CSVN: Nội bộ vẫn chưa nhất trí
Các thông điệp của Việt Nam trong dịp Đối thoại Shangri-La 13 cho thấy nội bộ VN vẫn chưa nhất trí về đối sách với TQ, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Mỹ.
Theo BBC – 16:20 GMT – Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014
‘Nội bộ Việt Nam vẫn chưa nhất trí’
Các khác biệt trong phát biểu của lãnh đạo Việt Nam xung quanh vụ xung đột Giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông trong dịp diễn ra Đối thoại An ninh khu vực Shangri-La 13 ở Singapore cho thấy ‘nội bộ lãnh đạo’ Việt Nam ‘vẫn chưa nhất trí’, theo một nhà phân tích từ Hoa Kỳ.
Trao đổi với BBC hôm 01/6/2014, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học George Mason, cho rằng phát biểu mới nhất của ông Nguyễn Tấn Dũng tuy bên ngoài cho thấy có sự ‘cứng rắn’ nhưng bên trong bộc lộ ‘Bộ Chính trị’ chưa đồng nhất.
Nhà phân tích nói: “Trước hết là ông Thủ tướng Dũng nói trong khi ông họp Nội các rằng chuẩn bị (cho hành động pháp lý) xong rồi, đó là về vấn đề Nhà nước.
“Thứ hai ông nói thời điểm kiện tùy thuộc Bộ Chính trị. Nó có nghĩa cho đến giờ phút này, Bộ Chính trị chưa nhất trí việc đi kiện.
“Việc đi kiện này chỉ nêu ra hy vọng để Trung Quốc nhân nhượng, có thể hai bên đàm phán riêng với nhau, thì cái đó là một chính sách.”
Trong bài phát biểu của mình tại Shangri-La 13, Bộ trưởng Quốc phòng VN, Tướng Phùng Quang Thanh nói quan hệ Việt Nam với ‘nước bạn láng giềng’ Trung Quốc ‘vẫn tốt đẹp’, ông không hề nhắc tới việc TQ hạ đặt giàn khoan ở khu vực Hoàng Sa như một ‘hành động xâm lược’, đồng thời ông kêu gọi Trung Quốc cùng Việt Nam ‘đàm phán’.
”Để dụ Trung Quốc thôi’
“Tôi không nghĩ đây là một sự hạ giọng, bởi vì đó là chính sách mềm dẻo, một mặt không thể nào – nghĩa là đánh nhau với Trung Quốc thì là vạn bất đắc dĩ. Cho nên ông ấy (Tướng Phùng Quang Thanh) nói làm cho TQ vui lòng, tức là nói đến… quan hệ hai nước hữu hảo tốt, nói như vậy để cho dụ TQ thôi” – GS. Nguyễn Mạnh Hùng
Nhận xét với BBC về thông điệp này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng quan điểm của Tướng Thanh không thể hiện một sự ‘hạ giọng’, ‘đổi giọng’ hay ‘mâu thuẫn’ nào trong lập trường của Việt Nam.
Nhà phân tích nói: “Tôi không nghĩ đây là một sự hạ giọng, bởi vì đó là chính sách mềm dẻo, một mặt không thể nào – nghĩa là đánh nhau với Trung Quốc thì là vạn bất đắc dĩ.
“Cho nên ông ấy (Tướng Phùng Quang Thanh) nói làm cho Trung Quốc vui lòng, tức là nói đến quan hệ hai nước đặc biệt là quan hệ hai nước hữu hảo tốt, nói như vậy để cho dụ Trung Quốc thôi.
“Còn mặt khác, ông vẫn giữ lập trường không có thể chấp nhận thay đổi chủ quyền và tất cả các ông ấy, nhất là ông Dũng (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đều nói là có thể đưa ra tòa án quốc tế, tức là không dùng giải pháp chiến tranh mà nên dùng giải pháp quốc tế.”
Mở đầu cuộc phỏng vấn, Giáo sư Hùng bình luận về thái độ, lập trường và hành động của Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Diễn đàn Shangri-La lần này, ông cũng giải thích vì sao Hoa Kỳ cần phải ‘làm mạnh’ trong vấn đề an ninh khu vực trước các động thái ‘hung hăng’ của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu không đưa ra chỉ dấu ở phần cuối trao đổi cho thấy theo ông khi nào Việt Nam sẽ ‘kiện Trung Quốc’ về vụ Giàn khoan Hải Dương 981 đồng thời về ‘chủ quyền lãnh hải’ ở Biển Đông ra quốc tế, nhưng theo ông Việt Nam nên sớm ủng hộ và phối hợp trong một vụ kiện Trung Quốc với quốc gia láng giềng Đông Nam Á là Philippines.