Bản tin ngày 21/8/2017
Báo Tiếng Dân
Tin trong nước
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: 6 ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa đã cập cảng an toàn. Ông Huỳnh Văn Khanh, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 95001 TS, cho biết, trong lúc tàu của ông và tàu tàu cá QNg 90495 TS do ông Huỳnh Văn Tuấn làm thuyền trưởng, đang neo đậu tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 18/8, thì bị 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56105 (hay 46105 như báo Thanh Niên đưa tin ngày 19/8) áp sát, khống chế.
Con tàu QNg 90495 TS của thuyền trưởng Tuấn đã bị hải tặc Trung Quốc cướp 7 tấn hải sản, 2 máy định vị, máy dò cá và lương thực thực phẩm dự trữ. Riêng tàu QNg 95001TS của thuyền trưởng Khanh thì bị bọn Trung Quốc “sử dụng hung khí tấn công ngư dân, lấy hải sản, đập phá khiến tàu cá và ngư lưới cụ bị chìm“.
“Khi nhìn thấy tàu cá QNg 95001 TS bị chìm, thuyền trưởng Tuấn nhanh chóng đưa tàu cá của mình đến cứu vớt ngư dân bị nạn và kéo tàu cá QNg 95001 TS vào bờ nhưng đã bị lực lượng Trung Quốc tiếp tục ngăn cản, tông va không cho lai dắt“.
Như vậy là kể từ ngày 2/7/2017 đến ngày 18/8/2017, đã có ít nhất 13 tàu cá của ngư dân Việt nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công. Ngoài danh sách 12 tàu cá mà Tiếng Dân đã liệt kê trong bản tin ngày 20/8/2017, còn có thêm tàu cá QNg 90495 TS của thuyền trưởng Huỳnh Văn Tuấn đã bị TQ tấn công ngày 18/8/2017.
Còn đây là bài báo Biên Phòng: Tàu nước ngoài liên tục uy hiếp ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa. Toàn bộ bài báo không một lần gọi tên Trung Quốc. Tàu nước ngoài là tàu nào?
Đã biết số hiệu của 2 con tàu này, biết nó là tàu nước nào, nhưng báo Biên Phòng vẫn không dám gọi tên nó là tàu Trung Quốc như báo Thanh Niên và các tờ báo khác. Báo Biên phòng là tiếng nói của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, do Đại tá Trần Ngọc Thanh làm Tổng Biên tập, nhưng lại hèn nhát thế này, trách sao ngư dân không bị Trung Quốc tấn công liên tục trên vùng biển mà VN tuyên bố chủ quyền!
Mời đọc thêm: Anh Quốc khẳng định sẽ tăng cường hiện diện tại Biển Đông (RFI). – Đánh giá về Dự thảo khung quy tắc ứng xử Biển Đông ASEAN-Trung Quốc (Trí thức VN). – Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cứu 5 ngư dân gặp nạn trên biển (QĐND).
Gọi tên quân Trung Quốc xâm lược
Báo Tuổi Trẻ tiếp tục câu chuyện bộ sách Lịch sử Việt Nam chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam với bài: Sách giáo khoa phải viết cụ thể về cuộc chiến chống Trung Quốc.
Báo trích lời TS Nguyễn Mạnh Hà, cựu viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: “Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ năm 1979 cần phải chỉ đích danh là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đánh Việt Nam. Không thể gọi là quân Trung Quốc tiến xuống hay tiến vào Việt Nam, bởi như vậy không nói lên được bản chất vấn đề. Sách giáo khoa lịch sử phải viết cụ thể về cuộc chiến này, chứ không thể viết dăm ba dòng như vậy thì ai có thể hiểu được?”
Ngoài ra ông Hà cũng cho rằng: “Thời kỳ Việt Nam Cộng hòa cũng rất có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Những vụ việc như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, vụ án xét lại chống Đảng… chúng ta phải viết“.
GS. Vũ Dương Ninh – Đại học Quốc gia Hà Nội nên quan điểm, “phải thực sự tôn trọng tính khách quan của lịch sử. Bấy lâu nay, trong chừng mực nhất định chúng ta chưa hoàn toàn bảo đảm được điều đó khi viết sử. Nguyên tắc tôn trọng tính khách quan của lịch sử là rất quan trọng với người nghiên cứu… phải hiểu cho đúng thế nào là sử học phục vụ chính trị. Để phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì không còn là lịch sử nữa“.
Mời đọc thêm: Thừa nhận Việt Nam cộng hòa là bước tiến quan trọng (TT). – CSVN viết lại lịch sử, Việt Nam Cộng Hòa không còn là ‘ngụy quyền’ (NV).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện… qua bài viết
Truyền thông trong nước hôm qua đồng loạt đăng bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống CAND. Báo Pháp luật TP có bài: Bài viết mới nhất của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Bài viết của ông Quang có tựa đề “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới”.
Nội dung có đoạn: “Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, có trọng tâm, trọng điểm; sử dụng các trang mạng, blog liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xấu, độc hại; tổ chức các chiến dịch công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước…“.
Báo Tuổi Trẻ đặt tựa: Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu tăng cường an ninh mạng. Báo VietNamNet có tựa: Bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân kỷ niệm Ngày truyền thống CAND. Riêng các “đồng chí” bên QĐND cũng không thèm nhắc tên ông Quang: Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới, mà phải đọc đến cuối bài mới biết bài viết của “Giáo sư, Tiến sĩ TRẦN ĐẠI QUANG, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam“.
Các báo đăng lại những bức ảnh cũ. Báo VietNamNet đăng ảnh mới hơn, lấy từ TTXVN, bức ảnh ông Trần Đại Quang “tặng quà cho các điển hình tiên tiến trong lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày 11/7/2017”:
Qua một bài viết đăng trên các trang mạng, người dân vẫn chưa rõ sức khỏe của đương kim chủ tịch nước ra sao, liệu ông có trở lại chính trường hay không. Vẫn chưa nghe ông lên tiếng, nói: “Tao khỏe mà, có chi đâu”, như Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh. Mời đọc thêm: Chủ tịch Quang kêu gọi ngăn thông tin ‘độc hại’ (VOA).
Đảng ngưng xem xét, điều chỉnh tuổi tác của đảng viên
VOV có bài: Nhiều cán bộ, đảng viên sửa lại tuổi vì tham quyền cố vị. Bài báo cho biết, ngày 17/8, Ban Bí thư Đảng CS đã ban hành Thông báo số 13 – TB/TW kết luận: “Kể từ ngày 18/8, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên, mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng“.
Mời đọc lại: Không chấp nhận sửa tuổi của Đảng viên để chống việc… chạy tuổi(DT). – Sửa tuổi, chạy tuổi để “vinh thân phì gia” (VNN). – Chặn đường “chạy tuổi”(TT).
Cập nhật lúc 10h40′: Một độc giả thân tín phát hiện, bài VOV đã có từ 1 năm trước: Nhiều cán bộ, đảng viên sửa lại tuổi vì tham quyền cố vị. Xin lỗi quý độc giả vì sự xem nhầm ngày này.
Tinh thần ngày 19/8… ỉu xìu
Năm nay, có vẻ như “báo chí cách mạng” đã hạn chế nhắc đến sự kiện này, ngoại trừ một số báo “thiên đảng” như QĐND, ND, … thì “không thể nào quên”. Có lẽ những sự thật được phơi bày đã làm cho người ta nuối tiếc, vì đã làm tiêu vong một chính phủ được đánh giá là “ngắn nhưng mà tốt” này. Hay là Đảng Cộng sản Việt Nam đã chết như “thế lực thù địch” tung tin rồi?
Nhân sự kiện 19/8, để có cái nhìn đa chiều, mời độc giả xem lại video clip trên Facebook Nguyễn Mạnh Khoa. Trong clip này, độc giả sẽ được nghe “người của Đảng” phát ngôn về nhân vật Hồ Chí Minh: “phải khắc phục một sai lầm, đó là chúng ta cứ thần thánh hóa bác, cứ coi bác là một bậc thánh, cứ coi bác là một cái gì đó siêu phàm…” và sẽ là thiếu sót nếu không nói về những chuyện riêng tư của “bác”, “kể cả mối tình của bác với Lê Thị Huệ“.
Và “bác là con đẻ của dân tộc, chứ không thể là cha già của dân tộc được, cha già dân tộc tính từ thời Hùng vương dựng nước kia…“. Đừng làm khổ “bác” thêm nữa nha các “đồng chí”!
Mời đọc thêm: Điểm sách: “Cuộc Cách mạng Cộng sản của Việt Nam: Sức mạnh và Giới hạn của Tư tưởng” – Vũ Tường (LK). – Cách mạng tháng Tám: Đệ Tứ là ai? Tại sao họ bị sát hại? (RFA). – Thư đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học viết trong chốn lao tù (LSVNQA).
Vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc
Báo Vietinfo có bài: Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đằng sau một nghi can người Việt trong chợ Sapa Praha bị bắt. Bài báo cho biết, ngày 17/8/2017, ông Nguyễn Hải Long, là người đứng tên thuê văn phòng chuyển tiền Quang Minh MoneyGram ở chợ Sapa Praha, đã bị cảnh sát còng tay bắt đi.
Ông Nguyễn Hải Long là người thuê xe Multivan VW của ông Bùi Quang Hiếu, để qua Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông Hiếu cũng đã bị 9 cảnh sát điều tra và 2 phiên dịch Séc – Đức hỏi cung liên tục trong ngày 17/8.
Trang VNTB có bài: Củi khô là Trịnh Xuân Thanh, củi vừa vừa là Thăng, củi tươi là Dũng? “Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, người từng chia sẻ: ‘Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên’. Rõ ràng, giờ đây có thể hiểu củi khô là Trịnh Xuân Thanh, củi vừa vừa là Đinh La Thăng, và củi tươi chính là ông Nguyễn Tấn Dũng và một vị nguyên Tổng Bí thư“.
Biệt… phủ bóng đen
Báo Đất Việt có bài: Kết luận biệt phủ Phạm Sỹ Quý: Lùi thời hạn lần 5. Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Hiện tại, theo dự tính thì sẽ công bố vào cuối tuần này, tuy nhiên, tôi cũng vẫn đang đi công tác tại Thái Bình, chưa hoàn thành xong công việc nên chưa về được Hà Nội”.
Ông Đạt lại tiếp tục hứa, “nhưng chắc chắn đầu tuần tới, vào 21/8 hoặc 22/8 phải công bố,“. Ông nói, bản thân ông cũng “muốn” công bố nhanh, nhưng vì nhiều “lý do khách quan” chi phối nên phải kéo dài, chứ ông không muốn như vậy. Không rõ chuyện liên tục trì hoãn công bố là do có vấn đề “rất nhạy cảm“, hay vì tiếng vọng của “tiếng súng Yên Bái” mà ông ớn? Đành chờ tiếp vậy.
Vụ “xã hội đỏ” bị “xã hội đen” nhắn tin dọa giết ở Đà Nẵng
Báo Dân Việt có bài: Chủ tịch Đà Nẵng nói gì sau khi CA bắt người nhắn tin đe dọa mình? Trước việc bị ông Đào Tấn Cường, anh trai của ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đương nhiệm, nhắn tin đe dọa, ông Huỳnh Đức Thơ chỉ nói ngắn gọn: “Mọi thông tin công an rồi sẽ làm rõ. Thôi mình nên chờ kết luận từ cơ quan công an, không nên suy diễn điều gì cả. Chờ vậy!”
Theo Dân Việt, thời điểm ông Đào Tấn Cường nhắn tin đe dọa ông Huỳnh Đức Thơ, thì Thành ủy Đà Nẵng “vừa công bố một số quyết định điều chuyển nhân sự“. Ngoài ra, mấy tháng trước đó, hồ sơ kê khai tài sản của ông Thơ cũng được “tuồn” ra ngoài.
Báo Người Quản Lý cho biết, sáng 20/8, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an đã di lý nghi can Đào Tấn Cường ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Trên BBC, LS Trần Quốc Thuận cho rằng: “Vụ dọa giết quan chức ở Đà Nẵng cho thấy sự bế tắc và là dấu hiệu không lành mạnh, không bình thường“.
Báo Giao Thông có bài: Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ từng nhiều lần nói bị đe dọa. “Luật sư Nguyễn Đình Hạnh – Đoàn LS Đà Nẵng cho hay, trường hợp C45 bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường là đã xin được lệnh phê chuẩn từ Viện KSND tối cao. Như vậy, C45 đã nắm được khá đầy đủ bằng chứng, nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng trước khi thực hiện lệnh bắt khẩn cấp“.
Còn nhớ, trước những vụ lùm xùm liên tục xảy ra ở Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã từng khẳng định, “không có chuyện nội bộ mất đoàn kết“. Khi được hỏi, có phải “nội bộ cán bộ thành phố Đà Nẵng đang có sự ‘đấu đá’, mâu thuẫn“, ông Nguyễn Xuân Anh trả lời: ‘Nội bộ đấu đá, thành phố sao được như vậy’!
Nhà báo Đào Tuấn viết: “Nếu vụ ‘huy chương vàng trường bắn Yên Bái’ cho chúng ta biết ‘tham vọng quyền lực’ giữa lý thuyết và thực tế nó… ngáo thế nào thì vụ Đà Thành càng làm rõ hơn tinh thần đoàn kết ảo tung chảo của các đồng chí công bộc“.
Mời đọc thêm: Dọa giết Huỳnh Đức Thơ, nhắn tin dọa giết chủ tịch Đà Nẵng (Tin Mới). – Nghi vấn về khối tài sản “khủng” của Chủ tịch TP Đà Nẵng (NQL). – Chủ tịch Đà Nẵng ‘không có quan hệ gì’ với người nhắn tin dọa giết (TN). – Ông Huỳnh Đức Thơ: CA sẽ làm rõ có hay không người đứng sau vụ nhắn tin đe dọa (Soha). – Cần làm rõ ông Đào Tấn Cường đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng vì lý do gì? (DV).
Liệu sẽ xảy ra sự kiện Đồng Tâm 2?
Báo Gia đình & Xã hội có bài: Chủ tịch xã An Khánh lo ngại Thái Nguyên sẽ có vụ Đồng Tâm thứ 2. Bài báo cho biết: “Đã 5 tháng kể từ ngày người dân xã An Khánh dựng lều, căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối việc đổ xỉ thải ở mỏ than Khánh Hòa, Chủ tịch UBND xã An Khánh lo lắng, đứng ngồi không yên, ông lo ngại Thái Nguyên sẽ có vụ Đồng Tâm thứ 2“.
Nguyên nhân dẫn đến việc người dân liên tục phản đối hoạt động khai thác than của Công ty Than Khánh Hòa là do “không tìm được tiếng nói chung” về giá cả đền bù cho dân. Được biết, “người dân đã bắt giữ 1 cán bộ công an huyện. Trước thông tin này, lực lượng công an đã được huy động để giải cứu cán bộ công an…“. Vẫn chưa có thông tin vị cán bộ này đã được giải cứu hay chưa.
Mời đọc thêm: Đại Từ – Thái Nguyên: Người dân phản đối hoạt động khai thác than, ném đá vào lực lượng chức năng (GĐ&XH).
Còn ở Nghệ An, một vụ khiếu nại gần giống vụ Đồng Tâm, được báo Nghệ An đưa tin: Kiến nghị của người dân xã Nghi Liên (TP.Vinh) là chính đáng!
Nội dung đơn kiến nghị nêu một số điểm chính: “Đề nghị làm rõ vấn đề đất đai thuộc phạm vi Cụm cảng hàng không Vinh quản lý và đất thuộc quyền sử dụng của người dân 3 xóm; qua đó, thực hiện đóng mốc ranh giới. Thứ hai, làm rõ việc Cụm cảng hàng không Vinh chiếm dụng đất đai của xã Nghi Liên với diện tích khoảng 9 ha trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, người dân 3 xóm cũng đề nghị làm rõ việc xử lý 138 lô đất mà chính quyền xã Nghi Liên đã cấp trái thẩm quyền từ năm 2004 trở về trước“.
Hiện tại, chính quyền xã đã biết lắng nghe dân, tổ chức một buổi đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc trên: “Tại buổi đối thoại, đại diện chính quyền xã Nghi Liên đã làm rõ từng nội dung, và xác định, các kiến nghị của người dân 3 xóm là chính đáng“.
Người nhà ông Lê Đình Lượng bị đánh, vụ xử TNLT Nguyễn Văn Oai bị hoãn
Facebooker Xoan Jery, tức cô Nguyễn Thị Xoan, con dâu ông Lê Đình Lượng cho biết, ngày 18/08/2017, khi cô cùng chồng là Lê Đình Hiếu, mẹ chồng cô, và một số người thân tới công an tỉnh Nghệ An xin giấy tờ đi thăm ông Lượng, nhưng đã bị khoảng 200 công an lôi kéo, xô xát, đánh đập dã man.
Cô Nguyễn Thị Xoan viết: “Bởi chúng tôi chỉ có 15 người nên không thể chống trả lực lượng đông đúc trên 200 người của họ nên nhiều người đã bị họ đánh dã man. Khi thấy mẹ và các người già bị đánh thì tôi và các anh em trẻ tuổi hơn đã lao vào đỡ và can đòn thù của họ và chúng tôi bị họ lôi đi… Người bị đánh nặng nhất là anh LÊ VĂN NHÀN. anh NHÀN bị họ dùng dùi côn để đánh khiến anh bị thương nặng từ đầu xuống chân. Chân bị thương không thể đi lại. Đầu và tai bị sưng cảy và nhiều vết thương nặng trên người“.
Mời xem video clip, anh Lê Đình Hiếu, con trai ông Lượng và anh Lê Văn Nhàn, kể lại chuyện anh và mọi người bị đánh đập như thế nào:
Mời đọc thêm: Nghệ An: Đi xin giấy thăm tù, bị công an đánh trọng thương (NV). – Công an Tp Vinh đàn áp người nhà chú Lê Đình Lượng (FB Chu Mạnh Sơn). – 2 người trong gia đình anh Lê Đình Lượng bị công an Nghệ An bắt về đồn đánh tàn bạo vào chiều ngày 18.8.2017 (FB Nguyễn Thiện Nhân).
Về vụ xử TNLT Nguyễn Văn Oai, Facebooker Hồ Huy Khang cho biết, trước phiên xử sơ thẩm ông Oai, UBND tỉnh Nghệ An đã phát một văn bản yêu cầu Công an tỉnh “cấm đường phục vụ phiên tòa” diễn ra vào ngày 21/8. Văn bản này cũng yêu cầu Đài phát thanh – Truyền hình và UBND Thị xã Hoàng Mai thông báo các nội dung cấm đường trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chiều 20/8, LS Hà Huy Sơn thông báo, phiên tòa này đã bị hoãn. Thời gian xét xử sẽ thông báo sau. Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai là một người trong nhóm “14 thanh niên Công Giáo” đã bị bắt vào năm 2011 và bị đưa ra tòa xét xử vào năm 2013, với mức án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Trước đó, Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp đã kêu gọi trả tự do cho ông.
Bất cập dự án BOT
Báo Dân Việt có bài: Sốc: Tuyến tránh Cai Lậy trái quyết định của Thủ tướng! Bài báo cho biết: Căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ GTVT xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là Quyết định 06/2011/QĐ-TTg ngày 24.1.2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này thì “đường tránh sẽ có 4 làn xe với chiều dài 12km nhưng con đường hiện nay chỉ có 2 làn xe cơ giới…”
Cựu thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là người ký văn bản gửi Bộ KH&ĐT để hợp thức Dự án, trong đó nội dung có đoạn: “Theo quyết định số 06/2011/QĐ-TTg thì tuyến tránh Cai Lậy có quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên theo tính toán lưu lượng xe kết hợp với việc đang nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thì việc đầu tư tuyến tránh với quy mô trước mắt 2 làn xe là phù hợp, đáp ứng nhu cầu, khi đủ điều kiện sẽ đầu tư theo quy hoạch”.
Báo Zing có bài tổng hợp: Những phát ngôn đáng chú ý về vụ BOT Cai Lậy. Ông Trương Hữu Danh, chủ quan cafe phát biểu: “Tôi đổi tiền lẻ qua trạm nhằm phản ứng việc đặt trạm BOT không đúng chỗ“. Ông Nguyễn Phú Hiệp, Chủ đầu tư Cai Lậy: “Tiền nào cũng là tiền, tài xế đưa bạc cắc chúng tôi cũng thu“. Đáng chú ý là phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH: “Việc bỏ tiền lẻ vào chai khi qua trạm, cho thấy văn hóa ứng xử đang có vấn đề“.
LS Ngô Ngọc Trai có bài trên BBC: Hội đồng nhân dân, có cũng như không? Bài viết nói về vai trò của Hội đồng nhân dân qua vụ trạm thu phí Cai Lậy, chưa thấy vị đại biểu HĐND nào xuất hiện, và cũng chẳng thấy ai nhắc đến họ.
Tác giả viết: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là một dạng nghị sĩ ở địa phương, được coi là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, được nhân dân bầu ra, giữ chức năng giám sát, chất vấn và kiểm soát bộ máy chính quyền địa phương. Khi sự việc Trạm thu phí xảy ra, nếu là đại biểu có trách nhiệm thì họ sẽ phải lên tiếng chất vấn các ban ngành… Song cho tới thời điểm hiện tại sự vắng bóng hoàn toàn của đại biểu Hội đồng nhân dân các địa phương cho thấy sự vô hiệu mất tác dụng của thiết chế này“.
Facebooker Ngô Nguyệt Hữu có bài so sánh: Bán dâm và BOT! “Bán dâm là bán cái họ có, BOT là bán cái mà người dân có. Người nào mua dâm người đó trả tiền, người không đi trên tuyến BOT vẫn phải trả tiền. Bán dâm không ảnh hưởng đến người không mua dâm, BOT ảnh hưởng đến người không sử dụng dịch vụ. Bán dâm không có tham nhũng, BOT được xách định giao dịch dưới gầm bàn. Bán dâm không phát sinh nguy cơ nợ xấu, BOT biến ngân hàng thành con tin“.
Mời đọc thêm: Thứ trưởng Bộ GTVT đã “biến tướng” BOT Cai Lậy như thế nào? (DV). – Ông Thể B.O.T (FB NTC). – BOT ‘giăng lưới’ lùa xe (TN). – BOT dày đặc, kinh tế không tụt hậu mới là lạ (MTG). – BOT – Thiệt thòi vẫn là dân (Lê Văn Luân/ TD). – Trạm BOT Cai Lậy thành “điểm nóng” do thiếu công khai, minh bạch (VOV).
Bộ trưởng… loăng quăng
Báo Lao Động có bài: Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát, “bắt tận tay” nhiều ổ loăng quăng. Đang trong đợt cao điểm về dịch sốt xuất huyết và vẫn chưa có giải pháp khống chế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn miệt mài đi tìm… loăng quăng. Đợt này, đội “xung kích diệt bọ gậy” đã “phát hiện ra 5 ổ bọ gậy tại hai nhà dân ở ngõ 282 Thụy Khuê”!
Đúng là quyết liệt theo phương châm của Bí thư Thành ủy Hà Nội “đến từng nhà, rà từng người” không cho chúng thoát. Mời đọc thêm: Bộ trưởng Kim Tiến: ‘Hà Nội phải tập trung diệt bọ gậy’ (Zing).
Sự kiện Formosa: vì sao hai cựu quan chức Bộ TNMT bị kỷ luật
Nhà báo Dương Phong đặt câu hỏi: Vì sao cựu bộ trưởng Nguyễn Quang Minh và cựu thứ trưởng Bùi Cách Tuyến bị cảnh cáo? Ông Dương Phong trích đăng một số chi tiết trong báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) cho thấy, ĐTM khuyến cáo Formosa xả thải 45.000m3 nước/ngày sẽ vượt quy chuẩn.
“Nếu khu liên hợp FHS xả nước thải với lưu lượng đến 45.000m3/ngày thì dù các chất hữu cơ, kim loại nặng, SS (chất rắn lơ lửng) trong nước thải được xử lý đạt QCVN 52:2013/BTNMT thì nồng độ/hàm lượng của chúng tại khu vực gần điểm xả thải vẫn vượt giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT“.
Còn bản ĐTM tổng thể dự án giai đoạn 1-1 do Trung tâm tư vấn đào tạo chuyển giao công nghệ môi trường thuộc thực hiện vào năm 2008, phần tham vấn ý kiến cộng đồng “chỉ lấy ý kiến của UBND cấp xã và ý kiến của Mặt trận cấp xã Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, không có bóng dáng người dân nào“.
Vì sao điểm chuẩn vào ngành sư phạm quá thấp?
Báo Tuổi trẻ Cuối tuần có bài: Đào tạo giáo viên: Phớt lờ quy luật cung – cầu? Tác giả bài báo dùng quy luật cung cầu, để lý giải nguyên nhân, vì sao điểm chuẩn tuyển sinh ngành sư phạm quá thấp.
Tác giả đưa ra những con số thống kê cho thấy, số lượng học sinh đi học giảm sút hàng năm, nhưng số lượng giáo viên đào tạo của các trường sư phạm không giảm theo, như trường Đại học Sư phạm Huế, chỉ tiêu mỗi năm hơn 1.000 sinh viên, nhưng đào tạo gần 10.000.
Kết luận, tác giả viết: “Hiện nay, các trường không chịu giảm vì ‘nồi cơm’ của chính họ, nên họ đành hạ đầu vào tuyển sinh – hạ đến mức như năm nay thì chính họ sẽ bị xã hội lên án và chính cách tuyển sinh bất kể hậu quả như thế sẽ bị đào thải“.
Tin quốc tế
Cập nhật tin biểu tình chống kỳ thị ở Boston
Về vụ xuống đường chống lại nhóm cực hữu ở Mỹ hôm 19/8, RFI có bài: Tuần hành lớn chống biểu tình của nhóm cực hữu tại Boston. Phe cực hữu, kỳ thị chủng tộc tổ chức một cuộc biểu tình dưới cái tên “Tự do Ngôn luận”, nhưng hàng chục ngàn người dân xuống đường, chống kỳ thị chủng tộc, đáp trả lại nhóm này.
Phóng viên RFI Grégoir Pourtier, tường trình: “Hôm qua, tại nơi vẫn được coi là thành trì cấp tiến này, những thành phần cựu hữu đã không thể biểu dương sức mạnh đông đảo được. Bọn họ chỉ có khoảng vài chục người, cuộc tập hợp cũng không kéo dài. Trong khi đó hàng chục nghìn người chống biểu tình đã có mặt để đáp trả nhóm cực hữu trên”.
Báo Boston Globe, dẫn nguồn từ cảnh sát thành phố này đưa ra con số: có khoảng 40.000 người xuống đường ở TP Boston, bang Massachusetts, hôm thứ Bảy 19/8.
Báo Người Việt: TT Trump khen ngợi biểu tình ở Boston chống mù quáng và thù ghét. Mặc dù trước đó ông Trump đã bênh vực những kẻ kỳ thị, nhưng bây giờ ông ta cũng phải hoan hô “nhiều người biểu tình ở Boston, dám công khai lên tiếng nói, chống sự mù quáng và sự thù ghét”.
Sáng nay, Trump tweet: “Tôi muốn khen ngợi nhiều người biểu tình ở Boston, những người lên tiếng chống lại tình trạng mù quáng và thù hận. Đất nước chúng ta sẽ sớm đoàn kết với nhau thành một!”
Chia rẽ trong tòa Bạch Ốc
Báo Người Việt có bài: Steven Bannon xác nhận: Tòa Bạch Ốc vô cùng chia rẽ. Ông Steve Bannon từng là cánh tay phải của Trump và là cựu cố vấn chiến lược trong tòa Bạch Ốc, đã bị sa thải (hoặc từ chức) hai ngày trước, trả lời phỏng vấn báo tờ Washington Post hôm 19/8, nói rằng, nội bộ tòa Bạch Ốc chia rẽ trầm trọng và chuyện ông ta ra đi cũng không làm cho tình hình sáng sủa hơn.
Ông Bannon nói: “Sự căng thẳng ở Tòa Bạch Ốc hơi khác với sự căng thẳng trong nước. Chúng ta vẫn là một quốc gia chia rẽ. Có 50% người dân không ủng hộ Tổng Thống Trump. Phần lớn những người đó không ủng hộ chính sách của ông, dù là gì chăng nữa”.
Trong một bài báo khác trên Washington Post, Steve Bannon cho biết: Về cơ bản, chiến dịch tranh cử của Trump là một sự gian lận. Ông Bannon nói: “Cái chức tổng thống của Trump mà chúng tôi đã chiến đấu cho và đã giành chiến thắng, thì đã xong rồi. Chúng tôi vẫn có một phong trào lớn, và chúng tôi sẽ làm điều gì đó cho chính thể Trump nhưng nhiệm kỳ tổng thống thì đã xong. Nó sẽ là cái gì khác. Và sẽ có đủ loại chiến đấu, sẽ có những ngày tốt và những ngày tồi tệ, nhưng nhiệm kỳ tổng thống đó đã xong rồi“.
Về 3 nhà hoạt động trẻ của phong trào Cách Mạng Dù bị án tù
VOA đưa tin: Người Hong Kong phản đối tống giam thủ lĩnh trẻ. Hôm 20/8, hàng nghìn người dân xuống đường ở Hong Kong để biểu tình, phản đối vụ chính quyền tuyên án tù ba thủ lĩnh trẻ tuổi, từng đi đầu các cuộc biểu tình. Anh Joshua Wong, 20 tuổi, Nathan Law, 24 tuổi và Alex Chow, 27 tuổi, đã bị tuyên án tù từ 6 tới 8 tháng tù giam, vì tội “hội họp trái phép”.
Lester Shum, cựu thủ lĩnh sinh viên, là người tổ chức cuộc biểu tình này, nói rằng: “Cuộc biểu tình cho thấy âm mưu của chính phủ Hong Kong, chính quyền cộng sản Trung Quốc và của Bộ Tư pháp nhằm ngăn chặn người dân Hong Kong tiếp tục tham gia vào chính trị và biểu tình bằng cách sử dụng các luật lệ và sự trừng phạt hà khắc đã hoàn toàn thất bại”.
Mời đọc thêm: Hồng Kông: Hàng nghìn người biểu tình phản đối án tù với ba nhà đối lập (RFI).
Cập nhật tin khủng bố ở Barcelona, Tây Ban Nha
BBC đưa tin: Barcelona: Nhóm khủng bố có 120 bình ga. Cảnh sát Tây Ban Nha cho biết: “Nhóm khủng bố gồm 12 thành viên vừa tiến hành hai cuộc tấn công tại Tây Ban Nha trong tuần này đã chuẩn bị 120 bình ga và lên kế hoạch để sử dụng trong các cuộc tấn công bằng xe“.