Đảng Tân Đại Việt tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đảng Tân Đại Việt tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Uyên Vũ/Người Việt –

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, chủ tịch đảng Tân Đại Việt. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Đảng Tân Đại Việt tổ chức buổi lễ tưởng niệm 29 năm ngày cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời tại Paris, Pháp, vào chiều Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, 2019, ở phòng hội của thành phố Westminster; đồng thời trình bày các công trình tư tưởng của ông như Dân Chủ Pháp Trị và Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn.

Mặc dù thời tiết giữa mùa Hè thật oi bức và có nhiều sinh hoạt hội đoàn diễn ra cùng thời gian, nhưng có khá đông đồng hương và nhiều đại diện các tổ chức, đảng phái như Cộng Đồng Việt Nam Nam California, Lực Lượng Cứu Quốc, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, cùng một số người hoạt động chính trị đến dự.

Ông Hoàng Đình Khuê, trưởng ban tổ chức, cho biết đúng 29 năm trước, cũng vào ngày này, 28 Tháng Bảy, 1990, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã ra đi vì bạo bệnh trong khi đang trên đường đến dự Đại Hội Lần Thứ Nhất của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam. Chính vì thế, hằng năm cứ đến những ngày này, từ khắp nơi trên thế giới, các học trò, đồng chí cùng những tổ chức thân hữu của ông, đều tổ chức lễ tưởng niệm một nhà tranh đấu đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước và đã ngã gục trên con đường tìm tự do dân chủ cho Việt Nam.

Theo Wikipedia, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) là một cựu chính khách Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một trong những người sáng lập đảng Tân Đại Việt và là tổng thư ký đầu tiên của đảng này. Ông cũng là tổng thư ký của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và là một thành viên trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự Hòa Đàm Paris.

Giáo sư từng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó viết báo, dạy học tại Sài Gòn, ông còn làm thơ với bút danh Đằng Phương. Trong thời gian lưu vong, ông học tại Viện Đại Học Paris, lần lượt tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris năm 1958, cử nhân Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế năm 1959, cao học Chính Trị năm 1960 và tiến sĩ Chính Trị học năm 1963.

Nghi thức tưởng niệm trước di ảnh cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Trở về nước, ông giảng dạy môn Chính Trị Học tại nhiều trường đại học. Sau năm 1975, Giáo Sư Huy tị nạn tại Hoa Kỳ và tham gia nhiều hoạt động chính trị để góp phần mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Nhưng đáng tiếc ông đã qua đời khi ý nguyện chưa thành.

Khi trả lời cuộc phỏng vấn do hai ông Hoàng Khởi Phong và Lê Đình Điểu thực hiện, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nói: “Vì sanh trong một nước Việt Nam không độc lập, thiếu tự do và chìm đắm trong sự loạn lạc, nên tôi phải dấn thân vào cuộc tranh đấu chính trị, và do đó mà phải học về chính trị, dạy về chính trị, và đứng ra lãnh đạo một đoàn thể chính trị. Dầu cho có được làm lại cuộc đời từ đầu mà hoàn cảnh Việt Nam không khác hoàn cảnh tôi đã trải qua, thì tôi cũng sẽ làm như tôi đã làm.”

Bằng phần giới thiệu khúc chiết và cô đọng, người điều phối chương trình là bà Bùi Anh Thư đã cho cử tọa nhìn lại bối cảnh chính trị của các thời kỳ hiện nay cũng như sơ lược tiểu sử của các diễn giả.

Ông Hoàng Đình Khuê, phó chủ tịch đảng Tân Đại Việt. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Mở đầu chương trình, Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, chủ tịch đảng Tân Đại Việt, trình bày về đề tài “Tư tưởng dân chủ pháp trị” của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Theo ông, đại ý tư tưởng này là một trong hai công trình tiêu biểu nhất của Giáo Sư Huy được phát triển từ tư tưởng của ông Trương Tử Anh, người sáng lập và lãnh đạo Đại Việt Quốc Dân Đảng.

Với các dẫn chứng cụ thể, theo ông các nước Xã Hội Chủ Nghĩa chủ trương pháp trị nhưng thực tế vẫn là “nhà nước pháp quyền” hay “nhân trị tối thượng” nằm dưới sự chỉ đạo của những kẻ cầm quyền, họ không quan tâm đến mục đích tối hậu của pháp luật. Nhưng căn bản của luật pháp phải là “mọi người đều bình đẳng, không ai được đứng trên pháp luật.” Vì thế dù là “dân chủ pháp trị” vẫn không thể thiếu “nhân trị,” vấn đề là phải thượng tôn pháp luật và đặt trên quyền cai trị của con người.

Theo Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên: “Để tưởng nhớ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy không gì bằng: tiếp nối con đường ‘dân chủ pháp trị’ mà giáo sư đi nhưng vẫn còn dang dở.” Vì thế buổi tưởng niệm Giáo Sư Huy cũng chính là để tiếp nối công cuộc do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã đề ra và với hiện tình đất nước, chỉ có thể thay đổi để tốt đẹp hơn bằng một thể chế thực sự theo đường hướng “dân chủ pháp trị.”

Ông Phan Thanh Châu, đại diện Việt Nam Quốc Dân Đảng. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên quê quán tại tỉnh Đồng Tháp, học trung học tại Châu Đốc và trường Chu Văn An, Sài Gòn. Ông rời Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi đang theo học Công Pháp Quốc Tế tại Luật Khoa Sài Gòn. Đến Hoa Kỳ ông theo học tại các trường đại học Southeastern Oklahoma State University, California State University Long Beach và Pepperdine University ngành Hành Chánh Công Quyền bậc cử nhân, Quản Trị Kỹ Thuật bậc cao học và Tổ Chức và Thay Đổi Tổ Chức bậc tiến sĩ. Ông đã sát cánh bên cạnh Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và tham gia vào nhiều hoạt động chính trị của hải ngoại cũng như các “think-tank” của Hoa Kỳ. Tháng Mười Một, 2017, ông được bầu làm chủ tịch Đảng Tân Đại Việt cho tới ngày nay.

Thay mặt cho các tổ chức đảng phái, Kỹ Sư Đỗ Như Điện – đại diện Lực Lượng Cứu Quốc và các ông Phan Thanh Châu – đại diện Việt Nam Quốc Dân Đảng, Trần Chí Hoàng – đại diện Đại Việt Cách mạng, và Trần Trọng Đạt – đại diện Đại Việt Quốc Dân Đảng bày tỏ lòng kính trọng đối với công cuộc và lòng yêu nước của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Đây cũng là dịp hiếm hoi mà ba đảng Tân Đại Việt, Đại Việt Cách Mạng và Đại Việt Quốc Dân cùng gặp gỡ để tưởng niệm cho một vị tiền bối khả kính của cả ba đảng phái này.

Ban văn nghệ “Vì Dân” trình bày một bản hùng ca. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Phần thứ hai của buổi lễ là nghi thức tưởng niệm trước di ảnh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đại diện các đoàn thể và các quan khách hiện diện.

Qua phần ba, ông Hoàng Đình Khuê cũng bằng các dẫn chứng kim cổ, trình bày những điểm nổi bật trong chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn, một công trình về triết học và chính trị do ông Trương Tử Anh khởi xướng và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cùng các đồng chí phát triển thêm, khái quát thành những điểm chính sau: Con người gồm những bản năng cơ bản là vị kỷ, tình dục và hợp quần. Ba bản năng này đẻ ra các chủ nghĩa: cá nhân, gia đình và xã hội.

Để sinh tồn thì các bản năng này phải mạnh hơn những cá thể khác và để bản năng mạnh mẽ cần có sức mạnh, biến cải và hợp quần. Nhưng trên hết vẫn phải lấy dân tộc làm nền tảng của chủ thuyết. Theo ông, ngày nay một số quốc gia tân tiến cũng đang áp dụng đúng như chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn đã đề ra. Và nếu so sánh, thì chủ thuyết này phục vụ cho dân tộc trong khi chủ nghĩa xã hội mà Cộng Sản đang áp dụng lại chủ trương phi dân tộc, mà phục vụ ngoại bang.

Quang cảnh buổi tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Xen kẽ trong buổi lễ tưởng niệm và hội luận chính trị là những bài hùng ca chất ngất hào khí do ban văn nghệ “Vì Dân” là hậu duệ Khóa 5 Võ Khoa Thủ Đức trình bày.

Cuối cùng, ban tổ chức đã ưu ái tặng tất cả cử tọa tham dự một tác phẩm rất giá trị. Đó là cuốn sách hơn 500 trang “Thời Đại Mê Sảng” của David Satter, viết về bước đường suy vong và sụp đổ của đế quốc Liên Xô.

Tác phẩm này được các dịch giả của nhóm anh em đảng Tân Đại Việt là các ông Nguyễn Văn Hữu, Đỗ Hải Minh và Hoàng Đình Khuê chuyển ngữ. Sách do Nguyen Ngoc Huy Foundation xuất bản bằng tiếng Việt lần đầu tiên từ nguyên tác “Age of Delirium: The Decline and Fall of the Soviet Union.” (Uyên Vũ)