30 tháng 4, nhắc lại một biến cố về người Việt Nam tỵ nạn cộng sản – Stephen B. Young
Nhân dịp quốc hận, BBT xin đăng lại một bài viết cũ của Gs Young
Trước đây 40 năm đảng cộng sản Việt Nam xâm chiếm nước Việt nam Cộng hòa. Cường quốc Hoa Kỳ không cứu chính phủ của những người Việt muốn sống trong tự do, dân chủ, tức họ phải được quyền thừa hưởng và gìn giữ di sản của tổ tiên để lại. Cả đời sống hạnh phúc nữa. Đồng thời,Tổng thống Ford hay Ngoại Trưởng Kissinger cũng đều không có kế hoạch cứu giúp nhân đạo nguời dân Việt Nam nào hết cả. Hai Ông Ford và Kissinger không muốn dính líu tới miền Nam Việt Nam, chính phủ, quân đội, quan chức, và cả dân chúng vô tội nữa. Thái độ của họ đối với dân miền Nam là bỏ rơi luôn. Họ cũng muốn quên chiến tranh Việt Nam và sự hy sinh tối đa của 58,000 chiến sĩ Hoa Kỳ.
Như vậy, tại sao, ngày 30 tháng 4, năm 1975, Hoa kỳ chịu đón tiếp một số người Việt Nam bỏ xứ ra đi khỏi Việt Nam để tìm tự do?
Sở dĩ có cuộc đón tiếp đó là do ý chí và nỗ lực của một nhóm anh em trẻ. Trong đó có tôi, Steve Young.
40 năm trước
Buổi chiều ngày 30 tháng 3, tại nhà ở Brooklyn, NY, vợ chồng tôi, Hòa và tôi, đương sơn phết và sửa chữa lại cho đẹp. Chúng tôi đương nghe nhạc. Đến lúc có tin tức radio nói Đà Nẵng rơi vào tay cộng sản. Cả hai chúng tôi đều giựt mình. Tôi biết miền Nam sẽ bị mất luôn. Chỉ có Tướng Trưởng có đủ uy tín chỉ huy Quân đội đánh được bộ đội Hà Nội mà bây giờ, Đà Nẵng đã mất, Ông Trưởng hay Ông Thiệu và các tướng lãnh khác giờ đây không thể ngăn chặn đượcc sự xâm lăng đại quy mô của miền Bắc.
Ngày sau tôi đi Washington để thuyết phục mấy anh bạn đang làm việc cho Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch ốc để đề nghị họ tổ chức một chương trình đón người Việt Nam di tản. Đó là những người sẽ bỏ quê hương đi tìm tự do.
Tôi biết đại đa số người Việt đều trung thành với Tổ quốc, giữ gìn đạo đức của tổ tiên, sống theo luân lý dân tộc Việt sẽ không thể nào ép mình chịu sống với chế độ phi nhân của Lê Duẩn và tập đoàn cộng sản Hà Nội ác ôn. Từ trong tư tưởng, đa số dân miền Nam không chấp nhận chủ nghĩa độc tài Mác-Lê. Năm 1954, có gần một triệu người Việt đã bỏ miền Bắc đi vào Nam tìm tự do. Đó là một thí dụ cho tôi. Gia đình vợ tôi trong số những người đó. Bỏ nhà cửa, tài sản lại Hà Nội để trở thành một gia đình nghèo nhưng có đầy đủ tự do trong đời sống ở Sài gòn.
Tôi cũng giống như trường hợp dân Minh hương, bỏ quê hương Trung Hoa vì không chịu thờ nhà Mãn Thanh.
Người bạn của tôi, Ông Parker Borg, lúc đó làm Phụ tá cho Ngoại trưởng Kissinger. Tới Washington, tôi gọi điện thoại Ông Parker để nói là tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy. Hồi trước Parker và tôi học tiếng Việt chung một lớp tại Vietnam Training Center. Ở Việt Nam, tôi làm cố vấn ở Vĩnh Long và sau đó, tôi đổi về văn phòng trung ương CORDS tại Sài gòn. Còn Parker làm cố vấn tại Bình Định và sau cùng làm tại CORDS ở Sài gòn.
Parker nhận điện thoại của tôi. Tôi tha thiết khẩn khoản : “Parker, tôi cần sự giúp đỡ để tổ chức một chương trình di tản cho người Việt Nam”.
Parker trả lời: “ Tôi không giúp được. Tôi mới từ chức làm Phụ tá cho Kissinger. Hơn nữa, ở đây không có người có chức có quyền lại quan tâm lo ngại đến việc đó.”
Tôi không biết có nghe đúng hay không. Một người trẻ tuổi mà làm phụ tá cho Kissinger thì thế nào lại không sớm sẽ leo lên chức vụ cao trong Bộ Ngoai giao sau đó. Bỏ việc là từ bỏ con đường tiến thân vinh quang trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Phần tôi, tôi cảm thấy một sự giận dỗi dâng lên trong bụng. Tại sao Ông Ford, Ông Kissinger, là loại người thế nào mà không thấy động lòng để nghĩ cách cứu giúp những người dân nạn nhân của quốc gia đã từng đồng minh với mình?
Tôi hỏi lại: “Parker, chắc anh nói chơi chớ?”
Không, Parker đáp. Anh nói tiếp: “Kissinger không phải là người tốt, là người không có đạo đức không có lương tâm. Một người rất là mưu sĩ và gian xảo.”
Tôi nói tiếp: ”Sắp mất Việt Nam. Chúng ta đừng quên có nhiều người Việt Nam tin ở sức mạnh, thiện chí, sự cương quyết của Hoa Kỳ giúp Việt Nam và đã từng chống cộng sản. Sau khi Hà Nội lấy được miền Nam, họ sẽ bị trả thù, gia đình của họ sẽ bị chế độ cộng sản Hà Nội ngược đãi đời đời. Cộng sản sẽ giết ngay một số và sẽ cho một số khác đi tù lâu lắm. Chúng ta không thể nào bỏ rơi những người đồng minh của quốc gia Hoa kỳ của chúng ta được.”
Parker trả lời: ”Cả Ông Kissinger và Tổng thống Ford bây giờ không muốn để ý một chút nào về Việt Nam nữa. Họ chỉ muốn rửa tay, quên đi càng sớm càng tốt cái chiến tranh đầu tiên mà Hoa Kỳ không thắng được. Họ không muốn phải có ý kiến nào về một chương trình đón người Việt di tản qua định cư ở Hoa Kỳ. Nhưng tối nay mình nên hỏi thăm anh Lionel Roenblatt, hiện làm Phụ tá cho ông Phó Ngoại trưởng để có thể biết thêm vấn đề rõ hơn.”
Hôm đó, sau giờ làm việc, Parker đón tôi và hai anh em chúng tôi lại đến nhà Lionel gần Connecticut Avenue. Bước vào nhà, Lionel yêu cầu mình nói chuyện nhỏ vì vợ ông không được khỏe đương ngủ ở trên lầu.
Lionel vào bếp lấy 3 ly rượu Brandy cho ba người uống trong lúc bàn việc.
Tôi nói lại nước Hoa Kỳ của mình phải biết giữ sự trung thành với đồng minh Việt Nam. Phải chuẩn bị một chương trình cho một số người Việt Nam định cư tại Mỹ để họ lập lại cuộc đời của họ.
Lionel trả lời: “Khó lắm! Nhưng ngày mai có một nhóm anh em chúng tôi sẽ họp để bàn về tình hình Việt Nam biến chuyển thế nào. Anh Steve cứ đến, đặt vấn đề với chúng tôi. Anh quen biết mấy anh đó rồi. Đó là các anh Ken Quinn, Al Adams và Jean Sauvageot.”
Tôi đồng ý.
Nước Hoa Kỳ chưa thua một cuộc chiến tranh nào. Các tướng tá, các nghị sĩ, các dân biểu, các bộ trưởng, các đại sứ, các nhà báo, các giáo sư không có “Plan B” cho trường hợp này. Họ bị bất lực tâm lý, không quyết định được làm thế nào.
Ngày hôm sau, tôi đến Bộ Ngoại giao. Thường vào lúc trưa, anh em hay họp tại văn phòng của Ông Kissinger vì cả Parker Borg và Al Adams đều là phụ tá của ông Ngoại trưởng. Thấy tôi, Lionel chạy ra gặp tôi, có vẻ khó chịu, và nói: “Steve, anh không tham gia cuộc họp được.”
Tôi ngạc nhiên vì tôi đã quen biết trước các anh em từ lâu kia mà.
Lionel nói tiếp: “Al Adams nói anh ấy không nói chuyện gì bí mật được trước mặt một người như Steve vì không còn tư cách hợp pháp về vấn đề an ninh quốc gia để có thể được nghe những chuyện tối mật. Nếu có Steve trong phòng, Al sẽ bỏ cuộc họp. Mình sẽ căn dặn Al giúp mình. Anh ấy có thể nói ngọt với Kissinger được.”
Tôi đồng ý với Lionel: sự tham gia của Al, sự ủng hộ của Al, quan trọng hơn sự hiện diện của tôi rất nhiều.
Tôi nói lại với Lionel: “OK. Anh có lý. Tôi sẽ chờ các anh nói chuyện xong. Nhưng chắc anh biết phải làm thế nào đúng theo lương tâm, biết trọng danh dự của người Mỹ đối với đồng minh và nhất là người Việt Nam sẽ là nạn nhân cộng sản bắc việt. Tôi xin anh cố gắng nói khéo. Sự khôn khéo sẽ thuyết phục anh em làm một công việc phải. Làm đúng để thi hành chính nghĩa dân chủ tự do của nước mình và cả của người Việt Nam.”
Hai anh Parker và Lionel đáp: “Đừng lo. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình.”
Đạo luật về người tỵ nạn ra đời
Tôi ra khỏi Bộ Ngoại giao, đi bộ xuống tháp Lincoln Memorial. Tại đó tôi nhìn tượng đá của Lincoln ngồi và có vẽ suy nghĩ về số phận con người và vũ trụ. Tôi đứng đọc bài diễn văn Second Inaugural của ông đã đọc 110 năm trước đây, cũng vào tháng ba. Lúc đó, Lincoln có lời căn dặn dân tộc của ông rằng: “Không ghen ghét ai, giữ khoan hồng, nhân nghĩa với tất cả, chúng ta nên tiếp tục làm những việc có chính nghĩa”.
Tôi không thấy đói, chỉ lo các anh ấy không đủ can đảm can thiệp mạnh để có thể cứu được những người bạn đồng minh lâm nạn.
Một tiếng đồng hồ sau, tôi trở lại văn phòng Kissinger. Parker bước ra: “Chúng tôi đồng ý với Steve. Sẽ cố gắng mở một cuộc di tản. Mỗi anh sẽ viết một memo cho chef của họ, các ông ngoại trưởng, ông phó ngoại trưởng, ông giám đốc CIA, ông bộ trưởng quốc phòng, và Ken Quinn sẽ vận động tại Ủy Ban An Ninh Quốc Gia.
Trong vài ngày sau, các anh em nhận được sự chấp thuận của cấp trên. Ken Quinn được Ủy Ban An Ninh Quốc Gia đồng ý cho ghi thêm một điều vào Agenda của cuộc họp sắp tới của Ủy ban. Lúc Tổng thống Ford và các Bộ trưởng họp tại Tòa Bạch Ốc và bàn về chương trình định cư cho người Việt Nam di tản, không ai có lời phê bình những đề nghị của anh em, kể cả Ông Kissinger.
Parker, sau đó, được bổ nhiệm làm chủ tịch chương trình di cư lâm thời.
Sau đó, Lionel liên lạc với phụ tá ngoại giao của thượng nghị sĩ Ted Kennedy xin phép ông Kennedy và Thượng Viện không chống chương trình này. Thượng nghị sĩ Kennedy là Chủ tịch phó ủy ban thượng viện có quyền cho phép sự di cư vào Hoa Kỳ và nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Ông Kennedy đồng ý cho số người Việt Nam vào Hoa Kỳ bằng số người Cuba được phép vào Hoa Kỳ năm 1965, tức là 150,000 người.
Không ai có thể ngờ định mạng của một số người Việt quốc gia vào đầu tháng 4 năm 1975 lại nằm trong tay một số những anh em trẻ. Thật may mắn là họ sáng suốt và có đủ can đảm để lấy trách nhiệm bản thân và cũng nhờ sự vận dụng khéo léo tài hành chánh mà thành công trong việc tổ chức một chương trình đón tiếp một số người của quốc gia đồng minh.
Năm 1975 chỉ có độ 130,000 người Việt Nam được di tản qua Mỹ.
Ba năm sau, 1978, có một Ủy ban tư nhân do Leo Cherne tổ chức vận động chính phủ Carter để đón nhận nhiều Boat People. Tôi cũng tham gia ủy ban đó. Số người Boat People quá lớn, hơn số 20,000 người trong số được chấp thuận di tản năm 1975. Như vậy, để đón nhận họ làm di dân, quốc hội phải phê chuẩn một đạo luật mới, đó là Refugee Act của 1980.
Stephen B. Young
Giới thiệu tác giả
Ông Stephen B. Young thuộc gia đình tham gia lập quốc Huê kỳ, làm Phó Khoa trưởng Luật khoa tại đại học Harvard, Khoa trưởng tại Đại học Hamline. Học tiếng Việt tại Vietnam Training Center, Arlington, Virginia, làm cố vấn Chương trình Bình định Phát triển nông thôn ở Miền nam Việt nam (CORDS).
Tháng 4/75, vận động Chánh phủ Huê kỳ đón nhận người Việt tỵ nạn cộng sản.
Năm 1992, đưa đề nghị với Hà nội “Chương trình 6 điểm” để thay đổi Việt nam ôn hòa và phát triển.
Viết chung với Gs Nguyễn Ngọc Huy “Human Rights in Traditional China and Vietnam”. Viết riêng “Cuộc chiến thắng bị bỏ lở” và “Moral Capitalism”.
Hiện làm Tổng Giám đốc “Caux Round Table”, một Tổ chức vô vị lợi, tài trợ chương trình phát triển xã hội ở các nước nghèo.
Thành hôn với Bà Phạm thị Hòa, người Hà đông.