Bản tin ngày 10/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin ngày 10/10/2017

Báo Tiếng Dân

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Tuổi Trẻ có bài: Thượng cờ 2 tàu tên lửa tấn công nhanh do Việt Nam đóng. Sáng hôm qua, tại căn cứ Vùng 2 Hải quân đã tổ chức lễ thượng cờ 2 tàu mới, lớp Molniya, do Việt Nam đóng, số hiệu 382, 383. Đây là lần đầu tiên có sự hiện diện của những người tại Tổng Lãnh sự Liên bang Nga ở Sài Gòn, cùng các đối tác Nga tham gia đóng tàu.

Một cặp tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya – Ảnh: My Lăng/ báo TT

 

Báo Thanh Niên tiếp tục loạt bài của nhà báo Mai Thanh Hải: ‘Ong thợ’ Trường Sa: Vụ nổ lịch sử mở luồng Đá Lớn. “Sau sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đánh chiếm Gạc Ma và một số đảo chìm, bãi cạn của VN ở quần đảo Trường Sa ngày 14.3.1988, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương tìm cách đưa tàu chiến đấu ra trực tại Trường Sa để răn đe, giảm sự uy hiếp của Trung Quốc“. Mời đọc lại bài 1: ‘Ong thợ’ Trường Sa: Dựng nhà giữ đảo.

CLB bóng đá No-U ra sân lần thứ 252 vào chiều Chủ Nhật ngày 8/10/2017 tại Sân bóng C500 – Học viện An Ninh, mặc dù luôn bị công an “cấm cản gắt gao trên toàn địa bàn Hà Nội”.

Ảnh: No-U FC

Mời đọc thêm: Chiến hạm ‘Tia chớp’ bảo vệ chủ quyền (TN). – Cơ hội và thách thức từ Vành đai và Con đường của Trung Quốc (VNE). – Philippines “bắt cá nhiều tay”, vẫn coi Mỹ là đồng minh số 1 (VNE).

– Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9, biển động mạnh, ngư dân tức tốc đưa thuyền vào bờ (DV). – Quảng Bình: Còn 177 tàu thuyền hoạt động trên biển (SGGP). – Hà Tĩnh cấm biển, dừng họp để ứng phó áp thấp nhiệt đới (MTG).

Quan hệ Việt – Mỹ

RFA có bài: Trump hay không Trump tại APEC 25 không quan trọng cho quan hệ Việt Mỹ. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: “Sự tham gia của Tổng thống Mỹ (tại) diễn đàn này thì cũng hạn chế thôi, không có cái gì thật sự gọi là mới mẻ trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ. Việc đấy sẽ được giải quyết trong khung cảnh khác”.

Do APEC chỉ là một diễn đàn để trao đổi sáng kiến về kinh tế giữa các nước thành viên, không phải là một cuộc họp đi đến những quyết định song phương hay đa phương, nên những gì sẽ diễn ra ở APEC sắp tới, không ảnh hưởng nhiều tới quan hệ Việt – Mỹ.

Việt – Campuchia

Việt Nam lên tiếng về vụ chính quyền Campuchia thu hồi giấy tờ tùy thân của 70.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia, BBC cho biết: VN muốn Campuchia ‘đảm bảo quyền lợi người gốc Việt’.

Dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam mong muốn Campuchia đảm bảo “quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người Campuchia gốc Việt”. VOA: Hà Nội lên tiếng vụ Campuchia ‘tước’ giấy tờ người gốc Việt.

Nhân quyền ở Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có bài: Tiếng kêu cứu từ trại giam An Phước – Bình Dương. Đó là trường hợp tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy, quê Bến Tre. Bà Thúy bị phát hiện khối u tử cung và u não, nhưng không được lãnh đạo trại giam An Phước đưa đến cơ sở y tế chữa trị, khiến sức khỏe bà suy sụp nghiêm trọng.

Được biết, bà Trần Thị Thúy đang phải chịu án tù 8 năm về cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Bà là 1 trong số 84 tù nhân lương tâm, được Tổ chức Ân xá Quốc tế gửi danh sách tới chính phủ CSVN hồi năm ngoái, kêu gọi có hành động khẩn cấp, thế nhưng đã một năm trôi qua, không thấy có thông tin phản hồi gì từ nhà cầm quyền.

Facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà có bài: Không phải thời của thương cảm. Mỗi khi có một nhà hoạt động bị bắt, những người bên ngoài thường dừng lại ở các hành động này rồi sau đó quên lãng: “Đưa thông tin bị bắt. Lên án nhà cầm quyền. Tuyên bố, đòi tự do cho người bị bắt. Viết, kể chuyện về người bị bắt với rất nhiều thương cảm và xót xa, nước mắt… nhất là khi người bị bắt là phụ nữ, có con nhỏ“.

Tác giả cho rằng, thay vì thương cảm, mọi người cần bỏ qua mâu thuẫn, ngồi lại với nhau, để có thêm sức mạnh đối phó với hành động đàn áp của nhà cầm quyền, nhằm “triệt tiêu phong trào, dập tắt mọi phản kháng. Và họ thực hiện việc đó một cách bài bản, quyết liệt, tàn bạo“.

RFA đưa tin: Nghệ An: Bất ổn không được giải quyết tại giáo họ Đông Kiều. “Một số giáo dân tại giáo họ Đông Kiều thuộc xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vừa bị những thành phần bất hảo tấn công, đập phá; trong khi đơn tố cáo của các linh mục giáo hạt Đông Tháp chưa được cơ quan chức năng địa phương giải quyết“.

Mời xem lại clip giáo họ Đông Kiều bị tấn công trước đây, hôm 19/9:

 

Hội nghị Trung ương 6

Báo Thanh Niên có bài: Bộ máy cồng kềnh, ngốn tiền ngân sách. Không chỉ cồng kềnh, mà còn làm việc không hiệu quả, tiêu hết nguồn lực phát triển. Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 3 triệu công chức, viên chức (CCVC) hưởng lương ngân sách, tương đương với 1.000 dân nuôi 30,5 CCVC, quá cao so với khu vực như Indonesia, Philippines và Singapore.

TS Cao Sĩ Kiêm, cựu Thống đốc NHNN cho rằng, nếu cứ tiếp tục phải nuôi bộ máy cồng kềnh như thế này, thì sẽ đến lúc trần nợ công bị phá vỡ. Lúc đó, “người dân đi làm chỉ để trả nợ, Chính phủ thì phải vay tiền về để chi ăn, chi nuôi CCVC”. Ông Kiêm đề nghị, cần gấp rút tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy nhà nước cho gọn nhẹ, làm việc hiệu quả, theo cơ chế giải trình trách nhiệm cao.

Báo VnExpress có bài: Những đề xuất cải cách bộ máy liên quan đến 3 triệu biên chế. Ngoài các đề xuất: Xác định trách nhiệm người đứng đầu; giảm tầng nấc báo cáo; quy định rõ số lượng cấp trưởng, phó… còn có đề xuất thí điểm thực hiện chuyển cơ chế quản lý viên chức sang chế độ hợp đồng lao động.

Báo NLĐ có đồ họa: Ngân sách cạn kiệt vì… biên chế:

Đồ họa: Báo NLĐ

Đổ hết cho biên chế làm cạn kiệt ngân sách, kể ra cũng oan cho thằng “biên chế”, bởi ngân sách cạn kiệt còn có nguyên nhân khác, là bọn vừa ăn, vừa phá có mặt khắp nơi trên đất nước này. Báo Người Đưa Tin có bài: 43.000 tỷ đồng và nguy cơ thua lỗ: Phần nổi của tảng băng. “43.000 tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước sử dụng kém hiệu quả bị ‘ngâm’ ở 72 dự án trên khắp cả nước tại 11 bộ ban ngành, 39 địa phương, 2 tập đoàn kinh tế, 9 tổng công ty. Những con số biết nói chỉ mới là phần nổi về hiệu quả đầu tư công hàng thập kỷ qua“.

Mời đọc thêm: Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ năm của Hội nghị Trung ương khóa XII (LĐ). – Trung ương thảo luận đề án sắp xếp bộ máy tinh gọn(VNN). – Hà Nội: 5 Ban quản lý có gần 1.000 cán bộ (TP). – Tạm dừng bổ nhiệm mới ở nhiều đơn vị công an (PLTP). – Công An VN dừng bổ nhiệm mới tại nhiều đơn vị (RFA). – Sáp nhập Ủy ban Kiểm tra TƯ với Thanh tra Chính phủ? (BBC). – Công an, quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng (RFA).

Tương lai cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh đi về đâu?

Báo Zing có bài: Cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Làm rõ tài sản của gia đình ông Xuân Anh. Ông Hồ Việt, cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng và một số vị “lão thành cách mạng” cho rằng, Trung ương đảng CSVN cần thu hồi hai căn nhà số 45 và 47 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu mà gia đình ông Xuân Anh sử dụng của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần điều tra làm rõ, liệu có còn tài sản nào của gia đình ông Xuân Anh do người khác đứng tên hộ hay không.

Nhà văn Lê Thiếu Nhơn có bài: Hãy giúp đỡ Nguyễn Xuân Anh một lần nữa. Tác giả viết: “Ông Nguyễn Xuân Anh có phẩm chất làm quan, có miệng lưỡi làm quan, có nộ khí làm quan, thì dễ gì quay lại làm dân. Hãy giúp đỡ ông Nguyễn Xuân Anh một lần nữa…” Ai có thể giúp đỡ Nguyễn Xuân Anh? Tác giả cho rằng, chỉ có ông Nguyễn Công Khế, cựu TBT báo Thanh Niên, có khả năng giúp Nguyễn Xuân Anh. Ông Nhơn viết:

Với sự lăn lộn khôn ngoan từ báo Phụ Nữ VN sang xây dựng báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế thừa biết trình độ cúa ông Nguyễn Xuân Anh xứng đáng ngồi ở vị trí nào. Vì tình thương mến thương, ông Nguyễn Công Khế vẫn đưa ông Nguyễn Xuân Anh lên làm Trưởng ban Quốc tế báo Thanh Niên để có cơ sở thuyên chuyển về làm Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Thành phố Đà Nẵng, thực hiện trót lọt kế hoạch đẩy con trai mình vào hàng ngũ thái tử đỏ mà ông Nguyễn Văn Chi vạch ra“.

Ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư TU Đà Nẵng. Nguồn: báo MTG

Mời đọc thêm: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh là bảo vệ uy tín của Đảng (LĐ). – Cán bộ chín ép, chín nhanh thành chín rụng (VNN). – Đang xử lý tiếp chức vụ của ông Nguyễn Xuân Anh (ĐV). – Ông Nguyễn Xuân Anh vẫn là một trong các lãnh đạo ở Đà Nẵng, bên phòng tổ chức ‘đang làm các thủ tục liên quan’ (VN Mới). – “Chúng tôi mong muốn Trung ương sẽ mạnh tay hơn nữa“ (VOV).

Vụ xử cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga

Báo VnExpress có bài: Cựu đại biểu Quốc hội Thu Nga bị đề nghị án tù chung thân. Sáng 9/10, tại phiên tòa xét xử bà Châu Thị Thu Nga, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị án tù chung thân với bà Nga, với cáo buộc bà này chủ mưu lừa đảo, chiếm đoạt và hưởng lợi số tiền gần 350 tỷ đồng. Tại tòa, nhiều bị hại mong muốn dự án B5 Cầu Diễn được tiếp tục triển khai để họ nhận nhà, thay vì nhận tiền bồi thường. Kết thúc phiên tòa ngày 9/10, vẫn không thấy truyền thông đưa tin về việc bà Nga có được khai số tiền 1,5 triệu đô la chi cho việc “chạy” ghế ĐBQH hay không.

Tác giả Đỗ Thành Nhân có bài phân tích chi phó bỏ ra với quyền lợi thu được từ việc chạy ghế Đại biểu Quốc Hội: Phân tích đầu tư làm Đại biểu Quốc Hội. Với chi phí phải bỏ ra là 30 tỉ để có được ghế ĐBQH ngồi trong 5 năm, mỗi năm mất 6 tỉ, nhưng sẽ có được các mối quan hệ, đặc quyền, đặc lợi. Theo tác giả, với mối quan hệ này có thể khai thác để mỗi năm kiếm được một dự án khoảng 10 triệu Mỹ kim, tương đương 220 tỉ đồng, chỉ cần thu lợi nhuận khoảng 20%, tức 44 tỉ, trong vòng một năm là đã dư sức thu hồi vốn cho cái ghế ngồi tới 5 năm.

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn có bài: Giá sàn của một đại biểu Quốc Hội? “Người dân nghe chuyện bỏ tiền chạy Đại biểu Quốc hội, có thể chỉ nhằm thỏa mãn trí tò mò một cách đau đớn. Thế nhưng, những người lãnh đạo đất nước trong cơn hào hứng với chiếc lò chống tham nhũng đang nóng hừng hực, thì không thể không tìm hiểu thật thấu đáo và giải quyết thật căn cơ. Bởi lẽ, nếu nghi vấn dùng 1,5 triệu USD chạy vào Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga vẫn tồn tại, thì tất yếu sẽ hình thành giá sàn cho một Đại biểu Quốc hội trong thị trường mua danh bán tước đang rất sôi động! Giá sàn 1,5 triệu USD, thì giá trần thoải mái cạnh tranh chăng?”

Báo PLTP có bài: ‘Bà Nga vào ĐBQH không thể do 1 thế lực nào điều khiển’. LS Hoàng Văn Hướng, bào chữa cho bà Châu Thị Thu Nga cho rằng: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bà Nga vào đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoàn toàn không thể do một người hay thế lực nào có thể điều khiển được. Chúng ta phải tôn trọng hàng triệu lá phiếu của cử tri…”

Mời đọc thêm: Đề nghị phạt tù chung thân cựu đại biểu Quốc hội Thu Nga — Châu Thị Thu Nga chi 12 tỉ đồng ‘chạy’ dự án B5 Cầu Diễn? (TT). – Cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga lừa đảo: Bị cáo nức nở tại tòa (VNN). – Vụ Châu Thị Thu Nga: Bị hại biết nhưng chấp nhận mua “lúa non”? (TP). – Bị cáo Châu Thị Thu Nga chối tội lừa đảo, đề nghị tòa trả hồ sơ (VOV). – Bị đề nghị án chung thân, cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga kêu oan ANTT).

Vụ ghế ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh

Báo NLĐ có bài: Nóng vụ cử tri phản đối tư cách của bà Phan Thị Mỹ Thanh. Ông Nguyễn Tấn Độ, Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQVN tỉnh Đồng Nai cho biết, “Hiện đang chờ báo cáo và biên bản từ các đơn vị tiếp xúc cử tri, Ban Dân chủ- Pháp luật là ban trực tiếp tham mưu của Ủy ban MTTQVN tỉnh, theo quy định sẽ tổng hợp, hệ thống lại nội dung báo cáo và biên bản sau đó tiếp tục báo cáo lên Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai và Uỷ ban Trung ương MTTQVT”.

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam cho biết, cần phải điều tra xem kẻ nào đứng sau bà Thanh đã ra tay chỉ đạo rút bài, bịt thông tin, khi một số báo như Người Cao Tuổi, Thanh Tra mới bắt đầu phanh phui vụ việc.

Mời đọc thêm: Cử tri Đồng Nai đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh (TP). – Cận cảnh dự án BOT liên quan sai phạm của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai (Infonet).

Vụ “cục phó mất cục tiền”

Về vụ án mất trộm lạ đời, khi mà người dân không lên án hay truy tìm kẻ trộm, lại đi soi người mất trộm, báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Cục phó mất 385 triệu đồng: Thấy buồn lòng sao ông không đề nghị trích xuất camera? “Trong khi thủ tục trích xuất camera đang như quả bóng bị đá qua lại, có lẽ ông Quang không nên ‘buồn lòng’ ngồi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, mà hãy tự đề nghị trích xuất camera an ninh để lấy lại trong sạch cho mình. Bởi có thể nói uy tín của ông lúc này cũng là uy tín của đơn vị thanh tra: Không thể để cơ quan chủ quản của ông mang tiếng là dùng người ‘có tì vết’...”

Báo Thanh Niên có bài “khuyên” người dân: Sao cứ nghĩ xấu cán bộ? Xin được trả lời: Vì không tìm đâu ra người tốt cả. Thật vậy, theo nhà báo Trương Hữu Danh Châu, những Ba Dũng, Nông Đức Mạnh, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Xuân Sơn … chúng như những bầy sâu bò lúc nhúc, tàn phá kiệt quệ đất nước này.

Để rồi, kẻ bị mất chức, kẻ chờ vô khám, kẻ bị tử hình, kẻ thì “dân không tiếc nước đái, đái cho ngập mồ thối xương… Nay quý vị nào tìm được ông lãnh đạo tốt, một ông cũng được, tôi tặng ngay cục tiền này”.

Đây là “phần thưởng” cho ai tìm ra cán bộ tốt của nhà báo Trương Hữu Danh Châu. Ảnh: FB THDC.

Mời đọc thêm: Cục phó mất 385 triệu đồng: Tiền mất, nhưng cần làm rõ để niềm tin ở lại (NĐT). – Đất nước sẽ không còn bộ máy chỉ toàn quan (VOH).

“Tấm gương sáng” Bộ Y tế

Báo Zing có bài: Bộ Y tế không phát hiện cán bộ tham nhũng, nhận quà sai quy định. Đó là kết quả được Thanh tra Bộ Y tế báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương về công tác phòng chống tham nhũng của bộ này trong 9 tháng đầu năm 2017. Có được kết quả này là nhờ “công lao to lớn” của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã “quán triệt sâu sắc tới các cơ quan đơn vị về quy chế quà tặng, nộp lại quà tặng”.

Chắc đệ tử bà Tiến quá nhiều, đủ người giám sát từng nhà, từng phòng của quan chức bộ Y tế, nên khẳng định “không có cá nhân nào nhận quà tặng trái quy định trong dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, công tác tranh tra, kiểm tra 9 tháng đầu năm chưa phát hiện cá nhân, đơn vị có hành vi, dấu hiệu tham nhũng”. Quá giỏi!

Ảnh: Báo Zing.

Mời đọc thêm: Bộ Y tế báo cáo không có cá nhân nhận quà tặng trái quy định(VOV). – Bộ Y tế: Đối tượng phải kê khai tài sản rất rộng nhưng khó kiểm tra tính xác thực (ANTĐ).

“Cảnh cáo về mặt đảng” vì bỏ tù oan 11 người

Báo Zing có bài: Hai vụ oan sai chấn động liên quan đến đại tá công an bị kỷ luật. Đó là vụ ông Thái Văn Đợi, Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, kẻ đã bỏ tù oan 11 người nhưng chỉ bị “cảnh cáo về mặt đảng”.

Hai vụ án gây chấn động dư luận thời ông Đợi nắm quyền là vụ 8 người bị bắt oan về hành vi giết người gồm: Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Văn Đỡ, Trần Cua, Thạch Sô Phách, Khâu Sóc và Nguyễn Thị Bé Diễm (đều ngụ tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng) xảy ra rạng sáng 6/7/2013. Vụ thứ hai là cả gia đình ông Phạm Văn Lé, Phạm Văn Lến và bà Thạch Thị Xem (ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu). Khi được báo Zing gọi điện để hỏi về những sự việc trên, ông Đợi cho biết: “Tôi không nói gì hết, báo nào đăng tôi khiếu nại ráng chịu”.

Ông Thái Văn Đợi, phó giám đốc Công An tỉnh Sóc Trăng, vừa bị kỷ luật đảng. Ảnh: Báo Thanh Niên

Bắt một phóng viên bị truy nã 18 năm

Báo Lao Động có bài: Nghệ An: Bắt một phóng viên là đối tượng truy nã suốt 18 năm. Đó là phóng viên Vũ Thái Quảng, SN 1974, tạm trú ở xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An. Ông Quảng khai bị Công an TP.HCM phát lệnh truy nã vào năm 1999. Báo Lao Động chỉ nói ông này “đang hoạt động báo chí” trên địa bàn Nghệ An, mà không nêu tên tờ báo nào.

Nhưng theo Facebooker Hoàng Tuấn Công, ông Vũ Thái Quảng làm ở báo Kinh doanh và Pháp luật. Ông Công nói rằng, vào ngày 23/6/2016, chính ông Quảng mang danh Phóng viên thường trú của báo “Kinh doanh và pháp luật” tại Nghệ An, cùng một đồng nghiệp nữa, đã xâm nhập tư gia của bố mẹ ông Hoàng Tuấn Công ở quê Quảng Xương, Thanh Hoá một cách “trái phép, nhằm thực hiện cho một kế hoạch mờ ám, bất hảo“.

Tuy nhiên, khi ông Công tố cáo chuyện này thì ông Lưu Vinh, Tổng Biên tập báo “Kinh doanh và pháp luật” đã hô hào các sở ban ngành địa phương Thanh Hóa “xử lý” ông Công tội “gây rối trật tự công cộng”. Còn nhớ, hồi tháng 3/2017, hai phóng viên của tờ báo này cũng bị bắt tại Hải Phòng về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Tổng biên tập Lưu Vinh (phải) trao giấy khen cho Nhà báo Thái Quảng. Ảnh: FB Vũ Thái Quảng.

Mời đọc thêm: Phóng viên bị bắt nói không hề biết bị truy nã 18 năm (TT). – Hà Tĩnh: Loạn…cộng tác viên báo chí (DNSG). – Phóng viên mang lệnh truy nã 18 năm, vẫn đi công tác nước ngoài bình thường (Soha).

Ngày Truyền thống Luật sư 10/10, nói về nghề luật sư

LS Lê Ngọc Luân có bài: Luật sư và đôi mắt người kiểm sát. Tác giả nói về thân phận người luật sư ở VN, khi nhận bào chữa cho thân chủ của mình, họ có rất ít quyền, không được tiếp cận hồ sơ trong giai đoạn điều tra và còn bao nhiêu thứ kinh hoàng khác. Tác giả mượn hình ảnh và câu nói của ông Phạm Văn Núi, từng là Kiểm sát viên VKS tỉnh Sóc Trăng, đã bị truy tố trong vụ án “dùng nhục hình gây oan sai” cho 7 người dân vô tội:

Đến khi làm bị cáo, tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò quan trọng của luật sư trong xã hội. Các ông đã chia sẻ, động viên, giúp tôi rất lớn về pháp lý. Hồi trước, khi vẫn thường ngồi ở vị trí công tố, tôi đối đầu và không thực sự nhận ra hết vai trò của các vị”.

VTC có bài: Luật sư Trương Anh Tú: ‘Đi vào nghề luật sư như vào ma trận’. “Đi vào nghề nghiệp như đi vào một ma trận, không có điểm đầu, không có điểm cuối, đâu đâu cũng là đối tác, đâu đâu cũng là đối thủ…

Mời đọc thêm: Luật sư “chạy án” – cám dỗ hay định kiến? (PLVN). – Hoàn thiện pháp luật là nhu cầu tự thân của luật sư — Nghề Luật sư phải luôn tự tin và bản lĩnh trước mọi tình huống (PLVN).

BOT và nhân sự Bộ GTVT 

Mặc dù tại kỳ họp Quốc hội tới đây, Thủ tướng mới trình Quốc hội phê chuẩn chức Bộ trưởng Bộ GTVT, nhưng báo Lao Động đã nhắc: Tân Bộ trưởng GTVT: Hãy tiêu tiền và tháo điểm nghẽn BOT. Ngân sách dành cho giao thông cả năm lên tới hơn ba tỷ Mỹ kim, nhưng trong chín tháng đầu năm mới giải ngân được 57%, mà điểm nghẽn lại có nguyên nhân từ … BOT. Thế nên, ghế Bộ GTVT “nóng” là phải rồi.

Cũng báo Lao Động có bài: BOT lại nóng với “cuộc chiến” tiền lẻ: Giảm phí cũng cần nhưng phải dời trạm đúng vị trí. Việc Bộ GTVT “câu giờ” bằng cách giảm phí 20% cho tuyến tránh Biên Hòa không làm cho người dân hài lòng, bởi theo họ, cần phải di dời trạm đúng vị trí, không được đặt trạm theo kiểu “vét cá” như hiện nay.

Vị trí đặt vô lý của 2 trạm BOT Biên Hòa (Đồng Nai) và Cai Lậy (Tiền Giang). Nguồn: Báo Lao Động

Báo Nhà Quản Lý có bài: Chân dung “ông chủ” BOT Biên Hòa. Là Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận (DTC), có cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO, Công ty Đồng Tân thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO). Được biết, ông Nguyễn Xuân Quang – thành viên HĐQT, Tổng giám đốc của Cường Thuận IDICO, sở hữu hơn 80%, cũng là người điều hành DTC.

Mời đọc thêm: BOT Cai Lậy chưa thu phí lại tài xế đã dọa tiếp tục “cuộc chiến tiền lẻ” (TT). – “Điểm nóng” BOT tại Gia Lai: Người dân yêu cầu miễn, giảm mạnh phí(LĐ). – Đề xuất ‘đại phẫu’ nút giao Pháp Vân với mức 1.300 tỷ đồng (TP).

Cuộc chiến taxi truyền thống với taxi công nghệ

Báo VnExpress có bài: Tài xế Vinasun đồng loạt gỡ biểu ngữ phản đối Uber, Grab. Các tài xế Vinasun cho biết, chủ trương dán băng rôn phản đối Uber, Grap là của hãng, nhưng khi bị dư luận phản đối, lãnh đạo công ty lại “đổ thừa” cho đó là hành động tự phát của tài xế. Bức xúc vì bị lãnh đạo hãng “chơi khăm”, nhiều tài xế đã đồng loạt kêu gọi cùng nhau xé bỏ các biểu ngữ này.

Nhà báo Huy Đức viết“Đòi một môi trường kinh doanh công bằng là cách phản ứng văn minh, tuy nhiên, các hãng taxi cũng nên chuẩn bị cho mình phương án… phá sản nếu không đổi mới”.

Mời đọc thêm: Vì sao hàng loạt tài xế Vinasun gọi nhau gỡ bỏ khẩu hiệu phản đối Uber, Grab? (VTC). – Vinasun sẽ tháo khẩu hiệu phản đối Uber – Grab ngay hôm nay (TT). – Lãnh đạo Vinasun lại đổ lỗi cho tài xế! — Bộ Công Thương đang xem xét việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab (NLĐ). – Bộ GTVT: Uber, Grab được quản chặt, taxi phải thay đổi (PLTP).

Tài nguyên – Môi trường

Báo Dân Việt có bài: Nóng: Bắt Tổng Giám đốc chủ mưu phá hơn 60ha rừng tại Bình Định. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã thực hiện bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Lê Văn Thiệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư – kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, là người được cho là chủ mưu trong vụ phá hơn 60ha rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão. Trước đó, công an đã phát hiện hơn 26m3 gỗ tại kho của công ty này.

Mời đọc thêm: Chủ tịch tỉnh yêu cầu tìm cho ra kẻ chủ mưu phá rừng. (NLĐ) – Đồng bằng sông Cửu Long: Đón nhận hay không đón nhận nhiệt điện than? (LĐ).

Phiên tòa xử Đoàn Thị Hương

Về phiên tòa xử vụ ám sát ông Kim Jong Nam, VOA đưa tin: Đoàn Thị Hương bị giải tới phòng thí nghiệm để xem quần áo dính chất độc thần kinh mà hai bị cáo mặc ngày xảy ra vụ tấn công”. RFA: Phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương xem xét các vật chứng của bị cáo.

Phim “Chiến tranh Việt Nam”

BBC có bài: ‘The Vietnam War’ và khi Đồng Minh tháo chạy. TS Nguyễn Tiến Hưng nhận xét về phần hai của bộ phim, về một phán xét của tác giả bộ phim rằng: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hành động độc tài như ông vua trong một nước bé nhỏ”, ông Hưng viết: “Ken Burns và Lynn Novick không biết rằng Sài Gòn có tới cả chục đảng phái, mấy chục tờ báo, luôn chỉ trích, công kích chính phủ? Rồi ca nhạc phản chiến tràn lan, sinh viên xuống đường biểu tình thoải mái”.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn

RFI đưa tin: Kim Jong Un: Hạt nhân là “vũ khí răn đe” bảo đảm hòa bình. Theo phóng viên RFI tại Seoul, trong cuộc họp của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng hôm Thứ Bảy vừa qua, ông Kim Jong Un đã tuyên bố: “Kho vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên là phương tiện răn đe mãnh liệt, bảo vệ vững bền hòa bình trước những đe dọa từ phía đế quốc Mỹ”.

Sau khi Tổng thống Donald Trump lên tiếng về “điều duy nhất có hiệu quả” khi đương đầu với Bình Nhưỡng, Nga, TQ kêu gọi kiềm chế sau tuyên bố của ông Trump, VOA đưa tin. Phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, trả lời trong một cuộc họp báo qua điện thoại: “Moscow đã kêu gọi và tiếp tục kêu gọi các bên liên quan tới cuộc xung đột và những ai có liên quan tới vấn đề này hãy kiềm chế và tránh bất kỳ bước đi nào có thể làm tình hình xấu đi”.

Trong khi đó, phát biểu tại Bắc Kinh hôm 9/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lặp lại lời kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế, đồng thời miêu tả tình hình hiện nay là hết sức phức tạp và nghiêm trọng”.

Thêm tin về Bắc Hàn: Bắc Hàn: Kim Jong-un đưa em gái vào Bộ Chính trị (BBC). – Chủ tịch Kim Jong-un thăng chức cho em gái (RFA). – Cô em út bí ẩn của Kim Jong Un là ai? (RFI).

Tin nước Mỹ

RFI đặt câu hỏi: Donald Trump sẽ phát động chiến tranh? Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn ngân sách quốc phòng lên tới 692 tỷ đô la, hơn 100 tỷ so với năm 2016, báo Le Figaro đặt câu hỏi: Người đứng đầu Nhà Trắng đang tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ, nhưng để phục vụ cho chiến lược nào?”

Chuyện Nga xen vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, VOA đặt câu hỏi: Nga mua quảng cáo ‘lái’ dư luận trên Google? Dẫn nguồn từ báo Washington Post, cho biết, Google đã phát hiện các hoạt vụ Nga chi hàng chục nghìn đôla mua quảng cáo trên YouTube, Gmail, công cụ tìm kiếm Google và các sản phẩm khác”.

Giải Nobel cuối cùng của năm nay: Giáo sư Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế, theo VOA. Kinh tế gia người Mỹ, ông Richard H. Thaler, hôm 9/10 đã được trao giải Nobel Kinh tế năm 2017 vì “các đóng góp vào kinh tế học hành vi”. Dẫn nguồn từ Reuters cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói rằng, “các đóng góp của ông Thaler đã tạo dựng cầu nối giữa phân tích kinh tế và tâm lý trong việc ra quyết định mang tính cá nhân”.

Thêm tin: Kinh tế gia ‘Cú hích’ Richard Thaler được giải Nobel (BBC). – Nobel Kinh Tế: Yếu tố tâm lý và xã hội trong mua sắm và đầu tư (RFI). – Giáo sư Mỹ được xướng danh nhận giải Nobel Kinh Tế năm 2017 (RFA).

Báo Người Việt đưa tin: Tòa Bạch Ốc chuẩn bị các chọn lựa bảo hiểm y tế mớiđể cho phép các cá nhân có thể cùng nhau mua bảo hiểm bên ngoài tiểu bang của mình”.

Trung Quốc

Đả hổ diệt ruồi: Cựu giám đốc công an Trùng Khánh bị khai trừ đảng, theo RFA. Bản tin cho biết: Ông Tha Đinh (He Ting), nguyên giám đốc công an thành phố Trùng Khánh vừa bị khai trừ đảng sau khi cơ quan chống tham nhũng của đảng cộng sản Trung Quốc ra kết luận ông này lạm dụng chức vụ và công quỹ”.

Không biết vô tình hay cố ý mà Philippines dùng logo Đài Loan trong buổi lễ nhận 3,000 khẩu súng được Bắc Kinh tặng, RFA đưa tin: Philippines xin lỗi TQ vì dùng logo Đài Loan.

Trung Đông

Căng thẳng Mỹ – Iran gia tăng: Iran dọa ‘nghiền nát’ Mỹ, theo VOA. Dẫn nguồn từ Reuters cho biết, phản ứng trước việc Tổng thống Trump dự kiến sẽ thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế, và sẽ liệt Vệ binh Cách mạng (IRGC), lực lượng an ninh uy lực nhất của Iran, vào danh sách khủng bố. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ không phạm sai lầm chiến lược này. Nếu không, phản ứng của Iran sẽ cứng rắn, quyết liệt và nghiền nát, và Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu mọi hệ quả”.

RFI đưa tin: Iran: Một nhà đàm phán thỏa thuận hạt nhân lãnh án tù 5 năm do bị cáo buộc làm gián điệp và cung cấp thông tin tình báo cho nước ngoài”.

Tin châu Âu

RFI có bài: Con đường xóa bỏ vũ khí nguyên tử còn rất dài. Bài viết có đoạn: Nhân dịp loan báo giải Nobel Hòa bình, chủ tịch Uỷ ban Nobel Na Uy kêu gọi các cường quốc hạt nhân tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc để hướng tới việc loại trừ hoàn toàn vũ khí nguyên tử”. 

Vẫn giữ nguyên ý định tuyên bố độc lập ngày 10/10/2017, RFI đưa tin: Catalunya: Phe đòi độc lập quyết đi tới cùng.

Trong quá trình thành lập chính phủ liên minh, bà Merkel chấp nhận hạn chế số người tị nạn ở Đức, theo RFI.

Cuối cùng là tin: 50 năm sau, Che Guevara vẫn gây chia rẽ Bolivia (RFI).

Khủng hoảng Rohingya

BBC đưa tin: Khủng hoảng Rohingya: 12 người chết vì thuyền lật ở Bangladeshtrong khi cố gắng vượt biên bằng thuyền qua Bangladesh. RFI: Miến Điện: 12 người Rohingya chết trong một vụ chìm tàu.