Tin trong nước

Tin Biển Đông
RFI đặt câu hỏi: Tàu sân bay Trung Quốc lại tập trận gần Hoàng Sa? Tác giả dẫn tin từ trang East Pendulum, trang mạng của Pháp, về 2 chuyển biến quân sự có liên quan, đang diễn ra gần Biển Đông. Thứ nhất, “tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, chở theo một phi đội chiến đấu cơ, cùng với một hải đội hộ tống, đã rời căn cứ thẳng đường xuống Biển Đông”. Thứ 2, “có tin là lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc cũng được phái xuống vùng Biển Đông”.
“Trong bài viết ‘Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trực chỉ Biển Đông’ đăng ngày 6/1/2018, trang mạng Pháp đã căn cứ vào các nguồn tin từ Đài Loan để vạch rõ hành trình của con tàu Trung Quốc”: Tàu sân bay Liêu Ninh, được hộ tống bởi 5 chiến hạm, đã vượt qua eo biển Đài Loan sáng 5/1/2018, “trên nguyên tắc là để thực hiện loạt tập huấn đầu năm tại vùng Biển Đông”. Khác với năm ngoái, “lần này hạm đội Trung Quốc đã đi dọc theo bờ biển Trung Quốc, thẳng xuống Biển Đông”.
media
Tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh và đoàn tàu hộ tống tập trận ở Biển Đông – Ảnh tư liệu tháng 12/2016. Ảnh: Reuters/RFI
RFA đưa tin: Trung Quốc phản đối Việt Nam kêu gọi Ấn Độ đầu tư vào Biển Đông. Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối như vậy sau khi “đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Tôn Sinh Thành, vào ngày 9 tháng giêng, phát biểu với báo giới nước sở tại rằng Hà Nội hoan nghênh mọi đầu tư từ Ấn Độ vào Biển Đông”. Chỉ là chuyện đầu tư nhưng “chạm nọc” cướp biển với “lý do để xâm phạm điều mà Bắc Kinh cho là quyền lợi hợp pháp tại Biển Đông”.
Ấn Độ là một trong “tứ giác kim cương”, tập hợp quốc gia đang có triển vọng trở thành “NATO của châu Á”, được xây dựng nhằm ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Tướng công an bị bắt vì bảo kê cờ bạc?
Cư dân mạng đưa tin, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, từng là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân Dân, đã bị bắt đêm qua. Ông Vĩnh từng giữ chức Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Nhân Dân, nhiệm kỳ 2014-2017, là nhân vật nổi tiếng trong hai vụ bắt giữ bầu Kiên và sát thủ Lê Văn Luyện. Hiện vẫn chưa thấy báo “lề phải” nào đưa tin về vụ bắt giữ này.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Nguồn: CAND
Về lý do bị bắt, thông tin trên mạng cho biết, ông Vĩnh liên quan tới vụ bảo kê cho hai ổ game cờ bạc trên mạng là Rikvip và Tip.Club. Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết: “Gần tháng trước, trung tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm xùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club“.
Facebooker Nguyễn Hồng viết: “Thời gian ngắn tới thôi, sẽ có thêm vài Tướng công an liên can cùng ‘ngã ngựa’ mà nổi bật nhất là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50)! Ở xứ này, đại ca của giang hồ không phải là giang hồ mà là… công an & quan chức. Có ai còn nhớ các ‘sếp’ của trùm Năm Cam năm xưa là các Tướng Tá nào và các Quan chức nào không nhỉ?
Phiên xử Đinh La Thăng và đồng phạm: Ngày thứ 4
Báo Zing đưa tin: Luật sư của ông Thăng chờ đợi phần tranh luận. Sau khi Viện KS công bố bản luận tội và các mức án đề nghị, LS Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho ông Thăng, cho rằng: “VKS gần như chỉ tóm tắt lại cáo trạng, chưa có căn cứ xác đáng”. Theo LS Thiệp, “hành vi người thực hành lại quy kết cho người đứng đầu chịu trách nhiệm chính”, chủ thể sai phạm trong trường hợp này là chủ đầu tư và nhà thầu.
Đến 17 giờ 30 chiều 11/1/2018, LS Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, đề nghị xem xét chuyển tội danh: “Hành vi của ông Thanh là ‘thiếu trách nhiệm’ nên cần phải xem xét ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thay vì Tham ô tài sản”.
Sau khi ông Thăng khai: “Việc chỉ định PVC làm nhà thầu của nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị”, báo VietNamNet vội viết: Thực hư thông tin Bộ Chính trị chỉ đạo chỉ định thầu nhà máy nhiệt điện. Mục đích của toàn bộ bài viết nằm trong đoạn: “Văn bản Kết luận số 41 của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006 không có nội dung chỉ đạo xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; và càng không có chỉ đạo chỉ định thầu đối với công trình này”.
VOA đưa tin: Đề nghị mức án chung thân trong đại án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. Về mức án chung thân được đề nghị áp dụng cho Trịnh Xuân Thanh, bà Schlagenhauf, luật sư người Đức của Thanh, bình luận: “Mức án tù chung thân nghe có vẻ đỡ hơn là tử hình”.
Theo bà Schlagenhauf, mức án này, và cả phiên tòa, đã được “lập trình” từ trước, “tôi tin rằng mục đích buộc (ông Thanh) nhận tội đã được khẳng định trước khi quy trình tố tụng bắt đầu”. Trước đó, LS Schalgenhauf nhận định, “án chung thân là rõ ràng đối với ông Thanh” trong một phiên tòa “không công bằng”.
Báo Người Việt đưa tin: Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh thoát án tử hình. Bên cạnh những thông tin đã xuất hiện trên báo chí trong nước tối 11/1/2018, tác giả lưu ý: “Ông Đinh La Thăng khi lọt vào được Bộ Chính Trị… người ta nhìn thấy ông như một ngôi sao đang lên. Nhưng các cuộc điều tra đánh tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng nhắm vào phe cánh cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… đã đẩy ông vào nhà tù”.
RFA bình luận: Mức án trong vụ Thăng – Thanh: ‘Đã định trước trong phiên toà biểu diễn’. Sau khi Viện KS công bố các mức án đề nghị, LS Phan Trung Hoài, người bào chữa cho ông Đinh La Thăng, “trả lời phỏng vấn báo trong nước cho biết, ông bất ngờ với bản luận tội của VKS vì có nhiều nội dung không giống với bản cáo trạng đã truy tố các bị cáo”. RFA đã liên lạc với LS Hoài, “nhưng ông gác máy khi chúng tôi vừa nêu câu hỏi”.
Nhà báo Võ Văn Tạo, “với kinh nghiệm 8 năm làm hội thẩm”, nhận định rằng, đây là phiên tòa không công minh: “Cái người lớn nhất, tập thể hay cá nhân cao nhất trong việc này tại sao không ra hầu toà?”. Trước đó, trong phiên xử sáng 9/1/2018, ông Đinh La Thăng khai rằng chuyện chỉ định thầu “do chủ trương của Bộ Chính trị”.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy đặt câu hỏi: Đại án Đinh La Thăng: Hiện tượng hay bản chất? Về bản chất, tham nhũng được tạo thành bởi chính “lực nội sinh” của thể chế chính trị ở Việt Nam: “Tham nhũng sinh ra do những quy định về quản lý còn quá nhiều kẽ hở. Mặt khác, các nhóm lợi ích cấu kết với nhau, quấn vào nhau thành sâu một búi nên tha hồ hoành hành, rất khó có thể làm gì được chúng”.
Bác Tổng mở chiến dịch “đốt lò” để trừng phạt một số cá nhân tham nhũng, nhưng bác làm ngơ những “lỗi hệ thống” nuôi dưỡng nạn tham nhũng. “Chế độ Việt Nam hiện nay không thừa nhận tam quyền phân lập. Không có cơ chế kiểm soát lẫn nhau là môi trường thuận lợi cho tham nhũng và các tệ nạn khác phát triển”.
 
Phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê sau ngày thứ 4
Một số diễn biến mới tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và Trầm Bê: Ông Đoàn Ánh Sáng, một trong 3 “đại gia” liên tục vắng mặt mấy ngày qua, đã xuất hiện ở tòa. Trước câu hỏi của Viện KS: “Giả sử đây là nguồn tiền do phạm tội mà có ông nghĩ như thế nào về việc khắc phục hậu quả này?”, ông Sáng trả lời, ông “không biết nguồn tiền này ở đâu, đến hạn trả nợ tài khoản doanh nghiệp đang có nợ vay thì BIDV chỉ biết thu nợ”.
Về chuyện lập hồ sơ khống cho 6 “công ty ma”, một loạt nhân viên của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh, “bao gồm các bảo vệ, lái xe… được ông Danh thuê đứng tên làm giám đốc đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc”. Ông Phạm Công Danh đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh của những người này. Ngày làm việc thứ 4 của phiên tòa kết thúc với phần xét hỏi bị cáo Phan Thành Mai về “hồ sơ khống vay 4.700 tỉ đồng của BIDV”.
Chuyện “củi mạ nhôm”
Trang VOA cho biết: Thủ tướng Phúc lên tiếng về Vũ ‘nhôm’ và công sản. Chuyện mua bán đất công sản là trường hợp tiêu biểu cho những quan hệ kinh tế – chính trị mờ ám ở Việt Nam, “nhất là những vụ mua bán công sản có liên quan tới Phan Văn Anh Vũ, người được dân Đà Nẵng gọi là ‘trùm mafia’”.
Tác giả ghi nhận: “Ông Vũ, từng sở hữu 3 công ty được cho là công ty bình phong của Bộ Công an cũng như có cổ phần trong nhiều công ty khác. Theo thống kê của truyền thông trong nước, ông Vũ được cho là mua bán khoảng 30 ngôi nhà công sản ở Đà Nẵng qua 5 đời chủ tịch tỉnh”.
Về thông tin “Vũ nhôm là thượng tá công an”, trang RFA đặt câu hỏi: Ông Vũ “Nhôm” làm việc cho Bộ Công An, hay một số sĩ quan Công an? Đến nay, ông Trương Quang Nghĩa vẫn là quan chức nhà nước duy nhất thừa nhận vai trò sĩ quan công an của Vũ: “Ở đây có Vũ ‘nhôm’ mà mọi người đang nói thì ở ngoài bắc, trong quân đội có nói về Út ‘trọc’, cũng thượng tá cả. Quan điểm là người của ai thì đơn vị đó phải xử lý”.
RFA dẫn một nguồn tin giấu tên từ truyền thông trong nước: “Ông Vũ chỉ là một doanh nhân bình thường nhưng được một số người trong ngành công an đưa vào cái vỏ bọc nhân viên tình báo để kinh doanh cho họ, chứ ông cũng không phải là người hoạt động kinh tài cho Bộ Công an”.
Khi quan Đảng làm kinh tế
Blogger Phương Thơ bàn về những “quả đấm thép” to lớn nhất của Đảng. “Tôi rất lấy làm đang lo ngại và ghê tởm là nó chứa đầy những lỗ hổng về ban quản trị CEO các đại công ty quốc doanh này”. Lực lượng “lãnh đạo làm kinh tế” chủ yếu lấy số lượng bù chất lượng, và nhân sự nhiều khi được huy động từ “ban bí thư cấp tỉnh rồi ban bộ cấp trung ương chỉ định”, nghĩa là để những người “hồng hơn chuyên” làm kinh tế.
Tác giả cảnh báo rủi ro kinh tế từ các “quả đấm thép”: “tài chính ngân hàng, rồi chứng khoán, và kinh doanh linh tinh caqcs nghiệp vụ khác đều neo vào sự rủi ro về tỷ giá hối đoái”.
Nỗ lực kiểm soát truyền thông của đảng
Trang Infonet đưa tin: Facebook sẽ xây dựng kênh riêng để giải quyết các vấn đề Việt Nam yêu cầu. Tin cho biết, hôm qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã gặp và làm việc với đại diện Facebook, yêu cầu “gỡ bỏ tài khoản giả mạo của tổ chức, cá nhân và các nội dung rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp“.
Bài viết có đoạn: “Hơn 670 tài khoản Facebook giả mạo, những thông tin tuyên truyền xuyên tạc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Việt Nam được gỡ bỏ là nỗ lực rất lớn của Facebook, nhưng vẫn còn nhỏ so với con số Việt Nam gửi Facebook yêu cầu gỡ bỏ (5.000 tài khoản vi phạm)“.
Đáp lại, ông Damian Yeo cho biết: “trong năm 2018, Facebook sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Chính phủ Việt Nam để xử lý thông tin bị cho là xấu độc trên toàn cầu, cùng xây dựng môi trường Internet phát triển lành mạnh”.
Áp lực từ người dân khiến BOT tạm “lùi bước”
Kết quả từ phong trào “bất tuân dân sự” của các tài xế trong 2 tuần đầu năm 2018: Nhiều trạm BOT nhượng bộ khi tài xế phản đối mạnh. Tác giả dẫn lời đánh giá của một tài xế tham gia các hoạt động phản đối BOT: “Các trạm BOT chỉ tìm cách ‘xoa dịu’, ít có khả năng các trạm đó sẽ di dời”.
Bất chấp các nỗ lực thỏa hiệp hoặc đe dọa ngầm từ phía lãnh đạo ngành giao thông và các chủ đầu tư BOT, cánh tài xế càng đấu tranh quyết liệt hơn: “ít nhất 4 ngày trở lại đây đã có tình trạng nhiều lái xe dừng ô tô ở tất cả các làn thu phí dẫn đến kẹt xe kéo dài, hoặc một số xe đâm gẫy các thanh chắn rồi đi qua, ngoài ra cũng có trường hợp người dân và người đi xe khách tháo bỏ thanh chắn để xe khách đi qua”.
Bất ổn ở kho đạn quân đội
Sau vụ nổ kho đạn ở cao nguyên trung phần Việt Nam, Bộ Quốc phòng thông tin vụ nổ kho đạn ở Gia Lai. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, đơn vị quản lý Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 cho biết: “Khu vực nổ là kho đạn của lữ đoàn, nằm cách biệt so với khu vực đóng quân. Kho đạn này có tường rào kiên cố bao quanh, cách khu dân cư khoảng 2 km”. Đến giờ, Bộ Quốc phòng vẫn chưa công bố được nguyên nhân vụ nổ.
***

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VOA có bài về nghi vấn gian lận bầu cử Mỹ 2016 với tựa đề: TT Trump nói FBI theo dõi chiến dịch tranh cử của ông. Bài viết cho biết, Trump công kích việc FBI đang điều tra về chiến dịch tranh cử của ông hồi năm 2016, dù ông không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.
Ngoài chuyện vu cáo FBI, Trump còn công kích cựu đối thủ của mình là bài Clinton khi ông ta viết trên Twitter như sau: “Hồ sơ được dùng để theo dõi chiến dịch của Trump, liệu FBI có sử dụng công cụ tình báo để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử? Liệu các thành viên Dân chủ hay bà Clinton có chi tiền cho Nga? Máy chủ của Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ giấu ở đâu? Những email mà bà Hillary gian trá giấu giếm đâu rồi? Thật là một mớ bòng bong!”
Theo các nhà quan sát, chính quyền Trump dự kiến sẽ đưa ra chiến lược hạt nhân mới, đó là học thuyết hạt nhân mới mang quan điểm diều hâu hơn. Theo nhiều đồn đoán và đánh giá, chiến lược hạt nhân mới của Mỹ nhằm đối phó và răn đe trước sự hung hăng của Bắc Hàn và Nga.
Trong chiến lược hạt nhân mới này, Mỹ sẽ nới lỏng và mở rộng các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, giúp linh hoạt hơn mỗi khi cần sử dụng. Ngoài ra, học thuyết này cho phép Mỹ phát triển thêm các loại đầu đạn hạt nhân mới. Theo các chuyên gia, học thuyết mới này của Mỹ sẽ “tác động tiêu cực tới sự ổn định chiến lược toàn cầu”.
TTXVN đưa tin: Lo ngại khủng bố, Mỹ khuyến cáo công dân không tới PakistanBộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra khuyến cáo này, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Pakistan đang lâm vào bế  tắc. Căng thẳng giữa Washington và Islamabad ngày càng leo thang, đặc biệt là sau khi Mỹ cắt viện trợ cho Pakistan và Islamabad dừng hợp tác quân sự, tình báo với Mỹ.
Bá quyền Trung Quốc
Trong cuộc họp báo sáng 11/1 tại Bắc Kinh, ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói: Trung Quốc phản đối dự luật ủng hộ Đài Loan của MỹÔng Lục cho rằng “Hoa Kỳ phải tôn trọng quy định đã ký kết là chỉ có một nước Trung Hoa, và gọi việc làm của Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Liên Bang Mỹ là hành động cố ý can dự vào chuyện nội bộ của Hoa Lục“.
Trong khi đó, báo Tân Hoa Xã của Trung Quốc lên án việc Mỹ thông qua hai dự luật “thân Đài Loan”, và còn đe dọa “việc thông qua hai dự luật này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington”. Đài Loan đã “lên tiếng ca ngợi 2 dự luật mới được thông qua“.
Báo Một Thế Giới có bài viết với tựa đề: Tham vọng ‘Một vành đai, Một con đường’ và những trục trặcTheo bài viết, dự án khổng lồ có giá 1000 tỷ USD, kết nối qua 65 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi không hề dễ dàng. Những trục trặc mà Bắc Kinh gặp phải hầu hết đến từ các quốc gia liên quan.
Dự án khổng lồ “Con đường tơ lụa” mới này của Trung Quốc, gặp phải sự khó chịu từ Mỹ, Ấn Độ và cả Nga. Các quốc gia này lo ngại, dự án lấy Trung Quốc làm trung tâm này sẽ sói mòn tầm ảnh hưởng của họ. Bài viết cũng chỉ ra những bất lợi khi “chơi” với Trung Quốc như: Vay vốn bị xử ép, sự tham lam quá mức của đế quốc đỏ, vấn đề môi trường, công nghệ Trung Quốc. Đặc biệt, làn sóng người dân phản đối sự bành trướng của Bắc Kinh tại những nước dự án đi qua cũng khá quyết liệt.
Triều Tiên: Căng thẳng hạ nhiệt
RFI đưa tin: Donald Trump không loại trừ đàm phán trực tiếp với Bình NhưỡngTheo bài viết, trong cuộc điện đàm với TT Hàn Quốc, Moon Jae-in, ông Donald Trump cho biết: Mỹ không loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp với Bắc Hàn, khi điều kiện cho phép.
Ông Trump nói, “sẽ không có các hoạt động quân sự (từ phía Mỹ) trong thời gian diễn ra đối thoại liên Triều”. Như vậy là căng thẳng ở Triều Tiên đã phần nào được hạ nhiệt, kể cả các cuộc đấu khẩu của Trump và Kim Jong-un cũng giảm hẳn. Trước đó, cuộc đối thoại liên Triều đã diễn ra với những thành công nhất định. Phía Hàn Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc gặp thượng đỉnh.
Trung Đông: Bãi thử vũ khí của Nga
Báo Người Lao Động có bài viết nêu một thực tế ở Syria, với tựa đề: Nga đạt mục đích ở Syria: Thử nghiệm 200 mẫu vũ khíTheo bài viết, những nhà thiết kế các hệ thống vũ khí Nga đã được đưa đến Syria để giám sát “sản phẩm” của họ hoạt động ra sao.
Trong khi đó, Putin không hề che đậy hay giấu giếm khi cho rằng “Syria là chiến trường để thử nghiệm vũ khí Nga“. Và vị tổng thống-Sa hoàng không ngai này còn nói thêm: “Hoạt động trong nhiều điều kiện chiến đấu đã khẳng định các đặc điểm chất lượng cao của vũ khí Nga. Tính ưu việt truyền thống của nó chính là sự đơn giản trong hoạt động và độ tin cậy trong ứng dụng“.
Như vậy, với chiêu bài chống khủng bố nhưng thực chất là để bảo vệ chế độ độc tài Bashar al-Assad, Nga đã biến nơi đây thành bãi thử vũ khí của họ. Tất nhiên, Putin chống khủng bố một phần, phần còn lại là các cuộc thử nghiệm “khả năng chiến đấu” của vũ khí Nga. Đối tượng bị nhắm tới là những người chống Bashar al-Assad và rất nhiều dân thường. Theo các tổ chức Nhân quyền quốc tế, Nga đã giết hại hàng chục ngàn dân thường ở Syria trong các cuộc “thử súng”, bao gồm cả vũ khí hóa học.
TTXVN đưa tin, Israel duyệt kế hoạch xây thêm hàng trăm nhà định cư tại Bờ TâyChính quyền dân sự Israel ở Bờ Tây, đã phê duyệt kế hoạch hoàn thiện 352 căn nhà định cư mới ở Bờ Tây. Một chương trình thúc đẩy tiến độ hoàn thiện 770 căn nhà định cư cho người Do Thái, nằm sâu trong lãnh thổ Palestine, cũng được thông qua.
Palestine luôn phản đối kế hoạch định cư của Israel. Các quốc gia khác, đa số đều phản đối việc Israel gia tăng xây các khu định cư ở Bờ Tây. Theo bài viết, hiện có khoảng 500.000 người Israel đang sống tại Bờ Tây và Đông Jerusalem.
***

Bản tin sáng 12-1-2018