APEC 2017 với những vấn đề sẽ nêu
Lan Hương, RFA
2017-10-13
Sáng ngày 12/10, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS diễn ra buổi hội thảo bàn về nội dung và kế hoạch cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam tháng 11 tới đây. Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hạ viện Hoa Kỳ, đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và các chuyên gia về APEC.
APEC năm nay theo kế hoạch sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, với 63 thành viên từ 21 nền kinh tế của châu Á.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh nhận định rằng APEC đã mang lại nhiều thành tựu tích cực cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên ông cho rằng APEC năm nay sẽ phải đối diện với nhiều thách thức do những thay đổi trong khu vực và trên thế giới:
Những thách thức này bao gồm sự phát triển của công nghệ, sự phát triển năng động của khu vực trong đó có các tầng lớp cấu trúc khác nhau trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và mối quan tâm về toàn cầu hóa như các ưu tiên khác nhau được các chính phủ khác nhau đặt ra.
Ngoài ra ông cũng cho rằng sự thay đổi về địa chính trị trong khu vực và thế giới cũng là một thách thức cho APEC năm nay. Theo ông đây là một vấn đề ảnh hưởng đến chiến lược và kinh tế của khu vực.
Về các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thảo luận trong APEC, ông Vinh tiết lộ:
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập, chúng tôi sẽ đề cập đến những cải cách cơ cấu; Cải tiến, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số, ví dụ như xây dựng một cộng đồng bền vững và hòa nhập, và hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ bàn bạc việc hướng tới các mục tiêu, tầm nhìn sau năm 2020 và hướng tới FTA (Hiệp định Tự do Thương mại) ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và hỗ trợ cho hệ thống thương mại và kết nối đa phương.
Thứ ba là củng cố khả năng cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMBs) trong thời đại kỹ thuật số, cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp này vào chuỗi giá trị toàn cầu, tương tác số, và đổi mới.
Chúng tôi sẽ đề cập đến những cải cách cơ cấu; cải tiến, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số, ví dụ như xây dựng một cộng đồng bền vững và hòa nhập, và hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn.
– Đại sứ Phạm Quang Vinh
Một ưu tiên nữa ông Vinh nêu ra đó là việc tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với mực nước biển dâng cao vì vậy rất cần sự trợ giúp từ quốc tế.
Liên quan đến vấn đề này, ông cho biết APEC sẽ thảo luận về an ninh lương thực, quản lý tài nguyên, phát triển nông thôn/đô thị, đầu tư vào nông nghiệp, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm,…
Đại sứ Matthew J. Matthews, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách APEC nói rằng việc Tổng thống Trump tham gia APEC năm nay thể hiện cam kết tham gia vào sự phát triển kinh tế khu vực châu Á của Hoa Kỳ.
Ông cho biết các lĩnh vực Hoa Kỳ sẽ ưu tiên bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới này:
Chúng tôi phối hợp với Việt Nam, Nhật Bản và các thành viên APEC khác để nhấn mạnh và triển khai những ưu tiên bao gồm thương mại kỹ thuật số, cải cách cơ cấu, các điều kiện thuận lợi cho thương mại, khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ và vấn đề phụ nữ tham gia phát triển kinh tế.
Có nhiều vấn đề kinh tế cần quan tâm nhưng chúng tôi nhấn mạnh đến những yếu tố này vì chúng tôi tin rằng đây là những yếu tố chính để tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào thế kỷ XXI.
Theo ông Matthews, sự tương tác giữa Mỹ và APEC quan trọng vì đã mang lại 2,8 tỷ khách hàng, 60% tổng GDP toàn cầu. Kim ngạch thương mại và dịch vụ hai chiều 2015 năm đạt 2,9 ngàn tỷ đô la. Tổng đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực là 845 tỷ đô và đem lại 4,2 triệu công ăn việc làm cho người Mỹ và con số này sẽ tăng lên nếu Washington tiếp tục phối hợp với APEC.
Về thương mại kỹ thuật số ông nhận xét rằng đây là ngành có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng ẩn chứa nhiều thử thách. Các công ty Mỹ ngày càng lo ngại về hàng rào thương mại kỹ thuật số và muốn các quốc gia có thể hợp tác để xóa bỏ những hàng rào này để họ có thể tối ưu hóa khả năng trao đổi thương mại:
Những hàng rào này bao gồm yêu cầu bắt buộc địa phương hóa, các giới hạn về dòng chảy tự do của dữ liệu,…sẽ ngăn cản phát triển xuất khẩu trong lĩnh vực năng động này.
Chúng tôi muốn nhân cơ hội tham gia vào APEC để chỉ ra những hàng rào này và đưa ra những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và khuyến khích các nền kinh tế cam kết duy trì cố định một không gian mạng miễn thuế.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết năm 2014 Hoa Kỳ xuất khẩu khoảng 400 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số.
Bộ này cũng cho biết nền thương mại kỹ thuật số tạo ra hơn 8 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và kéo theo ngành kinh doanh truyền dữ liệu đạt 2,8 nghìn tỷ USD.
Các Bộ trưởng thương mại APEC gặp nhau vào tháng Năm, 2017 để chuận bị hội nghị APEC vào tháng 11, 2017. AFP
Theo ông Matthew, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của APEC năm nay, là do hiện tại phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới nhưng tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế còn rất hạn chế:
Mục tiêu là xóa bỏ những rào cản khiến phụ nữ cảm thấy mặc cảm về khả năng hay ngăn cản họ trong việc theo đuổi những cơ hội tham gia phát triển kinh tế.
Về cải cách cơ cấu, ông cho biết APEC sẽ thảo luận về cách thức tăng cường tính minh bạch liên quan đến vấn nạn tham nhũng trong phát triển kinh tế.
Nước chủ nhà Việt Nam cũng là một quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực. Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2016 cho biết Việt Nam xếp thứ 2 về tham nhũng trong khu vực châu Á, chỉ sau Ấn Độ.
Mục tiêu là xóa bỏ những rào cản khiến phụ nữ cảm thấy mặc cảm về khả năng hay ngăn cản họ trong việc theo đuổi những cơ hội tham gia phát triển kinh tế.
– Matt Matthews
Trả lời phỏng vấn đài RFA, ông Yasuhiko Yoshida, Chuyên gia cao cấp về APEC, đồng thời cũng là Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thương mại thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết về sự khác biệt giữa APEC năm nay so với các năm khác:
Năm ngoái chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu chiến lược toàn diện. Đây sẽ là cơ sở để chúng tôi thực hiện tự do hóa đầu tư và thương mại tại châu Á. Vì vậy chúng tôi đã sẵn sàng để bàn thảo về các vấn đề chiến lược và hiểu sâu hơn về các vấn đề như dịch vụ kỹ thuật số chẳng hạn. Đây sẽ là một cơ hội lớn cho các nền kinh tế thành viên APEC để thảo luận về các lĩnh vực kinh tế một cách kỹ lưỡng như chuyện đầu tư chẳng hạn.
Khi được hỏi rằng là một quốc gia thành viên, ông nhận thấy APEC lần này có ý nghĩa như thế nào với nước chủ nhà Việt Nam, ông Yoshida cho biết:
Đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam khi là nước chủ nhà, dẫn đầu buổi hội nghị. Chúng tôi đang bàn bạc với Việt Nam về cách đạt hiệu quả về hội nhập kinh tế khu vực. Đặc biệt với Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước và giúp đỡ Việt Nam thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đang hoàn thành quá trình bình duyệt nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Và chúng tôi cũng sẽ đào tạo xây dựng năng lực cho người Việt.
Cục đầu tư Nước ngoài của Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2017, Nhật Bản là quốc gia có nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, đạt 5,08 tỷ đô la, chiếm 26,45 % tổng vốn đầu tư. Hiện Nhật đang mở rộng đầu tư công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, và ở một số khu kinh tế như Đồng Nai, Nhật chủ yếu đầu tư công nghiệp hỗ trợ.
Vừa qua, nhà Trắng đã ra thông cáo cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ tới dự APEC tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm châu Á kéo dài từ ngày 3/11 đến ngày 14/11. Trong chuyến đi này, Tổng thống Trump cũng sẽ thăm các quốc gia Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc.
Theo kế hoạch mà ông Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh chia sẻ thì từ ngày 8/11 đến 10/11 Việt Nam sẽ buổi giao lưu giữa các nước thành viên APEC. Sau đó là buổi đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và các lãnh đạo APEC vào chiều ngày 10/11. Tiếp đó hội nghị giữa các lãnh đạo APEC sẽ diễn ra trong cả ngày 11/11.
Chủ đề của buổi hội nghị này sẽ là phát triển sáng tạo, công ăn việc làm ổn định trong thời kỳ kỹ thuật số. Phần thứ hai là những động cơ phát triển thương mại, đầu tư và kết nối kỹ thuật số. Và phần cuối là nuôi dưỡng một tương lai chung.