3 chức năng Quốc Hội và nền tảng dân quyền
by Dạ Lãm / Tiêu điểm, Tin tức, Vấn đề Pháp lý / 22 May 2016
Dạ Lãm (Dịch)
Báo cáo Vai trò của Quốc Hội trong việc hoàn thiện cơ chế quản trị quốc gia – “The Role of Parliament in Promoting Good Governance” của Ủy Ban Kinh Tế Châu Phi thuộc Liên Hiệp Quốc là một báo cáo có nhiều giá trị tổng hợp và ghi nhận những thành tố quan trọng và chính yếu nhất của cơ quan dân biểu để hình thành nên một thể chế dân chủ hoạt động tốt. Nhân ngày 22/05 là ngày bầu cử quốc hội toàn quốc tại Việt Nam, Luật Khoa tạp chí xin gửi đến bạn đọc một vài trích đoạn dịch của báo cáo.
Đây cũng là lời nhắn nhủ của Luật Khoa đến các độc giả Việt Nam. Hãy thận trọng với lá phiếu của mình. Và nếu bạn nhận thấy rằng mình không nắm bắt bất kỳ thông tin gì về các ứng cử viên, chương trình hành động và các ứng cử viên cũng không có lời hứa nào với cử tri của họ; hãy mạnh dạn không tham gia bầu cử.
…
1. Chức năng lập pháp
Theo cách hiểu cổ điển, vai trò chính của quốc hội là làm ra các luật mới và thay đổi hoặc cải thiện những luật cũ. Đây là lý do vì sao quốc hội còn được gọi là cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, chức năng lập pháp của quốc hội đòi hỏi cả về năng lực lẫn sự phối hợp. Nói cách khác, sự hiệu quả của công tác lập pháp phụ thuộc vào hai trụ cột, đó là: a) Các nghị sĩ cần có chuyên môn nhất định và những hỗ trợ cần thiết để tạo ra những đạo luật hiệu quả và công bằng ; và b) Phải có ý thức phối hợp tối thiểu trong quốc hội với nhau và giữa quốc hội với cơ quan Hành pháp, đặc biệt là đối với những vấn đề nhạy cảm của nhà nước. Thực tế, các đạo luật phải sinh hiệu quả và có hiệu lực. Ở châu Phi và một số quốc gia hiện nay, hầu hết các đạo luật được xây dựng bởi các cơ quan của chính phủ và được trình lên quốc hội thông qua các bộ trưởng.
Trong hầu hết các hệ thống nghị viện trên thế giới, chức năng lập pháp của quốc hội đòi hỏi những yêu cầu sau:
(i) Thành lập các ủy ban quốc hội về những vấn đề cụ thể (như về y tế, giáo dục, ngân sách, tham nhũng,vv) và nếu cần thiết, tăng cường quyền hạn của các cơ quan này;
(ii) Đảm bảo rằng các ủy ban có đủ thời gian (và nguồn lực) để quen thuộc với các vấn đề khi đưa ra quyết định, kể cả những nhân viên hỗ trợ.
(iii) Cung cấp chuyên môn từ bên trong quốc hội (thư viện, các đơn vị nghiên cứu) và cho phép các cơ sở nghiên cứu ở bên ngoài, bao gồm cả viếc sử dụng công nghệ hiện đại;
(iv) Đào tạo các tân nghị sĩ và đội ngũ nhân viên về quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về các chủ đề phù hợp (vd ngân sách, tham nhũng,vv);
(v) Dự thảo một bộ quy tắc ứng xử cho tất cả các nghị sĩ trong quốc hội (vd đối với việc sử dụng bài phát biểu có nội dung xấu)
(vi) Bảo đảm những thủ tục công bằng và minh bạch (vd thời gian phân bổ các bài phát biểu, kiến nghị, điều trần, Đề nghị trong ngày);
(vii) Bảo đảm tính trung lập của ban thư kí quốc hội;
(viii) Thiết lập một ủy ban hòa giải giữa quốc hội với nhánh hành pháp trong trường hợp cần thiết.
2. Chức năng đại diện
Việc đại diện cho nhân dân và những lợi ích của họ là cơ sở của tất cả các hệ thống cơ quan đại diện trên thế giới. Vai trò đại diện của quốc hội liên quan đến các chuẩn mực hành vi. Trong tất cả các chức năng của mình, tính hợp pháp của quốc hội và thành viên của nó đặt trên một khẳng định trọng tâm: rằng quốc hội thể chế hóa sự đại diện chính trị trong xã hội. Khái niệm về vai trò đại diện của quốc hội có mục đích làm rõ mối quan hệ giữa công dân và những người đại diện cho họ, các nghị sĩ/đại biểu. Khái niệm này tập trung đặc biệt vào câu hỏi làm thế nào để các nghị sĩ kết nối mình với các cử tri, những người mà họ đại diện để đưa ra những quyết định và, bằng cách nào họ có thể đại diện cho một lực lượng cử tri nhất định. Có thể phân tích chức năng đại diện này của quốc hội từ nhiều khía cạnh: chính trị, địa lý, xã hội, kinh tế và đại diện hành chính. Trong giới hạn bài viết, chức năng đại diện của quốc hội đề cập đến sự cần thiết làm cho quốc hội đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, bất kể sự phân biệt về chính trị, địa lý, hay xã hội của họ.
Trong khi sự hiện diện hữu hình của nhân dân hoặc một nhóm nhân dân ở quốc hội có thể là một phần câu trả lời, thì nó vẫn không phải là một câu trả lời hoàn chỉnh. Vai trò đại diện hiệu quả có thể yêu cầu những thay đổi về cấu trúc ở nghị viện để các nghị sĩ có thể phát biểu cho các cử tri, ngay cả khi họ không thể nói chuyện trực tiếp với cử tri của mình.
Ví dụ về những thay đổi cấu trúc có thể bao gồm việc thiết lập các ủy ban đặc biệt của quốc hội để giúp nâng cao ý thức về các vấn đề cụ thể (giới tính, bình đẳng cơ hội cho phụ nữ và nam giới, người tàn tật, trẻ em và các quyền thiểu số, môi trường, biến đổi khí hậu, vv). Những ủy ban quốc hội này có nhiều nhiệm vụ khác nhau, kể cả giám sát từ bên trong công việc của quốc hội mà không có sự hiện diện của các nhóm lợi ích. Thêm vào đó, họ cũng có thể tổ chức các phiên điều trần trên khắp đất nước, tạo điều kiện cho nhóm ít có khả năng di chuyển của cộng đồng, trong đó có phụ nữ với trách nhiệm gia đình tham gia mà không tốn chi phí đi lại.
Trong hầu hết các hệ thống nghị viện/quốc hội hiện hành, chức năng đại diện của quốc hội đòi hỏi những yêu cầu sau:
- Các nghị sĩ cần thực hiện việc tiếp xúc cử tri, bao gồm công tác tạo nguồn lực và sắp xếp thời gian phù hợp.
- Mời công dân đến các phiên họp quốc hội và đến văn phòng nghị sĩ đại diện cho họ;
- Mở hội thảo thông tin ở các quận về công tác của quốc hội (vd đã thực hiện thành công ở Ghana);
- Có sự tham gia của xã hội dân sự trong công việc của quốc hội (vd các ủy ban, các nhóm thảo luận);
- Cung cấp cho nghị sĩ/dân biểu các khóa đào tạo đặc biệt về vai trò của mình với cương vị là đại diện của nhân dân;
- Yêu cầu các nghị sĩ giữ lời hứa trong các chiến dịch tranh cử, từ đó báo cáo kết quả thực tế cho các cử tri (về y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng);
3. Giám sát / Kiểm soát nhánh quyền lực Hành pháp
Vấn đề kiểm soát cơ quan Hành pháp là chìa khóa để giải quyết những hành vi sai trái của nhánh quyền lực này. Chính phủ hay cơ quan hành pháp là nơi thực thi pháp luật và những quyết định khác của quốc hội. Như vậy, quốc hội không nên chỉ phối hợp với cơ quan Hành pháp mà còn phải giám sát những động thái tiếp sau đó. Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất có thể khiến chính phủ phải chịu trách nhiệm thông qua các phiên điều trần và các ủy ban điều tra. Trong trường hợp Tổng thống (người đứng đầu nhánh hành pháp) có những sai phạm nghiêm trọng như tội phản quốc, thì quốc hội có thể buộc tội Tổng thống. Tuy nhiên, ở đa số các nước châu Phi, quyền hạn hiến định của quốc hội về giám sát còn hạn chế, thường được quy định trong các đạo luật “thông thường” hoặc không được nêu rõ ràng trong hiến pháp. Một giải pháp để giải quyết vấn đề này là đưa ra trước quốc hội để xem xét và nếu cần thiết sẽ sửa đổi Hiến pháp (điều có thể thấy là rất khó khăn). Cần phải hiểu rằng cả việc giám sát lẫn chống lại Tổng thống đều phải được cân bằng. Nhìn chung, quốc hội thông qua công chúng để giám sát hiệu quả. Nhưng khi làm thế, cần ghi nhớ rằng quốc hội sẽ chỉ có giá trị nếu luật pháp được áp dụng và nghiêm chỉnh chấp hành lên chính cơ quan này.
Chức năng giám sát hay kiểm soát nhánh hành pháp của quốc hội tại hầu hết các hệ thống nghị viện hiện nay đòi hỏi những yêu cầu sau:
- Xây dựng những phiên điều trần thường xuyên tại quốc hội, kể cả những cuộc thảo luận tại quốc hội được phát sóng trên TV và Radio;
- Xây dựng một “ giờ hỏi đáp trên truyền hình”, nơi Tổng thống và các bộ trưởng trả lời những câu hỏi trực tiếp của công dân;
- Thiết lập một Ủy ban đặc biệt Chống Tham nhũng và thảo luận cũng như tranh luận về tham nhũng thường xuyên;
- Rà soát và sửa đổi Hiến pháp nếu cần thiết để tăng cường quyền giám sát của quốc hội đối với nhánh hành pháp;
- Trong trường hợp cần thiết, cân nhắc về việc buộc tội những chức danh đứng đầu của cơ quan hành pháp, khi có những sai phạm nghiêm trọng xảy ra.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, quốc hội cần tự tổ chức thành các cơ quan cụ thể gọi là ủy ban quốc hội hoặc ủy ban thường trực. Các ủy ban quốc hội sẽ: a) Xem xét các dự luật của được chính phủ trình lên; b) Điều tra quá trình sử dụng ngân sách của chính phủ thông qua việc gia nhập ủy ban ngân sách; và c) Chất vấn chính phủ với tư cách một nhóm hoặc một thành viên cá nhân của chính phủ trong các buổi chất vấn.
Các ủy ban đặc biệt của quốc hội có thể giúp quốc hội phản ứng tốt hơn thông qua việc mở rộng sự tiếp cận của cộng đồng vào quá trình nghị viện hoạt động. Như vậy, các bộ phận công chúng hoặc các nhóm thiếu đại diện trực tiếp ở nghị viện có thể đạt được sự hiện diện và tiếng nói của mình qua quá trình thảo luận tại các ủy ban quốc hội. Sự tồn tại của những ủy ban này có thể mở rộng sự tham gia vào quá trình thảo luận của những người mà cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng theo những hướng cụ thể bởi những kiến nghị lập pháp. Vì thế, việc đảm bảo những người sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi công tác lập pháp có cơ hội bày tỏ những mối quan tâm của họ là rất quan trọng, không phải chỉ đơn giản là dựa vào lòng thương hại từ quyết định số đông. Điều này không phải là cách chính phủ kết nối với công dân như khách hàng hoặc người tiêu thụ dịch vụ, mà là cách chính phủ tương tác với công dân trong phát triển và xây dựng chính sách.
Hiện nay ở nhiều nghị viện châu Phi, có rất ít trách nhiệm đặt ra trong việc sử dụng quá trình tham vấn của quốc hội như thế nào và làm sao để đưa ra quyết định. Hầu hết các nghị viện châu Phi không yêu cầu bản đệ trình của chính phủ xác định các quan điểm được trình bày trong quá trình tham vấn động đồng và mối liên hệ từ chúng đến khuyến nghị cuối cùng. Cũng không yêu cầu nào về thông tin phản hồi cho các nhóm cộng đồng liên quan đến lợi ích hình thành từ những đóng góp của họ. Thất bại trong việc thiết lập những quy trình phù hợp cho đối thoại cộng đồng về chính sách phát triển đã khiến các học giả như John Uhr (2009) đưa ra kiến nghị rằng cần có sự giám sát của quốc hội để đảm bảo tham vấn vẫn còn có ý nghĩa như một thiết chế của nền dân chủ đại diện.
—
Đọc thêm
Chất lượng bầu cử là chất lượng dân biểu Dạ Lãm (Dịch) Báo cáo Vai trò của Quốc Hội trong việc hoàn thiện cơ chế quản trị quốc gia – “The Role of Parliament in Promoting Good Governance” của Ủy Ban Kinh Tế Châu…
“Bám đuôi” Đại Biểu Quốc Hội bằng Internet – Kỳ 2: Anh Quốc Nam Quỳnh Kỳ trước: “Bám đuôi” Đại Biểu Quốc Hội bằng Internet – Kỳ 1: Việt Nam Trong bài trước, người viết kết luận rằng công cụ internet không hiệu quả trong việc g…
“Bám đuôi” Đại Biểu Quốc Hội bằng Internet – Kỳ 1: Việt Nam Nam Quỳnh Bài viết liên quan: Từ báo cáo Hansard đến minh bạch thông tin Quốc Hội Việt Nam Ngày 22 tháng 5 tới đây, người dân cả nước sẽ có cơ hội bầu ra một quốc hội …