Tin Tổng Hợp – 9/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 9/8/21

Vaccine Moderna có thể chống biến thể Delta tốt nhất

Reuters – Vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech có thể kém hiệu nghiệm hơn vaccine Moderna trước biến thể Delta, theo hai báo cáo đăng trên medRxiv ngày 8/9 trước khi có sự phối kiểm chéo từ các đồng nghiệp trong giới nghiên cứu.

Vaccine Moderna.
Vaccine Moderna.

Trong một cuộc nghiên cứu trên hơn 50.000 bệnh nhân thuộc Hệ thống Y tế Bệnh viện Mayo, các nhà nghiên cứu phát hiện tính hiệu nghiệm của vaccine Moderna chống lây nhiễm đã sụt xuống còn 76% hồi tháng 7-khi biến thể Delta chiếm ngự-từ tỷ lệ 86% hồi đầu năm nay.

Trong cùng thời kỳ, sự hiệu nghiệm của vaccine Pfizer/BioNTech đã giảm còn 42% từ tỷ lệ 76% trước đây, các nhà nghiên cứu nói.

Trong khi cả hai vaccine Pfizer và Moderna vẫn hữu hiệu ngăn ngừa nhập viện vì COVID, có thể sớm cần đến một liều tăng cường của Moderna cho những ai đã tiêm Pfizer hay Moderna, bác sĩ Venky Soundararajan thuộc công ty phân tích dữ liệu Massachusetts, đơn vị đứng đầu cuộc nghiên cứu của Mayo, cho biết.

Trong một cuộc nghiên cứu khác, các cư dân cao niên trong viện dưỡng lão tại Ontario có đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn-đặc biệt chống biến thể Delta-sau khi tiêm vaccine Moderna hơn là sau khi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech.

Người lớn tuổi có thể phải cần các liều vaccine cao hơn, các liều vaccine tăng cường, cùng những biện pháp phòng ngừa khác, bà Anne-Claude Gingras thuộc Viện Nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum ở Toronto chỉ đạo cuộc nghiên cứu, cho biết.

Đáp yêu cầu bình luận về hai báo cáo này, một phát ngôn viên của Pfizer nói: “Chúng tôi vẫn tin là có thể phải cần đến một liều tăng cường thứ ba trong vòng từ 6 đến 12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ để duy trì mức bảo vệ cao nhất.”

https://www.voatiengviet.com/a/vaccine-moderna-co-the-chong-bien-the-delta-tot-nhat/5996623.html

Afghanistan: Taliban chiếm được thủ phủ 5 tỉnh trong vài ngày

Sinh hoạt trên một con đường ở thủ phủ Zaranj, tỉnh Nimruz ngày 07/08/2021, phía tây nam Afghanistan, sau khi quân Taliban đánh chiếm được nơi này.
Sinh hoạt trên một con đường ở thủ phủ Zaranj, tỉnh Nimruz ngày 07/08/2021, phía tây nam Afghanistan, sau khi quân Taliban đánh chiếm được nơi này. – AFP

Chiến sự tại Afghanistan đã bước sang giai đoạn mới, lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ phủ của sáu tỉnh chỉ trong vài ngày. Vào hôm nay, 09/08/2021, đến lượt thành phố Aibak, thủ phủ tỉnh Samagan, miền bắc nước này rơi vào tay phiến quân. Đây là tỉnh lỵ thứ sáu bị Taliban kiểm soát, trên tổng số 34. Quảng cáo

Riêng hôm qua, Taliban trong một ngày đã chiếm được ba thủ phủ là Kunduz, Sar-e-pul và Taloqan. Phiến quân đang tiến với tốc độ cực nhanh, trong bối cảnh các lực lượng nước ngoài rời khỏi đất nước này vào cuối tháng.

Từ Kabul, thông tín viên RFI Sonia Ghezali cho biết thêm chi tiết:

“Tại Taloqan, lực lượng an ninh Afghanistan với sự hỗ trợ của dân quân tự vệ đã kháng cự được trong vài tuần, nhưng vô ích. Thành phố ở phía đông bắc đất nước đã thất thủ vào ngày hôm qua.

Những cư dân còn ở lại đó đã nói đến các cuộc không kích nhằm đánh bật Taliban, họ mô tả những chiếc B52 trên bầu trời, những chiếc oanh tạc cơ khổng lồ của Hoa Kỳ. Đây là biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ, nhưng đã không làm thay đổi được tình hình trên chiến trường.

Hàng ngàn gia đình đã không ngại hiểm nguy đến tính mạng để chạy trốn khỏi vùng chiến sự, trong lúc còn rất nhiều người bị kẹt lại. Qua điện thoại, một cư dân sống tại Kunduz cho biết: “Tôi rất muốn đi nhưng đã quá muộn, lực lượng Taliban đã dựng chốt cản khắp nơi”. Phụ nữ này thừa nhận rằng người dân tại chỗ cũng lo sợ trước nguy cơ bị thiệt mạng vì những vụ không kích vốn đã khiến nhiều thường dân bị chết oan.

Một số đoạn video cho thấy các cảnh tượng kinh khủng đã được lan truyền trên mạng xã hội từ vài ngày nay. Người ta thấy xác trẻ em trên đường phố với khuôn mặt không thể nhận ra vì thương tích, hoặc cảnh các em bị thất thần, không biết chạy đi đâu.

Tại khu vực miền nam Afghanistan, chiến sự rất dữ dội ở Kandahar và Lashkar Gah, thủ phủ của hai tỉnh mà mọi người đều dự đoán là sắp thất thủ.

Taliban đang tiến công với tốc độ chóng mặt, và với một sự dễ dàng đáng kinh ngạc.”

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210809-afghanistan-taliban-chi%E1%BA%BFm-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-th%E1%BB%A7-ph%E1%BB%A7-5-t%E1%BB%89nh-trong-v%C3%A0i-ng%C3%A0y

Lãnh đạo cộng đồng gốc Việt thúc chính quyền Biden tái thương thảo thoả thuận trục xuất di dân Chiến tranh Việt Nam

Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris gặp mặt các lãnh đạo cộng đồng gốc Á, bản địa Hawaii và các đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng hôm 5/8 để bàn về các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng, gồm cả cải cách di trú.
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris gặp mặt các lãnh đạo cộng đồng gốc Á, bản địa Hawaii và các đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng hôm 5/8 để bàn về các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng, gồm cả cải cách di trú.

Lãnh đạo gốc Việt của một tổ chức dân sự đại diện cho cộng đồng Đông Nam Á ở Mỹ vừa thúc giục Tổng thống Joe Biden hành động để ngăn chặn việc trục xuất di dân Đông Nam Á và tái thương thảo một thoả thuận giữa Washington và Hà Nội liên quan đến những di dân gốc Việt đối mặt với lệnh trục xuất.

Quyen Dinh, giám đốc điều hành của Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á (SEARAC), cùng các lãnh đạo cộng đồng đại diện cho người Mỹ gốc Á, người bản địa Hawaii và người dân đảo Thái Bình Dương (AANHPI) đã gặp mặt Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại Nhà Trắng hôm 5/8 để thảo luận các chính sách và các vấn đề “có ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng,” theo một thông cáo báo chí được SEARAC đưa ra cùng ngày. Nhiều vấn đề, từ quyền bầu cử cho tới cải cách di trú cho tới thù ghét người gốc Á, được thảo luận tại buổi gặp của các lãnh đạo cộng đồng với hai người đứng đầu chính phủ Mỹ.

Một tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra hôm 5/8 cũng cho biết Tổng thống và Phó tổng thống đã gặp mặt 13 lãnh đạo cộng đồng, gồm có bà Quyen, đại diện cho nhiều sắc dân gốc Á, bản địa Hawaii và các đảo Thái Bình Dương, tại Nhà Trắng để thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm Nghị sự của Chính quyền nhằm xây dựng lại một nước Mỹ tốt đẹp hơn.

Trong cuộc gặp này bà Quyen, sinh ra trong một gia đình tị nạn người Việt, đã nêu lên tình trạng trục xuất người Mỹ gốc Đông Nam Á và sự cần thiết đối với Chính quyền Biden phải hành động để ngăn chặn việc đưa họ trở về nơi họ đã rời bỏ đi.

Theo thống kê của SEARAC, kể từ năm 1998, hơn 13.000 người Mỹ gốc Việt, Campuchia và Lào đã nhận lệnh trục xuất cuối cùng, bao gồm cả những cư dân hợp pháp đang sinh sống ở Mỹ. Số lượng người Mỹ gốc Đông Nam Á bị giam giữ và trục xuất tăng cao dưới thời Chính quyền Tổng thống Donald Trump và một dự luật cải cách di trú, do 34 dân biểu của Đảng Dân chủ tài trợ, được đưa ra trước Quốc hội hồi cuối tháng 1 năm nay được kỳ vọng sẽ mở đường cho những người Mỹ gốc Đông Nam Á đã bị trục xuất có thể trở lại Mỹ hoặc đang trong quá trình chờ trục xuất có thể được ở lại Mỹ. SEARAC, tổ chức phi chính phủ ban đầu do những nhà hoạt động nhân đạo Mỹ thành lập năm 1979 để giúp giải quyết khủng hoảng di dân từ Đông Nam Á, là một trong 300 tổ chức ủng hộ và đang thúc đẩy cho dự luật này.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris, bà Quyen đặc biệt thúc đẩy cho việc tái thương thảo hiệp định hồi hương song phương được Hà Nội và Washington ký kết nhằm bảo vệ những di dân Việt Nam khỏi bị trục xuất.

“Đây là một vinh dự khi được cảm ơn Tổng thống Biden vì di sản của ông trong việc thông qua Đạo luật Người tị nạn 1980, trong đó cho phép gia đình tôi và cộng đồng người tị nạn của chúng tôi tìm được nơi trú ẩn an toàn ở Hoa Kỳ – và chia sẻ sự đau lòng của những người tị nạn đó đang đối mặt với lệnh trục xuất cuối cùng vì những tội lỗi mà họ mắc phải thời niên thiếu trong hoàn cảnh nghèo đói nhiều thập kỷ trước,” bà Quyen nói và bày tỏ sự đánh giá cao đối với mức độ gắn kết và quan tâm của Chính quyền Biden đối với các cộng đồng gốc Á trong vấn đề này.

Một bản ghi nhớ được chính phủ Việt Nam và Mỹ ký kết năm 2008 cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ không trục xuất những di dân người Việt tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 – ngày hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đã tái thương thảo với Việt Nam và một bản ghi nhớ mới đã được ký kết hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó cho phép trục xuất những người tị nạn Việt tới Mỹ trước năm 1995. Số lượng người Việt Nam bị trục xuất nhiều nhất dưới thời Tổng thống Trump, với tổng cộng 284 người bị trả lại nơi họ ra đi trong 3 năm kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Hồi tháng 3 năm nay, 33 người tị nạn Việt Nam đã bị trục xuất dù đang trong thời gian 100 ngày thực hiện lệnh tạm ngưng giam giữ và trục xuất di dân của chính quyền Biden. Hàng chục thượng nghị sỹ và dân biểu Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc trục xuất này.

Trong cuộc gặp với các lãnh đạo cộng đồng hôm 5/8, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris nhắc lại lời hứa của họ sẽ cùng hợp tác để đảm bảo các nhu cầu của cộng đồng người Mỹ gốc Á, người bản địa Hawaii và người dân đảo Thái Bình Dương “được lắng nghe, cải thiện và đáp ứng.” Hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ cam kết sẽ tiếp tục làm việc để tăng cường nền dân chủ và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-cong-dong-goc-viet-thuc-biden-tai-thuong-thao-thoa-thuan-truc-xuat-di-dan-chien-tranh-viet-nam/5993328.html

(AFP) – Miến Điện: Biểu tình kỷ niệm cuộc nổi dậy năm 1988. Những người phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện hôm 08/08/2021, đã biểu tình tại Rangoon và Mandalay để kỷ niệm phong trào nổi dậy ủng hộ dân chủ năm 1988 giúp bà Aung San Suu Kyi nổi tiếng. Phong trào khi đó đã bị quân đội đàn áp dữ dội bằng cách bắn thẳng vào đoàn biểu tình. Hàng ngàn người đã bị bắt giam. Những người biểu tình hôm qua đã giơ biểu ngữ có dòng chữ: “Hãy trả món nợ máu năm 1988 vào năm 2021”.

(Reuters) – Hàn Quốc mở rộng tiêm chủng ngừa Covid-19 cho mọi người trên 18 tuổi. Kể từ hôm nay, 09/08/2021, mọi người dân tại Hàn Quốc từ 18 tuổi trở lên đều được quyền đăng ký xin chích ngừa Covid-19. Quyết định mở rông diện tiêm phòng này được đưa ra vì nạn nhân chủ yếu thuộc tầng lớp trẻ, chưa được chích ngừa. Tính đến hôm qua, 08/08, đã có khoảng 45% trong số 52 triệu dân Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất một mũi vac-xin, trong khi chỉ mới có 15% là đã được tiêm đủ 2 mũi.

(AFP) – Trung Quốc: Lũ lụt ở Tứ Xuyên, hơn 80 ngàn người phải sơ tán. Nguyên nhân là do những trận mưa to và lũ lớn tại Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Theo truyền thông Trung Quốc ngày 09/08/2021, thời tiết thất thường năm nay đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 440 ngàn người dân tại nhiều nơi khác nhau của tỉnh. Truyền hình CCTV đưa ra con số ước tính những trận mưa như thác và ngập lụt đã gây thiệt hại 38 triệu đô la cho nền kinh tế tỉnh, 45 ngôi nhà đã bị phá hủy và 118 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng. Trước đó, tỉnh Hà Nam ở miền trung cũng đã hứng chịu những trận lũ lớn làm thiệt mạng hơn 300 người, chủ yếu là thủ phủ Trịnh Châu.

(AFP) – Nhật Bản: Thành phố Nagasaki tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử cách nay 76 năm. Vào ngày 09/08/1945, vào lúc 11 giờ 02 phút, Hoa Kỳ đã thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki, giết chết 74 ngàn người, ba ngày sau vụ thả bom xuống Hiroshima cướp mất 140 ngàn sinh mạng. Trong lễ tưởng niệm đầy trang trọng, thị trưởng Nagasaki kêu gọi cộng đồng quốc tế thông qua một hiệp ước mới cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

(AFP) -Tổng thống Belarus vẫn cứng rắn với đối lập. Một năm sau khi tái đắc cử, tổng thống Belarus Alexander Loukachenko hôm nay, 09/08/2021, vẫn tỏ thái độ cứng rắn đối với phe đối lập, khẳng định không hề có chuyện đàn áp, mặc dù nhiều người đã bị bắt giam và hàng ngàn nhà đối lập đã phải sống lưu vong. Trong bài phát biểu, ông Loukachenko cũng tuyên bố không liên quan gì đến cái chết đáng ngờ của một nhà đối lập Belarus tị nạn ở Ukraina. Ông còn cáo buộc một nữ vận động viên Belarus đã bị Ba Lan giật dây khi cô này khẳng định là nạn nhân của một mưu toan cưỡng bức về nước khi đang thi đấu tại Thế Vận Hội Tokyo.

(Reuters) – Thượng Viện Mỹ có thể thông qua dự luật hạ tầng cơ sở ngày 10/08/2021. Sau nhiều tháng đàm phán và trì hoãn, Thượng Viện Hoa Kỳ ngày hôm qua, 08/08 đã giải quyết được hai rào cản quan trọng để có thể thông qua dự luật về xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá 1 nghìn tỷ đô la, ngay vào ngày mai, 10/08. Với tỷ lệ 69 phiếu thuận và 28 phiếu chống, Thượng Viện đã bỏ phiếu tán đồng các điều khoản trong kế hoạch dài 2.702 trang. Bên cạnh đó, với tỷ lệ 68-29, định chế lập pháp này cũng quyết định giới hạn cuộc tranh luận thêm trong tối đa 30 tiếng đồng hồ, mở đường cho việc thông qua ngay vào ngày 10/08.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210809-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p