̣Điểm báo Pháp ngày 21-11-2015
Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc về tranh chấp biển đảo tại Biển Đông, Manila, ngày 12/11/2015.REUTERS/Ezra Acayan
Theo RFI
Đăng ngày 21-11-2015
Tổng thống Obama thách thức Trung Quốc ở Đông Nam Á
Bằng những lời lẽ rắn chắc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trấn an các đồng minh Philippines và Malaysia. Giống như Việt Nam, những nước này đang lo ngại trước tham vọng bành trướng biển đảo của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông.
Trên chiến hạm Gregorio del Pilar của Philippines, trước thuộc hải quân Hoa Kỳ, Tổng thống Obama phát biểu : « Chúng tôi có một thỏa thuận, một cam kết quốc phòng vững chắc với Philippines. Các bạn có thể tin chúng tôi ».
Theo phóng viên của báo Le Figaro tại Thượng Hải, đây là một kịch bản được cố ý giàn dựng chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế APEC, một mặt, nhằm khẳng định quyết tâm của Washington trước sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông ; mặt khác, nhằm động viên các đồng minh của Mỹ vững tâm tin vào Washington trong khi Trung Quốc không ngừng bồi đắp các đảo nhân tạo để đòi chủ quyền trong khu vực.
Để bảo vệ “quyền tự do hàng hải” và “an ninh” của vùng Biển Đông, ngoài những lời phát biểu, Tổng thống Mỹ còn đưa ra nhiều hành động, mà gần đây nhất là khoản chi 259 triệu đô la để hiện đại hóa hải quân của các nước đồng minh trong khu vực.
Trước đó, vào tháng 10/2015, với lý do tự do hàng hải, khu trục hạm USS Lassen đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xubi (Subi Reef) khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc liên tục bồi đắp bãi đá đang có tranh chấp với Philippines thành một hòn đảo dài 3 km với một phi đạo trên đảo. Tiếp theo là một đợt bay tuần tra của chiến đấu cơ B-52. Chiến lược của người đứng đầu Nhà Trắng là tập trung lực lượng quân sự của Mỹ trên khu vực Thái Bình Dương và để kiềm chế Trung Quốc. Giáo sư Chu Phong (Zhu Feng), thuộc đại học Nam Kinh, đánh giá : « Đây là sự thị uy lực lượng nhắm vào Bắc Kinh. Tự do hàng hải chỉ là cái cớ ».
Sau hàng loạt hành động mạnh tay, Tổng thống Mỹ mở chiến dịch tấn công ngoại giao vào tuần này trong khuôn khổ chuyến công du của ông tại Đông Nam Á, kết thúc hôm nay tại Kuala Lumpur nhân hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Từ Malaysia, một nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, một lần nữa, ông Obama kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt” việc xây đảo nhân tạo.
Thế nhưng, những nỗ lực ngoại giao này có vẻ đơn độc vì theo yêu cầu của Bắc Kinh, Diễn đàn APEC không đề cập đến chủ đề nhức nhối này. Bản dự thảo thông cáo chung thượng đỉnh ASEAN với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng sẽ không nêu lên tranh chấp biển đảo.
Từ vài tuần nay, ngành ngoại giao Trung Quốc đã tung ra chiến dịch “quyến rũ” để trấn an các nước láng giềng ngày càng lo ngại trước những khẳng định chủ quyền lãnh thổ dựa vào các hoạt động bồi đắp đảo nhân đạo. Chủ tịch Tập Cận Bình cố mang lại hình ảnh một Trung Quốc hòa giải trong chuyến công du Việt Nam vào đầu tháng 11, trước khi bắt tay với Đài Loan trong cuộc hội ngộ lịch sử tại Singapore.
Tại thủ đô Manila, người đứng đầu Trung Quốc nở nụ cười thân thiện và thêm vài câu bông đùa khi bắt tay với Tổng thống nước chủ nhà thượng đỉnh APEC Benigno Aquino. Manila vừa ghi một điểm trước Bắc Kinh, sau khi Tòa Trọng tài La Haye tuyên bố có đủ thẩm quyền để xem xét những đòi hỏi chủ quyền của Philippines tại quần đảo Trường Sa (Spratlys).
Vừa nở nụ cười tươi, vừa đưa ra những lời đe dọa, Trung Quốc biết cách lợi dụng những bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia thành viên khối ASEAN. Trước thềm hội nghị Apec, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố : « Trung Quốc có quyền và khả năng » chiếm lại những hòn đảo bị các nước khác chiếm dụng bất hợp pháp, nhưng « chúng tôi đã không làm như vậy. Chúng tôi đã tỏ ra kiềm chế để bảo vệ hòa bình và ổn định ».
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực đang được các nước theo dõi chặt chẽ, như một dấu hiệu về tương quan lực lượng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trước vấn đề ưu thế trong khu vực. Giáo sư Chu Phong (Zhu Feng) kết luận : « Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không muốn đối đầu. Nhưng Trung Quốc sẽ không lùi bước. Như vậy, nguy cơ đối đầu sẽ nghiêm trọng hơn. Và điều này đáng lo ngại cho tương lai ».
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực đang được các nước theo dõi chặt chẽ, như một dấu hiệu về tương quan lực lượng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trước vấn đề ưu thế trong khu vực. Giáo sư Chu Phong (Zhu Feng) kết luận : « Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không muốn đối đầu. Nhưng Trung Quốc sẽ không lùi bước. Như vậy, nguy cơ đối đầu sẽ nghiêm trọng hơn. Và điều này đáng lo ngại cho tương lai ».
Chống Daech, nước Pháp đơn độc
Trở lại chủ đề loạt khủng bố tại Paris, các nhật báo và tuần báo Pháp vẫn tiếp tục phân tích mọi khía cạnh hậu khủng bố, cũng như những biện pháp an ninh mà Paris đưa ra để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Thế nhưng, theo bài xã luận của tờ Le Figaro, dường như « Nước Pháp đơn độc » trong cuộc chiến này.
Bị truy đuổi trên khắp mặt trận, thậm chí ngay trên lãnh thổ Pháp, và mới đây là trên vùng đất Châu Phi, nước Pháp đang nhận ra là đang bị lún sâu trong một cuộc chiến toàn diện : từ thô sơ tới phức tạp, từ quân sự tới hệ tư tưởng, trên quy mô thế giới hay ngay trên lãnh thổ. Thế nhưng, nước Pháp đang đơn độc trên cuộc chiến chống lại một kẻ thù “muôn hình vạn trạng”, một hiểm họa vượt quá khả năng của nước Pháp về quy mô và bản chất.
Các nước Châu Âu tuyên bố sánh vai cùng với nước Pháp, cùng đưa ra những quyết định hợp lý. Họ hứa kiểm tra đường biên giới bên ngoài, phối hợp các cơ quan tình báo thường bị quá tải, chống tình trạng buôn lậu vũ khí từng bị lơ là và cuối cùng là lập danh sách hành khách đi đường hàng không, dự án này bị ngừng từ bốn năm nay vì những lý do tư pháp…
Song, Le Figaro nhấn mạnh rằng các nước láng giềng hay đối tác của Pháp không ở trong tình trạng chiến tranh. Rất nhiều nước tin là có thể tránh được hành động khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay al Qaida nếu can thiệp ít nhất có thể được. Họ không đưa quân tới nước Trung Phi hay khu vực sa mạc Sahel, bất chấp « điều khoản tương trợ » mà Paris kêu gọi.
Sau vụ khủng bố tại thủ đô Bamako, Mali, các nước này sẽ còn nhụt chí hơn. Sau gần ba năm chiến đấu ác liệt, hòa bình vẫn chưa được lập lại tại Mali. Còn nước Pháp, vì tham chiến tại đây, lại trở thành một ác quỷ Satan trong con mắt của lực lượng thánh chiến Hồi giáo trên toàn thế giới. Nước Pháp đang phải trả giá cho việc quân đội Mỹ rút lui tại đây mà chẳng mất mát gì. Ngoài nguy cơ khủng bố, Paris còn đang hứng thêm sự đơn độc trong cuộc chiến này.
Hậu khủng bố : Một nhà nước Pháp với hai ý niệm
Nước Pháp vừa trải qua một tuần kinh hoàng và đau khổ nhất trong lịch sử. « Thế bạn đã ổn hơn chưa ? » là câu hỏi trên trang nhất của nhật báo Libération. Giữa sợ hãi và tức giận, giữa cảnh tang tóc và hy vọng…, tờ báo khuynh tả giành 19 trang để “bắt mạch” một đất nước bị rung chuyển, mong manh nhưng vẫn đứng vững.
Kết quả phân tích những câu trả lời cho câu hỏi trên cho thấy một nước Pháp « đa nghi » đang chiếm ưu thế. Những lời chỉ trích về khối Schengen, kêu gọi lập lại đường biên giới lãnh thổ là ý kiến được đưa ra nhiều nhất, vì với nhiều người Pháp, những kẻ sát nhân đã được tự do đi lại từ nước này sang nước khác. Ngoài ý kiến trên, còn phải kể tới ý kiến phản đối quyền tị nạn và việc tiếp nhận người nhập cư, đồng thời đòi tăng cường các biện pháp kiểm tra và theo dõi, mặc dù nếu thực hiện những biện pháp này, lý do an ninh sẽ lấn át quyền tự do cá nhân. Họ cũng đưa ra nhiều lời chỉ trích về việc từ chối “đánh đồng” tất cả người Hồi giáo như kẻ thù.
Thế nhưng, bên cạnh những lời nhận xét tiêu cực trên, còn có một nước Pháp khác đầy tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước, mà theo Libération cần phải được bảo vệ. Khác hẳn với tinh thần yêu nước trong quá khứ, qua những sự kiện trên, người ta nhận thấy lòng yêu nước của người dân vững chắc hơn. Người dân Pháp không chùn bước trước nỗi sợ mà vẫn tiếp tục cuộc sống cởi mở, thân thiện và bao dung. Họ tiếp tục bảo vệ quyền được tị nạn và những giá trị của nền Cộng hòa, như một nhà nước phi tôn giáo và tôn trọng mọi tôn giáo.
Hiện trong xã hội Pháp đang tồn tại hai ý niệm. Một bên gồm đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) phản đối các giá trị của nền Cộng hòa, cùng với một số báo chí muốn quay lại “nước Pháp khép kín” và một số trí thức mà từ vài năm gần đây vẫn cho rằng bản sắc quốc gia đang bị đe dọa.
Còn bên kia quy tụ những người tin vào một nhà nước cộng hòa cởi mở, vào một bản ngã tiến bộ. Họ tin tưởng vào bối cảnh Châu Âu và muốn đối mặt với quá trình toàn cầu hóa bằng những nguyên tắc phổ thông mà không dựa trên một sắc tộc hay một vùng lãnh thổ nào.
« Người Paris, dù một ngày hay mãi mãi »
Tuần báo L’Obs giành phần lớn số ra tuần này để tưởng niệm những nạn nhân của loạt khủng bố tại Paris và Saint Denis cách đây một tuần. Mở đầu là danh sách một số các nạn nhân, tờ báo viết « Họ là người Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Maroc, Chilê, Tây Ban Nha, Ý, Đức… Họ là tài xế, nghệ sĩ, sinh viên hay nhà báo… 130 người dân Paris, chỉ là một ngày hay mãi mãi, đã bị sát hại trong loạt khủng bố vừa qua ».
Ngoài ra, L’Obs còn đăng 10 điều về nhóm nhạc rock Eagles of Death Metal từ California, cũng là nạn nhân trong vụ khủng bố kinh hoàng nhất tại Bataclan, dù sống sót, nhưng vẫn chưa hoàn hồn. Và âm nhạc của nhóm trở thành liều thuốc chống sự cuồng tín.
Tiếp theo, hồ sơ mang tên : « Làm thế nào để chiến thắng Daech », tuần báo L’Obs phân tích thành năm chủ đề khác nhau : Chiến đấu, phá vỡ mạng lưới, bảo vệ người dân, kháng cự và thảo luận về những kẻ thánh chiến hay ý nghĩa các địa điểm bị tấn công.
Cuối cùng, tờ tuần báo cũng dành nói về lịch sử nhà hát huyền thoại Bataclan, mà theo miêu tả của Daech là « hàng nghìn fan tụ tập trong cuộc truy hoan đồi bại ». Thế nhưng, Bataclan là biểu tượng của 150 năm âm nhạc đại chúng Pháp, là nơi được mệnh danh là « Thánh địa Mecca của giải trí bình dân », nơi mà các ca sĩ nổi tiếng từng biểu diễn, từ Offenbach tới Stromae.
Sau Paris đến Bamako
Một cuối tuần không bình yên, hôm qua một nhóm khủng bố đã tấn công khách sạn Radisson Blu, tại thủ đô Bamako, Mali, khiến gần 20 người bị thiệt mạng.
Nhật báo Libération nhận định vụ tấn công trên thể hiện sự chia rẽ tại Mali và vượt quá khả năng của chính phủ. Từ giờ, người dân Mali lại càng nghi ngờ chính quyền và Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita.
Còn nhật báo Le Monde cho rằng Bamako phải hứng chịu đúng kịch bản vụ khủng bố ngày 07/03 vừa qua khi một nhóm vũ trang tấn công vào quán bar-nhà hàng La Terrasse, nơi có rất nhiều du khách nước ngoài thường lui tới.