Điểm báo Pháp ngảy 6-10-2015
Giám đốc nhân sự Air France, Xavier Broseta, trốn khỏi cuộc họp tại trụ sở của Air France ở Roissy, sau khi bị nhân viên biểu tình xé áo, ngày 05/10/2015.REUTERS/Jacky Naegelen
Thu Hằng
Đăng ngày 06-10-2015
Khủng hoảng tại Air France : Bế tắc trong đối thoại xã hội kiểu Pháp
Giám đốc nhân sự Air France, Xavier Broseta, trốn khỏi cuộc họp tại trụ sở của Air France ở Roissy, sau khi bị nhân viên biểu tình xé áo, ngày 05/10/2015.REUTERS/Jacky Naegelen
Cuộc ẩu đả nghiêm trọng xảy ra vào sáng hôm qua tại hãng hàng không Air France đều được các báo phản ánh trong số ra ngày hôm nay, 06/10/2015. Các báo đều đăng hình ảnh Pierre Plissonnier, trợ lý giám đốc của Air France, với áo sơ mi bị xé rách tả tơi và Xavier Broseta, giám đốc nhân sự, mình trần vì bị nhân viên biểu tình xé áo, phải nhờ tới lực lượng an ninh và cảnh sát chống bạo động, trèo hàng rào để thoát ra ngoài khu vực họp với các nghiệp đoàn tại cụm cảng hàng không Roissy.
2.900 việc làm sẽ bị xóa bỏ trong vòng hai năm, đây là nguyên nhân chính gây nên sự tức giận quá khích của nhân viên Air France. Hành động trên tại hãng hàng không Pháp được nhật báo kinh tế Les Echos đánh giá là « đi quá đà », hay « nỗi hổ thẹn » theo tờ La Croix. Còn nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi : « Liệu những thành phần cực đoan tại Air France sẽ giết chết hãng này ? »
Thế nhưng, nổi bật đằng sau cuộc khủng hoảng trên là bế tắc trong đối thoại xã hội. Báo La Croix cho rằng hành động tấn công hai vị lãnh đạo Air France là một sự xấu hổ khi mà đối thoại xã hội tại một công ty mang tên và màu sắc quốc gia lại có thể chuyển hướng xấu như vậy.
Còn theo bài xã luận trên nhật báo cánh hữu Le Figaro, hành động quá đà vượt ngoài tầm kiểm soát, và vụ việc tại Air France nói chung, tóm lược rõ ràng hơn cả mọi bài diễn thuyết về vấn đề bế tắc đối thoại xã hội mà nước Pháp đang phải gánh chịu. Hãng hàng không Pháp phải cải tổ để có thể chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hiện nay và đặc biệt để đảm bảo sự sống còn của hãng trước sự vươn lên của các hãng hàng không vùng Vịnh. Thế nhưng, cả ban lãnh đạo và các nghiệp đoàn chưa bao giờ cùng nhau xây dựng được một kế hoạch khôi phục thật sự, mà trong đó, có một phần lỗi của nghiệp đoàn phi công.
Tờ nhật báo khuynh tả Libération cũng có cùng nhận định khi cho rằng trường hợp Air France thể hiện mọi tì tật và ngõ cụt của đối thoại xã hội theo kiểu Pháp : Khó có thể cải tổ theo một hướng nào khác ngoài xung đột và đau khổ. Trong khi đó, đối tác Hà Lan KLM lại đạt được thỏa thuận với 2.800 phi công để cải cách sâu rộng điều kiện làm việc của họ. Đây là sự tương phản quá lớn giữa hai nhánh ngay trong nội bộ tập đoàn Air France-KLM.
Thế nhưng, theo Libération, « Phi công không phải là bất lợi duy nhất của Air France », mà hãng hàng không Pháp có hai mối bất lợi chủ đạo : Thứ nhất là Air France phải chi trả các khoản đóng góp xã hội (bảo hiểm, hưu trí…) cao hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh chính tại Châu Âu. Bất lợi thứ hai là khoản tiền lớn để thuê mặt bằng tại khu vực cảng hàng không Roissy-Charles-de-Gaulle mà Air France là đơn vị sử dụng chính. Hàng năm, công ty ADP (quản lý hai cụm cảng hàng không tại Paris là Roissy và Orly) phải trả khoản tiền lợi tức lớn cho Nhà nước khiến Roissy trở thành sân bay đắt thứ hai tại Châu Âu, chỉ sau sân bay Heathrow (Anh) và còn tiếp tục tăng giá. Vì vậy, Libération nhận định, Nhà nước cũng phải nỗ lực để tránh nguy cơ, hoàn toàn có thật, rằng Air France sẽ rơi vào tay nước ngoài.
TPP : Hiệp định thương mại lịch sử giữa Châu Mỹ và Châu Á
Được khởi xướng cách đây bẩy năm, sáng sớm hôm qua, tại Atlanta (Mỹ), Washington và Tokyo đã ký kết thành công hiệp định tự do trao đổi mậu dịch lớn nhất thế giới cùng với 10 nước thuộc khu vực Thái Bình Dương (Malaysia, Việt Nam, Brunei, Úc, New-Zealand, Canada, Singapore, Peru, Chilê và Mêhicô). Dưới dòng tựa : « Một hiệp định thương mại lịch sử giữa Châu Mỹ và Châu Á », nhật báo kinh tế Les Echos nhận định đây là thành công lớn của Tổng thống Obama.
Lợi thế cho Việt Nam là có thể xuất các mặt hàng may mặc dễ dàng hơn vào thị trường Mỹ. Đổi lại, theo chương 17 của hiệp định, Hà Nội phải xem lại vị trí của các doanh nghiệp quốc doanh trong nhiều lĩnh vực kinh tế và nghiên cứu lại các khoản hỗ trợ mà nhà nước cấp cho doanh nghiệp. Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam phải nghiên cứu lại cách thức tổ chức các hợp đồng nhà nước để đảm bảo tính cạnh tranh « tự do » trong nhóm 12 nước thành viên TPP.
Đối với các quốc gia khác trong khu vực, như Malaysia, bộ máy nhà nước phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng tiêu chuẩn về luật lao động và đấu tranh chống nạn buôn người. Còn tại Brunei, các luật lệ hồi giáo bảo thủ cũng sẽ bị các đối tác của TPP phản đối. Đối với các quốc gia đang phát triển trong khu vực, vấn đề bảo vệ môi trường, được quy định trong chương 20, và tình trạng tham nhũng, cũng sẽ được xem xét lại.
Tờ Les Echos nhận định TPP là thành công lớn của Nhà Trắng vì đã biết cách thu hút các đối tác truyền thống của Trung Quốc (như Việt Nam, Malaysia và Singapore) để tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Bằng cách áp đặt những tiêu chuẩn mà quốc gia Bắc Mỹ này đang thực hiện, Washington sẽ khuấy đảo ý đồ phát triển xoay chiều tại Châu Á từ năm 2008 của Bắc Kinh.
Hôm qua, tổng thống Barack Obama phát biểu : « 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta nằm ở nước ngoài. Chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc thảo ra các đạo luật của nền kinh tế thế giới ». Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP – là thắng lợi ngoại giao thứ ba từ đầu năm nay của ông chủ Nhà Trắng, sau quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba và hiệp định về hạt nhân với Iran.
Thế nhưng, cuộc chiến còn chưa chấm dứt vì Tổng thống Mỹ còn phải thuyết phục nghị sĩ Quốc hội lưỡng viện thông qua văn kiện này vào năm tới. Trong khi giai đoạn tranh cử đang rầm rộ trên toàn nước Mỹ, phe Cộng hòa không dễ dàng giành “món quà” này cho Tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Rất nhiều ứng viên cho kỳ bầu cử tổng thống lên tiếng chỉ trích bản hiệp định và nêu bật vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động Mỹ.
OCDE tuyên chiến chống tình trạng trốn thuế
Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) tuyên chiến chống tình trạng trốn thuế của các tập đoàn lớn, như Apple, Google hay Amazon. Hôm qua, OCDE đã hoàn thiện một văn kiện được 62 quốc gia ký kết nhằm chống tình trạng trốn thuế, « Một hiệp định thế giới mà chẳng ai tin », theo nhận định trên trang nhất của Le Monde.
Các cường quốc, cũng như các quốc gia đang phát triển và các công ty ảo offshore tại hải ngoại sẽ ký kết hiệp định trên nhân hội nghị G20 được tổ chức tại thủ đô Lima của Peru trong hai ngày 08 và 09/10. Theo đó, 15 biện pháp, được áp dụng ngay từ năm 2016, sẽ « làm đảo ngược tình hình ». Các công ty đa quốc gia không thể chuyển lợi nhuận tới một thiên đường thuế vì các công ty này phải khai báo hoạt động của mình tại từng nước và lợi nhuận sẽ bị đánh thuế ngay tại quốc gia đó.
Còn nhật báo Libération cho rằng OCDE vừa tuýt còi cảnh cáo đối với các tập đoàn như Google, MacDo hay các công ty đa quốc gia khác ; tất cả đều là những nhà vô định về tránh né thuế mà hàng năm, trên quy mô thé giới, khiến thất thoát khoảng 100 đến 240 tỉ đô la từ nguồn thu thuế lợi nhuận của các công ty.
Nhật báo Le Parisien đưa một ví dụ cụ thể trường hợp website Airbnb, được coi là lạm dụng. Paris là điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới của những người sử dụng trang Airbnb. Năm 2014, hơn 500.000 khách du lịch đã thuê chỗ ở tại thủ đô của Pháp thông qua quảng cáo trên trang này. Dù chưa bao giờ được tiết lộ, doanh thu của Airbnb có thể vượt qua ngưỡng 100 triệu euro tại Pháp. Thế nhưng, Airbnb chỉ đóng có 85.000 euro tiền thuế doanh nghiệp tại Pháp vào năm 2014. Vì, tại Pháp, Airbnb đăng kí kinh doanh là một công ty trách nhiệm hữu hạn – SARL – với khoảng 15 nhân viên. Chi nhánh tại Pháp không phải là đơn vị thu 12% tiền hoa hồng trích từ tiền thuê nhà tại Pháp. Mọi giao dịch đều được các chi nhánh tại Luân Đôn và tại Ai Len quản lý. Công ty TNHH Airbnb tại Pháp chỉ đóng vài trò cố vấn cho các chi nhánh khác của tập đoàn.
Đa số người Pháp làm việc ở nước ngoài không nhớ quê hương
Theo kết quả một cuộc điều tra của Ipsos-Ngân hàng xuyên Đại Tây Dương được công bố hôm qua và được Le Figaro đăng trong số ra hôm nay, « 55% người Pháp làm việc ở nước ngoài không nhớ quê hương ». Đa số những người Pháp rời xa quê hương để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. 42% trong số họ tỏ ra lo ngại với ý định trở về.
Có khoảng 2,5 triệu người Pháp đang sống ở nước ngoài. Trong khoảng 10 năm gần đây, số lượng người Pháp đăng kí tại các lãnh sự Pháp tăng gần 35%, có nghĩa là tăng trung bình khoảng 3%/năm. 3/4 những người này có việc làm, 15% là người hưu trí và 3% là sinh viên. Trong số những người lao động, khoảng 80% làm việc cho một doanh nghiệp hay một tổ chức nước ngoài. Động lực chính của đa số người Pháp sống ở nước ngoài là « phát triển sự nghiệp » hay « để có một cuộc sống tốt hơn ». Chỉ 7% trong số họ nêu lý do nhằm hưởng « chế độ thuế khóa có lợi hơn ».
Phần lớn trong số họ chưa có ý định quay lại Pháp trong thời gian ngắn vì muốn chờ « những ngày tốt đẹp hơn », còn 1/3 trả lời « trong vòng 2 đến 5 năm nữa ». Ngoài ra, 42% trong số họ tỏ ra lo ngại với ý nghĩ sẽ quay về Pháp một ngày nào đó vì thủ tục hành chính để hợp thức hóa các quyền lợi của họ khá rườm rà và mất thời gian. Chính vì lý do này, Bộ Ngoại giao Pháp đang thảo một cuốn hướng dẫn hồi hương khá đầy đủ và một bộ phận hỗ trợ cá nhân về vấn đề này sắp được đưa lên mạng.
Một số tin khác
Tình hình tại Trung Đông tiếp tục là chủ đề thời sự quốc tế nổi bật trên các nhật báo Pháp số ra hôm nay. Le Figaro đưa tin « Obama buộc phải phối hợp với Putin tại Trung Đông » mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng, song các nhóm làm việc của tổng thống Mỹ có lẽ đang tìm giải pháp để đưa Nga và Iran vào chương trình chiến lược mới tại Trung Đông.
Trước số lượng người tị nạn ngoài tầm kiểm soát từ Trung Đông tới, đặc biệt là từ Syria, tờ Libération cho biết Châu Âu nhìn nhận vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này, cũng như đối với các kế hoạch hành động tại thực địa nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Còn theo nhật báo Les Echos, Châu Âu tìm cách hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người nhập cư. Vì vậy, Bruxelles chào đón Tổng thống Erdogan để bàn về vấn đề khủng hoảng này.