40 năm nhìn lại: Kết thúc một quá trình, một cuộc chiến
Theo VOA Blog – Thiện Ý – 26.03.2015
Đúng như Hà Nội mong muốn, ông Thiệu đã phải từ chức (5-4-1975) trước áp lực quần chúng và các phe phái tranh dành quyền lực dưới sự đạo diễn của CIA; bằng một bài diễn văn gay gắt ông Thiệu đã tố cáo muộn màng sự phản bội của Mỹ: “Họ bỏ rơi chúng tôi. Họ bán rẻ chúng tôi. Họ đâm sau lưng chúng tôi. Một nước đồng minh lớn đã không làm tròn lời hứa với với một nước đồng minh nhỏ. . .” Ngày 26 tháng 4 năm 1975, nghĩa là năm ngày sau khi Tổng thống Thiệu từ chức, Quốc hội Sài Gòn thông báo người được Tổng Thống Thiệu chỉ định thay thế ông (theo Hiến Pháp VNCH) là Phó Tổng thống Trần Văn Hương, nay được Quốc Hội ủy nhiệm quyền tuyển chọn một người thay thế ông trong chức vụ Tổng thống VNCH. Trên cơ sở thông báo này, quyền Tổng thống Trần Văn Hương đã chỉ định Đại tướng Dương Văn Minh làm Tổng thống VNCH (ngòai dự liệu của Hiến pháp VNCH). Ngày 28-4-1975, Tướng Minh nhậm chức, cử Giáo sư Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng, đứng ra thành lập chính phủ hòa giải, thay thế chính phủ chống cộng cuối cùng của ông Nguyễn Bá Cẩn mới được thành lập trước đó một tuần. Như vậy là Tướng Dương Văn Minh, người hùng của cuộc đảo chánh năm 1963, đưa đến sự cáo chung nền Đệ nhất VNCH, nay lại được tuyển chọn làm nhiệm vụ khai tử nền Đệ Nhị VNCH mà chính ông đã góp phần tạo dựng lúc ban đầu. Mặc dầu Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đã cố gắng đơn phương giương cao ngọn cờ “Hoà giải và hòa hợp dân tộc”, với một số động tác mời chào giả tạo, như ra thông cáo đuổi hết người Mỹ ra khỏi Việt Nam trong vòng 48 giờ đồng hồ, quyết định thả hết các tù chính trị (tức tù Việt cộng).
Nhưng tất cả đều đã muộn, CSBV đã cảm thấy đang ở thế thượng phong, chẳng cần “hòa giải hòa hợp” với ai nữa. Một ngày trước khi Sài Gòn rơi vào tay Hà Nội (29-4-1975), Đại sứ Mỹ cuối cùng Graham Martin đã bình tĩnh ngồi ở bàn làm việc trong Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn đợi Washington trả lời yêu cầu của ông xin gia hạn di tản. Nhưng từ Tòa Bạch Ốc đã ban ra lệnh cuối cùng: “Tổng Thống Hoa Kỳ lệnh cho Đại sứ Martin phải rời đi bằng chiếc máy bay này”. Đó là chiếc trực thăng CH-46 mang tên “Lady Ace 09”.được gởi đến đón ông Martin. Như vậy là cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt với thái độ phủi tay của Hoa Kỳ, người khởi đầu và cũng là người kết thúc sinh mạng một chế độ công cụ của mình. Micheal Maclear, một nhà báo Mỹ trong cuốn Việt Nam, cuộc chiến tranh mười nghìn ngày đã ghi lại cảm tưởng của Đại sứ Martin đối với cuộc chiến kết thúc là “thấy nhẹ cả người”. Đó là cuộc chiến tranh chưa bao giờ được chính thức gọi là chiến tranh, dù nó là cuộc chiến tranh dài nhất (cho đến lúc ấy 1975) của Mỹ đã chấm dứt. Nó là “một cuộc xung đột”, “một sự dính líu”, “một kinh nghiệm” và thất bại của nó sẽ được các sử gia có thể phán xét sau này, không còn là mối bận tâm của nhân dân Hoa Kỳ. Rất đơn giản, họ nghĩ là họ đã chiến đấu, hoặc người của họ đã chiến đấu, thế là đủ. Từ hai năm về trước (1973), họ đã thực hiện được một nền hòa bình cho họ tại Việt Nam. Hầu hết người Mỹ đã cảm thấy “một nền hòa bình trong danh dự” đã đạt được như người ta bảo. Giờ đây, họ đang nhìn với vẻ bàng quan chán ngắt, có đôi chút sửng sốt, song sự thật không phải hoàn toàn bị bất ngờ. Tám năm chiến đấu của Mỹ (1965-1973), chỉ trong vài tuần đã trở thành vô nghĩa. Vô nghĩa ư? Thực ra, cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế chỉ có thể là vô nghĩa và vô ích với nhân dân Mỹ, khi mà họ đã phải gánh chịu mọi chi phí cho cuộc chiến, với cái giá máu xương của 58.000 binh sĩ con em của họ phải bỏ mạng tại Việt Nam, mà vẫn không thực hiện được mục đích cao cả là giúp nhân dân Việt Nam bảo vệ được chế độ dân chủ và phần đất tự do ở Miền Nam Việt Nam. Nhưng nó vẫn có ý nghĩa và lợi ích đối với chính quyền Mỹ, khi chiến tranh đã kết thúc vào lúc mà họ đã đạt được các mục tiêu chiến lược trong khu vực, mở ra một thời kỳ đầy triển vọng sau chiến tranh cho công cuộc làm ăn mới của giới tư bản Mỹ ở vùng này, trong khung cảnh một thế chiến lược toàn cầu mới.
Riêng đối với nhân dân Việt Nam, cuộc chiến tranh kéo dài trên 20 năm (1954-1975) kết thúc như thế thì quả là vô nghĩa và tàn hại. Và sự chấm dứt cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn này, vừa là nỗi đau, vừa là niềm vui chung cho cả dân tộc Việt Nam. Là nỗi đau cho nhân dân Miền Bắc vì đã từng phải sống khổ cực, hy sinh xương máu chiến đấu cho một chiêu bài giả hiệu “Độc lập dân tộc, chống đế quốc, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước trong hòa bình, ấm no,tự do, hạnh phúc. . .”. Cũng là nỗi đau của nhân dân yêu chuộng tự do dân chủ ở Miền Nam Việt Nam, vì đã ngay tình và nhiệt thành lao vào một cuộc chiến “bảo vệ chế độ tự do dân chủ”. Dẫu sao, cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn chấm dứt cũng nên coi là một niềm vui chung của cả dân tộc. Vì đây là cơ may mới cho đất nước vươn lên trong thời kỳ các nước giầu tỏ ra thực tâm muốn giúp các nước nghèo đi vào thế ổn định để phát triển, trong nỗ lực thiết lập một nền trật tự thế giới mới hay là một hệ thống kinh tế quốc tế mới. Đó là chiến lược “Toàn cầu hóa” – Tòan cầu hóa về chính trị bằng một chế độ dân chủ và toàn cầu hóa về kinh tế với một nền kinh tế thị trường tự do. Trong khung cảnh ấy, các quốc gia lớn nhỏ cạnh tranh, cùng tồn tại hòa bình và các bên đều có lợi. Như thế, chiều hướng mới xem ra có vẻ tốt đẹp. Nhưng chấm dứt cuộc chiến bằng sự triệt tiêu chế độ VNCH mới chỉ là bước thứ nhất của một quá trình đưa đất nước ta vào vận hội mới của một thế chiến lược quốc tế mới. Chúng ta còn phải trải qua bước thứ hai của quá trình này, là triệt tiêu chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) hiện nay. Vì chỉ sau đó, đất nước ta mới đi vào đúng quỹ đạo của một chiến lược quốc tế mới mà các cường quốc đã và đang nỗ lực thực hiện. Vậy thì, quá trình triệt tiêu chế độ CHXHCNVN đã và đang diễn ra như thế nào? Thực tế chúng ta đã, đang thấy và hãy tiếp tục chờ xem kết cuộc sẽ ra sao.