Khởi tố Đồng tâm: sai về áp dụng luật, sai cả về nhân tâm
14/06/2017
Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Mặc dù đây chưa phải là khởi tố bị can, nhưng khởi tố vụ án là giai đoạn tố tụng mở đầu các hoạt động điều tra, xác định sự việc xảy ra trong thực tế có dấu hiệu của tội phạm.
Trước đó, trong “chiến dịch giải cứu 19 cán bộ, chiến sĩ” người bên nhà nước, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân xã Đồng Tâm về vụ việc hôm 15/4.
Về luật, khi viết thư “xá tội” cho nhân dân xã Đồng Tâm, đó có thể là một quyết định nhân tâm, nhưng về mặt luật pháp (tam quyền phân lập) thì ông Nguyễn Đức Chung sai. Lý do vì ông Nguyễn Đức Chung có tư cách Chủ tịch UBND thành phố (mảng hành pháp), và ông không có quyền miễn tội cho bất kỳ ai. Quyền hạn “định/miễn tội” thuộc về các cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện Kiểm soát, Công An),…
Tuy nhiên, bản thân nhà nước Việt Nam – theo một số luật sư, dù hướng đến tính Pháp quyền, nhưng bộ máy lại được tổ chức theo nguyên tắc “tập quyền” (Đảng ra chủ trương, chỉ đạo). Về mặt chức vụ Đảng (hay cơ cấu Đảng bộ thành phố), ông Nguyễn Đắc Chung là Phó Bí thư thành ủy, tức “cấp trên” của Giám đốc Công an Thành phố, Viện trưởng Viện Kiểm soát, thậm chí là cả đối với ông Chánh án TAND thành phố. Theo Luật sư Tô Như Năng, khi Thành ủy Tp. Hà Nội họp và giao cho ông Chung “toàn quyền xử lý”, tức là ông Nguyễn Đức Chung đã có quyền được “xá tội”.
Tiếp đó, theo Điều 25 (Miễn trách nhiệm hình sự), cho biết: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.”. Thực tế cho thấy, bản thân nhân dân xã Đồng Tâm luôn căng băng-rôn, biểu ngữ bày tỏ sự “tin tưởng vào đường lối và chính sách của Đảng – Nhà nước”; dù tạm giữ cán bộ – chiến sĩ nhưng bà con tạo mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho họ; bà con thậm chí kiên quyết không tiếp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài (“thế lực phản động”). Kết quả, sự kiện Đồng Tâm cũng đã đi vào quỹ đạo của cái gọi là “ổn định chính trị”.
Thế nhưng, với quyết định khởi tố vụ án hình sự lần này của Cơ quan Công an Tp. Hà Nội, nó đã trở thành một bước đi sai về cả mặt lý lẫn mặt tình. Nó hiện thức hóa quan điểm của ông ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) khi lật lọng cho rằng: người dân Đồng Tâm mới là đàn áp lại nhóm người thực thi nhiệm vụ.
Quyết định khởi tố vụ án cũng minh chứng rõ nét nhất câu nói hàm chứa sự bất bình đẳng về mặt pháp luật, trong đó, “chính quyền làm sai thì chính quyền xin lỗi, dân làm sai thì dân chịu tội trước pháp luật”.
Nhưng trên cả, sự “tin tưởng” của người dân về chủ trương, đường lối của Đảng – ngay về mặt “đối thoại” đã bị đả phá thông qua quyết định này. Và ở chừng mực nào đó, có thể nhận ra, chính quyền chỉ tìm cách thỏa mãn vai trò trị quyền của mình nhưng không nhận thức rõ ràng hệ quả sẽ diễn ra trong tương lai. Bởi quyết định được đưa ra, đồng nghĩa với “thương thuyết, đối thoại” (theo ông ĐBQH Dương Trung Quốc là – chia sẻ chung) giữa người dân và chính quyền trong những vụ việc tương tự sẽ chấm dứt – tạo mầm mống cho sự “chiến đấu tới cùng” giữa dân và chính quyền về đất đai trong tương lai.
Quyết định này cũng cho thấy tính chất ba phải của nhà cầm quyền, khi vận mọi luật lệ có lợi nhất cho việc “răn đe” người dân, mặt dù tinh thần chung của sự việc là “đối thoại” – xây dựng niềm tin chung. Riêng đối với ông Nguyễn Đức Chung, với quyết định này, ông trở thành nạn nhân của Thành ủy Hà Nội (khi được giao toàn quyền xử lý sự vụ nhằm mục đích ổn định tình hình), vừa là tội đồ của khái niệm “đối thoại với nhân dân” – và nó sẽ đồng thời kém giảm uy tín về mặt chính trị của ông trong cả thời gian dài về sau.
Anh Văn
(VNTB)