Tin khắp nơi – 22/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 22/02/2017

Mỹ ban hành hướng dẫn mới thắt chặt thực thi luật di trú

Trong lúc tổng thống Donald Trump chuẩn bị ký một sắc lệnh cấm nhập cảnh được sửa đổi trong tuần này, Bộ An ninh Nội địa Mỹ vừa ban hành những hướng dẫn mới sẽ tăng cường việc trục xuất và thực thi các luật lệ di trú. Từ Washington, thông tín viên Jesusemen Oni của đài VOA tường trình: Chính quyền của ông Trump đang ra sức thực thi mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Các thông báo mới của Bộ An ninh Nội địa đề ra các biệ pháp mạnh hơn trong việc thực thi luật lệ di trú. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer cho biết: “Thông báo liên quan đến sắc lệnh hành pháp về an ninh biên giới và tăng cường thực thi luật di trú đề ra các biện pháp mà Bộ An ninh Nội địa sẽ tiến hành để đảm bảo an ninh ở biên giới phía nam của đất nước, ngăn chặn việc nhập cư bất hợp pháp trong tương lai và gửi trả những người nhập cư bất hợp pháp về nước họ một cách nhanh chóng, nhất quán và nhân đạo.” Những hướng dẫn mới đưa ra các kế hoạch chi tiết để tăng tốc việc trục xuất, tăng số di dân cần sớm bị trục xuất, và lập danh sách bổ sung nhân lực cho các cơ quan thực thi luật pháp địa phương. Kế hoạch này cũng bao gồm việc tuyển dụng thêm 15.000 nhân viên Hải quan và Di trú và tuần tra biên giới. Theo Nhà Trắng, mục tiêu hiện nay không phải là một đợt trục xuất hàng loạt. “Thông điệp mà Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa muốn gửi đi là các di dân bất hợp pháp đang ở trên đất nước đề ra một mối đe dọa đối với sự an toàn của công chúng hoặc đã phạm tội sẽ bị trục xuất trước tiên, và chúng tôi kiên quyết đảm bảo rằng điều đó được thực hiện.” Các hướng dẫn này không loại bỏ chính sách bảo vệ đối với những người thuộc Chương trình tạm hoãn trục xuất vì đã đến Mỹ lúc còn nhỏ. Chương trình này tạo điều kiện cho một số người nhập cư bất hợp pháp được làm việc và sinh sống ở Mỹ, mặc dù không cấp cho họ quy chế định cư hợp pháp. Các hướng dẫn mới này được đưa ra trong lúc tổng thống chuẩn bị ban hành phiên bản sửa đổi của sắc lệnh tạm cấm du hành trước đó bị các tòa án chặn lại. Sắc lệnh được công bố lần đầu tiên vào cuối tháng 1 nhắm vào 7 nước có phần lớn dân số theo Hồi Giáo. Nó đã làm dấy lên những cuộc biểu tình lớn tại các sân bay trên khắp nước Mỹ. Nhà Trắng nói Tổng thống Trump sẽ không từ bỏ sắc lệnh này. “Chúng tôi sẽ thắng bởi vì tổng thống được trao quyền để làm những gì ông phải làm để bảo vệ đất nước.” http://www.voatiengviet.com/a/my-ban-hanh-huong-dan-moi-that-chat-thuc-thi-luat-di-tru/3735149.html

Tư lệnh Vệ binh Cách mạng: Iran sẵn sàng ‘tát vào mặt’ Mỹ

Hoa Kỳ hãy chờ một cái “tát như trời giáng vào mặt” nếu cứ đánh giá thấp về khả năng phòng thủ của Iran, một chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ Iran nói hôm thứ Tư, vào lúc Tehran kết thúc cuộc tập trận. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cam kết sẽ cứng rắn với Iran, cảnh báo nước Cộng hòa Hồi giáo sau vụ thử phi đạn đạn đạo của nước này ngày 29 tháng1 rằng Iran đang “đùa với lửa” và tất cả tất cả các lựa chọn của Hoa Kỳ đã đặt trên bàn. Tướng Mohammad Pakpour, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Iran được trang Sepahnews dẫn lời nói: “Kẻ thù không nên bị sai lầm trong đánh giá vì sẽ nhận được một cái tát mạnh vào mặt nếu mắc phải sai lầm như vậy”. Hôm thứ Tư, lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đã kết thúc ba ngày diễn tập với tên lửa, pháo binh, xe tăng và máy bay trực thăng, nhiều tuần sau khi ông Trump nói ông đã “cảnh báo” Tehran về vụ phóng phi đạn. “Thông điệp của cuộc diễn tập cho những kẻ ngạo mạn trên thế giới là đừng làm bất cứ điều gì ngu ngốc”, hãng thông tấn chính thức Tasnum dẫn lời tướng Pakpour nói. Căng thẳng còn liên quan đến Israel. Một nhà phân tích quân sự nói nhóm Hezbollah, đồng minh Iran, có thể sử dụng phi đạn Fateh 110 của Iran để tấn công các lò phản ứng hạt nhân của Israel tại Dimona từ phía Libăng. Lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah hôm thứ Năm tuần trước cho biết nhóm của ông, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel ở Libăng, có thể tấn công Dimona. Iran nói chương trình tên lửa của nước này chỉ để phòng thủ và không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới. Trong cuộc đua tranh chức tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump đã gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán”. Ông nói với cử tri là hoặc ông sẽ hủy bỏ nó hoặc sẽ tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn. http://www.voatiengviet.com/a/tu-lenh-ve-cach-mang-iran-san-sang-tat-vao-mat-my/3735130.html

Malaysia: Chưa rõ nguyên nhân ông Kim Jong Nam chết

Các quan chức y tế Malaysia hôm thứ Ba (21/2) cho biết họ vẫn chưa xác định nguyên nhân gây tử vong trong vụ người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un mới đây dường như đã bị ám sát. Noor Hisham Abdullah, giám đốc y tế tổng quát tại Bộ Y tế Malaysia, nói với các phóng viên rằng các mẫu lấy từ cuộc khám nghiệm tử thi ông Kim Jong Nam đã được chuyển đến một phòng thí nghiệm để phân tích nhằm vừa xác định nguyên nhân làm ông chết lẫn xác định người ruột thịt của ông. Phân tích đó sẽ bao gồm kiểm tra các mẫu để lấy bằng chứng về chất độc, hiện vẫn chưa rõ khi nào việc này sẽ hoàn thành. Noor Hisham nói rằng cuộc khám nghiệm tử cho thấy “không có bằng chứng về đau tim” và “không có gì rõ ràng để chúng tôi cho rằng có bất kỳ vết đâm kim hoặc vết thương nào”. Về việc xác định danh tính ông ta là Kim Jong Nam, Noor Hisham nói những người khám nghiệm hiện có mẫu DNA, dấu vân tay và các thông tin nha khoa từ thi thể, nhưng chưa có hồ sơ tương ứng từ gia đình để có thể đối chứng. Ông nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi không có bất cứ ai nhận là người ruột thịt”. Người ta cho rằng ông Kim Jong Nam, 45 tuổi, bị hai phụ nữ đầu độc tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur trong khi chờ lên một chuyến bay tới Macau, một vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Một trong hai nữ nghi phạm được xác định là cô Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988, quê ở Nam Định, Việt Nam. http://www.voatiengviet.com/a/malaysia-chua-ro-nguyen-nhan-ong-kim-jong-nam-chet/3733895.html

Malaysia đòi

thẩm vấn bí thư thứ 2 Bắc Hàn vụ Kim Jong Nam

Cảnh sát Malaysia hôm thứ Tư đã nêu danh một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên cùng với một quan chức hàng không nhà nước mà họ đang truy tìm để thẩm vấn cho vụ giết ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Cập nhật tin tức về cuộc điều tra đang khiến Bắc Triều Tiên tức giận, cảnh sát trưởng của Malaysia, ông Khalid Abu Bakar, cho biết nhà ngoại giao đang bị truy nã để thẩm vấn là ông Hyon Kwang Song, 44 tuổi, Bí thư Thứ hai của Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ngoài ra, cảnh sát Malaysia cũng muốn thẩm vấn ông Kim Uk Il, 37 tuổi, nhân viên của hãng hàng không nhà nước Bắc Triều Tiên Air Koryo. Ông Khalid cho biết cả hai đều ở Malaysia nhưng không thể xác nhận họ có đang ở trong đại sứ quán hay không. Ông nói với các nhà báo: “Chúng tôi đã gọi điện nhờ họ hỗ trợ. Chúng tôi hy vọng đại sứ quán sẽ hợp tác với chúng tôi và cho phép chúng tôi thẩm vấn họ một cách nhanh chóng, nếu không chúng tôi sẽ phải buộc họ đến gặp chúng tôi”. Trả lời Reuters, ông Khalid cho biết: “Chúng tôi không thể xác nhận họ có đang lẩn trốn trong đại sứ quán hay không”. Cho đến nay, cảnh sát đã xác định được tổng cộng 8 người Bắc Triều Tiên bị tình nghi là có liên quan đến vụ giết người. Ngoài những người bị bắt, ông Khalid cho biết cảnh sát Malaysia “tin chắc” 4 người khác đã trở về lại thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên, trốn khỏi Malaysia vào ngày diễn ra vụ ám sát. Trong số những người bị bắt có một phụ nữ Việt Nam và một phụ nữ Indonesia. Họ bị nghi đã ra tay thực hiện vụ giết ông Kim Jong Nam bằng một chất độc có tác dụng cực nhanh. Ông Kim Jong Nam, 46 tuổi, đã bị giết chết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào ngày 13 tháng 2, trong lúc chuẩn bị lên máy bay đi Macau, nơi ông sống lưu vong cùng với gia đình dưới sự bảo vệ của Bắc Kinh. Các giới chức Hàn Quốc và Hoa Kỳ cho rằng vụ giết anh trai lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là một vụ ám sát được thực hiện bởi các điệp viên Bắc Triều Tiên. Ông Kim Jong Nam đã lên tiếng công khai chống lại chế độ gia đình trị tại quốc gia bị cáo buộc có vũ khí hạt nhân và bị cô lập này. http://www.voatiengviet.com/a/malaysia-doi-tham-van-bi-thu-thu-2-cua-bac-trieu-tien-ve-vu-giet-kim-jong-nam/3735099.html

Trung Quốc nỗ lực chống ô nhiễm không khí

Một báo cáo gần đây của tổ chức Greenpeace Đông Á cho biết sản lượng của ngành công nghiệp thép Trung Quốc thực tế đã tăng ròng 36,5 triệu tấn trong năm ngoái. Thế nhưng công suất thép tăng không có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn môi trường vào lúc các thị trường toàn cầu vẫn thừa thép còn các tỉnh miền bắc Trung Quốc đang phải chịu nạn khói mù ngày càng tồi tệ hơn. Trung Quốc vốn đã là nước phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, chiếm hơn một phần tư khí thải carbon dioxide toàn cầu. Vẫn theo Greenpeace, các nhà máy nhiệt điện than còn gây đau đầu lớn hơn cũng như làm cho chất lượng không khí của nước này tồi tệ thêm vì chúng là những nguồn thải ra nhiều nhất sulfur dioxide và bụi li ti. Nhưng tổ chức này cũng cho biết đã có những bước tiến tích cực được tiến hành. Đầu tháng 1, Trung Quốc đã ra lệnh đình chỉ 103 dự án nhiệt điện than, gần một nửa trong số 210 nhà máy mới đã được phê duyệt từ năm 2015. Làm như vậy, Trung Quốc hy vọng khống chế công suất nhiệt điện than của nước này dưới 1.100 gigawatt. Theo thông tin của Cục Năng lượng Quốc gia hôm 17/2, chính phủ đặt mục tiêu đóng cửa 500 mỏ than vào năm 2017 với tổng công suất là 50 triệu tấn, tương đương 20% của mục tiêu 250 triệu tấn trong năm ngoái. Các chuyên gia lạc quan về khả năng Trung Quốc đạt mục tiêu 2020 về môi trường, trong đó bao gồm việc giảm 18% carbon dioxide trên mỗi đơn vị GDP và giảm 15% tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, điều này nằm trong những nỗ lực tổng thể hiện có của đất nước chuyển năng lượng sạch hơn. Để đáp ứng các mục tiêu, Trung Quốc đã công bố tổng đầu tư 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (373 tỷ đôla) cho lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo mới từ nay đến năm 2020, trong đó bao gồm 75 tỷ đôla cho thủy điện, 104,5 tỷ đôla cho phong điện và 149,3 tỷ đôla cho điện mặt trời. http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-no-luc-chong-o-nhiem-khong-khi/3733977.html

Quân Iraq áp sát ranh giới phía nam của Mosul

Một phát ngôn viên quân đội cho biết quân đội Iraq đã tiến quân vào vùng ngoại ô phía nam của Mosul cùng lúc họ củng cố vị trí của mình vào ngày thứ ba trong một cuộc tấn công mới nhằm giành lại thành phố. Phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Quân sự Hỗn hợp nói liên quân gồm cảnh sát liên bang, các đơn vị phản ứng nhanh Bộ Nội vụ, và các binh sĩ khác đã tham gia vào đợt tấn công mới, bắt đầu từ Chủ nhật và đến nay đã giành thêm 123 km vuông ở phía nam Mosul. Theo một tuyên bố của quân đội Iraq, các lực lượng Iraq được Hoa Kỳ hậu thuẫn đã giành được sân bay Mosul hôm thứ Hai sau khi đánh bật các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi giáo khỏi vùng Albu Saif lân cận. Trung tá Cảnh sát Hussein nói: “Chúng tôi đang ở Albu Saif và chúng tôi đã bắt đầu rà phá bom trong các ngôi nhà, và chúng tôi đang lục soát từng nhà một”. Sau khi các lực lượng Iraq tái chiếm sân bay, họ có kế hoạch sử dụng nó để tiến hành các trận đánh trong cuộc tấn công vào phía tây Mosul, hiện còn nằm dưới sự kiểm soát của các phần tử IS. Mosul được chia gần như làm đôi bởi con sông Tigris. Các lực lượng Iraq đã đánh bật các phần tử cực đoan khỏi phần phía đông của thành phố vào tháng trước. Nhóm IS đã chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, vào năm 2014. Ước tính có khoảng 750.000 thường dân đang có mặt ở tây Mosul cùng với các phần tử IS, nơi này về cơ bản đang bị các lực lượng Iraq bao vây. Nhiều người trong số những người dân thường ở tây Mosul là những người phải bỏ chạy khỏi phần phía đông của thành phố khi có chiến đấu ác liệt ở đó hồi tháng trước. http://www.voatiengviet.com/a/quan-iraq-ap-sat-ranh-gioi-phia-nam-cua-mosul/3733934.html

Nam Sudan, Nigeria , Somalia, và Yemen bị đói kém

Sau hơn 3 năm chiến tranh đã đẩy khoảng 3 triệu người vào cảnh thất tán, nay Nam Sudan đang rơi vào tình trạng đói kém. Người dân đang chịu đói kém nặng ở Nam Sudan nằm trong số nhiều triệu người cùng chung số phận ở vùng Sừng Phi châu, tất cả đều chịu ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng. Nạn đói kém ở Nam Sudan còn chịu một thêm một mối nguy hiểm khác, đó là mất an ninh lương thực. Các cơ quan cứu trợ đang nỗ lực cứu đói cho hay họ không đến được những vùng xa xôi hẻo lánh, những nơi kinh tế đã sụp đổ hoàn toàn vì chiến tranh giữa chính phủ và phiến quân. Thông tín viên Mariama Diallo của đài VOA có bài tường trình. Cơ quan nhi đồng Liên hiệp quốc, gọi tắt là UNICEF, cho hay nạn đói kém ở Nam Sudan đang là một thảm họa. Bà Marixie Mercado, giới chức của UNICEF, nói: “Chúng tôi ước tính gần 1,4 triệu trẻ em ở Nigeria, Somalia, Yemen, và Nam Sudan, nơi tình trạng đói kém được tuyên bố chính thức, đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng và đang kề cận với nguy cơ chết vì đói.” Báo cáo chính thức về trình trạng đói kém tại một số nơi ở Nam Sudan nhấn mạnh rằng người dân đang chịu cảnh đói kém nghiêm trọng do cuộc nội chiến gây ra. Ông Isaiah Chol Aruai là giám đốc Cục Thống kê Nam Sudan. “Ảnh hưởng hằn sâu của cuộc xung đột, cộng với giá cả lương thực tăng cao, khủng hoảng kinh tế, sản lượng nông nghiệp thấp và cơ hội mưu sinh cạn kiệt.” Ông Aruai nói tiếp rằng hậu quả là 4,9 triệu người đang đói khát. Ông Eugene Owusu, điều phối viên chương trình cứu trợ nhân đạo của Liên hiệp quốc dành cho Nam Sudan, nói rằng bi kịch chính phần lớn là do con người gây ra. “Phần lớn là do mất an ninh, những thách thức mà các nhân viên cứu trợ thường xuyên đối mặt. Nhân viên cứu trợ bị tấn công, và tài sản của các tổ chức cựu trợ bị đánh cướp, hôi của.” Ông David Shearer, người đứng đầu phái bộ Liên hiệp quốc ở Nam Sudan, trong chuyến đi thăm Malakal hôm thứ Sáu tuần trước cho biết các lực lượng của chính phủ gây khó khăn, không cho các cơ quan cứu trợ tiếp cận các gia đình bị thất tán vì những cuộc giao tranh mới đây trong khu vực. “Ngay vào lúc này chúng tôi đang gặp khó khăn thực sự bên bờ tây của sông Nile, khu vực Wau Shilluk, nơi có khoảng 20.000 người di tản khỏi Wau Shiluk và đang di chuyển đến một khu làng khác. Buổi sáng hôm đó, chúng tôi tìm cách băng qua sông, nhưng các lực lượng quân sự của chính phủ không cho phép chúng tôi đi vào Wau Shilluk.” Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir hôm thứ Ba hứa rằng các cơ quan cứu trợ được bảo đảm an toàn để tiếp cận với thường dân đang bị đói. “Chính phủ sẽ bảo đảm rằng tất cả các tổ chức phát triển và nhân đạo được tiếp cận không hạn chế với dân chúng trên cả nước.” Ông Brian Adeba, cố vấn về chính sách châu Phi của tổ chức Enough Project, nói rằng giải pháp duy nhất là cộng đồng quốc tế cần phải giúp khởi động một tiến trình hòa bình, một điều mà ông nói là hiện đang thiếu vắng. “Cộng đồng quốc tế cần phải cân nhắc lại điều gì quan trọng hơn: chăm lo cho những người thất tán, chữa trị các triệu chứng hay trị nguyên nhân gây ra vấn đề.” Cuộc nội chiến Nam Sudan đang chia rẽ đất nước theo sắc tộc, dẫn đến nguy cơ mà Liên hiệp quốc cảnh báo là sẽ rất tàn khốc vì đói kém và diệt chủng. http://www.voatiengviet.com/a/nam-sudan-nigeria-somalia-va-yemen-bi-doi-kem/3735174.html

Di dân lậu tới Mỹ lúc nhỏ vẫn còn được ‘an toàn’

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục bảo vệ các di dân đến Mỹ khi còn nhỏ một cách bất hợp pháp, nhưng vẫn sẽ xem xét việc trục xuất tất cả các di dân bất hợp pháp khác, theo một hướng dẫn được công bố vào ngày thứ Ba 21 tháng 2. Hướng dẫn của Bộ An ninh Nội địa là kế hoạch thi hành lệnh hành pháp về an ninh biên giới và thực thi di trú mà ông Trump đã ký ngày 25 tháng 1 năm nay, vài ngày sau khi ông nhậm chức. Tổng thống Cộng hòa tranh cử trên lời hứa cứng rắn hơn đối với khoảng 11 triệu di dân bất hợp pháp tại Mỹ, nêu lên những lo ngại về các tội phạm bạo động trong khi hứa xây dựng một bức tường dọc biên giới Mexico và chấm dứt các phần tử khủng bố xâm nhập nước Mỹ. Các giới chức Bộ An ninh Nội địa không muốn nêu danh tính cho báo giới biết dù bất cứ di dân bất hợp pháp nào tại Mỹ cũng có thể bị trục xuất, nhưng Bộ sẽ ưu tiên trục xuất những người nào có thể là một mối đe dọa. Những người này bao gồm những người mới đến gần đây, những người bị kết tội và những người bị truy tố nhưng chưa có án. Tuy nhiên các giới chức này nói thêm nhiều chỉ thị đối với các nhân viên di trú phác họa trong bản hướng dẫn sẽ không được thi hành ngay tức khắc vì còn tùy thuộc vào Quốc hội, ý kiến của công chúng, hay thương thuyết với các nước khác. Hướng dẫn mới có ảnh hưởng đối với những di dân không chứng minh được đã có mặt tại nước Mỹ hơn 2 năm, họ sẽ bị “trục xuất nhanh chóng.” Hiện nay chỉ những di dân bị bắt gần biên giới và không thể chứng minh đã có mặt tại Mỹ hơn 14 ngày sẽ bị trục xuất nhanh. Hướng dẫn cũng chỉ thị cho cơ quan thi hành luật di trú và hải quan bắt giữ những di dân hiện đang chờ phán quyết của Tòa về việc họ có bị trục xuất hay được cho tị nạn hay không. Cơ quan cũng đang có kế hoạch gởi trả những di dân không phải người Mexico vượt biên giới phía nam nước Mỹ về lại Mexico trong khi chờ đợi quyết định về trường hợp của họ. Các giới chức Bộ An ninh Nội địa nói kế hoạch này tùy thuộc vào các đối tác với chính phủ Mexico và sẽ không được thi hành trong một sớm một chiều. Những biện pháp của ông Trump chống lại di dân bất hợp pháp đã làm dấy lên những cuộc biểu tình như sự kiện hồi tuần trước mà những nhà hoạt động gọi là “Một ngày Không Di dân” để nhấn mạnh tầm quan trọng của dân nhập cư, chiếm 13% dân số Mỹ, hay hơn 40 triệu người được nhập tịch Mỹ. http://www.voatiengviet.com/a/di-dan-lau-toi-my-luc-nho-van-con-duoc-an-toan/3734642.html

TT Trump: Hành động bài Do Thái thật đáng ‘kinh tởm’

Trong chuyến thăm viện bảo tàng lịch sử về người Mỹ gốc Phi mới được thành lập, Tổng thống Donald Trump hôm 21/2 phát biểu rằng ông sẽ làm những gì có thể để cải thiện quan hệ sắc tộc. Ông lên án hàng loạt vụ tấn công hồi gần đây, cũng như những tuyên truyền bài người Do Thái bằng hình vẽ và chữ viết tại những nơi công cộng. “Những đe dọa bài Do Thái nhắm vào cộng đồng Do Thái và những trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Do Thái thật đáng kinh tởm và đau lòng, một sự gợi nhớ đáng buồn về những điều cần phải làm để bài trừ tận gốc định kiến hận thù và tà tâm,” ông Trump phát biểu sau chuyến thăm Bảo tàng Văn hóa và Lịch sử Quốc gia về Người Mỹ gốc Phi. Trong cuộc phỏng vấn trước đó trên MSNBC, ông Trump nói rằng “Chủ nghĩa bài Do Thái thật đáng kinh tởm, cần phải chặn nó lại, và nó phải chấm dứt.” Tổng thống Trump đang chịu áp lực ngày càng tăng về việc phải lên tiếng trước tình trạng bài Do Thái giữa lúc xảy ra hàng loạt đe dọa hồi gần đây, bao gồm đe dọa đánh bom hôm 20/2 nhắm vào 11 trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Do Thái. Những đe dọa tương tự cũng xảy ra với các trường học của người Do Thái trong những tuần gần đây, những kẻ bài người Do Thái còn đập phá hàng tá bia mộ tại nghĩa trang của người Do Thái ở St. Louis hôm 16/2. Ông Trump cũng phát biểu hôm 21/2 trong khi đi thăm viện bảo tàng của người Mỹ gốc Phi rằng: “Nó nhắc nhở tại sao chúng ta phải chiến đấu chống lại sự cố chấp và bất dung thứ.” Tháng trước, chính quyền Trump đã bị chỉ trích khi ra thông báo nhân ngày Quốc tế tưởng niệm vụ Đức Quốc xã thảm sát người Do Thái trong Thế chiến thứ II nhưng không đề cập đến người Do Thái. http://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-nhung-vu-tan-cong-bai-nguoi-do-thai-that-dang-kinh-tom/3733752.html

Mỹ: Ngành cần sa hồi hộp chờ quan điểm mới

Elizabeth Lee LOS ANGELES — Marijuana, hay cần sa, hiện được sử dụng hợp pháp cho mục đích chữa bệnh hoặc giải trí ở 28 tiểu bang của Mỹ. Bốn trong số các tiểu bang này hợp pháp hóa marijuana vào tháng 11 vừa qua. Được công chúng ủng hộ nhiều hơn, ngành công nghiệp cần sa hợp pháp trị giá nhiều tỷ đô la cũng đang lớn mạnh. Trong khi marijuana được hợp pháp hóa ở nhiều bang, luật liên bang chưa hợp pháp hóa cần sa. Mua chất kích thích – mà người Mỹ gọi dân dã là pot – tại một chẩn y viện ở Los Angeles giống như là đi vào một cửa hàng rượu cao cấp. Các cây cần sa được trưng bày có mô tả về công dụng của chúng. Các loại thức ăn và các sản phẩm vệ sinh có marijuana được bày trên giá với mục tiêu làm cho chất kích thích này trở thành sản phẩm thông dụng và để xóa đi những vết nhơ về nó, đặc biệt kể từ khi California hợp thức hóa việc sử dụng marijuana cho mục đích giải trí vào tháng 11 năm ngoái. Vào năm 2016, ngành kinh doanh marijuana được hợp pháp hóa đã đạt giá trị gần 7 tỷ đô la. Con số đó được kỳ vọng sẽ tăng đến hơn 21 tỷ đô la trong 5 năm tới. Nhưng chính quyền mới của ông Trump đang làm cho một số người trong ngành công nghiệp đang phát triển này lo lắng. Ông Daniel Yi của công ty sản xuất cần sa hàng đầu ở Los Angeles cho VOA biết: “Marijuana chắc chắn là ngành đang phát triển mạnh và có nhiều thay đổi, một phần là vì nó đang trong bối cảnh luật pháp phức tạp. Nó được hợp pháp hóa ở một số tiểu bang, nhưng không được liên bang hợp pháp hóa và đang có nhiều luật mâu thuẫn, chồng chéo nhau.” Ông Martin Adamian là giáo sư của Đại học bang California ở Los Angeles. “Có những luật ở cả cấp tiểu bang lẫn liên bang. Khi các luật đó mâu thuẫn nhau, thì luật liên bang thắng – với đúng nghĩa là điều khoản tối cao, một điều khoản trong Hiến pháp Mỹ quy định rõ rằng luật liên bang là tối thượng.” Nhưng việc chỉ các giới chức liên bang mới có thể thực thi luật liên bang ở các tiểu bang có luật khác với luật liên bang không có nghĩa là nó vô hiệu hóa luật tiểu bang, và do đó nó đang gây bối rối, khó hiểu về vấn đề này. Nhưng cuối cùng thì mỗi tổng thống sẽ là người đặt ra các tiêu chí thực thi. Chính quyền tổng thống Obama dùng cách tiếp cận không can thiệp, và cho phép mỗi tiểu bang thực thi luật của riêng họ. Người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thực thi luật của chính quyền Trump là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Khi còn làm Thượng nghị sĩ đại diện bang Alabama năm 2016, ông Sessions nói: “Người tốt không hút marijuana.” Vấn đề trở nên khó hiểu hiểu hơn trong buổi điều trần chuẩn thuận cho chức bộ trưởng tư pháp, ông Sessions đã không nói rõ khi trả lời một câu hỏi của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy của tiểu bang Vermont. Ông Leahy hỏi: “Ông sẽ dùng các nguồn lực của liên bang để điều tra và truy tố những người bị bệnh dùng marijuana được luật của tiểu bang cho phép, cho dù mâu thuẫn với luật liên bang hay không?” Ông Sessopms trả lời: “Thưa Thượng nghị sĩ Leahy, tôi cam kết luôn thực thi luật liên bang, nhưng đây hoàn toàn là một vấn đề các nguồn lực của chính phủ liên bang chúng ta.” Giáo sư Martin Adamian của trường đại học Tiểu bang California nói: “Với đủ tính độc lập và tự do để quyết định đường hướng, một người như ông Jeff Sessions có thể sẽ tìm mọi cách để thực thi luật liên bang về marijuana mà có thể đưa tới thêm những vụ bố ráp tại các tiểu bang cho phép việc sử dụng majiuana.” Nhưng một số tổ chức kinh doanh trong ngành công nghiệp cần sa đang có nhiều hy vọng, như MedMen là nơi quản lý các chẩn y viện. Anh Daniel Yi của Medmen cho biết thêm: “Nếu bạn tin vào triết lý chính phủ làm theo ý chí của người dân và thực tế là ngành công nghiệp marijuana đang phát triển mạnh – nó đang thực sự pháp triển và hoạt động trong phạm vi luật pháp và cho thấy nó là một ngành công nghiệp có tiềm năng — thì tôi cho rằng chúng ta có thể có chút lạc quan về tương lai.” Quốc hội đang tìm cách đáp ứng lại sự phổ biến của marijuana bằng cách lập ra Ủy ban Cần sa lưỡng đảng để làm cầu nối giải quyết sự mâu thuẫn giữa các luật lệ của tiểu bang và liên bang và cũng để giúp ngành công nghiệp marijuana phát triển. http://www.voatiengviet.com/a/nganh-can-sa-my-hoi-hop-cho-chu-truong-cua-tan-bo-truong-tu-phap/3733725.html

Kim Jong Nam chết bí ẩn và quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng

Trọng Thành Người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bị ám hại tại sân bay Kuala Lumpur ngày 14/02/2017. Hàn Quốc và Hoa Kỳ nghiêng về khả năng ông Kim Jong Nam là nạn nhân của Bình Nhưỡng. Cảnh sát Malaysia đang tiến hành điều tra. Dù ai là thủ phạm, cái chết của Kim Jong Nam cũng là một nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, trong lúc chính quyền Trung Quốc đã gần như im lặng về vụ Kim Jong Nam, trong công luận có nhiều giả thuyết rất khác nhau về mối liên quan giữa cái chết bí hiểm này với quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn Mỹ UPI ngày 17/02, dẫn lại báo Nhật Asahi Shimbun, theo đó, ngay ngày thứ Tư tuần trước chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu báo chí không được đưa cái chết của Kim Jong Nam trở thành tin thời sự ưu tiên. Các bài viết tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của Kim Jong Nam hay những câu chuyện quá khứ về dòng họ nhà Kim, hay các chương trình trực tiếp từ Malaysia bình luận về vấn đề này bị cấm tại Trung Quốc. Đọc thêm : Kim Jong-nam từ « Tiểu tướng » đến đứa «con hoang » của chế độ Bình Nhưỡng Một nhà báo Trung Quốc xin ẩn danh, nói với Asahi, là mối lo ngại lớn của Bắc Kinh là câu chuyện này có thể khuấy động công luận Trung Quốc, kích động lập trường cắt đứt quan hệ với Bắc Triều Tiên. Nhà báo nói trên nhấn mạnh : « Trong tình trạng hiện nay, mọi tuyên bố của chính quyền về cái chết của Kim Jong Nam chỉ có thể khiến tình hình nghiêm trọng hơn ». Tin đồn Trung Quốc cấm nhập than để trả đũa Bản tin của UPI dẫn lời một số chuyên gia, theo đó, vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa hôm Chủ nhật, 12/02, ít tác động đến Bắc Kinh hơn là vụ Kim Jong Nam bị ám hại. Đây là quan điểm của ông Paul Haenle. Theo cựu cố vấn của hai đời tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, Kim Jong Nam là « người ủng hộ một cuộc cải cách kinh tế theo kiểu Trung Quốc » tại Bắc Triều Tiên, và cũng được coi là « một người có uy tín trong dòng họ nhà Kim ». Có nhiều đồn đoán cho rằng quyết định cấm nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên trong năm 2017, mà Bắc Kinh thông báo ngày 18/02, chính là một cảnh báo mạnh mẽ nhắm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, báo chí chính thức của Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ tin đồn này. Còn mạng South China Morning Post ngày thứ Hai 20/02, có bài « Trung Quốc có thể định hướng câu chuyện dài bí ẩn về vụ sát hại Kim Jong Nam » cho biết kể từ thứ Ba tuần trước đến lúc đó, chính quyền Trung Quốc mới chỉ có một tuyên bố dè dặt về vấn đề này, trong khi một nguồn tin ngoại giao cho biết chính quyền Trung Quốc không muốn đưa ra những bình luận quá sớm về chuyện này, Bắc Kinh có thể cho rằng đây là « công việc nội bộ của Bắc Triều Tiên và không có ý định can thiệp ». South China Morning Post nhấn mạnh là, nhiều nguồn tin từ Bắc Kinh khẳng định ông Kim Jong Nam thực ra không phải là một nhân vật quan trọng như nhiều người vẫn tưởng, «ở Bắc Triều Tiên, không ai biết Kim Jong Nam là ai, và ông ta cũng không hề có hậu thuẫn tại Bình Nhưỡng » . Theo ông Sun Xingjie, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Jilin (Cát Lâm), cơ hội của Kim Jong Nam « trở về nắm quyền tại Bình Nhưỡng là nhỏ ». South China Morning Post nhấn mạnh là điều chủ yếu khiến Bắc Kinh lo ngại trong vấn đề Bắc Triều Tiên là chương trình tên lửa hạt nhân. Bắc Kinh bỏ rơi Kim Jong Nam ? Trong khi nhiều giả thuyết về cái chết của Kim Jong Nam thiên về bàn tay của chế độ Bình Nhưỡng, báo Sankei Shimbun, một trong những nhật báo phổ thông tại Nhật Bản, đưa ra một góc nhìn hoàn toàn khác qua bài « Phải chăng Trung Quốc bỏ rơi Kim Jong Nam ? ». Theo phóng viên Akio Yatia, Kim Jong Nam vốn là một « lá bài ngoại giao quan trọng » của Trung Quốc trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Thời Kim Jong Il, cha của hai anh em nhà Kim còn sống, Kim Jong Nam đã được sử dụng như một « con tin », có thể được đưa ra sử dụng để mặc cả trong trường hợp quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, hay một giải pháp trong trường hợp thay đổi chế độ. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, Kim Jong Nam cũng trở thành một trong những lý do khiến quan hệ giữa Trung Quốc và đàn em Đông Bắc Á, dưới chế độ Kim Jong Un, trở nên xấu đi. Giả thuyết về việc Kim Jong Nam bị Trung Quốc bỏ rơi được Sankei Shimbun nhấn mạnh trên cơ sở so sánh mức độ bảo vệ an ninh mà chính quyền Trung Quốc dành cho người con của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il. Theo an ninh Hàn Quốc, thông thường, trong các chuyến đi tại Singapore, Malaysia hay bất cứ đâu tại Đông Nam Á, ông Jong Nam và gia đình cũng được an ninh Trung Quốc theo sát hộ tống. Tuy nhiên, lần này, theo các hình ảnh chụp bên trong sân bay vào thời điểm xảy ra vụ ám sát, được truyền thông Malaysia công bố, thì không có dấu hiệu gì cho thấy lực lượng an ninh Trung Quốc hộ tống Kim Jong Nam. Câu hỏi đặt ra là : phải chăng an ninh Trung Quốc không tiếp tục theo sát người anh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên vì nhân vật này không còn cần thiết được bảo vệ ? Tác giả bài báo cho hay, một chuyên gia Trung Quốc về Bắc Triều Tiên trong cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh, khẳng định : « Có hai cản trở cho việc Kim Jong Un công du Bắc Kinh », thứ nhất là Bắc Triều Tiên phải tạm thời ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, và thứ hai là Kim Jong Nam phải biến mất. Các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên là nguyên nhân trực tiếp khiến Hoa Kỳ quyết định triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa tại Hàn Quốc, mà đây là điều mà Bắc Kinh coi là một thách thức rất lớn. Trong khi đó, trong những tuần gần đây, Washington cũng liên tục kêu gọi chính quyền Trung Quốc « khởi động » lại quan hệ với chế độ Bình Nhưỡng, với hy vọng làm thay đổi kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của quốc gia cô lập nhất thế giới này. Vụ sát hại Kim Jong Nam xảy ra đúng vào thời điểm tân chính quyền Mỹ và Bắc Kinh khởi động lại thương lượng về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Vụ ám sát Kim Jong Nam xảy ra đúng vào thời điểm này ? Phải chăng đây là một trùng hợp ngẫu nhiên ? *** Báo Nhật Sankei Shimbun kết luận, « nếu cuối cùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có chuyến công du Trung Quốc vào cuối năm nay, thì chúng ta sẽ có một chỉ dấu. ». Điều này có nghĩa là giả thuyết Kim Jong Nam là một vật cản trong quan hệ giữa Bắc Kinh và chế độ Kim Jong Un rất có thể là sự thực. Việc bảo vệ an ninh của Trung Quốc dành cho Kim Jong Nam bị lơi lỏng cũng là điều được nhắc đến trong bài « Vụ sát hại Kim Jong Nam có ý nghĩa gì với Trung Quốc », được The Diplomat đăng tải ngày 17/02. Giáo sư chính trị học Robert Kelly, Đại học Pusan Hàn Quốc, đặt câu hỏi : phải chăng qua việc này Bắc Kinh muốn thể hiện là « Trung Quốc từ bỏ » việc sử dụng Kim Jong Nam như một lá bài trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là « hiện tại chúng ta chưa biết điều này hàm nghĩa gì ». http://vi.rfi.fr/chau-a/20170222-kim-jong-nam-chet-bi-an-va-quan-he-bac-kinh-binh-nhuong

Mỹ đẩy mạnh trục xuất người nhập cư bất hợp pháp

Thùy Dương Cơ quan an ninh quốc gia của Hoa Kỳ hôm qua, 21/02/2017, công bố những quy định mới để đẩy mạnh trục xuất người cư trú bất hợp pháp tại Mỹ. Đây không phải là luật mới, mà chỉ là việc áp dụng chặt chẽ các văn bản pháp luật đã có. Chính quyền Mỹ sẽ tuyển dụng thêm khoảng 10.000 nhân viên phụ trách nhập cư và 5.000 người tuần tra dọc biên giới. Sắc lệnh DACA của tổng thống Barack Obama nhằm bảo vệ các sinh viên tới Mỹ từ khi còn trẻ tuổi vẫn được giữ nguyên. Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết : « Những người thuộc diện ưu tiên trục xuất vẫn là những người cư trú bất hợp pháp và từng bị kết án trọng tội hay khinh tội. Điều thay đổi trong chỉ thị mới là việc trục xuất không còn liên quan tới đức tin, tôn giáo và việc bị điều tra là đủ để trục xuất một người. Theo cách này, một người cư trú bất hợp pháp chưa từng gặp rắc rối với cảnh sát hay chưa dính líu gì tới pháp lý cũng có thể bị trục xuất, nhất là khi bị sĩ quan phụ trách thẩm vấn đánh giá là « cá nhân này có thể gây hại tới an ninh quốc gia ».  Thêm một điểm thay đổi nhỏ khác là: Theo quy định cũ, các cơ quan nhập cư chú ý nhắm tới những người vừa tới Mỹ trong vòng 2 tuần và trong phạm vi 150 km tính từ biên giới, nhưng theo quy định mới, thời hạn này sẽ tăng lên thành 2 năm và trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.  Và cuối cùng, mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ trục xuất. Những người bị bắt ở biên giới giữa Mêhicô với Mỹ sẽ bị trục xuất sang Mêhicô, bất kể họ mang quốc tịch gì. Và không ai được thả ra trong khi chờ tư pháp kiểm tra như theo quy định cũ. » Trong khi đó, tư pháp Mỹ đang lúng túng trong việc khởi kiện nhân viên cảnh sát đã bắn chết một thiếu niên Mêhicô tại biên giới giữa hai nước. http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170222-my-day-manh-truc-xuat-nguoi-nhap-cu-bat-hop-phap

Vụ ám sát Kim Jong Nam

khiến Bắc Triều Tiên thêm cô lập

Thanh Phương Vốn đã ít bạn, Bắc Triều Tiên, quốc gia khép kín nhất thế giới, lại càng bị cô lập thêm sau vụ ám sát Kim Jong Nam tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 13/02/2017. Cho tới nay, Bắc Triều Tiên và Malaysia vẫn có quan hệ tương đối nồng thắm, nhất là về kinh tế. Hai nước còn có một hiệp định miễn visa, tức là công dân Malaysia và Bắc Triều Tiên được đi đến nước kia mà không cần xin giấy tờ gì cả. Malaysia còn là một cửa ngỏ để các quan chức chế độ Bình Nhưỡng giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trong những năm gần đây, Kuala Lumpur vẫn là nơi tổ chức các cuộc họp kín giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ. Nhưng mối quan hệ hữu hảo này có lẽ đang đi vào quá khứ do những căng thẳng chung quanh cuộc điều tra về cái chết của ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong Un. Chính quyền Kuala Lumpur đã triệu đại sứ Bắc Triều Tiên lên sau khi ông này chỉ trích nhà chức trách Malaysia là “che giấu thông tin” về cái chết của Kim Jong Nam và “thông đồng với bên ngoài” để bêu xấu chế độ Bình Nhưỡng. Chính quyền Kula Lumpur cũng đã triệu hồi đại sứ Malaysia ở Bình Nhưỡng để tham vấn. Khủng hoảng giữa hai nước đã bắt đầu ngay từ khi Kuala Lumpur bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng đòi trao trả thi hài ông Kim Jong Nam. Đối với Kuala Lumpur, do cái chết bí ẩn của ông Kim Jong Nam xảy ra trên lãnh thổ Malaysia, cho nên Nhà nước Malaysia có trách nhiệm điều tra về nguyên nhân của ca tử vong này. Các nhà quan sát không loại trừ khả năng là Malaysia đình chỉ hiệp định miễn visa với Bắc Triều Tiên, như Singapore đã làm vào năm ngoái, để phản đối cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư của Bắc Triều Tiên. Hiện giờ có đến 1000 người Bắc Triều Tiên đang làm việc ở Malaysia, và cũng giống như các cộng đồng Bắc Triều Tiên ở các nước khác, họ gởi về nước một nguồn ngoại tệ cần thiết cho chế độ Bình Nhưỡng. Về kinh tế, Malaysia sẽ không bị tác động nhiều bởi căng thẳng hiện nay, nhưng phía Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là vì mới tuần trước, Trung Quốc thông báo quyết định ngưng nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên. Ngay cả trong lĩnh vực thể thao, căng thẳng lên đến mức mà bộ trưởng Thể Thao Malaysia đã yêu cầu Liên Đoàn Bóng Đá Châu Á xem xét những quan ngại của họ về sự an toàn của đội tuyển quốc gia trong trận gặp đội tuyển Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng vào tháng tới. Nhưng một chuyên gia Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đông Á, Viện Brookings, Evans J.R Revere, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, nhắc lại rằng nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên thường không ngại làm mích lòng các đồng minh khi cần phải đạt những mục tiêu mà họ đề ra. Chẳng hạn như vào năm 1983, điệp viên Bắc Triều Tiên đã đánh bom ở Miến Điện vào lúc tổng thống Hàn Quốc Chun Doo –Hwan đang viếng thăm nước này. Lãnh đạo chính quyền Seoul thoát chết, nhưng 21 người đã thiệt mạng. Sau vụ này, Miến Điện đã cắt đứt bang giao với Bình Nhưỡng. Trong vụ Kim Jong Nam, không loại trừ khả năng là Bắc Triều Tiên đưa người đến cướp thi hài người anh của lãnh đạo Kim Jong Un, cho nên chính quyền Kuala Lumpur đã phải huy động đến lực lượng đặc nhiệm để canh gác nhà xác nơi đang đặt thi thể của ông Kim Jong Nam. http://vi.rfi.fr/chau-a/20170222-vu-am-sat-kim-jong-nam-khien-bac-trieu-tien-them-co-lap

Nga chơi trò ngoại giao mập mờ, Ukraina lo ngại

Thùy Dương Tại Donbass, khu công nghiệp ở miền đông Ukraina, lệnh hưu chiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày thứ Hai, 20/02/2017, đã bị ngưng. Các vụ oanh kích lại tiếp diễn tại các khu vực đông dân và tập trung nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, Nga lại chơi một trò chơi ngoại giao mập mờ, khó hiểu, khi chấp nhận thẻ căn cước do chính quyền cộng hòa ly khai Donetsk và Louhansk cấp. Nhà chức trách Ukraina tỏ ra lo ngại. Từ Lviv, đặc phái viên RFI Sébastien Gobert giải thích : « Thỏa thuận hòa bình Minsk luôn trong tình trạng hấp hối kể từ khi được ký kết hồi tháng 02/2015. Nhưng nó thường xuyên được thương lượng lại. Đối với tổng thống Ukraina Petro Porochenko, mọi chuyện rất có thể sẽ phải được xem xét lại. Ông Porochenko phát biểu : « Chúng tôi không chỉ nhận thấy lệnh hưu chiến bị vi phạm, mà còn lấy làm tiếc về quyết định vô liêm sỉ liên quan tới việc Nga thừa nhận các loại giấy tờ giả mạo do các chính quyền bù nhìn cấp. » Trong bối cảnh chính quyền Kiev vừa thông qua kế hoạch tái hòa nhập vùng Donbass vào một nước Ukraina thống nhất, thì việc Nga quyết định công nhận các loại giấy tờ hành chính của chính quyền ly khai Donestk và Louhansk không phải là một ý tưởng hay.  Tổng thống Ukraina Petro Porochenko khẳng định : « Theo các quy định quốc tế, bước đi này nhằm tiến tới công nhận các thực thể bất hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc bác bỏ tiến trình hòa bình Minsk, và sẽ dẫn tới những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn ». Hy vọng thương lượng để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng có vẻ ngày càng trở nên xa vời. Và điều này sẽ không cải thiện được tình cảnh của hàng triệu thường dân hiện vẫn đang ở Donbass. » http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170222-nga-choi-tro-ngoai-giao-map-mo-ukraina-lo-ngai

Nghị viện Rumani

bác sắc lệnh gây tranh cãi về luật chống tham nhũng

Thu Hằng Ngày 21/02/2017, Nghị Viện Rumani đã bác một sắc lệnh giảm nhẹ các tội tham nhũng. Như vậy, các cuộc biểu tình rầm rộ trong nhiều tuần qua đã mang lại kết quả. Quyết định trên cũng đánh dấu chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài từ 21 ngày nay giữa chính phủ và người biểu tình. Từ thủ đô Bucarest, thông tín viên RFI Benjamin Ribout cho biết thêm : « Dấu chấm hết cho sắc lệnh 13 nhằm giảm nhẹ luật chống tham nhũng tại Rumani. Văn bản gây nhiều tranh cãi từ ba tuần nay đã chính thức bị các nghị sĩ Rumani bác bỏ với đa số phiếu : 291 phiếu ủng hộ việc rút sắc lệnh và chỉ có 3 phiếu trắng. Để thể hiện sự phản đối, lãnh đạo đảng Xã Hội-Dân Chủ cầm quyền, Liviu Dragnea, vắng mặt ở Nghị Viện lúc bỏ phiếu.  Vào thứ Hai 20/02, đông đảo thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ việc rút sắc lệnh trên. Dường như quyết định hủy bỏ dự luật cải tổ này chỉ còn là vấn đề thủ tục khi sức ép từ đường phố đã đánh động công luận và làm lay chuyển phần lớn chính phủ. Ngay khi các cuộc biểu tình bắt đầu, vài trăm nghìn người Rumani đã xuống đường trên khắp đất nước. Kết quả là cựu bộ trưởng Tư Pháp Florin Iordache, người ủng hộ dự luật cải tổ trên, đã phải từ chức. Điều đáng cười là chính ông Iordache, đồng thời cũng là một nghị sĩ, lại bỏ phiếu bác bỏ văn bản này vào ngày 21/02 tại Nghị Viện.  Tuy nhiên, chưa chắc mọi việc sẽ dừng ở đây. Từ nhiều ngày nay, người biểu tình và phe đối lập tự do đòi thủ tướng Sorin Grindeanu từ chức. Quyết định rút sắc lệnh 13 trở thành sự lăng nhục đối với người đứng đầu đảng Xã Hội-Dân Chủ Liviu Dragnea. Chưa bao giờ ông lại rơi vào thế yếu đến như vậy ngay trong phe của mình ». http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170222-nghi-vien-rumani-bac-sac-lenh-gay-tranh-cai-ve-luat-chong-tham-nhung