Điểm Báo Pháp 16-10-2014
Tổng thống Obama điện đàm với các lãnh đạo châu Âu về Ebola – REUTERS/Kevin Lamarque
Toàn thế giới chống Ebola
Theo RFI – Thanh Hà
Quốc tế dồn nỗ lực chống Ebola. Liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Bắc Kinh vô hiệu hóa phong trào dân chủ Hồng Kông. Trên đây là những chủ đề thời sự quốc tế chính trên các mặt báo Pháp sáng nay 16/10/2014.
“Quốc tế đang thua trong cuộc chạy đua với tử thần chống Ebola“. Đó là hàng tựa đập vào mắt độc giả báo Le Figaro. Theo thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới OMS, từ nay tới cuối năm, tại Châu Phi sẽ có thêm từ 5 đến 10 ngàn người bị lây nhiễm. Tính đến ngày 12/10/2014 trên thế giới đã cướp đi mạng sống của 4.493 người, tại 7 quốc gia trên thế giới : Liberia, Sierra Leone, Guinéa, Nigeria, Sénégal, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Tỷ lệ tử vong tại một số vùng đang bị nặng nhất lên tới 70 %. Cách nay vài tuần, Tổ chức Y sĩ không Biên giới MSF của Pháp đã báo động: «Tình hình đang vượt ngoài tầm kiểm soát». OMS phải nhìn nhận: «Virus Ebola gây sốt xuất huyết đang đi trước các chuyên gia một bước và đang trên đà chiếm thế thượng phong. Hoặc là nhân loại thành công trong việc chận đà lây lan ngay bây giờ, hoặc chúng ta phải đối mặt với một dịch bệnh quy mô chưa từng thấy. Quốc tế chưa có kế hoạch nào để đối diện với cơn đại hồng thủy về phương diện y tế đó». Bài báo của Le Figaro nêu lên những khía cạnh đáng sợ như là ở những ổ dịch nóng nhất thì nhân viên y tế lại thiếu phương tiện một cách nghiêm trọng. Tới nay, đã có hơn 400 bác sĩ và y tá bị lây nhiễm. Hơn một nửa trong số đó đã qua đời. Vừa qua, khoảng 2.000 người hưởng ứng kêu gọi của tổ chức phi chính phủ Avaaz, họ tình nguyện đến các vùng mà dịch bệnh đang hoành hành. Trong số đó hơn 360 người là bác sĩ, y tá. Hai tổ chức phi chính phủ của Mỹ đang đào tạo nhân viên thiện nguyện trước khi gửi họ tới các nước ở Tây Phi. Tổng thống Hoa Kỳ điện đàm với Thủ tướng Đức, Anh, Ý và Tổng thống Pháp để bàn về kế hoạch chống Ebola. Lịch làm việc của ông Obama bị virus Ebola làm xáo trộn. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng. La Croix không trấn an độc giả với câu hỏi phải chăng «Ebola đang trở nên ác liệt hơn»? Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm tại INSERM, Viện nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia của Pháp, Bernadette Murgue lưu ý: điểm mới đối với dịch Ebola là virus này có đà lây lan rộng, nhiều người bị lây nhiễm và khối lượng người bị lây nhiễm càng lớn chừng nào thì khả năng virus biến dạng lại càng cao chừng nấy. Tuy nhiên theo chuyên gia này, trước mắt kịch bản đó chưa xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là virus Ebola sẽ không biến dạng.
Kobané đang hấp hối
Mặt trận thứ nhì đang thu hút nỗ lực của quốc tế là cuộc chiến chống tổ chức Hồi giáo cực đoan EI đang gieo rắc kinh hoàng tại Irak và Syria. Le Monde nhận định «Kobané hấp hối, Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ», trong lúc liên minh quốc tế vẫn còn đang đi tìm một «lộ trình» để tiêu diệt quân thánh chiến mang tên tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Báo cộng sản L’Humanité mỉa mai: «Liên minh quốc tế lúng túng vì chính những mâu thuẫn của mình, dân Kobané hãy cố kiên nhẫn» trước các hành vi thô bạo của quân thánh chiến. Tờ báo nhắc lại một cách ngắn gọn: 22 quốc gia tham gia vào chiến dịch oanh kích tổ chức Hồi giáo cực đoan, mãi tới ngày 14/10/2014 mới họp lại tại Washington để san bằng những bất đồng về mặt ngoại giao và quân sự. Trong khi đó ở hiện trường, một nửa thành phố Kobané đã do quân Hồi giáo cực đoan kiểm soát. Trái ngược với thông tin của L’Humanité, đặc phái viên của báo Libération ghi nhận: tại Kobané, xung đột vẫn tiếp diễn, nhưng người dân cảm thấy dễ thở hơn vì từ 48 giờ qua, quân thánh chiến Hồi giáo đã phải lùi bước. Vào lúc tại Washington, đại diện của 22 quốc gia trong liên minh quốc tế «mài giũa» chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, thì tại Pakistan, quân Taliban cách nay hai tuần đã «mở rộng vòng tay với quân thánh chiến» ở Syria và Irak. Trong thông cáo đề ngày 04/10/2014 quân Taliban tại Pakistan thậm chí còn nói rõ là «sẵn sàng tiếp tay với những người đang cầm súng tại Syria, Irak và cả Yemen». Le Figaro nhắc lại những điểm tương đồng của hai phong trào Hồi giáo cực đoan này nhưng không quên lưu ý độc giả là Taliban Pakistan với tổ chức Nhà nước Hồi giáo khó có thể xích lại gần nhau vì hai lý do. Thứ nhất, tổ chức mang tên Nhà nước Hồi giáo EI là một đối thủ cạnh tranh với mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Trong khi đó quân Taliban tại Pakistan có được chỗ đứng như ngày nay là nhờ đã dựa vào Al Qaeda. Quân Hồi giáo cực đoan ở Pakistan có một mối quan hệ mật thiết với Al Qaeda đến nỗi mà chi nhánh của tổ chức khủng bố này tại khu vực Đông Nam Á do một thành viên của Taliban Pakistan điều hành. Trở ngại thứ hai đó là tới nay thủ lĩnh của tổ chức EI Abou Bakr al-Baghdadi tự xưng mình là lãnh đạo của những tín đồ ngoan đạo. Đây là điều mà tới nay quân Taliban tại Pakistan không chấp nhận.
Bắc Kinh vô hiệu hóa giới dân chủ Hồng Kông
Hai mặt trận y tế chống Ebola và chống quân Hồi giáo cực đoan đã đẩy lui thời sự nóng bỏng ở Hồng Kông xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên các tờ báo Paris vẫn chú ý đến phong trào dân chủ tại thuộc địa cũ của Anh Quốc qua các bài: «Trung Quốc cứng giọng với Hồng Kông», «Bắc Kinh muốn vô hiệu hóa các nhà dân chủ», «Cảnh sát trong thế tấn công». Le Figaro tiết lộ theo nhiều nguồn tin thông thạo, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã để cho Hồng Kông được hưởng nhiều quyền tự do nhưng tự do và dân chủ là những thứ gì mà càng cho thì quần chúng lại càng đòi thêm nhiều hơn nữa. Trong một cuộc họp kín vào đầu tháng 10 lãnh đạo số 1 Trung Quốc, Tập Cận Bình đã quyết định không nhượng bộ phe dân chủ Hồng Kông. Libération thậm chí trích lời một nhân chứng có mặt trong cuộc họp hồi đầu tháng, và nhân vật này khẳng định là «Nếu phe dân chủ Hồng Kông tiếp tục chống đối, thì Hồng Kông sẽ phải trả giá đắt, chứ không phải là Hoa lục và người dân Hồng Kông sẽ phải chịu thiệt thòi». Trong khi đó thì Tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu, kêu gọi Bắc Kinh nên từng bước tiến trên con đường dân chủ. Tổng thống Đài Loan nhắc lại: xưa kia ông Đặng Tiểu Bình đã cởi trói kinh tế, cho phép người dân làm giàu. Kẻ trước người sau dân Trung Quốc ngày nay đã giàu có. Đối với khát vọng dân chủ và giấc mơ được sống trong một nhà nước pháp quyền cũng vậy. Tổng thống họ Mã cho rằng, đã đến lúc Bắc Kinh nên để cho «kẻ đi trước, người theo sau» cùng tiến tới mô hình dân chủ. Cả Libération lẫn Le Figaro cùng đưa ra một quan điểm : Bắc Kinh đang bằng mọi giá tránh để xảy ra hiệu ứng đô mi nô từ phong trào dân chủ Hồng Kông, nhất là tránh để nổ ra những cuộc cách mạng hoa dù khác ở Tân Cương hay Tây Tạng.
Mexico: mafia và vụ 43 sinh viên mất tích
Rời Châu Á để sang tận Bắc Mỹ, La Croix và Le Monde cùng chú ý đến nỗi công phẫn trong dư luận Mêhicô về 43 sinh viên tại thành phố Iguala, vẫn bặt vô âm tín từ ngày 26/09/2014. Điều tra sơ khởi cho thấy chính quyền địa phương đã tiếp tay với các đường dây tội phạm ma túy trong vụ này. Iguala là một thành phố nhỏ, cách thủ đô Mêhicô khoảng 130 cây số về phía tây nam. Cuối tháng trước, trường cao đẳng Ayotzinapa bị cảnh sát tấn công. Hơn 40 sinh viên mất tích. Trước đó khoảng 100 học sinh của trường đã biểu tình chống lại các nhà cầm quyền tham ô. Cảnh sát và một toán lạ mặt mà giới điều tra cho là bộ hạ của những ông trùm ma túy Mêhicô thuộc nhóm Guerreros Unidos đã nổ súng làm 6 người thiệt mạng, hơn 20 người bị thương. Hàng chục người khác bị đưa lên xe cảnh sát mà không biết là họ bị đưa đi đâu. Từ đó tới nay 43 người mất tích. Người dân Mêhicô đòi chính quyền nhanh chóng mở điều tra. Một số kết quả sơ khởi cho thấy nhiều nhân viên cảnh sát tại chỗ và kể cả một số công chức địa phương, đồng lõa với các băng đảng mafia và có liên quan trực tiếp đến vụ 43 người mất tích nói trên. Cách nay hai ngày, một trong những tên đầu não của băng đảng Guerreros Unidos đã bị hạ sát trong một cuộc bố ráp cách không xa thủ đô Mêhicô. Tổng thống Enrique Pena Nieto hy vọng cái chết của tên bố già này xoa dịu lòng dân, nhưng Le Monde không tin là chính quyền sớm lấy lại uy tín với người dân. Nhất là trong bối cảnh sinh viên thường xuyên bị cảnh sát địa phương bắt giữ, câu lưu và đả thương.
Làm sống lại những nhà văn đã khuất
Để kết thúc mục điểm báo hôm nay, xin giới thiệu đến bạn nghe đài phần trang văn học của Le Monde. Tờ báo chú ý đến hiện tượng ở Pháp, mỗi mùa văn học đều là dịp để các nhà xuất bản « làm sống lại » những nhà văn đã khuất. Le Monde chọn ra 4 cây bút lớn của văn đàn thế giới : Jack London và Truman Capote của Mỹ, Julien Gracq của Pháp và Yasunari Kawabata của Nhật. Đành rằng tên tuổi của giải thưởng Nobel văn học Nhật Bản năm 1968 gắn liền với những «Tiếng Rền của Núi», hay «Người đẹp say ngủ», nhưng nhà xuất bản Albin Michel giới thiệu lại với độc giả Pháp 6 truyện ngắn của ông mang tựa đề «Mùa tuyết đầu trên đỉnh Phú Sĩ- Fuji no hatsuyuki»- Đó là 6 «truyện kể trong lòng bàn tay», sáng tác trong quãng thời gian từ năm 1952-1960.