Đà Lạt, một mùa xuân
Thuỷ chạy đến nhà tôi buổi chiều muộn, hớn hở:
–
Công ty của anh tao có chuyến chiêu đãi nhân viên đi Đà Lạt năm ngày,
mà phút cuối anh tao và bà chị dâu bận việc nên nhường hai chỗ cho tụi
mình, mày muốn đi không?
Ôi, Đà Lạt, thành phố mộng mơ mà tuổi mười tám tôi chưa hề bước chân đến đó. Tôi thích lắm, hỏi Thuỷ:
– Bất ngờ quá, dĩ nhiên là đi rồi, nhưng tụi mình phải chuẩn bị gì đây, ngày nào lên đường, liệu có ảnh hưởng chuyện đi học?
Thủy hào hứng:
–
Đi vào cuối tuần này, tụi mình chỉ nghỉ học 3 buổi, bây giờ sắp Tết, đi
học cũng chẳng học gì đâu, thầy cô cũng thoải mái. Mình đi theo đoàn,
được miễn phí tiền xe và tiền nhà nghỉ, đâu dễ gì có dịp khác.
Tối
hôm đó, sau khi tôi xin phép gia đình, hai đứa bàn bạc đủ thứ chuyện và
chuyện tài chánh eo hẹp của tuổi học trò cũng làm chúng tôi tính toán
kỹ lưỡng. Vì muốn chụp thật nhiều hình cho chuyến đi mà không phải tốn
tiền nhiều, chúng tôi quyết định mua hai cuộn phim trắng đen Kodak, thay
vì một cuộn phim màu rất đắt tiền, khi lên tới Đà Lạt sẽ tìm một người
chụp hình, nhờ họ chụp, trả tiền công, rồi đem về Sài Gòn rửa tại các
tiệm chụp hình.
Vừa
đến thành phố sương mù, nhận phòng là hai đứa tôi xuất phát ra đường vì
muốn tận hưởng từng phút từng giây vẻ đẹp của Đà Lạt. Cao nguyên những
ngày gần Tết thật lạnh nhưng rất thú vị theo từng cơn gió rít, chúng tôi
được dịp diện áo khoác áo măng tô mà ở Sài Gòn chưa có cơ hội. Bước qua
khu đồi nhà nghỉ là xuống con dốc, đi bộ vài trăm mét là đến trung tâm
chợ Đà Lạt, chưa kịp ngắm phố phường xung quanh thì bốn năm người thợ
chụp hình đã vây đến, chào hỏi chúng tôi chụp hình. Tôi nói với Thuỷ:
–
Tụi mình ra góc chợ uống sữa đậu nành nóng rồi từ từ quan sát, chọn một
thợ chụp hình mà mình tin tưởng và nói chuyện… giao kèo.
Vừa uống sữa, Thuỷ chỉ tay về phía bên kia đường:
– Hay là mình chọn anh chàng kia đi, nhìn anh ta trẻ trung nhanh nhẹn hơn mấy ông sồn sồn hồi nãy…
– Và đẹp trai nữa chứ!
–
Hứ! Thì đó chỉ là một phần, cái chính là trẻ trung, mới đủ… sức khoẻ và
vui vẻ trèo đèo xuống thung lũng với tụi mình cả ngày được.
Hai
đứa tiến tới, anh chụp hình nhìn chúng tôi với một nụ cười chào hàng
rất có duyên và thân thiện (ui chao, hễ ai có răng khểnh giống tôi là
tôi có cảm tình liền hà!). Sau khi nghe chúng tôi trình bày, anh giới
thiệu tên là Quang, đồng ý chấp nhận giá cả, chỉ thêm một điều kiện là
tại các nơi thoả thuận, như Hồ Xuân Hương, Thác Cam Ly, Thung Lũng Tình
Yêu, Đồi Cù… chúng tôi phải chịu khó chờ anh ấy chụp hình cho những
người khách du lịch khác nữa (anh ấy đeo 3 máy trên mình, trong đó một
máy chụp riêng hai cuộn phim chúng tôi).
Phải
công nhận anh ấy nhiệt tình, hẹn nhau chụp hình bốn buổi của hai ngày,
mỗi lần đến chỗ hẹn là anh ấy luôn đứng chờ sẵn, nụ cười tươi rói túc
trực trên môi. Anh hướng dẫn chúng tôi chụp đủ kiểu dáng, góp ý bối cảnh
không thiếu góc chụp nào. Đáp lại, chúng tôi thong thả ngắm cảnh trong
khi chờ anh ấy bận rộn ngang dọc quay cuồng với những du khách khác, và
lần nào xong chúng tôi cũng mua cho anh ấy ly nước, miếng bánh như lời
cám ơn.
Trước khi đến ngày hẹn giao phim, Thuỷ bỗng lo lắng:
–
Ê, có khi nào anh ta… lừa tụi mình không? Anh ta làm bộ chụp bấm ào ào,
rồi đưa mình cuốn phim hư cũ, làm sao mình biết được? Coi như anh ta
vừa được tiền công vừa được hai cuốn phim mới, ngon lành!
Tôi cũng đâm lo:
– Thì lỡ leo lưng cọp phải chịu chớ sao! Tự dưng mày làm tao cũng bắt đầu lây rồi nè, lo thật!
Hôm
sau, đến nơi, anh ấy trao cho chúng tôi hai cuộn phim và bất ngờ tặng
thêm tấm hình màu của hai đứa chụp chung và riêng mỗi đứa một tấm hình
màu:
– Tặng hai cô mấy tấm hình màu làm kỷ niệm xứ sương mù nhé, hai cô thiệt… dễ thương!
Tôi nhanh nhẩu:
– Ủa, anh chụp mấy tấm này lúc nào mà tụi tui không biết?
Anh ấy có vẻ mắc cỡ:
– Có mấy lúc thấy hai cô làm dáng xuất thần quá, tôi liền cảm xúc chuyển qua máy của tôi vì hình màu sẽ đẹp hơn nhiều.
Nhỏ Thuỷ làm tới:
– Vậy là anh vi phạm hợp đồng rồi nhé, chụp ảnh người ta ngoài dự định mà hổng… xin phép!
Thấy anh ấy bối rối, tội nghiệp quá chừng, tôi phải nhảy ra cứu:
–
Nhưng ba tấm hình này quá đẹp, đúng như anh nói, nhìn hai đứa tôi rất
tự nhiên và… dễ thương hết sức nên chúng tôi chịu… nhận, và không làm
khó dễ anh nữa!
Sau khi trả tiền, nói lời cám ơn và chia tay, về nhà nghỉ, Thuỷ quả quyết:
– Vậy là anh ta lừa mình rồi Loan ơi!! Anh ta tặng mấy tấm hình màu để… nhẹ tội và mình khỏi nghi ngờ đó.
–
Mày đa nghi quá, mà tao thấy anh ấy rất chân tình, dễ mến, yêu nghề say
sưa, chỉ dẫn tụi mình từng li từng tí, sửa từng lọn tóc trên trán, cách
đứng tạo dáng bên hồ, bao giờ đúng ý anh ấy mới chụp. Chưa kể anh ấy
không ngại ngần giúp đẩy hai đứa lên yên ngựa chiều theo ý tụi mình muốn
làm gái “cao bồi” khi đứa nào cũng lóng nga lóng ngóng vì con ngựa quá
cao, rồi đến Thác Cam Ly mày suýt té vì đôi dép lưới bị vướng cây dại,
nếu không có anh ta đỡ thì giờ này chắc mày còn nằm ở bệnh viện chớ còn
thời giờ mà ngồi đây nghi ngờ lung tung.
–
Tao vẫn biết thế, nhưng sao cũng vẫn lo lo. Thời buổi này kẻ xấu thiếu
gì, mình lại là khách phương xa, chắc gì gặp lại lần thứ hai, nên họ
cũng có đủ cách lừa đảo.
– Mà thôi, chúng mình chờ hạ hồi phân giải.
Buổi sáng ngày tạm biệt Đà Lạt, hai đứa vừa bước qua chợ, gặp ngay chàng chụp hình ngay cổng chợ, mừng rỡ:
– Chào hai cô, hôm nay hai cô về Sài Gòn phải không?
– Đúng vậy anh ạ, xe chờ ở cuối đường, cho mọi người một tiếng để đi chợ.
– Hai cô mua sắm xong chưa?
–
Tụi tôi đã mua xong từ hôm qua, giờ chỉ ra đây uống sữa đậu nành và
ngắm núi đồi Đà Lạt lần cuối trước khi về với Sài Gòn nắng bụi. Mà anh
đứng đây… chờ tụi tôi hả?
Anh thợ chụp hình bối rối:
– Đâu có! Tui ra đây tìm… khách chụp hình, hay là mời hai cô vào quán uống sữa nhé?
Nhỏ Thuỷ ghé vào tai tôi, thì thào:
– Thấy chưa, khi không anh ta mời mình đi uống sữa làm gì cho tốn tiền, chắc là “chôm” hai cuốn phim Kodak của chúng mình rồi.
Vào quán, nói loanh quanh chuyện Đà Lạt, anh ấy bắt chuyện:
– Lần đầu đến nơi đây, hai cô có sợ lạnh không?
Tôi mơ mộng:
–
Không anh ạ, trái lại là rất mê khí hậu Đà Lạt, chiều qua tụi em đi dạo
khắp các con đường xung quanh nhà nghỉ, ngắm những ngôi nhà bé bé xinh
xinh có giàn hoa nơi cổng, dọc theo mấy ngọn đồi, đẹp như khung cảnh của
xứ Châu Âu xa xôi, tuyệt vời lắm.
– Còn cô Thuỷ, sao không nói gì?
Nhỏ Thuỷ đỏ mặt:
– Tôi hả, tôi sẽ nhớ lúc đi lễ nhà thờ Con Gà, và cà phê nhà hàng thủy tạ ở Hồ Xuân Hương.
Anh ấy nháy mắt:
– Vậy là hai cô thích bài hát “Thành Phố Buồn” của Lam Phương có Đà Lạt “tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương”.
Tôi cãi lại:
–
Không hề anh ạ! Bài hát đó nghe buồn quá, dành cho mấy người lớn tuổi,
thất tình, còn tụi em mới bước vào tuổi… yêu đời, ở Sài Gòn bây giờ các
chàng trai thiếu nữ chỉ mê mẩn bài hát Mimosa của Đà Lạt mà thôi.
Anh ấy gật gù, bỗng cất giọng ngân nga:
– Mimosa… vì sao em tới, Mimosa… vì đâu em đến nơi này, Đà Lạt đồi núi chập chùng, Đà Lạt trời mây nước mênh mông?
Trời
ơi! Hễ đến câu “Mimosa, từ đâu em tới” là anh nhìn lần lượt hai đứa
chúng tôi, đến khi ảnh nhìn tôi, ánh mắt chan chứa tình cảm, như là đang
hỏi… tôi vậy á!
Tôi reo lên:
– Ôi, anh hát hay quá, lẽ ra anh nên làm ca sĩ mới phải.
Nhỏ Thuỷ lườm tôi:
– Tại mày ca dở nên thấy ai hát cũng hay.
Bỗng anh hỏi:
–
Tôi thỉnh thoảng cũng lên Sài Gòn, hai cô ở đâu, nếu không có gì phiền
hà thì cho tôi địa chỉ để tiện dịp tôi ghé thăm được không?
Tôi
và Thuỷ nhìn nhau, mấy cái vụ “cho anh xin số nhà” này ở Sài Gòn tụi
tui gặp hoài, thường là chúng tôi từ chối, vì mấy thằng bạn chung lớp
chung trường gạt ra còn không hết, kết thêm bạn mới làm gì, nhưng lần
này nhìn vào mắt anh ấy, có gì đó níu kéo, thúc đẩy, làm tôi mềm lòng
nhưng tôi không dám trả lời vì sợ nhỏ Thuỷ lại lườm tôi, ai dè nó còn
mau mắn hơn tôi:
– Anh cứ đến Gò Vấp, hỏi Ngã Năm, rồi hỏi nhà máy Z.751 và hỏi hai tên này là tìm ra tụi tôi.
Thủy bắt anh “hỏi” mấy lần. Tôi tội nghiệp gỡ rối:
– Vì khu Z.751 chỉ có xóm nhỏ của tụi tôi, ai cũng biết nhau.
Trên xe trở về Sài Gòn, tôi hỏi Thuỷ:
– Nhà ngươi nghi ngờ người ta, sao còn chỉ đường tìm nhà làm gì?
Cô nàng ngượng ngùng chẳng dám trả lời. Tôi tiếp:
–
Mày một vừa hai phải thôi! Anh ấy tặng mình ba tấm hình màu, giá không
rẻ đâu nhe, rồi bữa nay mất hai ly sữa đậu nành và hai tô bún bò Huế,
rồi anh ấy còn mất cả buổi sáng ngồi quán nói chuyện với mình, thì hai
cuộn phim Kodak cũng chưa đủ cho anh ấy lấy lại vốn, thậm chí còn lỗ là
đằng khác, ở đó mà nghi ngờ người ta.
Về
tới Sài Gòn, chúng tôi đem phim đi rửa, nhưng phải chờ hai tuần mới có
hình. Nôn nao, hồi hộp, lo sợ, rồi cũng đến ngày lấy hình. Các tấm hình
đều đẹp, như ý, và đầy đủ không thiếu tấm nào. Hai đứa ngồi ngay công
viên Nhà Thờ Đức Bà ngắm nghía xuýt xoa từng tấm hình. Nhỏ Thuỷ sau khi
vài chục lần xem hết xấp hình, ngước lên nhìn tôi, mơ màng:
– Thì ra tao đã vu oan giá hoạ cho “người ta” …
Tôi được dịp chì chiết nó:
–
Tao đã bảo rồi, “nhìn mặt mà bắt hình dong” thì anh ấy không thể nào là
loại người lừa đảo, hơn nữa, chính mày là người lựa chọn anh ấy ngay từ
phút đầu, phải không?
Suốt đoạn đường đạp xe về nhà, nhỏ Thuỷ cứ tủm tỉm cười, đôi má ửng hồng, có lúc còn e thẹn, ngập ngừng hỏi tôi:
– Tụi mình nói anh ấy đến khu Z.751, liệu ảnh có tìm ra không nhỉ?
Còn
tôi ư, tôi còn nhớ cả khuôn mặt anh vừa chạy vừa vẫy tay chào chúng tôi
khi chiếc xe lăn bánh rời Đà Lạt. Nhưng anh Quang ơi, anh thích ai
trong hai đứa chúng tôi, chả lẽ anh thích…cả hai đứa, chả lẽ anh tặng
hình màu, rồi bỏ thời gian “vô tình” gặp chúng tôi buổi sáng chia tay,
mời đi uống sữa, ăn sáng, rồi xin điạ chỉ ở Sài Gòn, để muốn thăm… cả
hai đứa??
Tôi
lắc đầu, chẳng muốn nghĩ ngợi xa xôi, nhưng thật sự cầu mong “anh cứ
hẹn nhưng anh đừng đến nhé”, để tôi mãi được thấy nhỏ Thuỷ bạn tôi xinh
tươi “má đỏ môi hồng” khi nhớ về Đà Lạt, và để tôi giữa trời Xuân nắng
hiu hiu của Sài Gòn, lòng vẫn phơi phới rạo rực, tiếp tục những vần thơ
còn dở dang:
Tôi đến Đà Lạt một chiều Xuân
Bên thác Cam Ly dừng bước chân
Có ai theo tôi từng con dốc
Mai tôi về, Sài Gòn bâng khuâng!
Kim Loan
Thân chuyển
Lương Phúc Thọ CVA65