Điểm Báo Pháp – 29-1-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 29-1-2016
Nguyễn Phú Trọng, vừa tái cử tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, Hà Nội, 28/01/2016. – REUTERS/Luong Thai Linh/Pool
Theo RFI – Tú Anh – 29-01-2016

Pháp: Phe bảo thủ áp đặt luật chơi ở Việt Nam

Cuộc «đấu đá » trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hạ màn, Iran và Pháp «sang trang lịch sử với 15 tỷ euro hợp đồng», hoà đàm Syria bế tắt,  TC tìm đường xuất khẩu hàng hóa dư thừa, Nga kêu gọi OPEP yểm trợ giá dầu,  siêu vi Zika lan rộng đe dọa toàn cầu, là những tin chính trên báo Pháp hôm nay.

Trận song đấu trên chóp bu của đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc  với chiến thắng của một nhân vật  nắm đặc quyền đặc lợi 71 tuổi. Nguyễn Phú Trọng «kế vị» chính ông trên ghế tổng bí thư qua  Đại hội 12 . Hệ quả là Nguyễn Tấn Dũng, người được xem là thành phần  tân tiến trong Bộ Chính trị, sau 10 năm làm thủ tướng, muốn lên nắm ghế  tổng bí thư đảng,  bị hất ra ngoài. Với  dẫn nhập trên đây, nhật báo Le  Monde đặt câu hỏi then chốt theo quan điểm độc giả tây phương là liệu  chiến thắng của phe «bảo thủ » có ảnh hưởng gì đến chính sách  kinh tế, chính trị và ngoại giao của Việt Nam hay không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Tây phương  ủng hộ vì ông đại diện  cho chính sách kinh tế năng nổ, nhưng ông bị nội bộ chỉ trích trong các  vụ công ty nhà nước bị  phá sản gây thiệt hại nặng nề cho «Cộng hoà xã hội chủ nghĩa». Bị tố cáo là kẻ tham ô, Nguyễn Tấn Dũng bị cô lập trong bộ chính trị cho dù ông tạo được hậu thuẫn trong Trung ương đảng.

«Ông Trọng đã hứa với Mỹ»

Phần đông các nhà quan sát  cho rằng  sự kiện Nguyễn Tấn Dũng ra  đi  không ảnh hưởng gì nhiều.  Theo nhà báo Võ Trung Dũng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với Tây phương, nhất là với Mỹ, phê chuẩn  Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương TPP. Trọng cũng thuận  theo chiều hướng đưa Việt Nam vào quy chế kinh tế thị trường.   Trách nhiệm của Nguyễn Phú Trọng giờ đây rất nặng nề trong việc thành hay bại trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi Việt Nam có được một tầng lớp cán bộ cao cấp và bộ trưởng có tư tưởng cởi mở  và thiên về Tây phương  trong bối cảnh căng thẳng thường xuyên với láng giềng phương  Bắc. Là lãnh đạo theo đường lối Mác-Lê chính thống, là người xem TC là đồng minh ý thức hệ tự nhiên  của Việt Nam bất chấp hàng ngàn  năm xung khắc,  Nguyễn Phú Trọng sẽ  phải tỏ ra thực tế hơn.   Theo giới quan sát tại Hà Nội, không nên xem sự kiện Nguyễn Phú Trọng tái  nhiệm là một chiến thắng cá nhân mà thật ra là kết quả của đường lối  chung từ khi lựa chọn giải pháp « đổi mới» (sau khi Liên xô  sụp đổ).  Điểm khác biệt là phe Nguyễn Phú Trọng sẽ không sốt sắng như cánh của Nguyễn Tấn Dũng mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài vào lãnh vực nông nghiệp và dịch vụ chẳng hạn. Nói cách khác, cho dù các phe đều đồng ý tăng gia thương mại, nhưng với Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội sẽ khó mà chấp nhận  những nhượng bộ quan trọng nhất : tôn trọng quyền lợi của người lao động và sở hữu trí  tuệ. Thế mà đây lại là những cam kết thực hiện khi gia nhập TPP.   Trong lãnh vực chính trị thì  luật chơi của phe bảo thủ  sẽ gây hệ  quả nặng nề hơn,  ngăn chận mọi hy vọng cải cách dân chủ. Bổ nhiệm một bộ trưởng Công an làm chủ tịch nước là một trong những tín hiệu này. Tín  hiệu thứ hai là tuyên bố của  kẻ chiến thắng:  tôi không tiện nói một số nước nhân danh dân chủ, nhưng cá nhân quyết định tất. Nguyễn  Phú Trọng còn cho rằng với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, Việt Nam có dân chủ hơn mọi nước.

Trung Á và châu Âu: miền viễn tây của TC

Con đường tơ lụa thế kỷ 21 mà Bắc Kinh gọi là « một vành đai, một con đường» trong quan điểm của nhật báo cánh tả Libération chỉ nhằm mục đích duy nhất là « tiêu thụ hàng hóa dư thừa do các tập đoàn TC sản xuất quá tải».   Từ Tây An trên bộ và từ hải cảng Phúc Châu trên biển, TC mở hai con đường tơ lụa « phục vụ nối liền ba  châu lục Á, Âu, Phi».  Trong chiều hướng này  Bắc Kinh chi ra hàng tỷ đôla để viện trợ xây  dựng đường sắt xuyên qua Trung Á song song với các chuyến công du của  chủ tịch Tập Cận Bình. Dự án khổng lồ này, thật ra còn khá mù mờ, nhưng  mục tiêu rất rõ ràng : tiêu thụ hàng sản xuất quá tải  trong bối cảnh  xuất khẩu liên tục giảm (-6,8% trong tháng 11/2015) và cường quốc kinh  tế số hai phải hạ cánh không được an lành.   Liên Hiệp Châu Âu, bạn hàng  thứ hai của TC cũng giảm nhập khẩu , -4,1% theo thống kê của 9  tháng đầu năm 2015. Bắc Kinh hy vọng với hệ thống giao thông xuyên Á-Âu,  hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu TC sẽ dễ dàng hơn, bù lại  những thiệt hại do đồng yuan cao giá và kinh tế trì trệ tại châu Âu.   Vấn đề là Trung Quốc buộc phải « bao cấp» cho con đường tơ  lụa này thì mới có lợi cho người buôn kẻ bán. Theo một chuyên gia kinh  tế Tây phương tại Bắc Kinh, TC muốn đưa  bao nhiêu hàng lên xe  lửa bán sang Châu Âu cũng được. Vấn đề là châu Âu biết đưa gì lên các  chuyến xe trở lại TC?   Nhân dân nhật báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản TC, hôm nay thuê 4 trang báo của Le Figaro để quảng cáo cho những «thay đổi» tại Hoa lục, từ mái tóc của giới trẻ cho đến hệ thống xe hỏa nối liền  Tứ xuyên với thế giới. Le Figaro cảnh báo độc giả là không chịu trách  nhiệm  về nội dung các bài báo này.

Pháp-Iran «bỏ oán thù để nhìn về tương lai»   Iran cũng quay sang Châu Âu để tìm hợp đồng kinh tế sau khi lệnh  trừng phạt từng bước được đình chỉ.  Rohani  vực dậy hợp tác  với Pháp,   Đơn đặt hàng lịch sử Iran Air  đặt mua 118 máy bay Airbus, tựa của Le  Figaro.   Nhật báo cánh hữu không để cho  con số 15 tỷ euro làm chóa mắt, Le Figaro   thuật lời kêu gọi của tổng thống Iran «sang trang oán thù»  cho biết thêm: trong cuộc tiếp xúc gần  hai giờ với  tổng thống Iran,  tổng thống Pháp François Hollande đã nhắc đối tác là  không thấy thái độ  của Iran tại Trung Đông có thay đổi và Paris theo dõi sát sao xem  Teheran có tôn trọng hiệp định hạt nhân hay không.  Một nguồn tin xin ẩn  danh tại Paris cho biết là Pháp đã kêu gọi Liên Hiệp châu Âu chuẩn bị  biện pháp trừng phạt Iran sau vụ thử tên lửa đạn đạo.   Cũng trong chiều hướng này,  nhật báo kinh tế Les Echos nhận định :   Paris và Teheran  dụng thế  « mở cửa kinh tế và ngoại giao».  Hai bên muốn đào sâu đối thoại chính trị  để có thể thảo luận các hồ sơ  nóng ở Trung Đông. Paris muốn mở một trang sử mới với Teheran trong khi  dầu hỏa xuống giá làm Iran lo ngại trong bối cảnh Trung Đông chìm trong  lửa đạn.   Tại Paris, hàng trăm người biểu tình chống chế độ giáo quyền trong  khi tổng thống Rohani được tiếp đón trọng thể bằng lễ nghi quân cách  trong khuôn viên điện  Les Invalides  nơi an nghĩ của danh nhân và anh hùng  nước Pháp.

Hoà đàm Syria trong  ngõ cụt

Ba bài báo trên Le Monde cùng một chiều hướng: Đàm phán được ăn cả  ngã về không. Lực lượng đối lập ôn hoà mất đất ở miền nam Syria. Quân  đội chính phủ khai thác lợi thế trên chiến truờng nhờ vào không quân  Nga. Phe nổi dậy vừa thiếu lợi thế quân sự vừa bị nội gián và Tây phương  bỏ rơi.  Lo ngại chiến sự sôi động đẩy dân chúng vượt biển sang châu  Âu, lo ngại phe cực đoan chiến thắng, Tây phương đã ngưng tiếp tế vũ khi  cho lực lượng nổi dậy.   Điển hình là khi biết đối lập võ trang ở miền nam Syria định tấn công  vào Damas trong khi tổ chức cực đoan Hồi giáo nguyên thuỷ Salafi nằm  chờ cơ hội ngay trong thủ đô, Hoa kỳ đã «nổi cơn thịnh nộ».  Tiền trợ cấp giảm đi một nửa trước khi được tái lập.   Nga thắng trên chiến trường Syria, nhưng lo sợ vì giá dầu trượt giốc.  Theo Les Echos, vào lúc thị trường dầu khí không biết ông thánh nào để vái lạy, thì chính quyền Nga có một động thái gây lo âu thêm. Bộ trưởng  Năng  lượng Alexander Novak, đề nghị với tổ chức các nước sản xuất dầu  OPEP, cho dù Nga không phải là thành viên, tham gia đàm phán phối hợp  giá dầu. Chưa biết Ả Rập Xê Út, thủ lĩnh của OPEP, có chấp nhận lời kêu gọi này hay không. Theo Riyad, biện pháp giảm sản xuất  dầu để nâng giá   không mang lại kết quả, vì giới dầu khí của Mỹ sẽ cân bằng  ngay.

Zika đe dọa toàn thế giới

Trong lãnh vực y tế, siêu vi Zika gây «di dạng sọ não trẻ sơ sinh»  đe dọa toàn cầu. Tổ chức Y Tế Thế Giới báo động, tựa của Les Echos. Tổ  chức Y tế Thế Giới  dự báo 4 triệu trường hợp tại châu Mỹ nhưng không  nói là đến lúc nào. Mức báo động cao nhất, tựa của Liberation.  Brasil,  bị lây nhiễm nặng nhất từ sau  Cúp bóng đá thế giới 2014, dường như mầm  bệnh  đến từ châu Phi, với 1, 5 triệu  trường hợp.  Hôm thứ năm 28/01,   Honduras thông báo ghi nhận 1000 trường hợp. Từ Brasil, do muổi truyền  nhiểm, dịch bệnh đã lan  đến 23 nước châu Mỹ.   Theo tạp chí y khoa Lancet, virus sẽ lan đến Hoa Kỳ dọc theo bờ biển đông và tây vào mùa nóng. Lãnh thổ hải ngoại của Pháp cũng không ngoại  lệ, đến mức bộ Y tế Pháp kêu gọi phụ nữ mang thai tránh du lịch ở  Martinique và Guyane. Theo thông tin, 5 trường hợp nhiểm virus Zika đã  được phát hiện tại Pháp.

Phụ nữ bị kỳ thị «trên mọi  lãnh vực»

Làm phụ nữ tại Pháp dường như chịu nhiều bất công khó thấy. Nhật báo  cánh tả khai phóng Liberation dành trang nhất và bốn  trang trong để báo  động công luận : từ lương bổng cho đến sản phẩm vệ sinh như kem chống  nắng, thuốc gội đầu và cắt tóc, phụ nữ Pháp luôn trả tiền  nhiều  hơn  nam giới. Biện pháp giảm TVA  băng vệ sinh vô tình  gây chú ý  bất công  này.   Chính phủ Pháp quyết định giảm TVA trên một số sản phẩm dành riêng  cho phụ nữ. Nhưng quyết định này chỉ làm nổi bật bất công xã hội : Cắt  tóc ở tiệm sang trọng, thanh niên trả 45 euro, phụ nữ trả 75 euro. Kem  dưỡng da, chống nắng,  giá cách biệt từ hơn 1 euro đến 8 euro. Một bật  lửa hút thuốc lá của nam giới giá loại trung bình giá  3 euro, còn loại  dành cho phái yếu, thanh nhã hơn,  là 4,15 euro.   Do vậy trong bài xã luận « chiến đấu »,  Libération nhấn  mạnh : cuộc chiến nam nữ bình quyền không  giới hạn  chống sách nhiểu  tình dục hay  khác biệt lương bỗng mà còn  là cuộc tranh đấu trong từng  sinh họat hàng ngày. Giảm thuế TVA băng  vệ sinh chỉ là bước đầu.

TC hụt hơi

Đó là tựa quyển sách La Chine à bout de souffle , tác giả là Isabelle  Attané được Les Echos giới thiệu. TC đang trả giá nặng vì chính  sách một con. Giờ đây, Bắc kinh phải đối đầu với một phương trình nát  óc: làm sao giúp cho mỗi công dân có đời sống tốt đẹp mà chi phí không  đè nặng đến mức bóp nghẹt hạnh phúc của công dân khác. Nếu không có thay đổi, nửa tỷ người Hoa trên 60 tuổi sẽ bị đặt bên lề xã hội.