Tin Việt Nam – 28/1/2015
Trực thăng quân sự rơi ở Việt Nam, 4 người thiệt mạng
Một trực thăng của không quân CSVN đã bị rơi ở huyện Bình Chánh, Sài Gòn vào sáng nay, 28/01/2015, khi đang tập luyện, khiến 4 phi công tử nạn. Đây là tai nạn trực thăng thứ hai chỉ trong vòng 7 tháng tại Việt Nam.
Theo tin báo chí trong nước, vào buổi sáng, các phi công đã báo về sư đoàn 370 Quân chủng Phòng không Không quân là động cơ của trực thăng bị hư hỏng và sau đó thì mất liên lạc với máy bay. Sư đoàn đã điều động một trực thăng khác đi tìm kiếm, nhưng không gặp. Đến trưa thì nhờ thông tin của người dân địa phương, xác trực thăng và thi thể 4 phi công được tìm thấy.
Trực thăng đã rơi tại một khu vực đồng trống, không có nhà dân, cho nên không có nạn nhân dân sự nào trong tai nạn này. Quân đội Việt Nam hiện đang điều tra về nguyên nhân tai nạn.
Chiếc trực thăng gặp nạn là chiếc UH-1, còn được biết dưới tên là Huey, do Mỹ sản xuất, đã được quân đội Hoa Kỳ sử dụng từ thập niên 1960 trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Từ đó đến nay, loại trực thăng này được quân đội các nước Đông Nam Á sử dụng rất nhiều.
Đây là tai nạn trực thăng thứ hai xảy ra chỉ trong vòng 7 tháng tại Việt Nam. Vào tháng 7 năm ngoái, một chiếc trực thăng MI-171, sản xuất từ thời Liên Xô, cũng đã bị rơi ở Hòa Lạc, ngoại ô Hà Nội, khi đang tập luyện, khiến 16 quân nhân tử nạn tại chỗ và 4 quân nhân khác qua đời sau đó vì bị thương quá nặng.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân CSVN, nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Tư rằng máy bay UH-1 Iroquois, còn gọi là “Huey,” bị rơi sau khi cất cánh vài phút từ một căn cứ không quân ở thành phố Saigon.
Trung tướng Võ Văn Tuấn nói: “Chiếc trực thăng UH-1 của không quân Việt Nam đang trong khóa tập luyện. Máy bay cất cánh lúc 7:15 sáng từ phi trường Tân Sơn Nhất. Tám phút sau khi cất cánh, máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu. Sau đó được xác nhận đã rơi tại Phường Phạm Văn Hai, Quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Chiếc máy bay bị hư hại hoàn toàn và 4 người chết. Chúng tôi đang xác định nguyên nhân gây tai nạn.”
Một số máy bay trực thăng do Mỹ chế tạo vẫn được sử dụng tại Việt Nam sau khi đã qua sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam chấm dứt các đây 40 năm. – Theo RFI, VOA
Nguyên Tổng Giám đốc OceanBank bị bắt
Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương đã bị khởi tố tạm giam bốn tháng, trong quá trình điều tra vụ án Hà Văn Thắm, theo trang mạng của Bộ Công an đưa tin hôm 28/01.
Thu bị khởi tố theo điều 165 của Bộ luật hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hồi tháng 10, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại dương, đã bị khởi tố và bắt tạm giam bốn tháng vì tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Điều 179 Bộ Luật Hình sự.
Thông cáo ngày 24/10 được đăng tải trên trang web của Bộ Công an CSVN nói quyết định trên được đưa ra “căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an và tài liệu thanh tra của Ngân hàng Nhà nước”.
“Ngày 21/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm về tội danh trên”, thông cáo cho biết.
Thông cáo của bộ Công an hôm 28/01 viết, Thu bị khám xét khẩn cấp và bị bắt giữ trong cùng ngày phê chuẩn quyết định khởi tố: “Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn, cùng ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với: Nguyễn Minh Thu (nữ), sinh ngày 04/10/1973…”
“Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Nguyễn Minh Thu đã được thực hiện đúng quy định tại Điều 80 và Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự; bị can đã được dẫn giải về Trại tạm giam Bộ Công an để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.”
Nguyễn Minh Thu được bầu vào thay vị trí của Hà Văn Thắm cũng từ tháng 10, sau khi ông này bị bắt giữ, Tuổi Trẻ đưa tin hôm 28/01.
Nguyễn Minh Thu trước đó giữ chức Tổng giám đốc kiêm Ủy viên Hội đồng Quản trị tại Ocean Bank từ năm 2011.
Trang VNEconomy dẫn phát biểu của Thu lúc mới nhận vị trí thay Thắm nói: “Những vi phạm của cá nhân được Ngân hàng Nhà nước phát hiện qua thanh tra sẽ được các cơ quan pháp luật xem xét xử lý theo quy định hiện hành.
“Về phía Ocean Bank, chúng tôi kiên định thực hiện các mục tiêu hoạt động ổn định, bền vững, an toàn, tập trung xử lý nợ xấu và đảm bảo tăng trưởng ổn định theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, Ocean Bank tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị và tài sản của cổ đông, đảm bảo mọi lợi ích cho khách hàng, đối tác cũng như cán bộ nhân viên Ngân hàng”, bà Thu được dẫn lời nói hôm 25/10/2014.
Đầu tháng Một năm nay, Bộ Công an Việt Nam yêu cầu Ocean Bank phong tỏa tài khoản của Ocean Group sau khi người sáng lập Hà Văn Thắm bị bắt giữ.
Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) cho biết họ nhận được công văn của công an ngày 31/12/2014 về việc phong tỏa tài khoản CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group).
Hôm 7/1, Ocean Group công bố tài khoản của họ tại Ocean Bank bị phong tỏa từ ngày 6/1.
Truyền thông trong nước nói khoản đầu tư của Ocean Group tại Ocean Bank là 986,5 tỷ đồng.
Cuối tháng 12 năm ngoái, nguyên Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Văn Hoàn bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự.
Các báo trong nước mô tả điều họ gọi là “bước đầu xác định Hà Văn Thắm đã ký cho Cty TNHH TMDV Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng không đúng quy định”.
“Còn ông Nguyễn Văn Hoàn đóng vai trò đồng phạm với ông Thắm để ra các quyết định cho Cty Trung Dung vay số tiền lớn mặc dù biết hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện.”
Cuối tháng 10/2014, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại dương, Hà Văn Thắm, bị khởi tố và bắt tạm giam cũng theo điều 179 Bộ Luật Hình sự.
Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank và Ocean Group, bị bắt tháng 10 năm ngoái và đang bị tạm giam.
Ông bị điều tra về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Sau khi Thắm bị bắt, trên mạng internet xuất hiện một số đoạn băng ghi âm. Những người tung lên mạng đã mô tả đây là những cuộc hội thoại của Thắm khi ông trao đổi việc làm ăn với các “nhóm lợi ích”.
Người bị ghi âm, trong các đoạn băng, đã đề cập tới tên của một số vị lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam. – Theo BBC