Ý kiến của truyền thông Mỹ và nước ngoài về Ukraina
Theo VOA – 07.03.2014
Cuộc khủng hoảng Ukraina gây nên sự chú ý của toàn thế giới và cũng tạo nên một dư luận rộng rãi về những nguyên nhân và giải pháp. Báo chí, các trang blog và những phương tiện truyền thông khác đã đăng tải nhiều bài bình luận và xã luận khác nhau về những gì cần làm và ai chịu trách nhiệm.
Mỗi ngày Đài VOA sẽ chọn lựa những ý kiến này, đưa ra những trích đoạn, và đưa lên để độc giả xem xét.
Những ý kiến dưới đây dĩ nhiên là của các tác giả, không phải của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
“Khi ông Putin xâm chiếm đất nước tôi” – bài xã luận của ông Mikheil Saakashvili, cựu Tổng thống Gruzia, đăng trên báo Washington Post.
“Tại sao phương Tây nên quan tâm đến những gì xảy ra tại Ukraina? Chúng tôi xem việc này không phải chỉ là một sự chia cắt một nước lớn nhất châu Âu nhưng mà còn là sự hủy hoại trật tự sau Chiến tranh lạnh tại châu Âu.
Trật tự này dựa trên những luật lệ rõ ràng không những bảo vệ những nước nhỏ mà còn bảo đảm sự ổn định và phồn vinh cho những nước lớn, bảo vệ các sắc dân thiểu số và giải quyết những tranh chấp bằng các cơ chế hòa bình.
Hãy nghĩ đến những chia cắt nếu những biên giới tại lục địa này trở lại đường ranh sắc tộc. Nếu không còn bất cứ qui luật nào, một chu kỳ bạo động và hủy hoại sẽ không tránh được.
Một kết cục như thế vẫn còn có thể tránh được. Những chế tài Hoa Kỳ loan báo ngày thứ Năm là một bước tốt đầu tiên. Các biện pháp ấy cần phải được thực thi ngay lập tức, và châu Âu cần tăng cường phản ứng của riêng mình.
Ukraina, Gruzia và Moldova nên xúc tiến việc mau chóng gia nhập Liên hiệp châu Âu và được cấp các kế hoạch hành động để được thu nhận vào NATO nhằm chứng tỏ là Nga không thể đạt được mục tiêu của họ qua những phương tiện bất hợp pháp.”
“Chính thức công nhận Ukraina, chuẩn bị quân đội NATO” – bài của ông Zbigniew Brezinski, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đăng trên báo Christian Science Monitor.
“Chiến lược của phương Tây vào lúc này phải là gây khó khăn cho kế hoạch của ông Vladimir Putin. Phải để cho ông ta có các phương án để tránh xung đột. Nhưng cũng phải cho ông ta biết rõ những hậu quả rất tiêu cực đối với Nga liền sau khi bùng ra một cuộc xung đột có vũ trang.
Khi nói về các phương án, ý tôi là chúng ta nên cho Nga thấy là chúng ta muốn một sự sắp xếp hòa bình tại Ukraina, và NATO nên mời Nga tham gia các cuộc thảo luận đang diễn ra về cuộc khủng hoảng này.
Nhưng đồng thời, chúng ta nên cho Nga biết là chúng ta sẽ không thụ động. Đầu tiên, chúng ta phải chính thức công nhận chính phủ tại Ukraina, mà tôi tin là biểu lộ ý nguyện của người dân. Đây là một chính phủ hợp pháp. Và can thiệp vào nội bộ Ukraina phải được xem là một hành động thù nghịch của một cường quốc nước ngoài.
Ngoài ra, chúng ta nên đưa các kế hoạch phòng bị của NATO vào hoạt động, triển khai lực lượng tại Trung Âu để chúng ta có thể ở trong vị thế sẵn sàng đáp ứng nếu chiến tranh xảy ra và lan rộng.”
“Nga có khả năng hành động nhờ các chính sách ngoại giao dao động, bất định của phương Tây” – bài của ông Andrew Coyne, bình luận gia, đăng trên báo Toronto Sun.
“Phải, chúng ta nên thử áp dụng các biện pháp chế tài ngoại giao và kinh tế, leo thang hay xuống thang tùy thuộc vào mức độ hợp tác của Nga hoặc không chịu không hợp tác.
Nhưng phải nêu nghi vấn về khả năng các biện pháp này có nhiều tác động: Nga có thể tin rằng họ có thể vượt qua sự bất mãn của quốc tế về vấn đề Crimea, và dựa vào chứng cớ về các hành động tàn ác trước đây như Thiên An Môn chẳng hạn thì Nga có thể có lý.
Tuy nhiên Nga có thể bị ngăn chặn không mạo hiểm thêm nữa. Tối thiểu là ngay tức thì chúng ta củng cố lực lượng các nước thành viên NATO trong vùng, và thu nhận Ukraina và Gruzia làm thành viên càng sớm càng tốt.
Dây giăng bẫy phải được đặt ra công khai, để không ai có thể thắc mắc về những hậu quả nếu Nga nếu vượt qua lằn ranh này.
“Xâm chiếm Crimea tệ hại hơn là một tội ác.” bài của ông Konstantin Sonin, giáo sư trường cao đẳng kinh tế tại Moscow, đăng trên tờ Moscow Times.
Như nhiều quan sát viên đã cảnh báo trong những năm gần đây, chính phủ và chính quyền của tổng thống đã hoàn toàn phá bỏ mọi cơ chế tiếp nhận ý kiến của công chúng hay các nguồn độc lập.
Các hành động và phát biểu của các nhà lãnh đạo Nga cho thấy họ thiếu những thông tin đáng tin cậy về những gì đang xảy ra không phải chỉ ở Kyiv, Donetsk và Simferopol, mà còn ở Nga và trên thế giới.
Và thật là kỳ lạ đối với một chế độ đưa ra những suy diễn sai lầm và thổi phồng đối với công luận nước ngoài có rất nhiều thông tin, khi chế độ bắt đầu đặt căn cứ những quyết định chiến lược trên những khái niệm sai lầm như thế, các sai sót nghiêm trọng sẽ không tránh khỏi.
Vấn đề một phần là do quyết định của nhà cầm quyền định ‘thanh lọc’ môi trường truyền thông, do đó bịt miệng những tiếng nói chỉ trích. Đó cũng là hậu quả của việc gian lận kết quả cuộc bầu cử Viện Duma năm 2011, khiến cho thiếu đại biểu của những người Nga không ủng hộ hành động quân sự tại Ukraina.”