19 Năm Sau Vụ Khủng Bố Ngày 11 Tháng 9 Năm 2001
Mới đó mà đã 19 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Tôi còn nhớ rất rõ buổi sáng hôm đó, Thứ Ba, ngày 11 tháng 9 năm 2001, trước khi đi làm tôi đã xem tin tức trên đài truyền hình Mỹ thấy hình ảnh một trong 2 Tòa Tháp Đôi (World Trade Center) đang bốc cháy trên các tầng lầu gần chót. Nhiều máy bay lượn vòng và khói bay ra tỏa khắp bầu trời thành phố New York. Ở dưới đất tiếng còi xe cứu thương, xe cứu hỏa kêu inh ỏi. Nhiều người đang hốt hoảng chạy ra từ hai tòa tháp đôi.
Tôi sững sờ và bàng hoàng trước cảnh tượng giống hệt trong một cuốn phim chiến tranh giả tưởng nào đó đang chiếu. Nhưng không. Đó là sự thật, việc thật, cảnh thật! Có lẽ không phải một mình tôi có cảm xúc đó mà nhiều người Mỹ và kể cả nhiều người trên khắp thế giới xem cảnh tượng hôm đó cũng có cùng cảm trạng.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người chứng kiến những cảnh tượng khủng bố tàn bạo và dã man không thể tả! Những kẻ khủng bố đã sử dụng đến phương tiện mà không ai trước đó có thể nghĩ ra. Đó là cướp và dùng máy bay chở hành khách hàng trăm người làm vũ khí để tấn công vào các mục tiêu đã được hoạch định sẵn. Cùng với hệ thống truyền hình hiện đại chuyển tải trực tiếp cảnh tượng đang bị khủng bố làm tăng thêm nỗi kinh hoàng lan rộng khắp hành tinh.
Từ đó, nước Mỹ và thế giới tự do đã thay đổi!
Mỹ khởi động cuộc chiến đánh vào thành trì của nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda, được tin là chủ mưu các cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Mỹ, mà người đứng đầu là Osama bin Laden, tại Afghanistan.
Thế giới bước vào một cuộc trường chinh mới: đánh khủng bố!
Hệ luận tất yếu theo sau là những luật lệ về an ninh tại hầu hết các nước đều thay đổi để thích ứng với tình hình mới ngăn chận và chống lại khủng bố.
Nhưng cuộc chiến chống khủng bố khác hẳn với những cuộc chiến tranh lâu nay. Cuộc chiến chống khủng bố không có lãnh địa thực sự. Tàn quân al-Qaeda sau khi bị đánh bật ra khỏi Afghnistan đã biến thành đội quân phân tán khắp nơi trên thế giới. Những kẻ khủng bố này đã bắt đầu chiêu dụ và huấn luyện những người tình nguyện thực hiện các cuộc khủng bố để gieo rắc nỗi bất an ở khắp nơi. Những kẻ khủng bố là những người Hồi Giáo cuồng tín tin rằng họ đang thực hiện một cuộc thánh chiến chống lại ma quỷ là những nước tư bản Tây Phương. Sự cuồng tín này làm chất keo để gắn chặt những kẻ khủng bố lại với nhau dù họ thực sự không ở chung một chỗ. Và cũng từ sự cuồng tín này đã sản sinh ra những kẻ khủng bố đơn độc tự mình thực hiện các cuộc khủng bố tại những địa phương của họ. Cuộc chiến khủng bố không có tuyến đầu với kẻ địch rõ ràng. Cuộc chiến chống khủng bố đã bước qua giai đoạn khó lường, khó ngăn chận, khó đối phó hơn.
Còn nữa, dù những kẻ khủng bố không thực sự đại diện cho thế giới Hồi Giáo, và cũng đã bị các nước Hồi Giáo, các tổ chức Hồi Giáo lên án, nhưng tất cả những người tham gia vào đội ngũ khủng bố đều có niềm tin Hồi Giáo. Bởi vậy, cuộc chiến khủng bố ẩn núp bên sau động lực của một cuộc chiến giữa các nền văn hóa và văn minh của nhân loại trong thời hiện đại, giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo.
Điều này có thể được thấy qua sự vùng dậy của Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) vào tháng 6 năm 2014. Nhóm này có gốc gác từ al-Qaeda mà ra và đã lợi dụng tình hình bất ổn tại Syria và Iraq để chiếm một số vùng đặt làm vùng tự trị của họ. Vào tháng 3 năm 2019, nhóm ISIS đã bị đánh bật ra khỏi Iraq và Syria.
Cuộc khủng bố tại Mỹ trong ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã làm thiệt mạng 2,996 người, gồm 19 kẻ không tặc là khủng bố, và làm bị thương hơn 25,000 người khác, theo www.en.wikipedia.org cho biết. Số người chết gồm 265 hành khác trên 4 chiếc máy bay, 2,606 người chết tại World Trade Center và chung quanh, và 125 người chết tại Ngũ Giác Đài.
Viện National Institute of Standards and Technology (NIST) phỏng đoán rằng có khoảng 17,400 thường dân đang ở trong Tòa Tháp Đôi lúc hai tòa nhà này bị tấn công.
Nhiều tuần lễ sau vụ tấn công khủng bố, số người chết đã được phỏng đoán nhiều hơn 6,000, nhiều gấp đôi so với số người chết được xác nhận sau cùng. Thành phố New York chỉ có thể xác nhận thi thể đối với khoảng 1,600 người tại World Trade Center. Phòng giảo nghiệm y khoa đã thu thập “khoảng 10,000 xương và mảnh thịt không được xác nhận mà không thể trùng họp với danh sách của những người thiệt mạng.” Nhiều mảnh xương cũng còn được phát hiện vào năm 2006 bởi các công nhân chuẩn bị để phá hủy Tòa Nhà Ngân Hàng Deutsche Bank bị hư hại. Vào năm 2010, một nhóm nhà nhân chủng học và khảo cổ học đã tìm thi hài và các đồ đạc cá nhân tại Fresh Kills Landfill, nơi hơn 72 thi hài con người được khám phá, mang tổng số lên tới 1,845. Tiến trình thử nghiệm DNA đã và đang tiến hành để xác nhận những thi thể còn sót lại này.
Phí tổn về thiệt hại vật chất ít nhất là khoảng 10 tỉ đô la, theo www.en.wikipedia.org.
Ngày tưởng niệm biến cố 9/11 năm nay, 2020, cũng diễn ra trong tình huống hoàn toàn đổi thay vì một cuộc chiến khác: đại dịch vi khuẩn corona! Các buổi lễ tưởng niệm sẽ chủ yếu diễn ra trên không gian ảo, cho phép các sinh viên, giáo sư và nhân viên tại 5 trường đại học nằm trong hệ thống Đại Học Miền Bắc Tiểu Bang Georgia (UNG) và cho công chúng xem, theo bản tin của ký giả Clark Leonard được đăng trên trang mạng hệ thống đại học này hôm 4 tháng 9 năm 2020 cho biết. Các trang Instagram của Đại Học UNG và Hội Sinh Viên và Thiếu Sinh Quân của đại học này sẽ trực tiếp chiếu buổi lễ tưởng niệm.
Tiến Sĩ Billy Wells, đại tá Lục Quân về hưu và là phó chủ tịch đặc trách chương trình tham gia lãnh đạo và toàn cầu của Đại Học UNG, là phát ngôn viên cho sự kiện năm nay. Wells, Người Tốt Nghiệp Trường Quân Sự Xuất Sắc từ Đại Học Tiểu Bang Mississppi, đã về hưu Quân Đội vào năm 2005 sau 30 năm phục vụ. Ông cũng là sinh viên tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Chiến Tranh Lục Quân và có bằng thạc sĩ về giáo dục từ Đại Học Tiểu Bang Louisiana và tiến sĩ ngành giáo dục đại học từ Đại Học Vanderbilt.
Trong sự thay đổi so với những năm trước khi buổi thắp nến được tổ chức, sự kiện năm nay – và chiếu trực tiếp qua livestream – sẽ diễn ra vào trưa Thứ Sáu, ngày 11 tháng 9, được diễn ra tại khu Drill Field của Tướng William J. “Lipp” Livsey. Công chúng, sẽ gồm các cảnh sát, cứu hỏa và y tá địa phương, sẽ được giới hạn chỉ 50 người đến trước được vào và sẽ tuân theo quy định giữ khoảng cách xã hội giữa đại dịch Covid-19.
Trường Đại Học UNG đã mất 8 cựu sinh viên trong trận chiến kể từ ngày 11 tháng 9.
“Đây là sự kiện rất quan trọng đối với nhiều sinh viên. Nó là điều mà chúng tôi muốn vinh danh và tưởng nhớ,” theo Molly Vandiver, đại diện của Hội Sinh Viên Trường Đại Học Dahlonega trong hệ thống Đại Học UNG, cho biết. “Nó sẽ giúp chúng tôi một cảm giác bình thường.”
Vandiver, học sinh lớp 12 từ Trường Chickamauga thuộc tiểu bang Georgia, đang theo học để lấy bằng Cử Nhân Khoa Học Về Y Tá, nói rằng sự có mặt của các y tá trong sự kiện năm nay là một sự thích ứng tự nhiên. Quá nhiều giáo sư trong phân khoa y tá đã và đang phục vụ ở các tuyến đầu chống Covid-19.
“Thật là quan trọng để vinh danh những người này đã đem sinh mạng của họ đặt vào tuyến đầu và đối diện rất nhiều thay đổi trong lòng đại dịch này,” theo Vandiver phát biểu.
Một số nhà lãnh đạo từ Quân Đoàn Thiếu Sinh Quân của Đại Học UNG sẽ tham dự buổi lễ, nhưng vì các quan ngại về an toàn, toàn bộ Quân Đoàn sẽ không diễn hành tại sự kiện như khi họ đã có mặt tại lễ thắp nến trước đây.
Mallory Rodriguez, giám đốc nha sinh viên vụ tại Đại Học UNG, nói rằng ngày 11 tháng 9 là sự nhắc nhở sống động về những hy sinh mà người Mỹ có thể dễ dàng trao ra.
“Nó thật sự nhắc nhở bạn về con người muốn xông pha vào các tình cảnh chăm sóc cho những người khác mà chúng ta không thực suy nghĩ đến cho đến khi điều gì đó xảy ra,” theo Rodrigurz cho biết. “Họ nghĩ ngợi về điều đó mỗi ngày.”
Vào dịp tưởng niệm ngày 11 tháng 9 năm nay, hệ thống Đại Học UNG sẽ dựng một trạm tại khuôn viên Trường Dahlonega thuộc hệ thống UNG từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều ngày 10 tháng 9 nơi đó các sinh viên có thể viết những lá thư ủng hộ binh sĩ và những người cứu cấp tại địa phương. Hoạt động viết thư được đặt tên là “Lest We Forget” [Đừng Để Chúng Ta Quên], một thành ngữ thường dùng trong các buổi tưởng niệm của quân đội.
Binh Sĩ Nhất Chris Cato, phụ tá giám đốc về hoạt động quân sự của UNG nói rằng ngày 11 tháng 9 cũng là cách để nêu bật sự quan trọng của những người tiếp cứu tiền tuyến.
“Đó là tuyến đầu, tất cả những lính cứu hỏa và cảnh sát là những người xông vào các tòa nhà đang cháy để cố gắng cứu người,” theo Cato phát biểu. “Cực kỳ quan trọng đối với xã hội ngày nay để nhớ tới những hy sinh của rất nhiều người đàn ông và phụ nữ vào ngày 11 tháng 9.”
Tại New York cũng tổ chức các buổi tưởng niệm.
Sau 19 năm dường như ký ức con người cũng đã phai nhạt dần những cảnh tượng rợn người trong ngày khủng bố 11 tháng 9. Những người sinh ra trong ngày 11 tháng 9 thì nay đã thành một thế hệ đang lớn lên, 19 tuổi. Trong ký ức của họ sẽ không có gì cả về cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9. Họ chỉ biết về biến cố này qua sách vở, tài liệu, phim ảnh.
Nhưng chắc chắn họ sẽ học được bài học kiên cường và bất khuất của người Mỹ đứng lên và tiếp tục đi tới chứ không bị quật ngã bởi chủ nghĩa khủng bố tàn bạo.
11/09/2020
https://vietbao.com/p301436a304849/19-nam-sau-vu-khung-bo-ngay-11-thang-9-nam-2001