11 giờ ngày 30 tháng Tư ở Dinh Tổng Thống
Biên tập viên báo SPIEGEL Gallasch là nhà báo duy nhất có mặt khi người đứng đầu nhà nước Nam Việt Nam, Tướng Minh, đầu hàng – ông đưa ra chiếc máy ghi âm để Minh thâu lại bài phát biểu cuối cùng của ông ấy.
Những người lính Nam Việt Nam trước dinh tổng thống Sài Gòn đã rời bỏ những vị trí phòng thủ của họ. Đạn pháo binh bắn tương đối gần, bom nổ, đường phố vắng hoe. Đó là lúc 11 giờ ngày 30 tháng Tư.
Phó Tổng thống Nguyễn Văn Hương bước vào chiếc xe của ông ở trước cầu thang của dinh. Ông ấy nói rằng Tổng thống Dương Văn Minh đang ở trong dinh và chờ “đại diện của Mặt trận Giải phóng” ở trong đó. Rồi ông đi khỏi trong chiếc xe limousine màu đen của ông. Những người lính của đội bảo vệ dinh thổng thống thậm chí chẳng còn chào ông nữa, khi ông đi ngang qua hàng rào phòng thủ của họ – mà súng máy, nón sắt, quân phục, lựu đạn và cả một khẩu bazooka đang nằm lộn xộn ở trên đó.
Trên tầng một, tôi gặp Hà Huy Đỉnh, một luật sư ở Sài Gòn, người với bộ râu của ông và chiếc áo màu đen truyền thống của ông trông giống như một phiên bản trẻ tuổi của Hồ Chí Minh. Đỉnh cũng có cùng ý nghĩ, đến dinh tổng thống để xem những gì xảy ra. Trong vòng ba giờ đồng hồ tiếp theo sau đó, Đỉnh luôn ở bên cạnh tôi, ông chụp ảnh và phiên dịch.
Trong khi chúng tôi còn bối rối đứng chờ đợi thì một cánh cửa mở ra ở bên trái của chúng tôi – tướng Minh bước ra với một đoàn tùy tùng khoảng mười người. Họ vừa mới rời hầm của họ và đi lên văn phòng tổng thống ở tầng hai. Minh nói với tôi: “Thật là tốt khi anh có ở đây. Anh sẽ là nhân chứng khi tôi trao quyền lực của tôi lại cho những người xứng đáng hơn là tôi.”
Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cũng có mặt. Bất thình lình, sự im lặng bị phá tan bởi lựu đạn và đạn pháo, bởi những loạt đạn của súng máy và những phát đạn súng lục, ngay lập tức, tất cả chúng tôi đều chạy tìm chỗ ẩn nấp. Tôi ngồi ở phía sau một cái cột bằng bê tông và sợ rằng có thể cả một nhà báo người Đức cũng sẽ thuộc về những người chết cuối cùng của cuộc chiến này. Không ai biết: Đó là một cố gắng đảo chánh mà những viên tướng lãnh phản động tiến hành vào phút cuối, hay là đội bảo vệ dinh muốn giết chết ông tổng thống?
Ba chiếc xe tăng T-54 của Xô-viết với những lá cờ khổng lồ của Mặt trận Giải phóng bây giờ đang lăn trên đại lộ Thống Nhất xuống. Chiếc đầu tiên phá vỡ hàng rào trước dinh bằng cách nó đơn giản là lăn đè bẹp nó xuống. Ngày càng có nhiều xe đến. Cuối cùng, một đoàn khoảng chừng 20 chiếc xe tăng lăn qua bãi cỏ hướng tới dinh và dòng tất cả súng ống bắn đùng đùng lên trời.
Nhóm nhỏ của đội bảo vệ dinh tổng thống, một thời đã hết sức tự hào, bây giờ tụ lại ở rìa của bãi cỏ, giơ tay cao lên khỏi đầu. Sau một lúc, những người chiến thắng ra lệnh cho họ ngồi xuống, việc mà họ cũng thi hành – một hình ảnh của sự bất lực.
Bây giờ thì dinh đầy lính của Quân đội Giải phóng. Khói thuốc súng kéo thành từng đám lên cầu thang. Ở bên trái của gian sảnh, Tướng Minh đứng đối diện với một sĩ quan trông có vẻ dữ tợn của Quân đội Giải phóng, viên chỉ huy Phạm Xuân Thệ. Cầm một khẩu súng ngắn kiểu K 55 trong tay, và tự bản thân cũng tương đối kích động, ông quay sang Minh nói: “Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi cùng chúng tôi ngay lập tức tới đài phát thanh và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, để đừng đổ máu thêm nữa.”
Thế nhưng Tướng Minh, mặt đầy nét buồn rầu nhưng rất bình tỉnh, không muốn rời dinh trong khoảnh khắc khó khăn này. Vẫn còn chưa có ai biết được rằng người dân Sài Gòn sẽ phản ứng ra sao trong những giờ tới đây, liệu có xảy ra bạo động và nổi loạn hay không. Vì vậy mà Minh đề nghị ông sẽ thâu lại bài phát biểu của ông trong dinh và rồi cho người mang nó sang đài phát thanh. Sau khi trao đổi ngắn, viên chỉ huy đồng ý.
Nhưng mà rồi người ta phải từ bỏ ý định này, vì trong dinh không có thiết bị phù hợp – cũng như ở khắp nơi khác trong thành phố, cả ở trong dinh, nhân viên trong lúc bỏ chạy cũng đã mang theo tất cả những thứ gì mà họ có thể lấy đi được. Tuy chính tôi có chiếc máy thâu âm của tôi, nhưng vào thời điểm này thì vẫn chưa hiểu thật ra đó là về vấn đề gì.
Viên chính ủy vừa mới đến Bùi Văn Tùng, Tướng Minh, Thủ tướng Mẫu và các chính khách khác tổ chức một cuộc họp báo ngắn trong phòng nghi lễ trên tầng một. Sau đó, ba chính trị gia cao cấp và viên chỉ huy Thệ hối hả rời gian sảnh và đi ra vườn, có các nhà báo tháp tùng.
Hai chiếc xe Jeep đang chờ ở ngoài. Minh và Mẫu leo lên một chiếc, chính ủy Tùng lên chiếc kia. Người đi cùng tôi, Đỉnh, xin phép được cho ông ấy và tôi leo lên chiếc xe của Tùng – như là những người duy nhất không phải là quan chức.
Sau một chuyến đi ngắn, hai chiếc xe dừng lại trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trước một tòa nhà phụ, nhỏ, của đài phát thanh địa phương. Ở đó, chúng tôi đi vào trong một phòng thu nhỏ trên tầng hai, có lẽ khoảng 20 mét vuông. Trong khi chúng tôi đang chờ, một người nhân viên của đài phát thanh cầm lấy bức hình của Thiệu ở trên tường và ném nó ra cửa sổ xuống sân.
Dường như không ai biết bây giờ phải tiếp tục làm gì. Thủ tướng Mẫu tháo mồ hôi thấy rõ và quạt mát cho mình. Nhưng trong lúc đó thì ông rạng rỡ cứ như toàn bộ những điều này đều là chiến thắng cá nhân của ông ấy; ông trông vui vẻ hơn Minh rất nhiều. Minh và viên chính ủy ngồi trên hai cái ghế duy nhất, tôi ở giữa họ trên một cái bàn trà nhỏ. Đứng ở phía trước tôi là viên chỉ huy và vẫn còn cầm khẩu súng ngắn của ông ấy ở trong tay – nhưng rõ ràng chỉ là để nắm chặt lấy một cái gì đó, hơn là để đe dọa ai.
Thời gian này, tinh thần căng thẳng đã nhường chỗ cho một bầu không khí thân thiện, tất cả đều nói chuyện phiếm với nhau. Đặc biệt viên chỉ huy Thệ, người lúc đầu đã tương đối cộc cằn, bây giờ trông thân thiện và luôn nhắc lại, với Minh: “Anh Minh, đừng sợ! Chúng tôi chiến đấu cho nhân dân, vì chúng tôi phải chiến thắng những kẻ thù xấu xa. Nhưng bây giờ thì chúng tôi ở đây, không có ai đã làm hại anh, và cũng sẽ không có ai làm hại anh.”
Không có gì xảy ra thêm nữa trong vòng chừng mười phút. Tôi dùng cơ hội này để đưa ra cho “Big Minh” câu hỏi mà tất cả chúng tôi đều quan tâm tới nhiều nhất, sau khi Minh bước ra nối tiếp Tổng thống Trần Văn Hương: “Tại sao lúc tiếp nhận chức vụ, ông không yêu cầu người Mỹ rời Việt Nam ngay lập tức mà lại chờ cả một ngày, để cho Quân đội Giải phóng đã có thể tăng áp lực quân sự của họ lên Sài Gòn?”
Minh: “Một tối hậu thư như vậy phải được giới hạn ở 24 tiếng đồng hồ. Nhưng chúng tôi biết rõ rằng người Mỹ không thể rút hết được trong thời gian này. Mặt khác, điều cũng quan trọng là sau khi tối hậu thư này hết hạn thì tất cả người Mỹ cũng phải thật sự là đã ra khỏi nước, vì nếu không thì chính phủ Mỹ có thể cố gửi quân đội đến để bảo vệ công dân Mỹ. Điều đó sẽ mang lại hậu quả là thành phố bị phá hủy và mất đi sinh mạng của hàng ngàn con người. Từ lý do này mà tôi đã cho người Mỹ thêm thời gian, trước khi tôi chính thức yêu cầu họ rời khỏi nước trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Tiếp theo: Tại sao Minh không tiếp nhận quyền lực chính phủ sớm hơn từ Thiệu, khi còn có nhiều khả năng hơn để đàm phán với Mặt trận Giải phóng? Minh: “Các viên chỉ huy quân đội đứng hoàn toàn sau lưng Thiệu, thậm chí ngay cả sau khi ông ấy từ chức và đặt Hương lên làm thống đốc. Tôi đã cố gắng mọi thứ trong khả năng của tôi. Nhưng mà quân đội không muốn.”
Rồi một câu hỏi cho Thủ tướng Mẫu, người cùng thành lập cái được gọi là Lực lượng thứ Ba, người mà mới một tuần trước đây còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong tương lai của nhóm này: “Bây giờ thì ông còn thấy có những cơ hội nào trong tương lai cho Lực lượng thứ Ba hay không?” Mẫu: “Vì bây giờ không còn có Lực lượng thứ Nhất nên chúng tôi cũng không còn cần tới Lực lượng thứ Ba nữa.”
Trong lúc đó, chính ủy Tùng phác thảo trên một tờ giấy xanh mà ông giữ ở trên đầu gối bài diễn văn để tướng Minh đọc trong radio. Thỉnh thoảng, ông suy nghĩ về một diễn đạt, gạch một từ và thay nó bằng một từ khác. Gương mặt ông không biểu lộ cảm xúc. Những người đàn ông này đã chiến đấu 30 năm trời để giải phóng đất nước của họ – và bây giờ trong giờ khắc của chiến thắng thì không biết lời tuyên bố đầu hàng cần phải được trình bày trong những từ ngữ nào!
Một vài người lính nói tiếng Nga với tôi, và muốn nói về Chủ nghĩa Mác. Tất cả đều nghĩ rằng một nhà báo người Đức ở cảnh này thì chỉ có thể xuất phát từ nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Được giải thích, họ trở nên nghi ngại thêm một chút, nhưng không bất thân thiện.
Tùng muốn Tướng Minh đọc bài văn mà ông cần đọc vào máy ghi âm. Nhưng trong đài phát thanh cũng không có máy ghi âm – nhà này cũng đã bị hôi của. Chỉ còn chiếc máy ghi âm xách tay nhỏ của SPIEGEL thâu bài diễn văn. Tất nhiên là không ai biết sử dụng chiếc máy này – và vì vậy mà một biên tập viên của SPIEGEL đã trở thành người điều hành nghi thức tại lần đầu hàng của Nam Việt Nam.
Công việc thu âm phải lập lại đến ba lần: ở lần đầu, Minh không đọc tiếp tục khi ông đến đoạn cần phải nói rằng: “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống của chính quyền Sài Gòn …” Ông muốn tự gọi mình một cách đơn giản là “Tướng Minh”, không nhắc đến chức vụ tổng thống hai ngày của ông và chính quyền Sài Gòn. Cuối cùng, người ta thống nhất ở thể thức – không làm hài lòng Minh: “Tôi, Tướng Dương Văn Minh, kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí”. Nhưng rồi tất cả lại phải làm lại thêm một lần nữa, vì Minh không đọc được chữ viết của viên chính ủy.
Cuối cùng cũng thành công. Chúng tôi vào phòng âm thanh, ở trong một ngôi nhà khác. Tôi ngồi trước micrô và bật máy; Minh ngồi ở bên trái phía sau, những người khác đứng ở cạnh tường,
Sau này tôi mới biết đó là một lần truyền trực tiếp. Những người Việt ngồi trước máy radio của họ chắc có lẽ nghĩ rằng có một nhân viên kỹ thuật người Mỹ kiểm soát chương trình, vì họ nghe tôi hỏi bằng tiếng Anh: “Bây giờ okay chưa?” Và: “Chúng ta có phải lập lại hay không?”
Khi tất cả xong xuôi, viên chính ủy bước sang và nói một điều gì đó mà tôi không hiểu. Đỉnh dịch lại: Như là dấu hiệu của sự đánh giá cao của ông, viên chính ủy muốn tôi lái chở ông về dinh thổng thống.
Trong khi Tùng đã ngồi vào chỗ, tôi cố gắng khởi động chiếc Jeep của ông – hoài công. Người tài xế của Tùng, khó chịu vì tôi được ưu tiên, từ chối không giải thích cách khởi động, và rồi sau một ít lâu thì Tùng lại nhảy xuống xe. Chúng tôi chạy trở về dinh tổng thống trong một chiếc xe khác.
Lúc đó đã là hai giờ chiều. Hàng đoàn người mặc quân phục kéo đi trên đường phố, vũ khí đeo trên vai. Trong chuyến đi chỉ nhìn thấy một người lính chết duy nhất. Anh ấy được chở trên giá để chân của một chiếc xích lô, đầu luôn đập xuống nhựa đường.
Tôi phải xuống xe ở trước dinh. Trên gương mặt khá ảm đạm của Tùng hiện ra một nụ cười ngắn ngủi. Rồi ông ấy nói từ tiếng Đức duy nhất mà ông biết: “Danke.”