Điểm Báo Pháp – 15-4-2015
Một mảnh vỡ thiên thạch. Ảnh của NASA ngày 23/01/2015. Divulgação/ Agencia Espacial Brasileira
Trái đất lo phòng vệ trước đe dọa thiên thạch
Theo Le Figaro, «các thiên thạch giờ đây thực sự là mối đe dọa đối với nhân loại. Các chuyên gia đã ước tính cứ khoảng 1.000 năm thường vẫn có một thiên thạch có chiều dài cả trăm mét rớt xuống trái đất». Tảng đá vũ trụ như vậy lao xuống với tốc độ hàng chục nghìn km/giờ có thể xóa sổ thành phố lớn như Paris trong nháy mắt. Nếu như rơi xuống biển, thiên thạch đó có thể gây ra một cơn sóng hủy diệt có độ cao vài chục mét, đó sẽ là một thảm họa cho các vùng ven biển.
Ý thức được cái lưỡi hái tử thần luôn treo lơ lửng trên chín tầng trời đó, các nhà khoa học trên thế giới, cứ hai năm một lần lại họp nhau lại để điểm lại những kiến thức mà họ thu thập được về các khối đá vũ trụ mà trái đất vẫn thường xuyên gặp trên quỹ đạo của nó, và để đề xuất những giải pháp trong trường hợp có thể xảy ra va chạm giữa trái đất và các thiên thạch. Năm nay, hội nghị «phòng thủ hành tinh» lần thứ 4 như vậy diễn ra trong tuần này tại thành phố Fracasti của nước Ý.
Vẫn theo Le Figaro, hôm thứ Hai (11/4) các nhà khoa học tham gia hội nghị đã tập dượt với giả định phát hiện một thiên thạch đang đe dọa trái đất. Nhiều nhóm chuyên gia đã nghiên cứu hành trình bay của thiên thạch, những hậu quả cũng như các giải pháp.
Cách nay hai năm trong một bài tập tương tự, các chuyên gia đã không thống nhất với nhau về chiến lược đưa ra và hậu quả giả định cả thành phố Nice (Pháp) bị phá hủy. Điều này cho thấy, trong trường hợp có đe dọa thiên thạch thực sự thì loài người chưa sẵn sàng chống đỡ.
Hiện tại chưa một cơ quan vũ trụ nào thành công trong việc làm chệch đường bay hoặc phá hủy thiên thạch. Chính vì vậy Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và NASA của Mỹ đã bắt tay cùng xây dựng dự án AIDA, dự tính năm 2020 phóng vào không gian hai máy thăm dò đến gần sát với một thiên thạch kép, được đặt tên là Didymos, có đường kính 800 mét, bay quanh nó có một thiên thạch vệ tinh có đường kính 170 mét.
Phần việc của Cơ quan vũ trụ châu Âu là dự án mang tên AIM (Astroid Impact Mission). Theo ông Patrick Michel, phụ trách dự án thì châu Âu sẽ đưa một máy thăm dò lên nghiên cứu trên thiên thạch và triển khai hệ thống micro vệ tinh quanh quỹ đạo bay của thiên thạch đó. Sau đó vào năm 2021, người Mỹ sẽ đưa một thiết bị nặng 300 kg lên để bắn phá thiên thạch nhỏ với tốc độ bắn 22500 km/giờ, nhằm làm thay đổi đường đi của thiên thạch lớn.
Những tiểu thiên thạch vẫn luôn là mối đe dạ nghiêm trọng cho từng khu vực của trái đất, hiện vẫn chưa có chương trình nghiên cứu có hệ thống nào trong lĩnh vực này. Le Figaro cho biết, Quỹ phi vụ lợi của Mỹ có tên gọi B612, hy vọng sẽ đưa vào vũ trụ một kính viễn vọng tia hồng ngoại vào năm 2018 để theo dõi các thiên thạch nhỏ.
Nga tự dỡ lệnh cấm vận Iran
Chuyển qua các tin tức thời sự quốc tế khác, hầu hết các tờ báo lớn của Pháp hôm nay đều quan tâm nhiều đến sự kiện Nga bất ngờ phá lệnh cấm vận quốc tế, nối lại việc bán tên lửa S – 300 cho Iran, khiến phương Tây và Israel không khỏi lo ngại.
Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất: Trung Đông: «Nga áp đặt cuộc chơi bằng cách trang bị trở lại vũ khí cho Iran». Tờ báo ghi nhận: «Một sắc lệnh vài dòng do Vladimir Putin ký ngày 13/4 đã cho phép Nga tự vượt qua lệnh cấm cung cấp tên lửa phòng không cho Iran, chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi nhóm cường quốc 5+1 đạt được thỏa thuận khung tại Lausanne với nước Cộng hòa Hồi giáo về chương trình hạt nhân của Iran. Chữ ký chưa ráo mực và trong khi các bên đàm phán vẫn còn cho đến 30/6 tới để giải quyết những chi tiết pháp lý và kỹ thuật của bản thỏa thuận mong manh đó thì Tổng thống Nga đã vội mở chương dỡ bỏ trừng phạt Iran, khiến cho Israel và Hoa Kỳ lo ngại»
Cùng chung nhận định, Le Figaro chạy tựa: «Bằng tên lửa của mình, Putin phá lệnh cấm vận đối với Iran» khiến các nước phương Tây bị bất ngờ giữa vòng đàm phán về hạt nhân Iran.
Còn nhật báo Libération có bài phân tích mang tiêu đề: «Hạt nhân Iran: Nga đặt tên lửa lên bàn cân». Tờ báo ghi nhận với quyết định bán tên lửa S-300 cho Iran, Matxcơva tạo đà cho mình trong cuộc chơi ngoại giao và thương mại trước các nước phương Tây.
Libération nhận định, quyết định trên của Kremlin như một tiếng chuông báo hiệu thách thức mới đối với các nước Phương Tây trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại Trung Đông và cả Ukraina.
Ông Fedor Loukianov, Tổng biên tập báo Russia in Global Affairs và là một chuyên gia về Trung Đông nhận định về động thái của Kremlin: «Nga không đợi đến ngày 30/6, đó là một đòn tâm lý cho thấy Nga đã sẵn sàng nối lại các quan hệ thương mại». Trong khi đó nhà phân tích chính trị Camille Grand, lãnh đạo Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp cho rằng: «Nga cho thấy họ là nước phải được hưởng lợi chủ yếu về mặt chính trị cũng như thương mại khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận và trở lại trường quốc tế. Đây cũng là cách để Matxcơva đặt mình vào trung tâm của cuộc chơi Trung Đông», đồng thời Nga cũng muốn khẳng định hơn nữa lợi ích riêng của họ và con đường riêng của họ ở khu vực này của thế giới.
Động thái của Kremlin, theo Libération, chỉ càng làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây, bằng chứng là nhiều lãnh đạo những nước chủ chốt trong phương Tây tỏ thái độ kiên quyết không tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát –xít Đức vào ngày 9/5 tới đây tại Matxcơva.
Ấn Độ: Chính phủ làm ngơ trước nạn lạm dụng lao động vị thành niên
Tiếp tục với nhật báo Libération. Nhìn sang Ấn Độ, tờ báo có bài phóng sự về tình trạng sử dụng lao động trẻ em vẫn tiếp tục tràn lan ở mức báo động, trong khi chính phủ nước này không hề quan tâm đến vấn nạn này.
Theo tờ báo, mặc dù nhiều hiệp hội đã gây sức ép mạnh nhưng New Delhi không hề có quyết tâm chính trị để chống nạn sử dụng lao động vị thành niên, khiến cho đến nay vẫn còn hàng triệu em nhỏ Ấn Độ bị thất học và bị bóc lột thậm tệ trong các công xưởng. Cho đến giờ ở Ấn Độ vẫn không có luật cấm sử dụng lao động trẻ em mà chỉ coi là bất hợp pháp những trường hợp sử dụng lao động trẻ em dưới 14 tuổi trong 18 lĩnh vực được quy định là nguy hiểm. Ấn Độ cũng là một trong số ít ỏi những nước không chịu ký Công ước cấm sử dụng lao động trẻ em của Tổ chức Lao động Thế giới (OIT).
Theo Libération, năm 2012 sau nhiều sức ép của các hội đoàn, Bộ trưởng lao động Ấn Độ cũng đã cho soạn thảo một dự luật nhằm cấm sử dụng lao động trẻ dưới 14 tuổi. Tuy nhiên cho đến nay dự luật này vẫn bị xếp trong ngăn kéo, chưa hề được đem ra bàn thảo tại Quốc hội.
Cuộc hôn nhân của hai người ốm Alcatel –Lucent và Nokia
Trở lại trang nhất các báo với sự kiện đang gây xôn xao dư luận Pháp. Tinh hoa của nghành công nghệ thông tin viễn thông Pháp tập đoàn Alcatel-Lucent bị người khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại của Phần Lan Nokia thôn tính.
Tựa lớn trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos: «Alcatel-Lucent bán mình cho Nokia để cứu thân» và tờ báo bình luận: « Alcatel đã từng mất một phần bản sắc Pháp của mình qua việc sáp nhập với công ty Mỹ Lucent. Cuộc hôn nhân đang thành hình với Nokia chắc hẳn sẽ khó khăn và tiềm ẩn những đau đớn, nhưng rõ ràng đó là điều không thể tránh khỏi».
Trong khi đó xã luận báo Le Figaro thì tỏ tiếc nuối, than thở «Thương vụ này, tiếp theo sau các vụ nhượng lại trong vòng vài tháng của các tập đoàn lớn Pháp như Alstom, Club Med hay Lafarge, đáng phải suy ngẫm nghiêm túc. Sau nhiều thập kỷ chinh phục, các doanh nghiệp lớn của chúng ta đã cắm lá cờ Pháp ở bốn phương thế giới, cơn thoái trào không cưỡng lại được giờ đang hiển hiện. Rất nhiều trong số các tập đoàn trên đã chuyển từng phần hoặc toàn bộ vốn sang tay người nước ngoài, số khác thì sớm muộn cũng rơi vào tình trạng như vậy. … Giá như nước Pháp sản sinh ra được những nhà vô địch mới, có khả năng tiếp sức, bảo đảm sự thịnh vượng trong tương lai.»
Nhưng điều quan trọng hơn cả là tương lai của vụ kết hôn này? Libération nhận định: «Sau khi thất bại ở mặt trận điện thoại di động trước Apple và Samsung và rồi phải bán phần Smartphone cho Microsoft, đây là cách tự sáng tạo lại để trở thành số một thế giới về thiết bị viễn thông. Nhưng trong ván bài này, tập đoàn Phần Lan, năm nay tròn 150 tuổi, còn lâu mới thắng được. Cuộc chiến về giá cả đang rất khốc liệt và thị trường đầy bùng nổ của các mạng 3 G hay 4G đã thấy tràn ngập bởi sự xuất hiện của các hãng Trung Quốc như Hoa Vi và ZTE». Như một cựu lãnh đạo của Alcatel đánh giá: «Hai người bệnh trong cùng một giường chắc gì đã tạo thành một cơ thể lành mạnh cường tráng được».