18 tổ chức XHDS kêu gọi khởi kiện Formosa
Formosa cho đến nay vẫn được chính phủ cho phép hoạt động sau khi đồng ý chi trả số tiền 500 triệu đô la cho hành vi xả thải bất hợp pháp gây thảm họa môi trường cho 4 tỉnh miền Trung. Tuy nhiên số tiền tượng trưng này không thể bù đắp những thiệt hại to lớn về môi trường cũng như kinh tế của từng gia đình tại khu vực nó gây tai họa. Từ bức xúc này 18 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã gửi thư kêu gọi cộng đồng hợp sức khởi kiện Formosa để đòi lại quyền lợi chính đáng mà Formosa phải trả.
Bức thư đề ngày 30 tháng 8 có chữ ký của đại diện 18 tổ chức xã hội dân sự đang hoạt động tại Việt Nam trình bày diễn tiến mà công ty gang thép Formosa tại Vũng Áng đã gây ra cho người dân cũng như môi trường và các di lụy khác.
Theo nội dung bức thư, Formosa đã được chính phủ Việt Nam ưu đãi kể cả sau khi công ty này thừa nhận đã gây nên thảm họa và sự ưu ái đó được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện khi tiếp tục cho phép nó hoạt động.
Với số tiến 500 triệu đô la bồi thường, chính phủ cũng chưa chứng minh được sẽ giúp gì cho người dân bị trực tiếp là nạn nhân của Formosa, cũng như những phát hiện gần đây cho thấy Formosa tiếp tục chôn chất thải tại nhiều khu vực lân cận nơi nó đặt nhà máy.
Những thực tế này đã làm cho cả nước rúng động nhưng Formosa không có một biểu hiện gì thay đổi trong khi sản xuất, điều này sẽ dẫn tới những nguy hiêm khác về môi trường mà Formosa sẽ tạo ra cho con người và môi trường sống của Việt Nam.
Căn cứ những dữ kiện vừa nói, bức thư kêu gọi việc đưa Formosa ra trước tòa án để trả lời công khai các câu hỏi những gì mà nó trực tiếp gây ra. Bức thư đang được dư luận chú ý và đây là hoạt động dân sự mang tính tập thể được xem là mạnh mẽ và tích cực nhất với sự chính danh của các tổ chức xã hội dân sự.
TS Nguyễn Quang A, người tích cực nhất trong việc kêu gọi thành lập các tổ chức xã hội dân sự, cũng là đơn vị ký tên trong thư kêu gọi cho chúng tôi biết về mục tiêu của bức thư, không nhất thiết phải kiện Formosa tại các tòa án Việt Nam mà có thể nhắm tới mục tiêu xa hơn là tòa án quốc tế sau khi các nhà nghiên cứu luật cho biết phải làm gì:
“Tôi nghĩ cái chuyện kiện Formosa bất kể ai cảm thấy mình có lợi ích của mình vì Formosa vi phạm là có quyền khởi kiện. Có thể là một ngư dân, có thể là một tổ chức xã hội dân sự cũng có thể là một số tổ chức và kiện ở đây không nhất thiết phải gắn bó ràng buộc vào quy định pháp lý của Việt Nam.
Có Việt kiều đã kiện nhà nước Việt Nam ở Yên Bái tại sao người Việt Nam không kiện Formosa ở Đài Loan hay ở đâu đó mà nghĩ lầm là dứt khoát phải kiện ở Hà Tĩnh, ở Hà Nội hay kiện ở Sài Gòn? Vấn đề kiện ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng như vậy. Không phải nhờ mấy ông công an hay tòa án của Việt Nam này bởi vì kiện mấy ông ấy cũng như con kiến kiện củ khoai tại vì các ông ấy và Formosa nhiều khi đã trở thành bao che cho nhau hay thông đồng với nhau rồi thì rất khó đúng như anh nói.”
Formosa phải được định đúng tội và phải bội thường đúng
Ông Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động cho tự do tôn giáo và nhân quyền, đại diện cho Hội Tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam nói với chúng tôi về nhận định của riêng ông khi cùng ký tên vào lá thư này:
“Các tổ chức xã hội dân sự đều mong muốn Formosa phải được định đúng tội danh và phải bội thường đúng với giá trị mà họ đã gây ra cho bốn tỉnh miền Bắc Trung bộ. Hiện nay người dân trong nước họ biết rất nhiều về tình trạng Formosa thải những chất độc ra vùng biển Việt Nam nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của rất nhiều người dân tại đó và những vùng chung quanh.
Bản thân tôi đã gần 6-7 tháng nay đã không dám ăn cá biển vá khi có dịp ra chợ gặp những người buôn bán về cá biển thì họ cũng nói rằng việc mua bán kinh doanh cá biển hết sức khó khăn và họ không dám lây nguồn cá từ vùng biển, không biết vùng nào nhưng họ đều sợ và do đó nó ảnh hưởng đến đời sống người dân rất lớn. Những người dân trực tiếp đến vùng biển bị thiệt hại thì họ quyết tâm rất cao, họ muốn Formosa phải bồi thường đúng với các thiệt hại cũng như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải kiện Formosa ra tòa.
Những tổ chức xã hội dân sự thì mong cái tuyên bố này được đẩy mạnh và xa hơn nữa đền từng người dân và đó là trách nhiệm thuộc về xã hội dân sự bởi họ có mối tương quan tương thích với những nhóm người, nhóm cộng động trong đất nước thì họ phải thúc đẩy điều đó.
Tôi thấy rằng Đức cha Nguyễn Thái Hợp vừa đưa ra những kêu gọi giáo dân công giáo phải quan tâm về môi trường nói chung và Formosa nói riêng. Vấn đề này đã được thúc đẩy rất tốt ở những vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An và nó đi vào đời sống người công giáo. Tôi là một thiện nguyện viên ở Văn phòng Công lý và Hòa Bình tôi thường xuyên tiếp xúc với giáo dân và tôi thấy họ quan tâm rất đặc biệt tới tình trạng ô nhiễm môi trường mà vừa rồi là vụ Formosa.”
Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo xứ Phú Yên, với tư cách là chủ chăn của 1.200 giáo dân tại nơi mà ảnh hưởng của thảm họa đè nặng lên tất cả mọi người không chừa một ai, cho biết hiện trạng của người dân trong giáo xứ Phú Yên, linh mục Nam nói:
“Ở đây có 1.200 giáo dân, xứ Phú Yên thì 100% người ta sống vào biến sống nhờ biển và vì thế khi biển chết thì họ chết dần theo với biển. Thảm họa đã xảy ra thì cá biển chết, nhiễm độc. Chúng ta thấy hiện tượng bây giờ: thuyển nằm bờ và nếu có đi đánh bắt xa bờ chăng nữa thì khi về con người ta rất may nếu hòa vốn còn không thì lỗ, phải vay vốn đầu tư.
Đánh bắt về thì cũng khó tiêu thụ trên sản phẩm mình đánh bắt về được. Bây giờ người dân vẫn còn rất hoang mang và không ai dám tiêu thụ. Chằng hạn như cách đây 3 ngày một người dân tại thành phố Vinh đã ăn con ghẹ và đã nhiễm độc nặng và chết cách đây 3 hôm cho nên việc người dân đánh bắt cá về cũng rất khó tiêu thụ, người dân không tiêu thụ cho.
Hoàn cảnh của gia đình họ chúng ta thấy rất bi đát. Người ngư dân vốn đã nghèo rồi bây giờ lại càng thê thảm hơn. Họ đang đứng trước nguy cơ phá sản bởi vì nợ ngân hàng mà họ vay để đầu tư vào các phương tiện đánh bắt cá, bây giờ không sử dụng được và sẽ là món nợ làm cho người ta phá sản.
Con cái của họ đang dứng trước nguy cơ không được đến trường và trong những ngày đấu năm học mới và đã tựu trường rồi thì tôi là người đang nỗ lực hết mình để vận động cho người dân cho con em đến trường. Tôi phải hứa là sẽ giúp đỡ cho con em họ về học phí để họ có can đảm cho con đến trường, đó là điều gay cấn ngay từ bây giờ.
Thứ hai nữa là tất cả các tài sản đã tích cóp được thì người ta đã đem cầm cố hay bán đi mà lo cho chi tiêu hàng ngày của mình. Cho đến hôm nay thì chính phủ chưa có động thái gì tại khu vực của giáo xứ của tôi cả mặc dù đó chỉ là hỗ trợ gạo hay đưa ra lời nói gì.”
Hiện trạng của người dân và môi trường đang bị đe dọa không riêng gì tại 4 tỉnh miền Trung mà còn sẽ lây lan ra cả nước đã khiến bức thư kêu gọi khời kiện Formosa nóng bỏng hơn.
Người dân trong khu vực thảm họa có lẽ chờ đợi vụ kiện này hơn ai hết vì họ là nạn nhân, như lời linh mục Đặng Hữu Nam chia sẻ, đang cầm cố hay bán đi tới những vật dụng cuối cùng để sống sót, nhưng thời gian sẽ cho họ cơ hội bao lâu nữa khi sống bằng những thứ mà họ chắt chiu dành dụm bấy lâu nay là câu hỏi khó trả lời nếu vụ kiện không được thành hình. – RFA