Bản tin ngày 20/8/2017
Báo Tiếng Dân
Tin trong nước
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Cứu 6 ngư dân gặp nạn trên tàu cá bị 2 tàu Trung Quốc đâm chìm. Tàu cá QNg 95001 TS cùng 6 ngư dân đã bị 2 tàu Trung Quốc 46105 và 46106 đâm chìm ngày 18/8, ở khu vực Đá Chim Yến, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Năm ngoái, VTV đưa tin, tàu cá QNg 95001 TS do ngư dân Huỳnh Văn Khanh làm chủ, đã từng bị con tàu “ôn hoàng” hải giám 46102 của Trung Quốc truy đuổi và sách nhiễu vào ngày 9/7/2016.
Như vậy là, chỉ trong hơn một tháng rưỡi, kể từ ngày 2/7/2017 đến ngày 18/8/2017, đã có ít nhất 12 tàu cá của ngư dân Việt nam bị tàu Trung Quốc tấn công, gồm:
1- Tàu cá QNg 91727 TS của ông Võ Đắc, bị tàu TQ tấn công ngày 2/7
2- Tàu cá QNg 90847 TS của ông Bùi Văn Nhành, bị tàu TQ tấn công ngày 26/7.
3- tàu cá QNg 90999 TS của ông Võ Văn Hân, bị tàu TQ tấn công ngày 26/7.
4- tàu cá QNg 90899 TS của ông Võ Cu, bị tàu TQ tấn công ngày 26/7.
5- Tàu QNg 91584 TS của ông Lê Mười, bị tàu TQ uy hiếp ngày 7/8
6- Tàu QNg 91642 TS, của ông Lê Thanh Kim, bị tàu TQ đập phá ngày 7/8
7 – Tàu cá QNg 90289 TS, của ông Bùi Ngọc Lành, bị tàu TQ tấn công ngày 7/8.
8- Tàu QNg 91261TS của ông Nguyễn Hữu Lâm, bị TQ tấn công trong tháng 8, không rõ ngày.
9- Tàu QNg 91747 TS của ông Lê Văn Được, bị TQ tấn công trong tháng 8, không rõ ngày.
10-Tàu QNg 91626 TS của ông Trần Cu Tân, bị TQ tấn công trong tháng 8, không rõ ngày.
11- Tàu cá QNg 90513 TS của ngư dân Phan Minh bị TQ tấn công ngày 12/8.
12- Tàu cá QNg 95001 TS của ngư dân Huỳnh Văn Khanh, bị TQ tấn công ngày 18/8.
Mời xem thêm tin tức về các vụ tấn công nói trên đã được báo Tiếng Dân điểm trong các bản tin: ngày 15/8/2017 — ngày 16/8/2017 — ngày 17/8/2017 — ngày 18/8/2017 — ngày 19/8/2017.
Mời đọc thêm tin về Biển Đông: Tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ: Quân đội đòi Manila phản ứng (RFI). – Trung Quốc chuyển từ Biển Đông sang Hoàng Hải (Viễn Đông). – Ngư dân bị lừa bán máy tàu cá “dỏm” (báo QN).
Gọi tên quân Trung Quốc xâm lược
Về sự kiện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát hành bộ sách Lịch sử, dám chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam, báo VnExpress có bài: Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa trong sách Lịch sử Việt Nam.
TS Trần Đức Cường, tổng chủ biên bộ sách lịch sử nói trên, cho biết: Bộ sách này viết rõ về “quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc“. Nội dung chỉ “tóm lược” quan hệ Việt – Trung sau năm 1975, những căng thẳng dẫn đến cuộc chiến nổ ra sáng 17/2/1979.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tàn khốc và đầy đau thương này, diễn ra trong nhiều năm, cướp đi bao nhiêu sinh mạng người lính và dân lành vô tội, Việt Nam để mất bao nhiêu lãnh thổ khi cuộc chiến tàn, mà chỉ được tóm lược có 9 trang, từ trang 351 đến 359, thì quả là lịch sử đã bị cắt xén đi quá nhiều.
“Cách mạng mùa Thu, ai mù, ai sáng”?
BBC có bài viết, điểm lại giai đoạn lịch sử mà sử gia Trần Trọng Kim viết trong hồi ký ‘Một Cơn Gió Bụi”, đã bị thu hồi vào tháng 6/2017: ‘Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước’ 1945-46. Bài viết điểm lại chương 6 của cuốn hồi ký, chương ‘Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước‘, viết về tân chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ tháng 9/1945.
Mời đọc lại cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi của Lệ thần Trần Trọng Kim và bài bình luận của nhà báo Mạnh Kim, nhân dịp cuốn sách này bị cấm phát hành. Mời xem lại bài viết của Nhát Sĩ Tô Hải: “Cách mạng Mùa Thu”… Ai mù? Ai sáng? Ai loạng quạng? Ai gà mờ?
Xã hội đen dọa giết “xã hội đỏ”
Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: Bắt anh Chánh VP Thành uỷ Đà Nẵng vì tin nhắn doạ Chủ tịch TP. Ông Đào Tấn Cường là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex, chi nhánh Đà Nẵng, và là anh trai ông Đào Tấn Bằng, Chánh VPTU Đà Nẵng, đã nhắn tin đe dọa giết Chủ tịch Đà Nẵng là ông Huỳnh Đức Thơ, cùng gia đình ông Thơ và một Phó văn phòng UBND TP Đà Nẵng.
Facebooker Bạch Hoàn bình luận: “Khi đọc thông tin này tôi chợt nhớ đến lời khẳng định của Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: Không có chuyện nội bộ Đà Nẵng mất đoàn kết. Cá nhân tôi thì thấy, trước một Huỳnh Đức Thơ dày dạn kinh nghiệm chính trường, thì hiện ra một Nguyễn Xuân Anh hoàn toàn… trẻ trung!”
Giải quyết mâu thuẫn bằng cách nhắn tin dọa giết, có vẻ như các băng đảng xã hội đen đang hiện diện trong chính quyền Đà Nẵng. Qua sự việc này và nhiều sự việc khác đã xảy ra, có thể thấy, dường như các quan chức không còn tin vào luật pháp nữa, nên sử dụng luật rừng giải quyết mâu thuẫn, có lẽ sẽ nhanh hơn và đôi khi hiệu quả hơn (nếu phe của họ mạnh hơn).
Mời đọc thêm: Bắt khẩn cấp nghi can đe doạ chủ tịch TP Đà Nẵng (TT). – Chánh Văn phòng Thành ủy nói về việc anh trai bị bắt vì đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng (Soha). – Đà Nẵng: Bắt anh trai của Chánh VP Thành ủy nhắn tin đe dọa giết Chủ tịch (MTG). – Nghi can dọa giết Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng là anh trai Chánh văn phòng Thành ủy (TN). – Bắt khẩn cấp nghi can đe doạ Chủ tịch TP Đà Nẵng (PLVN).
Phát ngôn từ “người thừa của thành phố”
Theo báo Tiền Phong, tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành Hồ, diễn ra ngày 18/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: TPHCM phát triển nhanh như những năm qua thì cần gì cơ chế đặc thù? Giàu nhất nước, tại sao TPHCM lại xin tiền Trung ương?
Ông Nhân cũng khẳng định: “Phải có cách gì cho đột phá giao thông. Giao thông phải trở thành đột phá trong tất cả các đột phá. Giao thông mà không xong sẽ kéo theo ách tắc toàn diện, từ kinh tế, di chuyển và lòng dân”.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nhân, cho rằng: 167 năm nữa giao thông TP.HCM mới đạt chuẩn. Mặc dù là người đứng đầu thành phố, nhưng không thấy ông đưa ra giải pháp nào, chỉ thấy hỏi “Chúng ta phải bàn xem đã làm được đến đâu và làm gì thời gian tới”?
Không nên kỷ luật LS Võ An Đôn, hãy bắt ngay Mark Zuckerburg!
Báo Tuổi Trẻ có bài: Xem xét kỷ luật luật sư Võ An Đôn vì bài viết trên Facebook. Báo thuật lại nội dung văn bản của Đoàn LS tỉnh Phú Yên yêu cầu kỷ luật LS Võ An Đôn và nội dung trả lời của LS Đôn trên Facebook.
LS Đôn cho rằng “những bài viết này là để mọi người hiểu rõ hơn về đội ngũ luật sư hiện nay. Các bài viết này là quyền tự do ngôn luận của ông, không liên quan gì đến hoạt động nghề nghiệp luật sư. Việc bị xem xét kỷ luật, theo ông Đôn là không đúng quy định của pháp luật”.
Trước khi kỷ luật LS Võ An Đôn về “tội” viết bài trên Facebook, có lẽ chính quyền nên bắt bỏ tù ngay Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, cũng như đuổi cổ Facebook ra khỏi Việt Nam, bởi lẽ nếu không có Facebook thì LS Đôn không có nơi để nói lên sự thật, những gì diễn ra trong giới luật sư. Trong tương lai, để bảo đảm người dân trong nước không nói trái ý nhà cầm quyền trên Facebook, có lẽ chính quyền VN nên dẹp mạng xã hội này, tống cổ nó ra khỏi Việt Nam!
Còn nhớ, năm 2014, các ban ngành tỉnh Phú Yên cũng đã có công văn gởi Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đề nghị xem xét, định rút chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Võ An Đôn về việc ông Đôn bào chữa cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an đánh tử vong.
Mời đọc thêm: Luật sư Võ An Đôn bị ‘xem xét kỷ luật’ vì chia sẻ trên Facebook(VOA).
Kết luận thanh tra ông quan Yên Bái: tiếp tục hoãn lần thứ 4
Việc công bố kết luận thanh tra khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, lại bị hoãn lần thứ 4, không diễn ra như lời ông Phạm Trọng Đạt đã hứa công bố vào ngày 18/8.
Vậy là đã gần 2 tháng, kể từ khi công bố quyết định thanh tra tài sản của gia đình Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý, đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra. Trước đó, Cục Chống tham nhũng cho biết, họ sẽ công bố kết luận thanh tra từ ngày 30/7, nhưng cục này đã liên tiếp lùi thời điểm công bố kết luận thanh tra tới ngày 10/8, 14/8 và 18/8. Bây giờ sang ngày 20/8, nhưng vẫn không thấy kết luận thanh tra được công bố.
Báo VTC có bài: Tiếp tục hoãn công bố kết luận thanh tra ‘biệt phủ’ Yên Bái. Ông Đạt cho biết: “Về kết luận thanh tra thì do đồng chí Bùi Ngọc Lam chủ trì. Còn công bố công khai trên báo chí thì chưa đâu. Vì còn nhiều bước nữa, cần phải làm đúng quy trình“.
Báo Tiền Phong cho biết, mặc dù được tỉnh Yên Bái và cá nhân ông Phạm Sỹ Quý “tạo điều kiện” nhưng ông Đạt cho là “quá trình thanh tra chỉ trong 15 ngày là một khoảng thời gian hết sức gấp rút”. Ông còn nói ông đã phải rất giữ mình, không dám đi “giao lưu”, ngày nghỉ “không dám ra đường” vì mức độ nhạy cảm của vụ án:
Không công bố kết quả thanh tra, hứa lèo rồi thất hứa nhiều lần. Khi được hỏi về việc ông Quý vay 20 tỷ để xây biệt phủ có gì khuất tất hay không, và việc 6 giấy chuyển nhượng đất được ký trong cùng một ngày dưới tên vợ ông Quý, ông Đạt nói, đại ý: “đó là quyền của người ta, mình không xâm phạm được”.
Nhà báo Phạm Việt Thắng viết: “Vì ông này, khi còn làm cục trưởng cục II, được giao làm trưởng đoàn thanh tra đất đai ở Nghệ An, giai đoạn 2009 – 2015 (QĐ số 3883 ngày 28/12/2015), nhưng cho đến nay hình như vẫn đang ‘hoãn’ công bố. Thế mà, việc lên phó tổng thanh tra của ông này lại hanh thông, không bị hoãn lần nào. Xem ra, cục Đạt còn phải tuyên bố hoãn tiếp”.
Báo Người Đưa Tin có thư của Người Tham Vọng: Gửi ông Phạm Sỹ Quý: Nếu không khuất tất thì hãy thành thật. “Ông Quý ạ, nếu như tài sản của ông được tạo dựng bởi sự chân chính thì sao ông phải vòng vo, ngại ngần che giấu? Đã gọi là thành tựu thì phải công khai, phải tự hào, phải cho thiên hạ thấy rằng những thứ mình đang có hoàn toàn xứng đáng với sự phấn đấu của mình“.
Vụ án Giang Kim Đạt
Báo Tiền Phong có bài: Y án tử hình Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm. Chiều ngày 18/8, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án tử hình Trần Văn Liêm, cựu TGĐ Vinashinlines và Giang Kim Đạt, cựu Quyền trưởng phòng kinh doanh trong vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines).
Theo HĐXX, “các bị cáo đã tham ô số tiền khoảng 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) của Vinashinlines thông qua việc cho thuê 9 tàu, nhận tiền chênh lệch mua 3 tàu theo chỉ đạo của Trần Văn Liêm”.
Ông Giang Văn Hiển, bố đẻ của Giang Kim Đạt, là người đứng tên hàng chục tài khoản ngân hàng để nhận tiền cho con, được cho là phạm tội rửa tiền, bị tòa tuyên phạt 12 năm tù giam.
Mời đọc thêm: Tuyên y án tử hình Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm (TN). – Bác lời kêu oan, tuyên y án Giang Kim Đạt và đồng phạm (PLVN). – Sau án tử hình, Giang Kim Đạt vẫn còn hành vi sai phạm chờ xử lý (DV).
Ngụy biện để vắt cổ dân?
Facebooker Bạch Nhị Hà có bài viết về việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Dẫn thông tin từ bài Thuế VAT của Việt Nam ở đâu so với các nước trên thế giới?
Tác giả cho biết, khi đánh thuế phải minh bạch các khoản chi ngân sách, và “bất cứ ai” cũng có quyền hạch hỏi, kiểm tra. Ông dẫn chứng ở Đức có một tổ chức tư nhân mang tên Hiệp hội những người đóng thuế Đức “chuyên ‘rình rập’, kiểm tra những khoản chi tiền công của chính phủ”, hay Pháp đình Kiểm toán, một cơ quan độc lập với chính phủ, “chuyên kiểm duyệt các khoản công chi”.
Tác giả cho biết thêm: Khi đánh thuế phải lưu ý đến mức sống người dân. Việc so sánh mức thuế của VN (10%) với Đức (19%), người ta lại “quên” so sánh thu nhập trung bình của người VN (khoảng $2.200 /năm) với người Đức (khoảng $48.000 /năm), tức cao gấp 22 lần!
Tác giả kết luận: “Việc quyết định tăng VAT phải được nghiên cứu, đánh giá, phân tích, nhận xét, so sánh, v.v… với chính tình trạng cụ thể nội tại ở trong nước, chứ không thể so sánh một cách khập khiễng với các nước khác, thậm chí với cả các nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Không biết họ đang giả vờ ngu hay cố tình hướng dẫn sai lạc?”
Báo Pháp Luật TP có bài: Tăng sốc thuế VAT, bão giá sẽ ập đến. Một người dân tại Sài Gòn bức xúc: “Nếu áp dụng tăng thuế VAT lên 12% như đề xuất của Bộ Tài chính, tôi phải đóng tới 560.000 đồng/tháng. Kiểu này chắc có lẽ phải quay lại dùng… nước ngầm cho đỡ tốn”.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: “Việc đề xuất tăng thuế VAT lên 12% theo phương án của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công… tăng lên. Người tiêu dùng khi mua bất động sản sẽ phải oằn lưng chịu đựng giá nhà tăng cao”
Bất cập dự án BOT
Báo Pháp luật TP có bài: BOT Cai Lậy: 6 bất thường cần làm rõ. Đó là: Chèn dự án, chồng dự án, hai cây cầu biến mất, đánh tráo khái niệm, thu phí trước nghiệm thu, đường tránh chất lượng xấu.
Báo Dân Trí có bài: Vụ BOT Cai Lậy: “Đừng xem dân là con nít!”. Trước việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, vị trí đặt trạm Cai Lậy là phù hợp nên quyết không đổi vị trí trạm, TS Phạm Sanh, chuyên gia về lĩnh vực giao thông cho biết: “Mời ông Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ GTVT coi lại luật thuế, phí và lệ phí. Đề nghị các ông làm theo luật. Người dân không phải là con nít, không phải là mẫu giáo. Quan điểm của tôi là đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phải xin lỗi“.
Báo Một Thế Giới có bài: Từ vụ BOT Cai Lậy: Những quan chức ‘ăn cây táo rào cây sung’. Bài báo dẫn lời tác giả Phạm Quang Long, cho biết, các lãnh đạo Bộ Giao thông luôn bênh vực quyết định của mình và nhà đầu tư, đồng thời hứa sẽ xem xét lại địa điểm đặt trạm thu phí, giá phí, thời gian thu phí… nhưng đều không thực hiện. Những việc này “có lẽ phải xem xét động cơ? Sao ông ủng hộ họ làm thế? Liệu có tư túi gì không?”.
Báo Dân Trí có bài: BOT, cái “vỗ vai”, ai “đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”? Tác giả Bùi Hoàng Tám đặt câu hỏi: “Và nếu như lời tâm sự trên báo Thanh niên là có thật thì cần làm rõ ‘người nhà’ đó là ai? Và ai là ‘cựu lãnh đạo cao cấp’ dù không còn quyền chức vẫn ‘phủ bóng’ để ‘thâu tóm’ dự án này?”
Tác giả khuyên người nhóm lò: “Lò đã nóng, xin đừng để bất cứ ‘khúc củi’ nào dù tươi và to đến mấy không cháy!” Khúc củi nào còn dám đốt, chứ cây cổ thụ “răng chắc” này, chắc người nhóm lò không dám cho vào đâu.
Facebooker Hoàng Dũng có bài viết: Điểm những sai phạm nghiêm trọng của Bộ Giao thông. Một số đó là: Làm dự án một nơi, thu tiền một nẻo; qua mặt, gian dối Chính phủ; qua mặt, gian dối truyền thông (với người dân); định giá (mức thu phí) quá cao; chất lượng và số lượng sản phẩm quá tệ…
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông
Trang web Bộ giao thông cho biết: Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Phía Trung Quốc có lãnh đạo Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc tham dự. Về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, lãnh đạo Tập đoàn “đang chỉ đạo trực tiếp Tập đoàn Cục 6 (Tổng thầu EPC) tìm mọi cách tháo gỡ” để có các biện pháp thúc đẩy tiến độ.
Đại diện phía Trung Quốc vẫn cho rằng, “khó khăn lớn nhất hiện nay là các thủ tục pháp lý giữa hai nước để chuyển vốn từ ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) cho giải ngân,” đồng thời “kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, hỗ trợ để tháo gỡ vướng mắc này”.
Phía nhà thầu Trung Quốc muốn đẩy quả bóng sang chân Bộ Giao thông, có thể hình dung, dự án nói trên sẽ còn treo dài dài. Thế nên, chẳng vội nghe lãnh đạo Bộ Giao thông hứa hẹn lịch hoàn thành công trình này thêm một lần nào nữa.
Tin quốc tế
Biểu tình của các nhóm kỳ thị và chống kỳ thị ở Mỹ vừa xong
Sau vụ biểu tình bạo loạn gây chết người của những kẻ kỳ thị ở Virginia hôm 12/8/2017, một nhóm cánh hữu cực đoan ở Boston có tên “Free Speech” (Tự do Ngôn luận), mà nhiều người tin rằng, thành phần là những người thượng tôn sắc tộc da trắng, Tân Phát-xít, KKK, đã xuống đường sáng thứ Bảy 19/8/2017 ở Boston như kế hoạch mà họ thông báo.
Nhưng nhóm nhỏ này đã bị giải tán bởi một lực lượng hùng hậu, với hàng chục ngàn người, đông hơn gấp trăm lần, có tên “Fight Supremacists” (Chống lại những kẻ thượng tôn sắc tộc [da trắng], lấy từ cụm từ “White Supremacists”). Chính quyền TP Boston đã điều khoảng 500 cảnh sát tới bảo vệ trật tự.
Báo Washington Post đưa tin, có khoảng 20.000 – 30.000 người xuống đường ở Boston chống lại nhóm “Free Speech”. Họ giương cao những khẩu hiệu: ‘Mạng người Da đen thì quan trọng (“Black Lives Matter”) và hận thù không có chỗ ở Boston (“Hate Has No Home In Boston”). Hàng trăm người trong đoàn biểu tình nhảy múa, reo hò: “Hey hey, ho ho. Thượng tôn sắc tộc da trắng phải ra đi”!
Đài CBS đưa tin, có khoảng 30.000 người tham gia cuộc biểu tình chống những kẻ kỳ thị này. Mời xem clip về những người chống kỳ thị, xuống đường biểu tình ở Boston, diễn ra thứ Bảy 19/8/2017:
VOA đưa tin: Hàng ngàn người xuống đường ở Boston phản đối phát ngôn thù hằn. “Hãng tin AP dẫn lời một diễn giả theo lịch trình sẽ phát biểu nói rằng sự kiện này ‘đã đổ vỡ’. Những người tổ chức cuộc tập hợp trước đó đã công khai lên án và tách mình khỏi những người có chủ trương tân Quốc xã và thượng đẳng da trắng gây nên bạo lực ở Charlottesville vào ngày 12 tháng 8“.
Mời đọc thêm: Hơn 500 cảnh sát viên Boston bảo vệ cuộc tuần hành ‘tự do phát biểu’ (NV). – Boston: Sẽ Có 10,000 Người Biểu Tình Chống Kỳ Thị Da Màu (VB).
Bà Carmen de Lavallade, nữ nghệ sĩ 86 tuổi, tẩy chay Trump
VOA có bài: Trump không đến dự lễ tôn vinh nghệ sĩ sau khi thêm một người nữa tẩy chay. Nghệ sĩ 86 tuổi, bà Carmen de Lavallade, thông báo nhắm tới tổng thống Mỹ: “Sau khi xét tới luận điệu gây chia rẽ xã hội và sai quấy về mặt đạo đức mà lãnh đạo hiện thời của chúng ta chọn đưa ra, và để trung thành với những nguyên tắc mà tôi và rất nhiều người khác đã tranh đấu, tôi sẽ từ chối lời mời tham dự buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng“.
Mỹ điều tra Trung Quốc
VOA đưa tin: Đại diện Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra Trung Quốc. Vài ngày trước, ông Trump ký văn bản cho phép Mỹ điều tra nạn Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, hôm 18/8 chính thức mở cuộc điều tra này.
Bài trên BBC: Mỹ điều tra Trung Quốc về sở hữu trí tuệ. Hôm 15/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo: “Nếu phía Mỹ có những hành động làm suy yếu quan hệ thương mại song phương, mà không quan tâm đến sự thật và không tôn trọng các quy tắc thương mại đa phương, thì Trung Quốc sẽ không ngồi yên”
Trước đó, ngày 29/7/2017, Trump viết trên Twitter: “Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo ngu xuẩn của chúng ta trong quá khứ đã cho phép họ kiếm hàng trăm tỷ đô la một năm về thương mại, nhưng họ chẳng làm gì cho chúng ta về Bắc Hàn, mà chỉ có nói. Chúng ta sẽ không cho phép điều này tiếp tục xảy ra. Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng!“
Mời đọc thêm: Sở hữu trí tuệ: Mỹ chính thức mở điều tra nhắm vào Trung Quốc(RFI).
Bà Lưu Hà, vợ nhà hoạt động quá cố Lưu Hiểu Ba, xuất hiện
Bài trên RFI: Trung Quốc: Vợ góa của Lưu Hiểu Ba xuất hiện trên mạng xã hội. Vợ góa của ông Lưu Hiểu Ba giải thích về tình trạng biến mất sau cái chết của chồng: “Tôi cũng cần sắp xếp lại cho bản thân. Khi tình hình của tôi khá hơn về mọi chuyện, tôi sẽ lại cùng với các bạn”. BBC: Vợ góa ông Lưu Hiểu Ba xuất hiện trên video lần đầu tiên kể từ tang lễ chồng bà.