Điểm Báo Pháp – 26-1-2016
Khối các nước trỗi dậy BRICS: Một khái niệm hết thời
Nếu như đầu năm ngoái, COFACE còn rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, thì đầu năm nay, cũng giống như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới, cơ quan bảo hiểm tín dụng này có một dự đoán rất dè dặt, trong bối cảnh «dự phóng tăng trưởng Trung Quốc giảm mạnh, giá nguyên nhiên liệu giảm, nguy cơ khủng hoảng chính trị và địa chính trị dâng cao». Theo IMF, tỉ lệ tăng trưởng GDP của các nước trỗi dậy – bảo đảm đến 70% tăng trưởng toàn cầu – giảm một nửa trong vòng 5 năm gần đây (từ 7,2% xuống còn 3,4%). «Đã qua rồi cái thời tăng trưởng hai con số và những năm tháng vọt lên huy hoàng!».
Năm 2001, chuyên gia Jim O’Neill, ngân hàng Goldman Sachs, đã chế ra cụm từ viết tắt BRICS, để chỉ năm quốc gia trỗi dậy hàng đầu. Cơ quan bảo hiểm tín dụng Pháp COFACE nhấn mạnh, «khái niệm này đã hết thời : triển vọng của Nga và Brazil – hai trong số năm nước – bị hạ thấp ‘‘rất mạnh’’, do tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Nam Phi thì trị trệ». Không gì cho thấy quốc gia cực nam châu Phi sẽ lại cất cánh trong thời gian trước mắt.
COFACE đặc biệt lưu ý đến tình trạng nợ nần nặng nề của doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia trỗi dậy, khác với nợ công có phần giới hạn. Do chính sách vay nợ dễ dãi, mức nợ tuyệt đối của các doanh nghiệp tư nhân tăng gấp 4,5 lần trong 10 năm trở lại đây, trong khi tăng trưởng sụt giảm mạnh. Tỉ trọng nợ tư, tính theo GDP, tăng 26% trong cùng thời gian. Các doanh nghiệp TC nợ nần cao nhất thế giới, chiếm 160% GDP. Tiếp theo đó là các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nga và Malaysia.
Báo cáo của COFACE cho biết hai lĩnh vực nợ cao nhất là xây dựng và năng lượng. Cho dù mức nợ rất cao có thể là động lực cho đầu tư và tăng trưởng, nhưng «nếu vượt quá một mức nhất định, gánh nặng nợ nần sẽ có hại cho đầu tư».
Tương lai châu Âu được quyết định tại biển Hy Lạp
Cuộc khủng hoảng nhập cư đe dọa Châu Âu tiếp tục là một chủ đề chính của nhiều báo Pháp. Le Figaro có phóng sự «Nhập cư: vùng Calais (Pháp) bên bờ tan vỡ», mô tả tình trạng tiếp tục bế tắc hiện nay tại điểm trung chuyển của những người tị nạn hy vọng chờ dịp chạy sang nước Anh, với tổng cộng khoảng 8.000 người, theo cảnh sát. Tân lãnh đạo vùng Nord-Pas-de-Calais-Picardie kêu gọi tổng thống can thiệp trực tiếp.
Le Monde có bài xã luận «Số phận của Châu Âu được quyết định tại biển Egée (nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ)». Theo Le Monde, cho đến nay, khối 28 nước đã hoàn toàn bị tê liệt trước làn sóng người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ qua đường biển vào các đảo Hy Lạp. Số liệu của tổ chức nhập cư thế giới cho biết người tị nạn từ đầu năm đến nay đến Hy Lạp và Ý gấp 10 lần so với năm ngoái (với khoảng 37.000 người).
Tuần trước, thứ Sáu 22/01, lại có thêm hơn 40 người, trong đó có 17 em nhỏ, chết đuối ngoài khơi một đảo Hy Lạp. Các băng nhóm đưa người hám lợi, bất chấp biển động, là các thủ phạm trực tiếp, nhưng Le Monde cũng chỉ ra trách nhiệm của Liên hiệp châu Âu, cho đến nay vẫn không huy động được 3 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ, để giúp định cư người tị nạn tại chỗ, như đã hứa. Xã luận Le Monde kêu gọi không được bỏ rơi các nước « tuyến đầu » biên giới chung Châu Âu, như Hy Lạp. Tờ báo cảnh báo, nếu các nước Châu Âu không cố gắng đoàn kết để giải quyết khủng hoảng này, sự tồn tại của bản thân Liên Hiệp bị đe dọa.
Bài «Hiệp ước Schengen: Paris và Berlin gia hạn cho Hy Lạp» của Le Figaro cho hay, Pháp và Đức sẵn sàng chờ thêm vài tuần nữa để «cứu vãn sự toàn vẹn của không gian đi lại Schengen», với việc «Liên hiệp châu Âu đứng ra kiểm soát trực tiếp biên giới của khối tại vùng biển Egée». Trong cuộc họp hôm qua tại Amsterdam, các bộ trưởng Nội vụ khối 28 nước đề nghị chủ tịch Ủy Ban châu Âu chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cho việc duy trì kiểm soát tại đường biên giới 7 quốc gia trong Schengen, trong đó có Pháp và Đức đến cuối 2017. Nếu việc này được quyết định, đây là một «thất bại chính trị» của toàn châu Âu.
Căng thẳng trước đàm phán các bên Syria
Không khí căng thẳng bao trùm thời gian trước các thương lượng giữa chính quyền Syria và đối lập tại Genève, dự kiến vào ngày 29/01 tới. Bài «Đối lập Syria dọa không tham dự đàm phán» của Le Monde nói đến sự thất vọng trong hàng ngũ đối lập trước thái độ của Hoa Kỳ, nghiêng về phía Nga. Trên chặng dừng chân tại Lào, ngoại trưởng John Kerry đã phải cải chính để trấn an đối lập.
Bất đồng lớn nhất trong giai đoạn hiện nay vẫn là thành phần tham gia của đoàn đại diện các lực lượng đối lập. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng quyết định thuộc về Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách đàm phán (HCN), ông Mistura.
Luật lao động Pháp: Tranh luận nổi lên sau báo cáo của cựu bộ trưởng Tư pháp
Bộ luật lao động mới đang soạn thảo là chủ đề trang nhất của hầu hết các báo Pháp. «Badinter (cựu bộ trưởng Tư pháp) đặt quyền của người làm công vào trung tâm của luật lao động» là tựa lớn của Le Monde. Le Figaro khẳng định: «Luật lao động: người Pháp sẵn sàng thay đổi hoàn toàn».
Báo cáo của cựu bộ trưởng Robert Badinter được chuyển đến thủ tướng hôm qua. Le Monde nhận định: «Đây là hồi mở màn của cuộc cải cách luật lao động mà chính phủ thông báo năm 2015».
Báo cáo của ông Badinter đã vạch ra « những nguyên tắc lớn » mà bộ luật lao động mới – dự tất hoàn tất vào cuối năm 2017 – sẽ phải dựa vào. Theo Le Monde, quan điểm của ông Badinter đưa ra một con đường « trung dung», với mục tiêu: một mặt bảo vệ người làm công, mặt khác cho phép các doanh nghiệp đối mặt với «cuộc cách mạng kỹ thuật số và xu thế toàn cầu hóa thương mại không thể cưỡng lại».
Nhật báo cánh tả Libération cảnh báo «đằng sau cuộc cải cách luật lao động là việc (…) giảm nhẹ quy định tuần làm việc 35 giờ», và đây sẽ là một « món quà » nữa đối với giới chủ, theo những người chỉ trích chính sách việc làm của chính phủ. Theo báo kinh tế Les Echos, việc thay đổi quy định 35 giờ sẽ rất có lợi cho « các doanh nghiệp sử dụng dưới 20 nhân viên».
Trong khi đó nhật báo đối lập thiên hữu Le Figaro muốn đi xa hơn, khi lên án luật lao động hiện hành tại Pháp, bị đánh giá là « mê cung», là một nguyên nhân chính của tình trạng thất nghiệp gia tăng. Báo Công giáo La Croix cho rằng cuộc chiến xung quanh quy định 35 giờ đã kéo dài quá lâu… «giống như một số chủ đề khác, như thuế, tước quốc tịch (với kẻ khủng bố), vụ việc này cho thấy nước Pháp đã rất bất lực trong việc đưa một vấn đề ra xem xét một cách bình tĩnh».
Pháp: Chính trị gia cánh hữu đồng loạt ra sách «tự sám hối»
Về chính trị nước Pháp, việc các chính trị gia cánh hữu đảng Những Người Cộng Hòa PR đồng loạt công bố sách tự phê bình là một tâm điểm chú ý khác. Bài «Bên cánh hữu, hành động sám hối đầy mạo hiểm » của Le Monde ghi nhận: “Sarkozy, Juppé, Fillon, Copé (các lãnh đạo đảng PR)… Vì mục tiêu (bầu cử tổng thống) 2017, Những Người Cộng Hòa đồng loạt tiến hành tự phê”.
Le Monde nhận xét: lý do của việc ra sách của chủ tịch đảng RP, cựu tổng thống Sarkozy và cựu chủ tịch đảng François Copé là do họ bị sụt giảm nặng nề uy tín, theo các thăm dò dư luận. Trong cuốn sách «La France pour la vie», dày 260 trang, cựu tổng thống Sarkozy đã liên tục «lấy làm tiếc », đã chậm trễ trong các cải cách, và chỉ ra một loạt các sai lầm (trong đó có sai lầm về chính sách liên quan đến chế độ thuế và sai lầm về ứng xử, như có lời lẽ thô tục với một công dân, hay sử dụng các phương tiện sang trọng). Cựu chủ tịch đảng Copé cũng cùng có các lời tự phê, trong cuốn «Le Sursaut français » (tạm dịch: Sự trỗi dậy Pháp).
Về chủ đề này, Le Figaro có bài «Từ nỗ lực tự xem xét đến nghĩa vụ đề xuất » dẫn lại một số phản ứng tiêu cực trong chính giới, sau khi cựu tổng thống Sarkozy ra sách. Chính trị gia cánh trung F. Bayrou «đưa ra một lời nói cay độc: ‘‘Liệu có đủ để nói rằng tôi sai lầm về rất nhiều chuyện trong quá khứ, để khẳng định rằng tôi có lý về mọi chuyện bây giờ’’». Le Figaro cũng dẫn lời phê phán của lãnh đạo đảng Xã hội cầm quyền: «sau bao nhiêu lời sám hối như vậy, người ta có thể tự nhủ : rõ ràng không bầu lại cho ông ta là đúng».
Tuy nhiên, Le Figaro đã bảo vệ ông Sarkozy, khi ca ngợi cựu tổng thống đã làm được ba điều. Thứ nhất là hoàn thành nghĩa vụ kiểm điểm, vào lúc mà nhiều cựu bộ trưởng hay cựu cố vấn trong chính phủ của ông liên tục ra sách để chỉ trích chính phủ mà họ phục vụ. Thứ hai là đưa ra được bản tổng kết về nhiệm kỳ của mình, trong bối cảnh tổng thống đương nhiệm đang thất trận, và thứ ba là chuẩn bị cho những dự kiến mới, vào thời điểm cuộc tranh cử sơ bộ trong nội bộ đảng cánh hữu chuẩn bị bắt đầu.
Cánh tả Pháp: Tranh cử là thứ yếu, tranh luận là chính yếu
Cũng về tranh cử sơ bộ, nhưng về phía cánh tả, báo Libération dành một phần lớn số hôm nay (15 trang) cho chủ đề chính được đăng trên trang nhất: «Tranh cử sơ bộ cánh tả, bắt đầu các thảo luận », giới thiệu tiếng nói của một loạt các trí thức, chính trị gia hàng đầu (như Thomas Pikety hay Michel Wievorka), với nhận định cánh tả phải dứt khoát trong một loạt các vấn đề căn bản, nếu muốn tiếp tục cầm quyền. Theo Libération, cuộc tranh cử sơ bộ giữa các ứng cử viên cánh tả chỉ là thứ yếu, điều quan trọng số một là tranh luận về ý tưởng.
Tờ báo thiên tả phê phán những ai ủng hộ quan điểm tổng thống Hollande sẽ là một ứng cử viên tổng thống tự nhiên của toàn bộ cánh tả. Libération giới thiệu sáng kiến của nhóm «cuộc bầu cử sơ bộ của chúng ta » (Notre primaire), được 70.000 chữ ký, kêu gọi cánh tả tự nắm lấy số phận của mình trước viễn cảnh bầu cử tổng thống 2017, và kêu gọi cải cách cách định chế. Trong số các thảo luận có bài của nhà xã hội học Michel Wievorka: «Phải biết được mô hình nền cộng hòa của chúng ta cần đi về hướng nào ». Cựu nghị sĩ đảng Xanh châu Âu có bài «Năm 2046, 30 năm sau cuộc cách mạng văn hóa của lục địa già»…
Phim: Thiên lịch sử 20.000 năm châu Âu qua đời sống động vật
Về văn hóa, Le Figaro giới thiệu cuốn phim trường thiên mới «Les Saisons » kể lại lịch sử 20.000 năm của châu Âu, qua đời sống thú vật. Đạo diễn Jacques Perrin, nổi tiếng với các bộ phim về thiên nhiên vĩ đại, như «Đàn chim thiên di » (Peuple migrateur), lần này trở lại với một cuộc du hành xuyên qua thời gian khiến người xem phải sững sỡ, lo âu hay bất chợt mỉm cười.
Trả lời phỏng vấn Le Figaro, đạo diễn Perrin chia sẻ: Phim «Les saison» muốn là «một áng thơ không lời». «Les Saison» «không phải là một phóng sự, hay phim tài liệu», đó là «câu chuyện kể về tự nhiên». Nhìn về quá khứ 20.000 năm với những thay đổi phi thường – khi thiên nhiên hoang dã phải nhường chỗ cho đời sống đô thị – để ngẫm về sự phong phú và sự kỳ diệu của thiên nhiên còn hiện hữu. Nhà đạo diễn hy vọng mỗi con người, mỗi nhà đầu tư nhỏ hãy suy nghĩ về «trách nhiệm cá nhân trước biến đổi của thế giới».