3 cái khó của ông Tập Cận Bình tại Thượng Hải
Vương Hữu Quần • Thứ bảy, 16/04/2022
Trước thời điểm quan trọng diễn ra Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thượng Hải đột ngột trở nặng. Thực tế đây chính là căn cứ địa của thế lực địch thủ chính trị lớn nhất của ông Tập Cận Bình: Thế lực Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Bài này tổng kết 3 cái khó của ông Tập tại Thượng Hải.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Nguồn: Alexander Khitrov/ Shutterstock)
1. Dịch bệnh COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 ở Thượng Hải không ngừng trầm trọng lên kể từ tháng Ba và đến nay là thành phố bị nghiêm trọng nhất Trung Quốc: tính đến ngày 12/4, Thượng Hải đã ghi nhận 1189 trường hợp mắc mới và 25.141 trường hợp nhiễm không có triệu chứng, nâng tổng số trường hợp nhiễm lên hơn 220.000 trường hợp.
Thượng Hải từng là “tấm gương điển hình” phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ trong thời gian dài sau bùng phát đại dịch vào năm 2020, nhưng từ cuối tháng Ba năm nay, chính sách chống dịch của Thượng Hải đột ngột đảo ngược, từ “phòng ngừa và kiểm soát chính xác [nơi có dịch bệnh]” thành “chia khu vực phong tỏa” lấy sông Hoàng Phố làm ranh giới, sau đó được nâng cấp thành “quản lý tĩnh toàn vùng” (chính là phong tỏa toàn thành phố), gần đây có được chút tính linh hoạt khi gọi là “phòng ngừa và kiểm soát phân biệt tùy theo khu vực”. Nhiều biện pháp cực đoan đã diễn ra trong suốt quá trình này dẫn đến hỗn loạn và thường xuyên xảy ra thảm kịch và làm dân chúng oán giận.
Thượng Hải là đô thị lớn nhất trực thuộc Trung ương của Trung Quốc với dân số 25 triệu người; GDP của thành phố này vượt quá 4000 tỷ nhân dân tệ, đứng đầu các thành phố của Trung Quốc; Thượng Hải cũng là trung tâm tài chính của Trung Quốc. Nếu dịch bệnh ở Thượng Hải không được kiểm soát hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn và sâu rộng đến thành phố này và rộng ra là toàn Trung Quốc ở nhiều vấn đề: từ an toàn cuộc sống của mọi người dân đến nền kinh tế – tài chính, và hình ảnh quốc tế của Thượng Hải và của nước Trung Quốc.
Thế lực chống Tập Cận Bình đang tận dụng bê bối trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của Thượng Hải để chỉ trích. Ví dụ ngày 12/4, nhiều phương tiện truyền thông hải ngoại có bối cảnh phe phái các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã đăng bài “Chống COVID-19 ở Thượng Hải: Không có gì sai khi chống đúng mục tiêu”, qua đó thẳng thắn lên án cách làm ‘Zero COVID’ của ông Tập ở Thượng Hải.
Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay, được biết ông Tập đang muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, việc ngăn chặn dịch bệnh ở Thượng Hải càng bê bối sẽ càng ảnh hưởng nặng cho tham vọng này của ông Tập. Thân tín Lý Cường (Li Qiang) của ông Tập – Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ và Bí thư Thành ủy Thượng Hải – được đánh giá cao về khả năng vào được Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ tại Đại hội 20, thậm chí có tin còn đề cập đến việc ông Lý Cường có thể sẽ đảm nhận vị trí Thủ tướng, tuy nhiên nếu chống dịch bệnh COVID-19 của Thượng Hải càng tồi tệ thì những khả năng đó cũng ngày càng xa vời.
Sau khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, một thân tín khác của ông Tập là thị trưởng Ứng Dũng (Ying Yong) của Thượng Hải đã được lệnh chuyển làm Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc để đảm bảo vị thế chính trị, cho nên có suy đoán ông này có thể leo lên lại tại Đại hội 20. Từng có tin đồn Ứng Dũng là một trong những ứng viên cho chức vụ Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Nhưng vào tháng Ba năm nay, ông Ứng Dũng bất ngờ được thông báo sẽ không còn giữ chức Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc do đã lớn tuổi, như vậy có nghĩa tại Đại hội 20 ông này không có hy vọng được vào những vị trí chủ chốt ở cấp cao nhất.
Bây giờ, nếu ông Lý Cường mất hy vọng thăng tiến do dịch bệnh ở Thượng Hải thì sẽ là một đòn giáng mạnh vào ông Tập.
Thượng Hải là “sào huyệt” của “bang Thượng Hải” do các cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu. Thân tín Hàn Chính (Han Zheng) của họ hiện là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng, thời gian trước làm Thị trưởng và Bí thư Thành ủy Thượng Hải đã cài cắm lại nhiều tay chân, chẳng hạn như Gia Cát Kiệt hiện giờ là Thư ký trưởng và Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Nếu nhờ tận dụng được thảm bại trong công tác chống dịch COVID-19 tại Thượng Hải giúp thế lực “bang Thượng Hải” nổi lên thì sẽ là nguy cơ cho thế lực của ông Tập Cận Bình.
2. Bãi công
Ngày 6/4, Nhật báo Giải phóng (Jiefang Daily) của Thành ủy Thượng Hải đã đăng bài bình luận “Cán bộ lãnh đạo các cấp ở Thượng Hải: Hãy đứng lên chia sẻ nỗi lo của cơ sở và giải quyết vấn đề cho người dân”. Bài báo này đã gây xôn xao dư luận và được nhiều cơ quan truyền thông của ĐCSTQ đăng lại.
Bài báo này cho thấy đây là lần đầu tiên các chính sách của ông Tập Cận Bình vấp phải phản kháng của quan trường các cấp ở Thượng Hải.
Tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông ngày 6/4 dẫn nguồn tin cho biết, quan trường Thượng Hải đã có hiện tượng “bãi công”, thậm chí có những nơi ở ngoại ô phải cho quân y “tiếp quản”…
Hệ quả trước mắt của vấn đề quan chức Thượng Hải “bãi công” là cơn tức giận vì sự bất bình của người dân hướng thẳng vào hai quan chức chủ chốt: Tập Cận Bình và Lý Cường.
Trong 3 ngày liên tiếp tính đến ngày 10/4, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thượng Hải đã xử lý 8 quan chức hàng đầu vì “phòng chống dịch không hiệu quả”.
3. Chống đối Tập
Từ đầu năm nay, một số học giả ở Thượng Hải đã liên tiếp đưa ra những quan điểm không đồng tình với quan điểm của ông Tập.
Ví dụ ngày 13/3, trang “Ấn tượng Trung-Mỹ” (Uscnpm) được điều hành bởi em trai của Tướng Lưu Á Châu (Liu Yawei) là Lưu Á Vỹ (Liu Yawei) – Chủ nhiệm Chương trình Trung Quốc của Trung tâm Carter Mỹ, đã đăng bài của Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Công Thượng Hải là Hồ Vỹ (Hu Wei), bài viết có tiêu đề “Kết quả có thể xảy ra của cuộc chiến Nga-Ukraine và lựa chọn của Trung Quốc”, cho rằng chính quyền ông Tập nên “đoạn tuyệt” với Tổng thống Nga Putin càng sớm càng tốt.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, ông Lưu Á Vỹ cho biết: Bài báo của ông Hồ Vỹ đã nhận được 300.000 lượt xem trên trang “Ấn tượng Trung-Mỹ” và hàng triệu lượt chia sẻ trên các nền tảng xã hội của Trung Quốc. Hệ quả ngày 22/3, trang web tiếng Trung và tiếng Anh của “Ấn tượng Trung Quốc-Mỹ” đã bị chặn ở Trung Quốc.
Trước đó ngày 22/12 năm ngoái, trang “Ấn tượng Trung-Mỹ” đã đăng bài của ông Hồ Vỹ có tựa “Quyết hướng theo đường lối Phiên họp toàn thể lần 3 và con đường cải cách và mở cửa”. Bài viết 8 lần đề cập đến cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình và chỉ 1 lần đề cập đến ông Tập Cận Bình khi ông Tập trích dẫn bài phát biểu của ông Đặng, mục đích cũng là để làm nổi bật vị thế của Đặng.
Thông thường các bài viết kỷ niệm dịp trọng đại của ĐCSTQ là vào dịp 5 năm và 10 năm một lần [khi ĐCSTQ vào nhiệm kỳ mới], nhưng bài báo trên là để kỷ niệm 43 năm Hội nghị toàn thể lần 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa 11, nên mục đích đề cao Đặng và không cùng quan điểm Tập trở nên rõ ràng hơn. Bài báo cũng đặc biệt ca ngợi ông Đặng Tiểu Bình đã bỏ cơ chế lãnh đạo suốt đời của nhà lãnh đạo, rõ ràng là nhằm vào chuyện ông Tập sửa hiến pháp bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch nước.
Tháng 12 năm ngoái, cộng đồng mạng Trung Quốc lan truyền thông tin ông tướng Lưu Á Châu bị điều tra vì chống ông Tập. Ngày 22/2 năm nay, Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin chuyên gia nổi tiếng của Mỹ về các vấn đề Trung Quốc là Michael Pillsbury tiết lộ thông tin mà ông có được thì cuối năm ngoái ông Lưu Á Châu bị Ủy ban Kỷ luật Quân ủy Trung ương đưa vào diện điều tra. Có nhận định, nếu vấn đề ông Lưu Á Châu chỉ là vấn đề tham nhũng mà không liên quan đến chuyện chống ông Tập thì không ai đụng đến ông Lưu Á Châu vốn đầy uy danh.
Vấn đề ông Lưu Á Châu bị điều tra vì chống ông Tập và vấn đề người em trai của Lưu Á Vỹ đã xuất bản một bài báo ở Mỹ chống lại ông Tập có liên quan hay không là điều thu hút chú ý của mọi người.
Ngày 31/1 năm nay, ‘gã khổng lồ’ tài chính Phố Wall Soros đã có một bài phát biểu video tại Viện Hoover, nói rằng: “Nội bộ ĐCSTQ có xu thế chống lại Tập Cận Bình rất mạnh mẽ”. Ông Soros dự đoán ông Tập khó có thể tại nhiệm được nhiệm kỳ tiếp theo và hy vọng có người thay thế. Tuy nhiên trước đó vào năm ngoái, nhà tài phiệt Mỹ này đã công bố 3 bài viết lên án ông Tập Cận Bình vào các ngày 13/8, 30/8 và 8/9.
Từ những sự kiện Hồ Vỹ ở Thượng Hải, Lưu Á Vỹ ở Mỹ, đến Soros ở Phố Wall, người ta đã đặt câu hỏi liệu có vấn đề “liên kết Trung-Mỹ” chống Tập Cận Bình hay không. Đây có thể là một nan đề khác đối với ông Tập ở Thượng Hải.
Kết
Có thể ông Tập Cận Bình đã nhận ra tính chất nghiêm trọng của những cái khó mà ông vấp phải ở Thượng Hải. Vào tối ngày 3/4, chính quyền ông Tập đã huy động khoảng 100.000 cảnh sát vũ trang và nhân viên y tế từ nhiều nơi đến 16 quận ở Thượng Hải, cho cảnh sát vũ trang có vũ khí trấn giữ tại nhiều khu vực.
Trong lịch sử đã có những lần nhà cầm quyền ĐCSTQ huy động binh sĩ đóng quân ở Thượng Hải, tiêu biểu như vào năm 1976 sau khi thanh trừng “bè lũ bốn tên” (gồm: Giang Thanh – vợ thứ tư của Mao Trạch Đông; Trương Xuân Kiều; Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn), ĐCSTQ khi đó đã cho quân đội trấn giữ nghiêm ngặt ở Thượng Hải để ngăn chặn nổi loạn.
Hiện nay điều tương tự cũng được ông Tập Cận Bình áp dụng ở Thượng Hải phải chăng để ngăn chặn những kẻ thù chính trị lớn nhất: thế lực phe Giang dưới trướng các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đang muốn thúc đẩy “chính biến” ở Thượng Hải?
Vương Hữu Quần
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)
https://trithucvn.org/trung-quoc/3-cai-kho-cua-ong-tap-can-binh-tai-thuong-hai.html