Tin Thế Giới – 3/3/2015
Tang lễ lãnh đạo đối lập Nga Boris Nemtsov — Nga hạn chế người dự
Nhiều người dân Nga hôm nay đã tới viếng lãnh tụ đối lập Nga Boris Nemtsov, người mạnh mẽ chỉ trích Moscow. Ông đã bị bắn chết hôm thứ Sáu tuần trước tại nơi cách điện Kremlin không xa.
Bạn bè và người thân của ông Nemtsov cầm hoa đỏ, đi quanh quan tài của lãnh tụ đối lập 55 tuổi tại trung tâm nhân quyền Andrei Sakharov ở Moscow.
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nằm trong một phái đoàn tới viếng ông Nemtsov.
Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft và cựu Thủ tướng Anh John Major cũng tham dự.
Ông Nemtsov sẽ được chôn cất cuối ngày hôm nay tại nghĩa trang Troekurovskoye ở Moscow.
Cựu thủ tướng Nemtsov đã bị những kẻ tấn công không rõ lai lịch bắn bốn phát đạn vào lưng thứ Sáu tuần trước khi ông đang đi qua một cây cầu cùng một người bạn gái.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ điều tra toàn diện vụ giết người gây chấn động mà nhiều nhà hoạt động đối lập cho rằng được thực hiện để trả đũa sự chỉ trích Moscow của ông Nemtsov.
Ít nhất có hai quan chức Châu Âu không được tới Moscow dự tang lễ của ông Nemtsov.
Bộ Ngoại giao Ba Lan nói rằng chủ tịch thượng viện nước này đã bị bác đơn xin nhập cảnh vào Nga vì Moscow trả đủa cho việc Liên hiệp Châu Âu mới đây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Nga cũng không cho nhà lập pháp Latvia Sandra Kalniete, mọt thành viên cấp cao của Nghị viện Châu Âu, nhập cảnh.
Bà Kalniete nói rằng bà cảm thấy bị xúc phạm vì lệnh cấm nhập cảnh của Moscow, nhưng nói “thực sự tự hào khi bị coi là kẻ thù của Nga”.
Bogdan Borusewicz, chủ tịch thượng viên Ba Lan, bị từ chối visa theo lệnh trừng phạt của Nga, còn nghị sĩ Latvia bị buộc trở về sau khi đến sân bay Moscow.
Lãnh đạo đối lập Nga, Alexei Navalny, không được phép rời trại tù, nơi ông đang thụ án 15 ngày.
Cuối tháng trước, ông Navalny bị tù 15 ngày vì phân phát tờ rơi quảng bá cho một cuộc biểu tình.
Dân biểu nghị viện châu Âu người Latvia, Sandra Kalniete, nói với BBC rằng bà không được phép vào Nga tại sân bay Sheremetyevo ở Moscow mà không giải thích.
Bà Kalniete nói bà phải chờ hai tiếng tại sân bay trước khi được thông báo rằng bà không được nhập cảnh.
Tổng thống Nga Putin không dự lễ tang.
Ông Nemtsov, người từng chỉ trích kịch liệt Tổng thống Vladimir Putin, bị bắn chết trên cầu Bolshoy Moskvoretsky, gần Điện Kremlin, vào tối thứ Sáu tuần trước.
Bị bắn bốn lần
Hàng chục nghìn người đã diễu hành qua trung tâm Moscow hôm Chủ nhật để tưởng niệm ông Nemtsov, con số theo phe đối lập lên tới 50.000.
Ông Nemtsov đáng ra đã dẫn đầu đoàn biểu tình chống chiến tranh tại Ukraine vào hôm đó, nhưng cái chết của ông đã biến cuộc mít tinh thành lễ tưởng niệm.
Người ủng hộ ông cáo buộc Điện Kremlin dính dáng vụ sát hại, trong khi Tổng thống Putin lên án vụ này là “khiêu khích” và “tàn bạo”, đồng thời tuyên bố sẽ tìm ra kẻ giết người.
Ủy ban Điều tra của Nga nói đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vụ sát hại.
Trong các nguyên nhân có thể có việc ông phản đối xung đột ở Ukraine, phong trào Hồi giáo cực đoan (ông Nemtsov có nguồn gốc Do Thái), thậm chí cả việc phe đối lập có thể đã “hy sinh” lãnh đạo nhằm gây bất ổn trong nước.
Ông Nemtsov, 55 tuổi, vừa ăn tối xong và đang đi về nhà cùng bạn gái người Ukraine là Anna Durytska thì bị bắn bốn phát vào lưng.
Durytska, người mẫu 23 tuổi, nói trên kênh truyền hình Dozhd của Nga rằng cô không nhìn thấy người bắn.
“Tôi không biết hắn ta từ đâu ra, nhưng ở phía sau.”
“Tôi quay lại thì chỉ thấy một chiếc xe hơi màu sáng. Tôi không thấy nhãn hiệu cũng như biển số xe và chiếc xe chạy mất.”
Cô Durytska đã được phép quay lại Ukraine sau khi bị cảnh sát thẩm vấn. – VOA, BBC
Lực lượng Iraq tiếp tục chiến đấu giành lại Tikrit — Chiến dịch tái chiếm Tikrit: Lực lượng Mỹ ở đâu?
Các binh sĩ và dân quân Iraq tiếp tục cuộc phản công nhắm vào các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo gần Tikrit ngày hôm nay, trong khi tìm cách chiếm lại thành phố đã rơi vào tay các phần tử chủ chiến của tổ chức cực đoan này tháng Sáu năm ngoái.
Bộ binh Iraq đạt tiến bộ trên một số mặt trận, nhưng các chỉ huy quân sự nói rằng bom gài bên vệ đường đã làm chậm tiến độ.
Ước tính có 30.000 thành viên thuộc lực lượng an ninh Iraq, các dân quân Shia và chiến binh người Kurd đang tham gia chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo với sự yểm trợ của không lực Iraq.
Một chiến thắng ở Tikrit sẽ là một bước đệm chiến lược cho các lực lượng Iraq để tiếp cận Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq mà hiện là cứ địa và trung tâm đầu não của Nhà nước Hồi giáo.
Tikrit cũng là quê nhà của nhà cựu độc tài Saddam Hussein. Ông này đã bị hành hình sau cuộc lật đổ năm 2003.
Vài giờ sau khi Iraq mở một cuộc hành quân để chiếm lại thành phố Tikrit, Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ và các nước đồng minh không nhận được yêu cầu của Iraq để thực hiện các cuộc không kích yểm trợ cho cuộc tấn công. Thông tín viên Đài VOA tại Ngũ Giác Đài Carla Babb có bài tường thuật về lý do tại sao Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc tấn công này.
Cuộc hành quân của Iraq nhằm chiếm lại Tikrit từ tay các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi Giáo là một cuộc tấn công qui mô lớn mà Baghdad đã thực hiện để chống lại nhóm khủng bố này.
Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện hàng ngàn cuộc không kích chống lại Nhà nước Hồi Giáo để yểm trợ cho lực lượng bộ binh người Kurd và Iraq. Tuy nhiên, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại tá Steve Warren, nói liên minh không yểm trợ không lực cho cuộc hành quân này.
“Đơn giản là vì Iraq không yêu cầu chúng tôi làm điều đó. Đây là một cuộc chiến của người Iraq, cuộc chiến của chính phủ Iraq, và đây là việc họ đang làm.”
Tuy nhiên tại sao lực lượng an ninh Iraq không muốn Hoa Kỳ yểm trợ bằng không quân? Học viện Không quân Tikrit, trước đây được gọi là Trại Speicher, có thể được dùng làm căn cứ cho các máy bay liên minh. Ông Michael Weiss, đồng tác giả cuốn sách “ISIS: Bên trong Đạo quân Khủng bố”, nói tất cả đều do nước láng giềng phía đông Iraq.
“Các lực lượng chiến đấu trên bộ không do lực lượng An ninh Iraq ISF lãnh đạo. Họ nằm dưới sự lãnh đạo của những nhóm dân quân người Shia được Iran tổ chức, huấn luyện và kiểm soát. Bằng chứng là Tướng Qasem Soleimani, chỉ huy trưởng lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, một tổ chức được ghi tên vào danh sách những tổ chức khủng bố, có mặt tại Trại Speicher để động viên tinh thần của các binh sĩ.”
Một giới chức cao cấp của quân đội Mỹ thừa nhận với Đài VOA là Iran đang giúp đỡ trong cuộc tấn công Tikrit và chừng nào Iran còn có mặt tại đó thì Hoa Kỳ không can dự.
Ông Weiss nói điều này trên cơ bản là chấp nhận việc Iran tiếm quyền kiểm soát, sau khi Hoa Kỳ đã chi tiêu hàng tỉ đô la để huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội Iraq.
“Chớ nói với tôi là quân đội Iraq hiện đang đứng lên và đảm nhận cuộc chiến đấu này. Chớ nói với tôi là đây không phải là Hezbollah hóa các lực lượng an ninh Iraq.”
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có cho phép Iran kiểm soát dân quân Iraq, một giới chức quân sự cao cấp trả lời, “Giải pháp khác của chúng ta là gì?” Ông nói Iraq là một nước có chủ quyền và phải tự quyết định về những vấn đề an ninh.
Ông Weiss nói việc thiếu những giải pháp khác làm gia tăng những mối lo ngại là ngay cả khi Nhà nước Hồi Giáo bị tiêu diệt, bạo động giáo phái giữa người Sunni, người Shia và người Kurd sẽ trở nên dữ dội hơn nữa và vượt khỏi tầm kiểm soát. – VOA
Tin Hoa Kỳ
Mỹ-Trung đấu khẩu gay gắt về dự luật chống khủng bố của Bắc Kinh
Bắc Kinh vào hôm nay, 03/03/2015 đã lên tiếng kiên quyết bảo vệ dự luật chống khủng bố của Trung Quốc, theo đó các công ty công nghệ bị buộc phải cung cấp cho chính quyền Bắc Kinh mã của các chương trình tin học của họ. Trung Quốc đã phản ứng như trên sau khi bị chính Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích mạnh mẽ vào hôm qua.
Theo dự luật mà nội dung đã được Trung Quốc tiết lộ gần đây và sẽ được thông qua trong năm nay, các tập đoàn công nghệ thông tin bị buộc phải cài đặt những “cửa hậu” vào phần mềm của họ, và cung cấp cho chính quyền Trung Quốc các mật mã để truy cập vào dữ liệu của người sử dụng các phần mềm đó.
Dự luật này đã lập tức gây lo ngại ở Hoa Kỳ, và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm qua, đã công khai phản đối, bày tỏ thái độ quan ngại của Washington. Ông Obama còn xác nhận là đã đich thân nêu bật vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Anh Reuters, ông Obama khẳng định rằng nước Mỹ “đã nói rất rõ ràng rằng đó là một điều (mà người Trung Quốc) phải thay đổi nếu muốn tiếp tục làm ăn với Hoa Kỳ” trong lĩnh vực này.
Vào hôm nay, Bắc Kinh đã phản pháo, cho rằng bộ luật mới đó mang tính chất hoàn toàn nội bộ của Trung Quốc, và cần thiết để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt là tại vùng Tân Cương.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định: “Bộ luật này thuộc pham vi công việc nội bộ của Trung Quốc”. Bà đồng thời kêu gọi Washington “xem xét lại văn bản bộ luật một cách chính xác và khách quan.” Với một giọng điệu gay gắt, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mỉa mai: “Mới cách đây không lâu, có tin cho biết là một số quốc gia nào đó đã cài đặt chương trình của mình vào sản phẩm của một nhà sản xuất thẻ SIM điện thoại với ý đồ hoạt động gián điệp”.
Lời ám chỉ nhắm vào Mỹ quả là rõ ràng. Gemalto, nhà sản xuất thẻ SIM của Pháp, vốn tự nhận là đứng đầu thế giới trong lãnh vực “bảo mật kỹ thuật số”, đã xác nhận hôm thứ Tư 25/02 vừa qua là họ đã bị nhiều cuộc “tấn công tinh vi” trong năm 2010 và 2011.
Theo báo mạng chuyên về điều tra The Intercept, dựa trên tài liệu do cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ, các cơ quan tình báo Anh và Mỹ đã từng đánh cắp các chìa khóa mật mã, cho phép họ kiểm soát một số lượng lớn các thẻ SIM điện thoại để theo dõi các cuộc nói chuyện. – RFI
TT Obama: Iran phải đóng băng hoạt động hạt nhân ít nhất 10 năm
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Iran phải đóng băng hoạt động hạt nhân nhạy cảm trong vòng ít nhất là một thập niên để có được một hiệp định thành công. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng thừa nhận là cơ hội để đạt được một thỏa thuận như vậy chưa tới 50%. Thông tín viên VOA Aru Pande tường trình từ Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Obama đề cập tới cuộc thương thuyết nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, một ngày trước khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trình bày những nhận định của ông về vấn đề này trước Quốc hội Mỹ.
Hôm thứ hai, Tổng thống Obama nói với hãng tin Reuters rằng cách tốt nhất để đoan chắc Iran không thủ đắc vũ khí hạt nhân không phải là áp đặt thêm những biện pháp chế tài hay sử dụng sức mạnh quân sự – mà là thông qua những hoạt động ngoại giao.
“Những gì mà chúng tôi đã nói ngay từ lúc khởi đầu là qua việc tổ chức một chế độ chế tài mạnh mẽ, những gì mà chúng tôi có thể làm để đưa Iran tới bàn thương nghị. Và qua việc đưa Iran tới bàn thương nghị, buộc họ phải có một cuộc điều đình nghiêm túc trong đó chúng ta có thể nhìn thấy một cách chính xác những gì đang xảy ra bên trong Iran.”
Theo các chuyên gia, một năm là khoảng thời gian mà Iran cần có để chế tạo một quả bom hạt nhân, nếu họ quyết định làm như vậy.
Tổng thống Obama nói rằng khoảng thời gian một năm này sẽ giúp cho các giám sát viên quốc tế có cơ hội để phát giác những sự vi phạm và có thể ngăn chận Iran thông qua hành động quân sự.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Iran phải đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân trong vòng ít nhất là 10 năm thì một hiệp định thành công mới có thể đạt được.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, theo dự liệu, sẽ nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng thỏa hiệp hạt nhân với Iran sẽ đe dọa tới sự sống còn của Israel.
Việc ông Netanyahu quyết định phát biểu trước Quốc hội Mỹ đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội của nhiều người, trong đó có các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ. Những người này nghĩ rằng nhà lãnh đạo Israel đang đi sau lưng Tổng thống Obama để gây phương hại cho cuộc đàm phán đang tiếp diễn.
Hôm thứ hai, Tổng thống Obama tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của sự xích mích có thể có với ông Netanyahu. Ông nêu lên sự kiện là chính phủ do ông lãnh đạo đã dành cho Israel sự hỗ trợ quân sự ở mức cao chưa từng có từ trước tới nay.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng nói rằng ông Netanyahu đã sai khi quyết định phát biểu trước Quốc hội Mỹ chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử ở Israel. Ông cho rằng việc này chính trị hóa mối quan hệ Mỹ-Israel, và tuy không gây ra những thiệt hại lâu dài, việc này làm giảm đi sự chú tâm đối với mục tiêu là ngăn không cho Iran có vũ khí hạt nhân.
“Khi chúng tôi lần đầu tiên loan báo thỏa thuận tạm thời này, Thủ tướng Netanyahu đã đưa ra đủ thứ nhận định. Nào là đây là một thỏa hiệp vô cùng tệ hại. Nào là thỏa hiệp này giúp cho Iran có những lợi ích kinh tế trị giá 50 tỉ đô la. Nào là Iran sẽ không tuân thủ hiệp định. Tất cả những thứ đó đều không đúng. Và thực tế là trong khoảng thời gian này chúng ta không thấy Iran có được tiến bộ nào trong chương trình của họ. Trong nhiều cách thức khác nhau, họ đã giảm thiểu các thành phần trong chương trình của họ.”
Về phần mình, ông Netanyahu nói rằng quan hệ Mỹ-Israel sẽ vượt qua sự bất đồng hiện nay và sẽ trở nên vững mạnh hơn nữa. Ông phát biểu như sau hôm thứ hai tại hội nghị ở Washington của AIPAC, một tổ chức vận động hành lang thân Israel.
“Diễn văn của tôi không nhắm tới việc bày tỏ sự bất kính đối với Tổng thống Obama hay chức vụ cao quí mà ông ấy đang nắm giữ. Tôi vô cùng quí trọng cả hai. Tôi cảm kích sâu sắc về tất cả những gì mà Tổng thống Obama đã làm cho Israel, hợp tác an ninh, chia sẻ tình báo, hậu thuẫn tại Liên hiệp quốc và nhiều thứ khác nữa.”
Các nhà phân tích cho rằng sự bất đồng này không mang tính chất cá nhân hay xu hướng chính trị đảng phái, mà phát xuất từ vấn đề chính sách. Họ nói rằng Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu có những sự khác biệt có tính chất cơ bản về vấn đề điều gì là tốt nhất cho an ninh quốc gia của nước mình, và trong trường hợp này, cách nào là cách tốt nhất để ngăn không cho Iran có vũ khí hạt nhân. – VOA