CSVN đẩy mạnh cải tổ ngân hàng quốc doanh

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN đẩy mạnh cải tổ ngân hàng quốc doanh

Tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam bị cho là cao hơn nhiều so với con số được công bố

Theo BBC 6/10/2014

Hôm 1/10, tạp chí tài chính ngân hàng The Banker đã đăng bài viết của tác giả Peter Janseen nói về khủng hoảng nợ xấu tại Việt Nam và nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Hà Nội.
BBC giới thiệu đến quý độc giả những nội dung chính. Sau khi bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực ngân hàng của Việt Nam đang bước sang một thời kỳ mới, với việc chính phủ ưu tiên tái cơ cấu khối ngân hàng quốc doanh nhằm khắc phục tình trạng nợ xấu và ổn định nền kinh tế. Ban đầu, tại Việt Nam chỉ có một ngân hàng duy nhất – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV). Ngày nay, ở nước này đã có khoảng 40 ngân hàng do nhà nước sở hữu toàn phần hoặc một phần và ngân hàng tư nhân. Buớc ngoặt quan trọng nhất đối với khu vực ngân hàng Việt Nam là vào năm 1988, khi SBV cho ra đời 4 ngân hàng từ các chi nhánh cũ: AgriBank (nông nghiệp), VietinBank (công nghiệp), VietcomBank (thương mại) và BIDV (cho cơ sở hạ tầng), tương tự với mô hình ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.

Chọn sai thời điểm

Đầu những năm 90, SBV bắt đầu cung cấp giấy phép cho những ngân hàng có vốn phần lớn là tư nhân. Ngay trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO vào năm 2007, một loạt các ngân hàng cấp quốc gia đã ra đời sau khi nhiều doanh nghiệp mua lại và sáp nhập các ngân hàng cấp địa phương với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, thay vì chứng kiến phép màu kinh tế, thời điểm gia nhập WTO của Việt Nam lại trùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nóng, với mức vay bình quân tăng khoảng 33% giữa năm 2004 đến 2011, Việt Nam đã chứng kiến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 2010, vỡ bong bóng bất động sản vào năm 2011 và khủng hoảng nợ xấu vào năm 2012. Tỷ lệ nợ xấu, theo thống kê từ các ngân hàng thương mại trong nước, hiện nay là 5%, trong khi SBV ước tính con số này là gần 9%. Nhiều ý kiến từ giới quan sát lại cho rằng tỷ lệ nợ xấu hiện nay lên đến 15%. Khoảng cách trong thống kê một phần là do sự khác biệt trong cách phân loại nợ xấu. Trong một báo cáo mới nhất về khu vực tài chính của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã bày tỏ quan ngại về “chất lượng thống kê tài chính” và cho rằng cách đánh giá nợ xấu hiện này là “không đáng tin cậy”.

Tái cơ cấu

 
Giới đầu tư nước ngoài có thể sớm chiếm thêm cổ phần tại các ngân hàng quốc doanh ở Việt Nam                    

SBV đã có nhiều bước đi để cải thiện khủng hoảng nợ xấu. Năm 2011, cơ quan này thông báo sẽ giảm số lượng các ngân hàng trong nước từ 40 xuống còn 15 hay 17 trước năm 2016, mặc dù giới quan sát cho rằng mục tiêu khả thi hơn là giảm xuống còn 20 ngân hàng vào trước năm 2020. Tháng Bảy năm 2013, SBV lập công ty quản lý tài sản VAMC, với khoản vốn ban đầu là 24 triệu đôla, nhằm giúp mua lại nợ xấu từ các ngân hàng để đổi lại trái phiếu chính phủ. Chỉ trong 7 tháng đầu tiên, VAMC đã mua lại khoảng 2,5 triệu đôla nợ xấu, nhưng sau đó hoạt động của công ty này đã chậm lại. “VAMC muốn bán nợ xấu trên thị trường nợ, nếu không chúng ta không thể giải quyết vấn đề nợ xấu”, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên Cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhận định. Bốn ngân hàng quốc doanh lớn của Việt Nam – Agribank, ViettinBank, BIDV và VietcomBank, chiếm khoảng 50% nợ và 38% tổng số vốn điều lệ (theo khảo sát của KPMG). Những ngân hàng này chiếm đa phần nợ xấu, theo giới quan sát. Việc nới giới hạn vốn góp cho khối ngoại tại các ngân hàng này một phần trong quá trình tái cơ cấu, ví dụ như ngân hàng Mizuho Corporate chiếm 15% cổ phần ngân hàng VietcomBank hay như ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ chiếm 19,73%. Ông Trần Phương, phó chủ tịch của BIDV cũng cho biết ngân hàng này đang có kế hoạch giảm cổ phần nhà nước trong những năm tới. “[Các nhà đầu tư nước ngoài] có thể nắm tối đa là 30% cổ phần của BIDV, đồng nghĩa với việc đến cuối năm 2015, nhà nước chỉ còn sở hữu khoảng 65% cổ phần tại đây”. “Chúng tôi còn có kế hoạch, tất nhiên là với sự cho phép của thủ tướng, để đẩy cổ phần nhà nước xuống còn 51% trong 5 năm tới,” ông Phương nói thêm. Trong lúc 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất vẫn được cho là sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, 8 ngân hàng tư nhân quy mô vừa hiện nay được cho là các định chế tài chính với nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn. Một ví dụ cho thấy Techcombank, với 19,41% cổ phần nằm trong tay HSBC, đã dẫn đầu mảng ngân hàng bán lẻ. Tính đến ngày 30/6, Techcombank có khoảng 315 chi nhánh trên toàn quốc, với tăng trưởng tín dụng đạt 5,3% so với mức trung bình 3,52% của toàn ngành và lãi ròng tăng 45%. Tuy nhiên, ông Tareq Muhmood, giám đốc đại diện của ngân hàng ANZ tại Việt Nam, cho biết một nửa khách hàng vay vốn của ngân hàng này là các nhà đầu tư nước ngoài, và một nửa là các tập đoàn trong nước, trong đó có nhiều tập đoàn nhà nước. “Các tập đoàn nhà nước vẫn là một phần rất lớn của nền kinh tế,” ông nói.