TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 10/06/2023
Mỹ công bố gói viện trợ phòng không trị giá 2,1 tỷ USD cho Ukraine
Phan Anh
Hôm 9/6 vừa qua, Mỹ đã công bố gói viện trợ trị giá 2,1 tỷ USD cho Ukraine, trong đó bao gồm các hệ thống phòng không và đạn dược quan trọng, nhằm củng cố năng lực phòng không cho Kyiv trong dài hạn.
Cụ thể, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, gói viện trợ bao gồm đạn cho hai hệ thống phòng không Patriot và Raytheon HAWK, đạn pháo 105 mm và 203 mm, máy bay không người lái AeroVironment Puma, đạn dành cho hệ thống rocket dẫn đường bằng laser, cùng các dịch vụ hỗ trợ huấn luyện và bảo trì.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ khoản viện trợ này được cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Gói viện trợ này dự kiến được giải ngân trong nhiều tháng và nhiều năm tới để đảm bảo nhu cầu an ninh trong tương lai của Ukraine.
Tính từ tháng 2/2022 tới nay, Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD viện trợ vũ khí cho Ukraine. Nước này đã cung cấp một số loại vũ khí tiên tiến cho Kyiv, trong đó có xe tăng Abrams và hệ thống phòng không Patriot. Quỹ USAI cho phép chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp này, chứ không rút từ các kho vũ khí của Mỹ. Thay vì cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà nước này hiện đang cần, các gói của USAI sẽ tạo ra nguồn cung trung hạn và dài hạn cho Ukraine.
Thụy Điển sẵn sàng tiếp nhận căn cứ của NATO ngay khi chưa chính thức gia nhập khối
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp báo tại Stockholm, Tuy Điển, ngày 07/03/2023. via REUTERS – TT NEWS AGENCY
Trọng ThànhChính quyền Thụy Điển hôm qua, 09/06/2023, cho biết Stockholm sẵn sàng để NATO lập một số căn cứ ‘‘có kỳ hạn’’ trên lãnh thổ nước này. Theo thông báo của thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và bộ trưởng Quốc Phòng Pål Jonson, trên một nhật báo Thụy Điển, quyết định này nhằm chuẩn bị cho ‘‘các hoạt động chung sắp tới’’ của quân đội Thụy Điển với các đồng minh NATO.
Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu duy nhất chưa gia nhập NATO. Đơn gia nhập của Thụy Điển còn phải được Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary bật đèn xanh. Quyết định để NATO mở căn cứ quân sự, trong thời gian Stockholm chờ được kết nạp chính thức, là biện pháp bảo đảm an ninh quan trọng với Thụy Điển và cũng là một thông điệp gửi đến Nga.
Thông tín viên Carlotta Morteo tường trình từ Stockholm :
‘‘Tăng cường an ninh cho Thụy Điển và gửi một thông điệp mạnh đến Nga’’, đây là hai thông điệp mà thủ tướng và bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển đưa ra để giải thích về quyết định cho phép một số đơn vị của NATO đồn trú tại Thụy Điển, và các phương tiện của Liên minh quân sự này được phép quá cảnh hoặc bố trí tại Thụy Điển, ví dụ như các hệ thống tên lửa phòng không.
Đây là một cách để khẳng định : ‘‘Thụy Điển không đơn độc, Stockholm xem xét rất nghiêm túc đe dọa do Nga đặt ra, và tận dụng thời gian chờ được kết nạp vào NATO, để xích gần hơn nữa với các đồng minh.
Hiện tại, NATO đang xây dựng một số kế hoạch mới để tăng cường năng lực phối hợp phòng thủ tại khu vực, bao gồm Phần Lan, thành viên mới của NATO. Thụy Điển chưa có mặt trong các kế hoạch này. Hiện tại, còn nhiều thách thức đặt ra về mặt hậu cần, về khả năng phòng vệ của bản thân Thụy Điển, cũng như khả năng kiểm soát vùng biển Baltic.
Nhìn chung, chính quyền Thụy Điển dù sao cũng xem đất nước trong hiện tại đã trở nên an toàn hơn so với trước khi đệ đơn gia nhập NATO. Tuy nhiên, Stockholm vẫn cảnh giác, bởi ‘‘không thể đoán trước được đâu là giới hạn tham vọng lãnh thổ của Putin’’.
Chiến tranh Ukraina: Tổng thống Nga khẳng định Kiev bắt đầu phản công
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp Hội đồng Liên chính phủ Á- Âu tại Sotchi, Nga, ngày 09/06/2023. AP – Ramil Sitdikov
Thanh Hà
Đến lượt tổng thống Nga xác nhận Ukraina đã bắt đầu chiến dịch phản công. Trong một đoạn video đăng tải trên mạng Telegram chiều hôm qua 09/06/2023 ông Vladimir Putin khẳng định chiến dịch đã « mở màn ở quy mô lớn ». Không đi sâu vào chi tiết, chủ nhân điệm Kremlin nhấn mạnh « các lực lượng Ukraina không hoàn thành bất kỳ một mục tiêu nào trên trận địa » thế nhưng Kiev vẫn có « tiềm lực tấn công rộng lớn » nhờ được phương Tây trang bị vũ khí tối tân.
Thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri từ vùng Kherson, khu vực quân Nga đang kiểm soát ghi nhận, kể từ khi ra lệnh mở « chiến dịch đặc biệt » nhắm vào Ukraina, hiếm khi nào ông Putin lên tiếng về các diễn tiến quân sự trên chiến trường: .
«Phương pháp này đã nhiều lần được áp dụng trong thời kỳ có dịch Covid. Matxcơva để cho các lãnh đạo địa phương hoặc bên chính phủ lên tiếng. Ngay cả trong các vụ tập kích liên tiếp nhắm vào Belgorod, sát biên giới giữa Nga và Ukraina. Trong vụ nhiều ngôi làng ở đây bị oanh kích, hàng ngày người ta chỉ thấy có mỗi thống đốc trong vùng trên tuyến đầu. Mãi đến khi thủ đô Matxcơva bị tấn công bằng drone, tổng thống Putin mới lên tiếng dù rất kiệm lời.
Một số nhà quan sát thậm chí ghi nhận trong phát biểu hôm qua, nguyên thủ Nga có vẻ chán chường khi đề cập đến đợt phản công của Ukraina, một chủ đề đã được thảo luận từ nhiều ngày qua. Một dấu hiệu cho thấy dường như bên trong nội bộ của bên phủ tổng thống đã có nhiều tranh cãi.
Cách nay hai hôm bộ phận truyền thông của Kremlin loan báo trên Twitter xin trích : « Tổng thống đang soạn thảo một thông điệp để gửi đến toàn dân về chiến dịch đặc biệt ». Thế nhưng rồi chỉ vài phút sau, dòng tin này đã bị xóa mất, không một lời giải thích.
Tổng thống Nga không chọn phát biểu về chiến dịch phản công này trong một khuôn khổ quá trang nghiêm. Tuyên bố trên đã được ông thông báo bên lề một sự kiện ngoại giao. Khi được một phóng viên hỏi liệu Ukraina đã mở chiến dịch phản công hay không, thì Vladimir Putin trả lời ngắn gọn là Kiev « đã bắt đầu phản công ». Ông nói thêm là Nga thiếu vũ khí hiện đại nhưng tình hình sẽ sớm được khắc phục. Vladimir Putin đã khép lại chủ đề này khi kết luận : quân Ukraina đang thất bại ».
Tình báo Anh trong thông tin cập nhật sáng nay 10/06/2023 ghi nhận « nhiều chiến dịch quan trọng từ phía Ukraina trong 48 giờ qua ». Tại một số nơi quân Ukraina đã « chọc thủng » được hàng phòng thủ của đối phương. Về phía Nga, « Matxcơva không đạt được tất cả những mục tiêu mong muốn ». Có nghĩa là bên cạnh một số những địa điểm mà lực lượng của Nga đang kháng cự khá tốt, trái lại ở những nơi khác, lính Nga đã phải « tháo chạy một cách hỗn loạn ». Tình báo Anh được Reuters trích dẫn công bố hình ảnh những người lính Nga chết hay bị thương khi « phải vượt qua những cánh đồng mà chính họ đã gài mìn và thuốc nổ ».
Hàn Quốc triệu đại sứ Trung Quốc vì phát ngôn ‘‘can thiệp nội bộ’’
Đại sứ Trung Quốc tại Seoul, Hình Hài Minh (phải) và lãnh đạo đảng Dân Chủ, đối lập Hàn Quốc, Lee Jae-myung, tại Seoul ngày 08/06/2023. AP
Trọng Thành‘Can thiệp vào công việc nội bộ’’, ‘‘phát biểu hàm hồ, khiêu khích’’ là các chỉ trích của thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, Jang Ho-Jin, trong cuộc gặp đại sứ Trung Quốc hôm qua, 09/06/2023.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, quan chức bộ Ngoại Giao Hàn Quốc nhấn mạnh là các lời lẽ chỉ trích công khai chính sách của chính quyền Seoul trước báo chí Hàn Quốc ‘‘vi phạm các quy tắc ngoại giao và Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao’’. Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc triệu đại sứ Hình Hải Minh (Xing Hai-ming), sau khi đại diện ngoại giao Trung Quốc gián tiếp lên án Hàn Quốc đứng về phe Mỹ chống Trung Quốc. Phát biểu được đưa ra trong cuộc gặp hôm 08/06 tại sứ quán Trung Quốc, giữa đại sứ Xing Hai-ming và ông Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Dân Chủ, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc.
Thông tín viên Celio Fioretti từ Seoul cho biết thêm :
‘‘Những ai đặt cược vào thất bại của Trung Quốc sẽ phải nuối tiếc’’, đại sứ Trung Quốc Hình Hải Minh đã phát biểu như trên hôm thứ Năm, 08/06, khi chỉ trích Seoul có lập trường gần gũi với Washington. Bình luận này đã buộc bộ Ngoại Giao Hàn Quốc phải triệu đại sứ Trung Quốc.
Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng hồi tháng Tư sau các phát biểu của tổng thống Hàn Quốc về vấn đề duy trì nguyên trạng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, nếu như Hàn Quốc muốn khẳng định thái độ cứng rắn trước các bình luận của Trung Quốc, Seoul đang bị kẹp giữa hai gọng kìm.
Như cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Cho Tae-yong nhắc lại điều này vào ngày hôm qua, Bắc Kinh là đối tác thương mại số một của Seoul, chiếm 23% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Thật khó mà nổi giận với Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh hơn nữa còn đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Mặt khác, năm nay cũng là dịp 70 năm thành lập liên minh quân sự Mỹ – Hàn. Trong cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington, Seoul đang ở vào vị thế rất không thuận lợi’’.
Cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc Cho Tae-yong hôm qua, 09/06/2023, có bài diễn văn khai mạc Hội nghị sơ kết một năm cầm quyền của tổng thống Yoon Suk-yeol, trong lĩnh vực ‘‘ngoại giao và an ninh’’. Trong bài phát biểu nói trên, cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh là, chính quyền của tổng thống Yoon Suk-yeol, khác hẳn với chính quyền tiền nhiệm, biết ‘‘phân biệt rõ’’ những hiểm họa thực sự, tức những thế lực thù địch đe dọa sự tồn vong của đất nước, với các quốc gia đồng minh, bạn hữu. Theo đài Hàn Quốc KBS World, đây là một phát biểu gián tiếp đáp trả đại sứ Trung Quốc.
Tổng tham mưu trưởng Nga – Trung hội đàm : Gia tăng tập trận là trọng tâm hợp tác
Hải quân Nga và Trung Quốc tập trận ngày 18/03/2023, trong vùng biển Ả Rập. © AP
Trọng ThànhGia tăng các cuộc tập trận song phương trong thời gian tới ‘‘sẽ tiếp tục là một trục chính’’ trong hợp tác Trung – Nga. Trên đây là thông điệp mà tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Valéri Guérassimov đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với đồng cấp Trung Quốc Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli) hôm qua, 09/06/2023.
Theo AFP, trong một đoạn video được bộ Quốc Phòng Nga công bố, tổng tham trưởng Quân đội Nga khẳng định ‘‘sự phối hợp các nỗ lực của Nga và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên trường quốc tế là một tác nhân giúp ổn định tình hình thế giới’’. Báo Hồng Kông South China Morning Post, trong bài ‘‘Quân đội Nga – Trung thỏa thuận gia tăng tập trận’’ ghi nhận : sau chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Matxcơva vào tháng 3, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết sẵn sàng tham gia nhiều cuộc tập trận và tuần tra chung hơn với Nga để ‘‘thúc đẩy hòa bình toàn cầu’’.
Cuộc hội đàm trực tuyến nói trên diễn ra ba ngày sau một cuộc tuần tra chung của không quân Nga – Trung tại vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Việc phi cơ quân sự Trung – Nga xâm nhập vùng nhận dạng phòng không buộc Hàn Quốc phải điều chiến đấu cơ lên giám sát.
Kể từ khi Matxcơva tiến hành cuộc xâm lăng Ukraina, Trung Quốc đã gia tăng hợp tác với Nga về nhiều mặt, đặc biệt là hợp tác quân sự. Phương Tây liên tục đưa ra các cảnh báo về nguy cơ Bắc Kinh cung cấp các phương tiện quân sự, hoặc các thiết bị lưỡng dụng, dân sự/quân sự để hậu thuẫn Matxcơva trong cuộc can thiệp quân sự nói trên.
Canada : Cháy rừng tiếp tục hoành hành dù được tăng cường cứu hộ nước ngoài tăng
Bầu trời Montréal ngày 06/03/2023 bao phủ khói mù do các vụ cháy rừng từ phía bắc Quebec. AFP – ANDREJ IVANOV
Anh Vũ Tình hình cháy rừng tại Canada tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng cứu hỏa được sự hỗ trợ tăng cường từ nhiều nước đang cố gắng hết sức. Cho đến ngày 09/06/2023, còn nhiều đám cháy chưa kiểm soát được. Hàng trăm hecta rừng trong các tỉnh Alberta, Nova Scotia, Québec, giờ đến lượt British Columbia đã bị thiêu trụi trước sự bất lực của chính quyền.Thông tín viên RFI Guillaume Naudin, tại Val d’or, Québec cho biết thêm thông tin :
“Chỉ là vấn đề thời gian. Từ nhiều năm nay nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra ở miền tây Canada. Do tác động biến đổi khí hậu và sau một mùa xuân đặc biệt nóng và khô, hiện tượng cháy rừng đã lan tới miền đông với cường độ cao chưa từng thấy. Nhà hoạt động môi trường và là chủ tịch hiệp hội bảo vệ rừng Action Boréale, Henri Jacob cho biết :
« Tôi thấy ngạc nhiên là vì trong 2 -3 năm qua, chúng tôi may mắn chỉ bị một vài vụ cháy rừng, ít hơn mức trung bình. Trước vẫn xảy ra cháy rừng cực bắc nhưng không lớn lắm và chưa bao giờ với số lượng lớn như bây giờ. Có hơn 120 vụ cháy rừng đang diễn ra, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát vì có quá nhiều, người ta không đủ trang thiết bị để đối phó ».
Để khắc phục, chính quyền chủ yếu trông chờ vào mưa, dự báo sẽ có trong những ngày tới. Nhưng theo ông Henri Jacob, sẽ cần phải mưa rất nhiều :
« Nếu trời mưa ba ngày thì cũng tạm được, có thể làm giảm tốc độ cháy một chút, nhưng không đủ để dập tắt các đám lửa với cường độ cao như thế này. Tôi cho rằng trời phải mưa liên tục gần như cả tháng thì mới đủ để dập cháy rừng thực sự ».
Dường như cả mùa hè này sẽ rất nóng. Giải pháp của Henri Jacob là gì ? Đó là xem xét lại cách khai thác rừng, trồng lại nhiều hơn các loại cây có lá rộng và bớt các loại cây nhiều gai, tuy sinh lợi nhiều hơn cho các nhà khai thác nhưng lại dễ cháy.
Tại Cuba, chính quyền Colombia và phe nổi dậy ELN đạt thỏa thuận đình chiến
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (giữa) chứng kiến lễ ký thỏa thuận đình chiến giữa Tổng thống Colombia, Gustavo Petro (trái) và Antonio Garcia tư lệnh ELN, tại La Habana, ngày 09/06/2023. AP – Ramon Espinosa
Trọng ThànhLực lượng nổi dậy cuối cùng tại quốc gia Nam Mỹ Colombia và chính quyền đạt thỏa thuận đình chiến. Thỏa thuận, được ký kết tại La Habana, Cuba, hôm qua, 09/06/2023. Liên Hiệp Quốc và giáo hội Công Giáo sẽ tham gia vào việc giám sát việc thực thi thỏa thuận.
Theo AFP, chính quyền của tổng thống Colombia Gustavo Petro và tư lệnh Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), Antonio Garcia, thỏa thuận chính thức ngừng bắn từ ngày 03/08/2023 trên phạm vi toàn quốc. Ngừng bắn có hiệu lực trong 180 ngày, theo ‘‘Các Thỏa thuận Cuba’’. Thỏa thuận nói trên được coi là mở đầu cho một tiến trình đi đến hòa bình, theo lãnh đạo lực lượng nổi dậy ELN
Lực lượng nổi dậy ELN – thành lập năm 1964, lấy cảm hứng từ cách mạng Cuba, với khoảng 6.000 chiến binh – đã từng đàm phán với năm đời chính phủ Colombia. Các đàm phán đều không đạt kết quả. Ngay khi lên nắm quyền, tổng thống Petro đã thúc đẩy việc nối lại đàm phán. Các vòng đàm phán trước diễn ra tại Venezuela, Mêhicô, trước khi tiếp tục tại La Habana từ đầu tháng 5/2023.
Tổng thống Gustavo Petro tuyên bố: ‘‘Bắt đầu từ đây một thế giới mới ra đời, đây cũng là lúc khép lại thời kỳ nổi dậy vũ trang tại châu Mỹ Latinh’’. Ông Gustavo Petro, tổng thống Colombia đầu tiên thuộc cánh tả, theo đạo Công giáo, và cũng là một cựu du kích quân. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn, đã xác lập ‘‘cơ chế cho phép sự tham gia của xã hội dân sự Colombia vào tiến trình hòa bình’’, ‘‘mang lại hy vọng cho người dân Colombia’’.