Con dại, cái mang
- VOA blog – Trân Văn
- 26/02/2018
Hình minh họa. Biểu tình phản đối Hà Nội chặt cây xanh.
Thiên hạ thường bảo gia đình nào đó vô phúc khi cha mẹ rơi vào cảnh cơm không đủ no, áo không đủ ấm mà vẫn phải thắt lưng, buộc bụng, thậm chí cắn răng vay nợ để con cái ăn chơi vô độ, không thèm bận tâm cha mẹ ra sao, tương lai của cả gia đình sẽ như thế nào.
Nếu chỉ vì… giựt le mà lũ con ấy vẫn thản nhiên đẩy cha mẹ vào tình thế càng ngày càng túng quẫn, kiệt quệ, vô vọng hơn về mọi mặt (sức lực, trí lực, tài lực,…), thiên hạ sẽ gọi chúng là phường nghịch tử, quân trời đánh!..
Việt Nam hiện giờ giống như một gia đình vô phúc vì dung dưỡng phường nghịch tử, quân trời đánh quá lâu!
***
Bộ Tài chính Việt Nam vừa gửi chính phủ dự thảo một nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, từ 1 tháng 7 năm 2018, dân chúng Việt Nam sẽ phải trả thêm 4.000 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít dầu diesel, 2.000 đồng/lít dầu mazut (Fuel Oil – FO), dầu nhờn, 2.000 đồng/ký mỡ nhờn (lubricant).
Việt Nam bắt đầu thu thuế bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ (một trong những tác nhân gây nguy hại cho môi trường ) cách nay sáu năm.
Đáng nói là trong khi môi sinh, môi trường càng ngày càng tệ, thuế bảo vệ môi trường vẫn tăng không ngừng.
Dự thảo về nghị quyết thay đổi biểu thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính Việt Nam vừa gửi chính phủ là lần thứ tư trong vòng sáu năm, Việt Nam tăng thuế bảo vệ môi trường, cho dù cả các chuyên gia, doanh nhân và dân chúng đều cùng khẳng định, giới nào cũng đang trong tình trạng “sức cùng, lực kiệt”. Thuế bảo vệ môi trường chưa tăng thì các loại thuế, lệ phí hiện đang thu thông qua việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ cũng đã chiếm 50% giá bán các loại hàng hóa này.
Đầu năm ngoái, các giới ở Việt Nam từng “giãy như đỉa phải vôi” khi chính phủ Việt Nam chuyển dự luật liên quan đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính soạn thảo sang Quốc hội Việt Nam, kèm đề nghị Quốc hội đưa ngay dự luật này vào chương trình làm luật năm 2017 để thông qua – ban hành – thực hiện sớm. Thời điểm đó, Bộ Tài chính dự trù nâng mức thuế bảo vệ môi trường trên một lít xăng trong Luật Thuế bảo vệ môi trường mới lên đến 8.000 đồng.
Lúc đó, chỉ có một điều mà Bộ Tài chính không dè là dự luật sửa đổi Luật Thuế Bảo vệ môi trường bị tất cả các giới tại Việt Nam phản ứng dữ dội.
Các chuyên gia rồi doanh nhân, báo giới thi nhau phân tích: Về lý thuyết, chỉ được sử dụng thuế bảo vệ môi trường để giải quyết những vấn đề liên quan tới môi trường, thành ra không thể chấp nhận thực tế, chỉ chừng 1/4 hoặc 1/3 khoản tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường được dùng đúng mục đích (năm 2016, hệ thống công quyền Việt Nam thu được 42.393 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường nhưng thực chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường chỉ có 12.290 tỉ)…
Áp lực dư luận đã buộc Bộ Tài chính phải “nói lại cho rõ”: Ngoài việc chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường, thuế bảo vệ môi trường mà hệ thống công quyền Việt Nam đã thu còn được sử dụng để “bố trí, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,…”.
Nôm na, thuế bảo vệ môi trường là một thứ… “đầu heo” mà hệ thống công quyền Việt Nam dùng để nấu đủ loại… “cháo”.
Bởi không thể gạt bỏ những phân tích, cảnh báo của nhiều giới (nếu Quốc hội gật đầu, nâng mức thuế bảo vệ môi trường theo đề nghị của chính phủ Việt Nam, giá các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ sẽ tăng thêm khoảng 40%, điều đó sẽ khiến giá các loại hàng hóa, dịch vụ cùng thăng thiên, khó lường được hậu quả về kinh tế, xã hội), Quốc hội Việt Nam làm lơ, chính phủ Việt Nam đành ngậm đắng, nuốt cay để cho dự luật sửa đổi Luật Thuế Bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính soạn thảo bị… “ung”.
Sau khi nỗ lực kiếm thêm 8.000 đồng/lít xăng từ dự luật sửa đổi Luật Thuế Bảo vệ môi trường bất thành, Bộ Tài chính Việt Nam đã dùng cách khác: Dựa vào Luật Thuế Bảo vệ môi trường hiện hành để đề nghị chính phủ Việt Nam ra… “nghị quyết”, nâng thuế bảo vệ môi trường lên mức cao nhất (từ 3.000 đồng/lít xăng như hiện nay lên 4.000 đồng/lít xăng vào đầu tháng 7).
Lần này, Bộ Tài chính tiếp tục nhấn mạnh, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ, đặc biệt là tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cách duy nhất “chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng thu nội địa”.
Việt Nam đang thực hiện “chiến lược cải cách thuế”, theo đó, từ 2006 đến 2010, tỷ trọng thu nội địa chiếm 59% tổng thu ngân sách. Từ 2011 đến 2015, tỷ trọng thu nội địa được nâng lên thành 68% tổng thu ngân sách. Kể từ năm 2015 đến nay, tỷ trọng thu nội địa được nâng lên thành 74% tổng thu ngân sách và đến 2020 tỷ trọng thu nội địa/tổng thu ngân sách chắc chắn sẽ tiếp tục được nâng lên cao hơn.
***
Trong vài năm gần đây, giới lãnh đạo Đảng CSVN và giới lãnh đạo Quốc hội, chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên tục khoe với “đồng chí, đồng bào” rằng, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của họ, “vị thế” của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế càng ngày càng cao. Chỉ trong mười năm, từ 2006 đến 2016, Việt Nam đã ký hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trở thành đối tác của 57 quốc gia.
Trái với giới lãnh đạo hệ thống công quyền Việt Nam, các chuyên gia kinh tế không xem FTA là “thành tích” hay bằng chứng về “vị thế”. Họ thay nhau cảnh báo liên tục rằng, việc ký quá nhiều FTA, bất chấp nội lực của Việt Nam đã kém lại thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho kinh tế Việt Nam.
Tiếc là các chuyên gia kinh tế chỉ có kiến thức, không có quyền quyết định. Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA và đang đàm phán 4 FTA khác…
Cuối năm 2016, Tổng cục Hải quan Việt Nam ước tính, trong năm 2016, Hiệp định Tự do thương mại giữa ASEAN với Hàn Quốc (AKFTA) mà Việt Nam tham gia với tư cách một trong các đối tác đã làm ngân sách Việt Nam thất thu hơn 10.000 tỉ đồng từ thuế nhập cảng xăng dầu.
Cũng vào dịp cuối năm 2016, khi tường trình về ngân sách với Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính giải thích, bội chi trở thành trầm trọng là vì các nguồn thu giảm đáng kể và một trong những lý do khiến các nguồn thu giảm đáng kể là vì tác động của những FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Khuyến cáo, cảnh báo của các chuyên gia về việc ký bừa hàng loạt FTA để có thành tích báo cáo về vị thế – chỉ mở toang cửa cho hàng hóa ngoại quốc tràn vào Việt Nam – giờ đã thành hiện thực. Ký xong các FTA, hệ thống công quyền Việt Nam tìm kiếm cơ hội ký thêm những FTA khác chứ chưa làm bất cứ điều hữu ích nào để hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng xâm nhập các thị trường ngoại quốc.
Đầu năm ngoái, trước làn sóng chỉ trích dự luật tăng thuế bảo vệ môi trường, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính – nơi thay mặt chính phủ soạn thảo dự luật – thú thật, thuế “bảo vệ môi trường” là một “công cụ tài chính” nhằm “ứng phó với xu hướng thất thu thuế nhập khẩu do tham gia các hiệp định thương mại”.
Mới đây, khi đề cập tới đề nghị nâng thuế bảo vệ môi trường lên mức tối đa theo luật hiện hành, một lần nữa, Bộ Tài chính lặp lại lý do: Đó là cách duy nhất để bù đắp khoản thiếu hụt do phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo những FTA đã ký. Có nâng thuế bảo vệ môi trường lên như vậy thì công khố mới có thêm khoảng 15.000 tỉ đồng. Nhờ vậy, cơ cấu thu ngân sách mới có thể chuyển dịch theo hướng “bền vững”.
***
Giá phải trả cho những bằng chứng mà giới lãnh đạo hệ thống công quyền Việt Nam dùng để chứng minh sự “tài tình, sáng suốt” của họ quả là đắt. Tuy nhiên họ không bận tâm vì họ không phải là đối tượng phải trả giá này.
Sẽ không chỉ có thuế bảo vệ môi trường tăng vì càng ngày sẽ càng nhiều FTA có hiệu lực thực thi. Ngoài Trung Quốc, năm nay, rau, củ, trái cây của nhiều quốc gia (Úc, New Zealand,…) cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi xuất cảng sang Việt Nam. Ngân sách lại khiếm hụt và sẽ có thêm nhiều loại thuế, phí mới, nhiều mức thuế, phí mới.
Tháng 8 năm rồi, Bộ Tài chính phải bỏ dở kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) – dự trù sẽ thực hiện từ đầu năm 2019 – nâng tỉ lệ của các sản phẩm, dịch vụ đang chịu thuế VAT từ 5% lên 6%, thu 12% đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT là 10% – vì dư luận, nhân tâm bất lợi song đừng hoan hỉ vì cơ quan này rất “sáng tạo”. Thế nào họ cũng sẽ tìm được cách nào đó như đã từng thay dự luật sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường hồi năm ngoái bằng đề nghị mới nhất, nâng thuế bảo vệ môi trường lên mức tối đa theo luật hiện hành.