Kinh tế Nga chới với vì dầu sụt giá chứ không phải vì Tây phương cấm vận

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kinh tế Nga chới với vì dầu sụt giá chứ không phải vì Tây phương cấm vận
Theo Dân Luận – Michael Birnbaun Khải Huyền chuyển ngữ – Tác giả gửi đến Dân Luận

Khải Huyền- Tác giả Michael Birnbaun hiện đang là trưởng phòng đại diện báo The Washington Post tại Moscow. Trước đây ông là thông tín viên tại Bá Linh và là một phóng viên giáo dục. Bài xuất hiện trong số báo ra ngày 02-12-2014 giờ Hoa Kỳ.
Giá dầu hỏa đang tụt dốc không phanh đã và đang gây hậu quả to lớn cho điện Kremlin nhiều hơn là cấm vận buộc Moscow phải nghĩ lại về tương lai kinh tế của nước Nga. Kể từ Chiến Tranh Lạnh kết thúc đến nay, Tây Phương và Nga đã có 9 tháng quan hệ tệ hại nhất và hai bên vẫn còn đang căng thẳng, thì giá dầu thô tụt dốc đã gây cho nước Nga một cơn đau đớn vừa sâu vừa lan nhanh như lửa gặp gió, khiến cho các biện pháp cấm vận mà Tây phương áp đặt trừng phạt Nga về kinh tế và tài chánh trở nên quá nhẹ, nếu không muốn nói là vô hiệu. Hôm Thứ Ba 02-12-2014, các nhà lãnh đạo Nga lần đầu tiên đã phải thốt ra rằng nền kinh tế của họ sẽ đi vào suy thoái trong năm tới. Được biết, trong một quốc gia mà xuất cảng dầu hỏa và khí đốt là một lẽ sống chết nên đã làm cho các nhà lập pháp đang phải cắt giảm những vụ hứa chi tiêu. Và đồng rúp tụt giá hàng ngày tới mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Lên nắm chính quyền trong lúc nước Nga bị khủng hoảng tài chánh năm 1998, tổng thống Vladimir Putin đã vực dậy ổn định nền kinh tế nên được coi là một thành tích cả thể trong 15 năm lãnh đạo đất nước. Ông hạ quyết tâm sẽ vượt qua cơn khủng hoảng giá năng lượng tụt dốc hiện nay, nhưng ông cũng tố cáo Tây phương đang phát động chiến tranh hầu bao thâm hụt do dầu mất giá. Mặc dù tỷ lệ tín nhiệm của ông Putin vẫn còn cao kỷ lục, nhưng các cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy đang có những nỗi lo sợ về kinh tế như là một dấu hiệu cảnh báo cho tương lai. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng trước với thông tấn xã nhà nước Tass, ông Putin phát biểu: “Chúng ta chỉ cần bình tĩnh thi hành chính sách của chúng ta. Nhiều người nói rằng giá dầu đang tụt vì có thể có một sự cấu kết giữa các nước sản xuất dầu lâu đời, đáng kể như giữa Saudi Arabia và Mỹ. Họ nói tình hình giá dầu như thế này cốt làm cho nền kinh tế Nga sụp đổ…” “Giá dầu hạ như thế này có gây thiệt hại cho chúng ta không? Có, nhưng chỉ một phần nào thôi chứ không đưa đến sụp đổ,” ông Putin kết luận như vậy. Theo tin hãng Reuters, đối với nguồn sản xuất dầu từ đất sét cát ở Mỹ, giấy phép cấp cho những giếng mới đã sụt 15% trong tháng Mười. Đây là một dấu hiệu đầu tiên sản xuất nguồn tài nguyên dầu này đang chậm lại. Giá dầu tụt dốc cũng gây thiệt hại cho giá cả của những quĩ trái phiếu công ty tổ hợp tại Hoa Kỳ. Biến động giá dầu đi xuống xảy ra trong bối cảnh Tây phương cấm vận trừng phạt Nga có vẻ như vẫn còn tiếp tục trong nhiều năm tới. Được biết, Hoa Kỳ và Âu châu đã áp đặt một biện pháp cấm vận sau khi điện Kremlin sát nhập bán đảo Crimean vào Nga hồi tháng Ba. Sau đó lại tăng thêm một loạt cấm vận mạnh hơn hồi tháng Bảy sau khi một chiếc phi cơ hàng không dân sự bị bắn hạ trên lãnh thổ của phiến quân ly khai thân Nga tại miền Đông Ukraine. Nhưng cấm vận không có tác dụng gì mấy trong mục đích cố ý bắt Nga phải thay đổi chính sách về Ukraine. Thực tế, Moscow chẳng tỏ dấu hiệu gì có ý nhả vùng Crimea trả lại cho Ukraine. Trái lại, các nhà lãnh đạo Tây phương cho hay Nga hiện đang gia tăng mức độ can thiệp vào cuộc xung đột tại phía Đông Ukraine sau loạt cấm vận mới hồi tháng Bảy. Giá dầu có vẻ đang làm thay đổi những tính toán chính sách ở Nga với tốc độ nhanh hơn dự liệu. Một phần vì giới lãnh đạo Nga tin họ đang bị đe dọa nặng nề vì dầu hỏa đóng vai trò nguồn mạch sống cho nền kinh tế của họ. Bộ trưởng Tài Chánh Anton Siluanov tuần trước đã tính toán thu nhập từ dầu hỏa sẽ mất từ 90 đến 100 tỷ mỹ kim một năm và thiệt hại từ cấm vận là 40 tỷ mỹ kim. Cuối tuần trước, nỗi lo sợ của Nga dâng cao sau khi tổ chức các quốc gia sản xuất dầu hỏa, gọi tắt là OPEC, đã quyết định không cắt giảm sản xuất dầu để làm cho giá dầu tăng theo cung cầu. Hôm Thứ Hai 01-12-2014, quyết định trên đã làm cho giá dầu toàn cầu hạ từ 5 năm nay. Sau đó giá dầu có tăng lại chút ít, nhưng ngân hàng trung ương Nga đã nói rằng họ đang soạn kế hoạch cho năm tới dựa trên giá dầu mà mãi gần đây ngân hàng mới dùng để thử nghiệm mức độ căng thẳng cao nhất của nền kinh tế đi tới đâu. Giá năng lượng sẽ đẩy nền kinh tế đi vào suy thoái trong năm tới, theo lời các viên chức Nga nói lần đầu tiên vào ngày Thứ Ba 02-12-2014. Thử trưởng bộ kinh tế Alexey Vedev cho hay giá dầu là thủ phạm chính gây nên suy thoái đầu tiên này kể từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên ông ta cũng nói rằng cấm vận và các vấn nạn khác trong nền kinh thế Nga cũng góp phần gây ra suy thoái. Dân Nga ngày càng có nhiều người đang nhìn thấy trước mắt viễn ảnh không mấy sáng sủa của đời sống. Trong một cuộc thăm dò ý kiến do trung tâm Levada độc lập thực hiện cho biết 61% người Nga cho hay họ khó có thể tránh khỏi tiêu chuẩn sinh sống sẽ sút giảm và một cuộc khủng hoảng kinh tế đang được nhìn thấy “ở tương lai gần”. Biến động giá dầu sụt xảy ra nhanh đột ngột khiến cho các nhà lập pháp Nga hốt hoảng. Hãng tin Interfax hôm Thứ Hai 01-12-2014 loan tin một vài thành viên quốc hội đã đòi viên chức công lực cao nhất nước điều tra xem liệu ngân hàng trung ương có vi phạm luật pháp không khi từ chôi can thiệp mạnh tay hơn để cứu vãn chống đỡ đồng rúp. Các giới chức kinh tế đã từng nói rằng họ sẽ coi lại ngân sách tài khóa 2015 đã được phê chuẩn rồi, cho dù họ không có những khoản cắt giảm đã được lên kế hoạch. Tin tức kinh tế co cụm khả năng xảy ra rất cao khiến cho đồng rúp lại mất giá vào ngày Thứ Ba 02-12-2014, đẩy nó sụt xuống 5.5% so với đồng đô la. Đồng rúp đã mất giả 36% kể từ bắt đầu tháng Bảy năm nay, hầu như theo tỷ lệ giá dầu sụt bao nhiêu thì đồng rúp sụt bấy nhiêu. Ông Putin đã ra thượng viện Nga đọc diễn văn vào ngày Thứ Năm 04-12-2014 trình bày những kế hoạch kinh tế nội địa trong những năm tới. Hôm Thứ Hai 01-12-2014, ông Putin đã loại bỏ dự án đầy tham vọng xây đường ống khí đốt trị giá 19 tỷ mỹ kim xuống vùng đông nam Âu châu. Quyết định này xảy ra do quan hệ Liên Âu-Nga lạnh lẽo về tình hình Ukraine, nhưng một số phân tích gia cho hay giá chi phí tốn kém chắc chắn cũng là một yếu tố. Các nhà phân tích cho hay, muốn biết Nga lệ thuộc như thế nào về thu nhập năng lượng, hãy xem giá dầu giảm đã làm cho các nhà làm chính sách Nga phải đối diện với một tương lai không sáng sủa mà cấm vận đã không gây hậu quả như thế. Ông Leonid Grigoriev, một kinh tế gia tại trường Kinh Tế ở Moscow, nhận định: “Rõ ràng là giá dầu gây hậu quả nặng. Cấm vận không nhằm nhò gì hết. Ở đây không có gì là mới cả.Ít dầu có nghĩa là ít tiền”. Một số mặt trong nền tài chánh Nga vẫn còn đứng vững. Những món nợ nhà nước thấp. Ngoại tệ dự trữ của Nga vẫn còn 429 tỷ Mỹ kim tính cho đến cuối tháng Mười, chỉ sụt một phần năm so với đỉnh điểm hồi năm ngoái, nhưng vẫn còn đủ để giữ cho nền kinh tế khỏi rơi vào tai ương khủng hoảng trong vòng hai năm nữa, theo nhận định của các nhà phân tích. Và vì đồng rúp mất giá đã giúp cho ngân khố nhà nước thu vào nhiều tiền hơn vì các cuộc trao đổi hối đoái được tính bằng đô la. Một thùng dầu giá 71 đô la vào ngày Thứ Ba 02-12-2014 đã mang về nhiều đồng rúp.hơn so với Tháng Bảy khi một thùng dầu giá 110 đô la. [Thực ra, đồng rúp nhiều về lượng nhưng giá trị tiền tệ không là bao -lời người dịch] Giá năng lượng cao trong nhiều năm, tiền mặt tuôn trào vào như nước đã cất cánh nền kinh tế Nga, nhưng lại làm cho các ngành kỹ nghệ khác bị bỏ bê tụt hậu, khiến cho nước Nga trở nên bấp bênh sụp đổ chỉ cần giá dầu thay đổi đi xuống. Bất cứ một công ty Nga nào đó đã mượn tiền bằng giá trị đô la nhưng lãi suất tính bằng đồng rúp sẽ thấy khó mà trả được nợ. Và Mỹ và Liên Âu cấm vận trừng phạt Nga trong lãnh vực tài chánh lại càng làm cho tình hình khó khăn hơn cho các công ty khi mượn tiền nhiều hơn. Cho đến lúc này, nhiều người tại Nga bi quan về tương lai. Ông Vladimir Milov, một nhà phân tích năng lượng và là một chính trị gia đối lập, than thở như sau: “Tôi không thấy một cách nào tốt cho dân Nga hơn là cách hãy thân thiện trở lại với phương Tây. Nhưng tình hình mong đợi như thế sẽ không đến chóng vánh và thời gian không nằm về phía chúng tôi”.
Khải Huyền