phóng viên bên lề phiên khai mạc của Quốc hội hôm 5/3 đã nhiều lần nhắc đến Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bộ trưởng Hải quan Nghê Nhạc Phong nói rằng bản thân ông Tập ‘có sự quan tâm lớn đến việc không cho rác rưởi từ bên ngoài tràn vào nước’. Ý ông muốn nhắc đến lệnh cấm nhập khẩu chất thải rắn của ông Tập nằm trong cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc.
“Năm nay tư tưởng là quan trọng nhất,” một nhà ngoại giao phương Tây có mặt tại phiên họp Quốc hội với tư cách nhà quan sát cho biết. “Tất cả là về lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng loại bỏ các cán bộ không trung thành và việc đi xa rời đường lối của Đảng được xem là một vi phạm kỷ luật Đảng sẽ bị Ban Kiểm tra-Kỷ luật trung ương trừng phạt.
Ông Triệu Lạc Tế, chủ nhiệm cơ quan này, trong một bài diễn văn hồi tháng 1 đã tám lần đề cập đến ‘trung thành’ – theo bảo ghi đầy đủ được công bố vào cuối tháng 2.
“Hãy làm gương với lòng trung thành với Đảng,” ông Triệu nói.
Bắc Kinh một mực bác bỏ cuộc chiến chống tham nhũng của họ là chiến lược chính trị hay biện pháp ông Tập dùng để loại bỏ đối thủ. Phát biểu ở Seattle hồi năm 2015, ông Tập nói rằng cuộc chiến chống tham nhũng không phải là ván cờ quyền lực theo kiểu ‘House of Cards’ – loạt phim truyền hình chính trị rất ăn khách trên kênh Netflix.
Nỗi lo sợ sâu sắc hơn của Đảng là một cuộc bạo loạn nào đó hay thậm chí là một sự kiện trong nước hay quốc tế sẽ khiến cho một cuộc khủng hoảng âm ỉ có thể chấm dứt quyền lãnh đạo của họ.
Hồi tháng 1, ông Tập nói với các cán bộ rằng họ phải cảnh giác cao độ trước các sự kiện ‘quạ đen’.
Trong cùng tháng đó, quan chức thực thi pháp luật hàng đầu của Trung Quốc yêu cầu lực lượng công an phải tập trung vào việc chống lại các cuộc ‘cách mạng màu’, tức là nổi dậy của quần chúng, và xem việc bảo vệ hệ thống chính trị của Trung Quốc là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản không hề quan tâm đến cải cách chính trị, và kiên quyết khẳng định các giá trị của Đảng Cộng sản, trong đó có việc tung ra đoạn băng tuyên truyền bằng tiếng Anh trên các tài khoản Twitter của truyền thông nhà nước để ca ngợi ‘nền dân chủ Trung Quốc’. Twitter vẫn bị khóa ở Trung Quốc.
Trong một bài xã luận bằng tiếng Anh hôm 3/3, Tân Hoa Xã nói rằng Trung Quốc quyết tâm đi theo mô hình chính trị của riêng mình và bác bỏ nền dân chủ phương Tây.
“Đất nước này đã bắt đầu học về dân chủ khoảng một thế kỷ trước, nhưng mau chóng nhận thấy rằng nền chính trị phương Tây không phù hợp ở đây. Hàng thập kỷ rối loạn và nội chiến đã diễn ra,” bài xã luận viết.
Trung Quốc huy động ngân quỹ để kiểm soát Biển Đông
Các quan chức ở Bắc Kinh được mong đợi sẽ lấy ngân quỹ từ các nguồn phi quốc phòng trong năm nay để củng cố kiểm soát quân sự trong vùng Biển Đông có tranh chấp sau khi Quốc hội nước này đề xuất giảm chi tiêu quốc phòng chính thức.
Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 7,5% trong năm nay, theo báo cáo dự thảo ngân sách đệ trình lên phiên họp Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm 5/3. Việc tăng ngân sách này sẽ đưa chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc lên mức 177,6 tỷ đô la. Ngân sách này tăng 8,1% hồi năm ngoái.
Nhất quán với tập quán trước đây, chính quyền sẽ bảo vệ và có khả năng sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự áp đảo của họ trên Biển Đông bằng cách huy động ngân quỹ của các cơ quan dân sự và thậm chí của các công ty tư nhân, các học giả cho biết.
“Sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là một nỗ lực toàn diện,” Oh Ei Sun, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, nói. “Nó liên quan đến quân đội nhưng cũng có phần của khu vực tư.”
“Do đó chúng ta có thể thấy sự sụt giảm nhẹ trong các hoạt động thuần là quân sự nhưng các nỗ lực đòi chủ quyền một phạm vi rộng lớn trên Biển Đông thì tôi nghĩ là sẽ vẫn diễn ra,” ông nói.
Các học giả cho biết Hải quân của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã đưa việc kiểm soát Biển Đông thành một ưu tiên với số lượng tàu của họ đã tăng từ 512 trong năm 2012 lên 714 tàu vào thời điểm hiện nay.
Và hải quân Trung Quốc đã được hỗ trợ. Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia (CNOOC) đã hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với việc khoan thăm dò ở những vùng biển có tranh chấp với Việt Nam, và các công ty tư nhân có trụ sở ở Trung Quốc đã bồi đắp đảo để giúp chính phủ có chỗ đứng trên những bãi cát không thể nào cư trú được.
Hai năm trước, Viện Nghiên cứu Thanh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải nói rằng họ sẽ xây dựng ‘mạng lưới quan sát dài hạn’ cho Biển Đông và Biển Đông Trung Hoa. CNOOC và Cục Địa chấn Trung Quốc cũng tham gia vào các cuộc thảo luận về mạng lưới vốn sẽ chia sẻ dữ liệu với các nước khác. Dự án này sẽ củng cố cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết.
“Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc điều hành các doanh nghiệp tích lũy thu nhập để mua các sản phẩm quân sự và các nguồn thu nhập khác có thể được lấy từ bộ khoa học để họ có thể thực hiện khảo sát dưới danh nghĩa ngoại giao khoa học,” ông Stephen Nagy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Công giáo Quốc tế ở Tokyo, cho biết.
Rất nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của quân đội Trung Quốc ‘được phác thảo để có công dụng kép và lấy tiền từ các ngân quỹ phi quốc phòng ở địa phương và quốc gia,’ theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế. Các đơn vị phi quốc phòng phải hoàn trả chi phí cứu trợ thiên tai cho bộ quốc phòng, nghiên cứu cho biết.
Chính phủ Trung Quốc sẽ bán trái phiếu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nếu họ cần thêm tiền, ông Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông nam Á Yusof Ishak ở Singapore, cho biết.
Trung Quốc bỏ kế hoạch
phá ghềnh đá, cù lao trên sông Mêkông
Theo hãng tin Nhật Kyodo ngày 08/03/2019, ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai thông báo Trung Quốc đã chấp nhận bỏ một kế hoạch phá các ghềnh đá và cù lao trên thượng nguồn sông Mêkông, do những quan ngại của các nước hạ nguồn con sông này.
Đây là kế hoạch đã được các nước có liên quan, trong đó có Thái Lan, thông qua từ tháng 12/2016, nhưng việc thực hiện đã bị đình hoãn do gặp sự phản đối từ người dân địa phương và các tổ chức bảo vệ môi sinh.
Theo ngoại trưởng Thái Lan, nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào tháng trước của đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, vấn đề đã được đưa thảo luận và phía Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý bỏ kế hoạch nói trên. Nói cách khác, Bắc Kinh công nhận những quan ngại của các nước Thái Lan, Lào và Miến Điện về những tác hại của việc dùng chất nổ phá các ghềnh đá và cù lao trên sông Mêkông để cho những tàu lớn của Trung Quốc di chuyển dễ dàng hơn.
Ông Don Pramudwinai cho rằng phá các ghềnh đá và cù lao trên sông Mekong sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cư dân dọc theo sông cũng như là môi trường sống của các loài cá trên sông này. Ngoài các tác động về môi trường sinh thái, kế hoạch nói trên có thể sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Mêkông. Ngoại trưởng Thái Lan cho rằng nay đã có những con đường tốt hơn để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến các nước vùng sông Mêkông
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190309-trung-quoc-ke-hoach-pha-ghenh-da-cu-lao-mekong
Tàu sân bay độc nhất Đông Nam Á –
Niềm tự hào của Thái Lan giờ ra sao?
Ngày trở lại đại dương đầu năm 2019, tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet xuất hiện với bộ dạng như “người bị lột sạch đồ” khi không có một máy bay nào trên boong.
Theo các mạng quân sự Thái Lan, khoảng giữa tháng 2/2019, Hải quân Hoàng gia Thái Lan tổ chức một cuộc diễn tập huấn luyện chung lần đầu tiên giữa tàu sân bay Chakri Naruebet (911) và tàu hộ vệ tên lửa HTMS Bhumibol Adulyadej (471).
Đây được gọi là lần đầu tiên bởi vì HTMS Bhumibol Adulyadej (471) mới gia nhập Hải quân Thái Lan hồi đầu tháng 1/2019. Đây là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu DW 3000F mà Thái Lan đặt đóng từ Hàn Quốc.
471 được coi là tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Thái Lan hiện nay, được trang bị vũ khí – điện tử tối tân. Thậm chí, có thể xếp nó vào top 1 ở khu vực Đông Nam Á.
Sự hiện đại của Bhumibol Adulyadej 471 thì đã rõ, tuy nhiên điều khiến người ta quan tâm chính là việc tàu sân bay “độc nhất” khu vực Đông Nam Á tái xuất với bộ dạng không thể “thê thảm” hơn.
Tàu sân bay “không có gì”
Các hình ảnh được công bố cho thấy, HTMS Chakri Naruebet (911) ngày trở lại đại dương với một boong tàu “trống huơ trống hoác”, không có lấy một chiếc máy bay có mặt trên boong.
Dẫu vậy, thực tế thì có vẻ như vẫn có một hoặc hai chiếc trực thăng xuất phát từ HTMS Chakri Naruebet đóng vai trò tiếp tế các trang thiết bị cần thiết cho tàu hộ vệ 471 bằng trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên, điều đó cho thấy xem ra tới thời điểm này, sau 22 năm biên chế, Hải quân Thái Lan chưa thể hình thành một biên đội tác chiến tàu sân bay hiệu quả, hay là dùng Chakri Naruebet như thế nào là tốt nhất?
Trở lại với “sân bay không có gì” trên hàng không mẫu hạm 911, thực ra thì lâu nay người Thái biên chế trên “sổ sách” 8-10 trực thăng săn ngầm SH-70B Seahawk và trực thăng vận tải MH-60S Knighthawk.
Thế nhưng, không phải lúc nào chúng cũng được phép hiện diện đầy đủ nhất trên chiếc tàu sân bay Naruebet.
Cho nên các hình ảnh HMTS Chakri Naruebet 911 xuất hiện với boong tàu với một hoặc hai chiếc máy bay hoặc chẳng có cái nào trở thành “chuyện thường ngày”.
Từng có chiến đấu cơ phản lực!
Thực tế, thời điểm mới biên chế, tàu sân bay Chakri Naruebet (911) được trang bị cả máy bay cánh bằng. Đó là 9 chiếc máy bay chiến đấu AV-8S Matador cũ mua của Tây Ban Nha.
Thế nhưng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 đã khiến cho không chỉ tàu sân bay 911 ảnh hưởng mà khiến cả phi đội AV-8S Matador còn chưa hoạt động hết vòng đời đã bị loại biên chế.
Năm 1999, trong số 9 chiếc chỉ còn duy nhất một chiếc AV-8S có thể bay, Hải quân Thái Lan sau đó cố gắng hồi phục nhưng không thành.
Đến năm 2006, toàn bộ máy bay AV-8S bị đưa ra khỏi danh mục vũ khí biên chế. Kể từ đó, tàu sân bay Chakri Naruebet chỉ còn trực thăng phục vụ.
Vai trò của nó không còn quá nổi bật trong Hải quân Thái Lan, có chăng nó gây sự chú ý mỗi lần xuất hiện với “danh hiệu” – tàu sân bay độc nhất ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, giới chuyên gia hải quân coi Chakri Naruebet là “một trong những du thuyền hoàng gia lớn và đắt nhất thế giới” hơn là tàu sân bay. Truyền thông Thái Lan thì mỉa mai nó là “Thai-tanic”.
Pakistan cáo buộc Ấn Độ lên kế hoạch tấn công bằng tên lửa
Ngày 6.3, Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi tuyên bố nước này “đã phá vỡ âm mưu tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ”.
“Quân đội đã báo động cao sau khi tin tình báo được xác nhận. Các lãnh đạo cấp cao và Bộ Ngoại giao đã góp phần ngăn chặn vụ tấn công”, ông Qureshi tuyên bố.
Vị ngoại trưởng này còn cáo buộc Israel có dính líu tới kế hoạch phóng tên lửa của Ấn Độ từ căn cứ không quân Rajasthan vào 5 vị trí trong lãnh thổ Pakistan. Cả New Delhi lẫn Tel Aviv đều chưa có phản ứng về thông tin này.
Cùng ngày, không quân Ấn Độ (IAF) thông báo đã cung cấp cho Mỹ báo cáo điều tra cùng bằng chứng cho thấy không quân Pakistan (PAF) điều động chiến đấu cơ F-16 phóng tên lửa tầm trung AMRAAM trong cuộc chạm trán tại Kashmir hôm 27.2, theo tờ Times of India.
IAF kêu gọi Washington điều tra vì theo thỏa thuận mua sắm quốc phòng song phương, Pakistan bị cấm dùng vũ khí mua của Mỹ tấn công quốc gia khác, ngoại trừ phòng vệ và chống khủng bố.
Trong khi đó, PAF khẳng định không có bất kỳ chiếc F-16 nào tham gia cuộc không chiến còn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay sẽ thu thập thêm thông tin từ phía Pakistan.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt
giữa Ấn Độ và Pakistan
Giới phân tích lo ngại về nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng nếu hai quốc gia Nam Á để xung đột leo thang thành chiến tranh tổng lực.
Căng thẳng biên giới giữa New Delhi và Islamabad trở nên sôi sục sau khi không quân Ấn Độ ném bom nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Pakistan hôm 26/2 để trả đũa vụ khủng bố khiến 45 binh sĩ thiệt mạng hồi giữa tháng 2. Không quân Pakistan điều tiêm kích đáp trả, làm bùng nổ cuộc không chiến hôm 27/2 trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir, khiến một tiêm kích MiG-21 Ấn Độ bị bắn rơi, phi công bị bắt làm tù binh.
Tình hình tại Kashmir đã hạ nhiệt đáng kể sau khi Pakistan trao trả phi công tù binh, nhưng vẫn xảy ra những vụ pháo kích và chạm súng lẻ tẻ giữa quân đội hai nước. Giới quan sát cảnh báo xung đột có thể leo thang thành chiến tranh quy mô lớn, gây hậu quả cực kỳ thảm khốc nếu các bên liên quan không kiềm chế, nhất là khi Pakistan có thể tung vũ khí hạt nhân để bù đắp chênh lệch về sức mạnh quân sự truyền thống với Ấn Độ, theo National Interest.
Theo bảng thống kê Chỉ số Sức mạnh châu Á do Viện Lowey, Australia công bố năm 2018, chi tiêu quốc phòng hàng năm của Ấn Độ là 48,4 tỷ USD, vượt xa mức 9,7 tỷ USD của Pakistan. Với dân số đông thứ hai thế giới, Ấn Độ sở hữu lực lượng quân đội vượt trội với gần 2,8 triệu binh sĩ chính quy và bán vũ trang, trong khi các lực lượng vũ trang của Pakistan chỉ có tổng cộng chưa đầy một triệu người.
Về lục quân, Ấn Độ có 1,4 triệu binh sĩ thường trực với hơn 3.565 xe tăng chiến đấu chủ lực, 3.100 xe chiến đấu bộ binh, 336 thiết giáp chở quân và 9.719 khẩu pháo các loại. Lục quân Pakistan chỉ có gần
654.000 người, trang bị 2.496 xe tăng, 1.605 xe bọc thép và 4.472 khẩu pháo, trong đó có 375 lựu pháo tự hành.
“Dù quân số lớn hơn, tiềm lực lục quân Ấn Độ thường bị hạn chế bởi vấn đề hậu cần, bảo dưỡng cũng như thiếu thốn về đạn dược”, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của Anh nhận xét trong báo cáo công bố đầu năm nay.
Không quân Ấn Độ có 127.000 binh sĩ và 889 chiến đấu cơ, đa phần mua từ Nga, lớn hơn đáng kể so với Pakistan, nước có 433 chiếc, chủ yếu là tiêm kích mua từ Mỹ và Trung Quốc. Pakistan cũng có 7 máy bay cảnh báo sớm, nhiều hơn ba chiếc so với Ấn Độ.
“Không quân Pakistan đang tích cực hiện đại hóa, đồng thời cải thiện khả năng tấn công chính xác và năng lực tình báo, trinh sát và giám sát (ISR)”, IISS đánh giá.
Về hải quân, Ấn Độ có một tàu sân bay, 16 tàu ngầm, 27 tàu khu trục và hộ vệ hạm, 106 tàu tuần tra xa bờ và gần bờ, 75 chiến đấu cơ, 67.700 binh sĩ gồm không quân hải quân và thủy quân lục chiến. Trong khi đó, hải quân Pakistan có quy mô nhỏ hơn đáng kể khi chỉ có 9 khinh hạm, 8 tàu ngầm, 17 tàu tuần tra và 8 phi cơ.
Tuy nhiên, Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân, điều luôn khiến các cường quốc trên thế giới lo ngại. Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) ước tính New Delhi có khoảng 130 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số này của Islamabad là 140. Cả hai nước đều không tham gia ký Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân năm 1968, cũng như nằm trong số các nước thường xuyên thử vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hai quốc gia Nam Á đều có tên lửa đạn đạo đủ sức mang đầu đạn hạt nhân, có thể phát động các cuộc tấn công chiến lược phủ đầu trên không và trên bộ. Ấn Độ đang biên chế 9 loại tên lửa đạn đạo khác nhau, trong đó mạnh nhất là mẫu Agni-III với tầm bắn 5.000 km. Đây cũng là một trong 5 nước trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình, có thể bí mật đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 700 km.
Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc, Pakistan đã phát triển được các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể tấn công mọi mục tiêu của Ấn Độ, với chủ lực là dòng Shaheen-II có tầm bắn xa nhất lên tới 2.000 km.
Pakistan hồi năm 2011 xác nhận đã có năng lực hạt nhân chiến thuật với các đầu đạn cỡ nhỏ đạt tầm bắn 50-100 km, dùng để đối phó các cuộc tấn công thông thường quy mô nhỏ của Ấn Độ. Việc bổ sung vũ khí hạt nhân chiến thuật giúp Islamabad hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, đối phó học thuyết triển khai lực lượng nhỏ xâm nhập lãnh thổ Pakistan để tránh leo thang căng thẳng của New Delhi.
Theo bảng xếp hạng đánh giá sức mạnh quân sự năm 2018 của trang Global Firepower có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ xếp thứ 4 thế giới về tiềm lực quân sự tổng thể, trong khi Pakistan đứng thứ 17.
“Bị áp đảo về quân số và trang bị, Pakistan nhiều khả năng sẽ phát động các cuộc tấn công phủ đầu quy mô nhỏ nhằm chiếm lợi thế trước khi Ấn Độ kịp tham chiến. Tuy nhiên, Islamabad sẽ khó lòng so sánh với New Delhi trong một cuộc chiến tổng lực dài hơi. Điều này có thể buộc Pakistan sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến sự bùng nổ, dẫn tới nguy cơ một cuộc chiến tranh hủy diệt”, chuyên gia Kyle Mizokami nhận định.
Phần lớn các chuyên gia nhận định rằng các chính trị gia hai nước sẽ nỗ lực hết mình để tình hình không vượt tầm kiểm soát đến mức làm nổ ra chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ vẫn im lặng trước diễn biến căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, một số nhà quan sát vẫn lo ngại rằng kịch bản xấu nhất vẫn có thể xảy ra khi thiếu một cường quốc đóng vai trò “hạ nhiệt” trong tình huống khủng hoảng.