Diễn đàn Nhân dân ASEAN APF2015: Đối đáp VUFO
Alex Trương và Nguyễn Anh Tuấn (đứng) trong diễn đàn nhân dân ASEAN. Ảnh: HÀ Suri
Bởi Đa Nguyên – Theo FB Nguyễn Anh Tuấn – 30/04/2015
DL – Nhưng quả thật tôi chẳng lấy đó làm vui mừng, hả hê theo cái lối địch thua-ta thắng gì cả. Dẫu biết rằng họ thuộc về chế độ, mà chế độ thì không phải là đất nước nhưng trước mặt bạn bè quốc tế, họ vẫn là một phần Việt Nam. Lẽ ra, giữa tôi và họ, những người Việt gặp nhau nơi xứ người, đã có thể ngồi lại với nhau bằng một thứ tình tự quốc gia nào đó để bàn cơ hội hợp tác làm một điều gì đó chung, chống lại sự uy hiếp của Trung Quốc chẳng hạn.
APF và Việt Nam
Diễn đàn Nhân dân APF được tổ chức hàng năm song song với Hội nghị cấp cao ASEAN nhằm tạo một không gian giao lưu giữa nhân dân các nước (people-to-people) và các tổ chức XHDS (CSOs) trong khu vực nhằm đặt ra những vấn nạn đang tồn tại và tìm kiếm những giải pháp hướng tới một cộng đồng phát triển thịnh vượng, bền vững và nhân văn.
Sự tham gia của Việt Nam trong Diễn đàn này tương đối sớm với vai trò lĩnh xướng của Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO). Phái đoàn này thường tập trung vào các chủ đề môi trường, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và bỏ qua những vấn đề được coi là nhạy cảm như tự do báo chí, tự do biểu đạt, tôn giáo, người bản địa… Bởi vậy, trong mắt nhiều CSOs ở khu vực, Việt Nam dường như chỉ có các vấn đề của một đất nước đang phát triển, chứ không được nhìn nhận như một thể chế độc đoán và đàn áp (repressive and authoritarian regime).
Năm nay, như chính một người trong phái đoàn từ trong nước nói với người viết, đã có chút ít sự thay đổi. Đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến là những hoạt động rất tích cực của BoatPeopleSOS với một đội ngũ hùng hậu và cả một gian hàng bày biện rất bắt mắt, thu hút sự chú ý của nhiều người tham gia. Hơn thế nữa, những phiên họp do BoatPeopleSOS tổ chức về hàng loạt các vấn đề như tự do tôn giáo, người bản địa, GONGO… đã cung cấp một cái nhìn tương đối toàn diện về tình hình ở Việt Nam với bạn bè khu vực.
Bên cạnh đó, một phiên họp khác cũng bàn về nhân quyền ở Việt Nam là “Tự do Biểu đạt và Người Bảo vệ Nhân quyền ở ASEAN” do Ân xá Quốc tế (Amnesty International – AI) và Suaram Malaysia đồng tổ chức mà tôi và @Alex Truong được may mắn tham gia với vai trò người trình bày theo lời mời của AI. (Alex được mời để nói về người cậu Trần Huỳnh Duy Thức là một trong những Tù nhân Lương tâm được công nhận bởi AI; còn tôi được mời chỉ vì những nhà hoạt động trong nước xứng đáng hơn hiện đều đã bị cấm xuất cảnh)
Đối đáp với VUFO
Trong 10 phút ngắn ngủi, trong khi Alex kể câu chuyện của Trần Huỳnh Duy Thức như một trường hợp điển hình chỉ vì thực hiện ôn hòa quyền tự do biểu đạt mà bị tống giam dài hạn, thì tôi cố gắng giúp cử tọa hiểu hơn về cách thức chính quyền VN đang trấn áp quyền tự do biểu đạt và những người bảo vệ quyền con người, cũng như mô tả ngắn gọn bức tranh nhân quyền qua một số hình ảnh tương phản:
– Hiến pháp sửa đổi 2013 tiếp tục khẳng định tôn trọng các quyền tự do. Nhưng trên thực tế, kiểm soát của chính quyền vẫn ngày một siết chặt.
– Việt Nam có hơn 30 triệu người sử dụng Internet, đứng thứ 18 thế giới. Nhưng lại là nhà tù lớn thứ hai thế giới của netizens, với 31 bloggers bị giam cầm.
– Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí. Nhưng chỉ có 1 “Tổng biên tập” – Trưởng ban Tuyên giáo với những cuộc giao ban báo chí hàng tuần.
– Việt Nam có hơn 1000 CSOs các loại. Nhưng “05 ông lớn nhất”-Big 5 thì đều là GONGOs với các lý do từ nhân sự cấp cao đến ngân sách hoạt động đều lệ thuộc vào chính quyền, theo luật định.
VUFO có 3 đại diện trong số cử tọa của phiên họp, đã lập tức đưa ra bình luận và đặt các câu hỏi liên quan đến phần trình bày của chúng tôi, khiến phiên họp lúc đó, dù bao gồm cả các nước Thái, Malaysia và Indonesia, bỗng gần như trở thành dành riêng cho Việt Nam.
Người thứ nhất là một bác lớn tuổi, không hỏi mà chỉ bình luận, đại để ‘Việt Nam trải qua cuộc chiến dài, nên cần thời gian để phục hồi, tuy còn chỗ này chỗ khác, song chúng tôi rất quý trọng các giá trị quyền con người’. Về Hiến pháp, bác ấy cũng bình luận rằng, ‘kỳ sửa đổi này, chúng tôi đã có tới 20 triệu ý kiến của người dân và mọi ý kiến đều đã được tiếp thu, trân trọng’.
Phản hồi ý kiến của vị này, tôi đã trả lời: ‘Như tất cả chúng ta đều biết Việt Nam đã trải qua một cuộc chiến dài và đẫm máu. Tuy nhiên, chiến tranh thuộc về quá khứ trong khi nhân quyền và dân chủ thuộc về tương lai. Chúng ta không thể dùng chiến tranh và quá khứ để đổ lỗi cho những vi phạm nhân quyền hiện nay của chính quyền Việt Nam”
“Còn về con số 20 triệu, đó là con số được nhà nước công bố. Với cùng một lý do đó thì ở đất nước của chúng tôi, trong các cuộc bầu cử, các ứng viên của nhà nước thường có thể đạt đến 99% số phiếu. Một chuyện khôi hài khác trong đợt sửa đổi Hiến pháp này là ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã lên truyền hình gọi công khai những người có ý kiến muốn Hiến pháp ghi nhận nền đa nguyên là những người suy thoái đạo đức.”
Người thứ hai là Nguyễn Kim Doanh (trong hình), Trưởng Ban Thông tin Đối ngoại VUFO, cầm theo mảnh giấy và bắt đầu đi lòng vòng khán phòng và gằn giọng đọc, “Việt Nam chúng tôi có rất nhiều điều luật tôn trọng nhân quyền và đang cố gắng để thực thi chúng…” Vì đọc giấy mất nhiều thời gian nên người điều phối, Josef, đại diện AI đã nhiều lần nhắc ngừng nhưng ông Doanh vẫn tiếp tục. Mãi đến khi bên dưới có tiếng la ó, phản đối thì ông Doanh mới dừng.
Người thứ ba, trẻ nhất trong đoàn, mới thực sự khiến cuộc tranh luận nóng lên khi đặt một câu hỏi (theo phong cách mà tôi đánh giá rất chi là bưng biền): “Bài thuyết trình của bạn nói là có 31 bloggers đang bị giam cầm, cơ mà nếu so với con số do chính bạn đưa ra là hiện tại VN có hơn 30 triệu người sử dụng Internet thì tỉ lệ là rất nhỏ. Vậy có gì đáng quan tâm với tỉ lệ nhỏ như vậy?”
Khán phòng rộ lên tiếng cười với những cái lắc đầu ngán ngẩm trước câu hỏi của người đại diện VUFO này. Josef quay sang nói nhỏ vào tai tôi, “Không thể tin nổi! Đây là cách nghĩ của chính quyền chứ nào phải của NGO”, “Mọi người vừa có ngay một minh họa thế nào là một GONGO Việt Nam qua câu hỏi của họ rồi đấy Tuấn”. Dẫu vậy, tôi vẫn xin phép được trả lời câu hỏi này: “Là những người bảo vệ nhân quyền, chừng nào còn dù chỉ một blogger trong tù, chúng tôi vẫn còn tiếp tục tranh đấu cho sự tự do của anh (chị) ấy.”
Trả lời xong thì cũng hết thời gian phiên họp. Chúng tôi nán lại cũng cử tọa chụp ảnh lưu niệm với những bức hình thật đẹp của Trần Huỳnh Duy Thức, cùng khẩu hiệu “Free him now”, dĩ nhiên là không có sự hiện diện của 3 người đến từ VUFO. Họ đã về ngay sau đó.
Nỗi niềm
Sự kiện lần này, ngoài việc cho tôi một cơ hội được nói về tình hình Việt Nam với bạn bè khu vực, còn giúp tôi hiểu hơn về sự tham gia bấy lâu nay của phái đoàn VN trong APF. Ít nhất trong phiên họp của tôi, những bình luận, câu hỏi và cách biểu đạt của họ thuộc về một thứ gì đó hoàn toàn khác thường với những chuẩn mực hành xử chung (common sense) ở các hội nghị khu vực và quốc tế.
Nhưng quả thật tôi chẳng lấy đó làm vui mừng, hả hê theo cái lối địch thua-ta thắng gì cả. Dẫu biết rằng họ thuộc về chế độ, mà chế độ thì không phải là đất nước nhưng trước mặt bạn bè quốc tế, họ vẫn là một phần Việt Nam. Lẽ ra, giữa tôi và họ, những người Việt gặp nhau nơi xứ người, đã có thể ngồi lại với nhau bằng một thứ tình tự quốc gia nào đó để bàn cơ hội hợp tác làm một điều gì đó chung, chống lại sự uy hiếp của Trung Quốc chẳng hạn.
Tiếc là giữa chúng tôi khoảng cách về giá trị quá lớn mà tôi vẫn giữ một niềm tin rằng chỉ khi chia sẻ với các nước trong khu vực và trên thế giới những giá trị dân chủ, tự do và nhân quyền, Việt Nam mới có đủ sự hậu thuẫn từ trong và ngoài nước cho công cuộc phòng thủ và vươn lên của quốc gia trước sự uy hiếp toàn diện của Bắc Kinh.
Dự định gặp gỡ đó giữa chúng tôi, vì thế, cuối cùng đã không thể diễn ra. Vậy nên, dường như có một nỗi niềm nào đó cứ lẩn khuất đâu đây.
Nguyễn Anh Tuấn.