Ảnh hưởng của truyền thông trong cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay – Nhữ Đình Hùng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ảnh hưởng của truyền thông trong cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay – Nhữ Đình Hùng

Cho đến nay, cuộc chiến Nga/Ukraine không những chỉ được tường thuật qua báo chí, truyền thanh,truyền hình mà còn được nhìn thấy qua mạng lưới xã hội như facebook, twitter, Tiktok, instagramme…Và những tin tức qua mạng lưới xã hội không phải luôn luôn chính xác, nhiều khi các hình ảnh đã được sửa chữa, điều được giới nhà nghề gọi là ‘deepfakes’, ‘hypertrucages’..

Nhưng mạng lưới xã hội có sẽ làm thay đổi cuộc chiến?
Phải nói mạng lưới xã hội là nơi mọi người gặp gỡ, trao đổi hình ảnh, ý kiến… Nhưng hệ -thống các mạng lưới xã hội còn được xử dụng như một công cụ chánh trị, là nơi tranh luận, thuyết phục, đối chọi các ý kiến. Trên mạng lưới xã hội, các tham dự viến không phải là các chiến binh chuyên nghiệp đối đầu nhau bằng vũ khí nhưng là các thành phần dân chúng khác nhau, vũ khí của họ là những chiếc điện thoại di động với những dòng chữ, với những hình được gởi đi có thể tạo ra một thương cảm, một ngạc nhiên, một phẫn nộ! Và dĩ nhiên có những thành phần chuyên môn làm công tác chiến tranh chánh trị,tâm lý chiến nhằm chiếm cảm tình,ủng hộ cho phe ta và gây khó khăn,chống đối cho phe địch! Do đó, tin tức và bình luận về cuộc chiến tranh Nga/Ukraine trên mạng lưới xã hội có một tác động mạnh đến quần chúng!

Mạng lưới xã hội như thế đã là đối trọng với hệ thống quyền lực và cũng là đối trọng với hệ thống truyền thông! Cái khó là đối với các ‘dư luận viên’ này, khó có thể biết căn cước, thành phần xã hội cũng như khu vực địa lý! Không cần phải có mặt ở chiến trường để săn tin, để làm ‘tổn hại’ cho đối phương, một chiến trường khác đang được dùng tới,đó là ‘chiến trường điện toán’ hay ‘chiến trường ảo’. Để đối phó với trận chiến ảo này, chỉ có một phương pháp: làm rối loạn hệ thống internet! Hệ thống xã hội như thế không phải chỉ là hệ thống truyền thông nhưng còn là một hệ thống vận động, tác động tâm lý, tạo xúc động. Ở đây, các vidéo giữ một vai trò quan trọng vì có thể ghi lại các hình ảnh trong một thời lượng dài và các hình ảnh tạo xúc động mạnh hơn tin nói hay tin viết. Nói hay viết ‘có hằng trăm tử thi trong các hố chôn tập thể’ không thể tạo xúc động bằng vidéo trình chiếu các xác chết được đào lên từ những hố chôn với các thương tích do bom đạn. Nhưng cũng chính vì thế mà có những vidéo ngụy tạo nhằm cáo buộc bên này hay bên kia có những tội ác chiến tranh…

Trong cuộc chiến Nga/Ukraine, tổng thống Ukraine, ông Zelensky đã là người dùng đến hệ thống xã hội nhiều nhất! Điều này không có nghĩa là Ukraine đã thắng trong trận chiến truyền thông. Ngược lại,người ta có thể nhận ra các điểm yếu! Ai có thể nói là ông Zelensky đã không thành công trong cuộc chiến truyền thông? Ông đã có mặt ở mọi nơi mà không cần hiện diện tại chỗ! Chỉ cần qua các vidéo,qua các ‘hội thảo truyền hình’, ông có mặt ở những cuộc họp ở xa đất nước ông mà không cần di chuyển bằng phương tiện hội thảo viễn liên.

Với gốc gác là một kịch sĩ trước khi trở thành tổng thống, ông đã có một khả năng diễn xuất làm cuốn hút mọi người cho chánh nghĩa theo đuổi của ông ta, của nhân dân Ukraine trong cuộc kháng chiến chống lại Nga, tạo ra một thiện cảm lớn trong khối liên âu. Nhưng tài năng hùng biện, khả năng vận dụng truyền thông đã không đạt được thành quả mong muốn nhất là làm cho OTAN ‘lâm chiến’ với Nga và Ukraine được chấp nhận gia nhập OTAN.

Ông dã muốn OTAN lập vùng cấm bay đối với phi cơ Nga nhưng OTAN đã không chịu làm vì như thế có nghĩa là OTAN gây hấn với Nga và cuộc chiến Nga Ukraine trở thành cuộc chiến OTAN/Nga! Ukraine cũng chưa được nhận vào OTAN trong lúc này vì OTAN không muốn bị lôi vào cuộc chiến với Nga, mặc dù chính OTAN là nguồn cung cấp chính về phương tiện chiến tranh cho Ukraine qua các thành viên của OTAN! Khác với Ukraine, khác với Zelensky, nước Nga với Poutine đã không có ảnh hưởng với tây phương trên mặt truyền thông, cuộc chiến Nga chống Ukraine đã bị phê phán, bị lên án…

Trong các diễn văn, Zelensky nói tới việc hòa bình chỉ có thể được bảo đảm bằng an ninh nguyên tử, năng lượng,lương thực. Nhưng, những điều này đang trở thành trở lực cho cuộc vận động của Zelensky! Tây Âu hiện chỉ có hai nước có võ khí nguyên tử là Anh và Pháp và số lượng tồn trữ không đáng kể so với Nga; giả sử có chiến tranh nguyên tử xảy ra, Nga chiếm thượng phong.

Lãnh thổ của Nga lại rộng lớn, ảnh hưởng của một cuộc chiến nguyên tử sẽ nhỏ hơn của Âu Châu, nhưng hiện nay, chiến tranh nguyên tử chỉ mới là hù dọa! Thứ hai là vấn đề năng lượng; Âu Châu đang có một khủng hoảng về năng lượng và nhất là mùa lạnh đang đến! Vấn đề tái tiếp tế dầu hỏa và hơi đốt gặp khó khăn vì khối OPEP giảm sản xuất, vấn đề tiếp tế hơi đốt hóa lỏng không giản dị vì phải xây cất thêm cảng và kho chứa… Vấn đề lương thực cũng gay go vì hạn hán và chiến tranh Nga Ukraine gây khó khăn cho việc cung cấp ngô,dầu hướng dương và các ngũ cốc khác.

Mặc dù những tuyên bố mạnh miệng, cuộc chiến Ukraine tùy thuộc vào viện trợ của Mỹ và Liên Âu, phần lớn là từ phía Mỹ.Liên Âu hứa ủng hộ Ukraine tới cùng nhưng các tồn trữ của Liên Âu là cho thời bình, các nước này đã hưởng hòa bình từ gần tám mươi năm qua. Nếu phải đi vào một trận chiến có cường độ cao, liệu rằng kỹ nghệ thời bình có chuyển kịp sang kỹ nghệ thời chiến? Tuyên bố sẽ tiêu diệt từng tên lính Nga sẽ chỉ có giá trị nếu Ukraine có đủ súng đạn nhưng Zelensky luôn kêu gọi tiếp tế thêm võ khí! Không có đạn, súng chỉ là những khối sắt vô dụng! Vả chăng,những tuyên bố kiểu này, thay vì làm binh lính Nga sợ hãi, có thể tạo ra nơi họ những phẫn nộ vì bị coi thường, khiến họ chống trả lại một cách mãnh liệt hơn trên chiến trận! Tìm một giải pháp hòa bình khi có thế mạnh phải chăng là điều Zelensky nên làm trong lúc này?

Nhữ Đình Hùng/ 08.10.2022
Tham khảo:
https://information.tv5monde.com/info/conflit-en-ukraine-les-reseaux-sociaux-influencent-ils-la-guerre-452619
information.tv5monde.com/info/ukraine-la-guerre-de-communication-du-president-zelensky-472329#:~:text=L’air%20grave%2C%20il%20se,de%20Facebook%2C%20observe%20Valentyna%20Dymytrova.
https://www.telerama.fr/debats-reportages/guerre-en-ukraine-les-reseaux-sociaux-nouvelles-lignes-de-front-7009706.php