TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 07/08/2023
Hai tàu chiến và 3.000 lính Mỹ đến Hồng Hải để ngăn cản Iran bắt giữ các tàu chở dầu
Ảnh minh họa : Tàu Wasp USS Bataan di chuyển qua Đại Tây Dương, ngày 20/07/2023. AP – Mass Communication Specialist 2nd Class Danilo Reynoso
Thùy Dương
Theo Hải quân Mỹ, hai tàu chiến USS Bataan và USS Carter Hall đến Hồng Hải để giúp Hạm đội 5 củng cố năng lực hàng hải. Trả lời AFP, phát ngôn viên Tư lệnh Hạm đội 5, Tim Hawkins, cho biết là « các đơn vị này tăng cường đáng kể sự linh hoạt và khả năng hoạt động » của Hạm đội 5 trong khi họ « ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn và xoa dịu những căng thẳng nảy sinh trong khu vực do việc Iran quấy rối và bắt giữ các tàu buôn ».
Để tăng cường lực lượng hoạt động trong khu vực Hồng Hải, hồi tháng 7, Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố triển khai tại vùng biển này một tàu chiến và máy bay chiến đấu F-35 và F-16.
Tuần trước, một quan chức Mỹ nói với AFP rằng Washington đang chuẩn bị để các binh sĩ hiện diện trên các tàu chở dầu thương mại đi qua vùng Vịnh, với hy vọng ngăn chặn Iran bắt giữ các tàu, qua đó « thể hiện cam kết bảo đảm tự do hàng hải và ngăn cản các hoạt động gây bất ổn của Iran ».
Theo quân đội Mỹ, trong 2 năm qua, Iran đã chặn giữ hoặc tìm cách bắt giữ gần 20 tàu mang cờ hiệu quốc tế trong khu vực. Trong tháng 07/2023, Hải quân Mỹ thông báo phản đối việc Iran bắt giữ hai tàu chở dầu ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Oman. Trước đó, Iran đã chiếm được một tàu buôn ở khu vực biển của vùng Vịnh. Hồi cuối tháng 04/2023, tại vịnh Oman, quân đội Iran cũng đã bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ hiệu của quần đảo Marshall đang hướng đến Hoa Kỳ. Một tuần sau đó, Iran lại bắt giữ một một tàu chở dầu treo cờ Panama đi qua eo biển Hormuz.
Ukraina đánh giá cuộc thảo luận hòa bình do Ả Rập Xê Út tổ chức có hiệu quả, Nga phủ nhận
Các cuộc thảo luận nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tại Ukraina do Ả Rập Xê Út tổ chức được một quan chức cao cấp của Kiev hôm qua 06/08/2023 đánh giá là hữu ích, trong khi Matxcơva coi hội nghị là “một thất bại, với ý đồ lôi kéo các nước nam bán cầu về phía Kiev”.
Đại diện của Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út có mặt tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, để đàm phán hòa bình cho Ukraina, ngày 06/08/2023. via REUTERS – SAUDI PRESS AGENCY
Anh Vũ
Theo Reuters, các cuộc thảo luận nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh tại Ukraina do Ả rập Xê Út tổ chức tại Djeddah đã kết thúc hôm qua. Hơn bốn chục nước, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc đã cử đại diện đến dự hội nghị, Nga không tham gia.
Nhân hội nghị này, Ukraina và các đồng minh của mình đã giới thiệu các kế hoạch thương lượng nhằm đạt được sự đồng thuận quốc tế về những nguyên tắc mà Kiev cho là không thể thiếu trong một thỏa thuận hòa bình trong tương lai. Đặc biệt có điều kiện Nga rút quân ra khỏi Ukraina, tái lập toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.
Tổng thống Ukraina trước đây đã tỏ ý hy vọng từ nay đến cuối năm tổ chức được một cuộc họp thượng đỉnh toàn cầu trên cơ sở những nguyên tắc do Kiev đặt ra.
Kết thúc các cuộc thảo luận, không có sáng kiến hay giải pháp nào cụ thể, các bên tham dự hội nghị chỉ đạt được nhất trí về tầm quan trọng phải tiếp tục các cuộc tham vấn nhằm tìm kiếm một con đường hòa bình.
Tổng thư ký văn phòng tổng thống Ukraina, Andry Yermak trong một thông cáo ra hôm qua đã xác nhận: « Chúng tôi đã có các cuộc tham vấn rất hữu ích về những nguyên tắc chủ chốt để xây dựng một nền hòa bình chính đáng và bền vững ». Quan chức Ukraina cũng cho biết có những điểm bất đồng xuất hiện trong các cuộc thảo luận được đánh giá là « cực kỳ cởi mở và thành thực » .
Về phía Nga, thứ trưởng Quốc Phòng Serguei Ryabkov đã chỉ trích các cuộc thương lượng tại Ả Rập Xê Út « phản ánh những ý đồ của phương Tây tiếp tục các nỗ lực đã thất bại », nhằm lôi kéo các nước nam bán cầu ủng hộ lập trường của Kiev.
Ukraina oanh kích hai cây cầu trong vùng Nga chiếm giữ
Quân đội Ukraina, hôm qua 06/08/2023, đã phóng tên lửa tấn công vào hai cây cầu nằm ở những khu vực do Nga chiếm đóng.
Một lính Ukraina phóng một drone gần chiến tuyến tại Zaporijjia, Ukraina, ngày 04/08/2023. REUTERS – STRINGER
Phan Minh
Theo AFP, vụ oanh kích đầu tiên nhắm vào cây cầu Chongar ở bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Thống đốc Crimée Sergei Aksionov cho biết một số tên lửa đã bị lực lượng phòng không đánh chặn, và vụ oanh kích không khiến ai bị thương.
Đợt oanh kích thứ hai nhắm vào một cây cầu gần thị trấn Genichesk ở phía đông bắc bán đảo Crimée, làm một người bị thương và làm hỏng đường ống khí đốt khiến 20.000 hộ gia đình không có khí đốt. Theo chính quyền địa phương, 9 trong số 12 tên lửa của Ukraina đã bị đánh chặn.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ, việc cây cầu này bị phá hủy khiến Nga mất một trong những tuyến đường quan trọng tới vùng Kherson. Giờ đây, Nga sẽ phải đi vòng về phía tây bán đảo để tiếp cận Kherson. Tuy nhiên, rất nhiều nơi thuộc tuyến đường này nằm trong tầm bắn của pháo Ukraina.
Còn hôm nay 07/08, quân đội Nga thông báo đã bắn hạ một drone của Ukraina ở khu vực Kaluga, cách Matxcơva chưa đầy 200 km về phía tây nam.
Thống đốc vùng Kaluga Vladislav Chapcha viết trên mạng xã hội Telegram rằng drone đã bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không ở quận Ferzikovsky. Cuộc tấn công này không gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất.
Niger đóng cửa không phận trước hạn chót tối hậu thư của khối Tây Phi
Theo AFP, tối hôm qua 06/08/2023, phe quân đội làm đảo chính lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum đã ra lệnh đóng không phận Niger đề phòng khả năng bị can thiệp quân sự khi tối hậu thư của khối Tây Phi hết hạn lúc 0 giờ, giờ địa phương, hôm nay, 07/08/2023.
Những người ủng hộ quân đội Niger ở gần một căn cứ không quân tại Niamey, Niger, ngày 05/08/2023. REUTERS – STRINGER
Anh Vũ
Tối qua, Hội đồng Cứu quốc, phe đảo chính nắm quyền tại Niger, đã ra thông cáo : « Trước nguy cơ ngày càng rõ về khả năng can thiệp quân sự của các nước láng giềng, Niger quyết định đóng cửa không phận từ ngày 6/8 cho đến khi có lệnh mới ».
Thông cáo của phe đảo chính nói rõ là « mọi ý đồ xâm phạm không phận (Niger) sẽ bị đáp trả kiên quyết ngay lập tức ».
Giới quân nhân cầm quyền tại Niger khẳng định một cuộc can thiệp quân sự đang được chuẩn bị tại hai nước Trung Phi, nhưng không nói là nước nào. “Bất cứ quốc gia nào tham gia vào nỗ lực này đều sẽ bị coi là tham chiến”, Hội đồng Cứu quốc Niger nhấn mạnh.
Hôm 30/07, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi đã ra “tối hậu thư” yêu cầu phe đảo chính Niger đến trước 00 giờ 00 ngày 07/08, giờ Niamey (23 giờ GMT) phải khôi phục quyền lực cho tổng thống Mohamed Bazoum, nếu không, họ buộc cân nhắc can thiệp quân sự. Mặc dù thời hạn chót đã qua nhưng khối Tây Phi chưa có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc triển khai quân sự ở Niger.
Ngay sau cuộc đảo chính quân sự hôm 26/07, biên giới trên bộ cũng như trên không của Niger với 5 nước láng giềng (Algerie, Burkina Faso, Libya, Mali, Tchad) đã bị đóng, nhưng đã được mở lại hôm 02/08.
Hôm qua, khoảng 30 nghìn người mang cờ Niger, Burkina Faso và Nga đã biểu tình tại sân vận động tại thủ đô Niamey để ủng hộ phe đảo chính và bày tỏ thái độ chống Pháp.
Cuộc đảo chính quân sự đã bị các nước phương Tây và những đối tác châu Phi của Niger lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên chính quyền quân sự laui được Mali và Burkina Faso ủng hộ. Hai nước này tuyên bố can thiệp quân sự vào Niger lúc này là tuyên chiến với họ.
Manila triệu đại sứ Trung Quốc lên để phản đối vụ tàu Philippines bị tấn công ở Biển Đông
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos thông báo, chính quyền Manila, hôm nay 07/08/2023, đã triệu đại sứ của Trung Quốc lên để phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn và phun vòi rồng vào các tàu tuần duyên Philippines ở khu vực Biển Đông.
Tàu tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước vào tàu tuần duyên Philippines, trong khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Biển Đông, ngày 05/08/2023. via REUTERS – PHILIPPINE COAST GUARD
Phan Minh
Theo AFP, vụ việc xảy ra hôm 05/08 khi lực lượng tuần duyên Philippines hộ tống các tàu chở thực phẩm, nước, nhiên liệu và các vật tư khác cho quân nhân Philippines đóng quân tại Bãi Cỏ Mây mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của mình, trong vùng quần đảo Trường Sa.
Quân đội và lực lượng tuần duyên Philippines đã tố cáo Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong cuộc họp báo, tổng thống Ferdinand Marcos cho biết, ngoại trưởng Philippines đã triệu đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) lên để trao công hàm phản đối bao gồm cả những hình ảnh và video về vụ việc nói trên.
Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố đã thực hiện “các biện pháp kiểm soát cần thiết” đối với các tàu Philippines xâm nhập “bất hợp pháp” vào vùng biển của mình.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hôm qua 06/08, đã lên án các hành động của Trung Quốc, đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Anh Quốc, Úc, Canada và Liên Hiệp châu Âu (EU) cũng đã chỉ trích hành động của Bắc Kinh.
Xin nhắc lại là Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có hàng nghìn tỷ đô la hàng hóa đi qua hàng năm và đã không công nhận các phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Quốc vương Cam Bốt chính thức bổ nhiệm Hun Manet làm thủ tướng
Theo đề nghị của thủ tướng mãn nhiệm Hun Sen, hôm nay 07/08/2023, Quốc vương Cam Bốt Norodom Sihamoni chính thức bổ nhiệm đại tướng Hun Manet, 45 tuổi, vào vị trí thủ tướng. Trong gần bốn thập niên qua, Cam Bốt nằm dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen, thân phụ tân thủ tướng.
Hun Manet, con trai cả của cựu thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, vẫy tay chào những người ủng hộ mình, tại Phnom Penh, Cam Bốt ngày 21/07/2023. AP – Heng Sinith
Thùy Dương
Sau khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Hun Manet sẽ phải thành lập nội các mới và theo dự kiến, Quốc Hội Cam Bốt sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ mới.
Tuy nhiên, đây chỉ một thủ tục, bởi vì tại Quốc Hội Cam Bốt, vừa được bầu sau cuộc bỏ phiếu ngày 23/07, đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông Hun Sen chiếm 120 trong tổng số 125 ghế. AFP cho biết, chính phủ của thủ tướng Hun Manet có thể gồm nhiều bộ trưởng trẻ, những vị trí bộ trưởng bị bỏ trống dưới thời thủ tướng Hun Sen cũng sẽ được bổ nhiệm.
Tiến sĩ, đại tướng Hun Manet, con trai cả của ông Hun Sen, từng theo học ở Anh Quốc và Học viện quân sự danh tiếng West Point của Mỹ. Đại tướng Hun Manet là tư lệnh Lục quân Cam Bốt từ năm 2018.
Liệu Cam Bốt thời Hun Manet sẽ giữ khoảng cách hơn với Trung Quốc ? Theo Carl Thayer, giáo sư danh dự của đại học UNSW của Úc, đó chỉ là « một ảo tưởng » bởi Hun Manet « sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nắm lấy bàn tay chìa ra cho ông, có nghĩa là lệ thuộc vào Trung Quốc để duy trì quyền lực của đảng Nhân Dân Cam Bốt ».
Người dân Cam Bốt sẽ có nhiều quyền tự do hơn sau 38 năm dưới « bàn tay sắt » của Hun Sen ? Trên báo Le Figaro, Sebastian Strangio, tác giả một tác phẩm về Cam Bốt dưới thời Hun Sen, nhận định, chưa có gì cho thấy là Hun Manet « sẽ làm được nhiều hơn là những thay đổi chỉ mang tính hình thức về hệ thống chính trị hiện tại », và nếu không có sự ủng hộ của người cha, thì dù có muốn, ông Hun Manet cũng khó có thể tạo ra sự thay đổi. Quả thực, Hun Manet chưa có nhiều « cơ hội cọ sát về chính trị ».
Xin nhắc lại, chỉ vài ngày sau chiến thắng của đảng cầm quyền tại kỳ bầu cử Quốc Hội vừa qua, ông Hun Sen đã thông báo từ nhiệm thủ tướng, chuyển giao quyền lực cho con trai cả. Còn ông sẽ giữ chức chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt, về lý thuyết, là nhân vật quyền lực thứ 2, chỉ sau Quốc vương Norodom Sihamoni.