Điểm Báo Pháp – 20-5-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 20-5-2015

Biểu tình đòi tự do tôn giáo tại TC. Trong ảnh, Hồng Y Joseph Zen cùng một số nhà tranh đấu khác, Hồng Kông, 11/07/2015 – REUTERS/Bobby Yip

Theo RFI – Trọng Thành – 20-5-2015

TC: Nhiều giám mục mất tích bí ẩn

«Nhiều giám mục Công giáo mất tích» tại miền bắc TC là tựa đề  của Le Monde. Cụ thể là tại một giáo phận thuộc tỉnh Hà Bắc (He Bei), cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150 km về phía tây nam, liên tục nhiều thế hệ giám mục bị đưa đi mất tích, để rồi một thời gian sau, người ta biết là họ đã chết.

Giáo phận Yixian là nơi gần như toàn bộ dân cư theo Công giáo, với truyền thống lâu đời, từ trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Hầu hết các giám mục tại đây trung thành với Tòa Thánh Vatican, không chấp nhận tham gia «Giáo hội Công giáo yêu nước», nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản TC, như đa số các giám mục khác (theo đặc phái viên Le Monde).

Cái giá phải trả cho sự trung thành tuyệt đối này là họ bị chính quyền truy bức đến cùng. Tại nghĩa trang của giáo phận, có hai tấm bia mộ, ghi năm mất của hai giám mục tiền nhiệm, 1989 và 1993, đều là các nạn nhân của chính quyền. Ngày 31/03 vừa qua, chính quyền thông báo giám mục Côme Shi Enxiang đã chết, ở tuổi 94. Đây là vị giám mục bị công an chính trị TC bắt cóc từ năm 2001.

Theo đặc phái viên Le Monde, tất cả giám mục bất tuân phục Bắc Kinh đều bị truy bắt. Ngoài hai giám mục đã qua đời nói trên, còn có giám mục Su Zhimin bị bắt năm 1997, và từ đó đến nay không hề có thông tin gì về ông.

Dù sao, người Công giáo tại giáo phận Yixian vẫn tiếp tục tự tổ chức, bất chấp lệnh cấm của chính quyền.

Hiện tại giáo phận tạm thời do một linh mục – cũng không được Nhà nước công nhận – phụ trách. Cho dù trong những năm gần đây, đời sống tôn giáo có phần dễ thở hơn trước, nhưng các linh mục bất tuân vẫn không có quyền truyền đạo ra ngoài. Linh mục Thomas, phụ trách giáo phận bí mật từ năm 2012, kể lại không khí hiện nay qua một câu chuyện như sau: Một hôm các giới chức của Ban tôn giáo chính quyền tỉnh và huyện đột ngột ập đến nhà thờ giáo phận, sau khi ngôi thánh đường được trùng tu. Họ cư xử cứ như là vị linh mục không tồn tại.

Mới đây, ngày 12/03, giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, Fedirico Lombardi, một lần nữa gợi ý với Bắc Kinh chấp nhận một «mô hình kiểu Việt Nam», theo đó chính quyền trung ương có ý kiến về ứng cử viên vào các chức vụ lãnh đạo Công giáo, mà Vatican dự định. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thẳng thừng.

Ở Việt Nam, mọi người gọi bà là «Mẹ Tina»

Vẫn liên quan đến Công giáo, nhưng về Việt Nam, La Croix có bài «Ở Việt Nam, mọi người gọi bà là Mẹ Tina», nhân bộ phim về nhà hoạt động nhân đạo Christina Noble ra mắt hôm nay tại Pháp. Tờ báo Công giáo nhận xét: «Christina Noble ở trong số những người được đào luyện trong gian khó, để thu lấy từ đó sức mạnh và lòng cương quyết». Sinh năm 1944, tại một khu phố nghèo ở Dublin, thủ đô Ai Len, là con của một người bố nghiện rượu, một người mẹ bệnh tật, qua đời khi bà mới 10 tuổi. Christina Noble phải vào trại trẻ mổ côi sau đó….

Thế rồi, con người hết lòng vì trẻ em này đã tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1989, một đất nước mà bà gần như không biết gì.

Chứng kiến cuộc sống của trẻ em đường phố, bà quyết định mở một trung tâm chăm sóc đầu tiên năm 1991. Vào thời điểm Việt Nam vừa mới bắt đầu mở cửa, «Mẹ Tina» đã phải đối mặt với bao nhiêu thử thách, nhất là sự nghi kỵ, nếu không muốn nói là thù nghịch của chính quyền địa phương.

Nhờ ở Quỹ Children’s Fondation của Christina Noble, hơn 100 dự án nhân đạo đã được thực hiện tại Việt Nam và Mông Cổ. Mẹ Tina cho biết Quỹ đã giúp đỡ trực tiếp 700.000 trẻ em, và 300.000 gia đình, trên ba lĩnh vực: Thực phẩm, sức khỏe và giáo dục. Thái độ của Quỹ được thể hiện qua ba từ: Tình yêu «không điều kiện», «tôn trọng» văn hóa và «nhân phẩm» của những người được giúp đỡ.

Christina Noble được tạp chí Times Magazine năm 2003 bầu chọn làm một trong «36 gương mặt gây cảm hứng cho thế giới».

Vụ Atlaoui cho thấy thực trạng tồi tệ của tư pháp Indonesia

Liên quan đến Châu Á, Le Monde có bài giới thiệu việc xét lại về mặt hành chính vụ án xử công dân Pháp Serge Atlaoui, bị kết án tử hình vì cáo buộc tham gia đường dây ma túy. Hôm nay, tòa án hành chính Jakarta bắt đầu xem xét đơn kiện.

Luật sư nổi tiếng Todung Mulya Lubis, 65 tuổi, nhà đấu tranh nhân quyền kỳ cựu tại Indonesia, giải thích vì sao nền tư pháp tại quốc gia này lại trở nên hư hỏng, cho dù tình hình có khá hơn sau khi nền độc tài chấm dứt. Các lý do ông đưa ra là: nạn tham nhũng, trình độ yếu kém của các thẩm phán, và sự can thiệp của chính trị.

Luật sư Todung Mulya Lubis từng là người bào chữa cuối cùng cho hai tử tù người Úc, Andrew Chan và Myuran Sukumaran. Ông cáo buộc các thẩm phán, ra phán quyết tử hình hai người này năm 206, đã đòi ông 130.000 đô la, để đổi lấy mạng sống của hai khách hàng. Hai tử tù cho biết họ đã chuyển tiền, nhưng phía các thẩm phán lại đòi nhiều hơn, và lần này gia đình từ chối… Hiện tại không có bằng chứng nào đủ để chứng minh cáo buộc này. Hai nhân chứng quan trọng nhất cho vụ án bất hạnh thay lại chính là hai tù nhân Úc, những người vừa bị hành quyết.

Tổ chức thánh chiến liên tục lấn sân: Đối phó thế nào?

Trở lại với thời sự quốc tế, một tâm điểm hôm nay là tình hình chiến sự tại Trung Đông. Le Figaro chạy hàng tít lớn «Irak-Syria: Tổ chức Nhà nước Hồi giáo liên tục lấn sân». Le Figaro nhận xét: «Các trận không kích trong mười tháng đã mang lại kết quả. Tuy nhiên, sau 5.300 vụ không kích, ‘‘vương quốc Hồi giáo’’ vẫn không suy yếu về cơ bản… Buộc lực lượng Irak phải tháo lui, quân thánh chiến đã chiếm được nhiều vũ khí hạng nặng do Hoa Kỳ cung cấp».

Theo Le Figaro, quân thánh chiến đang tiến chậm, nhưng chắc chắn về phía thủ đô Syria và Irak, để đảo ngược tình thế, cần phải «có các lựa chọn chiến lược rõ ràng». Cụ thể là mở rộng cho sự tham gia của các lực lượng dân quân Shia đồng minh với Iran (với số quân khoảng 35.000 người) và các bộ tộc Sunni, có xu hướng đầu quân theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Trên thực tế, Bagdad đã quyết định đưa dân quân Shia tham gia chiến dịch tái chiếm Ramadi, «khoảng 3000 binh sĩ» đã tới gần thành phố vừa bị mất vào tay Daesch (tổ chức Nhà nước Hồi giáo) hôm Chủ nhật. Tuy nhiên, sự tham gia của lực lượng vũ trang hệ phái Shia trong cùng một mặt trận với quân đội Irak, và tại vùng đất của người Sunni, mang lại nhiều nghi ngại. Libération dẫn lời một số thượng nghị sĩ Mỹ, theo đó thành công quân sự của lực lượng này có thể sẽ là không đáng kể so với thiệt hại về mặt chiến lược, do bạo lực tôn giáo, và so với nỗi sợ mà lực lượng này gây ra đối với cộng đồng Irak theo hệ phái Sunni.

Theo Libération, cho đến tối qua chính quyền Irak vẫn chưa quyết định phản công tái chiếm Ramadi.

Ukraina: Sự kháng cự của giới đặc quyền

Về điểm nóng Ukraina, Le Monde có bài xã luận đáng chú ý, mang tựa đề «Ukraina: hai làn gió nghịch», để điểm lại tình hình tại quốc gia Liên Xô cũ, một năm sau cuộc chính biến Maidan, lật đổ Tổng thống thân Nga. Ngày 25/05/2014, ông Petro Porochenko đắc cử Tổng thống, vào lúc đó tân tổng thống phải đối mặt với hai xu thế đối nghịch, một bên là sự nóng lòng của những người nổi dậy, muốn thay đổi nhanh chóng, và bên kia là sự kháng cự của các thiết chế cũ, bám rễ chặt trong hệ thống xã hội Ukraina, bất chấp sự ra đi của Tổng thống thân Nga.

Theo Le Monde, trong số các quốc gia cộng sản cũ, Ukraina có một vị trí đặc biệt, gắn chặt với hệ thống xô viết, nhiều hơn các nước ngoại vi như Ba Lan. Về mặt định chế, Ukrain với 46 triệu dân phụ thuộc vào Nga chặt chẽ hơn nhiều so với các nước cộng hòa nhỏ bé vùng Ban tích. Sau khi độc lập, Ukraina đi theo một quỹ đạo riêng, với một thể chế bán dân chủ và hết sức tham nhũng, rất gần với chế độ tại Nga. Chính hệ thống chính trị này đã bị phong trào Maidan làm bung ra vào tháng 2/2014.

Tuy nhiên, các cải cách thực sự là rất khó khăn. Chỉ mới gần dây thôi, Tổng thống Porochenko mới «bắt đầu tấn công vào giới đặc quyền», khi buộc một trong những thủ lãnh phải từ chức (Thống đốc vùng Dnipropetrovsk). Le Monde nhấn mạnh, phần còn lại của công việc là hết sức lớn, khi nhiều nhóm đặc quyền khác vẫn tiếp tục chi phối nền kinh tế Ukraina, trong bối cảnh vùng Donbass tiếp tục trong tình trạng chiến tranh do Nga giật dây, và kinh tế suy giảm đến 17,5% GDP chỉ trong quý đầu 2015. Le Monde lưu ý, Liên Hiệp Châu Âu vẫn sẽ tiếp tục dành cho Ukraina nhiều trợ giúp, nhưng đồng thời hết sức chăm chú để làm sao các trợ giúp được sử dụng đúng mục đích.

Trang nhất các báo

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo lấn sân tại vùng Cận Đông, việc phân bổ định mức tiếp nhận người tỵ nạn từ Phi Châu là các chủ đề quốc tế lớn được chú ý trên trang nhất nhiều nhật báo Pháp.

Báo chí cũng loan tin về sáng kiến  mới của Pháp cho hòa bình giữa Palestine và Israel. Theo Le Figaro, Pháp sẽ đưa ra một dự thảo nghị quyết từ nay đến tháng 9/2015. Paris sẽ đề nghị một thời hạn 18 tháng cho “một giải pháp công bằng, bền vững và tổng thể“. Quá giai đoạn này, Pháp sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine.

Cuộc cải cách giáo dục gây tranh cãi và tập đoàn điện nguyên tử Areva trên bờ giải thể là các tâm điểm của thời sự trong nước.

Về hội nghị khí hậu với sự tham gia của 1.000 lãnh đạo kinh tế tại Paris hôm nay và ngày mai, theo lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ, báo Les Echos có bài “Các doanh nghiệp vào cuộc vì thành công của Thượng đỉnh COP21“, nhấn mạnh “các doanh nghiệp đang áp lực để chính quyền các nước đạt một đồng thuận rõ ràng và bền vững trong tháng 12 tới tại Paris“.