Năm năm sóng thần Nhật và vấn đề tồn đọng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thiệt hại do động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân 11/3 là một trong những thảm họa lớn trong lịch sử loài người. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ động đất, sóng thần, số người chết lên tới 15.890 người, 2.590 người mất tích, đỉnh điểm ngay sau khi thảm họa xảy ra có tới trên 400.000 người phải đi lánh nạn.

Cho tới thời điểm tháng 1 năm 2015 số người vẫn phải sống tạm tại nơi lánh nạn hoặc buộc phải chuyển đến sống tại nơi khác là 229.897 người. Có tới 138 người chết tại bệnh viện hai tỉnh Iwate và tỉnh Miyagi do mất điện và thiếu thuốc sau khi động đất, sóng thần ập tới. Nếu không vì mất điện và thiếu thuốc thì 138 con người đã có thể được cứu sống.

Hơn nữa, 5 năm sau thảm họa, theo thống kê có tới 2.024 người chết do ảnh hưởng gián tiếp từ thảm họa. Thời gian trôi, nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy tất bật của cuộc sống và ý nghĩ về thảm họa cũng nhạt nhòa dần. Tại Tokyo những ngày gần đây liên tục mở những triển lãm ảnh để người dân tìm hiểu, đồng cảm và suy ngẫm về sinh mệnh, sức công phá của thiên tai và sự tiềm ẩn nguy hiểm đằng sau tên gọi “năng lượng sạch- điện hạt nhân”.

Khu vực ven biển ba tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima chịu ảnh hưởng nặng nề của động đất sóng thần 11/3. Theo số liệu điều tra khoảng 125.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Trong trường hợp dẫu cùng độ mạnh sóng thần như ngày 11/3 lại ập tới cũng không gây thiệt hại lớn như thảm họa 5 năm trước, nhà nước và chính quyền địa phương đã quyết định thực hiện việc tôn cao nền đất Sau 5 năm, hiện nay những đống đổ nát ngổn ngang đã hoàn toàn được dọn sạch, việc tôn cao nền đất đang là nhiệm vụ chủ yếu trong công cuộc phục hồi lại môi trường sống.

embesausunami

Tuy nhiên việc tôn cao nền đất không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. 5 năm đã trôi qua nhưng tiến triển mới chỉ được 1/2, theo dự tính ít nhất tới 2019 mới có thể hoàn tất.

Công cuộc tôn cao nền đất vẫn đang từng ngày tiến triển, tuy nhiên cũng gặp không ít trở ngại bởi sự phản đối việc di rời mộ của người dân.

Hơn nữa để người dân có thể yên tâm sinh sống, tại ba tỉnh ước tính có 594 nơi cần xây mới và cải tạo lại đê phòng sóng thần dọc bờ biển. Độ dài tổng hợp lên tới 400 km. Cho tới thời điểm tháng 9 năm 2015 mới chỉ hoàn thành được 12%.

Theo số liệu tháng 12 năm 2012, những gia đình nhà bị sóng thần phá hủy có mong muốn xây lại nhà trên mảnh đất quê hương đã gắn bó là 28.060 hộ gia đình, tuy nhiên sau 3 năm mong muốn đó đã giảm 30% chỉ còn 19707 hộ gia đình. Phí xây nhà cộng với giá nhân công tăng cao, không đủ tiền nên nhiều người đã từ bỏ ý định xây lại nhà mới.

.Hơn nữa, việc tôn cao nền đất còn cần nhiều thời gian, có những gia đình không thể kiên nhẫn chờ đợi tới lúc việc tôn tạo hoàn thành, họ đã quyết định chuyển đến sống tại nơi khác.

Khu nhà tạm được dựng lên cho các hộ gia đình nhà bị phá hủy để sống qua ngày trong thời gian chờ đợi xây lại nhà mới. Tuy nhiên, 5 năm sống tại khu nhà tạm đã có tới 190 người mất trong cô đơn không người thân thích.Trong số đó nam giới chiếm 70%.

Sau năm 2013, các tòa nhà chuyên dụng cho người bị ảnh hưởng của động đất, sóng thần ở thuê với giá rẻ do nhà nước tài trợ dần được hoàn thành, nhiều người dân không có tiền xây nhà mới đã chuyển từ khu nhà tạm về đây sống. Những người còn lại tại khu nhà tạm vì nhiều lý do hầu hết là những người cao tuổi sống đơn thân.

Mỗi năm lượng người mất trong cô đơn ngày càng tăng lên. Sống lâu tại khu nhà tạm dẫn tới tinh thần và cơ thể bị ảnh hưởng, nhiều người trở nên trầm cảm sau khi đã trải qua nỗi kinh hoàng của thảm họa 11/3 cùng với những mất mát lớn lao- có nhiều người đã mất cả con, cả cháu chỉ còn lại cô độc một mình lủi thủi sống trong khu nhà tạm.

Hàng xóm dần chuyển ra ngoài sống, tính đến tháng 1 năm 2016 có tới khoảng 59.000 người đã chuyển ra ngoài khu nhà tạm, chính vì thế việc phòng ngừa những trường hợp mất không ai hay đang là một vấn đề nan giải tại các khu nhà tạm. Không chỉ tại khu nhà tạm, những khu nhà chuyên dụng cũng chung vấn đề nan giải đó. Những người trẻ hầu hết tự lực ra ngoài xây nhà mới nên người già và người neo đơn tập trung sống tại khu nhà chuyên dụng chiếm số đông, có tới 37.8% là người cao tuổi (65 tuổi trở lên).

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tới nay đã 5 năm trôi qua nhưng số người sống gần nhà máy điện phải đi lánh nạn vẫn lên tới 70.000 người. Theo dự tính phải cần tới vài chục năm nữa thì mới giải quyết được vấn đề ở nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay Nhật đang xúc tiến chế tạo Robot điều khiển từ xa để đưa vào nhà máy điện thao tác thay cho con người tại môi trường phóng xạ độc hại. Thêm nữa việc nghiên cứu tháo gỡ, phá hủy lò điện hạt nhân cũng đang được tiến hành khẩn trương.

Theo điều tra của trường Tyuuou, 1200 bà mẹ có con từ 1-2 tuổi sống tại tỉnh Fukushima ngay sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân có tới hơn 50% trong số đó lo lắng về việc nuôi con, 80% các bà mẹ

không sử dụng thực phẩm của địa phương cho con ăn vì lo lắng nhiễm phóng xạ, hiện nay con số này đã giảm xuống sau 5 năm nhưng vẫn còn tới 30% các bà mẹ vẫn ôm nỗi lo canh cánh trong lòng.

Fukushima trước sự cố nhà máy điện hạt nhân có 4020 hộ chăn nuôi bò năm 2015 chỉ còn 2530 hộ. Giá thịt bò của địa phương cũng thấp hơn giá thịt bò chung của cả nước, trong khi trước sự cố giá thịt bò của Fukushima cao hơn giá thịt bò chung của cả nước. Đặc biệt có thời điểm giá thịt bò của Fukushima chỉ bằng 60% giá chung của cả nước.

Ngành thủy sản, có tới trên 50% công ty thủy sản không phục hồi được như trước thảm họa do nhiều yếu tố như nước biển bị ô nhiễm do nhà máy điện hạt nhân thải ra, lượng cá giảm, thiếu nhân công, đối tác thu mua giảm…

5 năm sau thảm họa, thiệt hại về người, kinh tế và môi trường vẫn là vẫn đề nhức nhối. Cùng suy ngẫm về những đau thương và mất mát đã qua, chúng ta rút ra được bài học gì cho mình để bước tiếp ngày mai?

Bùi Thị Hồng Hoa – Gửi tới BBC từ Tokyo

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/03/160310_japan_tsunami_5_years_on