Việt Nam cần tham gia sáng kiến của Bộ Tứ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam cần tham gia sáng kiến của Bộ Tứ

Hoàng Thanh Minh – 2022.06.18 – Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy những cường quốc như Nga đã bất chấp luật pháp quốc tế. Điều này đã khiến rất nhiều người dân tại Ukraine rơi vào thảm cảnh, và cũng khiến cho cả thế giới rối loạn.

Việt Nam cần tham gia sáng kiến của Bộ Tứ

Lãnh đạo các nước trong nhóm Quad họp tại Tokyo, Nhật Bản, hôm 24/5/2022 – Reuters

Không chỉ Nga, mà Trung Quốc – một cường quốc đang muốn trở thành “bá chủ thế giới” cũng đang muốn nối gót Nga để “xưng hùng xưng bá”. Từ khi Trung Quốc trở nên giàu có, nước này đã liên tục gia tăng sức mạnh quân sự, đe doạ an ninh khu vực và thế giới.

Trung Quốc đã tổ chức những đoàn tàu cá vô cùng đông đảo,
vừa để càn quét các loại hải sản, vừa là làm cái gọi là để “thực hiện
chủ quyền trên biển”, đồng thời đội tàu cá này sẵn sàng trợ giúp Hải
quân và Hải cảnh Trung Quốc trong việc đe doạ, tấn công các tàu cá của
các quốc gia khác, đặc biệt là trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong bối cảnh đó, an ninh hàng hải và việc tuân thủ luật
pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS),
cùng với việc duy trì tự do hàng hải và hàng không để duy trì trật tự
trên biển dựa trên các quy tắc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là rất quan
trọng. Chính vì vậy, trong kỳ họp thượng đỉnh của Nhóm Bộ tứ (Quad) vừa
qua, các quốc gia này đã phải tìm kiếm giải pháp để chống lại sự đe doạ
từ Trung Quốc trên các vùng biển nói trên.

Trong kỳ nhóm họp Nhóm Bộ tứ tại Tokyo vừa qua, các quốc
gia Nhóm Bộ tứ đã đưa ra sáng kiến “Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” (viết tắt là IPMDA) nhằm tăng
cường sự hợp tác với các đối tác khu vực để giải quyết vấn đề nhân đạo,
thảm họa thiên nhiên và đánh bắt cá trái phép ở khu vực Ấn Độ Dương và
Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo của Bộ tứ cũng tái khẳng định phản đối
“bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn
phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng trong
khu vực, chẳng hạn như quân sự hóa các địa điểm còn tranh chấp, sử dụng
nguy hiểm các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân hàng hải, và các nỗ
lực nhằm làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên xa bờ của các
quốc gia khác ”. (1)

Tuyên bố này dù không nói rõ, nhưng ai cũng biết rằng đó là nhằm vào Trung Quốc.

IPMDA là gì?

IPMDA là một sáng kiến “được thiết kế để thực hiện với các
đối tác trong khu vực nhằm ứng phó với các thảm họa thiên nhiên và nhân
đạo, đồng thời chống đánh bắt cá bất hợp pháp. IPMDA sẽ hỗ trợ và làm
việc với sự tham vấn của các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và
các trung tâm tổng hợp thông tin khu vực ở Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và
các đảo Thái Bình Dương bằng cách cung cấp công nghệ và đào tạo để hỗ
trợ nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải được chia sẻ nhằm thúc đẩy
sự ổn định và thịnh vượng trên các vùng biển và đại dương.” (2)

Sáng kiến này sẽ giúp chuyển đổi năng lực của các đối
tác ở các đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương trong
việc giám sát đầy đủ các vùng biển ven bờ của họ, đồng thời duy trì một
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Sáng kiến này cũng sẽ cung cấp một nhận thức tổng thể về
lĩnh vực hàng hải một cách thiết thực, tích hợp và hiệu quả về chi phí.
Các hoạt động chung này sẽ tích hợp ba khu vực quan trọng – quần đảo
Thái Bình Dương, Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương – trong một khu vực
rộng lớn hơn, đó chính là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Lợi ích của sáng kiến này rất lớn, nó sẽ cho phép theo dõi “các
tàu trong bóng tối” (tức là các tàu đánh bắt hoặc vận chuyển gian lận,
chuyên tắt các tín hiệu theo dõi) và các hoạt động cấp chiến thuật khác,
chẳng hạn như phối hợp trên biển, cũng như cải thiện khả năng của các
đối tác trong việc ứng phó với các sự kiện khí hậu và nhân đạo cũng như
bảo vệ nghề cá của họ, vốn rất quan trọng đối với nhiều nền kinh tế Ấn
Độ – Thái Bình Dương.

IPMDA sẽ khai thác dữ liệu có sẵn hiện nay bằng cách sử
dụng các công nghệ hiện có. Thông qua sự kết hợp của Hệ thống Nhận dạng
Tự động và các công nghệ tần số vô tuyến, các đối tác của Quad có thể
cung cấp một “chuỗi hoạt động chung” chưa từng
có. Vì nguồn gốc thương mại của nó, dữ liệu này sẽ không được phân loại,
nhưng cho phép Quad cung cấp nó cho nhiều đối tác muốn hưởng lợi.

Sáng kiến này cũng sẽ mở rộng việc hỗ trợ chia sẻ thông tin giữa các trung tâm tổng hợp khu vực hiện có, chẳng hạn như:

i) Trung tâm Kết hợp Thông tin-Khu vực Ấn Độ Dương, có trụ sở tại Ấn Độ.

ii) Trung tâm Kết hợp Thông tin, có trụ sở tại Singapore.

iii) Cơ quan Nghề cá của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, có trụ sở tại Quần đảo Solomon.

iv) Trung tâm Hợp nhất Thái Bình Dương, có trụ sở tại Vanuatu.

Trung Quốc phản bác quyết liệt

Cho đến nay, Trung Quốc luôn là quốc gia đứng đầu trên thế
giới về số lượng các tàu cá hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo
cáo và không được quản lý (Viết tắt là IUU) (3).

Không chỉ đánh bắt cá trái phép với các phương pháp làm
huỷ hoại các rạn san hô và môi trưởng tại các vùng biển, mà Trung Quốc
còn không ngần ngại thể hiện mục tiêu độc chiếm các vùng biển Đông và
biển Hoa Đông. Đã nhiều lần các quốc gia Đông Nam Á đã tố cáo nhiều tàu
cá Trung Quốc đâm chìm các tàu cá của ngư dân nước họ. (4) (5)

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc lại kịch liệt bác
bỏ sáng kiến IPMDA này. Tác giả Hồ Ba viết trên Thời báo Hoàn Cầu cho
rằng: “trên thực tế, “đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được
kiểm soát” (IUU) là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi những nỗ lực chung
không phân biệt đối xử. Tình trạng trên có thể tồn tại ở các tàu đánh cá
Trung Quốc, và Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ né tránh, và đã có
nhiều hành động thiết thực và hiệu quả…Về bản chất, sáng kiến này là
phát động một hành động “làm ô danh Trung Quốc” mới trên phạm vi quốc tế
thông qua cái gọi là “chia sẻ thông tin”. Thông qua những dữ liệu này,
tạo ra trên trường quốc tế ấn tượng mạnh về “tàu đánh cá Trung Quốc ở
khắp mọi nơi”, và gây ra các chủ đề nóng như “tàu đánh cá Trung Quốc phá
hủy nguồn lợi thủy sản và môi trường, Trung Quốc ép buộc các nước khác
thông qua tàu đánh cá” và “tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp
trong vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia khác”…, bôi nhọ
các hoạt động bình thường của tàu cá Trung Quốc, gây thêm xích mích
ngoại giao và tranh chấp trong dư luận quốc tế đối với Trung Quốc.” (6)

Ông Hồ Ba còn khẳng định thêm rằng “ Một số nhà phân tích
lo lắng rằng việc giám sát các tàu đánh cá có thể chỉ là “món khai vị
trước”, sáng kiến này có thể bao gồm việc giám sát các tàu công vụ, tàu
hải cảnh và tàu hải quân của Trung Quốc trong tương lai. Bởi xét từ góc
độ kỹ thuật, nếu hệ thống của Bộ tứ có thể theo dõi các tàu đánh cá, thì
nó có thể theo dõi các tàu khác. Quân đội Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và
Australia có thể không xa lạ với dữ liệu và thông tin của các hệ thống
dân sự như vậy, nhưng đối với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương, đó có thể chỉ là tin tức.” (7)

Việt Nam cần ủng hộ và tham gia IPMDA

Khẳng định của ông Hồ Ba lại càng làm rõ thêm các lợi ích của sáng kiến IPMDA này.

Hiện nay, Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong danh sách các quốc gia chịu thẻ vàng đối với vấn đề IUU của EU. (8)

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một quốc gia nằm biển Đông và
luôn nằm dưới sự đe doạ của Trung Quốc. Trung Quốc năm 2014 đã mang một
giàn khoan khổng lồ đặt vào trong EEZ của Việt Nam. Kể từ năm 2007 tới
nay, báo chí Việt Nam luôn đưa các thông tin cho thấy nhiều tàu cá Việt
Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, bắt giữ và bắt chuộc tiền. Nhóm Bộ tứ đã
nhiều lần công khai mời gọi quốc gia này tham gia, nhưng Việt Nam còn
ngại ngần vì nhiều lý do.

Thế nhưng, với Sáng kiến IPMDA, việc Việt Nam tham gia rõ
ràng sẽ có lợi rất nhiều cho quốc gia này trong việc tăng cường kiểm
soát, chống lại tình trạng đánh bắt cá vi phạm IUU của chính mình, đồng
thời có thể chống lại được các đe doạ về an ninh nguồn cá cũng như các
tham vọng lãnh thổ trên biển Đông của Trung Quốc.

____________

Tham khảo:

1. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/24/quad-joint-leaders-statement/

2. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/24/quad-joint-leaders-statement/

3. https://ipdefenseforum.com/2021/06/chinas-iuu-fishing-threatens-more-than-livelihoods-economic-stability/

4.
https://thanhnien.vn/tau-trung-quoc-dam-chim-tau-ca-philippines-o-bien-dong-bi-nghi-lien-quan-den-dan-quan-bien-post892807.html

5. https://tuoitre.vn/vu-tau-tq-dam-chim-tau-ca-viet-nam-philippines-tuyen-bo-ung-ho-viet-nam-20200408192109077.htm

6. https://www.globaltimes.cn/page/202205/1266543.shtml

7. https://www.globaltimes.cn/page/202205/1266543.shtml

8. https://vasep.com.vn/DATA/IMAGES/2020/11/14/20201114140723770sach-trang-ve-chong-khai-thac-iuu-o-viet-nam-1-0.pdf

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Tin, bài liên quan
Bài được đọc nhiều nhất
RFA
Nghi ngờ xung quanh khoản tiền tỷ phú Nguyễn Phương Thảo tài trợ đại học Anh