Việt Nam trước ngã ba đường và các bài học lịch sử
TS Nguyễn Tiến Hưng – Gửi bài cho BBC từ Virginia, Hoa Kỳ – 2 tháng 4 2022
Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc (TQ) như Ukraine nằm cạnh Nga. Nguy cơ bị láng giềng kiểm soát, thậm chí tấn công luôn tồn tại.
Đầu tiên, tôi xin giới thiệu lại cuộc họp lịch sử giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlan Nehru vào năm 1954:
–Thủ tướng Nehru: “Mặc dù Hoa Kỳ rất mạnh về quân sự và tài chính, nhưng luôn lo sợ mất vị trí (lãnh đạo) của mình.”
–Chủ tịch Mao: “Chẳng có quốc gia nào có thể đem quân vào Hoa Kỳ nhưng người ta cho rằng Hoa Kỳ sợ mất đi những khu vực mà họ đã chiếm đóng ở nhiều nơi trên thế giới …”
–TT Nehru: “Hoa Kỳ là một quốc gia lớn với quy mô lãnh thổ và dân số… nhưng Hoa Kỳ luôn sợ rằng quyền lợi của mình sẽ bị tổn hại. Giống như tất cả những người đã có sẵn quyền lợi, Hoa Kỳ đang lo lắng, sợ hãi. Bởi vậy, họ muốn bảo vệ quyền lợi của mình.”
–CT Mao: “Sự sợ hãi của Hoa Kỳ thật sự là quá đáng. Hoa kỳ đã đẩy tuyến phòng thủ của mình tới Đại Hàn, Đài Loan và Đông Dương, là những nơi thật xa Hoa Kỳ nhưng lại rất gần chúng tôi. Điều này làm cho giấc ngủ của chúng tôi không được yên giấc (This makes our sleep unsound).
–TT Nehru: “Đúng”.
–CT Mao: “Điều này làm cho chúng tôi khó ngủ yên giấc” (This has made it difficult for us to have a sound sleep).
Đây là biên bản cuộc họp lịch sử giữa ông Mao và ông Nehru, vào ngày 19/10/1954. Biên bản này mới được giải mật, soi sáng nhiều về những suy nghĩ, tính toán của hai nhà lãnh đạo của hai nước đông dân nhất thế giới trong thời gian sau Thế Chiến II. Cuộc họp kéo dài ba ngày (19-23-26 tháng 10,1954).
Khi ông Mao bình luận rằng việc Mỹ “lấn ra” như vậy đã làm cho ông ngủ không yên giấc – và nói hai lần sát nhau – trong chỉ vài phút thì ta thấy ông đã ý thức được mức nghiêm trọng của những cái chốt của Mỹ ở Á Châu để bao vây Trung Quốc như thế nào.
Chiến lược bốn lá chắn của Mỹ
Phần lớn những sự kiện lịch sử nói trên đều nằm trong hai chiến lược: một là chiến lược “Bao vây bốn phía Trung Quốc” – mà chúng tôi gọi là “Chiến lược bốn lá chắn”, đối lại là chiến lược “Xây Vạn lý Trường Thành Trên Biển” của Trung Quốc để ngăn chặn Mỹ ở Biển Đông, rồi đẩy luôn Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương.
Đây là một chủ đề dài, vượt ra giới hạn số trang của bài này, nên chúng tôi chỉ tóm lược vắn gọn về chiến lược của Mỹ.
Ngày 25/3/1965, khi TT Lyndon Johnson cho 3,500 lính TQLC đổ bộ vào Đà Nẵng, mục đích chỉ là để giữ an ninh cho phi trường này. Sau đó tuy đã oanh kích Bắc Việt nhưng ông vẫn còn tính toán, chưa quyết định mang nhiều quân vào Việt Nam.
Nhưng chỉ mấy tháng sau, ngày 3/11/1965 Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã nộp cho ông một báo cáo dài và rất thuyết phục rằng Trung Quốc “đang trở thành một quyền lực lớn mạnh đe dọa vai trò quan trọng và sự hữu hiệu của Hoa Kỳ. Và xa hơn nhưng quan trọng hơn, đó là Trung Quốc đang sắp xếp, tổ chức để tất cả các nước Á Châu chống lại chúng ta,” cho nên phải gấp rút bao vây Trung Quốc từ cả bốn phía: Bắc, Nam, Đông, và Tây.
Ông thuyết minh với TT Johnson:
“Trên căn bản là chúng ta đã nhận thức được rằng Liên Xô đã chận Trung Quốc từ phía Bắc và Đông Bắc rồi, vì vậy, để bao vây Trung Quốc, Mỹ phải thiết lập ba mặt trận còn lại và coi đó như một phần của chiến lược lâu dài nhằm ngăn chận quốc gia này, đó là:
1.Mặt trận Nhật Bản – Hàn Quốc;
2.Mặt trận Ấn Độ (Pakistan); và
3.Mặt trận Đông Nam Á.”
Như trên đây, chúng tôi gọi vòng vây này là “chiến lược bốn lá chắn.”
Lá chắn ở phía Bắc và Đông Bắc: Liên Xô
Bộ trưởng McNamara cho rằng về phía Bắc thì đã có Liên Xô chặn sẵn cho Mỹ rồi, cho nên Mỹ chỉ cần tập trung vào ba phía còn lại. Kể cũng lạ. Quan hệ của Trung Quốc và Liên Xô thì như ‘môi hở răng lạnh’ mà tại sao lại có tình huống này?
Nghiên cứu cho kỹ thì mới thấy rằng cái biên giới Trung – Xô dài 4.380 km, núi đồi hiểm trở, gây ra nhiều tranh chấp từ lâu về lãnh thổ. Năm 1969, có giao tranh dữ dội ở biên giới. Lúc đó đang ở Washington, chúng tôi đã hồi hộp theo dõi tin tức về việc Liên Xô di chuyển đại quân tới biên giới Trung-Xô.
Ngày 15/03/1969 (ngay sau khi Nixon nhậm chức), có đụng độ quân sự Trung – Xô thật lớn tại sông Ussuri: giao tranh dữ dội, kéo dài tới 9 giờ. Xe tăng, thiết giáp, đại pháo, rốc két đều dược sử dụng và hai bên đều tổn thất nặng nề. Sau Ussuri, còn những giao tranh lẻ tẻ tại sông Amur, rồi hồ Zhalanashkol vào mùa Hè và mùa Thu 1969.
Khi lâm nguy Trung Quốc cầu cứu Mỹ. Mối hận thù của Bắc Kinh đối với Washington thì đã sâu đậm từ trên hai thập niên. Trung Quốc gọi Hoa Kỳ là “con cọp giấy”. Ông Mao còn tuyên bố “Chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ thù hung ác nhất của nhân loại.”
Nhưng khi Trung Quốc gặp phải một hoàn cảnh cực kỳ hiểm nghèo thì Mao đã cầu Nixon. Ngày nay, nhờ có được những tài liệu giải mật của ‘National Security Archive’ nên chúng ta mới hiểu rõ được đầu đuôi câu chuyện. Đó là: Qua thủ tướng Pakistan là Yahya Khan, ông Chu Ân Lai cho ông Henry Kissinger biết: dù Trung Quốc đã sẵn sàng nhượng bộ về việc tranh chấp lãnh thổ, nhưng vẫn lo Liên Xô có thể tấn công trước, để đánh phủ đầu (preemptive attack).
Trong khi đó, Liên Xô lại thăm dò Mỹ xem có đồng ý và nối tay với họ hay không? Mỹ đã từ chối và còn cho thấy là đứng về phe Trung Quốc qua việc lập tức tháo gỡ chiến dịch cấm vận hai mươi năm. Thấy vậy, Liên Xô đề nghị đàm phán về lãnh thổ và Bắc Kinh chấp thuận. Cuộc khủng hoảng chấm dứt.
Quan hệ Putin – Tập Cận Bình ngày nay
Tuy rằng TT Putin và CT Tập rất gần gũi nhau, nhưng sự tranh chấp lãnh thổ ở vùng Siberia lớn rộng thì như đám than hồng, âm ỷ có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Ngày 3/7/2014 tờ New York Times đã có bài cảnh báo về đại họa có thể xảy ra tại biên giới Nga dưới tựa đề ‘Tại sao Trung Quốc sẽ đòi lại Siberia?”
Rồi ngày 8/7/2017 tờ South China Morning Post bình luận về cùng một sự kiện dưới chủ đề “Người Trung Quốc ở Viễn Đông Nước Nga: một quả bom nổ chậm về địa chính trị?”
Bởi vậy ta có thể kết luận được rằng: trong một thời gian trông thấy, Mỹ vẫn có thể yên tâm được rằng Bắc Kinh sẽ không thể phá vỡ được hàng rào biên giới, cái tuyến tự nhiên nhưng giúp cho Mỹ. Và như vậy, Mỹ sẽ dành năng lực để củng cố ba cái chốt còn lại:
Lá chắn ở phía Tây: Ấn Độ
Dù Ấn Độ theo chính sách trung lập, nhưng bang giao Mỹ và Ấn càng ngày càng nồng ấm, như mọi người đã thấy, nhất là từ thời TT Trump. Ông liên tục mô tả Ấn Độ là một trong những đồng minh chính trong khu vực. Cụm từ ‘khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương’ bây giờ đã thay thế cho cụm từ ‘Á Châu -Thái Bình Dương.’
Về hệ thống quân sự, ngày 31/5/2018 Bộ trưởng quốc Phòng Jim Mattis tuyên bố ở Hawaii: “Để ghi nhận sự kết nối ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hôm nay chúng tôi đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ.”
Cuộc chiến Ukraine hiện đang làm cho “Ấn Độ lung lay,” như lời TT Biden. Nhưng khi Thủ tướng Modi nhìn lại lịch sử thì sẽ thấy chính Thủ Tướng Nehru, (trung lập), cũng đã phải cầu cứu Hoa Kỳ khi lâm nguy, như đã đề cập trong bài trước.
Lá chắn ở phía Đông là Đài Loan vàHàn Quốc
Vì Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ rồi, lại đã được trang bị với những vũ khí tối tân, và quân đội Mỹ vẫn còn đóng ở nơi đây, vì vậy chỉ còn Đài Loan là điểm nóng. Cho nên ta mới hiểu tại sao Chủ tịch Tập luôn tuyên bố là Đài Loan phải được giải phóng và sẽ được giải phóng. Tình hình ở khu vực này hiện đang rất sôi động, có thể làm cho ông Tập cũng ngủ không yên giấc như ông Mao?
Vì nếu tấn công Đài Loan thì cũng không dễ vì – khác với Việt Nam – trong mười năm qua, Đài Loan đã đầu tư rất nhiều để mua khí giới tối tân, khu trục, tên lửa từ Mỹ. Và khả năng cao là Mỹ sẽ can thiệp. Điều này thì chính TT Joe Biden đã khẳng định hai lần.
Lá chắn ở phía Nam: Việt Nam
Chính vì quan niệm lá chắn mà TT Lyndon B. Johnson đã đi tới quyết định mang đại quân vào Việt Nam năm 1965 . Ông đã leo thang một nấc thật cao trong chiến lược “ngăn chận’ TQ (containment) của các Tổng thống Truman, Eisenhower, Kennedy.
Nhưng đến thời TT Richard Nixon thì chiến lược này bị gián đoạn vì quan niệm rằng có thể đổi thù thành bạn nên đã hòa hoãn với TQ. Chủ mưu của sự thay đổi chiến lược chính là Cố Vấn Henry Kissinger. Ngày nay thì Mỹ rất hối tiếc về sự việc là Kissinger đã giúp cho TQ trên bốn thập niên. TQ đã ru ngủ nước Mỹ. Bây giờ thì hùng mạnh đến mức ra mặt thách đố Hoa Kỳ.
Dù chậm còn hơn không bao giờ: Mỹ đã thức tỉnh.
Tái khởi động vòng vây Trung Quốc
Cho nên Mỹ đã tái khởi động bốn lá chắn qua chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bây giờ lại thêm nước Úc là lá chắn ở Nam Thái Bình Dương, chính là một cửa thông sang Ấn Độ Dương. Vì vậy ta có thể hiểu được tại sao TT Donald Trump đã thăm viếng Việt Nam ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ.
Toàn bộ tài liệu Bộ Quốc Phòng “United States-Vietnam Relations” dài 7.000 trang (12 tập) được giải mật ngày 13/6/2011 đã đề cập rõ ràng tới sự kiện này.
Ngày 31/05/2018 ông Trump tăng cường và chuyển đổi Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Pacific Command-PACOM) thành ra Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương (INDOPACOM);
Sang ngày 21/09/2019 chính thức thành lập một binh chủng thứ sáu: Lực Lượng Không Gian (Space Force);
Hoa Kỳ tăng ngân sách của lực lượng này từ $40 triệu cho tài khóa 2020 lên $1,5 tỷ, tăng gần 27 lần;
Tới ngày 26/03/2020 vào chính lúc khủng hoảng Covid lên cao ông Trump vẫn theo dõi Lực Lượng Không Gian phóng vệ tinh đầu tiên AEHF-6 từ Florida. Đây là vũ khí thay cho B-52 từng liên tục 24/24 giờ – bay sát biên giới Liên Xô trong suốt thời gian chiến tranh lạnh.
Sau ông Trump, TT Joe Biden tiếp tục và nâng chiến lược ngăn TQ thành ưu tiên số một. Khi rút khỏi Afghanistan ông cũng nói là để tập trung vào TQ. Bây giờ Mỹ lại có những liên minh mới như Aukus và nâng cấp tập trận với các nước Á châu (như với Philippines tháng 3/2022).
Việt Nam nên làm gì?
Do vậy, ta có thể thấy rằng chính quyền Mỹ, dù thuộc đảng phái nào đi chăng nữa, cũng vẫn sẽ kiếm cách xích lại gần hơn với Việt Nam để làm mạnh lá chắn phía Nam.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải làm gì?
Trong một bài phân tích trước đây, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề “Liệu chính sách Bốn Không của Việt Nam có dẫn đến viễn ảnh Việt Nam cô quạnh?”
Chúng tôi cho rằng Việt Nam nên tận dụng những cơ hội đang tới để có thể dùng sức mạnh kinh tế, khoa học, và kỹ thuật của Mỹ để đưa kinh tế Việt Nam trở thành một nước đã phát triển (developed country), như Nhật Bản và Đại Hàn đã làm thành công. Đó là con đường chắc chắn và ít nguy hiểm nhất để giữ độc lập cho một nước ở bên cạnh một người láng giềng đầy tham vọng như Trung Quốc.
Bài thể hiện quan điểm riêng của GS Nguyễn Tiến Hưng, tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam.