30/04: Việt Nam hoà giải chưa xong nên vẫn phải cấm đoán, kiểm duyệt?
Vấn đề của mọi vấn đề ở VN là ở chỗ … đại đa số người Dân trong và cả ngoài nước không chịu sự áp đặt của CNCS trên đầu họ thôi chứ có chuyện gì mà phải hóa giải với nhau cả.
Cứ xem hàng năm bao nhiêu tiền người Việt hải ngoại gởi về cho thân nhân họ, giúp đỡ người nghèo, làm việc thiện …
Người trong nước ngược xuôi từ Nam lên Bắc, từ Bắc xuống Nam, đi ra hải ngoại tham quan, du lịch, làm ăn … người Việt hải ngoại về thăm quê, giữa người Việt với nhau không có vấn đề gì mâu thuẫn với nhau để phải hòa giải cả, phần ai nấy lo,
Chỉ cần cho người Dân, mỗi người một lá phiếu để công khai lựa chọn hướng đi cho đất nước, tự do chọn lựa thể chế nào thích hợp để cùng nhau chung sống, dạng thức chính quyền nào để điều hành quốc gia thì mọi vấn đề sẽ trở lại bình thường mạnh ai nấy lo cho đời sống của mình … đó mới chính là vấn đề phải giải quyết trước khi nói tới chuyện hòa giải hay hòa hợp Dân Tộc. .
Ban Biên Tập
30/04: Việt Nam hoà giải chưa xong nên vẫn phải cấm đoán, kiểm duyệt?
- Võ Ngọc Ánh
- Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ
24 tháng 4 2023, 21:57 +07
Việt Nam đã hòa giải thành công với các cựu thù Mỹ, Hàn, Úc…và được quốc tế ngợi khen nhưng người Việt vẫn còn những điều chưa hòa giải được với nhau dù chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỷ.
Nghị quyết 36 về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành năm 2004, coi “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Và “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài…“.
Kiểm duyệt cả người đã khuất
Vậy mà, khi nhà phê bình Đặng Tiến, người có uy tín trong giới yêu văn chương VN tại Pháp qua đời, nhiều tờ báo uy tín nhất trong nước mới đây nhanh chóng thông tin để tỏ lòng tiếc thương và ghi nhận sự đóng góp của ông. Thế nhưng sau đó phải nhanh chóng gỡ bài vì chỉ đạo từ trong chính quyền – không đưa tin về Đặng Tiến, nếu đã đưa tin thì phải gỡ bài.
Theo tôi được biết, lý do làm cho nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến ‘trở nên vô hình’ trong nền báo chí cách mạng chỉ vì ông là sản phẩm của miền Nam và tham gia Văn đoàn Độc lập – một tổ chức về văn học không theo sự quản lý của chính quyền. Cứ cái gì không kiểm soát được thì phải cấm, phải xóa – triết lý trị nước hóa ra là vậy.
Kiểm duyệt giới trẻ ở nước ngoài
Hồi tháng 2 năm nay, cô ca sĩ Hanni Pham, thành viên của nhóm nhạc New Jeans ở Hàn Quốc đã bị cơn cuồng nộ tẩy chay. Đó là do các hội nhóm của chính quyền từ trong nước thổi lên. Với lý do, gia đình của cô ca sĩ gốc Việt này ở phe miền Nam trong cuộc chiến ý thức hệ 1954 – 1975 và từng thể hiện tình cảm với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khi đã định cư tại Úc.
Hai sự việc kể trên trong thời gian gần đây chứng minh cho thực tế việc hòa giải của bên thắng cuộc không có thực tâm. Chủ nghĩa lý lịch sau chiến tranh tưởng chừng như đã kết thúc khi đã gây ra không biết bao nhiêu oan khiên cho những số phận, gia đình, đau đớn cả dân tộc đã sống dậy như con ma của lịch sử được hồi sinh.
Bất chấp đều máu đỏ – da vàng – tóc đen, có chung truyền thuyết con Lạc cháu Hồng, lập quốc từ thời Hùng Vương, người Việt còn tiếp tục chia phe để nhận mình dòng dõi chính tông.
Bên thắng cuộc vẫn xem bên chiến bại và những người không cùng ý thức hệ như con hoang của dân tộc.
Cấm đoán nhà văn và tác phẩm
Một người Việt lưu vong đang rất nổi tiếng trên văn đàn tiếng Việt và thế giới trong tuần qua với việc đạt giải Cino Del Duca năm 2023. Đó là nhà văn Dương Thu Hương, đang phải sống tỵ nạn tại Pháp.
Đây là giải thưởng về văn học rất cao quý ở châu Âu mà trang Actualite ở Pháp nói là với tiền thưởng “chỉ sau giải Nobel Văn học”.
Chính quyền VN thì vẫn tìm cách xóa Dương Thu Hương trước mắt người Việt. Không một tờ báo trong nước được phép hoặc dám đưa tin về một người Việt đạt giải Cino Del Duca để có thể tự hào với nhau.
Sách của nhà văn Dương Thu Hương vẫn bị cấm ở Việt Nam dù nó được viết bằng tiếng Việt.
Bởi với cách viết không kiêng nể, ‘kỵ húy’ chế độ, nhà văn Dương Thu Hương bị chế độ bỏ tù và trục xuất khỏi tổ quốc gần 30 năm chưa được phép trở lại cố hương.
Dán nhãn cho bạn bè vì tâm thế quá khứ
Có nhiều tên gọi cho cuộc chiến 1954 – 1975 tại Việt Nam tùy theo cách nhìn của mỗi bên. Tiếng súng đã im, mấy thế hệ đã ra đời, lớn lên nhưng sự phân cực ý thức hệ độc tài với các giá trị phổ quát của con người không ngừng được khoét sâu nhằm đề cao chiến thắng và hạ nhục đối phương.
Để gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến trong một nước Việt mà bất kỳ ai nói, thúc đẩy cho các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền đều bị xem “phản động” là tàn dư của “dân chủ ba que”. Ai không rõ cứ mở các trang Facebook lên là thấy ngôn từ hận thù công kích.
Dịp Tết Quý Mão vừa rồi tôi về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình, thăm người thân, gặp bạn hữu… trực tiếp thấy sự phát triển về kinh tế của Việt Nam tôi thật vui, nhưng cũng nhìn thấy chính trị ở quê nhà vẫn còn rất nặng nề. Tôi trở thành một nạn nhân khi bị bạn bè chụp mũ “phản động”.
Trong một buổi gặp nhau của những người bạn thời học cấp hai đã kết thúc gần 30 năm trước, tôi đã bị nhiều đứa bạn tiếp xúc với đầy sự nghi ngại. Trái với sự háo hức, chờ đợi trong tôi, ngồi chưa được 5 phút tôi chứng kiến nhiều đứa được kéo ra ngoài trong vài phút lại trở vào với thái độ dè chừng.
Tôi được một đứa khuyên, “Thôi mi về đi Ánh, mấy đứa kia đang cảnh báo nhau, mi là phản động và không nên nói chuyện”.
Phải chăng tôi phản động vì những bài viết trên BBC, VOA… và Facebook cá nhân như một góc chia sẻ qua sự quan sát và trải nghiệm của bản thân?
Nhưng chuyện như thế chẳng phải lạ, nó xuất phát từ quan điểm chính thống. Chính quyền Việt Nam vẫn dùng chứng cứ ở các bài viết, trả lời phỏng vấn của các báo tiếng Việt ở hải ngoại để kết tội, bỏ tù công dân trong nước theo điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Không chỉ trong nước, mà nhiều người Việt tại Mỹ cũng phải tự kiểm duyệt mình để về được quê mẹ. Ngay cả bản thân tôi cũng nhận được không ít sự cảnh báo, ngưng viết một thời gian để đi Việt Nam được bình an.
Quan hệ với Mỹ trở thành đổi chác
Với ý thức hệ Bên thắng cuộc, từ “phản động” biến những người dân khác quan điểm với chính quyền trở thành tù nhân trong các vụ án giàn dựng và phiên tòa được đạo diễn. Chính quyền dùng tù nhân thành món hàng để trao đổi, mặc cả, tỏ thành ý với những vị khách VIP đến từ phương Tây.
Hồi giữa tháng tư này Việt Nam đã thả gia đình tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên được đi Mỹ ngay những giờ trước khi ông Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ đến Việt Nam.
Trước đó, tháng 10/2018, khi ông Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam, bloger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được thả.
Bốn năm trước khi blogger Mẹ Nâm đến Mỹ, blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) cũng được thả một ngày trước chuyến viếng thăm của ông Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động đến Việt Nam…
Tiếng súng đã ngưng gần nửa thế kỷ nhưng cuộc chiến ý thức hệ vẫn chưa có kết thúc với bên thắng cuộc. Chế độ trong nước vẫn buộc người dân ra đi trong tức tưởi vì khác quan điểm. Đất nước thống nhất để áp đặt ý thức hệ hơn là chấp nhận người Việt với nhau.
30/04: ‘Người Mỹ gốc Việt cần thoát quá khứ để đi tới tương lai’
30/04: Nhắc lại cố tổng thống VNCH Trần Văn Hương
Có những ngày 30/04 trước 1975 và mãi mãi về sau
Nhưng chỉ còn người Việt chưa hòa giải được với nhau
25 năm Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao những kẻ thù cũ đã hòa giải được với nhau. Người Mỹ coi rất nhiều vấn đề xưa nên đặt vào quá khứ.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp tại Nhà Trắng vào năm 2015 cho thấy Hoa Kỳ thay đổi cách nhìn tôn trọng thế chế của Việt Nam. Điều này đến từ chỗ chủ nghĩa cộng sản thực sự đã sụp đổ nên chẳng còn gây nguy hiểm cho thế giới của các giá trị tự do.
Những năm gần đây với nhiều sự kiện ngoại giao dồn dập cho thấy Hoa Kỳ muốn cùng Việt Nam nâng lên thành đối tác chiến lược, tức là tin tưởng nhau ở một mức cao hơn.
Trước đó, chính quyền Việt Nam đã hòa giải được với Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Nhật.
Nhìn lại ngậm ngùi, chỉ có người Việt chưa hòa giải được với nhau vì ý thức hệ vẫn đè lên giống nòi.
Hằng năm cứ đến gần kề ngày 30/4, một bên tưng bừng mừng chiến thắng, bên kia tưởng nhớ trong xót xa. Tiếng súng đã ngưng trong 48 năm qua nhưng cuộc chiến quốc gia – cộng sản xem ra vẫn chưa kết thúc.
Việt Nam đã nối liền một dải nhưng lòng người vẫn chưa thống nhất. Tôi nghĩ hẳn cần thêm một cuộc giải phóng khỏi ý thức hệ thì người Việt mới không bị thế giới cầm tù và hòa giải được với nhau.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Võ Ngọc Ánh, hiện sống tại Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ.