Nhà nước Hồi giáo mất đà nhưng không lui bước
Cảnh thành phố Sinjar sau khi máy bay Liên Minh oanh kích vị trí lực lượng thánh chiến ngày 22,/12/ 2014.REUTERS/Stringe
Theo RFI – Tú Anh – 22 tháng một năm 2015
Chiến dịch can thiệp của không quân quốc tế vào Irak và Syria đã thành công ngăn chận đà tiến quân của Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên «califat» – đế chế – Hồi giáo vẫn tồn tại. Nhu cầu tấn công trên bộ trở thành cấp thiết nhưng vì sao Hoa Kỳ và các nước đồng minh chưa có một quyết định dứt khoát sau sáu tháng oanh kích?
Tiếng tăm ít được nhắc nhở trước khi tấn công như sấm sét ở Syria và Irak vào mùa hè vừa qua đến tận cửa ngõ Bagdad, tổ chức thánh chiến cuồng tín Nhà nước Hồi giáo, hậu thân của Al Qaida tại Irak, đang bị liên quân quốc tế phản công. Mặt trận chung này gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Canada, Úc, Đan Mạch, Bỉ, Qatar và Jordanie.
Ngày 08/08/2014, chiến dịch can thiệp của Hoa Kỳ và đồng minh, tấn công dội bom vào lực lượng thánh chiến Hồi giáo, khai diễn yểm trợ cho quân đội Irak và lực lượng Kurdistan. Nhưng thay vì bị tan rã như Taliban tại Afghanistan vào mùa đông 2001, Nhà nước Hồi giáo tự phong vẫn tồn tại: trừ một số khu dầu hỏa, đập thủy điện và các thành phố gần Bagdad đã bị lực lượng Kurdistan và quân đội Irak chiếm lại, hầu hết «lãnh thổ của Daesh» vẫn đứng vững. Từ Mossoul, Falloudja ở phía bắc thủ đô Irak cho đến một vùng lãnh thổ Syria ở phía đông kéo dài đến ngoại ô Alepo và nam thủ đô Damas vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo. Lực lượng thánh chiến, do bị thiệt hại nặng, không còn bén nhọn như lúc ban đầu.
Sau vụ khủng bố tấn công ngay vào thủ đô nước Pháp ngày 11/01/2015, chính phủ Pháp ban hành một loạt biện pháp «trả đũa» khủng bố nhưng gần như chỉ tập trung bảo vệ an ninh lãnh thổ, theo dõi chiến binh đi đi về về.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama trong «thông điệp liên bang» ngày 21/01, cam kết là sẽ chiến thắng Nhà nước Hồi giáo nhưng thời gian sẽ rất lâu dài. Thông điệp của lãnh đạo hành pháp là đã tránh cho nước Mỹ không lao vào một cuộc chiến tốn kém trên bộ.
Sáng kiến lôi kéo các nước Hồi giáo hợp tác an ninh tình báo với châu Âu chỉ mới là đề án của Bruxelles.
Daesh, Nhà nước Hồi giáo, bị mất lợi thế quân sự nhưng Tây phương lại không đủ điều kiện để tấn công dứt điểm. Vì sao?
RFI giới thiệu quý thính giả bài phân tích của nhà báo Pháp Adrien Jaulmes, phóng viên chiến trường tại Trung Đông của Le Figaro về sức mạnh và nhược điểm của đôi bên.
Trên chiến trường, kết quả chiến dịch quân sự trong sáu tháng đầu tiên đã mang lại những kết quả cụ thể ra sao?
Chiến dịch do Hoa Kỳ và các nước đồng minh Anh, Pháp, Úc… và một số nước Ả Rập đã thành công ngăn chận đà tiến quân của Nhà nước Hồi giáo nhưng không đánh thắng và cũng không chiếm được lãnh thổ một cách đáng kể.
Tại Irak, nhờ không quân Mỹ yểm trợ từ ngày 08/08/2014, lực lượng trên bộ đã chận đứng được các mũi tấn công của thánh chiến. Được tăng cường võ trang và cố vấn tây phương, các đơn vị tự vệ của người Kurdistan đã tái chiếm một phần lãnh thổ tự trị bị mất, đặc biệt là núi Sinjar, giải cứu cho hàng ngàn nạn nhân thuộc sắc tộc Yazidis chạy trốn cuộc thảm sát của chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Ở phía nam, quân đội Irak, sau thất bại ban đầu, đã tập trung quân tái chiếm các ngôi làng bị thất thủ, xây dựng hàng rào phòng thủ bảo vệ thủ đô.
Iran láng giềng cũng nhiều lần can thiệp trợ giúp hệ phái Shi-a đồng minh, cầm quyền tại Bagdad.
Tuy nhiên, phe thánh chiến vẫn cố thủ ở tỉnh al-Anbar và tiếp tục phản kích lực lượng Irak, tuy củng cố được hàng ngũ nhưng vẫn thiếu lửa táo bạo.
Tại chiến trường Syria, liên minh quốc tế chỉ can thiệp từ ngày 23/09/2014, chậm hơn 6 tuần, nhưng cũng kịp thời chận được Nhà nước Hồi giáo đánh chiếm Kobané, một thành phố Syria của người Kurdistan ở sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự hỗ trợ về vũ khí và oanh kích của Mỹ, lực lượng phòng thủ kiểm soát ba phần tư thành phố Kobané, nhưng phe thánh chiến, sau khi bị đẩy lui, vẫn trấn giữ mặt phía đông.
Trong thời gian tới, liệu Tây phương có thể tiếp tục oanh kích mà không đưa quân tác chiến trên bộ?
Cũng như trong các cuộc chiến tranh gần đây, hiệu quả của không kích giảm dần với thời gian. Các mục tiêu chủ yếu đã bị phá hủy trong những đợt oanh kích đầu tiên: cơ quan hành chánh, trại lính, trang thiết bị quân sự nặng, rồi đến nhà máy lọc dầu, kho chứa xăng được xem là nguồn tài chính của Nhà nước Hồi giáo. Sau khi các cơ sở này bị thanh toán xong, danh sách mục tiêu để tấn công cũng giảm dần. Ngược lại, nguy cơ gây thiệt hại phụ, tức cho thường dân, tăng lên.
Liên minh quốc tế oanh tạc một loại quân đội không đồng phục, di chuyển thường xuyên trên xe dân sự và biết cách lẩn tránh bom đạn. Cách tránh né hiệu nghiệm nhất là bỏ sa mạc, kéo lực lượng võ trang về đóng trong các khu dân cư. Thánh chiến bất chấp thiệt hại cho thường dân vì nếu dân chết vì bom Tây phương, tâm lý oán hờn sẽ chuyển về hướng Mỹ.
Kỷ thuật oanh kích chính xác với máy bay võ trang không người lái, dù có sát hại được những thủ lãnh quan trọng của phe thánh chiến, cũng không làm tình thế thay đổi như mong muốn. Khi trùm khủng bố Zarkaoui, thủ lãnh đầu tiên của Al Qaida tại Irak, tiền thân của Nhà nước Hồi giáo, bị bắn chết, thì đã có người khác lên thay. Từ đó đến nay đã ba lần thay thế nhân sự lãnh đạo bị giết và đến 2006 thì đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo với qui mô tổ chức và hiệu năng tác chiến mạnh hơn.
Chiến dịch oanh kích làm cho Nhà nước Hồi giáo mất đi nguồn tài chính béo bở qua dịch vụ buôn lậu dầu hỏa. Trang thiết bị quân sự như xe tăng, đại pháo, đạn dược, phần lớn là lấy của quân đội Irak bị bại trận, cũng là một vấn đề cho Daesh vì không thể tự chế để thay thế. Ngược lại, thiệt hại về nhân mạng lại ít nghiêm trọng đối với phe thánh chiến vì họ có nguồn nhân sự tương đối dồi dào (đa phần là giới trẻ từ Tây phương và Nam Á).
Để có thể oanh kích chính xác hơn và gây thiệt hại nặng hơn cho thánh chiến sau sáu tháng can thiệp, Hoa Kỳ và đồng minh phải phối hợp với các đơn vị tác chiến trên bộ.
Hiện nay, lực lượng tự vệ của Kurdistan tỏ ra khá giỏi và đã chiếm lại được nhiều mục tiêu. Đối với quân đội Irak thì việc phối hợp chưa đúng như hy vọng tuy nhiên, với hàng ngàn cố vấn đã được đưa sang Irak, trong thời gian tới, tình hình sẽ được cải thiện mà thôi.
Trên chiến trường Syria, phối hợp tác chiến giữa không quân Mỹ và lực lượng Kurdistan tại Kobané rất tốt, ngược lại chưa có một thỏa thuận nào giữa quân đội Syria và không lực quốc tế.
Nhà nước Hồi giáo có phương tiện và lực lượng để giành lại thế thượng phong hay không?
Mặc dù bị suy yếu, không thể mở những cuộc tấn công qui mô lớn nhưng Nhà nước Hồi giáo vẫn còn ít nhiều khả năng hoạt động. Nhiều vụ phản kích vẫn diễn ra tại Irak và Syria.
Tại Irak, phe thánh chiến phối hợp chiến thuật khủng bố bằng xe gài chất nổ như trong thời kỳ quân đội Mỹ hiện diện, và tấn công cổ điển. Với lối đánh đột kích này, họ đã chiếm được một số ngôi làng ở Al Anbar nhưng không chiếm được thành phố lớn từ sau chiến thắng tại Hit hồi tháng 10.
Rất có thể Nhà nước Hồi giáo sẽ thay đổi hướng tấn công đánh vào những chỗ dễ đánh như ở miền tây Syria hoặc biên giới Jordanie. Ngày 05/01 vừa qua, lần đầu tiên họ tấn công Ả Rập Xê Út, khu vực biên giới Souef, tỉnh Jadidat Arar. Bộ tư lệnh lực lượng biên phòng Ả Rập Xê Út cho biết, trong trận đánh này, tướng chỉ huy trưởng vùng biên giới phía bắc Oda Miwad al-Balaoui tử trận. Điều này chứng tỏ quân thánh chiến chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng chứ không phải là một vụ chạm súng nhỏ.
( Ngày 19.01, Tư lệnh lực lượng biên phòng Ả Rập Xê Út ra lệnh cho quân đội nổ súng khi thấy có những kẻ võ trang từ Irak tiến đến biên giới. Theo nhân vật này, 5 kẻ khủng bố mang bom tự sát và chết tại chỗ đều là người Ả Rập Xê Út. Toán quân này có lẽ muốn vượt biên giới xâm nhập sâu hơn, hầu tấn công một mục tiêu nào đó vì họ mang theo rất nhiều tiền. RFI).
Tình hình tại Irak và Syria có khác biệt nhau? Thái độ của chế độ Damas ra sao đối với liên quân Tây phương trong trận thế phức tạp này nhất là sau bốn năm nội chiến?
Mặt trận Syria rất phức tạp so với chiến trường Irak. Trong khi Bagdad là đồng minh của liên quân quốc tế thì Damas và chính quyền Bachar al-Assad là kẻ thù của Tây phương, của các vương quốc Ả Rạp tại vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Syria lợi dụng các cuộc oanh kich của Mỹ để phản công Nhà nước Hồi giáo và đôi khi máy bay Syria cũng oanh kích cùng một vị trí đóng quân của phe thánh chiến.
Vấn đề là quân đội Syria thiếu những đơn vị thiện chiến. Sau bốn năm nội chiến, mọi đơn vị quân đội đều bị tổn thất nặng nề và mệt mỏi. Các đơn vị trưởng chọn chiến thuật thụ động, cố thủ trong đồn trại ở phía tây Syria và bảo vệ Damas. Còn ở phía đông hiện nay do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát, trong đó thành phố Raqqa được tuyên bố là «thủ đô». Quân đội của Tổng thống Bachar al-Assad không đủ khả năng phản công chinh phục lại vùng lãnh thổ phía đông.
Chiến dịch tái chiếm Alepo thông báo từ lâu nay vẫn dậm chân tại chỗ. Ngay mặt nam thủ đô Damas cũng không yên với đợt tấn công mới của thánh chiến.
Điều nguy hiểm hơn nữa cho chính quyền Syria là lực lượng chống chế độ hùng mạnh hơn bốn năm về trước.
Nhà nước Hồi giáo và tổ chức đối thủ Jabhad al-Nostra trở thành hai mối đe dọa chính. Quân đội Syria Tự do mà Tây phương hậu thuẫn bị suy yếu, một số chiến binh gia nhập thánh chiến.
Chương trình huấn luyện «lực lượng nổi dậy ôn hòa» tại Syria do Mỹ đảm trách (bắt đầu vào tháng 3) không thể hoàn tất và thành công như ý một sớm một chiều.
Trong tình thế này, vì sao liên minh quốc tế không thể bước sang giai đọan tấn công Nhà nước Hồi giáo sau nửa năm oanh kích?
Lý do rất dễ hiểu. Nhà nước Hồi giáo tạm thời “bình chân như vại” vì nội bộ đối phương không đồng nhất. Các quốc gia đối tác trong liên quân không có cùng một mục tiêu địa lý chiến lược chống thánh chiến Daesh.
Hoa Kỳ và Tây Âu xem Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù chính phải tiêu diệt, nhưng cùng lúc không hợp tác với Syria và xem chế độ Damas là đối thủ.
Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan cũng vẫn xem chính quyền Bachar al-Assad là kẻ thù chính cần lật đổ, nhưng mặt khác Ankara lo ngại người Kurdistan được trang bị hùng hậu sẽ đòi lập quốc, đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù là thành viên của NATO, nhưng Thổ Nhĩ kỳ lại không cho không quân Mỹ mượn phi trường. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng án binh bất động, không can thiệp giải vây cho Kobané, mặc dù tuyến đóng quân của thánh chiến chỉ cách biên giới có hai trăm mét.
Một số vương quốc Ả Rập trong liên quân như Ả Rập Xê Út cũng không mặn mà, vì đối với Ryad, Nhà nước Hồi giáo (Suni) mà thua thì xem như Iran và Syria theo hệ phái Shi-a sẽ là kẻ chiến thắng.
Tình hình sẽ biến chuyển ra sao trong tương lai ? Liệu có kẻ thắng người bại hay cuộc chiến chống khủng bố sẽ kéo dài?
Nhà nước Hồi giáo đã mất đi hai lá chủ bài sau sáu tháng bị oanh kích: vận tốc tác chiến và yếu tố bất ngờ. Không quân của liên minh quốc tế làm cho phe thánh chiến không thể di chuyển nhanh và tập trung quân để đánh lớn nếu không muốn bị tiêu diệt.
Lợi thế duy nhất còn lại là kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn nằm xuyên biên giới Irak và Syria. Cho đến bây giờ, không có dấu hiệu nào cho thấy Bagdad và Damas có đủ khả năng quân sự để tái chiếm khu vực mà đa số dân cư là người Ả Rập theo hệ phái suni, hệ phái của Nhà nước Hồi giáo.
Thành phần dân cư này, tuy sợ và ghét chiến binh Nhà nước Hồi giáo, nhưng họ cũng không chấp nhận chế độ chính trị tại Bagdad và Damas, thuộc hệ phái thù nghịch Shi-a và có tiếng tham ô.
Hiện tượng những người nổi dậy chống chế độ trung ương tập trung vào hai tổ chức thánh chiến cuồng tín, Nhà nước Hồi giáo và al-Nostra, cánh tay nối dài của Al Qaida, cũng không phải là dấu hiệu tốt.
Cho dù mục tiêu của tổng thống Mỹ Obama là “làm mất khả năng” gây rối của Nhà nước Hồi giáo có thực hiện được, thì vấn nạn thánh chiến khó có cơ may giải quyết dứt điểm.
Adrien Jaulmes
Sau loạt khủng bố tại Paris, các nước trong liên quân Tây phương và Ả Rập đã có một cuộc họp tại Luân Đôn thứ năm tuần trước: thẩm định tình hình sau sáu tháng oanh kích và hoạch định kế hoạch tương lai. Bên cạnh chiến dịch oanh kích sẽ tiếp diễn, Hoa Kỳ tiến hành bước tiếp theo là huấn luyện từng đợt khoảng 10.000 quân cho đối lập Syria, một lực lượng bộ chiến có thể tin cậy được.
Hiện nay, nhiệm vụ liên lạc hướng dẫn oanh kích vẫn do chuyên gia Tây phương phụ trách. Đầu tuần này, một toán biệt kích Canada trong khi thi hành công tác, đã đụng độ với chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Tuy đơn vị an toàn và phá được súng nặng của đối phương, tin này đã gây bất bình trong phe đối lập tại Canada. Chính phủ Ottawa bị lên án là “nói dối”, che dấu nhiệm vụ “tác chiến trên bộ” của lực lượng Canada tại Irak. Đây là trận đụng độ đầu tiên trên chiến trường Irak giữa thánh chiến và liên quân.
Song song với nỗ lực quân sự, Liên minh chống Nhà nước Hồi giáo “suy nghĩ” những phương án ngăn chận nguồn nhân lực và tài chính của thánh chiến, cải thiện viện trợ nhân đạo cho người tỵ nạn và điều hợp tốt hơn các hoạt động trên chiến trường.