3 góc khuất của án tử hình có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến

Cac Bai Khac

No sub-categories

3 góc khuất của án tử hình có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến

Duy trì án tử hình nghĩa là lấy bạo lực đáp trả bạo lực.

Án tử hình có thật sự làm giảm tỷ lệ tội phạm? Vì sao ngày càng có nhiều quốc gia loại bỏ án tử hình, họ không sợ tội phạm nguy hiểm gia tăng hay sao? Nếu loại bỏ án tử hình thì xã hội sẽ ra sao?

Những câu hỏi này đã đeo bám tôi trong ba năm qua. Chúng thôi thúc tôi quan sát những vụ án mạng nghiêm trọng mà công chúng luôn đòi thủ phạm phải lãnh án tử hình.

Nhân Ngày Thế giới Chống Án tử hình (10/10), chúng ta thử giải đáp những câu hỏi trên trong bối cảnh của Việt Nam, nơi thi hành một số lượng án tử hình đáng kể trên thế giới.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 55 nước trên thế giới vẫn còn duy trì án tử hình và hành quyết phạm nhân. [1] Tuy nhiên, các vụ án mạng vẫn cứ nhan nhản khắp nơi. Án mạng xảy ra gần như là hàng ngày trên cả nước, có tỉnh, thành thì hàng tháng.

Sau đây là ba góc khuất của án tử hình mà có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Trang web của American Civil Liberties Union – ACLU (www.aclu.org)

Án tử hình có thể làm người phạm tội tàn độc hơn

Hãy tưởng tượng bạn đang ở rạp chiếu phim. Bạn chọn ngồi ghế G6 hoặc G7 để có vị trí xem tốt nhất. Bạn đã cầm trên tay ly nước ngọt và bịch bắp rang. Bộ phim sắp chiếu sẽ vô cùng thú vị. Đây là bộ phim chưa có phần kết thúc. Bạn là người sẽ quyết định đoạn kết của phim. Cùng một kịch bản nhưng nó sẽ diễn ra ở hai đất nước khác nhau.

Người đàn ông xuất hiện trên màn ảnh bây giờ tên Ngọc (tác giả giả định), 35 tuổi, đã lập gia đình và có hai con.

Ở đất nước thứ nhất, khi Ngọc lớn lên thì anh đã biết xung quanh mình đầy rẫy bạo lực. Hằng ngày, anh đọc hết tin này đến tin khác về các vụ án mạng. Công chúng lúc nào cũng đòi xử tử kẻ sát nhân. Anh biết chắc là không có con đường quay đầu cho những kẻ gây ra tội ác.

Anh cũng thừa biết, tại đất nước mình, các nghi phạm không được xét xử công bằng, họ có thể bị các điều tra viên tra tấn đến thừa sống thiếu chết, quan tòa sẽ tuyên án chủ yếu dựa trên hậu quả của vụ án hơn là cân nhắc đầy đủ các yếu tố khách quan.

Khi bị tuyên án tử hình, họ không được thi hành án ngay lập tức mà sẽ chờ đợi mòn mỏi trong trại tạm giam với điều kiện sống vô cùng khổ sở. Vì tử tù rất dễ đi đến quyết định tự tử nên họ có thể bị giam giữ rất khác so với thường phạm nhằm đảm bảo thủ tục thi hành án, qua đó “thực thi công lý”.

Trong tù, đôi chân của họ có thể sẽ bị cùm lại suốt hàng năm trời. Những buổi trưa hè nắng nóng, tử tù sẽ phải cởi bỏ quần áo để tránh bị ghẻ lở. Những ngày mùa đông lạnh giá, tử tù có thể phải nằm co ro trên sàn xi măng. Ở nhà, vợ người tử tù sẽ sống trong thấp thỏm khi người chồng có thể bị xử tử vào bất kỳ lúc nào.

Những điều mà Ngọc đang mường tượng trên kia rồi cũng biến thành định mệnh ập đến cuộc đời anh. Trên bàn nhậu, anh ẩu đả với một số người. Trong cuộc ẩu đả lộn xộn đó, Ngọc đã đâm chết ba sinh mạng.

Giờ đây, Ngọc có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất: nếu anh đầu thú, khả năng rất cao, anh sẽ bị tuyên án tử hình. Lựa chọn thứ hai: nếu anh trốn chạy, anh có thể bị tiêu diệt, nhưng đó chẳng phải một bản án tử hình được thực hiện sớm hơn hay sao?

Dù mạo hiểm, nhưng với lựa chọn thứ hai, anh vẫn còn nhìn thấy một cơ hội sống nhỏ nhoi, nếu đào thoát thành công. Khi quyết định trốn chạy, anh không còn gì để mất. Vì vậy, anh sẵn sàng gây thêm tội ác hoặc chống trả bất cứ ai muốn bắt anh.

Giờ đây, nếu như bạn là Ngọc thì bạn sẽ lựa chọn như thế nào, đầu thú để bị giam cầm một cách khốn khổ rồi có thể sẽ bị giết trên bàn tiêm thuốc độc, hay trốn chạy để giữ lấy mạng sống của mình? Nếu trốn chạy, thì bạn có sẵn sàng gây thêm tội ác hay không?

Đoạn phim bạn vừa xem không chỉ có trên màn ảnh. Nó đã xảy ra trên thực tế. Vào Tết năm 2020, Tuấn Khỉ, tên thật là Lê Quốc Tuấn, một thượng uý công an, đã bắn chết 4 người tại sòng bạc. Sau đó, anh ta bỏ chạy, cướp xe máy, bắn chết thêm một người khác. Có đến 500 cảnh sát được huy động trong cuộc truy lùng này.

Một công an viên như Tuấn hẳn biết rất rõ nhà tù Việt Nam như thế nào, phạm nhân bị công an điều tra ra sao. Tuấn đã trốn chạy bằng tất cả khả năng của mình và bị cảnh sát tiêu diệt. [2]

Bây giờ, chúng ta hãy quay lại màn chiếu. Cũng là Ngọc đã gây ra vụ án mạng tương tự, nhưng đất nước anh sống bây giờ không có án tử hình. Hình phạt cao nhất dành cho anh là chung thân. Ngọc sẽ được xét xử một cách công bằng. Anh gần như không phải đối diện với việc bị tra tấn sau khi bị bắt. Phòng giam rất sạch sẽ, chỉ có một hoặc hai người trong một buồng, có truyền hình, có nhà vệ sinh. Ngọc có quyền gặp luật sư bất cứ lúc nào.

Dĩ nhiên, sau khi gây án, Ngọc cũng có hai lựa chọn. Nếu đầu thú thì chắc chắn anh sẽ sống, vì bản án cao nhất của anh là chung thân. Trong trường hợp này, anh vẫn có cơ hội biết được vợ con của mình đang sống như thế nào. Nếu được ân xá, anh có thể trở về nhà sau ít nhất 20 năm ngồi tù. Anh sẽ không bị tra tấn. Điều kiện giam giữ cũng như quyền thăm gặp gia đình được đảm bảo.

Nếu trốn chạy, anh có thể sẽ bị tăng hình phạt, bị truy lùng và có khả năng bị tiêu diệt, nó đồng nghĩa với việc anh tự chuốc lấy một bản án tử hình. Giờ đây, nếu là Ngọc, bạn sẽ chọn phương án nào, đầu thú hay trốn chạy?

Khi một tội ác bất ngờ xảy ra, người phạm tội không biết chắc chắn liệu mình có thoát khỏi án tử hình hay không. Anh ta phải tiên liệu khả năng xấu nhất của mình để đưa ra quyết định, đầu thú hay trở nên tàn độc hơn nữa nhằm giữ lấy mạng sống, hoặc tìm cách che đậy tội ác của mình. Việc che đậy tội ác rất có thể dẫn đến việc cơ quan điều tra sẽ bắt lầm người.

Vì vậy, xét theo khía cạnh này, án tử hình đã thúc đẩy người phạm tội gây ra tội ác tàn độc hơn cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Án tử hình không làm giảm tội phạm giết người

Chúng ta hy vọng việc duy trì án tử hình sẽ làm giảm tội phạm. Hay nói cách khác, vì một người biết mình có thể bị tuyên án tử hình nên sẽ không gây ra tội ác. Quan điểm này có vẻ rất hợp lý về tính nhân – quả. Tuy nhiên, nó lại rất phi thực tế. Số vụ án mạng ở Việt Nam đã gia tăng liên tục cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2014 đến năm 2019, có 6.850 vụ án mạng, trung bình một ngày có hơn 3 vụ án giết người. [3] Số vụ án giết người năm 2019 tăng 8,12% so với năm 2018. [4] Năm 2020, số vụ tội phạm giết người tiếp tục gia tăng (không công khai số liệu chi tiết). [5]

Năm 2021, trong lúc nhiều địa phương thực thi Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch COVID-19, số vụ giết người đã giảm 7,65%. Tuy nhiên, số vụ án có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2021 đã tăng 15,57%, nhất là tội phạm giết nhiều người, giết người thân. [6] Đồng thời, số vụ án mạng gia tăng đáng kể ở một số địa phương, ví dụ tỉnh Kon Tum có 24 vụ giết người trong năm 2021, tức là trung bình có hai vụ án mạng mỗi tháng, gấp 3 lần so với năm 2020. [7]

Một số người tin rằng án tử hình tuy không làm giảm tội phạm nhưng mang ý nghĩa kiềm chế tội phạm, nếu bỏ án tử hình thì số tội phạm có thể sẽ bùng phát. Đây là một niềm tin không có cơ sở.

Tại Mỹ, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU) cho biết các bang áp dụng án tử hình có tỷ lệ tội phạm hoặc tỷ lệ án mạng không thấp hơn các bang không có hình phạt này. Các bang đã bỏ án tử hình cũng không cho thấy tỷ lệ tội phạm gia tăng hơn trước đó. Theo ACLU, phần lớn những người phạm tội giết người xuất phát từ ham muốn của họ, án mạng xảy ra trong lúc sử dụng chất kích thích, hoặc người đó có vấn đề về thần kinh, không xem xét hậu quả từ hành động của mình một cách cặn kẽ. [8]

Vào Tết năm 2018, Nguyễn Hữu Tình, 18 tuổi, đã giết 5 người trong gia đình mà anh ta đang làm thuê ở quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Án tử hình đang duy trì ở Việt Nam không giúp Tình suy xét trước hay trong quá trình ra tay sát hại gia đình này. Sau khi giết bà chủ vì tức giận, anh ta đã không dừng tay lại mà giết tiếp ông chủ vì sợ bị tấn công, và sát hại tiếp ba đứa con của gia đình này vì sợ bị tố cáo. [9]

Chúng ta nên từ bỏ niềm tin thiếu thực tế rằng án tử hình sẽ làm giảm tội phạm. Hình phạt này chỉ nên được xem là loại bỏ người phạm tội ra khỏi đời sống, đồng thời mang tính chất trả thù cho tội ác mà người đó đã gây ra.

Việc duy trì niềm tin sai lầm này đồng nghĩa với cách chúng ta dễ dãi với chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề về tội phạm. Những tội phạm nghiêm trọng thì chính quyền chỉ cần xử tử hình là yên lòng người dân, trong khi đó, có rất nhiều nguyên nhân đằng sau một vụ án rất cần được mổ xẻ.

Duy trì án tử hình truyền đi thông điệp: “Bạo lực là cách đáp trả hợp lý!”

Khi đọc tin tức về việc tòa tuyên án tử hình cho một người nào đó, bên cạnh thông điệp răn đe tội phạm của chính quyền, người đọc cũng nhận về một thông điệp nguy hiểm khác: hình phạt xứng đáng nhất cho việc làm sai trái nhất là án tử hình – tức là phải bị giết chết.

Tôi tự hỏi liệu thông điệp này có thể tác động đến một bộ phận công chúng theo chiều hướng khiến cho bản thân họ cảm thấy việc đáp trả bằng bạo lực với người mình thù ghét là hợp lý hay không? Tôi cho là có, ít nhất là tác động một phần nào đó đến tâm lý của công chúng và rất có thể đang gián tiếp đóng góp vào cách người ta đáp trả các mâu thuẫn cá nhân.

Án tử hình là một hình thức tột cùng của bạo lực. Bằng cách tuyên án tử hình cho tội phạm đồng nghĩa với việc chính quyền thừa nhận rằng bạo lực là cách đáp trả hợp lý đối với một việc làm sai trái.

Hãy thử xem xét vụ án sau. Đoàn Minh Hải đã có vợ và đã sống ly thân, tuy nhiên, gia đình nhà vợ không cho anh gặp con gái trong ba năm và còn mắng chửi anh.

Vào cuối tháng 5/2022, Hải khai rằng đã đến nhà vợ và giết chết ba người trong gia đình (bao gồm vợ cũ), sau đó đưa con gái về nhà bố mẹ của anh. Suốt hai năm trước đó, anh cho biết bản thân mình luôn nung nấu ý định giết người do không thể chịu nổi sự cấm cản này. Lời thanh minh của Hải được báo chí ghi hình lại cho thấy Hải đã nhận định rằng tội ác mà anh thực hiện là xứng đáng đối với việc làm mà các nạn nhân gây ra. [10] Vào tháng 8/2022, Hải bị tuyên án tử hình. [11] Mỗi ngày trôi qua tại Việt Nam, một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể dẫn đến một án mạng. Ở nhiều mức độ khác nhau, người ta hầu như vẫn chấp nhận bạo lực là cách đáp trả hợp lý. Ví dụ, một số bố mẹ vẫn tự cho mình cái quyền đánh đập con cái, người dân đánh kẻ trộm chó đến chết, mâu thuẫn gia đình cũng thường được người trong nhà đáp trả với nhau bằng bạo lực, v.v. Án mạng xuất phát từ bạo lực. Một xã hội nói không với bạo lực dưới mọi hình thức chắc chắn sẽ góp phần hạn chế được bạo lực và có thể giảm thiểu các vụ án mạng. Tuy nhiên, một đất nước vẫn duy trì án tử hình thì rất khó để nói không với bạo lực.

Trần Phương – October 8, 2022

source: https://www.luatkhoa.com/2022/10/3-goc-khuat-cua-an-tu-hinh-co-the-ban-chua-bao-gio-nghi-den/

Chú thích

1. Al Jazeera. (2021, October). Infographic: Which countries still have the death penalty? https://www.aljazeera.com/news/2021/10/10/infographic-which-countries-still-have-the-death-penalty

2. VnExpress. (2020, January). Vụ án 5 người chết do Củ Chi “nắm địa bàn chưa tốt.” https://vnexpress.net/vu-an-5-nguoi-chet-do-cu-chi-nam-dia-ban-chua-tot-4048619.html

3. Nhân dân. (2020, September 16). Ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. https://web.archive.org/web/20220606103847/https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/ngan-chan-toi-pham-giet-nguoi-do-nguyen-nhan-xa-hoi-616909/

4. Kiểm Sát. (2020, February). Năm 2019, tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng. https://web.archive.org/web/20220606103941/https://kiemsat.vn/nam-2019-toi-pham-giet-nguoi-co-chieu-huong-gia-tang-56596.html

5. Tuổi Trẻ. (2020, October). Năm 2020, tội phạm giết người, hiếp dâm tăng. https://web.archive.org/web/20220606104244/https://tuoitre.vn/nam-2020-toi-pham-giet-nguoi-hiep-dam-tang-2020102611303552.htm

6. Báo điện tử VOV. (2021, December 5). Bộ Công an phát hiện 306 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ trong 10 tháng. VOV.VN. Retrieved October 6, 2022, from https://web.archive.org/web/20220606104323/https://vov.vn/phap-luat/bo-cong-an-phat-hien-306-vu-pham-toi-ve-tham-nhung-va-chuc-vu-trong-10-thang-908381.vov

7. Rượu bia làm gia tăng án giết người ở Kon Tum. (2022, January 10). Báo Lao Động. https://web.archive.org/web/20221006095419/https://laodong.vn/phap-luat/ruou-bia-lam-gia-tang-an-giet-nguoi-o-kon-tum-993479.ldo

8. ACLU. (n.d.). The Death Penalty: Questions and Answers. https://www.aclu.org/other/death-penalty-questions-and-answers

9. VOV. (2021, November). Bộ Công an phát hiện 306 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ trong 10 tháng. https://web.archive.org/web/20220606104323/https://vov.vn/phap-luat/bo-cong-an-phat-hien-306-vu-pham-toi-ve-tham-nhung-va-chuc-vu-trong-10-thang-908381.vov

10. Youtube Báo Tuổi Trẻ. (2022, May). Lời khai ban đầu của nghi phạm sát hại 3 người ở Phú Yên. https://www.youtube.com/watch?v=PBZNWh-6YAY

11. Tử hình kẻ ra tay sát hại 3 người trong gia đình vợ cũ. (2022, August 12). Báo Lao Động. https://laodong.vn/phap-luat/tu-hinh-ke-ra-tay-sat-hai-3-nguoi-trong-gia-dinh-vo-cu-1079995.ldo