35 năm Gạc Ma và di sản bi thảm của ‘cuộc thảm sát’
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm gọi sự kiện Gạc Ma ngày 14/03/1988 là cuộc thảm sát do Hải quân Trung Quốc thực hiện và nói rằng Việt Nam luôn nhớ điều đó nhưng cũng cần khéo léo trong quan hệ với cường quốc láng giềng.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân Việt Nam đã thuật lại nhiều diễn biến quan trọng xoay quanh sự kiện mà ông gọi là “vụ thảm sát Gạc Ma” .
Sự kiện ấy xảy ra ngày 14/3/1988, lực lượng Việt Nam bao gồm chủ yếu là lính công binh đang triển khai việc đóng giữ các bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa thì tàu của Hải quân Trung Quốc kéo đến.
Các video được công bố về sau cho thấy tàu Trung Quốc đã xả súng nhằm vào một nhóm quân nhân Hải Quân Việt Nam vừa đổ bộ lên bãi cạn Gạc Ma. Có tổng cộng 64 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại Gạc Ma cũng như các vụ nổ súng tại các khu vực lân cận.
Cựu binh Gạc Ma: ‘Vết dao lạnh của Trung Quốc mãi ám ảnh tôi’
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: ‘TQ lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông’
Người trẻ không biết Gạc Ma là ‘đáng buồn’
Đã 35 năm trôi qua, xác hai con tàu cùng hài cốt của các quân nhân Việt Nam vẫn chưa được trục vớt do sự cấm cản từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, bãi cạn Gạc Ma năm xưa đã được Trung Quốc bồi đắp thành một đảo nhân tạo lớn và trở thành một căn cứ quân sự.
Sự kiện Gạc Ma cùng những tranh chấp liên quan tới Trường Sa luôn là những vấn đề chưa được hóa giải trong mối quan hệ giữa hai quốc gia do đảng Cộng sản lãnh đạo này.
Mất bãi Chữ Thập
Là tham mưu phó phụ trách tác chiến của hải quân, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nắm khá rõ những diễn biến ở Trường Sa trong thời điểm cùng xảy ra với sự kiện Gạc Ma 1988.
Ông Lâm nói với BBC News Tiếng Việt rằng, trong kế hoạch tác chiến bảo vệ Trường Sa và việc đóng thêm các bãi đá ở Trường Sa thì không có Gạc Ma, chỉ có bốn bãi: Chữ Thập, Châu Viên, Đá Tây, Tiên Nữ.
“Cuối năm 1987, chúng tôi đóng được Đá Tây, triển khai đóng đá Chữ Thập nhưng tàu thuyền hỏng hóc và đây được coi là vị trí chiến lược vì ở bờ mà ra vùng Nam Yết thì Đảo Chữ Thập là nằm giữa Biển Đông nên mình phải đóng được nơi này.”
“Nhưng đợt thứ nhất ra thì nhóm tàu bị sự cố nên không ra được, mãi đến đầu Tết năm 1988 mình ra thì Trung Quốc đã đóng rồi. Tàu Hải Quân Việt Nam cố tiến vào nhưng tàu Trung Quốc kiên quyết ngăn cản. Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải Quân Việt Nam lệnh rút về, không vào chữ Thập nữa. Và thế là mình mất Chữ Thập,” tướng Lâm thuật lại.
Hiện nay, bãi đá Chữ Thập đã được Trung Quốc biến thành một đảo nhân tạo lớn, với nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động quân sự, có giá trị như một căn cứ hải quân quan trọng cách đảo Hải Nam Trung Quốc hơn 1000km.
Trở lại với tình hình Biển Đông cuối 1987 đầu 1988, lúc bấy giờ đang rất căng thẳng, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho cơ quan ông Lâm nhiệm vụ lên kế hoạch tác chiến bảo vệ Trường Sa.
NGUỒN HÌNH ẢNH, NGUYỄN VĂN THỐNG – Hình ảnh 64 chiến sỹ hy sinh vào năm 1988
Kế hoạch đó được đích thân tư lệnh Giáp Văn Cương báo cáo cho Trung ương vào tháng 8 năm 1987.
Tháng 9 năm 1987, kế hoạch được triển khai. Thời điểm này, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã điều sở chỉ huy các cơ quan hải quân từ Hải Phòng vào Cam Ranh (Khánh Hòa).
“Tôi là người viết điện cho Tư lệnh Giáp Văn Cương ký để đóng các điểm: 1/Chữ Thập, 2/ Đá Tây, 3/ Châu Viên, 4/ Tiên Nữ. Mỗi điểm sẽ có 3 – 4 tàu ra đóng giữ. Trong kế hoạch của tôi khi đó cũng như phòng tác chiến Bộ Tham mưu hải quân vạch ra không có kế hoạch đóng Gạc Ma cũng như không có kế hoạch đánh nhau với Trung Quốc.”
Tướng Lâm nói rằng lúc đó suy nghĩ chung là quan hệ giữa hai nước chưa quá căng thẳng. Tuy nhiên, vào khoảng cuối năm 1987, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã cảnh báo không nên chủ quan, Trung Quốc không đánh trên đất liền sẽ đánh trên biển, theo lời ông Lâm thuật lại.
“Sau này tôi mới biết đồng chí Lê Đức Anh, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hạ lệnh đóng Gạc Ma,” Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm thuật lại.
Các cựu binh Gạc Ma họp mặt tại Sài Gòn năm 2016
NGUỒN HÌNH ẢNH,BÙI THƯ
Ở Gạc Ma, vào đêm 13/03/1988, Việt Nam cho một bộ phận công binh E83 và một bộ phận của lữ đoàn 146 lên một góc đảo để bảo vệ.
Rạng sáng, Trung Quốc thấy cờ Việt Nam cắm ở trên đảo đã cho người tới nhổ cờ. Lúc này hai bên xảy ra đụng độ.
Quân Trung Quốc dùng dao găm đâm vào thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh, hai người cắm và giữ cờ khi ấy.
Hai chiến sĩ Việt Nam đã phản kháng lại. Sau đó, lính Trung Quốc và tàu chiến Trung Quốc đã xả súng vào những người lính Việt Nam đang ở giữa vùng biển cạn. Theo ông Lê Kế Lâm, đó là cuộc thảm sát vì phía Việt Nam chưa hề bắn một viên đạn nào vào Trung Quốc, theo lời kể của những người trực tiếp chứng kiến sự việc ấy.
“Chủ yếu bên Việt Nam chỉ có cuốc xẻng, xà beng, cũng có ít súng trường mang theo nhưng bộ phận Hải Quân lên đảo chưa phản ứng gì. Gạc Ma là cuộc thảm sát thực sự vì Việt Nam không có tàu chiến và lực lượng chiến đấu tương xứng đối đầu với Trung Quốc, chỉ có hai tàu vận tải cỡ nhỏ đã cũ không súng ống, đạn dược.”
“Trung Quốc đã bắn chìm hai tàu 604, 605 và còn bắn cháy tàu 505 của Việt Nam ở Cô Lin. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ báo cáo về tàu bị cháy, và được lệnh cho tàu gác cạn trên bãi Cô Lin và giữ được Cô Lin,” ông Lâm nhớ lại.
Chuyện ‘không được nổ súng’
Một phần dư luận Việt Nam, kể cả trong giới cựu chiến binh, nhiều năm gần đây cho rằng đã có một mệnh lệnh từ cấp cao, mà có người cho là từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, ra lệnh các chiến sĩ không nổ súng kháng cự.
Gạc Ma 35 năm: Chuyện mưu sinh và nhiệt huyết giữ biển đảo của hai cựu binh
Gạc Ma 35 năm: Với tân chủ tịch nước, VN có thay đổi gì trong chính sách Biển Đông?
Về ‘mệnh lệnh’ tranh cãi trận Gạc Ma 29 năm trước
Làm rõ cho BBC về điểm này, tướng Lê Kế Lâm nói:
“Chủ trương Nghị quyết Đảng ủy Hải quân mà tôi nhớ rõ ràng là: Đối xử ở trên biển phải hết sức kiềm chế, tự vệ là chính, tuyệt đối không chủ động nổ súng trước, tránh sự khiêu khích của Trung Quốc.”
“Tôi có nghe một tin như thế này, nhưng là được thuật lại từ một người có mặt trong cuộc họp của Bộ Chính trị lúc ấy. Đó là sau vụ Gạc Ma xảy ra và 64 chiến sỹ hy sinh, 9 người bị bắt về Trung Quốc thì Bộ Chính trị có họp. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch có hỏi rằng có tin anh em chiến sĩ nói không được nổ súng, vậy thì ai ra lệnh không được bắn, thì đồng chí Lê Đức Anh nói rằng ông ấy là người ra lệnh,” Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm chia sẻ vì ông chưa bao giờ được dự một cuộc họp cấp cao như vậy.
Theo ông Lâm, sự việc lùm xùm vì tin tức này lọt ra ngoài. Một số tướng lĩnh cho rằng chuyện này không có thực vì đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng, mà trong chiến tranh thì không thể có lệnh cấm nổ súng, dù ở bất cứ mặt trận nào.
Về sự việc này, khi được hỏi lại liệu Tướng Lê Đức Anh có ra lệnh cho bộ đội Việt Nam ở Gạc Ma không được nổ súng đáp trả khi bị các lực lượng Trung Quốc uy hiếp như dư luận đặt vấn đề hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói với BBC vào năm 2019:
Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam từ năm 1987-1991
“Tôi cho là không có lệnh đó”.
Khi được hỏi tiếp về căn cứ của nhận định này, nhà nghiên cứu từ Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam nói:
“Tôi cũng nghiên cứu lịch sử hải quân và trong toàn bộ phần lịch sử không nói chuyện là không cho nổ súng.”
Tiến kẹt của Việt Nam
Nằm sát sườn bên cạnh một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương như Trung Quốc, Việt Nam phải khéo léo vận dụng “Dị bất biến, ứng và biến”: một mặt phải bảo vệ chủ quyền, ghi nhớ những sự kiện lịch sử như Chiến tranh biên giới 1979 hay Gạc Ma 1988 nhưng mặt khác là không “gây hận thù với Trung Quốc”, làm “ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam”.
Tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Lâm, Khánh Hòa.
Hà Nội lâu nay vẫn rất thận trọng trong các vấn quan hệ và đối thoại với Trung Quốc.
Trong bối cảnh sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022, Việt Nam lại trở nên cẩn trọng hơn. Các nguồn tin trong nước cho biết báo chí Việt Nam được chỉ đạo không xới lên các vấn đề có thể gây căng thẳng quan hệ hai nước nhân các sự kiện như kỷ niệm Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (vào tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988).
Năm nay, tròn 35 năm sự kiện Gạc Ma, theo truyền thống của Việt Nam là các sự kiện vào “năm chẵn” thường được tổ chức lớn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các hoạt động của giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam, đặc biệt là các nhân vật trong “tứ trụ”, được truyền thông rộng rãi.
Trong vụ Gạc Ma, một số thi thể đã được đưa về trên đảo Sinh Tồn nhưng vẫn còn 56 người chưa được tìm thấy hài cốt.
Tàu HQ 604 và HQ 605 bị chìm cũng mang theo thi thể của thủy thủ đoàn, đa phần là công binh.
20 năm sau, tàu HQ 604 được phát hiện dưới lòng biển tại vùng biển cách Gạc Ma khoảng một hải lý. Các phần hài cốt không đầy đủ của 8 liệt sĩ được các thợ lặn đưa về nhưng khi ấy, tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt và vẫn còn nhiều hài cốt đang nằm trong xác tàu HQ 604.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đã có các công hàm và nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp khác nhau đề nghị tạo điều kiện cho phía Việt Nam tiến hành công việc tìm kiếm, thu gom hài cốt 56 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988.
Sau khi chiếm được bãi Gạc Ma trong cuộc xung đột năm 1988 với Việt Nam, Trung Quốc đã biến nơi đây thành đảo nhân tạo rất lớn, việc trục vớt thi thể đã không còn khả thi
Tuy vậy, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã có công hàm chính thức trả lời rằng Trung Quốc đã nghiên cứu nghiêm túc đề xuất của phía Việt Nam về việc thu gom hài cốt liệt sĩ nhưng họ chưa thể đáp ứng đề xuất này.
Ông Lâm diễn giải lý do Trung Quốc từ chối phía Việt Nam:
“Về việc thực hiện cho đúng luật pháp quốc tế về nhân đạo trong chiến tranh cũng như đối xử với tù binh thì mỗi nước họ chấp hành mỗi khác. Những nước nào tuân thủ những luật của Liên Hợp Quốc thì chấp hành tốt.”
“Thứ hai, đứng về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thì hàng ngàn năm lịch sử, Trung Quốc luôn muốn Việt Nam lệ thuộc, làm nước đệm của họ – giống như Nga xem Ukraine.”
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, nếu quan hệ giữa hai nước tốt như hiện nay thì Trung Quốc nên để Việt Nam trục hai xác tàu nói trên.
Thế nhưng, nhiều nhà quan sát cho rằng với việc bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã thực hiện, có thể việc trục vớt hài cốt không còn khả thi nữa.
Tướng Lâm cũng nói về sự nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc đòi hỏi phía Việt Nam phải cẩn trọng.
“Chúng ta bức xúc và căm thù hành động dã man của một bộ phận hải quân Trung Quốc nhưng thù dai. Đối với việc làm phi nghĩa của một bộ phận hải quân Trung Quốc, Việt Nam phải lên án. Còn quan hệ tốt với Trung Quốc trên đại cục vẫn giữ, nhưng trên từng sự việc một, họ làm sai phải lên tiếng, phải nói một cách rõ ràng chứ không lập lờ. Ở gần một nước lớn mà nước đó luôn luôn có tư tưởng làm bá chủ thiên hạ thì Việt Nam bao giờ cũng vất vả, phải giữ quan hệ để không xảy ra mâu thuẫn.”
“Bảo vệ chủ quyền biển đảo sắp tới đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Chủ trương của Trung Quốc độc chiếm biển Đông là không bao giờ thay đổi. Họ không chịu yên vị là cường quốc lục địa thôi mà họ muốn trở thành cường quốc trên đại dương.” ông Lâm kết luận.
Bùi Thư – BBC News Tiếng Việt – 14 tháng 3 2023