6 cuộc bầu cử lớn vào năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến cục diện toàn thế giới.

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bình luận Lương Ngọc Viêm • 09:05, 23/12/23

6 cuộc bầu cử lớn vào năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến cục diện toàn thế giới
Máy bay trực thăng bay quanh Tượng Nữ thần Tự do ở Thành phố New York vào ngày 13/12/2023. (Ảnh của Charly TRIBALLEAU / AFP) (Ảnh của CHARLY TRIBALLEAU/AFP qua Getty Images)

Vào năm 2024, một nửa thế giới sẽ tổ chức bầu cử và khoảng 30 quốc gia sẽ bầu tổng thống. Trong số đó, sáu khu vực tranh cử đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Vì kết quả cuối cùng của sáu cuộc bầu cử quan trọng này sẽ ảnh hưởng đến cục diện của toàn cầu.

Xem nhanh

  1. Bầu cử tổng thống Đài Loan
  2. Bầu cử tổng thống Nga
  3. Bầu cử thủ tướng ở Ấn Độ
  4. Bầu cử thành viên Nghị viện Liên minh Châu Âu
  5. Bầu cử tổng thống ở Mexico
  6. Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ

Các cuộc bầu cử này được phân theo thứ tự thời gian như sau:

  • Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan vào ngày 13/1/2024.
  • Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phát động chiến dịch bảo vệ vị trí tổng thống vào tháng 3/2024.
  • Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ bảo vệ vị trí của mình từ tháng 4-5/2024.
  • Hơn 400 triệu cử tri đủ điều kiện ở 27 quốc gia EU sẽ bầu 720 thành viên Nghị viện châu Âu vào tháng 6.
  • Cũng trong tháng 6, Mexico, quốc gia đông dân thứ hai ở Mỹ Latinh, sẽ tổ chức bầu cử tổng thống.
  • Ngoài ra còn có cuộc bầu cử được theo dõi nhiều nhất thế giới vào tháng 11/2024, trong đó Tổng thống Mỹ Biden có thể đối đầu với cựu Tổng thống Trump.

Bầu cử tổng thống Đài Loan

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan được tổ chức vào tháng tới sẽ không chỉ là vở kịch chính trị khu vực đầu tiên vào năm 2024 mà còn có tác động sâu sắc đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thậm chí cả việc duy trì thế giới văn minh.

Cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống thứ 16 của Đài Loan sẽ được tổ chức vào ngày 13/1/2024 (113 năm Trung Hoa Dân Quốc), cuộc bầu cử này sẽ được tổ chức cùng ngày với cuộc bầu cử lập pháp lần thứ 11, với 8 tiêu chí chính: công dân trực tiếp bầu tổng thống và phó tổng thống; sẽ sử dụng hệ thống bỏ phiếu phổ thông; trực tiếp; bình đẳng; bí mật; đơn lẻ; đa số phiếu.

Có ba nhóm đủ điều kiện để tranh cử tổng thống và phó tổng thống theo luật định: Chủ tịch Lai Ching-te (Lại Thanh Đức) của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền và cựu Đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim); Thị trưởng Tân Đài Bắc Hầu Hữu Nghi và doanh nhân truyền thông Triệu Thiếu Khang của Quốc Dân Đảng; ông Kha Văn Triết, chủ tịch Đảng Nhân dân đối lập và Ngô Hân Doanh nhà lập pháp đương nhiệm.

Các cuộc thăm dò toàn diện của nhiều phương tiện truyền thông ở Đài Loan trước thời hạn viết bài này cho thấy tỷ lệ ủng hộ sự kết hợp giữa ông Lại Thanh Đức và bà Tiêu Mỹ Cầm của Đảng Dân tiến là từ 35 đến 40%; tỷ lệ ủng hộ sự kết hợp giữa Hầu Hữu Nghi và Triệu Thiếu Khang của Quốc dân đảng là từ 27 đến 33%, tỷ lệ ủng hộ Kha Văn Trác của Đảng Nhân dân tỷ lệ ủng hộ việc kết hợp với Ngô Hân Doanh là khoảng 17%.

Bầu cử tổng thống Nga

Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Quốc hội) đã họp vào ngày 8/12/2023 và thông qua nghị quyết tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 17/3/2024. Cư dân của 4 khu vực phía đông nam Ukraine bị Nga sáp nhập cũng có thể bỏ phiếu. Vẫn còn phải xem liệu ông Putin có thể tái đắc cử và bắt đầu nhiệm kỳ thứ năm thành công hay không.

Nhiệm kỳ của tổng thống Nga kéo dài 6 năm và ông Putin đã cai trị nước Nga được 23 năm trong 4 nhiệm kỳ đầu tiên. Ông đã thúc đẩy những thay đổi hiến pháp vào năm 2020, cho phép về mặt lý thuyết, ông có thể nắm quyền cho đến năm 2036, khiến ông được kỳ vọng là người cai trị lâu dài hơn Joseph Stalin.

Thế giới bên ngoài cho rằng cuộc chiến ở Ukraine được ông Putin dùng làm cái cớ để giam giữ hoặc bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Kẻ thù cũ của ông Putin và lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny trước đó đã bị kết án 11 năm rưỡi tù vì tội lừa đảo và coi thường tòa án. Đối thủ hàng đầu của Điện Kremlin 47 tuổi này đã bị giam 9 năm trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt.

Vào ngày 4/8/2023, ông Navalny bị tòa án Nga kết án thêm 19 năm tù vì “tội cực đoan”. Ông Navalny đã gửi một thông điệp qua nhóm của mình rằng bản án của ông tương đương với bản án chung thân.

Một thách thức khác có thể xảy ra với ông Putin là cựu lãnh đạo phe ly khai và nhà phê bình chủ nghĩa dân tộc Igor Girkin. Khi tuyên bố ý định tranh cử, ông cũng bị tống vào tù, chưa biết ngày trả tự do.

Thế giới bên ngoài tin rằng nếu Putin quyết định tái tranh cử vào tháng 3 thì sẽ không có ai ở Nga thách thức ông.

Bầu cử thủ tướng ở Ấn Độ

Từ tháng 4-5/2024, gần 100 triệu cử tri ở Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, sẽ tham gia bỏ phiếu. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba.

Tại lễ khánh thành Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế (IECC) vào tháng 7/2023, ông Modi đã trích dẫn dữ liệu từ báo cáo của Ủy ban Phát triển Quốc gia, ông nói: “Dựa trên những ghi chép trong quá khứ, trong nhiệm kỳ thứ ba của chính phủ chúng tôi, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới”. Ủy ban này cho biết 135 triệu người Ấn Độ đã thoát nghèo trong 5 năm qua. Các cơ quan quốc tế cũng cho biết tình trạng nghèo đói cùng cực của Ấn Độ sắp chấm dứt.

Công bố số liệu thống kê về sự phát triển trong nhiệm kỳ 9 năm của mình, từ số lượng sân bay, điện khí hóa đường sắt đến mở rộng khí đốt đô thị, ông Modi cho biết: “Khi chính phủ của Đảng BJP lên nắm quyền vào năm 2014, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ mười. Bây giờ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới”. “Chúng tôi sẽ biến Ấn Độ thành một quốc gia phát triển và theo nguyên tắc ‘quốc gia là trên hết và công dân là trên hết’. Chúng tôi phải đạt được mục tiêu biến Ấn Độ thành quốc gia phát triển trong 25 năm tới”.

Nhưng các nhà phê bình cho rằng ông Modi đã xây dựng sự nghiệp chính trị và thành công của mình nhờ sự ủng hộ của hơn 1 tỷ người theo đạo Hindu trong nước và kích động thái độ thù địch đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo lớn trong nước.

Thế giới bên ngoài tin rằng mặc dù các quyền tự do dân sự đã bị đàn áp dưới sự cai trị của ông, nhưng động lực tranh cử của ông rõ ràng là rất lạc quan.

Bầu cử thành viên Nghị viện Liên minh Châu Âu

Hơn 400 triệu cử tri đủ điều kiện từ 27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ bầu ra 720 thành viên Nghị viện Châu Âu vào tháng 6/2024. Người ngoài cuộc cho rằng đây là thời điểm thử thách đối với những người theo chủ nghĩa dân túy ở EU.

Cuộc bầu cử ở Hà Lan đã khiến Đảng Tự do cực hữu chống Hồi giáo và chống EU do ông Geert Wilders lãnh đạo trở thành người chiến thắng; trong cuộc bầu cử ở Ý năm 2022, đảng Anh em cực hữu của Ý do bà Giorgia Meloni lãnh đạo cũng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Ông Jordan Bardella, một thành viên trong Nghị viện châu Âu cực hữu của Pháp, từng đăng trên Facebook: “Đến đây vào tháng 6/2024”.

Lãnh đạo đảng cực hữu (RN) của Pháp, ông Jordan Bardella, tổ chức một cuộc họp báo ở Paris, vào ngày 4/12/2023, sau một vụ tấn công bằng dao xảy ra ở Paris vào ngày 2/12/2023.

Lãnh đạo đảng cực hữu (RN) của Pháp, ông Jordan Bardella, tổ chức một cuộc họp báo ở Paris, vào ngày 4/12/2023, sau một vụ tấn công bằng dao xảy ra ở Paris vào ngày 2/12/2023.

Một bài viết “Châu Âu quay sang cánh hữu và định hình lại EU” được đăng trên trang web Politico Europe của Bỉ ngày 30/6/2023, cho rằng việc “chuyển sang cánh hữu” của nhiều nước châu Âu sẽ tác động sâu sắc đến EU. Bài báo nói rằng Ý sẽ là nước đầu tiên, sau đó là Phần Lan và Hy Lạp, và Tây Ban Nha có thể là nước tiếp theo.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thường kỳ ở Brussels vào tháng 6/2023, một nhân vật chính trị mới xuất hiện, đó là Thủ tướng mới của Phần Lan Antti Petteri Orpo, người lãnh đạo Đảng Thống nhất Quốc gia bảo thủ. Sau 4 năm nắm quyền, chính phủ liên minh 5 đảng cánh tả bị cử tri bỏ rơi, chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Phần Lan được thành lập. Lịch sử chính trị một năm của Phần Lan cho thấy xu hướng cực hữu ở một số khu vực ở châu Âu khó có thể đảo ngược.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử. Lợi thế của nhà lãnh đạo trung hữu 55 tuổi trong cuộc bầu cử quốc hội lớn hơn nhiều so với thời điểm ông mới tranh cử.

Nhìn chung, người ta tin rằng xu hướng thiên về cánh hữu của Nghị viện châu Âu mới do EU bầu vào năm 2024 có thể tạo ra một Brussels bảo thủ hơn trong vài năm tới: EU sẽ đưa ra các quyết định quan trọng về các vấn đề như mở rộng về phía đông, thương mại với Trung Quốc và duy trì nền pháp quyền ở các nước EU.

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024, thế giới bên ngoài đang chờ xem liệu các nghị sĩ theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu có thể giành được tiếng nói lớn hơn ở EU hay không.

Bầu cử tổng thống ở Mexico

Mexico, một quốc gia lớn ở Trung Mỹ, cũng sẽ bầu tổng thống mới vào tháng 6/2024. Hiện nay, bà Claudia Sheinbaum, cựu thị trưởng thủ đô Mexico City và là nữ nhà khoa học 61 tuổi, có tầm ảnh hưởng nhất. Bà là thành viên của Đảng Phong trào Đổi mới Quốc gia (MORENA) cầm quyền và được đảng này đề cử làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6.

Liên minh đối lập đề cử bà Xochitl Galvez, một kỹ sư máy tính 60 tuổi và là nữ thượng nghị sĩ bản địa thẳng thắn, làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống.

Ông Samuel Garcia, thống đốc trẻ bang Nuevo Leon ở miền bắc Mexico, cũng tuyên bố sẽ tranh cử.

Một cuộc thăm dò do Reforma của Mexico công bố vào ngày 28 tháng 8 năm 2023 cho thấy 46% cử tri sẽ bỏ phiếu cho bà Claudia Sheinbaum và 31% sẽ bỏ phiếu cho bà Xochitl Galvez.

Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ

Vào ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu ra Tổng thống thứ 60 của Hoa Kỳ. Mặc dù cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ là cuộc bầu cử muộn trong năm cuộc bầu cử lớn, nhưng chắc chắn đây là cuộc bầu cử được theo dõi nhiều nhất vì vị thế của Hoa Kỳ lớn nhất thế giới.

Nếu đương kim Tổng thống Joe Biden, sinh năm 1942, thắng cử, ông sẽ nắm quyền cho đến năm 86 tuổi. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết cử tri ở Mỹ đều cho rằng Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người thường xuyên hớ hênh, đã quá già và không còn phù hợp để giữ chức Tổng tư lệnh.

Cựu Tổng thống Donald Trump, người có thể trở thành đối thủ của Biden, đã 77 tuổi và có vẻ còn trẻ. Bất chấp vô số vụ kiện, ông Trump vẫn dẫn đầu đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ và là ứng cử viên tổng thống năm 2024 Donald Trump phát biểu trong một sự kiện tranh cử ở Waterloo, Iowa, vào ngày 19/12/2023.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ và là ứng cử viên tổng thống năm 2024 Donald Trump phát biểu trong một sự kiện tranh cử ở Waterloo, Iowa, vào ngày 19/12/2023.

Vào tháng 11/2023, đúng một năm trước cuộc bầu cử tổng thống, một số cuộc thăm dò được công bố tại Mỹ cho thấy đương kim Tổng thống Biden tụt lại phía sau đối thủ là cựu Tổng thống Trump. Sự lạc quan của ông Biden đã không tác động sâu sắc đến dư luận bi quan.

Các cuộc thăm dò do New York Times công bố cho thấy Biden sẽ thua Trump, ứng cử viên triển vọng nhất trong bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, ở 5 trong 6 tiểu bang trọng điểm. Ông Biden đang nhanh chóng mất đi những người ủng hộ, đặc biệt là trong giới trẻ và cử tri thiểu số.

Năm 2020, ông Biden đã giành chiến thắng ở cả 5 “tiểu bang dao động” nêu trên. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát này, tỷ phú đảng Cộng hòa Trump dẫn trước đối thủ 80 tuổi đảng Dân chủ Biden về ý định bỏ phiếu của cư tri ở Nevada, Georgia, Arizona, Michigan và Pennsylvania, chỉ còn lại Wisconsin.

Một cuộc thăm dò của CBS công bố hôm Chủ nhật cho thấy ông Trump dẫn trước ông Biden 51% đến 48% về ý định bỏ phiếu tổng thể.

CBS cho biết 73% người Mỹ tin rằng đất nước của họ đang suy tàn. Một cuộc thăm dò của ABC cho thấy 76% người Mỹ tin rằng đất nước của họ đang đi sai hướng.

Trong một cuộc thăm dò của New York Times, 67% cử tri có cùng quan điểm, cuộc khảo sát cũng cho thấy 71% cử tri tin rằng Biden “quá già để làm tổng thống”.

Bất chấp các cuộc chiến pháp lý của Cựu tổng thống Trump, ông đang dẫn đầu cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa và tuổi 77 của ông không ảnh hưởng đến những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông.

Lập trường của ông Biden về cuộc chiến Israel – Hamas đã khiến nhiều cử tri trẻ cũng như người Mỹ theo đạo Hồi hoặc Arab, hai nhóm trước đây ủng hộ ông tức giận. Theo một bài báo trên trang web Qatar Al Jazeera vào ngày 3/12/2023, các nhà lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở một số tiểu bang xung đột quan trọng ở Hoa Kỳ tuyên bố sẽ vận động cộng đồng của họ phản đối việc ông Biden tái đắc cử vì sự ủng hộ vững chắc của ông đối với Israel trong cuộc xung đột ở Gaza. Việc ông Biden miễn cưỡng kêu gọi ngừng bắn đã làm tổn hại đến mối quan hệ của ông với cộng đồng Hồi giáo Mỹ đến mức không thể hàn gắn được.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, có khoảng 3,45 triệu người Mỹ tự coi mình là người Hồi giáo, chiếm 1,1% dân số Mỹ và có khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân chủ.

Có thể dự đoán, 6 cuộc bầu cử lớn trên thế giới kéo dài gần một năm vào năm 2024 chắc chắn sẽ mang đến những cú sốc cấp độ cao về hướng đi của nền văn minh nhân loại.

Theo The Epoch Times – Lý Ngọc biên dịch

https://bitly.ws/38hUM