ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 25/4/2023
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp thách thức phương Tây về liên minh Bắc Kinh-Matxcơva ?
Ảnh minh họa: đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã (Lu Shaye) AFP – MARTIN BUREAU
Đức Tâm
Trên đài truyền hình Pháp LCI ngày 21/04/2023, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã (Lu Shaye) cho rằng bán đảo « Crimée ban đầu là của nước Nga » và các nước giành được độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ « không có quy chế thực thụ trong luật pháp quốc tế bởi vì không có thỏa thuận quốc tế để cụ thể hóa quy chế quốc gia có chủ quyền ».
Các phát biểu của đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã đã làm dấy lên phản ứng bất bình mạnh mẽ của các nước châu Âu. Thậm chí, nhiều dân biểu Pháp còn kêu gọi bộ Ngoại Giao Pháp tuyên bố đại sứ Lô là « nhân vật không được hoan nghênh – persona non grata ».
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phải lên tiếng cải chính : «
Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả
các quốc gia và bảo vệ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên
Hiệp Quốc ». Bắc Kinh nhấn mạnh : « Trung Quốc tôn trọng quy chế quốc gia có chủ quyền của những nước cộng hòa hình thành sau sự tan rã của Liên Xô ».
Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris cũng phân bua rằng các phát biểu của ông Lô « không phải là một tuyên bố chính trị » và đó chỉ là « những quan điểm cá nhân » trong một cuộc tranh luận.
Sứ quán là đại diện, bộ mặt của một quốc gia ở nước ngoài và do vậy có mối quan hệ chặt chẽ với bộ Ngoại Giao trong nước, cơ quan chủ quản, lãnh đạo trực tiếp. Các hoạt động ngoại giao của sứ quán đòi hỏi một sự phối hợp, tham khảo, hỏi ý kiến trong nước. Sứ quán nhận chỉ thị và làm báo cáo gửi về bộ Ngoại Giao. Các tiếp xúc chính thức, trả lời phỏng vấn truyền thông của đại sứ cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Ông Lô Sa Dã được mời lên đài truyền hình LCI với tư cách là đại sứ Trung Quốc tại Pháp, chứ không phải là một chuyên gia độc lập, có thể tự do trình bày suy nghĩ của mình.
Điều đáng
chú ý là từ khi nhậm chức tại Pháp, tháng 08/2019, đại sứ Lô Sa Dã đã
có không ít các phát biểu gây tranh luận và Bắc Kinh phải cải chính.
Tháng
04/2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, đại sứ Lô đã khẳng
định rằng các nhân viên chăm sóc trong các cơ sở dưỡng lão của Pháp
(Ehpad) đã đồng loạt từ nhiệm bỏ mặc những người cao tuổi đói khát và
bệnh tật. Ngoại trưởng Pháp lúc đó đã triệu ông lên để bày tỏ thái độ
không tán đồng về những phát biểu này.
Gần một năm sau, vào tháng 03/2021, đại sứ Lô lại được triệu lên bộ Ngoại Giao Pháp vì đã có những lời lẽ thóa mạ một chuyên gia Pháp. Đó là chưa kể những phát biểu của ông đại sứ gây tranh cãi, như người Duy Ngô Nhĩ không bị giam cầm, mà đó là các thực tập sinh học nghề, hay Trung Quốc quản lý Đài Loan từ năm 230 sau Công Nguyên…Rồi gần đây nhất, ông tuyên bố các nước thuộc khối Liên Xô cũ không có quy chế thực thụ trong luật pháp quốc tế.
Phải chăng đây
là những phát biểu « lỡ lời » của một vị đại sứ được coi là một trong
những « chiến lang » hung hăng nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc.
Giới phân tích không tin vào các giải thích, phân trần của Trung Quốc.
Theo báo Pháp Le Figaro, các tuyên bố này dường như phản ánh tư duy của
một số phe phái chính trị trong bộ máy quyền lực ở Bắc Kinh. Chuyên gia
Antoine Bondaz, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS) lưu ý : Không
thể bênh vực được các phát biểu của đại sứ Lô. Nó không phản ánh lập
trường chính thức công khai của chính phủ Trung Quốc, nhưng gián tiếp
cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva có cùng một quan điểm chống phương Tây.
Mặt khác, những tuyên bố của đại sứ Lô chỉ phục vụ cho lợi ích của Nga
và càng làm gia tăng sự hoài nghi về thái độ trung lập của Trung Quốc
trong hồ sơ Ukraina.
Luật chống gián điệp : Trung Quốc mở rộng phạm vi áp dụng, giới nhân quyền lo ngại
Ảnh minh họa : Gián điệp mạng Trung Quốc hoạt động mạnh. REUTERS/Edgar Su
Trọng Thành
Quốc Hội Trung Quốc vừa thông qua Luật chống gián điệp sửa đổi hôm qua, 26/04/2023. Theo giới quan sát, luật mới, với các nội dung rất rộng liên quan đến bảo vệ ‘‘lợi ích quốc gia’’, cho thấy không khí hoài nghi, đối đầu giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các đồng minh gia tăng. Giới bảo vệ nhân quyền lo ngại chính quyền có cớ để gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Reuters cho hay Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua Luật Chống gián điệp sửa đổi sau ba ngày thảo luận. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07 tới. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sửa Luật chống gián điệp kể từ năm 2014. Theo luật này, mà toàn văn được Tân Hoa Xã công bố hôm qua, tất cả ‘‘các tài liệu, dữ liệu, tư liệu và vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia’’ đều phải được bảo vệ giống như bí mật nhà nước. Reuters cũng cho biết là luật chống gián điệp sửa đổi ‘‘không xác định những gì thuộc về an ninh quốc gia hoặc lợi ích của Trung Quốc’’.
Luật chống gián điệp sửa đổi cho phép các cơ quan chức năng điều tra chống gián điệp có quyền truy cập vào dữ liệu, thiết bị điện tử, thông tin về tài sản cá nhân, cũng như cấm các hoạt động di chuyển qua biên giới. Tấn công mạng nhắm vào các cơ quan nhà nước hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng cũng được xếp vào ‘‘hành vi gián điệp’’.
Theo chuyên gia Jeremy Daum, Trung tâm Paul Tsai chuyên về Trung Quốc thuộc Trường Luật Yale (New Haven, bang Connecticut, Mỹ), ‘‘ sự chú trọng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia và chống gián điệp” diễn ra trong bối cảnh ‘‘các quan hệ quốc tế tiếp tục trở nên tồi tệ, nghi ngờ tiếp tục gia tăng’’. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt giữ hàng chục công dân Trung Quốc và nước ngoài vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Một người phụ trách của công ty dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma đã bị bắt giam tại Bắc Kinh từ tháng trước với cáo buộc làm gián điệp.
Trả lời đài Úc ABC,
ông Đằng Bưu (Teng Biao), cựu luật sư nhân quyền ở Trung Quốc, giáo sư
luật thỉnh giảng tại đại học Chicago, Mỹ, nhận định việc các chính phủ
đưa ra luật hình sự hóa hoạt động gián điệp là ‘‘điều bình thường’’, nhưng theo ông, tính chất mơ hồ trong luật sửa đổi của Trung Quốc gây lo ngại. Theo luật sư Đằng Bưu, “trên thực tế, họ (nhà nước) đang cố tình lợi dụng sự mơ hồ về mặt pháp lý này để đàn áp những người bất đồng chính kiến’’. Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra chính sách mới cho phép thưởng tới 100.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 20.000 đôla Mỹ) cho người Trung Quốc nào cung cấp thông tin về các hành động ‘‘chống lại an ninh quốc gia’’.
Tàu sân bay lâu đời nhất của Mỹ lập kỷ lục trên Biển Đông
Theo trang tin Stripes, tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ đã đạt cột mốc quan trọng với 350.000 lần máy bay hạ cánh trên boong bằng cáp hãm trong gần 50 năm hoạt động của con tàu.
Kỷ lục này được xác lập
hôm 22/4 khi một máy bay F/A-18F Super Hornet hạ cánh thành công trên
boong tàu USS Nimitz trong lúc nó đang triển khai ở Biển Đông.
“Tôi rất vinh dự khi xác lập cột mốc lịch sử này cho con tàu. Tôi xin cảm ơn những cuộc hạ cánh trước kia của các phi công hải quân”, Đại úy Craig Sicola, sĩ quan chỉ huy của Nimitz và phi công chính của máy bay chiến đấu đã hạ cánh hôm 22/4, cho biết.
Đô đốc Christopher Sweeney,
chỉ huy Biên đội tác chiến tàu sân bay số 11, cho rằng cột mốc này cho
thấy cam kết của Mỹ về việc thực hiện tự do hàng không, hàng hải ở bất
cứ đâu trên thế giới nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh.
Hạ cánh bằng cáp hãm là khi máy bay tiếp xúc với tàu sân bay và móc đuôi vào 1 trong 4 sợi cáp được bố trí trên boong, cho phép nó dừng lại an toàn. Sàn tàu sân bay không đủ dài để các máy bay hạ cánh theo cách thông thường.
USS Nimitz là tàu sân bay lớp Nimitz đầu tiên của Hải quân Mỹ, được đưa vào biên chế năm 1975. Hiện tại, nó là tàu sân bay lâu đời nhất trên thế giới còn hoạt động.
Con tàu thuộc Biên đội tác chiến tàu sân bay số 11, đồn trú gần Seattle, Mỹ. Nó đang được triển khai thường xuyên theo lịch trình tại khu vực hoạt động của Hạm đội 7 ở Biển Đông.
Anh chính thức chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine, Nga tức giận
Anh cho biết đã chuyển hàng nghìn quả đạn tăng Challenger 2 tới Ukraine, trong đó có đạn xuyên giáp uranium nghèo, động thái bị Nga chỉ trích gay gắt.
Trả lời chất vấn từ nghị sĩ, Quốc vụ khanh Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey hôm 25/4 xác nhận đạn uranium nghèo dành cho xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất đã đến Ukraine. “Số vũ khí này hiện do Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) kiểm soát”, ông Heappey cho biết.
Theo quan chức này, Bộ Quốc phòng Anh không giám sát các địa điểm quân đội Ukraine khai hỏa đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo.
Khi được hỏi liệu chính phủ có trách nhiệm “giúp làm sạch đạn uranium nghèo“
được sử dụng ở Ukraine sau xung đột hay không, quan chức Anh cho biết
họ “không có nghĩa vụ” phải làm như vậy, thay vào đó nhấn mạnh “nhu cầu
cấp thiết của Ukraine”.
Đại sứ quán Nga tại Anh hôm 26/4 ra tuyên bố nói rằng các câu trả lời của ông Heappey là
“minh chứng nghiệt ngã cho sự tàn nhẫn trong chính sách của phương Tây
về leo thang toàn diện cuộc xung đột ủy nhiệm mà chính họ gây ra ở
Ukraine”.
“Rõ ràng phương Tây có ý định biến Ukraine không
chỉ trở thành trường bắn chống Nga mà còn là bãi thải phóng xạ, sẽ gây
hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân địa phương và môi
trường trong khu vực”, tuyên bố nêu. “Chúng tôi kêu gọi giới chức Anh
đừng nuôi hy vọng hão huyền rằng sẽ thoát tội, khi họ đang cố đẩy mọi
trách nhiệm cho lực lượng vũ trang Ukraine”.
Ngày 21/3, Anh nói sẽ chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine sử dụng trên xe tăng Challenger-2.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho nhiên liệu và vũ khí hạt nhân. Uranium nghèo có tính phóng xạ thấp nhưng độ đặc cao hơn gần 70% so với chì, nên được sử dụng làm đầu đạn để tăng khả năng xuyên phá, chống lại các loại giáp trên xe tăng.
Đạn thanh xuyên
chứa uranium nghèo trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây,
sau khi Anh tháng trước thông báo sẽ chuyển loại đạn này cho Ukraine để
tăng hiệu quả tiêu diệt xe thiết giáp.
London nói uranium nghèo
là “một thành phần tiêu chuẩn và không liên quan đến vũ khí hạt nhân”,
đồng thời khẳng định quân đội Anh đã dùng nguyên liệu này để chế tạo các
loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập niên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó tuyên bố Nga sẽ đáp trả tương ứng với thực tế là “phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân”.
Mỹ từng sử dụng đạn chứa uranium nghèo trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003-2004. Liên Hợp Quốc ước tính tổng khối lượng uranium nghèo mà Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Iraq là ít nhất 300 tấn. NATO khi tấn công Nam Tư năm 1999 từng dùng 40.000 quả đạn loại này, chứa hơn 15 tấn uranium nghèo.
Ông Heappey cho rằng, những rủi ro về sức khỏe và môi
trường do uranium nghèo gây ra là thấp, viện dẫn một nghiên cứu của
chính phủ Anh vào năm 2007.
Tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực
lượng phòng chống hóa học, sinh học và phóng xạ Nga, tháng trước nói
rằng số người mắc ung thư tại Iraq năm 2005 tăng 40 lần so với trước.
Tại các quốc gia từng thuộc Nam Tư, tỷ lệ ung thư tăng 25% sau chiến sự.
Tướng Nga cũng nói rằng việc dùng đạn chứa uranium nghèo tác động đến
chính binh sĩ các nước thành viên NATO từng tham chiến tại Trung Đông và
Balkan, với 4.095 người mắc ung thư, trong đó 330 người chết.
Trong khi đó, Bộ Cựu binh Mỹ cho biết uranium nghèo phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng khả năng xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người, các tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua mảnh văng, vết thương hở, cũng như đường thở và tiêu hóa.
Tuy nhiên, uranium nghèo sau khi tự cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.
Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International
Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây tác hại với
cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.
Trong khi đó, Chủ
tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin hôm 21/3 cho biết
việc Anh cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev sẽ làm leo thang cuộc xung
đột hiện tại và trở thành mối đe dọa đối với toàn châu Âu.
Nghị sĩ Nga lưu ý thêm, quyết định này cũng có thể là bước đệm để Kyiv tiến tới sử dụng “bom bẩn” hoặc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Bom thông minh Quicksink: Cách một chiếc F-15 đánh chìm một con tàu chở hàng khổng lồ trong 40 giây
Loại bom này nhằm cung cấp cho Không quân Hoa Kỳ khả năng tiêu diệt đối phương chỉ sau một phát bắn, giống như ngư lôi Mk-48 của lực lượng tàu ngầm Hải quân Hoa Kỳ.
Người được gọi là cha đẻ của lực lượng không quân Hoa Kỳ, Tư lệnh Phòng không Billy Mitchell là người đã chứng minh khả năng của chiến đấu cơ trong việc đánh chìm các tàu lớn của đối phương. Điều này diễn ra vào ngày 21 tháng 7 năm 1921, khi các phi công của tướng Mitchell, sau khi thả sáu quả nặng bom với trọng lượng 906 kg mỗi quả, đánh chìm thiết giáp hạm Ostfriesland nặng 22.448 tấn của Đức – trong Trận chiến Jutland trong Thế chiến thứ nhất – qua đó chứng minh rằng máy bay có thể đánh chìm các tàu chủ lực. Tuy nhiên, nhiều tranh cãi xung quanh thành tích này bởi tàu Ostfriesland đang thả neo và không thể điều động, cũng như không có hỏa lực phòng không phòng thủ để cản trở các cuộc tấn công từ trên không.
Đến Thế chiến thứ hai, chiến đấu cơ đã nhiều lần thể hiện khả năng đánh chìm thiết giáp hạm trong điều kiện thời chiến thực tế, mặc dù thiết giáp hạm có thể vừa cơ động vừa thiết lập phòng thủ hỏa lực. Có thể cho rằng ví dụ kịch tính và hiệu quả nhất về việc máy bay ném bom đánh chìm một thiết giáp hạm diễn ra tại Chiến dịch Catechism vào ngày 12 tháng 11 năm 1944, khi các máy bay ném bom RAF Lancaster, mang theo bom động đất Tallboy nặng 5.400 kg, đã tấn công tàu chiến Tirpitz nặng 42.200 tấn của Hải quân Đức quốc xã và trúng hai quả trực tiếp cùng với một quả suýt trượt, khiến con tàu bị lật và chìm nhanh chóng, với ước tính số người thiệt mạng dao động từ 950 đến 1.204 người.
Thời gian và công nghệ đã cho phép tạo ra thế hệ chiến tranh chống hạm tiếp theo. Chương trình Quicksink đã tạo ra một quả bom thông minh về cơ bản là sự lặp lại của 2.000-lb. Đạn tấn công trực tiếp chung, do Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân phát triển dưới dạng Trình diễn công nghệ khả năng chung tạo ra khả năng đánh bại tàu mặt nước, chi phí thấp, được vận chuyển bằng đường hàng không cho chiến binh… Công nghệ này sử dụng một bộ hướng dẫn hiện có được tích hợp với thiết bị tìm kiếm mới để nhanh chóng thể hiện khả năng với chi phí tối thiểu… Thiết bị tìm kiếm WOSA cũng cho phép đưa công nghệ này vào nhiều hệ thống vũ khí hiện tại và tương lai, đồng thời cho phép chúng tấn công các mục tiêu hàng hải tĩnh và di động.
Loại bom này nhằm cung cấp cho Không quân Hoa Kỳ khả năng tiêu diệt đối phương chỉ sau một phát bắn, giống như ngư lôi Mk-48 của lực lượng tàu ngầm Hải quân Hoa Kỳ.
“Con tàu chở hàng khổng lồ” được sử dụng để trình diễn là tàu chở hàng rời Courageous, có tổng trọng tải 30.046 tấn. Tiêm kích được sử dụng trong lần thả bom này F-15E Strike Eagle, tức một máy bay ném bom chiến đấu thực hiện nhiệm vụ của nhiều máy bay ném bom hạng nặng trong thế kỷ trước. Sự kiện diễn ra ở Vịnh Mexico và được cho là vụ chìm tàu diễn ra trong vòng 40 giây kể từ thời điểm va chạm ban đầu.
Như một cộng tác viên cấp cao của Forbes đã viết trong một bài báo xuất bản vào tháng 5 vừa qua, “Sau cuộc trình diễn bắn đạn thật gây kinh ngạc ở Vịnh Mexico, quả bom QUICKSINK mới của Mỹ, một cuộc Trình diễn công nghệ năng lực chung, đã sẵn sàng nhắm vào đội quân hùng hậu, hiếu chiến và tàu quân sự vũ trang hạng nhẹ của Trung Quốc.
Bom QUICKSINK của Mỹ đã lấp đầy một chỗ trống đã lâu. Trong nhiều năm, cả Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ đã phải vật lộn để đối phó với hàng loạt tàu chính phủ được trang bị vũ khí hạng nhẹ và tàu dân sự lưỡng dụng của Trung Quốc. Thường khó kiểm soát, ngăn chặn hoặc đánh chìm, những chiếc thuyền này của Trung Quốc thường được sử dụng, thành đội hàng trăm chiếc, để đạt được các mục tiêu hàng hải của Trung Quốc hoặc trực tiếp hỗ trợ hành động quân sự.
Máy bay quân sự Nga lại bị chặn khi bay qua Biển Baltic
Reuters đưa tin, 3 máy bay quân sự không có tín hiệu thu phát sóng của Nga đã buộc phải quay đầu khi bay trong không phận quốc tế trên vùng Biển Baltic vào hôm 26/4.
Theo Lực lượng không quân Đức, 2 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 và một máy bay Ilyushin IL-20 của Nga đã bị các tiêm kích của Anh và Đức phối hợp ngăn chặn trong lúc họ tuần tra chung nhằm bảo vệ không phận của NATO.
Đây không phải là lần đầu các máy bay Nga bay gần không phận NATO và bị xua đuổi. Trước đó vào ngày 17/4, các máy bay chiến đấu của Không quân Đức và Không quân Hoàng gia Anh đã thực hiện một nhiệm vụ chung là đánh chặn máy bay Nga đang bay qua Vịnh Phần Lan và Biển Baltic trong một nhiệm vụ rõ ràng là để thu thập các thông tin tình báo.
Ngoại trưởng Séc đáp trả gay gắt: Lavrov là thằng hề, còn Nga là khủng bố
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc, Jan Lipavsky, đáp lại những bình luận của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov về tổng thống Séc, đã gọi nhà ngoại giao Nga là một chú hề và Nga là một quốc gia khủng bố.
Ngoại trưởng Lipavsky đã viết trên Twitter của mình rằng “những tuyên bố của tên hề Lavrov về Tổng thống Pavel của chúng tôi đơn giản là lố bịch”.
Nhà ngoại Séc nhấn manh: “Nga là một quốc gia khủng bố, và lãnh đạo của họ phải xuất hiện trước tòa án quốc tế”.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Politico, Tổng thống Cộng hòa Séc, Petr Pavel, bày tỏ niềm tin rằng không thể tin tưởng Trung Quốc với tư cách là trung gian hòa giải trong việc thiết lập hòa bình giữa Nga và Ukraina, vì Bắc Kinh sẽ có lợi nếu tiếp tục chiến tranh.
Bên cạnh Cộng hòa Séc, các quốc gia khác cũng nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hòa giải, do “tình bạn không giới hạn” với Nga.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói bình luận của Tổng thống Séc là ‘không tuân thủ các quy tắc chính trị’.
Nam Phi nói sẽ rời ICC sau lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin
Chính phủ Nam Phi một lần nữa quyết định sẽ rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố hôm thứ Ba. Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp được tổ chức tại thành phố Durban, của Nam Phi, hội nghị này đã gặp phải một vấn đề hậu cần do ICC đang muốn bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo tổng thống Nam Phi, quyết định này đã được đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đưa ra sau một cuộc họp cuối tuần.
“Vâng, đảng cầm quyền đã đưa ra quyết định rằng Nam Phi nên rút khỏi ICC một cách thận trọng”, ông Ramaphosa cho biết sau cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, người đang có chuyến thăm ngoại giao tới Pretoria. “Phần lớn là do cách mà ICC được coi là đang giải quyết (những) vấn đề này”. Ramaphosa đang đề cập đến cái mà ông gọi là “sự đối xử bất công” đối với một số quốc gia bởi Tòa án Hình sự Quốc tế.
Nam Phi lần đầu tiên cố gắng rút khỏi ICC vào năm 2016, nhưng động thái này đã bị thu hồi sau phán quyết của Tòa án tối cao cho rằng nó vi hiến.
Quyết định đó được đưa ra sau khi nước này bị phát hiện đã vi phạm nghĩa vụ của mình đối với ICC khi không bắt giữ cựu tổng thống Sudan Omar al-Bashir trong chuyến thăm nước này vào năm 2015 để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Phi. Cựu lãnh đạo Sudan đang đối mặt với cáo buộc diệt chủng trước tòa liên quan đến cuộc xung đột Dafur kéo dài.
Thông báo mới nhất được Nam Phi đưa ra sau khi ICC ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3. Tòa án cáo buộc Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân cho việc trục xuất và chuyển giao bất hợp pháp trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraina sang Nga.
Nam Phi, là thành viên của BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới trong đó có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc.
Khi được hỏi hôm thứ Ba, liệu Pretoria có bắt giữ Tổng thống Nga Putin khi ông đến nước này hay không, ông Ramaphosa cho biết vấn đề “đang được xem xét”. Tuy nhiên, thư ký đảng của ông Fikile Mbalula nói rằng Putin được chào đón ở nước này bất cứ lúc nào và ICC chỉ phục vụ “lợi ích của một số ít ”.
Đầu tháng này, Ramaphosa thông báo rằng ông sẽ cử một phái đoàn tới Washington để làm rõ lập trường “không liên kết” của mình đối với Putin và tình hình ở Ukraina.